Nghị quyết 20/NQ-CP năm 2018 về Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020
Số hiệu: 20/NQ-CP Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành: 28/03/2018 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/NQ-CP

Hà Nội, ngày 28 tháng 3 năm 2018

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ DỰ ÁN XÂY DỰNG MỘT SỐ ĐOẠN ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC TRÊN TUYẾN BẮC - NAM PHÍA ĐÔNG GIAI ĐOẠN 2017 - 2020

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 21 tháng 10 năm 2017 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020;

Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Xét đề nghị của Bộ Giao thông vận tải tại văn bản số 2054/BGTVT-ĐTCT ngày 01 tháng 3 năm 2018,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua một số đề xuất của Bộ Giao thông vận tải để triển khai Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 21 tháng 10 năm 2017 (Sau đây gọi tắt là Dự án), bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư:

1. Nguyên tắc, nội dung chi và quản lý Phần vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư như sau:

- Nguyên tắc chi: (i) Sử dụng vốn Nhà nước để thực hiện các hạng Mục công việc do cơ quan nhà nước tổ chức thực hiện; (ii) vốn Nhà nước phải được quản lý chặt chẽ phù hợp với quy định pháp luật.

- Nội dung chi: (i) Chi phí công tác tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị Dự án, thiết kế kỹ thuật, dự toán, tư vấn giao dịch, tư vấn kiểm định chất lượng trong quá trình thi công của cơ quan nhà nước; chi phí của Ban quản lý dự án thuộc Cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chi phí rà phá bom mìn, vật nổ; chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư và các chi phí khác thuộc trách nhiệm của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, (ii) Hỗ trợ một Phần chi phí xây dựng công trình để đảm bảo tính khả thi về tài chính; mức hỗ trợ sẽ được tính toán cụ thể trên cơ sở phương án tài chính của từng dự án.

- Quản lý Phần vốn đầu tư của Nhà nước: (i) Các nội dung chi cho các hạng Mục công việc do cơ quan nhà nước thực hiện, quản lý theo quy định của Luật đầu tư công, (ii) Phần vốn đầu tư của Nhà nước hỗ trợ một Phần chi phí xây dựng công trình để đảm bảo tính khả thi về tài chính, quản lý theo quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ; sau khi đã giải ngân hết 50% vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư và đủ Điều kiện giải ngân Phần vốn vay sẽ thực hiện giải ngân song song theo tỷ lệ Phần vốn đầu tư của Nhà nước, vốn vay thương mại và vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trên cơ sở khối lượng thực hiện, được nghiệm thu, được quy định cụ thể tại hợp đồng dự án.

2. Vốn chủ sở hữu nhà đầu tư tham gia Dự án tính toán trong báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ mời thầu với tỷ lệ 20% tổng vốn đầu tư.

3. Mức lợi nhuận trên Phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khi tính toán phương án tài chính để phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư bằng mức lợi nhuận trung bình trên Phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư ở các dự án BOT đường bộ đã triển khai trong thời gian vừa qua; mức lợi nhuận chính thức của nhà đầu tư được xác định thông qua đấu thầu cạnh tranh.

4. Triển khai lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình làm cơ sở xác định tổng vốn đầu tư và phương án tài chính trong hồ sơ mời thầu đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để kiểm soát chặt chẽ hơn chi phí đầu tư.

5. Việc lựa chọn nhà đầu tư phải qua đấu thầu; trường hợp chỉ có 01 nhà đầu tư trúng sơ tuyển sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

6. Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) bổ sung vào dự thảo hợp đồng dự án trong hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư quy định “Nhà đầu tư vi phạm hợp đồng trong trường hợp sau 06 tháng không ký được hợp đồng tín dụng với ngân hàng, tổ chức tín dụng đủ Phần vốn vay theo quy định để triển khai dự án; Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng và hợp đồng hết hiệu lực”. Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất giải pháp xử lý.

7. Sử dụng giá trị vốn góp của Nhà nước thông qua đấu thầu là giá trị thanh toán cho nhà đầu tư. Trường hợp có Điều chỉnh, bổ sung hạng Mục do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định sẽ thanh toán theo quy định từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, nằm trong chi phí dự phòng khối lượng của Dự án. Việc thay đổi giải pháp kỹ thuật, áp dụng khoa học công nghệ mới dẫn đến kinh phí tăng - giảm do nhà đầu tư tự chịu hoặc được hưởng; Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm giám sát nội dung thay đổi giải pháp kỹ thuật, bảo đảm chất lượng công trình.

8. Bổ sung dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào danh Mục các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT; Thủ tướng Chính phủ kiện toàn Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT, bổ sung thành viên là Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có dự án đi qua.

9. Thành lập Tổ công tác liên ngành để hỗ trợ cơ quan nhà nước có thẩm quyền đàm phán, thực hiện dự án gồm đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT), Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp và địa phương nơi có dự án đi qua, có mời thêm một số chuyên gia (nếu cần thiết).

10. Đối với dự án Phan Thiết - Dầu Giây

a) Thủ tướng Chính phủ quyết định dừng triển khai Quyết định số 1597/QĐ-TTg ngày 26 tháng 10 năm 2012 về việc ban hành cơ chế quản lý, thực hiện dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thí điểm theo hình thức PPP và chấm dứt việc chỉ định Công ty TNHH tập đoàn Bitexco (Công ty Bitexco) là Nhà đầu tư thứ nhất thực hiện dự án. Giao Bộ GTVT thông báo với Ngân hàng Thế giới.

b) Bộ GTVT giao Công ty Bitexco tiếp tục thực hiện hoàn chỉnh, cập nhật báo cáo NCKT theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trước đây.

c) Bộ GTVT phối hợp Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính tổ chức xác định chi phí chuẩn bị dự án và chi phí cơ hội cho Công ty Bitexco, đàm phán với Công ty Bitexco theo 02 phương án sau để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định:

- Phương án 1 (Công ty Bitexco không tiếp tục tham gia đầu tư Dự án): Nhà nước sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho Dự án để thanh toán chi phí chuẩn bị dự án và Khoản chi phí cơ hội cho Công ty Bitexco ngay sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt.

- Phương án 2 (Công ty Bitexco tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư): Công ty Bitexco được hưởng ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 30/2015/NĐ-CP của Chính phủ; kinh phí chuẩn bị dự án nằm trong chi phí đầu tư của Dự án và được thanh toán bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho Dự án ngay sau khi có kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

11. Một số nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành và địa phương

a) Bộ GTVT: (i) Căn cứ quy mô từng dự án thành Phần, tổ chức thẩm định và quyết định đầu tư theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật; đối với Phần vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức PPP, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định trước khi phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi. (ii) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành văn bản quy định quy trình quyết toán hợp đồng đối với nhà đầu tư. (iii) Bộ GTVT và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, đề xuất phương án huy động vốn tín dụng cho dự án.

b) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành văn bản hướng dẫn các Điều kiện cụ thể để nhà đầu tư các dự án được tiếp cận, cung cấp vốn tín dụng, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định những vấn đề vượt thẩm quyền; đồng thời, phối hợp Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất phương án huy động vốn tín dụng cho dự án.

c) Bộ KH&ĐT ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về xác định vốn lưu động trong tổng vốn đầu tư dự án.

d) Bộ Tài chính ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về mức lợi nhuận trên Phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư; hướng dẫn thanh toán vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP, quyết toán công trình dự án hoàn thành.

đ) Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo thực hiện, rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đáp ứng tiến độ các Dự án.

e) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có dự án đi qua chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ các Dự án.

Điều 2. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên quan đến dự án tổ chức thực hiện các giải pháp nêu trên theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam căn cứ chức năng, nhiệm vụ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả trong tham mưu, đề xuất các giải pháp, biện pháp thực hiện Dự án; kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

- Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tấn, báo chí phối hp với Ban Tuyên giáo Trung ương, các bộ, ngành trung ương và địa phương tổ chức phổ biến, tuyên truyền rộng rãi chủ trương thực hiện Dự án trong các ngành, các cấp và nhân dân./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UB Giám sát tài chính quốc gia;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ l
ý, Thư ký Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, TGĐ Cổng Thông tin điện tử;
- Lưu: VT, CN (2b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG





Nguyễn Xuân Phúc

 

- Việc Thành lập Tổ công tác liên ngành tại Khoản này bị dừng bởi Điều 1 Nghị quyết 18/NQ-CP năm 2021

Điều 1. Thống nhất với đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc dừng thực hiện thành lập Tổ Công tác liên ngành tại khoản 9 Điều 1 Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Xem nội dung VB
- Điểm này được hướng dẫn bởi Thông tư 120/2018/TT-BTC

Thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, thanh toán phần vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án và quyết toán công trình dự án hoàn thành theo hình thức đối tác công tư thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
...
Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, thanh toán phần vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án và quyết toán công trình dự án hoàn thành theo hình thức đối tác công tư thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 (sau đây gọi tắt là dự án PPP) quy định tại Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 20/NQ-CP).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan, đơn vị được giao quản lý phần vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP (sau đây gọi tắt là Cơ quan được giao quản lý phần vốn đầu tư của Nhà nước), nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc triển khai thực hiện các dự án PPP thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 theo Nghị quyết số 20/NQ-CP.

Chương II QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Xác định lợi nhuận của nhà đầu tư

1. Bộ Giao thông vận tải xác định và chịu trách nhiệm về mức lợi nhuận của từng dự án PPP đảm bảo phù hợp với khung lợi nhuận do Bộ Giao thông vận tải ban hành theo quy định tại Khoản 2 Điều 73 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, làm cơ sở lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư.

2. Mức lợi nhuận quy định tại Khoản 1 Điều này được tính bằng lợi nhuận trung bình trên phần vốn chủ sở hữu (tính theo tỷ lệ %) của nhà đầu tư theo quy định tại Khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 20/NQ-CP. Lợi nhuận của Nhà đầu tư được tính từ thời điểm dự án PPP được cấp có thẩm quyền cho phép đi vào vận hành, khai thác.

3. Mức lợi nhuận của nhà đầu tư quy định tại hợp đồng dự án được xác định thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Trường hợp chỉ có 01 nhà đầu tư trúng sơ tuyển, Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chịu trách nhiệm báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định mức lợi nhuận của nhà đầu tư.

Điều 4. Phần vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP

1. Phần vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện các dự án PPP thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 20/NQ-CP.

2. Mức vốn Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí xây dựng công trình để đảm bảo tính khả thi về tài chính được xác định trên cơ sở kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP.

3. Phần vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP được bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 phân bổ cho các dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Điều 5. Quản lý thanh toán phần vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP

1. Đối với phần vốn đầu tư công bố trí cho các hạng mục công việc do cơ quan nhà nước thực hiện, việc quản lý, thanh toán theo quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước.

2. Đối với phần vốn đầu tư của Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí xây dựng công trình, Nhà nước sẽ thực hiện thanh toán phần giá trị khối lượng hoàn thành sau khi nhà đầu tư đã giải ngân hết 50% số vốn chủ sở hữu và đủ điều kiện giải ngân phần vốn vay quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 20/NQ-CP, đảm bảo các nguyên tắc sau:

a) Việc thanh toán song song theo tỷ lệ giữa phần vốn đầu tư của Nhà nước, vốn vay thương mại và vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư phải được quy định cụ thể tại hợp đồng dự án giữa Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư.

b) Việc thanh toán phù hợp với khối lượng, giá trị xây dựng hoàn thành đã được nghiệm thu đồng thời đảm bảo nằm trong phạm vi kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm nguồn vốn ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện các dự án PPP.

3. Việc phân bổ và kiểm tra phân bổ vốn đầu tư công bố trí hỗ trợ phần chi phí xây dựng công trình thực hiện theo quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Điều 6. Kiểm soát thanh toán

1. Đối với các hạng mục công việc do cơ quan nhà nước thực hiện

Hồ sơ, tài liệu tạm ứng, thanh toán; nội dung tạm ứng, thanh toán khối lượng hoàn thành; nguyên tắc kiểm soát thanh toán của Kho bạc nhà nước; thời hạn tạm ứng, thời hạn thanh toán được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính tại: Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18 tháng 01 năm 2016 quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước; Thông tư số 108/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 6 năm 2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; Thông tư số 52/2018/TT-BTC ngày 24 tháng 5 năm 2018 sửa đổi, bổ sung các Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/1/2016 và số 108/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016 quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

2. Đối với phần vốn đầu tư của Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí xây dựng công trình

a) Cơ quan được giao quản lý phần vốn đầu tư của Nhà nước có trách nhiệm gửi Kho bạc nhà nước nơi mở tài khoản các hồ sơ pháp lý, bao gồm:

- Hợp đồng dự án và các phụ lục hợp đồng dự án liên quan đến việc thanh toán nếu có (chỉ gửi một lần tại thời điểm đề nghị thanh toán lần đầu);

- Kế hoạch vốn đầu tư công được cấp có thẩm quyền giao để thực hiện dự án PPP;

- Bảng tổng hợp giá trị khối lượng công việc hoàn thành đề nghị thanh toán theo Hợp đồng dự án do nhà đầu tư lập có xác nhận của Cơ quan được giao quản lý phần vốn đầu tư của Nhà nước (Phụ lục số 01);

- Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư của Cơ quan được giao quản lý phần vốn đầu tư của Nhà nước (Phụ lục số 02);

- Chứng từ chuyển tiền theo quy định của hệ thống chứng từ kế toán của Bộ Tài chính;

- Văn bản của Cơ quan được giao quản lý phần vốn đầu tư của Nhà nước xác định nhà đầu tư đã giải ngân hết phần vốn chủ sở hữu theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 20/NQ-CP và đủ điều kiện giải ngân vốn vay theo quy định của hợp đồng dự án.

b) Nguyên tắc thanh toán

- Việc phân bổ và kiểm tra phân bổ vốn đầu tư công bố trí hỗ trợ phần chi phí xây dựng dự án PPP được thực hiện theo quy định như đối với vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước.

- Sau khi nhận được văn bản phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công của bộ, ngành và địa phương, Kho bạc Nhà nước thực hiện công tác kiểm soát thanh toán theo quy định tại Thông tư này.

- Kho bạc Nhà nước căn cứ hồ sơ đề nghị thanh toán của Cơ quan được giao quản lý phần vốn đầu tư của Nhà nước và hợp đồng dự án để kiểm soát thanh toán theo quy định.

- Trường hợp cần bổ sung hồ sơ đề nghị thanh toán, chậm nhất trong vòng 04 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đề nghị thanh toán, Kho bạc Nhà nước lập thông báo từ chối thanh toán hoặc văn bản thông báo cho Cơ quan được giao quản lý phần vốn đầu tư của Nhà nước để Cơ quan được giao quản lý phần vốn đầu tư của Nhà nước bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

- Tổng số vốn thanh toán cho nhà đầu tư không được vượt phần vốn đầu tư của Nhà nước hỗ trợ đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, số vốn thanh toán cho nhà đầu tư trong năm không được vượt kế hoạch vốn cả năm đã bố trí cho dự án PPP. Lũy kế số vốn thanh toán cho dự án PPP không vượt kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được giao.

- Thời hạn thanh toán kế hoạch vốn được thực hiện theo các quy định của Bộ Tài chính về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

- Cơ quan đề nghị thanh toán phần vốn đầu tư của Nhà nước chịu trách nhiệm trước pháp luật và người có thẩm quyền về việc xác định nhà đầu tư đã đảm bảo giải ngân hết tỷ lệ phần vốn chủ sở hữu và đảm bảo các điều kiện giải ngân vốn vay theo quy định của hợp đồng dự án; chịu trách nhiệm về tính chính xác của khối lượng thực hiện và giá trị đề nghị thanh toán; đảm bảo tính hợp pháp của các số liệu, tài liệu trong hồ sơ cung cấp cho Kho bạc Nhà nước và các cơ quan chức năng của Nhà nước.

Điều 7. Quyết toán công trình dự án PPP hoàn thành

1. Nguyên tắc quyết toán

Sau khi dự án PPP hoàn thành được nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng phải thực hiện quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình theo quy định tại Thông tư của Bộ Tài chính về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước (hiện nay là Thông tư số 09/2016/TT-BTC ngày 18 tháng 01 năm 2016, Thông tư số 64/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 7 năm 2018) và quy định tại Thông tư này.

2. Lập, trình, phê duyệt quyết toán

a) Cơ quan lập báo cáo quyết toán:

- Cơ quan, đơn vị được Bộ Giao thông vận tải giao quản lý phần vốn đầu tư của nhà nước lập báo cáo quyết toán đối với phần vốn đầu tư chi cho các hạng mục công việc do cơ quan nhà nước thực hiện.

- Nhà đầu tư lập báo cáo quyết toán đối với công trình dự án hoàn thành do nhà đầu tư thực hiện.

b) Hồ sơ trình duyệt quyết toán (gồm 01 bộ gửi cơ quan thẩm tra phê duyệt quyết toán): hồ sơ theo quy định tại Thông tư của Bộ Tài chính về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước, hợp đồng dự án, phụ lục hợp đồng dự án (nếu có).

c) Thẩm quyền phê duyệt quyết toán: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

d) Cơ quan thẩm tra quyết toán: Bộ Giao thông vận tải.

đ) Kiểm toán báo cáo quyết toán: Bộ Giao thông vận tải thỏa thuận trong hợp đồng dự án với nhà đầu tư về việc thuê và nguyên tắc lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập, có năng lực và kinh nghiệm để thực hiện việc kiểm toán giá trị vốn đầu tư xây dựng công trình dự án.

e) Nội dung thẩm tra quyết toán thực hiện theo quy định tại Thông tư của Bộ Tài chính về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước.

g) Thời hạn quyết toán thực hiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 24 Thông tư số 88/2018/TT-BTC ngày 28 tháng 9 năm 2018 của Bộ Tài chính quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư và chi phí lựa chọn nhà đầu tư.

h) Sau khi thực hiện quyết toán công trình dự án hoàn thành, Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm gửi báo cáo về Bộ Tài chính để tổng hợp, theo dõi.

Điều 8. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23 tháng 01 năm 2019.

2. Trong quá trình thực hiện, trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì sẽ áp dụng theo các văn bản mới này.

3. Trường hợp phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện, đề nghị các đơn vị phản ánh kịp thời bằng văn bản để Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

PHỤ LỤC 01 BẢNG TỔNG HỢP GIÁ TRỊ KHỐI LƯỢNG CÔNG VIỆC HOÀN THÀNH THEO HỢP ĐỒNG ĐỀ NGHỊ THANH TOÁN
...
PHỤ LỤC 02 GIẤY ĐỀ NGHỊ THANH TOÁN PHẦN NHÀ NƯỚC THAM GIA DỰ ÁN PPP

Xem nội dung VB