Nghị định 75/2014/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam
Số hiệu: 75/2014/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 28/07/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 20/08/2014 Số công báo: Từ số 775 đến số 776
Lĩnh vực: Lao động, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 75/2014/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 28 tháng 07 năm 2014

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT LAO ĐỘNG VỀ TUYỂN DỤNG, QUẢN LÝ NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM LÀM VIỆC CHO TỔ CHỨC, CÁ NHÂN NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về tuyển chọn, giới thiệu, sử dụng và quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động Việt Nam là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, có khả năng lao động, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

2. Tổ chức nước ngoài tại Việt Nam là cơ quan, tổ chức nước ngoài được cấp có thẩm quyền của Việt Nam cho phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm:

a) Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc, các tổ chức khu vực, tiểu khu vực;

b) Văn phòng thường trú cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh và truyền hình nước ngoài;

c) Tổ chức quốc tế, tổ chức liên Chính phủ, tổ chức thuộc Chính phủ nước ngoài;

d) Tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy đăng ký hoạt động theo quy định tại Nghị định số 12/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam;

đ) Văn phòng đại diện hoạt động không sinh lời tại Việt Nam của tổ chức kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, y tế, tư vấn pháp luật nước ngoài.

3. Cá nhân nước ngoài tại Việt Nam là người nước ngoài làm việc tại tổ chức quy định tại Khoản 2 Điều này hoặc người được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam.

4. Cơ quan, tổ chức Việt Nam có liên quan đến tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 3. Người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam

Người lao động Việt Nam theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định này được phép làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân nước ngoài), trừ người lao động Việt Nam mà luật quy định không được làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Điều 4. Thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài

1. Tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi tắt là tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam), bao gồm:

a) Tổ chức được Bộ Ngoại giao giao hoặc ủy quyền;

b) Trung tâm dịch vụ việc làm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh) thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập.

2. Tổ chức quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này được tuyển chọn, giới thiệu và quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài sau đây:

a) Tổ chức nước ngoài quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 2 Điều 2 Nghị định này;

b) Cá nhân nước ngoài đang làm việc cho tổ chức nước ngoài quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 2 Điều 2 Nghị định này.

3. Trung tâm dịch vụ việc làm quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này được tuyển chọn, giới thiệu và quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài sau đây:

a) Tổ chức nước ngoài quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 2 Nghị định này;

b) Cá nhân nước ngoài đang làm việc cho tổ chức nước ngoài quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 2 Nghị định này, người nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam.

Điều 5. Hồ sơ đăng ký dự tuyển của người lao động Việt Nam

1. Phiếu đăng ký dự tuyển lao động theo mẫu do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.

2. Bản sao giấy khai sinh.

3. Giấy khám sức khỏe của cơ sở y tế có thẩm quyền không quá 06 (sáu) tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ.

4. Bản sao văn bằng, chứng chỉ về trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, ngoại ngữ liên quan đến công việc mà người lao động đăng ký dự tuyển. Nếu văn bằng, chứng chỉ bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 6. Trình tự, thủ tục tuyển người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài

1. Khi có nhu cầu sử dụng người lao động Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài phải gửi văn bản đề nghị tuyển người lao động Việt Nam đến tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam. Trong văn bản phải nêu rõ yêu cầu về vị trí việc làm, số lượng, trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, ngoại ngữ, thời hạn cần tuyển; quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động Việt Nam và của tổ chức, cá nhân nước ngoài trong quá trình làm việc và khi thôi việc đối với từng vị trí việc làm cần tuyển.

2. Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của tổ chức, cá nhân nước ngoài thì tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam có trách nhiệm tuyển chọn, giới thiệu người lao động Việt Nam theo đề nghị của tổ chức, cá nhân nước ngoài.

3. Hết thời hạn quy định tại Khoản 2 Điều này mà tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam không tuyển chọn, giới thiệu được người lao động Việt Nam theo đề nghị của tổ chức, cá nhân nước ngoài thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được trực tiếp tuyển người lao động Việt Nam.

4. Trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc sau khi ký kết hợp đồng lao động, tổ chức, cá nhân nước ngoài phải thông báo bằng văn bản kèm bản sao hợp đồng lao động đã ký kết với người lao động Việt Nam cho tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam.

Điều 7. Trách nhiệm của người lao động Việt Nam khi làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài

1. Tuân thủ pháp luật về lao động của Việt Nam.

2. Thực hiện đúng các điều khoản của hợp đồng lao động đã ký kết với tổ chức, cá nhân nước ngoài.

3. Thực hiện đúng các quy định của tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam đã giới thiệu đến làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Điều 8. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nước ngoài khi sử dụng người lao động Việt Nam

1. Thực hiện đúng quy định của Bộ luật Lao động và các quy định hiện hành.

2. Thực hiện đúng văn bản đề nghị tuyển người lao động Việt Nam và hợp đồng lao động đã ký kết.

3. Báo cáo tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam về tình hình tuyển dụng, sử dụng người lao động Việt Nam 06 (sáu) tháng, hằng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu.

Điều 9. Trách nhiệm của tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài

1. Tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển của người lao động Việt Nam và văn bản đề nghị tuyển người lao động Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài.

2. Tổ chức tuyển chọn, giới thiệu và quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

3. Tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho người lao động Việt Nam để đáp ứng yêu cầu của tổ chức, cá nhân nước ngoài.

4. Báo cáo 06 (sáu) tháng, hằng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu về tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được quy định như sau:

a) Tổ chức được Bộ Ngoại giao giao hoặc ủy quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức; cá nhân nước ngoài báo cáo Bộ Ngoại giao;

b) Trung tâm dịch vụ việc làm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định thành lập báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi trung tâm đặt trụ sở chính;

c) Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

5. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Thực hiện quản lý nhà nước về tuyển, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

2. Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thi hành Nghị định này.

3. Tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài hằng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu.

Điều 11. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao

1. Quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 2 Điều 2 Nghị định này.

2. Quản lý tổ chức được Bộ Ngoại giao giao hoặc ủy quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

3. Hướng dẫn việc thực hiện tuyển chọn, giới thiệu và quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 2 Điều 2 Nghị định này.

4. Báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc phạm vi quản lý 06 (sáu) tháng, hằng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu.

Điều 12. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí do ngân sách nhà nước hỗ trợ cho tổ chức được Bộ Ngoại giao giao hoặc ủy quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 2 Điều 2 Nghị định này.

Điều 13.Trách nhiệm của Bộ Công an

Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài và các tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng người lao động Việt Nam thực hiện các quy định của pháp Luật về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Điều 14. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Thực hiện quản lý nhà nước về tuyển, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

2. Giám sát và kiểm tra việc tuyển chọn, giới thiệu, sử dụng và quản lý người Lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

3. Báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình tuyển dụng, quản lý người Lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc phạm vi quản lý của địa phương 06 (sáu) tháng, hằng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu.

Điều 15. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2014.

2. Nghị định số 85/1998/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 1998 của Chính phủ về tuyển chọn, sử dụng và quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; Nghị định số 46/1999/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ về sửa đổi một số điều của Nghị định số 85/1998/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 1998 của Chính phủ về tuyển chọn, sử dụng và quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; Nghị định số 75/2001/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2001 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/1999/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 1999 và Nghị định số 85/1998/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 1998 của Chính phủ về tuyển chọn, sử dụng và quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

Điều 16. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- UB Giám sát tài chính QG;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mật trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN,các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

- Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 4 Thông tư 16/2015/TT-BLĐTBXH

Căn cứ Nghị định số 75/2014/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam (sau đây được gọi tắt là Nghị định số 75/2014/NĐ-CP);
...
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 75/2014/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam
...
Điều 4. Phiếu đăng ký dự tuyển lao động

Phiếu đăng ký dự tuyển lao động quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 75/2014/NĐ-CP được thực hiện theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

Xem nội dung VB
- Công tác báo cáo được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 5 Thông tư 16/2015/TT-BLĐTBXH

Căn cứ Nghị định số 75/2014/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam (sau đây được gọi tắt là Nghị định số 75/2014/NĐ-CP);
...
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 75/2014/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam
...
Điều 5. Báo cáo định kỳ về tình hình tuyển dụng, sử dụng và quản lý người lao động Việt Nam

1. Trước ngày 10 tháng 6 và ngày 10 tháng 12 hằng năm, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam báo cáo 6 (sáu) tháng và hằng năm về tình hình tuyển dụng, sử dụng người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này và gửi báo cáo như sau:

a) Tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 75/2014/NĐ-CP gửi báo cáo về tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam được Bộ Ngoại giao giao hoặc ủy quyền;

b) Tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 75/2014/NĐ-CP gửi báo cáo về Trung tâm dịch vụ việc làm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập và được giao việc tuyển, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam đặt tại địa phương.

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 2 Điều 5 Thông tư 16/2015/TT-BLĐTBXH

Căn cứ Nghị định số 75/2014/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam (sau đây được gọi tắt là Nghị định số 75/2014/NĐ-CP);
...
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 75/2014/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam
...
Điều 5. Báo cáo định kỳ về tình hình tuyển dụng, sử dụng và quản lý người lao động Việt Nam
...
2. Trước ngày 15 tháng 6 và ngày 15 tháng 12 hằng năm, tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam báo cáo 6 (sáu) tháng và hằng năm về tình hình tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này và gửi báo cáo như sau:

a) Tổ chức được Bộ Ngoại giao giao hoặc ủy quyền báo cáo Bộ Ngoại giao;

b) Trung tâm dịch vụ việc làm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thành lập báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi trung tâm đặt trụ sở chính;

c) Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 3 Điều 5 Thông tư 16/2015/TT-BLĐTBXH

Căn cứ Nghị định số 75/2014/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam (sau đây được gọi tắt là Nghị định số 75/2014/NĐ-CP);
...
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 75/2014/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam
...
Điều 5. Báo cáo định kỳ về tình hình tuyển dụng, sử dụng và quản lý người lao động Việt Nam
...
3. Trước ngày 20 tháng 6 và ngày 20 tháng 12 hằng năm, Bộ Ngoại giao, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo 6 (sáu) tháng và hằng năm về tình hình tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam thuộc phạm vi quản lý theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này.

Xem nội dung VB
- Nội dung này được hướng dẫn bởi Thông tư 31/2015/TT-BTC

Căn cứ quy định tại Điều 12 Nghị định số 75/2014/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí do ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho tổ chức được Bộ Ngoại giao giao hoặc ủy quyền thực hiện nhiệm vụ tuyển chọn, giới thiệu và quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí do ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho tổ chức được Bộ Ngoại giao giao hoặc ủy quyền thực hiện nhiệm vụ tuyển chọn, giới thiệu và quản lý người lao động Việt Nam (sau đây gọi tắt là người lao động) làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 75/2014/NĐ-CP ngày 28/7/2014 của Chính phủ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Bộ Ngoại giao và đơn vị được Bộ Ngoại giao giao hoặc ủy quyền thực hiện nhiệm vụ tuyển chọn, giới thiệu và quản lý người lao động làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 3. Nguyên tắc bố trí dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí

1. Kinh phí thực hiện nhiệm vụ tuyển chọn, giới thiệu và quản lý người lao động làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam do ngân sách trung ương bảo đảm được bố trí trong dự toán chi ngân sách hoạt động thường xuyên của Bộ Ngoại giao.

2. Kinh phí hỗ trợ cho công tác tuyển chọn, giới thiệu và quản lý người lao động làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam phải được sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ và theo quy định tại Thông tư này.

Điều 4. Nội dung chi và mức chi

Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị được Bộ Ngoại giao giao hoặc ủy quyền thực hiện nhiệm vụ tuyển chọn, giới thiệu và quản lý người lao động làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam được chi theo các nội dung và mức chi như sau:

1. Đối với các khoản chi trực tiếp để thực hiện nhiệm vụ tuyển chọn, giới thiệu và quản lý người lao động:

a) Chi tiền lương, phụ cấp cho những người trực tiếp chuyên trách thực hiện công tác tuyển chọn, giới thiệu và quản lý người lao động: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Các khoản đóng góp theo lương thực hiện theo quy định hiện hành;

b) Tiền công thuê mướn lao động: Thực hiện theo hợp đồng lao động ký kết với người lao động theo quy định của Bộ Luật lao động và các văn bản hướng dẫn;

c) Chi tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết công tác tuyển chọn, giới thiệu và quản lý người lao động; chi công tác phí đi công tác trong nước: Thực hiện các khoản chi và mức chi theo quy định hiện hành của cơ quan có thẩm quyền về chế độ chi tổ chức các hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập;

d) Chi tổ chức các hội nghị để bồi dưỡng kiến thức về Đảng, kiến thức phục vụ đối ngoại, tuyên truyền, thông tin về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho người lao động: Được áp dụng các khoản chi và mức chi theo quy định hiện hành của cơ quan có thẩm quyền về chế độ chi tổ chức các hội nghị đối với cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập;

đ) Chi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác tuyển chọn, giới thiệu và quản lý người lao động: Thực hiện các khoản chi và mức chi theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về chế độ quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước;

e) Chi khen thưởng cho công chức, viên chức trực tiếp làm công tác tuyển chọn, giới thiệu và quản lý người lao động: Thực hiện theo chế độ chi khen thưởng hiện hành;

g) Chi hỗ trợ may sắm trang phục cho bộ phận cán bộ thường xuyên phải tiếp và làm việc với các tổ chức, cá nhân người nước ngoài: Mức chi 2.000.000 đồng/người/năm;

h) Chi tiếp khách các tổ chức, cá nhân người nước ngoài và tiếp khách trong nước đến làm việc liên quan đến công tác tuyển chọn, giới thiệu và quản lý người lao động; trường hợp đoàn đi công tác địa phương nếu xét thấy cần thiết phải chi tiếp khách liên quan đến công tác tuyển chọn, giới thiệu và quản lý người lao động thì phải được thủ trưởng đơn vị phê duyệt trước khi thực hiện: Mức chi thực hiện theo quy định hiện hành của cơ quan có thẩm quyền về chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước;

i) Chi tặng phẩm đối ngoại đối với văn phòng, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam trong một số dịp đặc biệt (nhân ngày quốc khánh của nước bạn hoặc ngày thiết lập quan hệ hai bên), tặng phẩm đối với các trưởng đại diện văn phòng, tổ chức khi kết thúc nhiệm kỳ về nước: Thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về chế độ tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam;

k) Chi thanh toán dịch vụ công cộng; chi mua vật tư văn phòng; chi thông tin, tuyên truyền, liên lạc; chi thuê mướn và các khoản chi khác nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động Việt Nam (nếu có): Căn cứ hoá đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp, hợp lệ, theo chế độ quy định hiện hành và trong phạm vi nguồn kinh phí được ngân sách nhà nước hỗ trợ hàng năm;

l) Chi mua sắm, sửa chữa thường xuyên trang thiết bị, tài sản phục vụ trực tiếp nhiệm vụ tuyển chọn, giới thiệu và quản lý người lao động: Theo dự toán ngân sách hàng năm được cấp có thẩm quyền phân bổ. Trường hợp mua sắm thuộc diện phải tổ chức đấu thầu thì thực hiện theo đúng quy định hiện hành về đấu thầu mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị;

m) Ngoài các mức chi theo quy định nêu trên, đối với các đơn vị sự nghiệp được giao hoặc ủy quyền thực hiện nhiệm vụ tuyển, quản lý người lao động, căn cứ quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị được vận dụng chi với mức cao hơn từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của đơn vị. Doanh nghiệp được Bộ Ngoại giao ủy quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý người lao động, căn cứ đặc điểm sản xuất, kinh doanh của đơn vị được vận dụng chi với mức cao hơn, mức chi chênh lệch cao hơn được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh chung của đơn vị theo quy định của pháp luật.

2. Trong trường hợp một số khoản chi phục vụ nhiệm vụ tuyển chọn, giới thiệu và quản lý lao động nhưng không tách được chứng từ chi riêng như: hoá đơn chi tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại, vệ sinh môi trường..., được chi theo nguyên tắc phân bổ chi phí phù hợp với tính chất sử dụng các khoản chi của từng bộ phận nghiệp vụ trong đơn vị.

Điều 5. Lập dự toán, phân bổ, chấp hành và quyết toán kinh phí

Việc lập dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ hiện nhiệm vụ tuyển chọn, giới thiệu và quản lý người lao động làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam thực hiện theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật. Thông tư này hướng dẫn thêm một số điểm cho phù hợp với đặc thù của các đơn vị được Bộ Ngoại giao giao hoặc ủy quyền thực hiện nhiệm vụ tuyển chọn, giới thiệu và quản lý người lao động làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam như sau:

1. Hằng năm (vào thời điểm quy định lập dự toán) các đơn vị được Bộ Ngoại giao giao hoặc ủy quyền thực hiện nhiệm vụ tuyển chọn, giới thiệu và quản lý người lao động làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, căn cứ nội dung chi, mức chi quy định tại Thông tư này lập dự toán kinh phí gửi Bộ Ngoại giao để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền.

2. Sau khi được cấp có thẩm quyền giao dự toán Bộ Ngoại giao dự kiến phương án phân bổ kinh phí (trong đó cần thuyết minh chi tiết cơ sở phân bổ dự toán đối với từng đơn vị được Bộ Ngoại giao giao hoặc ủy quyền thực hiện nhiệm vụ) gửi về Bộ Tài chính thẩm tra theo quy định.

Riêng đối với các đơn vị được Bộ Ngoại giao ủy quyền thực hiện nhiệm vụ tuyển chọn, giới thiệu và quản lý người lao động làm việc cho các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam nhưng không thuộc tổ chức, bộ máy của Bộ Ngoại giao thì Bộ Ngoại giao thực hiện ký hợp đồng trách nhiệm với các đơn vị, kèm theo dự toán kinh phí được phân bổ (chia theo từng quý). Căn cứ dự toán kinh phí được phân bổ, Bộ Ngoại giao làm thủ tục với Kho bạc Nhà nước để thanh toán kinh phí cho các đơn vị. Căn cứ đề nghị của Bộ Ngoại giao, Kho bạc nhà nước có trách nhiệm thanh toán kinh phí kịp thời cho các đơn vị.

3. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm tổng hợp quyết toán kinh phí với ngân sách nhà nước theo quy định.

4. Kinh phí đã bố trí cho nhiệm vụ tuyển chọn, giới thiệu và quản lý người lao động làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam cuối năm không phân bổ hết Bộ Ngoại giao có trách nhiệm hoàn trả ngân sách nhà nước, không sử dụng sang mục đích khác.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 05 năm 2015 và được áp dụng từ năm ngân sách 2015 thay thế Thông tư số 57/2005/TT-BTC ngày 15/7/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí do ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với các tổ chức cung ứng lao động được chỉ định thực hiện nhiệm vụ quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam và Thông tư số 171/2012/TT-BTC ngày 22/10/2012 sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 57/2005/TT-BTC.

Đối với các Trung tâm dịch vụ việc làm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập và được giao thực hiện nhiệm vụ tuyển chọn, giới thiệu và quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho đối tượng là tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại điểm đ Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 75/2014/NĐ-CP ngày 28/7/2014 của Chính phủ, thì việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước (nếu có) thực hiện theo cơ chế hỗ trợ kinh phí chi hoạt động thường xuyên đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phát sinh đề nghị Bộ Ngoại giao và các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu bổ sung, sửa đổi cho phù hợp./.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Khoản 3 Điều 5 Thông tư 16/2015/TT-BLĐTBXH

Căn cứ Nghị định số 75/2014/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam (sau đây được gọi tắt là Nghị định số 75/2014/NĐ-CP);
...
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 75/2014/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam
...
Điều 5. Báo cáo định kỳ về tình hình tuyển dụng, sử dụng và quản lý người lao động Việt Nam
...
3. Trước ngày 20 tháng 6 và ngày 20 tháng 12 hằng năm, Bộ Ngoại giao, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo 6 (sáu) tháng và hằng năm về tình hình tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam thuộc phạm vi quản lý theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này.

Xem nội dung VB