Nghị định 54/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật điện ảnh 62/2006/QH11 và luật sửa đổi 31/2009/QH12
Số hiệu: | 54/2010/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 21/05/2010 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 01/06/2010 | Số công báo: | Từ số 257 đến số 258 |
Lĩnh vực: | Văn hóa , thể thao, du lịch, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 54/2010/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 21 tháng 05 năm 2010 |
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Điện ảnh số 62/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh số 31/2009/QH12 ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh
1. Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện ảnh số 62/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh số 31/2009/QH12 ngày 18 tháng 6 năm 2009.
2. Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động điện ảnh tại Việt Nam.
Điều 2. Chính sách hiện đại hóa công nghiệp điện ảnh (quy định chi tiết thi hành khoản 1 Điều 5 Luật Điện ảnh)
1. Đầu tư xây dựng trường quay nội cảnh, ngoại cảnh hiện đại theo quy hoạch ngành điện ảnh được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
2. Hiện đại hóa công nghệ và đầu tư thiết bị kỹ xảo, thiết bị kỹ thuật đồng bộ chuyên dụng, bảo đảm đủ điều kiện sản xuất phim theo công nghệ hiện đại, đạt chuẩn kỹ thuật quốc tế về hình ảnh và âm thanh, bảo đảm phát huy sự sáng tạo nghệ thuật nhằm nâng cao năng lực sản xuất phim, nâng cao chất lượng sản phẩm điện ảnh.
3. Đầu tư xây dựng, cải tạo, trang thiết bị hiện đại, máy chiếu phim âm thanh lập thể cho rạp chiếu phim theo quy hoạch ngành điện ảnh được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
4. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng đề án để thực hiện các khoản 1, 2 và 3 Điều này; lập đề án phát triển quy mô sản xuất phim và phổ biến phim để phim Việt Nam đạt ít nhất 30% trong tổng số phim chiếu tại rạp và đạt ít nhất 40% trong tổng số phim phát sóng trên hệ thống truyền hình.
Điều 3. Chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh (quy định chi tiết thi hành khoản 2 Điều 5 Luật Điện ảnh)
1. Nhà nước mua toàn bộ hoặc một phần quyền sở hữu đối với phim có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao do cơ sở điện ảnh sản xuất; việc định giá mua căn cứ vào chất lượng phim được Hội đồng Trung ương thẩm định phim xếp loại; giá mua được Hội đồng thẩm định giá phê duyệt theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Cơ sở điện ảnh khi sản xuất phim được ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu theo quy định của pháp luật về thuế hiện hành.
3. Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp xây dựng rạp chiếu phim để kinh doanh phổ biến phim hoặc xây dựng công trình hoạt động điện ảnh khác được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
4. Cơ sở điện ảnh được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà theo quy định của pháp luật.
5. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) có trách nhiệm điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của địa phương, ưu tiên dành quỹ đất cho cơ sở điện ảnh; có chính sách, chế độ ưu đãi nhằm khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh trên địa bàn.
Điều 4. Chính sách đầu tư thông qua chương trình mục tiêu phát triển điện ảnh (quy định chi tiết thi hành khoản 3 Điều 5 Luật Điện ảnh)
1. Đầu tư kinh phí để tạo ra các tác phẩm điện ảnh quy mô lớn và có giá trị nghệ thuật cao theo các nội dung sau:
a) Tổ chức các hoạt động nhằm định hướng chủ đề tư tưởng gắn với các sự kiện lịch sử và bước phát triển lớn của dân tộc;
b) Sản xuất phim.
2. Đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học trong hoạt động điện ảnh theo các nội dung sau:
a) Công trình nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng sáng tác và phát huy hiệu quả xã hội của tác phẩm điện ảnh;
b) Ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại;
c) Nghiên cứu thị trường điện ảnh trong và ngoài nước.
3. Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực:
a) Nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường chuyên ngành điện ảnh quốc gia, xây dựng giáo trình chuẩn, đầu tư trang thiết bị giảng dạy, học tập theo hướng đồng bộ, chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa ở các khâu nghệ thuật, kỹ thuật, kinh tế, quản lý sản xuất, phát hành và phổ biến phim;
b) Cử cán bộ có trình độ, sinh viên xuất sắc đi đào tạo về nghệ thuật, kỹ thuật, quản lý sản xuất, phát hành, phổ biến phim ở các nước có nền điện ảnh phát triển;
c) Chú trọng đào tạo sau đại học để bổ sung và phát triển đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành về điện ảnh.
4. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng chương trình mục tiêu phát triển điện ảnh theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật Điện ảnh và các khoản 1, 2 và 3 Điều này trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Điều 5. Chính sách sản xuất phim đặt hàng (quy định chi tiết thi hành khoản 4 Điều 5 Luật Điện ảnh)
1. Nhà nước đặt hàng sản xuất phim truyện về đề tài thiếu nhi, truyền thống lịch sử, dân tộc thiểu số; phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình phục vụ thiếu nhi.
2. Việc lựa chọn dự án sản xuất phim có sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định tại Điều 13 Nghị định này.
Điều 6. Chính sách tài trợ phổ biến phim (quy định chi tiết thi hành khoản 5 Điều 5 Luật Điện ảnh)
1. Nhà nước đặt hàng thực hiện các buổi chiếu phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại, phục vụ thiếu nhi, phục vụ lực lượng vũ trang chiếu tại rạp chiếu phim ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và ở các vùng nông thôn khác.
2. Nhà nước đặt hàng các buổi chiếu phim và tổ chức đợt phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại trong những ngày lễ, kỷ niệm sự kiện trọng đại của đất nước.
3. Nhà nước tài trợ kinh phí tổ chức liên hoan phim quốc gia, liên hoan phim quốc tế do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 41 Luật Điện ảnh được sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Điều 7. Chính sách dành quỹ đất để xây dựng rạp chiếu phim trong quy hoạch khu đô thị (quy định chi tiết thi hành khoản 6 Điều 5 Luật Điện ảnh)
1. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch khu đô thị, khu dân cư phải dành quỹ đất để xây dựng rạp chiếu phim ở vị trí trung tâm và tỷ lệ xây dựng rạp phù hợp với quy mô phát triển dân số.
2. Cơ sở điện ảnh xây dựng rạp chiếu phim được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định này.
Điều 8. Thành lập và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh (quy định chi tiết thi hành Điều 6 Luật Điện ảnh)
1. Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh do Thủ tướng Chính phủ thành lập để sử dụng cho các hoạt động sau:
a) Thưởng cho phim có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, có hiệu quả xã hội theo điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ;
b) Hỗ trợ sản xuất phim thể nghiệm nghệ thuật và phim đầu tay trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng thẩm định kịch bản thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
c) Hỗ trợ cho việc đầu tư sáng tác kịch bản, mở trại sáng tác, tổ chức cho nghệ sĩ đi thực tế, hội thảo khoa học, công trình nghiên cứu khoa học, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực tài năng đi học điện ảnh ở nước ngoài, quảng bá phim Việt Nam ra nước ngoài nhằm khuyến khích, thúc đẩy phát triển nền điện ảnh dân tộc.
2. Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là đơn vị hạch toán độc lập, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, tự bù đắp chi phí đối với hoạt động của mình. Quỹ hỗ trợ và phát triển điện ảnh có tư cách pháp nhân, có con dấu và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng.
3. Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh quy định tại khoản 1 Điều này được hình thành từ các nguồn sau:
a) Nhà nước hỗ trợ vốn ban đầu khi mới thành lập Quỹ từ nguồn ngân sách sự nghiệp văn hóa. Hàng năm, căn cứ vào hiệu quả hoạt động, Quỹ được nhà nước xem xét, hỗ trợ theo quy định của pháp luật hiện hành;
b) Huy động đóng góp tự nguyện, tài trợ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn thu nhập hợp pháp khác;
c) Nguồn thu bán phim từ các phim có sử dụng ngân sách nhà nước.
4. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Điều lệ tổ chức hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Điều 9. Những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh (quy định chi tiết thi hành các khoản 1 và 2 Điều 11 Luật Điện ảnh)
1. Hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết phỉ báng, xúc phạm quốc huy, quốc kỳ, quốc ca, giá trị biểu trưng dân tộc, đất nước; miệt thị dân tộc, tôn giáo.
2. Hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết thể hiện cảnh đánh đập, tra tấn, giết người dã man, khuyến khích tội ác, trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án cái ác gắn với nội dung phim.
3. Hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết mang tính khiêu dâm, đồi trụy, loạn dâm, loạn luân trái với thuần phong mỹ tục.
4. Hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết thể hiện sự dung thứ hoặc đồng tình với tệ nạn xã hội, gây cảm giác hoảng loạn, mê muội trước các lực lượng siêu nhiên, ma quái.
5. Đặt tên phim gây phản cảm, thô tục.
6. Hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết có nội dung trái pháp luật mà không thuộc quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này, trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án các hành vi này.
Điều 10. Tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp điện ảnh (quy định chi tiết thi hành khoản 2 Điều 12 Luật Điện ảnh).
1. Đơn vị sự nghiệp điện ảnh có chức năng, nhiệm vụ phục vụ quản lý nhà nước hoặc cung cấp dịch vụ công thuộc lĩnh vực điện ảnh theo quy định của pháp luật.
2. Điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thành lập, sắp xếp và quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính của đơn vị sự nghiệp điện ảnh thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
3. Đơn vị sự nghiệp điện ảnh quy định tại khoản 1 Điều này, tùy theo chức năng, nhiệm vụ được thực hiện các hoạt động sau đây:
a) Sản xuất phim theo yêu cầu của cơ quan quản lý đơn vị sự nghiệp; sản xuất phim đặt hàng, trừ trường hợp chủ dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện lựa chọn dự án sản xuất phim theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh;
b) Nhập khẩu phim lưu hành nội bộ để phục vụ yêu cầu công tác của mình;
c) Chiếu phim, lưu trữ phim phục vụ quản lý nhà nước hoặc cung cấp dịch vụ công.
Điều 11. Điều kiện về vốn pháp định để kinh doanh sản xuất phim (quy định chi tiết thi hành điểm a khoản 2 Điều 14 Luật Điện ảnh được sửa đổi, bổ sung năm 2009)
1. Vốn pháp định là 1.000.000.000 đồng (một tỷ VNĐ), được xác định bằng một trong các văn bản sau:
a) Quyết định giao vốn của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một hoặc hai thành viên mà chủ sở hữu là một tổ chức;
b) Biên bản góp vốn của các cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần hoặc của các thành viên sáng lập đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên;
c) Bản đăng ký vốn đầu tư của chủ sở hữu doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh và đối với công ty trách nhiệm hữu hạn mà chủ sở hữu là cá nhân.
2. Đối với số vốn được góp bằng tiền phải có xác nhận của ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam về số tiền ký quỹ của các thành viên sáng lập. Số tiền ký quỹ phải bằng số vốn góp bằng tiền của các thành viên sáng lập và chỉ được giải tỏa sau khi doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
3. Đối với số vốn được góp bằng tài sản thì phải có chứng thư của tổ chức có chức năng định giá đang hoạt động tại Việt Nam về kết quả định giá tài sản được đưa vào góp vốn. Chứng thư phải còn hiệu lực tính đến ngày nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
4. Đối với doanh nghiệp đang hoạt động có nhu cầu bổ sung ngành nghề kinh doanh sản xuất phim thì phải có văn bản xác nhận của cơ quan kiểm toán độc lập về số vốn hiện có của doanh nghiệp được đưa vào góp vốn thể hiện trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp tại thời điểm gần nhất bảo đảm lớn hơn hoặc bằng mức vốn pháp định quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 12. Việc thành lập Văn phòng đại diện điện ảnh nước ngoài tại Việt Nam (quy định chi tiết thi hành Điều 43 Luật Điện ảnh)
1. Điều kiện thành lập Văn phòng đại diện điện ảnh nước ngoài tại Việt Nam:
Cơ sở điện ảnh nước ngoài muốn thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam phải có thời gian hoạt động không dưới 01 năm, kể từ khi được thành lập hoặc đăng ký kinh doanh hợp pháp ở nước mà cơ sở điện ảnh đó mang quốc tịch. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Điện ảnh và các văn bản sau đây:
a) Báo cáo tài chính có kiểm toán hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương chứng minh được cơ sở điện ảnh nước ngoài tồn tại và hoạt động trong năm tài chính gần nhất;
b) Bản sao Điều lệ hoạt động của cơ sở điện ảnh nước ngoài.
2. Các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này phải dịch ra tiếng Việt, được cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước mà cơ sở điện ảnh xin đặt Văn phòng đại diện mang quốc tịch chứng nhận và thực hiện việc hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
3. Thời hạn của Giấy phép
Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh nước ngoài có thời hạn 05 năm, nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của văn bản xác nhận tư cách pháp nhân hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của cơ sở điện ảnh đó trong trường hợp pháp luật nước mà cơ sở điện ảnh mang quốc tịch có quy định thời hạn Giấy đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp nước ngoài.
Điều 13. Lựa chọn dự án sản xuất phim có sử dụng ngân sách nhà nước (quy định chi tiết thi hành các khoản 4 và 5 Điều 24 Luật Điện ảnh và khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh)
1. Chủ đầu tư dự án sản xuất phim phê duyệt kế hoạch sản xuất phim có sử dụng ngân sách nhà nước, thành lập Hội đồng thẩm định kịch bản và Hội đồng lựa chọn dự án sản xuất phim để tư vấn cho chủ đầu tư.
2. Căn cứ kế hoạch đã được phê duyệt, chủ đầu tư dự án quyết định lựa chọn dự án sản xuất phim theo hình thức sau:
a) Đối với dự án sản xuất phim đã có kịch bản được tuyển chọn, chủ đầu tư quyết định hình thức đấu thầu phù hợp để chọn doanh nghiệp sản xuất;
b) Đối với dự án sản xuất phim có hồ sơ tham gia đấu thầu bao gồm kịch bản và phương án sản xuất, phát hành, chủ đầu tư quyết định hình thức đấu thầu phù hợp để chọn dự án sản xuất phim.
3. Đối với dự án sản xuất phim không nằm trong kế hoạch đã được cân đối ngân sách, chủ đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ quyết định sau đó lựa chọn doanh nghiệp hoặc dự án sản xuất phim theo quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
4. Dự án sản xuất phim được lựa chọn phải có đủ điều kiện về thiết bị, nhân lực và tổng dự toán sản xuất phim, bảo đảm yêu cầu về chất lượng nghệ thuật.
5. Việc lựa chọn, kết quả lựa chọn dự án sản xuất phim và doanh nghiệp sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước bảo đảm nguyên tắc công bằng, khách quan.
6. Trình tự, thủ tục lựa chọn dự án sản xuất phim:
a) Chủ đầu tư dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước phải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về đề tài, yêu cầu của dự án sản xuất phim thực hiện trong năm kế hoạch tài chính tiếp theo và điều kiện, thủ tục để tổ chức, cá nhân gửi kịch bản tham gia tuyển chọn trong khoảng thời gian 90 ngày, kể từ ngày công bố;
b) Chủ đầu tư dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước thông báo kết quả lựa chọn dự án sản xuất phim trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng thẩm định kịch bản và Hội đồng lựa chọn dự án sản xuất phim được thành lập theo quy định tại khoản 1 Điều này;
c) Tổ chức, cá nhân gửi dự án sản xuất phim đến chủ đầu tư dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước phải nộp phí thẩm định kịch bản theo quy định của pháp luật hiện hành về phí và lệ phí.
7. Hội đồng thẩm định kịch bản và Hội đồng lựa chọn dự án sản xuất phim đối với phim sử dụng ngân sách nhà nước:
a) Chủ đầu tư dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước phải thành lập Hội đồng thẩm định kịch bản và Hội đồng lựa chọn dự án sản xuất phim;
c) Hội đồng lựa chọn dự án sản xuất phim có ít nhất 05 thành viên, bao gồm đại diện chủ đầu tư dự án, cơ quan tài chính, chuyên gia về sản xuất phim.
8. Việc lựa chọn dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Đấu thầu dựa trên các tiêu chuẩn sau:
a) Kịch bản phân cảnh và phương án thực hiện;
b) Danh sách thành phần chính tham gia làm phim;
c) Tổng dự toán bộ phim;
d) Trang thiết bị kỹ thuật phục vụ dự án;
đ) Năng lực tài chính;
e) Kế hoạch, tiến độ sản xuất;
g) Điều kiện ứng vốn.
9. Hợp đồng sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước phải được lập thành văn bản giữa chủ đầu tư và doanh nghiệp sản xuất phim, nội dung chủ yếu của hợp đồng bao gồm:
a) Tên, địa chỉ, tài khoản của các bên tham gia hợp đồng;
b) Tên phim, chất liệu phim, nội dung chủ yếu và kết quả phải đạt được về nội dung tư tưởng và nghệ thuật của bộ phim;
c) Quyền, trách nhiệm của chủ đầu tư và bên thực hiện hợp đồng bao gồm quyền, trách nhiệm về bản quyền phim, quyền sở hữu trí tuệ của chủ đầu tư và doanh nghiệp sản xuất phim;
d) Địa điểm và phương thức thực hiện hợp đồng;
đ) Giá trị của hợp đồng và phương thức thanh toán;
e) Tiến độ thực hiện hợp đồng;
g) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng và giải quyết tranh chấp;
h) Thời gian nghiệm thu, thời gian trình duyệt bộ phim;
i) Các thỏa thuận khác.
10. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm:
a) Phối hợp với Bộ Tài chính quy định chi tiết nội dung các khoản 1, 2, 3 và 6 Điều này;
Điều 14. Hộ gia đình in sang, nhân bản, bán, cho thuê phim có quy mô nhỏ, sử dụng thường xuyên dưới mười lao động (quy định chi tiết thi hành khoản 2 Điều 31 Luật Điện ảnh)
1. Hộ gia đình in sang, nhân bản, bán, cho thuê phim có quy mô nhỏ, sử dụng thường xuyên dưới mười lao động phải đăng ký kinh doanh tại phòng đăng ký kinh doanh cấp huyện.
2. Điều kiện để kinh doanh in sang, nhân bản, bán, cho thuê phim bao gồm:
a) Có địa điểm sử dụng hợp pháp;
b) Có trang thiết bị để kiểm tra nội dung, chất lượng kỹ thuật phim.
3. Hộ gia đình in sang, nhân bản, bán, cho thuê phim có quy mô nhỏ, sử dụng thường xuyên dưới mười lao động phải thực hiện các quy định về in sang, nhân bản, bán, cho thuê phim quy định tại các khoản 6 và 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh.
Điều 15. Tỷ lệ và thời gian chiếu phim Việt Nam, giờ chiếu phim cho trẻ em dưới 16 tuổi trên hệ thống rạp (quy định chi tiết thi hành khoản 4 Điều 33 Luật Điện ảnh)
1. Các rạp phải chiếu phim Việt Nam trong các đợt phim kỷ niệm ngày lễ của đất nước, phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
2. Tỷ lệ số buổi chiếu phim truyện Việt Nam bảo đảm đạt ít nhất 20% so với tổng số buổi chiếu, trong tỷ lệ đó phim truyện Việt Nam phải được chiếu vào khoảng thời gian từ 18 giờ đến 22 giờ trong ngày, ngoài ra còn có thể chiếu vào các giờ khác.
3. Giờ chiếu phim cho trẻ em dưới 16 tuổi tại rạp kết thúc trước 22 giờ.
Điều 16. Hoạt động của đơn vị chiếu phim lưu động (quy định chi tiết thi hành các khoản 1 và 2 Điều 34 Luật Điện ảnh)
1. Nhà nước đầu tư máy chiếu phim nhựa hoặc phương tiện chiếu phim khác cho đội chiếu phim lưu động ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các vùng nông thôn khác.
2. Nhà nước trang bị phương tiện vận chuyển cơ giới chuyên dụng cho đội chiếu phim lưu động thuộc tỉnh.
3. Chi phí buổi chiếu phim ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và các vùng nông thôn khác thực hiện theo quy định của Chính phủ về vùng, miền.
4. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
Điều 17. Tỷ lệ và thời gian phát sóng phim Việt Nam, phim dành cho trẻ em dưới 16 tuổi trên hệ thống truyền hình (quy định chi tiết thi hành khoản 2 Điều 35 Luật Điện ảnh)
1. Việc thực hiện phát sóng phim Việt Nam trong các đợt phim kỷ niệm ngày lễ của đất nước và phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại trên hệ thống truyền hình cả nước thực hiện theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
2. Tỷ lệ thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam của mỗi đài truyền hình đạt ít nhất 30% so với tổng số thời lượng phát sóng phim, trong tỷ lệ đó phim truyện Việt Nam phải được phát sóng vào khoảng thời gian từ 20 giờ đến 22 giờ trong ngày, ngoài ra còn có thể phát sóng vào các giờ khác.
3. Thời lượng phát sóng phim dành cho trẻ em dưới 16 tuổi đạt ít nhất 5% so với tổng số thời lượng phát sóng phim; giờ phát sóng phim dành cho trẻ em dưới 16 tuổi kết thúc trước 22 giờ hàng ngày.
Điều 18. Thẩm quyền cấp giấy phép phổ biến phim (quy định chi tiết thi hành điểm a khoản 1 Điều 38 Luật Điện ảnh và điểm b khoản 12 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh)
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép phổ biến phim đối với:
a) Phim truyện do cơ sở điện ảnh trong cả nước sản xuất hoặc nhập khẩu, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình do cơ sở điện ảnh thuộc Trung ương sản xuất hoặc nhập khẩu;
c) Phim được sản xuất từ việc hợp tác, cung cấp dịch vụ sản xuất, liên doanh sản xuất với tổ chức, cá nhân nước ngoài.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy phép phổ biến phim đối với phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình do cơ sở điện ảnh thuộc địa phương sản xuất hoặc nhập khẩu.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được cấp Giấy phép phổ biến phim truyện khi năm trước liền kề, các cơ sở điện ảnh thuộc địa phương đáp ứng các điều kiện sau:
a) Sản xuất ít nhất 10 phim truyện nhựa được phép phổ biến;
b) Nhập khẩu ít nhất 40 phim truyện nhựa được phép phổ biến.
Nếu trong năm, địa phương không đáp ứng được hai điều kiện quy định tại khoản này thì năm kế tiếp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không còn thẩm quyền cấp Giấy phép phổ biến phim truyện.
4. Hàng năm, từ ngày 25 đến ngày 31 tháng 12, căn cứ vào số lượng phim truyện nhựa sản xuất và nhập khẩu được phép phổ biến của các cơ sở điện ảnh thuộc địa phương trong năm đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh biết có đủ điều kiện hoặc không đủ điều kiện cấp Giấy phép phổ biến phim truyện trong năm tiếp theo.
Điều 19. Trình tự, thủ tục đề nghị tổ chức, tham gia liên hoan phim, chiếu giới thiệu phim nước ngoài tại Việt Nam (quy định chi tiết thi hành khoản 1 Điều 41 Luật Điện ảnh được sửa đổi, bổ sung năm 2009).
1. Liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề:
a) Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Hội Điện ảnh khi tổ chức liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề phải gửi đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đơn đề nghị tổ chức liên hoan phim và Điều lệ liên hoan phim;
b) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm trả lời bằng văn bản việc chấp thuận, nếu không chấp thuận phải nêu rõ lý do.
2. Điều kiện, trình tự, thủ tục tổ chức chiếu giới thiệu phim nước ngoài tại Việt Nam:
a) Tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép tổ chức, chiếu giới thiệu phim nước ngoài tại Việt Nam không nhằm mục đích kinh doanh;
b) Hồ sơ đề nghị chiếu giới thiệu phim nước ngoài tại Việt Nam theo khoản 3 Điều 41 Luật Điện ảnh được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và bản dịch thuyết minh bằng tiếng Việt, bản phim; mẫu đơn đề nghị do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định;
c) Tổ chức, cá nhân tổ chức chiếu giới thiệu phim nước ngoài tại Việt Nam phải nộp phí thẩm định phim theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí;
d) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm trả lời bằng văn bản việc chấp thuận, nếu không chấp thuận phải nêu rõ lý do.
Điều 20. Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất phim (quy định chi tiết thi hành khoản 2 Điều 14 Luật Điện ảnh được sửa đổi, bổ sung năm 2009).
1. Việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất phim theo quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2, điểm a và b khoản 3 Điều 14 Luật Điện ảnh và khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh.
2. Doanh nghiệp sản xuất phim thành lập và hoạt động trước ngày 01 tháng 01 năm 2007 phải làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.
Điều 21. Xử lý vi phạm pháp luật về điện ảnh (quy định chi tiết thi hành Điều 53 Luật Điện ảnh)
1. Cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động điện ảnh thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động điện ảnh thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
3. Việc xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động điện ảnh thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa.
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07 tháng 7 năm 2010.
2. Nghị định này thay thế Nghị định 96/2007/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện ảnh.
Điều 23. Trách nhiệm hướng dẫn và thi hành Nghị định
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các Bộ, ngành liên quan quy định chi tiết thi hành Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động điện ảnh tại Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ |