Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019
Số hiệu: 44/2019/QH14 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
Ngày ban hành: 14/06/2019 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 17/07/2019 Số công báo: Từ số 559 đến số 560
Lĩnh vực: Y tế - dược, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 44/2019/QH14

Hà Nội, ngày 14 tháng 06 năm 2019

 

LUẬT

PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA RƯỢU, BIA

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp gim tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Rượu là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men từ một hoặc hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm tinh bột của ngũ cốc, dịch đường của cây, hoa, củ, quả hoặc là đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm.

2. Bia là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men từ hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm mạch nha (malt), đại mạch, nấm men bia, hoa bia (hoa houblon), nước.

3. Cồn thực phẩm là hp chất hữu cơ có công thức phân tử là C2H5OH và có tên khoa học là ethanol đã được loại bỏ tạp chất, đạt yêu cầu dùng trong thực phẩm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, có khả năng gây nghiện và gây ngộ độc cấp tính.

4. Độ cồn là số đo chhàm lượng cồn thực phẩm có trong rượu, bia tính theo phần trăm thể tích. Độ cồn được tính bằng số mililít ethanol nguyên chất trong 100 ml dung dịch ở 20 °C.

5. Tác hại của rượu, bia là ảnh hưởng, tác động có hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người, gia đình, cộng đồng, an toàn giao thông, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế và các vấn đề xã hội khác.

6. Nghiện rượu, bia là tình trạng lệ thuộc vào rượu, bia với biểu hiện đặc trưng như thường xuyên thèm uống, lượng uống có thể tăng theo thời gian, không thể tự kiểm soát lượng uống hay ngừng uống.

7. Sản xuất rượu thủ công là hoạt động sản xuất rượu bằng dụng cụ truyền thống, không sử dụng máy móc, thiết bị công nghiệp.

8. Sản xuất rượu công nghiệp là hoạt động sản xuất rượu bằng máy móc, thiết bị công nghiệp.

Điều 3. Chính sách của Nhà nước trong phòng, chống tác hại của rượu, bia

1. Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia.

2. Ưu tiên hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông; giảm tính sẵn có, dễ tiếp cận của rượu, bia; giảm tác hại của rượu, bia; tăng cường quản lý sản xuất rượu thủ công; thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai.

3. Bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia; chú trọng các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia của y tế cơ sở và ở cộng đồng; huy động xã hội hóa các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia.

4. Khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới nhằm giảm tác hại của rượu, bia.

5. Khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Điều 4. Quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia

1. Được sống trong môi trường không chịu ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia.

2. Được cung cấp thông tin phù hợp, chính xác, khách quan, khoa học, đầy đủ về rượu, bia, nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng và tác hại của rượu, bia.

3. Phản ánh, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; tố cáo việc cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

4. Tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia

1. Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.

2. Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.

3. Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.

4. Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.

5. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.

6. Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

7. Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên.

8. Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe.

9. Khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.

10. Sử dụng nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu, bia.

11. Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động.

12. Kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu rượu, bia.

13. Các hành vi bị nghiêm cấm khác liên quan đến rượu, bia do luật định.

Chương II

BIỆN PHÁP GIẢM MỨC TIÊU THỤ RƯỢU, BIA

Điều 6. Mục đích, yêu cầu trong thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia

1. Thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, định hướng hành vi, thay đổi thói quen có hại để phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe con người, gia đình, cộng đồng, an toàn giao thông, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế và các vấn đề xã hội khác.

2. Việc thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Chính xác, khách quan và khoa học;

b) Thường xuyên; phù hợp, dễ tiếp cận và hiệu quả đối với từng đối tượng, trình độ, lứa tuổi, giới tính; phù hợp với truyền thống, văn hóa, bản sắc dân tộc, tôn giáo và phong tục tập quán; chú trọng đối với học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai và cá nhân, tổ chức, hộ gia đình sản xuất rượu thủ công.

Điều 7. Nội dung thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia

1. Chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia; các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia; các chế tài xử phạt và vận động cá nhân, tổ chức tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

2. Quyền, nghĩa vụ của cá nhân và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cộng đồng trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

3. Tác hại của rượu, bia; tác hại của rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; các mức độ nguy cơ khi uống rượu, bia; các biện pháp giảm tác hại của rượu, bia.

4. Bệnh, tình trạng sức khỏe, đối tượng không nên uống rượu, bia; độ tuổi không được uống rượu, bia.

5. Kỹ năng từ chối uống rượu, bia; kỹ năng nhận biết và ứng xử, xử trí khi gặp người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia.

6. Vận động hạn chế uống rượu, bia và không điều khiển phương tiện giao thông, vận hành máy móc sau khi uống rượu, bia.

7. Hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

8. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công làm thủ tục cấp giấy phép sản xuất, đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã việc bán rượu cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại, kê khai việc sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh.

Điều 8. Hình thức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia

1. Thực hiện trực tiếp; tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp, phổ biến tài liệu.

2. Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, mạng Internet, pa-nô, áp-phích, tranh cổ động.

3. Thi tuyên truyền, tìm hiểu.

4. Chiến dịch truyền thông.

5. Lồng ghép trong việc giảng dạy, học tập tại cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao; trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, cộng đồng và các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

Điều 9. Trách nhiệm trong thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện thông tin, giáo dục, truyền thông quy định tại các điều 6, 7 và 8 của Luật này.

2. Chính phủ quy định trách nhiệm thực hiện thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia và việc hạn chế sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu, bia trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình.

Điều 10. Địa điểm không uống rượu, bia

1. Cơ sở y tế.

2. Cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc.

3. Cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi.

4. Cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ phạm nhân và cơ sở giam giữ khác.

5. Cơ sở bảo trợ xã hội.

6. Nơi làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian làm việc, trừ địa điểm được phép kinh doanh rượu, bia.

7. Các địa điểm công cộng theo quy định của Chính phủ.

Điều 11. Quản lý việc khuyến mại rượu, bia có độ cồn dưới 15 độ

Tổ chức, cá nhân thực hiện khuyến mại rượu, bia có độ cồn dưới 15 độ phải tuân thủ các quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật về khuyến mại.

Điều 12. Quản lý việc quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ

1. Tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo rượu, bia phải tuân thủ các quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật về quảng cáo.

2. Quảng cáo không thể hiện các nội dung sau đây:

a) Có thông tin, hình ảnh nhằm khuyến khích uống rượu, bia; thông tin rượu, bia có tác dụng tạo sự trưởng thành, thành đạt, thân thiện, hấp dẫn về giới tính; hướng đến trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai;

b) Sử dụng vật dụng, hình ảnh, biểu tượng, âm nhạc, nhân vật trong phim, nhãn hiệu sản phẩm dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi hoặc hình ảnh của người chưa đủ 18 tuổi trong quảng cáo rượu, bia.

3. Không thực hiện quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo trong trường hợp sau đây:

a) Sự kiện, phương tiện quảng cáo, sản phẩm dành cho người chưa đủ 18 tuổi, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai;

b) Phương tiện giao thông;

c) Báo nói, báo hình ngay trước, trong và ngay sau chương trình dành cho trẻ em; trong thời gian từ 18 giờ đến 21 giờ hằng ngày, trừ trường hợp quảng cáo có sẵn trong các chương trình thể thao mua bản quyền tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài và trường hợp khác theo quy định của Chính phủ;

d) Phương tiện quảng cáo ngoài trời vi phạm quy định về kích thước, khoảng cách đặt phương tiện quảng cáo tính từ khuôn viên của cơ sở giáo dục, cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi.

4. Quảng cáo phải có cảnh báo để phòng, chống tác hại của rượu, bia.

5. Quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và thiết bị viễn thông khác phải có hệ thống công nghệ chặn lọc, phần mềm kiểm soát tuổi của người truy cập để ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin về rượu, bia.

6. Chính phủ quy định chi tiết điểm d khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều này.

Điều 13. Quản lý việc quảng cáo rượu có độ cồn từ 5,5 độ đến dưới 15 độ và bia có độ cồn từ 5,5 độ trở lên

Tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo rượu có độ cồn từ 5,5 độ đến dưới 15 độ và bia có độ cồn từ 5,5 độ trlên phải tuân thủ quy định tại Điều 12 của Luật này và không quảng cáo trong trường hợp sau đây:

1. Trong các chương trình, hoạt động văn hóa, sân khấu, điện ảnh, thể thao;

2. Trên các phương tiện quảng cáo ngoài trời, trừ biển hiệu của cơ sở kinh doanh rượu, bia.

Điều 14. Quản lý việc tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu, bia

Tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu, bia thực hiện tài trợ phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan đến việc tài trợ và không được tài trợ bằng sản phẩm rượu, bia.

Chương III

BIỆN PHÁP QUẢN LÝ VIỆC CUNG CẤP RƯỢU, BIA

Điều 15. Quản lý kinh doanh rượu

1. Điều kiện cấp phép sản xuất rượu công nghiệp có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bao gồm:

a) Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật;

b) Có dây chuyền máy móc, thiết bị công nghiệp, quy trình công nghệ sản xuất rượu đáp ứng quy mô dự kiến sản xuất;

c) Bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

d) Có nhân viên kỹ thuật có trình độ, chuyên môn phù hợp với ngành, nghề sản xuất rượu.

2. Điều kiện cấp phép sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên nhằm mục đích kinh doanh, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, bao gồm:

a) Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật;

b) Bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy ánh của pháp luật.

3. Điều kiện đối với hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại bao gồm:

a) Có hợp đồng mua bán với cơ sở có giấy phép sản xuất rượu và có đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở sản xuất;

b) Bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

4. Điều kiện cấp phép mua bán rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bao gồm:

a) Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;

b) Đáp ứng điều kiện theo từng loại hình mua bán rượu.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này và quy định việc quản lý kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ.

Điều 16. Điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử

1. Đáp ứng quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 15 và Điều 18 của Luật này.

2. Đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử.

3. Thực hiện biện pháp theo quy định của Chính phủ để ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin và mua rượu, bia.

4. Áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Điều 17. Biện pháp quản lý đối với sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh

1. Hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh phải có bản kê khai gửi Ủy ban nhân dân cấp xã về lượng rượu được sản xuất, phạm vi sử dụng, cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm và không bán rượu ra thị trường theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định. Việc kê khai không phải nộp phí, lệ phí.

2. Ủy ban nhân dân các cấp hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; báo cáo sản lượng và tình hình bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh trên địa bàn.

Điều 18. Bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm đối với rượu, bia

Rượu, bia được kinh doanh, lưu hành tại Việt Nam phải bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Địa điểm không bán rượu, bia

1. Cơ sở y tế.

2. Cơ sở giáo dục.

3. Cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi.

4. Cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ phạm nhân và cơ sở giam giữ khác.

5. Cơ sở bảo trợ xã hội.

6. Nơi làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, trừ địa điểm được phép kinh doanh rượu, bia.

Điều 20. Phòng ngừa và xử lý rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; rượu, bia nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ

1. Rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và rượu, bia nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ đều bị tịch thu, xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp, tham gia với cơ quan có thẩm quyền trong phòng, chống rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và rượu, bia nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

3. Bộ Công Thương, Bộ Y tế, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, hướng dẫn việc bổ sung chất chỉ thị màu vào các sản phẩm cồn không dùng trong thực phẩm để phân biệt với cồn thực phẩm và phòng ngừa pha chế rượu từ sản phẩm cồn không được phép dùng trong thực phẩm.

Chương IV

BIỆN PHÁP GIẢM TÁC HẠI CỦA RƯỢU, BIA

Điều 21. Phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia

1. Người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông.

2. Người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải có trách nhiệm chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông.

3. Cơ quan, người có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra nồng độ cồn trong máu, hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông đang tham gia giao thông hoặc gây ra tai nạn giao thông.

4. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm xây dựng nội dung và tổ chức việc đào tạo về phòng, chống tác hại của rượu, bia trong chương trình đào tạo cấp bằng, chứng chỉ, giấy phép điều khiển phương tiện giao thông thuộc phạm vi quản lý.

Điều 22. Phòng ngừa, can thiệp và giảm tác hại của việc uống rượu, bia đối với sức khỏe

1. Các biện pháp phòng ngừa, can thiệp và giảm tác hại của việc uống rượu, bia đối với sức khỏe bao gồm:

a) Tư vấn về phòng, chống tác hại của rượu, bia cho người đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế;

b) Sàng lọc, phát hiện sớm yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe của người uống rượu, bia; người mắc bệnh, rối loạn chức năng do uống rượu, bia; người nghiện rượu, bia;

c) Can thiệp giảm tác hại cho người có yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe, phụ nữ mang thai có hội chứng hoặc nguy cơ ngộ độc rượu ở thai nhi; phòng, chống nghiện và tái nghiện rượu, bia;

d) Chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng cho người mắc bệnh, rối loạn chức năng có liên quan đến uống rượu, bia.

2. Cơ sở y tế thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này theo hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật của Bộ Y tế.

Điều 23. Tư vấn về phòng, chống tác hại của rượu, bia

1. Tư vấn về phòng, chống tác hại của rượu, bia bao gồm các nội dung sau đây:

a) Thông tin, kiến thức, pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia;

b) Biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; kỹ năng từ chối uống rượu, bia; kỹ năng nhận biết và ứng xử, xử trí khi gặp người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia.

2. Việc tư vấn về phòng, chống tác hại của rượu, bia tập trung vào các đối tượng sau đây:

a) Người thường xuyên uống rượu, bia;

b) Người nghiện rượu, bia;

c) Thành viên gia đình có người thường xuyên uống rượu, bia, người nghiện rượu, bia;

d) Trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai;

đ) Người bị ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận hướng dẫn, tạo điều kiện cho hoạt động tư vấn về phòng, chống tác hại của rượu, bia trên địa bàn.

4. Nhà nước tạo điều kiện và khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện tư vấn về phòng, chống tác hại của rượu, bia cho thành viên trong cộng đồng.

5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tư vấn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.

Điều 24. Biện pháp phòng ngừa tác hại của rượu, bia tại cộng đồng

1. Tuyên truyền, vận động các gia đình, thành viên thuộc tổ chức, cộng đồng tham gia tuyên truyền và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

2. Lồng ghép hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia vào các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, xây dựng đời sống văn hóa và hoạt động khác tại cộng đồng.

3. Vận động, khuyến khích quy định trong hương ước, quy ước việc hạn chế hoặc không uống rượu, bia tại đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư.

4. Vận động cá nhân, tổ chức không sử dụng sản phẩm rượu, bia không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa được kiểm nghiệm an toàn thực phẩm.

5. Phát hiện, phản ánh người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia để cảnh báo, phòng ngừa, xử lý hành vi gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.

Điều 25. Chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để phòng ngừa, giảm tác hại của rượu, bia

1. Các biện pháp chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để phòng ngừa, giảm tác hại của rượu, bia bao gồm:

a) Tư vấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú về tác hại của rượu, bia đối với thai nhi, trẻ em; cho người bị ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia khi sử dụng dịch vụ tại cơ sở y tế, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình;

b) Can thiệp, hỗ trợ, áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc, bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình đối với trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để không bị ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia;

c) Các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật.

2. Các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này phải được lồng ghép trong chương trình, kế hoạch, hoạt động có liên quan đến trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác.

3. Cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhận thực hiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.

Chương V

ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM CHO HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA RƯỢU, BIA

Điều 26. Kinh phí cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia

1. Kinh phí cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia bao gồm:

a) Ngân sách nhà nước;

b) Kinh phí hợp pháp khác.

2. Kinh phí cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia được phân bổ, quản lý, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và theo quy định của pháp luật

3. Chính phủ quy định nội dung chi, mức chi cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia được ngân sách nhà nước bảo đảm.

Điều 27. Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho người làm công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia

1. Người làm công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với trách nhiệm được giao.

2. Nhân viên y tế cơ sở, cộng tác viên thực hiện phòng, chống tác hại của rượu, bia được ưu tiên tham gia các hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Điều 28. Xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia

1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan, người có thẩm quyền được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện, xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

3. Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Chương VI

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA RƯỢU, BIA

Điều 29. Nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia

1. Ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, kế hoạch về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

2. Thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

3. Đào tạo, bồi dưỡng về công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia.

4. Thống kê, sơ kết, tổng kết, định kỳ báo cáo việc thực hiện phòng, chống tác hại của rượu, bia.

5. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

6. Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Điều 30. Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

2. Bộ Y tế là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

3. Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

4. Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia tại địa phương.

Điều 31. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội

1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm giáo dục, tuyên truyền, vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; đưa nội dung phòng, chống tác hại của rượu, bia vào nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức; tham gia ý kiến xây dựng pháp luật, thực hiện giám sát, phản biện xã hội trong lĩnh vực phòng, chống tác hại của rượu, bia theo quy định của pháp luật.

2. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Tuyên truyền, giáo dục trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên không uống rượu, bia;

c) Phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan để bảo vệ và hỗ trợ trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên bị ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia;

d) Lng ghép hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia trong công tác đoàn, đội.

3. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan để bảo vệ và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia;

c) Lng ghép hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia trong công tác hội.

4. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, tham gia giáo dục, tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; tham gia ý kiến xây dựng pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; cung cấp thông tin về phòng, chống tác hại của rượu, bia theo quy định của pháp luật.

Điều 32. Trách nhiệm của cơ sở kinh doanh rượu, bia

1. Tuân thủ quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh rượu, bia; về quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, an toàn thực phẩm, chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, ghi nhãn hàng hóa đối với rượu, bia. Thông tin về sản phẩm rượu, bia phải bảo đảm chính xác, khoa học.

2. Cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về hoạt động kinh doanh của cơ sở theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

3. Không sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc kinh doanh, quảng cáo rượu, bia.

4. Thu hồi và xử lý rượu, bia không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm do cơ sở mình sản xuất, mua bán theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

5. Cơ sở bán rượu, bia phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu, bia thì người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ chứng minh.

6. Cơ sở bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ nhắc nhở và có hình thức thông tin phù hợp đối với khách hàng về việc không điều khiển phương tiện giao thông, hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi uống rượu, bia.

7. Kể từ ngày Luật này có hiệu lực, không được mở mới điểm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ trong bán kính 100 m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông.

Điều 33. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia

1. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia; tổ chức thực hiện nghiêm quy định không uống rượu, bia trong thời gian làm việc, tại nơi làm việc của cơ quan, tổ chức.

2. Người đứng đầu tổ dân phố, khu phố, khối phố, thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, tổ chức tại cơ sở, cộng đồng tham gia các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định tại Điều 24 của Luật này.

3. Người đứng đầu, người quản lý, điều hành địa điểm quy định tại Điều 10 và Điều 19 của Luật này có trách nhiệm sau đây:

a) Nhắc nhở, yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm quy định tại Điều 10 và Điều 19 của Luật này; từ chối cung cấp dịch vụ nếu người vi phạm tiếp tục vi phạm sau khi đã được nhắc nhở, yêu cầu;

b) Tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc mọi người thực hiện đúng quy định về không được uống, không được bán rượu, bia tại địa điểm thuộc, quyền quản lý, điều hành.

Điều 34. Trách nhiệm của gia đình trong phòng, chống tác hại của rượu, bia

1. Giáo dục, giám sát, nhắc nhở thành viên chưa đủ 18 tuổi không uống rượu, bia, các thành viên khác trong gia đình hạn chế uống rượu, bia; động viên, giúp đỡ người nghiện rượu, bia trong gia đình cai nghiện rượu, bia.

2. Hướng dẫn các thành viên trong gia đình kỹ năng từ chối uống rượu, bia; kỹ năng nhận biết, ứng xử, xử trí khi gặp người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia và thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia.

3. Tham gia với các cơ quan, tổ chức và cộng đồng thực hiện phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 35. Sửa đổi, bổ sung quy định của một số luật khác

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau:

“8. Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường thủy nội địa số 23/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 48/2014/QH13, Luật số 97/2015/QH13 và Luật số 35/2018/QH14 như sau:

“8. Thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn hoặc có các chất kích thích khác mà luật cấm sử dụng.”.

3. Thay thế một số cụm từ tại một số điều của Luật Thương mại số 36/2005/QH11 đã dược sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 05/2017/QH14 như sau:

a) Thay thế cụm từ “rượu có độ cồn từ 30 độ trở lên” bằng cụm từ “rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên” tại khoản 4 Điều 100;

b) Thay thế cụm từ “rượu có độ cồn từ 30 độ trở lên” bằng cụm từ “rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên” tại khoản 4 Điều 109.

Điền 36. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.

2. Kể từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 01 tháng 01 năm 2022, việc cấp phép sản xuất rượu thủ công quy định tại khoản 2 Điều 15 của Luật này và việc đăng ký sản xuất rượu thủ công quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này không phải nộp phí, lệ phí.

Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2019.

 

 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Thị Kim Ngân

 

- Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 4 và Điều 14 Nghị định 24/2020/NĐ-CP

Căn cứ Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ngày 14 tháng 6 năm 2019;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
...
Điều 4. Hạn chế hình ảnh diễn viên uống rượu, bia trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình

1. Việc sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu, bia trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Không thể hiện các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 5, hành vi uống rượu, bia ở các địa điểm được quy định tại Điều 10, hành vi bán rượu, bia ở các địa điểm được quy định tại Điều 19 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia hoặc hành vi uống rượu, bia trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh, truyền hình dành cho người dưới 18 tuổi; trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án các hành vi này;

b) Không ca ngợi tổ chức, cá nhân thành công từ sản xuất, kinh doanh rượu, bia;

c) Việc sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu, bia nhằm mục đích nghệ thuật chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết để khắc họa hình tượng nhân vật lịch sử hoặc tái hiện một giai đoạn lịch sử nhất định hoặc phê phán, lên án hành vi uống rượu, bia;

d) Việc sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu, bia nhằm mục đích nghệ thuật ngoài các trường hợp quy định tại điểm c khoản này phải được cơ quan có thẩm quyền duyệt phim chấp thuận trên cơ sở đề nghị của Hội đồng thẩm định phim theo quy định của Luật Điện ảnh hoặc được cơ quan có thẩm quyền cấp phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật chấp thuận theo quy định tại Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15 ngày 3 tháng 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu. Việc chấp thuận hình ảnh diễn viên uống rượu, bia nhằm mục đích nghệ thuật được thực hiện lồng ghép trong quá trình thẩm định, cấp phép, phê duyệt tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình theo quy định của pháp luật và bảo đảm không phát sinh thêm thủ tục hành chính.

2. Mức độ xuất hiện cảnh diễn viên uống rượu, bia trong các trường hợp quy định tại điểm c, điểm d khoản 1 Điều này là tiêu chí phân loại phim để phổ biến phim theo lứa tuổi phù hợp, được lồng ghép trong tiêu chí phân loại phim theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
...
Điều 14. Trách nhiệm thực hiện thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia

1. Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực và địa bàn được phân công quản lý.

2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm chủ động tổ chức, tham gia thực hiện việc thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực và địa bàn được phân công quản lý:

a) Tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia đáp ứng mục đích, yêu cầu, nội dung quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia bằng các hình thức phù hợp với đối tượng thông tin, giáo dục, truyền thông và điều kiện, tình hình thực tế của địa phương;

b) Tổ chức lồng ghép, đưa các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia vào các kế hoạch hoạt động hằng năm của cơ quan, đơn vị;

c) Tạo điều kiện, khuyến khích các cá nhân, đơn vị thuộc cơ quan, tổ chức tích cực tham gia các chiến dịch, hoạt động truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

3. Cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của rượu, bia và phòng, chống tác hại của rượu, bia phù hợp với lứa tuổi của học sinh, sinh viên.

4. Cơ sở y tế có trách nhiệm tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của rượu, bia và phòng, chống tác hại của rượu, bia cho người bệnh, gia đình người bệnh và người dân đến khám, điều trị và sử dụng dịch vụ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn, đối tượng phục vụ của cơ sở y tế.

5. Cá nhân, gia đình có trách nhiệm tham gia, hưởng ứng các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 3 Nghị định 24/2020/NĐ-CP

Căn cứ Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ngày 14 tháng 6 năm 2019;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
...
Điều 3. Địa điểm công cộng không được uống rượu, bia

Ngoài các địa điểm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và khoản 6 Điều 10 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, các địa điểm công cộng không được uống rượu, bia bao gồm:

1. Công viên, trừ trường hợp nhà hàng trong phạm vi khuôn viên của công viên đã được cấp phép kinh doanh rượu, bia trước ngày Nghị định này có hiệu lực.

2. Nhà chờ xe buýt.

3. Rạp chiếu phim, nhà hát, cơ sở văn hóa, thể thao trong thời gian tổ chức các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ và công năng sử dụng chính của các địa điểm này, trừ trường hợp tổ chức các lễ hội ẩm thực, văn hóa có sử dụng rượu, bia.

Xem nội dung VB
- Điểm này được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 5 Nghị định 24/2020/NĐ-CP

Căn cứ Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ngày 14 tháng 6 năm 2019;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
...
Điều 5. Một số biện pháp quản lý việc quảng cáo rượu có độ cồn dưới 15 độ và bia

1. Ngoài trường hợp quy định tại điểm c khoản 3 Điều 12 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, trường hợp được quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ trên báo nói, báo hình trong thời gian từ 18 giờ đến 21 giờ hằng ngày bao gồm các quảng cáo rượu, bia của đơn vị tài trợ tại địa điểm diễn ra chương trình đại hội thể thao, giải thi đấu thể thao quy mô khu vực, châu lục hoặc thế giới tổ chức tại Việt Nam được phát sóng trực tiếp trên báo nói, báo hình.

Xem nội dung VB
- Điểm này được hướng dẫn bởi Khoản 2 Điều 5 Nghị định 24/2020/NĐ-CP

Căn cứ Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ngày 14 tháng 6 năm 2019;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
...
Điều 5. Một số biện pháp quản lý việc quảng cáo rượu có độ cồn dưới 15 độ và bia
...
2. Quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ trên phương tiện quảng cáo ngoài trời phải tuân thủ các quy định sau đây:

a) Kích thước biển quảng cáo thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với phương tiện quảng cáo;

b) Bảo đảm khoảng cách tối thiểu 200m tính từ điểm đặt phương tiện quảng cáo đến ranh giới gần nhất của khuôn viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi; tối thiểu 100m tính từ điểm đặt phương tiện quảng cáo đến ranh giới gần nhất của khuôn viên cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học; trừ trường hợp biển hiệu của cơ sở kinh doanh rượu, bia. Trường hợp đã có quảng cáo rượu, bia trên phương tiện quảng cáo ngoài trời đặt trong phạm vi khoảng cách trên trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục được thực hiện đến khi hợp đồng về việc đặt quảng cáo đó hết hiệu lực và không được gia hạn hợp đồng.

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 3 Điều 5 Nghị định 24/2020/NĐ-CP

Căn cứ Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ngày 14 tháng 6 năm 2019;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
...
Điều 5. Một số biện pháp quản lý việc quảng cáo rượu có độ cồn dưới 15 độ và bia
...
3. Quảng cáo rượu có độ cồn dưới 15 độ và bia phải có cảnh báo để phòng, chống tác hại của rượu, bia bảo đảm các quy định sau đây:

a) Có một trong các nội dung cảnh báo: "uống rượu, bia có thể gây tai nạn giao thông", "uống rượu, bia có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi", "người dưới 18 tuổi không được uống rượu, bia";

b) Quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình, đài phát thanh, sản phẩm quảng cáo rượu, bia ghi âm, ghi hình phải đọc rõ nội dung cảnh báo theo quy định tại điểm a khoản này với tốc độ đọc tương đương tốc độ đọc các nội dung khác trong cùng một quảng cáo;

c) Quảng cáo rượu, bia trên báo hình, báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, đài phát thanh có hình, phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và thiết bị viễn thông khác có hình ảnh, sản phẩm quảng cáo rượu, bia ghi hình phải thể hiện nội dung cảnh báo theo quy định tại điểm a khoản này bằng chữ viết có màu tương phản với màu nền bảo đảm dễ nhìn, chiếm tối thiểu 10% diện tích quảng cáo. Trường hợp quảng cáo rượu, bia trên truyền hình thì cảnh báo bằng chữ viết phải thể hiện theo hết chiều ngang của màn hình;

d) Quảng cáo tại địa điểm kinh doanh rượu, bia phải có nội dung cảnh báo theo quy định tại điểm a khoản này bằng chữ viết bảo đảm rõ nét, dễ nhìn hoặc bản ghi âm, ghi hình quảng cáo đáp ứng yêu cầu quy định tại điểm b, điểm c khoản này;

đ) Quảng cáo rượu, bia khác ngoài các trường hợp quy định tại các điếm b, c và điểm d khoản này phải có nội dung cảnh báo theo quy định tại điểm a khoản này bằng chữ viết bảo đảm rõ nét, dễ nhìn.

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 4 Điều 5 Nghị định 24/2020/NĐ-CP

Căn cứ Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ngày 14 tháng 6 năm 2019;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
...
Điều 5. Một số biện pháp quản lý việc quảng cáo rượu có độ cồn dưới 15 độ và bia
...
4. Quảng cáo rượu, bia trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và thiết bị viễn thông khác phải có hệ thống công nghệ chặn lọc, phần mềm kiểm soát tuổi của người truy cập để ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin về rượu, bia bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Không hiển thị quảng cáo trước khi người truy cập, tìm kiếm thông tin khai báo tuổi;

b) Quảng cáo không được liên kết, quảng bá đến các tài khoản người dùng chưa đủ 18 tuổi; các trang, kênh, phương tiện thông tin khác trên môi trường mạng dành riêng cho người chưa đủ 18 tuổi hoặc có đa số người sử dụng, truy cập chưa đủ 18 tuổi;

c) Trường hợp quảng cáo rượu, bia được thực hiện trước khi Nghị định này có hiệu lực chưa đáp ứng yêu cầu quy định tại điểm a, điểm b khoản này thì tiếp tục được thực hiện đến khi hợp đồng quảng cáo hết hiệu lực và không được gia hạn hợp đồng.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 5 Nghị định 24/2020/NĐ-CP

Căn cứ Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ngày 14 tháng 6 năm 2019;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
...
Điều 5. Một số biện pháp quản lý việc quảng cáo rượu có độ cồn dưới 15 độ và bia

1. Ngoài trường hợp quy định tại điểm c khoản 3 Điều 12 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, trường hợp được quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ trên báo nói, báo hình trong thời gian từ 18 giờ đến 21 giờ hằng ngày bao gồm các quảng cáo rượu, bia của đơn vị tài trợ tại địa điểm diễn ra chương trình đại hội thể thao, giải thi đấu thể thao quy mô khu vực, châu lục hoặc thế giới tổ chức tại Việt Nam được phát sóng trực tiếp trên báo nói, báo hình.

2. Quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ trên phương tiện quảng cáo ngoài trời phải tuân thủ các quy định sau đây:

a) Kích thước biển quảng cáo thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với phương tiện quảng cáo;

b) Bảo đảm khoảng cách tối thiểu 200m tính từ điểm đặt phương tiện quảng cáo đến ranh giới gần nhất của khuôn viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi; tối thiểu 100m tính từ điểm đặt phương tiện quảng cáo đến ranh giới gần nhất của khuôn viên cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học; trừ trường hợp biển hiệu của cơ sở kinh doanh rượu, bia. Trường hợp đã có quảng cáo rượu, bia trên phương tiện quảng cáo ngoài trời đặt trong phạm vi khoảng cách trên trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục được thực hiện đến khi hợp đồng về việc đặt quảng cáo đó hết hiệu lực và không được gia hạn hợp đồng.

3. Quảng cáo rượu có độ cồn dưới 15 độ và bia phải có cảnh báo để phòng, chống tác hại của rượu, bia bảo đảm các quy định sau đây:

a) Có một trong các nội dung cảnh báo: "uống rượu, bia có thể gây tai nạn giao thông", "uống rượu, bia có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi", "người dưới 18 tuổi không được uống rượu, bia";

b) Quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình, đài phát thanh, sản phẩm quảng cáo rượu, bia ghi âm, ghi hình phải đọc rõ nội dung cảnh báo theo quy định tại điểm a khoản này với tốc độ đọc tương đương tốc độ đọc các nội dung khác trong cùng một quảng cáo;

c) Quảng cáo rượu, bia trên báo hình, báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, đài phát thanh có hình, phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và thiết bị viễn thông khác có hình ảnh, sản phẩm quảng cáo rượu, bia ghi hình phải thể hiện nội dung cảnh báo theo quy định tại điểm a khoản này bằng chữ viết có màu tương phản với màu nền bảo đảm dễ nhìn, chiếm tối thiểu 10% diện tích quảng cáo. Trường hợp quảng cáo rượu, bia trên truyền hình thì cảnh báo bằng chữ viết phải thể hiện theo hết chiều ngang của màn hình;

d) Quảng cáo tại địa điểm kinh doanh rượu, bia phải có nội dung cảnh báo theo quy định tại điểm a khoản này bằng chữ viết bảo đảm rõ nét, dễ nhìn hoặc bản ghi âm, ghi hình quảng cáo đáp ứng yêu cầu quy định tại điểm b, điểm c khoản này;

đ) Quảng cáo rượu, bia khác ngoài các trường hợp quy định tại các điếm b, c và điểm d khoản này phải có nội dung cảnh báo theo quy định tại điểm a khoản này bằng chữ viết bảo đảm rõ nét, dễ nhìn.

4. Quảng cáo rượu, bia trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và thiết bị viễn thông khác phải có hệ thống công nghệ chặn lọc, phần mềm kiểm soát tuổi của người truy cập để ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin về rượu, bia bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Không hiển thị quảng cáo trước khi người truy cập, tìm kiếm thông tin khai báo tuổi;

b) Quảng cáo không được liên kết, quảng bá đến các tài khoản người dùng chưa đủ 18 tuổi; các trang, kênh, phương tiện thông tin khác trên môi trường mạng dành riêng cho người chưa đủ 18 tuổi hoặc có đa số người sử dụng, truy cập chưa đủ 18 tuổi;

c) Trường hợp quảng cáo rượu, bia được thực hiện trước khi Nghị định này có hiệu lực chưa đáp ứng yêu cầu quy định tại điểm a, điểm b khoản này thì tiếp tục được thực hiện đến khi hợp đồng quảng cáo hết hiệu lực và không được gia hạn hợp đồng.

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 6 Nghị định 24/2020/NĐ-CP

Căn cứ Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ngày 14 tháng 6 năm 2019;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
...
Điều 6. Thực hiện biện pháp ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin và mua rượu, bia trong hoạt động bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử

Tổ chức, cá nhân bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử; tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ thương mại điện tử cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác bán rượu, bia phải thực hiện biện pháp ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin và mua rượu, bia bảo đảm các yêu cầu sau đây:

1. Có ứng dụng khai báo tên, tuổi của người truy cập trước khi người đó truy cập, tìm kiếm thông tin; khai báo các thông tin về tên, địa chỉ cư trú của người mua, thông tin thanh toán qua tài khoản, thẻ ngân hàng hoặc các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khác khi người đó thực hiện giao dịch mua rượu, bia.

2. Thông tin về sản phẩm rượu, bia trên website thương mại điện tử của tổ chức, cá nhân bán rượu, bia không được liên kết, quảng bá đến các tài khoản người dùng chưa đủ 18 tuổi; các trang, kênh, phương tiện thông tin khác trên môi trường mạng dành riêng cho người chưa đủ 18 tuổi hoặc có đa số người sử dụng, truy cập chưa đủ 18 tuổi.

3. Tổ chức, cá nhân bán rượu, bia có trách nhiệm kiểm tra tuổi của người nhận hàng trong trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người đó, bảo đảm người nhận hàng phải từ đủ 18 tuổi trở lên khi giao hàng.

4. Chậm nhất đến ngày 30 tháng 6 năm 2020, tổ chức, cá nhân bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử đã hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực có trách nhiệm thực hiện quy định tại các khoản 1, 2, và khoản 3 Điều này.

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi Chương III Nghị định 24/2020/NĐ-CP

Căn cứ Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ngày 14 tháng 6 năm 2019;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
...
Chương III NỘI DUNG, MỨC CHI CHO HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA RƯỢU, BIA

Điều 7. Nội dung chi cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia

1. Nội dung chi cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia bao gồm:

a) Xây dựng, phổ biến và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, kế hoạch về phòng, chống tác hại của rượu, bia;

b) Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia;

c) Hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia tại cộng đồng, cơ quan, tổ chức;

d) Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, sáng kiến về phòng, chống tác hại của rượu, bia;

đ) Hoạt động tư vấn về tác hại của rượu, bia, sàng lọc, phát hiện sớm yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe của người uống rượu, bia, can thiệp giảm tác hại cho người có yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe tại y tế cơ sở, cộng đồng; sàng lọc, phát hiện sớm, tư vấn, dự phòng và điều trị can thiệp, phục hồi chức năng cho người mắc bệnh, rối loạn chức năng có liên quan đến uống rượu, bia, phòng, chống nghiện, tái nghiện và chăm sóc sức khỏe cho người nghiện rượu, bia tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

e) Sáng kiến, mô hình cộng đồng sức khỏe hạn chế sử dụng rượu, bia;

g) Thống kê, thu thập và phân tích thông tin, dữ liệu có liên quan đến sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ rượu, bia; thực trạng sử dụng rượu, bia và ảnh hưởng đối với sức khỏe, xã hội, kinh tế do sử dụng rượu, bia theo chu kỳ 05 năm và hằng năm làm căn cứ xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an ninh, trật tự và các vấn đề xã hội khác;

h) Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về phòng, chống tác hại của rượu, bia;

i) Nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế về phòng, chống tác hại của rượu, bia;

k) Khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong phòng, chống tác hại của rượu, bia;

l) Phòng ngừa và xử lý rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; rượu, bia nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ;

m) Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật và giải, quyết khiếu nại, tố cáo trong phòng, chống tác hại của rượu, bia;

n) Sơ kết, tổng kết việc thực hiện công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia.

2. Nội dung chi, mức chi cho các hoạt động đặc thù quy định tại các điểm c, d, đ và điểm e khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định tại các điều 8, 9, 10, 11, 12 và Điều 13 Nghị định này. Nội dung chi, mức chi cho các hoạt động khác quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo chế độ chi tiêu hiện hành của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và quy định của pháp luật.

3. Căn cứ khả năng cân đối ngân sách của địa phương và tình hình thực tế, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể xem xét, quyết định theo thẩm quyền mức chi cao hơn mức quy định tại Nghị định này.

4. Nội dung chi, mức chi các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia có nguồn kinh phí tài trợ hoặc nguồn kinh phí hợp pháp khác thực hiện theo quy định của đơn vị tài trợ và quy định của pháp luật.

Điều 8. Nội dung chi, mức chi cho các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia tại cộng đồng, cơ quan, tổ chức

1. Nội dung và mức chi nhuận bút xây dựng bản tin, phóng sự, tọa đàm về phòng, chống tác hại của rượu, bia thực hiện theo quy định tại Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2014 của Chính phủ quy định chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản và các văn bản liên quan.

2. Chi tổ chức các buổi giao lưu, các buổi lễ mít tinh, tuyên truyền, cổ động về phòng, chống tác hại của rượu, bia:

a) Chi nước uống cho người tham dự: 20.000 đồng/người/buổi; chi thù lao cho người tham dự 50.000 đồng/người/buổi;

b) Chi báo cáo viên: 200.000 đồng/người/buổi;

c) Chi tài liệu: tối đa 15.000 đồng/người;

d) Chi thuê hội trường, phông, bạt, bàn ghế, thiết bị loa đài (nếu có): Mức chi thực hiện theo hợp đồng, giấy biên nhận hoặc hoá đơn tài chính (trong trường hợp thuê dịch vụ);

đ) Chi truyền thanh (xây dựng, biên tập, phát thanh): Mức chi xây dựng, biên tập 100.000 đồng/trang 350 từ; bồi dưỡng phát thanh viên 20.000 đồng/lần;

e) Mức chi xây dựng và in tài liệu truyền thông căn cứ theo giá thị trường tại địa phương và quy định của pháp luật.

3. Chi hỗ trợ các buổi biểu diễn văn nghệ, tiểu phẩm tại cộng đồng về phòng, chống tác hại của rượu, bia:

a) Bồi dưỡng luyện tập chương trình mới: Mức bồi dưỡng cho 01 buổi tập chương trình mới tối đa không quá 70.000 đồng/người/buổi. Số buổi tập tối đa cho một chương trình mới là 10 buổi;

b) Mức bồi dưỡng trong chương trình biểu diễn tối đa không quá 150.000 đồng/người/buổi.

4. Chi thuê dẫn chương trình và biểu diễn văn nghệ tại lễ mít tinh, chiến dịch truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia:

a) Dẫn chương trình: 2.000.000 đồng/người/buổi;

b) Biểu diễn văn nghệ: 300.000 đồng/người/buổi. Tổng số buổi tập và biểu diễn cho một chương trình văn nghệ tối đa là 10 buổi.

5. Chi hỗ trợ hoạt động của các đội tuyên truyền lưu động trong các đợt mở chiến dịch tuyên truyền tại cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức:

a) Chi hỗ trợ cho những người trực tiếp tham gia đội tuyên truyền lưu động về phòng, chống tác hại của rượu, bia tại cộng đồng: chi bồi dưỡng tham gia các buổi tuyên truyền 100.000 đồng/người/buổi; chi hỗ trợ tập luyện tuyên truyền 50.000 đồng/người/buổi;

b) Mức chi xăng xe hoặc thuê phương tiện, chụp ảnh tư liệu, thiết bị, dụng cụ tuyên truyền, cổ động và các hoạt động khác theo thực tế căn cứ vào hóa đơn, chứng từ, giá thị trường tại địa phương và quy định của pháp luật.

6. Mức chi thù lao cho các cộng tác viên tham gia công tác tuyên truyền về phòng, chống tác hại của rượu, bia theo hướng dẫn về cộng tác viên tuyên truyền của Bộ Y tế: 150.000 đồng/người/tháng.

Điều 9. Chỉ tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, sáng kiến về phòng, chống tác hại của rượu, bia

1. Biên soạn đề thi và đáp án (nếu có): Mức tối đa 1.000.000 đồng/đề thi.

2. Bồi dưỡng chấm thi, Ban giám khảo cuộc thi, xét công bố kết quả thi: Mức tối đa 500.000 đồng/người/buổi.

3. Bồi dưỡng thành viên Ban tổ chức, thư ký cuộc thi: Mức tối đa 350.000 đồng/người/buổi.

4. Chi giải thưởng:

a) Đối với cuộc thi cấp trung ương: Giải tập thể tối đa 20.000.000 đồng/ giải thưởng; giải cá nhân tối đa 15.000.000 đồng/giải thưởng;

b) Đối với cuộc thi cấp tỉnh: Giải tập thể tối đa 10.000.000đồng/giải thưởng; giải cá nhân tối đa 5.000.000 đồng/giải thưởng;

c) Đối với cuộc thi cấp huyện: Giải tập thể tối đa 5.000.000 đồng/giải thưởng; giải cá nhân tối đa 2.000.000 đồng/giải thưởng;

d) Đối với cuộc thi cấp cơ sở: Giải tập thể tối đa 2.000.000 đồng/giải thưởng; giải cá nhân tối đa 1.000.000 đồng/giải thưởng.

5. Chi tổng hợp, báo cáo kết quả cuộc thi: Tối đa 1.000.000 đồng/báo cáo.

6. Chi hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại cho thành viên ban tổ chức, thành viên hội đồng thi trong những ngày tổ chức cuộc thi, thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về chế độ công tác phí đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.

7. Chi hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại cho thí sinh tham gia cuộc thi (kể cả ngày tập luyện và thi, tối đa không quá 10 ngày), áp dụng mức chi hỗ trợ tiền ăn, nghỉ đối với đại biểu không hưởng lương theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về chế độ chi hội nghị, công tác phí. Những người đã được hưởng khoản hỗ trợ nêu trên thì không được thanh toán công tác phí ở cơ quan.

8. Thu thập thông tin, tư liệu, lập hệ cơ sở dữ liệu tin học hoá (đối với cuộc thi qua mạng điện tử) thực hiện theo quy định của pháp luật.

9. Thuê dẫn chương trình: 2.000.000 đồng/người/buổi.

10. Thuê hội trường và thiết bị phục vụ cuộc thi sân khấu: Mức chi theo thực tế căn cứ hóa đơn, chứng từ.

11. Thuê diễn viên biểu diễn văn nghệ: 300.000 đồng/người/buổi. Tổng số buổi tập và biểu diễn tối đa cho một chương trình là 10 buổi.

12. Các khoản chi khác phục vụ cuộc thi thực hiện theo chế độ hiện hành của Nhà nước. Trường hợp chưa có quy định mức chi, Thủ trưởng cơ quan tổ chức cuộc thi quyết định mức chi trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước được giao.

13. Tùy theo quy mô tổ chức cuộc thi (cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp cơ sở), cấp có thẩm quyền quyết định mức chi cụ thể và không vượt quá mức chi tối đa quy định tại điều này.

Điều 10. Nội dung chi, mức chi các hoạt động tư vấn cai nghiện rượu, bia

1. Chi hỗ trợ thiết lập phòng, bộ phận tư vấn cai nghiện: điện thoại, máy tính, thiết bị, vật tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu, ngân sách.

2. Mức chi xây dựng và in tài liệu phục vụ hoạt động tư vấn cai nghiện rượu, bia theo thực tế và phù hợp với nội dung tư vấn.

3. Chi thù lao người thực hiện tư vấn cai nghiện rượu, bia:

a) Chi cho nhân viên tư vấn cai nghiện rượu, bia theo hợp đồng lao động. Mức tiền công và các khoản phụ cấp của người lao động được trả theo thỏa thuận dựa trên năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc của người lao động và các quy định của pháp luật về chế độ tiền lương, tiền công;

b) Chi cho cán bộ y tế tham gia công tác tư vấn cai nghiện rượu, bia làm đêm, làm thêm giờ thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động và văn bản hướng dẫn về thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

4. Chi cho các khoản điện, nước, văn phòng phẩm, phô tô tài liệu để duy trì hoạt động: Mức chi theo thực tế nhưng không quá 5.000.000 đồng/tháng/cơ sở.

5. Mức chi cho tổng đài điện thoại tư vấn cai nghiện rượu, bia theo thực tế phù hợp với nội dung và thời gian tư vấn.

Điều 11. Chi sàng lọc, phát hiện sớm yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe của người uống rượu, bia; người mắc bệnh, rối loạn chức năng do uống rượu, bia; người nghiện rượu, bia

1. Chi hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, vật tư, tài liệu, văn phòng phẩm thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách, đấu thầu.

2. Chi xây dựng và in tài liệu phục vụ hoạt động sàng lọc, phát hiện sớm theo thực tế và phù hợp với nội dung chuyên môn.

3. Chi thù lao cho người thực hiện sàng lọc:

a) Chi cho nhân viên theo hợp đồng lao động: Mức tiền công và các khoản phụ cấp của người lao động được trả theo thỏa thuận dựa trên năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc của người lao động và các quy định của pháp luật về chế độ tiền lương, tiền công;

b) Chi bồi dưỡng hỗ trợ cho cán bộ y tế, cộng tác viên tham gia công tác sàng lọc: 20.000 đồng/lần/người;

c) Chi bồi dưỡng cho cán bộ y tế tham gia công tác sàng lọc làm đêm, thêm giờ thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động và văn bản hướng dẫn về thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

4. Chi thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng theo quy trình chuyên môn của Bộ Y tế đối với người có thẻ bảo hiểm y tế được bảo hiểm y tế thanh toán theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Điều 12. Chi xây dựng, triển khai các sáng kiến, mô hình cộng đồng sức khỏe hạn chế sử dụng rượu, bia

1. Chi nghiên cứu xây dựng sáng kiến, mô hình cộng đồng sức khỏe hạn chế sử dụng rượu, bia được thực hiện theo quy định của pháp luật về nội dung và mức chi thực hiện các hoạt động nghiên cứu, điều tra, khảo sát, đánh giá.

2. Chi soạn thảo đề án, dự án sáng kiến, mô hình cộng đồng sức khỏe hạn chế sử dụng rượu, bia: Mức chi tối đa 20.000.000 đồng/đề án, dự án.

3. Chi cho cộng tác viên tham gia triển khai sáng kiến, mô hình: Mức chi theo thực tế số ngày tham gia, 100.000 đồng/ngày hoặc khoán chi 2.000.000 đồng/tháng.

4. Các khoản chi khác thực hiện theo thực tế, căn cứ vào hóa đơn, chứng từ và theo các quy định của pháp luật.

Điều 13. Chi hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại của rượu, bia

Mức chi tổ chức các cuộc họp, hội nghị, chế độ công tác phí khi đi giám sát, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia theo phân công nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo và các khoản chi hợp pháp khác thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách và quy định của pháp luật về hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành.

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 30 đến Điều 37, Chương III Nghị định 117/2020/NĐ-CP

Căn cứ Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ngày 14 tháng 6 năm 2019;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
...
Điều 30. Vi phạm các quy định về uống rượu, bia và địa điểm không uống rượu, bia
...
Điều 31. Vi phạm các quy định về bán, cung cấp rượu, bia
...
Điều 32. Vi phạm các quy định về khuyến mại rượu, bia
...
Điều 33. Vi phạm các quy định về quảng cáo rượu, bia
...
Điều 34. Vi phạm các quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác ...
...
Điều 35. Vi phạm các quy định về trách nhiệm của cơ sở kinh doanh rượu, bia
...
Điều 36. Vi phạm các quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, ...
...
Điều 37. Vi phạm các quy định về tài trợ rượu, bia
...
Chương III THẨM QUYỀN XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC Y TẾ

Điều 103. Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
...
Điều 104. Thẩm quyền xử phạt của Thanh tra
...
Điều 105. Thẩm quyền xử phạt của Quản lý thị trường
...
Điều 106. Thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân
...
Điều 107. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Hải quan
...
Điều 108. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Bộ đội biên phòng
...
Điều 109. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Cảnh sát biển Việt Nam
...
Điều 110. Thẩm quyền của cơ quan Thuế
...
Điều 111. Thẩm quyền xử phạt của cơ quan bảo hiểm xã hội
...
Điều 112. Phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi ...
...
Điều 113. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính
...
Điều 114. Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện hành vi vi phạm

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 15 đến Điều 25 Nghị định 24/2020/NĐ-CP

Căn cứ Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ngày 14 tháng 6 năm 2019;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
...
Điều 15. Trách nhiệm chung trong quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

1. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

2. Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về phòng, chống tác hại của rượu, bia thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

3. Tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

4. Thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực được phân công quản lý.

5. Báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

Điều 16. Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Y tế

1. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

2. Xây dựng, hướng dẫn tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch và các hoạt động về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

3. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia; đầu mối xây dựng nội dung của các tài liệu mẫu, tài liệu chuẩn về phòng, chống tác hại của rượu, bia phục vụ công tác thông tin, giáo dục, truyền thông; xây dựng đề án tổ chức các chiến dịch truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và hướng dẫn, tổ chức triển khai trong toàn quốc; tổ chức cung cấp thông tin khoa học, khuyến cáo người dân và cộng đồng về tác hại của rượu, bia, các mức độ nguy cơ khi uống rượu, bia, các đối tượng, bệnh, tình trạng sức khỏe không được uống rượu, bia, các biện pháp giảm tác hại của rượu, bia.

4. Hướng dẫn chuyên môn về các dịch vụ sàng lọc, phát hiện sớm, dự phòng và điều trị can thiệp, phục hồi chức năng, phòng, chống nghiện, tái nghiện và chăm sóc sức khỏe cho người nghiện rượu, bia.

5. Tổ chức xây dựng, duy trì hệ thống thu thập và phân tích thông tin, dữ liệu về thực trạng sử dụng rượu, bia và ảnh hưởng đối với sức khỏe, xã hội, kinh tế do sử dụng rượu, bia theo chu kỳ 5 năm một lần bao gồm tỷ lệ uống, tỷ lệ uống ở mức nguy hại, tỷ lệ yếu tố nguy cơ, rối loạn có liên quan đến sử dụng rượu, bia trong số người có uống rượu, bia và các chỉ số cần thiết khác làm căn cứ xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

6. Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia của các bộ, ngành, địa phương; tổng hợp, báo cáo Chính phủ về kết quả của công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Điều 17. Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương

1. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh doanh rượu, bia và phòng, chống tác hại của rượu, bia trong sản xuất, kinh doanh rượu, bia; ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, mức giới hạn an toàn thực phẩm của rượu, bia và tổ chức việc thực hiện.

2. Quản lý điều kiện kinh doanh rượu, bia; an toàn thực phẩm; khuyến mại, tài trợ; ghi nhãn sản phẩm; địa điểm, đối tượng, phương thức không được bán rượu, bia; phòng ngừa và xử lý rượu, bia nhập lậu, giả, không bảo đảm chất lượng, không an toàn; việc mở mới điểm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ bảo đảm tuân thủ khoảng cách theo quy định tại khoản 7 Điều 32 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

3. Tổng hợp số liệu thống kê về rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh; chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý đối với sản xuất rượu thủ công trên toàn quốc.

4. Tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia trong lĩnh vực quản lý kinh doanh rượu, bia; hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công làm thủ tục cấp giấy phép sản xuất, đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã việc bán rượu cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại, kê khai việc sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh.

5. Tổ chức xây dựng, duy trì hệ thống thu thập và phân tích thông tin, dữ liệu có liên quan đến sản xuất, kinh doanh rượu, bia làm căn cứ xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Điều 18. Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công an

1. Tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia thuộc lĩnh vực quản lý và các biện pháp quản lý nhà nước về phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia; chỉ đạo việc tăng cường các biện pháp tuần tra kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn trong máu và khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới.

2. Tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho người dân kiến thức, pháp luật liên quan đến quy định về nồng độ cồn trong máu và khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới, các chế tài xử phạt và vận động người dân tuân thủ quy định của pháp luật.

Điều 19. Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo

1. Xây dựng nội dung và tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại và phòng, chống tác hại của rượu, bia phù hợp với lứa tuổi của học sinh, sinh viên.

2. Hướng dẫn kỹ năng tư vấn, phát hiện trẻ em, học sinh, sinh viên tại cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia.

3. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, học sinh, sinh viên để phòng ngừa, giảm tác hại của rượu, bia.

4. Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát quy định cấm uống và bán rượu, bia trong cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật.

Điều 20. Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với trẻ em, người cao tuổi.

2. Xây dựng nội dung và tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại và phòng, chống tác hại của rượu, bia phù hợp với lứa tuổi của người học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tổ chức việc thông tin, giáo dục, truyền thông cho người lao động về tác hại của rượu, bia, không uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, không vận hành máy móc sau khi uống rượu, bia.

3. Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát quy định cấm uống và bán rượu, bia trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp và quy định không sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.

Điều 21. Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

1. Tổ chức thực hiện các biện pháp về kiểm soát quảng cáo rượu, bia thuộc lĩnh vực quản lý.

2. Tổ chức đưa thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia và biện pháp hạn chế sử dụng rượu, bia vào các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và đời sống gia đình; hướng dẫn, vận động cộng đồng dân cư hạn chế hoặc không uống rượu, bia trong đám tang, đám cưới, lễ hội; hướng dẫn, kiểm tra thực hiện việc hạn chế hình ảnh uống rượu, bia trong các sản phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình.

Điều 22. Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông

1. Thực hiện các biện pháp về kiểm soát quảng cáo thuộc lĩnh vực quản lý; chỉ đạo tăng cường biện pháp phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về quảng cáo rượu, bia trên môi trường mạng.

2. Tổ chức thực hiện các biện pháp thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia; chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Điều 23. Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải

1. Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia thuộc lĩnh vực quản lý.

2. Xây dựng nội dung và tổ chức việc đào tạo về phòng, chống tác hại của rượu, bia trong chương trình đào tạo cấp giấy phép lái xe.

Điều 24. Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính

Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về việc quản lý, sử dụng kinh phí cho công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Điều 25. Trách nhiệm quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) có trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn quản lý như sau:

a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn, biện pháp thi hành pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia;

b) Xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí thực hiện công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia hằng năm;

c) Tổ chức việc thực hiện biện pháp tăng cường quản lý đối với sản xuất rượu thủ công; rà soát, thống kê số lượng hộ gia đình, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công, sản lượng sản xuất rượu thủ công trong toàn tỉnh, gửi Bộ Công Thương tổng hợp và báo cáo Chính phủ hằng năm; vận động, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, hồ sơ để các hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công chưa có giấy phép làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép sản xuất rượu theo quy định hoặc đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) việc bán rượu cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại; hộ gia đình, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh tự kê khai gửi Ủy ban nhân cấp xã các thông tin về sản lượng sản xuất rượu, phạm vi sử dụng và cam kết không bán rượu ra thị trường theo mẫu quy định của Bộ trưởng Bộ Công Thương; hướng dẫn các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh bảo đảm các quy định về an toàn thực phẩm; kiểm tra chất lượng rượu thủ công được sản xuất, lưu hành trên địa bàn; phòng, chống rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng và các hoạt động khác có liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia;

d) Chỉ đạo, tổ chức việc thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia; hướng dẫn, tổ chức triển khai các chiến dịch truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia;

đ) Chỉ đạo, tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia;

e) Báo cáo kết quả thực hiện phòng, chống tác hại của rượu, bia thuộc địa bàn quản lý hằng năm gửi Bộ Y tế tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

2. Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương (sau đây gọi chung là cấp huyện) có trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn quản lý như sau:

a) Chỉ đạo, tổ chức việc thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia; tổ chức triển khai các chiến dịch truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia;

b) Tổ chức việc thực hiện biện pháp tăng cường quản lý và bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản xuất rượu thủ công trên địa bàn quản lý theo phân công của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; hướng dẫn các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh bảo đảm các quy định về an toàn thực phẩm; kiểm tra chất lượng rượu thủ công được sản xuất, lưu hành trên địa bàn;

c) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện, thanh tra, kiểm tra hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia;

d) Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kết quả thực hiện phòng, chống tác hại của rượu, bia hăng năm thuộc địa bàn quản lý.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn quản lý như sau:

a) Tổ chức việc thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia; tổ chức triển khai các chiến dịch truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia;

b) Tổ chức việc thực hiện biện pháp tăng cường quản lý và bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản xuất rượu thủ công trên địa bàn quản lý theo phân công của Ủy ban nhân dân cấp huyện; vận động, tổ chức cho hộ gia đình, tổ chức, cá nhân đăng ký việc bán rượu cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại; hộ gia đình, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh tự kê khai các thông tin về sản lượng sản xuất rượu, phạm vi sử dụng và cam kết không bán rượu ra thị trường theo mẫu quy định của Bộ trưởng Bộ Công Thương;

c) Áp dụng biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp kịp thời đối với trẻ em có cha, mẹ nghiện rượu, bia theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình;

d) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện, thanh tra, kiểm tra hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia;

đ) Tổ chức, vận động, hướng dẫn và phát huy vai trò của tổ dân phố, cụm dân cư, thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc, tổ chức hội, đoàn thể tại địa phương, cộng đồng tham gia các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia;

e) Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện kết quả thực hiện phòng, chống tác hại của rượu, bia hằng năm thuộc địa bàn quản lý.

Xem nội dung VB
Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm
...
8. Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Xem nội dung VB
Điều 8. Các hành vi bị cấm
...
8. Làm việc trên phương tiện khi trong máu có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc 40 miligam/1lít khí thở hoặc có các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng.

Xem nội dung VB
Điều 100. Các hành vi bị cấm trong hoạt động khuyến mại
...
4. Khuyến mại hoặc sử dụng thuốc lá, rượu có độ cồn từ 30 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.

Xem nội dung VB
Điều 109. Các quảng cáo thương mại bị cấm
...
4. Quảng cáo thuốc lá, rượu có độ cồn từ 30 độ trở lên và các sản phẩm, hàng hoá chưa được phép lưu thông, dịch vụ chưa được phép cung ứng trên thị trường Việt Nam tại thời điểm quảng cáo.

Xem nội dung VB




Hiện tại không có văn bản nào liên quan.