Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013
Số hiệu: 41/2013/QH13 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
Ngày ban hành: 25/11/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 30/12/2013 Số công báo: Từ số 1005 đến số 1006
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Luật số: 41/2013/QH13

Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 2013

 

LUẬT

BẢO VỆ VÀ KIỂM DỊCH THỰC VẬT

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về hoạt động phòng, chống sinh vật gây hại thực vật; kiểm dịch thực vật; quản lý thuốc bảo vệ thực vật.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Thực vật là cây và sản phẩm của cây.

2. Bảo vệ thực vật là hoạt động phòng, chống sinh vật gây hại thực vật.

3. Kiểm dịch thực vật là hoạt động ngăn chặn, phát hiện, kiểm soát đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát và sinh vật gây hại lạ.

4. Chủ thực vật là tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hoặc trực tiếp quản lý thực vật.

5. Sinh vật có ích là sinh vật có lợi trực tiếp hoặc gián tiếp đối với thực vật bao gồm vi sinh vật có ích, côn trùng có ích, động vật và các sinh vật có ích khác.

6. Sinh vật gây hại là sinh vật gây ra thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp đối với thực vật bao gồm vi sinh vật gây bệnh, côn trùng gây hại, cỏ dại và các sinh vật có hại khác.

7. Sinh vật gây hại lạ là sinh vật gây hại chưa xác định được tên khoa học và chưa từng được phát hiện ở Việt Nam.

8. Đối tượng kiểm dịch thực vật là sinh vật gây hại có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng đối với thực vật, chưa có hoặc có nhưng phân bố hẹp ở Việt Nam và phải được kiểm soát nghiêm ngặt.

9. Đối tượng phải kiểm soát là sinh vật gây hại không phải là đối tượng kiểm dịch thực vật nhưng sự có mặt của chúng trên vật liệu dùng để làm giống có nguy cơ gây thiệt hại lớn về kinh tế, phải được kiểm soát ở Việt Nam.

10. Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật là thực vật, phương tiện sản xuất, bảo quản, vận chuyển hoặc các vật thể khác có khả năng mang theo đối tượng kiểm dịch thực vật.

11. Chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật là tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hoặc trực tiếp vận chuyển, quản lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.

12. Phân tích nguy cơ dịch hại là quá trình đánh giá về sinh học, cơ sở khoa học và kinh tế để quyết định biện pháp kiểm dịch thực vật đối với một loài sinh vật gây hại.

13. Vùng không nhiễm sinh vật gây hại là vùng ở đó có bằng chứng khoa học về việc không có mặt một loài sinh vật gây hại cụ thể và các điều kiện bảo đảm không có loài sinh vật gây hại đó được duy trì.

14. Kiểm tra vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật là việc quan sát, lấy mẫu, giám định vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật để xác định tình trạng nhiễm sinh vật gây hại hoặc sự tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật.

15. Xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật là việc áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn hoặc diệt trừ triệt để đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát và sinh vật gây hại lạ.

16. Thuốc bảo vệ thực vật là chất hoặc hỗn hợp các chất hoặc chế phẩm vi sinh vật có tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn, xua đuổi, dẫn dụ, tiêu diệt hoặc kiểm soát sinh vật gây hại thực vật; điều hòa sinh trưởng thực vật hoặc côn trùng; bảo quản thực vật; làm tăng độ an toàn, hiệu quả khi sử dụng thuốc.

17. Thuốc bảo vệ thực vật kỹ thuật (sau đây gọi chung là thuốc kỹ thuật) là sản phẩm có hàm lượng hoạt chất cao, đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định được dùng để sản xuất thuốc thành phẩm.

18. Hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật là chất hoặc thành phần hữu hiệu có hoạt tính sinh học của thuốc bảo vệ thực vật.

19. Thuốc bảo vệ thực vật thành phẩm (sau đây gọi chung là thuốc thành phẩm) là sản phẩm được sản xuất từ thuốc kỹ thuật với dung môi, phụ gia theo quy trình công nghệ nhất định, đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, có nhãn hàng hóa và được phép đưa vào lưu thông, sử dụng.

20. Thuốc bảo vệ thực vật sinh học là sản phẩm có thành phần hữu hiệu là vi sinh vật sống hoặc chất có nguồn gốc từ vi sinh vật, thực vật, động vật.

21. Sản xuất thuốc bảo vệ thực vật bao gồm sản xuất hoạt chất, thuốc kỹ thuật, thuốc thành phẩm, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật.

22. Thời gian cách ly là khoảng thời gian tối thiểu kể từ ngày sử dụng thuốc bảo vệ thực vật lần cuối cùng đến ngày thu hoạch sản phẩm hoặc khoảng thời gian tối thiểu kể từ ngày sử dụng thuốc bảo vệ thực vật lần cuối cùng trong quá trình bảo quản đến khi sản phẩm được đưa vào sử dụng.

Điều 4. Nguyên tắc hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật

1. Phát hiện sớm, kết luận nhanh chóng, chính xác; xử lý triệt để, ngăn chặn kịp thời sự xâm nhập, lan rộng của đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát, sinh vật gây hại lạ.

2. Phòng, chống sinh vật gây hại thực hiện theo phương châm phòng là chính; áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp sinh vật gây hại theo hướng bền vững, trong đó ưu tiên biện pháp sinh học, sử dụng giống cây trồng chống chịu sinh vật gây hại, biện pháp kỹ thuật canh tác, thực hành nông nghiệp tốt.

3. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải thực hiện nguyên tắc bốn đúng bao gồm đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách; tuân thủ thời gian cách ly; bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người, an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái.

4. Áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, kết hợp khoa học và công nghệ hiện đại với kinh nghiệm truyền thống của nhân dân.

Điều 5. Chính sách của Nhà nước về hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật

1. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực; xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất - kỹ thuật cho cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực vật; xây dựng và phát triển hệ thống thông tin, dự báo và cảnh báo sinh vật gây hại; nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo ra thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc bảo vệ thực vật ít độc hại, giống cây trồng chống chịu sinh vật gây hại và các biện pháp quản lý sinh vật gây hại theo hướng bền vững.

2. Hỗ trợ xây dựng các vùng không nhiễm sinh vật gây hại; xây dựng và phát triển các loại hình tổ chức dịch vụ bảo vệ thực vật gắn với dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn; chống dịch, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất sau khi dịch hại xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại lớn.

3. Khuyến khích xây dựng khu công nghiệp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống thu gom, xử lý thuốc bảo vệ thực vật và bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; sản xuất, sử dụng bao gói thuốc bảo vệ thực vật từ vật liệu dễ tái chế; tập huấn, phổ biến sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả cho người sử dụng thuốc.

4. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, bảo đảm nguồn lực để thực hiện các cam kết quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật; khuyến khích công nhận và thừa nhận lẫn nhau trong hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Điều 6. Thông tin và tuyên truyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật

1. Việc thông tin và tuyên truyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật nhằm cung cấp kiến thức về sinh vật gây hại thực vật, các biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại và chính sách, pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Nội dung thông tin, tuyên truyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật phải bảo đảm tính chính xác, kịp thời, dễ hiểu.

2. Việc thông tin và tuyên truyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật được thực hiện bằng hình thức sau đây:

a) Thông qua cổng thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương và các phương tiện thông tin đại chúng;

b) Xây dựng các tài liệu chuyên đề, tạp chí, tờ rơi;

c) Tổ chức triển lãm, hội thảo, tập huấn;

d) Tổ chức các diễn đàn để tham vấn rộng rãi về chính sách, pháp luật, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

đ) Các hình thức phù hợp khác.

3. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước về thông tin, tuyên truyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật được quy định như sau:

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

b) Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn việc thông tin và tuyên truyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

c) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thông tin và tuyên truyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

4. Tổ chức, cá nhân có hoạt động thông tin và tuyên truyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 7. Trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, các bộ

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật trong phạm vi cả nước.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, có trách nhiệm sau đây:

a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

b) Xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

c) Tổ chức thực hiện công tác phát hiện, dự báo, cảnh báo sinh vật gây hại thực vật; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; chỉ đạo phòng, chống dịch;

d) Tổ chức thực hiện công tác kiểm dịch thực vật bao gồm phân tích nguy cơ dịch hại, kiểm dịch nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, chuyển vào kho ngoại quan (sau đây gọi chung là nhập khẩu), xuất khẩu, tạm xuất, tái xuất (sau đây gọi chung là xuất khẩu), quá cảnh, kiểm dịch sau nhập khẩu, kiểm dịch nội địa và xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;

đ) Tổ chức thực hiện công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật bao gồm đăng ký thuốc, khảo nghiệm, sản xuất, buôn bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, bảo quản, quảng cáo, bao gói, ghi nhãn, sử dụng, thu hồi, tiêu hủy, thu gom và xử lý thuốc, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng;

e) Quy định nội dung hướng dẫn, tập huấn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;

g) Quản lý và hướng dẫn việc cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi các loại giấy phép, giấy chứng nhận trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

h) Tổ chức điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

i) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

k) Thống kê về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

l) Hợp tác quốc tế về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, đề xuất việc ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

m) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật theo thẩm quyền.

3. Các bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, có trách nhiệm sau đây:

a) Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn sự cố mất an toàn thực phẩm do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông sản thực phẩm;

b) Bộ Công thương chủ trì phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đối với thuốc bảo vệ thực vật, thực vật thuộc diện kiểm dịch thực vật; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc quản lý sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật, vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;

c) Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, quyết định việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

d) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì hướng dẫn tiêu hủy thuốc, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định về bảo tồn đa dạng sinh học liên quan đến lĩnh vực bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật và quản lý thuốc bảo vệ thực vật; phối hợp hướng dẫn thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng;

đ) Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy định điều kiện hoàn tất thủ tục hải quan, sự phối hợp của cơ quan hải quan với cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật trong việc thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật, thuốc bảo vệ thực vật khi xuất khẩu, nhập khẩu; quy định nội dung khai báo kiểm dịch thực vật trong nội dung khai báo của hành khách xuất cảnh, nhập cảnh;

e) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy định về bảo vệ và kiểm dịch thực vật trong trường hợp bảo đảm quốc phòng và an ninh.

Điều 8. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) có trách nhiệm sau đây:

a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch vùng không nhiễm sinh vật gây hại trên địa bàn;

b) Quyết định phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí, huy động nguồn lực của địa phương theo quy định của pháp luật để phòng, chống sinh vật gây hại thực vật;

c) Chỉ đạo, tổ chức chống dịch, thực hiện các biện pháp bảo vệ sản xuất khi xảy ra dịch hại thực vật; thống kê, đánh giá thiệt hại do dịch gây ra trên địa bàn; thực hiện chính sách hỗ trợ ổn định đời sống, khôi phục sản xuất;

d) Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về công tác bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, ý thức, trách nhiệm của chủ thực vật trong phòng, chống sinh vật gây hại và ý thức, trách nhiệm của người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đối với cộng đồng, môi trường;

đ) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí kinh phí, chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật vô chủ tại địa phương;

e) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật theo thẩm quyền.

2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) có trách nhiệm sau đây:

a) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, ý thức, trách nhiệm của chủ thực vật trong phòng, chống sinh vật gây hại và ý thức, trách nhiệm của người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đối với cộng đồng, môi trường;

b) Quy định địa điểm thu gom, tổ chức, hướng dẫn thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng;

c) Phối hợp với cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật trên địa bàn điều tra, giám sát, quản lý dịch hại thực vật để bảo vệ sản xuất; hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; kiểm tra, quản lý hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật, buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại địa phương;

d) Tổ chức công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật; chống dịch, thống kê, đánh giá thiệt hại do dịch hại thực vật gây ra; thực hiện chính sách hỗ trợ chống dịch cho nông dân, triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất khi xảy ra dịch để giảm nhẹ thiệt hại, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất;

đ) Kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật theo thẩm quyền.

Điều 9. Hệ thống cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật

Hệ thống cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật được tổ chức từ trung ương đến cấp huyện.

Chính phủ quy định về tổ chức hệ thống cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Điều 10. Vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp

Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp tham gia ý kiến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật để nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống sinh vật gây hại, kiểm dịch thực vật, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Điều 11. Hợp tác quốc tế về bảo vệ và kiểm dịch thực vật

1. Hợp tác quốc tế về bảo vệ và kiểm dịch thực vật tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin về phòng, chống sinh vật gây hại, kiểm dịch thực vật, thuốc bảo vệ thực vật.

2. Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương là đầu mối trao đổi thông tin về bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật và thuốc bảo vệ thực vật trong hoạt động hợp tác quốc tế.

Điều 12. Phí, lệ phí về bảo vệ và kiểm dịch thực vật

Tổ chức, cá nhân có hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật phải trả phí, lệ phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

Điều 13. Hành vi bị cấm

1. Sử dụng biện pháp bảo vệ và kiểm dịch thực vật trái quy định của Luật này.

2. Không áp dụng hoặc cố ý áp dụng không đúng các biện pháp chống dịch.

3. Nhập khẩu, sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thực vật bị nhiễm sinh vật gây hại hoặc sử dụng giống cây bị nhiễm sinh vật gây hại trong Danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật, Danh mục đối tượng phải kiểm soát mà chưa được xử lý.

4. Phát tán sinh vật gây hại.

5. Đưa đất, nhập khẩu sinh vật gây hại vào Việt Nam, nhân nuôi sinh vật gây hại, trừ trường hợp được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

6. Sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam; thuốc bảo vệ thực vật giả, không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng; thuốc bảo vệ thực vật không có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 67 của Luật này.

7. Quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam, thuốc bảo vệ thực vật không có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam hoặc quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật không đúng với nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật.

8. Sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản, vận chuyển, thải bỏ, thu gom, xử lý thuốc và bao gói thuốc bảo vệ thực vật trái quy định của Luật này.

Chương 2.

PHÒNG, CHỐNG SINH VẬT GÂY HẠI THỰC VẬT

Điều 14. Yêu cầu phòng, chống sinh vật gây hại thực vật

1. Chủ động thực hiện các biện pháp quản lý tổng hợp sinh vật gây hại bao gồm sử dụng giống cây trồng chống chịu sinh vật gây hại, vệ sinh đồng ruộng, bố trí thời vụ, sử dụng phân bón, mật độ hợp lý và các biện pháp khác thân thiện với môi trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển, tăng sức đề kháng, hạn chế sự phát sinh, phát triển của sinh vật gây hại, bảo vệ và phát triển sinh vật có ích.

2. Thường xuyên theo dõi, phát hiện sớm, áp dụng các biện pháp phòng ngừa kịp thời, hiệu quả, không để sinh vật gây hại lây lan; coi trọng biện pháp canh tác, biện pháp sinh học, vật lý, cơ giới và kinh nghiệm truyền thống của nhân dân. Chủ động thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong phòng, chống sinh vật gây hại thực vật.

3. Chỉ sử dụng biện pháp hóa học khi đã áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này nhưng mật độ sinh vật gây hại vẫn gia tăng có nguy cơ gây thiệt hại đến năng suất, chất lượng cây trồng.

4. Biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại thực vật phải được phổ biến, tuyên truyền, tập huấn sâu rộng trong nhân dân, bảo đảm an toàn đối với người, thực vật, động vật và môi trường.

Điều 15. Quyền và nghĩa vụ của chủ thực vật

1. Chủ thực vật có quyền sau đây:

a) Được cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật cung cấp thông tin về tình hình sinh vật gây hại và hướng dẫn thực hiện biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại, biện pháp duy trì điều kiện vùng không nhiễm sinh vật gây hại;

b) Tham gia chương trình tập huấn nâng cao kiến thức về phòng, chống sinh vật gây hại phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương;

c) Chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại phù hợp với khả năng, điều kiện và đáp ứng quy định tại Điều 14 của Luật này;

d) Ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân hành nghề dịch vụ bảo vệ thực vật và được bồi thường thiệt hại do lỗi của bên cung cấp dịch vụ theo quy định pháp luật;

đ) Được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định.

2. Chủ thực vật có nghĩa vụ sau đây:

a) Theo dõi, phát hiện kịp thời sinh vật gây hại và áp dụng biện pháp phù hợp để phòng, chống sinh vật gây hại thực vật hiệu quả, an toàn, không để lây lan;

b) Báo cáo ngay với Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật nơi gần nhất khi phát hiện sinh vật gây hại lạ hoặc sinh vật gây hại có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng;

c) Cung cấp thông tin về tình hình sinh vật gây hại thực vật, phối hợp và tạo điều kiện cho cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật thực hiện nhiệm vụ khi được yêu cầu;

d) Thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch khi có công bố dịch hại thực vật;

đ) Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định tại khoản 2 Điều 72 của Luật này;

e) Khắc phục hậu quả hoặc bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật do không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại.

Điều 16. Trách nhiệm của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật

1. Điều tra, phát hiện sinh vật gây hại; xác định thời gian phát sinh, diện phân bố, mức độ gây hại của sinh vật gây hại. Thông báo kịp thời tình hình sinh vật gây hại và hướng dẫn biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại thực vật.

2. Tiếp nhận, xử lý thông tin và hướng dẫn các biện pháp xử lý đối với các sinh vật gây hại do chủ thực vật, tổ chức, cá nhân thông báo.

3. Xây dựng, duy trì hệ thống giám sát, cảnh báo sinh vật gây hại, biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại thực vật; xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

4. Chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ trong phòng, chống sinh vật gây hại thực vật.

5. Tập huấn nâng cao kiến thức cho cán bộ, kỹ thuật viên bảo vệ thực vật và người sản xuất.

6. Tham mưu cho cơ quan quản lý nhà nước để chỉ đạo và tổ chức việc phòng, chống sinh vật gây hại thực vật; kiểm tra, xác minh tình hình sinh vật gây hại để đề xuất công bố dịch và công bố hết dịch hại thực vật; đề xuất cấp thuốc bảo vệ thực vật dự trữ quốc gia, chính sách hỗ trợ chống dịch và khôi phục, phát triển sản xuất.

7. Đánh giá, xác định thiệt hại do dịch hại thực vật gây ra và đề xuất mức hỗ trợ, các biện pháp khắc phục.

8. Thông tin và hướng dẫn biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại thực vật; hướng dẫn các biện pháp chống dịch, theo dõi, tổng hợp, đánh giá hiệu quả chống dịch.

9. Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất công tác bảo vệ thực vật, kết quả chống dịch khi có công bố dịch hại thực vật ở địa phương với cơ quan quản lý trực tiếp và cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật cấp trên.

Điều 17. Công bố dịch hại thực vật

1. Công bố dịch hại thực vật trong các trường hợp sau đây:

a) Khi sinh vật gây hại thực vật bùng phát, có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng, gây thiệt hại nghiêm trọng đối với thực vật;

b) Khi phát hiện sinh vật gây hại lạ, đối tượng phải kiểm soát có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng đối với thực vật;

c) Khi phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam, có nguy cơ lây lan.

2. Thẩm quyền công bố dịch hại thực vật được quy định như sau:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ đề xuất của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công bố dịch tại địa phương trong trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và báo cáo ngay Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

b) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ đề xuất của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương quyết định công bố dịch trong trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này khi dịch xảy ra có nguy cơ lây lan, gây thiệt hại nghiêm trọng từ hai tỉnh trở lên và trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này, đồng thời báo cáo ngay Thủ tướng Chính phủ.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 18. Tổ chức chống dịch hại thực vật

1. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm sau đây:

a) Chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dịch huy động nguồn lực tại địa phương nhanh chóng thực hiện các biện pháp khống chế, dập tắt dịch, ngăn ngừa dịch lây lan sang các vùng khác; kiểm tra việc công bố dịch và tổ chức chống dịch của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dịch;

b) Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc hỗ trợ chống dịch và triển khai việc hỗ trợ chống dịch;

c) Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả chống dịch và kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ chống dịch, khắc phục hậu quả do dịch gây ra và khôi phục sản xuất.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:

a) Chỉ đạo cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan của tỉnh thực hiện các biện pháp để nhanh chóng khống chế, dập tắt dịch, ngăn ngừa dịch lây lan sang các vùng khác;

b) Bố trí, huy động nguồn lực tại địa phương để phòng, chống dịch;

c) Chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến các biện pháp chống dịch trên địa bàn;

d) Tăng cường thanh tra, kiểm tra, thực hiện bình ổn giá vật tư nông nghiệp trong chống dịch;

đ) Thực hiện các chính sách hỗ trợ chống dịch, khắc phục hậu quả do dịch gây ra, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất;

e) Đề xuất Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí, vật tư và nguồn lực khi yêu cầu chống dịch vượt quá khả năng của địa phương;

g) Báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả chống dịch và thực hiện chính sách hỗ trợ chống dịch, khắc phục hậu quả do dịch gây ra, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm sau đây:

a) Huy động nguồn lực tại địa phương thực hiện các biện pháp chống dịch theo chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên;

b) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các biện pháp chống dịch trên địa bàn;

c) Thực hiện các chính sách hỗ trợ chống dịch, khắc phục hậu quả do dịch gây ra, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất trên địa bàn;

d) Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên quyết định hỗ trợ kinh phí, vật tư và nguồn lực khi yêu cầu chống dịch vượt quá khả năng của địa phương;

đ) Báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên về kết quả chống dịch và thực hiện chính sách hỗ trợ chống dịch, khắc phục hậu quả do dịch gây ra, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất.

4. Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tham mưu, hướng dẫn các biện pháp chống dịch, xác định thiệt hại do dịch gây ra, theo dõi, tổng hợp, đánh giá hiệu quả chống dịch và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại khoản 9 Điều 16 của Luật này.

5. Chủ thực vật, tổ chức, cá nhân có liên quan nơi có dịch phải thực hiện đúng các biện pháp chống dịch theo yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Điều 19. Công bố hết dịch hại thực vật

Khi dịch hại thực vật đã được khống chế và không còn nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng thì người có thẩm quyền công bố dịch theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này quyết định công bố hết dịch.

Điều 20. Dự trữ và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thuộc Danh mục hàng dự trữ quốc gia

1. Dự trữ thuốc bảo vệ thực vật thuộc Danh mục hàng dự trữ quốc gia được quy định như sau:

a) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ quyết định về số lượng, danh mục thuốc bảo vệ thực vật dự trữ quốc gia;

b) Thuốc bảo vệ thực vật thuộc Danh mục hàng dự trữ quốc gia được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia.

2. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thuộc hàng dự trữ quốc gia trong chống dịch được quy định như sau:

a) Trong trường hợp đột xuất, cấp bách khi có dịch và căn cứ vào đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dịch, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định xuất, cấp thuốc bảo vệ thực vật dự trữ quốc gia để kịp thời chống dịch có giá trị tương ứng với thẩm quyền quyết định chi ngân sách của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định tại Luật ngân sách nhà nước và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời thông báo với Bộ Tài chính về việc xuất, cấp thuốc bảo vệ thực vật dự trữ quốc gia;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc tiếp nhận, bảo quản, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật dự trữ quốc gia được hỗ trợ để chống dịch kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích và báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thuộc hàng dự trữ quốc gia đã hỗ trợ cho địa phương.

Điều 21. Kinh phí chống dịch hại thực vật

1. Nguồn kinh phí chống dịch hại thực vật bao gồm:

a) Ngân sách nhà nước;

b) Kinh phí của chủ thực vật;

c) Đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài, tổ chức quốc tế và các nguồn hợp pháp khác.

2. Chính phủ quy định việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí chống dịch hại thực vật.

Điều 22. Nội dung hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật

1. Điều tra, dự báo và cung cấp thông tin về sinh vật gây hại thực vật; tư vấn cho chủ thực vật biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại thực vật.

2. Thực hiện các biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại thực vật, trừ các biện pháp quy định tại khoản 2 Điều 34 của Luật này.

Điều 23. Điều kiện hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật

1. Tổ chức, cá nhân được hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật khi có đủ điều kiện sau đây:

a) Người trực tiếp làm dịch vụ bảo vệ thực vật phải có trình độ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành trồng trọt, bảo vệ thực vật, sinh học hoặc có giấy chứng nhận tập huấn về bảo vệ thực vật;

b) Có trang thiết bị làm dịch vụ bảo vệ thực vật phù hợp;

c) Có địa chỉ giao dịch hợp pháp, rõ ràng;

d) Được sự đồng ý bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức, cá nhân này có địa chỉ giao dịch hợp pháp.

2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.

Điều 24. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật có quyền sau đây:

a) Được trả chi phí thực hiện dịch vụ bảo vệ thực vật theo hợp đồng ký kết với chủ thực vật;

b) Tham dự chương trình tập huấn, nâng cao kiến thức về phòng, chống sinh vật gây hại thực vật phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương;

c) Tham gia chương trình thông tin, truyền thông về phòng, chống sinh vật gây hại thực vật;

d) Được quyền khiếu nại kết luận và quyết định của cơ quan kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

2. Tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật có nghĩa vụ sau đây:

a) Duy trì các điều kiện hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật theo quy định tại Điều 23 của Luật này trong quá trình hoạt động;

b) Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

c) Chấp hành quy định của pháp luật về hợp đồng, pháp luật về lao động và các nghĩa vụ khác;

d) Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Chương 3.

KIỂM DỊCH THỰC VẬT

Điều 25. Quy định về kiểm dịch thực vật

1. Kiểm dịch thực vật được thực hiện đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và kiểm dịch thực vật nội địa theo quy định tại Luật này, trừ trường hợp được miễn trừ kiểm dịch thực vật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Trong từng thời kỳ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các danh mục sau đây:

a) Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;

b) Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam;

c) Danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật;

d) Danh mục đối tượng phải kiểm soát.

Điều 26. Yêu cầu đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhập khẩu

1. Vật thể trong Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật khi nhập khẩu phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan có thẩm quyền về kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu cấp;

b) Không có sinh vật gây hại trong danh mục quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 25 của Luật này hoặc sinh vật gây hại lạ;

c) Bao bì đóng gói vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhập khẩu phải được xử lý theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam.

2. Vật thể trong Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam được phép nhập khẩu theo quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật này phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Có Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu do cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương của Việt Nam cấp;

b) Đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 27. Phân tích nguy cơ dịch hại

1. Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật trong Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam phải được phân tích nguy cơ dịch hại.

2. Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương của Việt Nam có trách nhiệm tổ chức thực hiện phân tích nguy cơ dịch hại trên cơ sở thông tin do cơ quan có thẩm quyền về kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu cung cấp và các nguồn thông tin hiện có khác.

3. Căn cứ kết quả phân tích nguy cơ dịch hại, cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương của Việt Nam cho phép hoặc không cho phép nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật và thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền về kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu và tổ chức, cá nhân có liên quan biết.

4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định nội dung thông tin cần cung cấp để phân tích nguy cơ dịch hại; quy trình, nội dung phân tích nguy cơ dịch hại.

Điều 28. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu

1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu;

b) Hợp đồng thương mại;

c) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân.

2. Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu cho cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương;

b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương xem xét và cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu; trường hợp không cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 29. Kiểm dịch thực vật nhập khẩu

1. Khi nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật, chủ vật thể phải làm thủ tục kiểm dịch thực vật. Địa điểm thực hiện kiểm dịch thực vật là cửa khẩu đầu tiên hoặc nơi mà từ đó vật thể được đưa vào Việt Nam, trường hợp đặc biệt thì được thực hiện tại địa điểm khác có đủ điều kiện cách ly do cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương quyết định.

2. Đối với những vật thể có nguy cơ cao mang theo đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định cửa khẩu nhập khẩu.

3. Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật mang theo hành lý xách tay hoặc hành lý gửi theo phương tiện chuyên chở phải được khai báo và kiểm tra theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4. Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật chỉ được thông quan sau khi hoàn thành đầy đủ các thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu.

5. Trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật được thực hiện theo quy định tại Điều 33 của Luật này.

Điều 30. Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu

1. Giống cây trồng chưa có trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về giống cây trồng, sinh vật có ích sử dụng trong bảo vệ thực vật khi nhập khẩu phải thực hiện các quy định tại Điều 26 của Luật này và phải được kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu tại khu cách ly kiểm dịch thực vật.

2. Giống cây trồng theo quy định tại khoản 1 Điều này chỉ được gieo trồng ngoài khu cách ly sau khi được cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật kết luận không nhiễm sinh vật gây hại thuộc danh mục quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 25 của Luật này hoặc sinh vật gây hại lạ.

3. Sinh vật có ích chỉ được nhân nuôi, sử dụng sau khi được cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật kết luận bảo đảm yêu cầu về kiểm dịch thực vật sau khi kiểm dịch tại khu cách ly kiểm dịch thực vật.

4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định cụ thể số lượng mẫu giống cây trồng, sinh vật có ích được phép nhập khẩu theo quy định tại Điều này; điều kiện khu cách ly; trình tự, thủ tục và nội dung kiểm dịch thực vật tại khu cách ly kiểm dịch thực vật.

Điều 31. Kiểm dịch thực vật xuất khẩu

1. Vật thể trong Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật khi xuất khẩu phải được kiểm dịch và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

2. Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương thực hiện việc kiểm dịch và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của nước nhập khẩu.

3. Trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật xuất khẩu thực hiện theo quy định tại Điều 33 của Luật này. Trường hợp đã kiểm dịch tại cơ sở sản xuất hoặc nơi xuất phát hoặc nơi bảo quản ở sâu trong nội địa thì chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải xuất trình Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật khi đến cửa khẩu cuối cùng để xuất khẩu.

Điều 32. Kiểm dịch thực vật quá cảnh

1. Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật khi quá cảnh Việt Nam phải được cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương đồng ý và kiểm dịch tại cửa khẩu đầu tiên nơi vật thể được đưa vào Việt Nam.

2. Trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật quá cảnh thực hiện theo quy định tại Điều 33 của Luật này.

Điều 33. Trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật

1. Đăng ký kiểm dịch thực vật được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân trước khi nhập khẩu, quá cảnh vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải đăng ký, nộp hồ sơ cho cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương để kiểm dịch;

b) Tổ chức, cá nhân trước khi xuất khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải đăng ký, nộp hồ sơ cho cơ quan chuyên ngành về bảo vệ và kiểm dịch thực vật nơi gần nhất để kiểm dịch.

2. Việc kiểm dịch vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật được quy định như sau:

a) Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật quyết định và thông báo cho chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật về địa điểm và thời gian tiến hành kiểm dịch;

b) Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi bắt đầu kiểm dịch, nếu đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật thì cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

Trường hợp kéo dài hơn 24 giờ do yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật hoặc trường hợp không cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật thì cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật thông báo hoặc trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật biết.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.

Điều 34. Xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh

1. Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải xử lý trong các trường hợp sau đây:

a) Vật thể bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam, đối tượng phải kiểm soát hoặc sinh vật gây hại lạ; vật thể có nguy cơ cao mang theo đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam;

b) Vật thể phải xử lý để đáp ứng quy định kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu;

c) Vật thể vô chủ, không rõ nguồn gốc.

2. Biện pháp xử lý bao gồm xông hơi khử trùng, xử lý nhiệt, xử lý hơi nước nóng, chiếu xạ, tái xuất, tiêu hủy, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu và các biện pháp khác.

3. Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương quyết định áp dụng biện pháp xử lý thích hợp quy định tại khoản 2 Điều này, trừ các biện pháp quy định tại Điều 35 của Luật này.

4. Chi phí xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này do chủ vật thể chi trả; chi phí xử lý vật thể quy định tại điểm c khoản 1 Điều này do ngân sách nhà nước bảo đảm.

5. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.

Điều 35. Tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu; cấm xuất khẩu, nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật

1. Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hoặc cấm xuất khẩu, nhập khẩu trong các trường hợp sau đây:

a) Vật thể nhập khẩu được xác định có nguy cơ cao mang theo đối tượng kiểm dịch thực vật xâm nhập, lây lan và đe dọa sản xuất nông nghiệp trong nước, an ninh lương thực quốc gia và ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xuất khẩu của Việt Nam;

b) Vật thể xuất khẩu không bảo đảm yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu và có nguy cơ làm mất thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

2. Khi các nguy cơ quy định tại khoản 1 Điều này đã được khắc phục thì vật thể được tiếp tục xuất khẩu, nhập khẩu.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 36. Hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật

1. Việc xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải do tổ chức có Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật thực hiện.

2. Hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bao gồm:

a) Xông hơi khử trùng;

b) Xử lý nhiệt;

c) Xử lý hơi nước nóng;

d) Chiếu xạ;

đ) Các hoạt động kỹ thuật khác.

Điều 37. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật

Tổ chức được cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải có đủ các điều kiện sau đây:

1. Điều kiện về cơ sở vật chất - kỹ thuật bao gồm:

a) Có địa điểm xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật, nhà xưởng, kho chứa trang thiết bị, phương tiện phù hợp với quy mô hành nghề;

b) Có đầy đủ trang thiết bị và quy trình kỹ thuật;

c) Có đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Điều kiện về nhân lực bao gồm:

a) Người trực tiếp quản lý, điều hành của tổ chức hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải có trình độ chuyên môn phù hợp từ đại học trở lên; bảo đảm sức khỏe theo quy định;

b) Người trực tiếp thực hiện xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải được tập huấn, được cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương kiểm tra trình độ chuyên môn, tay nghề và cấp thẻ hành nghề; bảo đảm sức khỏe theo quy định.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.

Điều 38. Hồ sơ, trình tự, thủ tục và thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật

1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;

b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

c) Bản thuyết minh về cơ sở vật chất - kỹ thuật, nhân lực bảo đảm điều kiện hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật theo quy định tại Điều 37 của Luật này;

d) Giấy chứng nhận trình độ chuyên môn, Giấy chứng nhận sức khỏe theo quy định tại Điều 37 của Luật này;

đ) Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật được quy định như sau:

a) Tổ chức có nhu cầu hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật cho cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương;

b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương kiểm tra thực tế điều kiện hành nghề của tổ chức đó; nếu đủ điều kiện thì cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 39. Hồ sơ, trình tự và thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật

1. Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật được cấp lại trong các trường hợp sau đây:

a) Bị mất, sai sót, hư hỏng;

b) Có sự thay đổi về phạm vi, quy mô hành nghề hoặc thông tin liên quan đến tổ chức đăng ký;

c) Hết hạn theo quy định tại Điều 40 của Luật này.

2. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;

b) Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật đã được cấp, trừ trường hợp bị mất;

c) Giấy chứng nhận trình độ chuyên môn của người quản lý, điều hành, giấy chứng nhận tập huấn về xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật hoặc Thẻ hành nghề của những người trực tiếp thực hiện xử lý theo quy định tại Điều 37 của Luật này;

d) Giấy chứng nhận sức khỏe của người quản lý, điều hành và những người trực tiếp thực hiện xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;

đ) Tài liệu về quy trình kỹ thuật; danh mục phương tiện, trang thiết bị hành nghề tại thời điểm đề nghị;

e) Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

3. Trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 38 của Luật này.

Điều 40. Hiệu lực của Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật

1. Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật có giá trị trong thời hạn 05 năm.

2. Trước 03 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật hết hạn, tổ chức hành nghề phải nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận trong trường hợp có nhu cầu tiếp tục hành nghề.

Điều 41. Thu hồi Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật

1. Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a) Bị tẩy xóa, sửa chữa nội dung;

b) Tổ chức hành nghề vi phạm pháp luật mà bị xử phạt vi phạm hành chính từ 03 lần trong một năm hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính 03 lần liên tiếp về một hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

c) Tổ chức hành nghề có hành vi vi phạm khác mà pháp luật quy định phải thu hồi Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.

2. Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.

Điều 42. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật

1. Tổ chức hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật có quyền sau đây:

a) Ký kết và thực hiện hợp đồng với chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật theo quy định của pháp luật;

b) Cấp chứng nhận đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật đã được xử lý;

c) Đề xuất biện pháp kỹ thuật để xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật với cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

d) Khiếu nại kết luận và quyết định của cơ quan kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

2. Tổ chức hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật có nghĩa vụ sau đây:

a) Chỉ được phép hành nghề khi được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật và duy trì các điều kiện quy định tại Điều 37 của Luật này trong quá trình hoạt động;

b) Chỉ được thực hiện dịch vụ xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật đúng quy định trong Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;

c) Thực hiện việc xử lý theo chỉ định và chịu sự giám sát của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật trong trường hợp phải xử lý vật thể bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát, sinh vật gây hại lạ;

d) Bảo đảm không làm ảnh hưởng đến chất lượng vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật được xử lý và sức khỏe cộng đồng;

đ) Chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;

e) Chấp hành quy định của pháp luật về hợp đồng, pháp luật về lao động và các nghĩa vụ khác;

g) Định kỳ hàng năm báo cáo tình hình hoạt động xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật với cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.

Điều 43. Kiểm dịch thực vật nội địa

1. Chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật khi vận chuyển vật thể từ vùng bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật đến các vùng khác phải khai báo với cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở địa phương nơi gần nhất để thực hiện việc kiểm dịch và được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

2. Vật thể nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật đã được xử lý khi đưa vào sử dụng phải được kiểm tra, giám sát tại địa phương.

3. Nông sản, lâm sản bảo quản trong kho, giống cây trồng nhập khẩu, giống cây trồng mới được đưa về gieo trồng tại địa phương phải được theo dõi tình hình sinh vật gây hại.

4. Sinh vật có ích nhập nội trong quá trình sử dụng phải được theo dõi, đánh giá, phát hiện và xử lý kịp thời những tác động bất lợi do chúng gây ra.

5. Vùng không nhiễm sinh vật gây hại phải được giám sát thường xuyên để duy trì các điều kiện của vùng này.

6. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.

Điều 44. Trách nhiệm của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật trong hoạt động kiểm dịch thực vật

1. Kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu.

2. Kiểm dịch thực vật nội địa.

3. Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu tại khu cách ly kiểm dịch thực vật.

4. Giám sát vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và chuyển vào kho ngoại quan.

5. Quyết định biện pháp xử lý; giám sát, xác nhận việc thực hiện biện pháp xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật xuất khẩu, nhập khẩu.

6. Quản lý các hoạt động xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.

7. Xây dựng và hướng dẫn thực hiện các biện pháp kiểm dịch thực vật.

8. Tổ chức xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật vô chủ, không rõ nguồn gốc từ nước ngoài vào Việt Nam.

9. Chỉ định tổ chức hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật để xử lý trong trường hợp phải xử lý vật thể bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát, sinh vật gây hại lạ; yêu cầu chủ vật thể thực hiện và chịu chi phí.

10. Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền về kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu để thực hiện việc kiểm dịch tại nước xuất khẩu hoặc các yêu cầu kiểm dịch theo quy định của nước nhập khẩu tại Việt Nam.

11. Cung cấp thông tin về kiểm dịch thực vật cho các nước có liên quan khi được yêu cầu.

Điều 45. Nhiệm vụ và quyền hạn của công chức kiểm dịch thực vật

1. Thực hiện kiểm dịch thực vật theo quy định tại Luật này; nghiêm chỉnh chấp hành quy trình nghiệp vụ kiểm dịch thực vật và chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

2. Yêu cầu chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan, phương tiện, nhân lực cần thiết cho việc kiểm dịch.

3. Hướng dẫn, giám sát việc thực hiện biện pháp xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.

4. Thực hiện việc kiểm tra, lấy mẫu trong quá trình kiểm dịch theo quy định.

5. Đối với những nơi thuộc bí mật quốc phòng, an ninh và trường hợp đặc biệt khác thì được tạo điều kiện để thực hiện nhiệm vụ kiểm dịch thực vật nhưng phải bảo đảm yêu cầu bảo mật.

Điều 46. Quy định trang phục đối với công chức kiểm dịch thực vật

1. Khi thực hiện nhiệm vụ kiểm dịch thực vật, công chức kiểm dịch thực vật phải mang trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu và thẻ công chức kiểm dịch thực vật.

2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.

Điều 47. Quyền và nghĩa vụ của chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật

1. Chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật có quyền sau đây:

a) Được cung cấp thông tin về kiểm dịch thực vật;

b) Được cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật hướng dẫn phát hiện, nhận biết sinh vật gây hại, các biện pháp xử lý vật thể bị nhiễm sinh vật gây hại;

c) Yêu cầu cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật cung cấp thông tin cho nước nhập khẩu đối với vật thể phải phân tích nguy cơ dịch hại;

d) Khiếu nại về kết quả kiểm dịch thực vật và quyết định của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

2. Chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật có nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện yêu cầu của công chức kiểm dịch thực vật khi thi hành công vụ như mở, đóng phương tiện vận chuyển, kho chứa, kiện hàng, bố trí nhân lực, phương tiện phục vụ kiểm tra, lấy mẫu vật thể; chịu trách nhiệm bảo quản vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật trong thời gian thực hiện các thủ tục kiểm dịch thực vật và hướng dẫn công chức kiểm dịch vào nơi có vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật để kiểm dịch;

b) Cung cấp thông tin cần thiết phục vụ công tác kiểm dịch khi cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật yêu cầu;

c) Theo dõi và kiểm tra vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhập khẩu trong quá trình vận chuyển, bảo quản, sử dụng. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát hoặc sinh vật gây hại lạ phải báo ngay cho cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gần nhất;

d) Thực hiện đúng, kịp thời việc xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật theo quyết định và hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

đ) Thực hiện đầy đủ các biện pháp quy định tại Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật khi vận chuyển, bảo quản, sử dụng vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;

e) Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Chương 4.

QUẢN LÝ THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

MỤC 1. QUẢN LÝ THUỐC VÀ ĐĂNG KÝ THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Điều 48. Quy định chung về quản lý thuốc bảo vệ thực vật

1. Thuốc bảo vệ thực vật là loại hàng hóa kinh doanh có điều kiện và phải được quản lý theo danh mục.

2. Hàng năm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam và Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam.

3. Tổ chức, cá nhân được nhập khẩu, sản xuất, buôn bán, sử dụng thuốc có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

4. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật trong trường hợp phải có giấy phép nhập khẩu quy định tại khoản 2 Điều 67 của Luật này thì chỉ được sử dụng đúng mục đích ghi trong giấy phép.

Điều 49. Thuốc bảo vệ thực vật không được đăng ký hoặc bị loại khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam

1. Thuốc bảo vệ thực vật không được đăng ký vào Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam bao gồm:

a) Thuốc trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam;

b) Thuốc bảo vệ thực vật có nguy cơ cao ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái, môi trường;

c) Thuốc thành phẩm hoặc hoạt chất trong thuốc thành phẩm có độc cấp tính loại I, II theo Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS), trừ thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc bảo vệ thực vật dùng để xông hơi khử trùng, thuốc trừ chuột; thuốc trừ mối gây hại công trình xây dựng, đê điều; thuốc bảo quản lâm sản mà lâm sản đó không dùng làm thực phẩm và dược liệu;

d) Thuốc bảo vệ thực vật trùng tên thương phẩm với thuốc bảo vệ thực vật khác có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam;

đ) Thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất methyl bromide.

2. Thuốc bảo vệ thực vật bị loại khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam trong trường hợp sau đây:

a) Có bằng chứng khoa học về thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái, môi trường;

b) Thuốc bảo vệ thực vật hiệu lực thấp đối với sinh vật gây hại;

c) Thuốc bảo vệ thực vật của các tổ chức, cá nhân đăng ký tự nguyện rút khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.

Điều 50. Tổ chức, cá nhân được đăng ký thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam

1. Tổ chức, cá nhân trong nước sản xuất hoạt chất, thuốc kỹ thuật hoặc sản xuất thuốc thành phẩm từ thuốc kỹ thuật.

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài sản xuất hoạt chất, thuốc kỹ thuật hoặc sản xuất thuốc thành phẩm từ thuốc kỹ thuật có văn phòng đại diện, công ty, chi nhánh công ty kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật đang được phép hoạt động tại Việt Nam.

3. Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có đủ điều kiện về sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật quy định tại Điều 61 và Điều 63 của Luật này được tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này ủy quyền.

Điều 51. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật

1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật;

b) Bản sao Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật;

c) Mẫu nhãn thuốc bảo vệ thực vật;

d) Kết quả khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam.

2. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật cho cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương;

b) Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương tổ chức thẩm định, trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam; cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật có giá trị trong thời hạn 05 năm và có thể được gia hạn.

Điều 52. Hồ sơ, trình tự, thủ tục gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật

1. Trước 03 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật hết hạn, nếu tổ chức, cá nhân có nhu cầu gia hạn thì phải nộp hồ sơ đề nghị gia hạn.

2. Hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật bao gồm:

a) Đơn đề nghị gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật;

b) Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật đã được cấp;

c) Nhãn thuốc bảo vệ thực vật đề nghị gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật.

3. Trình tự, thủ tục gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật cho cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương;

b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật; trường hợp không gia hạn phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật được gia hạn có giá trị trong thời hạn 05 năm.

Điều 53. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật

1. Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật được cấp lại trong trường hợp sau đây:

a) Bị mất, sai sót, hư hỏng;

b) Có thay đổi tên thương phẩm của thuốc hoặc thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân đăng ký.

2. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật;

b) Giấy tờ xác nhận nội dung thay đổi;

c) Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật đã được cấp, trừ trường hợp bị mất.

3. Trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật được quy định như sau:

a) Trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 52 của Luật này;

b) Trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này.

Điều 54. Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật

1. Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a) Bị tẩy xóa, sửa chữa nội dung;

b) Phát hiện giấy tờ giả, thông tin không trung thực trong hồ sơ đã đăng ký;

c) Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm mà pháp luật quy định phải thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật;

d) Có quyết định về việc loại thuốc đó khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

2. Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật.

MỤC 2. KHẢO NGHIỆM THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Điều 55. Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật

1. Việc khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phải thực hiện đối với tất cả thuốc bảo vệ thực vật trước khi đăng ký vào Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam; đối với thuốc bảo vệ thực vật sinh học được xét giảm yêu cầu khảo nghiệm.

2. Việc khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật chỉ được tiến hành sau khi có Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương và do tổ chức có đủ điều kiện khảo nghiệm theo quy định tại Điều 59 của Luật này thực hiện.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.

Điều 56. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật

1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật;

b) Giấy tờ chứng minh đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 50 của Luật này;

c) Tài liệu kỹ thuật của thuốc bảo vệ thực vật.

2. Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật cho cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương;

b) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương cấp Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật có giá trị trong thời hạn 05 năm.

Điều 57. Cấp lại Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật

1. Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật được cấp lại trong trường hợp bị mất, sai sót, hư hỏng hoặc thay đổi tên thương phẩm, thông tin của tổ chức, cá nhân đăng ký khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật.

2. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật;

b) Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật đã được cấp, trừ trường hợp bị mất.

3. Trình tự, thủ tục cấp lại Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật cho cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương;

b) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương cấp lại Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 58. Thu hồi Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật

1. Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a) Bị tẩy xóa, sửa chữa nội dung;

b) Phát hiện giấy tờ giả, thông tin không trung thực trong hồ sơ xin cấp Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật;

c) Thuốc bảo vệ thực vật có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người, động vật, thực vật, hệ sinh thái và môi trường theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương có thẩm quyền thu hồi Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật.

Điều 59. Điều kiện đối với tổ chức thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật

1. Tổ chức thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

a) Người đứng đầu tổ chức phải có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành bảo vệ thực vật, trồng trọt, sinh học, hóa học và có giấy chứng nhận tập huấn về khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật;

b) Người lao động có trình độ chuyên môn phù hợp và đã được tập huấn về khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật;

c) Có cơ sở vật chất - kỹ thuật bảo đảm cho công tác khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật;

d) Không trực tiếp đứng tên đăng ký hoặc được ủy quyền đứng tên đăng ký thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam.

2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định trình tự, thủ tục công nhận, công bố danh sách tổ chức đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật.

Điều 60. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật

1. Tổ chức thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật có quyền sau đây:

a) Được cung cấp thông tin về các vấn đề liên quan đến khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật;

b) Được thu phí khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật theo quy định;

c) Khiếu nại quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

2. Tổ chức thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật có nghĩa vụ sau đây:

a) Khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phải khách quan, chính xác;

b) Tuân thủ đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật và các yêu cầu khảo nghiệm;

c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả khảo nghiệm;

d) Lưu giữ toàn bộ số liệu thô của khảo nghiệm tối thiểu 05 năm kể từ ngày khảo nghiệm kết thúc;

đ) Chịu sự kiểm tra, giám sát hoạt động khảo nghiệm của cơ quan có thẩm quyền;

e) Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

MỤC 3. SẢN XUẤT, BUÔN BÁN, NHẬP KHẨU, XUẤT KHẨU, VẬN CHUYỂN, BẢO QUẢN, QUẢNG CÁO, BAO GÓI, GHI NHÃN VÀ SỬ DỤNG THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Điều 61. Điều kiện đối với cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật

1. Điều kiện về cơ sở vật chất - kỹ thuật được quy định như sau:

a) Cơ sở sản xuất thuốc có địa điểm, nhà xưởng, kho thuốc, bảo đảm về diện tích, khoảng cách an toàn cho người, vật nuôi và môi trường theo đúng quy định, phù hợp với quy mô sản xuất;

b) Máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ phù hợp với loại thuốc bảo vệ thực vật được sản xuất;

c) Có hệ thống xử lý chất thải bảo đảm xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường;

d) Có đủ trang thiết bị để kiểm tra chất lượng thuốc bảo vệ thực vật do mình sản xuất ra. Trường hợp không có đủ trang thiết bị thì phải có hợp đồng kiểm tra chất lượng với tổ chức được chỉ định kiểm tra chất lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với mỗi lô sản phẩm xuất xưởng.

2. Điều kiện về nhân lực được quy định như sau:

a) Người trực tiếp quản lý, điều hành sản xuất của cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành hóa học, bảo vệ thực vật, sinh học;

b) Người lao động trực tiếp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phải được huấn luyện, bồi dưỡng về chuyên môn phù hợp.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định chi tiết điều kiện đối với cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật.

Điều 62. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật

1. Cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật có quyền sau đây:

a) Sản xuất thuốc trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam;

b) Nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật để sản xuất hoặc tái xuất theo hợp đồng ký kết với nước ngoài;

c) Thông tin, quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật theo quy định tại Điều 70 của Luật này và pháp luật về quảng cáo;

d) Các quyền khác theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật có nghĩa vụ sau đây:

a) Sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phải đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; tiêu chuẩn cơ sở do cơ sở sản xuất thuốc công bố;

b) Sử dụng người lao động trực tiếp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm sức khỏe, được đào tạo, bồi dưỡng về an toàn lao động và chuyên môn;

c) Chịu trách nhiệm về chất lượng thuốc và chỉ được phép xuất xưởng, lưu thông trên thị trường thuốc đạt chất lượng;

d) Cung cấp tài liệu cần thiết cho việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

đ) Bồi thường thiệt hại trong trường hợp do lỗi của cơ sở sản xuất theo quy định của pháp luật;

e) Khi phát hiện thuốc không bảo đảm yêu cầu theo quy định, cơ sở sản xuất có trách nhiệm thực hiện việc thu hồi theo quy định tại khoản 2 Điều 73 của Luật này;

g) Chủ cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phải tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng, phòng ngừa sự cố do thuốc bảo vệ thực vật gây ra khi sử dụng; bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn cho người lao động trực tiếp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật;

h) Chấp hành quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, hóa chất, lao động, môi trường;

i) Thực hiện quy định của pháp luật về thuế bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 63. Điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật

1. Tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

a) Có địa điểm hợp pháp, bảo đảm về diện tích, khoảng cách an toàn cho người, vật nuôi và môi trường theo đúng quy định;

b) Có kho thuốc đúng quy định, trang thiết bị phù hợp để bảo quản, xử lý thuốc bảo vệ thực vật khi xảy ra sự cố;

c) Chủ cơ sở buôn bán thuốc và người trực tiếp bán thuốc bảo vệ thực vật phải có trình độ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành bảo vệ thực vật, trồng trọt, sinh học, hóa học hoặc có giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật.

2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.

Điều 64. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật

1. Tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật có quyền sau đây:

a) Buôn bán thuốc thành phẩm có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam;

b) Được cung cấp thông tin và hướng dẫn liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật;

c) Chủ cơ sở và người trực tiếp buôn bán thuốc được tham gia tập huấn về an toàn sử dụng, bảo quản, vận chuyển và phòng ngừa sự cố do thuốc bảo vệ thực vật gây ra.

2. Tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật có nghĩa vụ sau đây:

a) Tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý thuốc bảo vệ thực vật;

b) Chỉ được sử dụng người trực tiếp bán thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm sức khỏe và đã được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn;

c) Niêm yết giá bán và lập sổ theo dõi việc mua, bán thuốc;

d) Hướng dẫn sử dụng thuốc cho người mua theo đúng nội dung của nhãn thuốc;

đ) Khi phát hiện sự cố gây rò rỉ, phát tán thuốc bảo vệ thực vật có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi, môi trường sinh thái, cơ sở buôn bán thuốc phải áp dụng ngay biện pháp khắc phục, đồng thời báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố để giám sát và có các biện pháp cảnh báo, phòng ngừa hậu quả xấu;

e) Chỉ bán thuốc bảo vệ thực vật dùng để xông hơi khử trùng cho người có thẻ hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật hoặc cho tổ chức có Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;

g) Cung cấp thông tin liên quan đến việc buôn bán thuốc bảo vệ thực vật của cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu;

h) Bồi thường thiệt hại do lỗi của cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật;

i) Khi phát hiện thuốc của cơ sở buôn bán không bảo đảm các yêu cầu theo quy định, cơ sở buôn bán có trách nhiệm thông báo cho đại lý trực tiếp hoặc cơ sở sản xuất đã cung cấp thuốc để thu hồi ngay toàn bộ thuốc đó trên thị trường; tham gia thu hồi thuốc đã bán ra;

k) Chấp hành quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, hóa chất, môi trường, lao động;

l) Thực hiện quy định của pháp luật về thuế bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 65. Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật

1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật;

b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

c) Bản thuyết minh về cơ sở vật chất - kỹ thuật, nhân lực, trình độ chuyên môn bảo đảm điều kiện sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật theo quy định tại Điều 61 và Điều 63 của Luật này;

d) Giấy chứng nhận về trình độ chuyên môn, giấy chứng nhận bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về thuốc bảo vệ thực vật của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật theo quy định tại Điều 61 và Điều 63 của Luật này;

đ) Giấy chứng nhận sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật;

e) Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật cho cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật quy định tại khoản 4 Điều này;

b) Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật kiểm tra thực tế điều kiện sản xuất, buôn bán tại cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; nếu đủ điều kiện thì trong thời hạn 15 ngày phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a) Bị tẩy xóa, sửa chữa nội dung;

b) Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật mà bị xử phạt vi phạm hành chính từ 03 lần trong một năm hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính 03 lần liên tiếp về một hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

c) Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm khác mà pháp luật quy định phải thu hồi giấy chứng nhận.

4. Thẩm quyền cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật được quy định như sau:

a) Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật;

b) Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở địa phương cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật.

Điều 66. Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật

1. Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật có giá trị trong thời hạn 05 năm.

2. Trước 03 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật hết hạn, trong trường hợp tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp tục sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy chứng nhận. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp lại được thực hiện như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 65 của Luật này.

Điều 67. Nhập khẩu, xuất khẩu thuốc bảo vệ thực vật

1. Tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam được nhập khẩu hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nhập khẩu thuốc đó mà không cần giấy phép nhập khẩu trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Tổ chức, cá nhân phải có giấy phép khi nhập khẩu các loại thuốc bảo vệ thực vật sau đây:

a) Thuốc bảo vệ thực vật chưa có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam để tạm nhập, tái xuất hoặc nhập khẩu để sản xuất tại Việt Nam nhằm mục đích xuất khẩu theo hợp đồng đã ký với nước ngoài;

b) Thuốc bảo vệ thực vật để xông hơi khử trùng chứa hoạt chất methyl bromide và các hoạt chất có độ độc cấp tính loại I, II theo Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS);

c) Thuốc bảo vệ thực vật chưa có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam nhập khẩu để khảo nghiệm nhằm mục đích đăng ký thuốc bảo vệ thực vật;

d) Thuốc bảo vệ thực vật chưa có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam nhập khẩu để thử nghiệm, nghiên cứu; sử dụng trong các dự án của nước ngoài tại Việt Nam; thuốc bảo vệ thực vật làm hàng mẫu, hàng phục vụ triển lãm, hội chợ và sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

đ) Thuốc trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam nhưng nhập khẩu để làm chất chuẩn.

3. Thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu quy định tại khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều này phải được cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương kiểm tra nhà nước về chất lượng thuốc khi nhập khẩu và chỉ được nhập khẩu khi đạt yêu cầu theo quy định của pháp luật.

4. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật;

b) Bảo sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều này;

c) Các giấy tờ chứng minh, đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.

5. Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật cho cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

6. Tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật được phép xuất khẩu thuốc thành phẩm và thuốc kỹ thuật theo quy định của pháp luật về thương mại của Việt Nam và nước nhập khẩu.

Điều 68. Vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật

1. Vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ các quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm của pháp luật về giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng không, hàng hải, các quy định khác của pháp luật có liên quan và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Trường hợp chỉ vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật sinh học không bắt buộc phải tuân thủ các quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm nhưng phải tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

2. Trường hợp xảy ra sự cố gây rò rỉ, phát tán thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình vận chuyển, người điều khiển phương tiện, chủ hàng, chủ phương tiện có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết để hạn chế hậu quả, khắc phục sự cố, đồng thời báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố để tiếp tục theo dõi và có các biện pháp cảnh báo, phòng ngừa hậu quả.

Điều 69. Bảo quản thuốc bảo vệ thực vật

1. Việc bảo quản thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ hướng dẫn về bảo quản của nhà sản xuất ghi trên nhãn, bao gói; bảo đảm an toàn đối với con người, vật nuôi và môi trường.

2. Kho bảo quản thuốc bảo vệ thực vật phải bảo đảm khoảng cách an toàn, xa trường học, bệnh viện, khu dân cư tập trung; bảo đảm yêu cầu kỹ thuật trong bảo quản; có cảnh báo; có trang thiết bị, phương tiện xử lý sự cố phù hợp với đặc tính nguy hiểm của thuốc bảo vệ thực vật; bảo đảm quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, hóa chất, bảo hộ lao động, bảo vệ môi trường.

3. Kho chuyên dùng bảo quản thuốc bảo vệ thực vật sinh học không bắt buộc phải tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều này nhưng phải bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.

4. Trường hợp thuốc bảo vệ thực vật bị rò rỉ, phát tán có nguy cơ gây tác hại đến con người, vật nuôi, môi trường, tổ chức, cá nhân bảo quản thuốc có trách nhiệm áp dụng ngay các biện pháp cần thiết để hạn chế hậu quả, khắc phục sự cố và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố để được hỗ trợ khắc phục và giám sát, ngăn ngừa hậu quả xấu; tổ chức, cá nhân có thuốc bảo quản bị rò rỉ, phát tán phải chịu mọi chi phí để khắc phục sự cố và bồi thường thiệt hại do sự cố gây ra.

5. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định chi tiết điều kiện kho bảo quản thuốc bảo vệ thực vật.

Điều 70. Quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật

1. Chỉ được quảng cáo các loại thuốc trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

2. Nội dung quảng cáo phải đúng với nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật, phù hợp với hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật trên địa bàn, có nội dung cảnh báo về mức độ nguy hiểm, độc hại và chỉ dẫn phòng ngừa tác hại của thuốc bảo vệ thực vật.

3. Việc quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật phải tuân theo quy định của pháp luật về quảng cáo.

Điều 71. Bao gói, nhãn thuốc bảo vệ thực vật

1. Bao gói thuốc bảo vệ thực vật phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Vật liệu phải bền chắc, không bị thuốc bảo vệ thực vật chứa bên trong ăn mòn, phá hủy, rò rỉ, phát tán thuốc ra ngoài;

b) Không ảnh hưởng đến chất lượng của thuốc bảo vệ thực vật;

c) Đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bao gói thuốc bảo vệ thực vật hoặc tiêu chuẩn cơ sở do cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật công bố áp dụng;

d) Không gây nguy hiểm cho người, động vật và môi trường.

2. Thuốc bảo vệ thực vật lưu thông trên thị trường phải có nhãn đáp ứng yêu cầu sau đây:

a) Ngôn ngữ bằng tiếng Việt;

b) Chứa thông tin đầy đủ hướng dẫn người sử dụng thuốc an toàn;

c) Tuân thủ quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa và hướng dẫn của Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS);

d) Nhãn thuốc bảo vệ thực vật phải phù hợp với nội dung mẫu nhãn đã đăng ký với cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quy cách, vật liệu, kiểm tra, kiểm định bao gói thuốc và hướng dẫn cụ thể việc ghi nhãn thuốc bảo vệ thực vật.

Điều 72. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

1. Tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có quyền sau đây:

a) Được cung cấp thông tin và hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả;

b) Yêu cầu cơ sở bán thuốc hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng nội dung của nhãn thuốc;

c) Được bồi thường thiệt hại do lỗi của cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nghĩa vụ sau đây:

a) Tuân thủ nguyên tắc sử dụng thuốc bốn đúng quy định tại khoản 3 Điều 4 của Luật này; thực hiện đúng hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc;

b) Chỉ được sử dụng thuốc trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam;

c) Khi xảy ra sự cố hoặc phát hiện thuốc bảo vệ thực vật gây hậu quả xấu cho con người và môi trường trong quá trình sử dụng, người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết để hạn chế hậu quả và báo cáo ngay Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố để có biện pháp khắc phục hậu quả;

d) Phải bảo quản thuốc, thu gom bao gói thuốc sau khi sử dụng để đúng nơi quy định;

đ) Người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong xông hơi khử trùng phải có giấy chứng nhận tập huấn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

e) Bồi thường thiệt hại do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định gây ra.

MỤC 4. THU HỒI, TIÊU HỦY, THU GOM VÀ XỬ LÝ BAO GÓI THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT SAU SỬ DỤNG

Điều 73. Thu hồi thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường, xử lý thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi

1. Thuốc bảo vệ thực vật phải thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a) Không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo quy định;

b) Hết hạn sử dụng;

c) Nhãn, bao gói thuốc bảo vệ thực vật có sai sót hoặc không đúng quy định.

2. Khi phát hiện thuốc bảo vệ thực vật thuộc diện bị thu hồi thì cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải có trách nhiệm thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về lô thuốc phải thu hồi và có trách nhiệm thu hồi ngay toàn bộ thuốc đó.

Trong trường hợp cơ sở sản xuất, nhập khẩu không tự nguyện thu hồi thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định bắt buộc thu hồi.

3. Các biện pháp xử lý thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi bao gồm:

a) Tái xuất;

b) Tái chế;

c) Khắc phục lỗi ghi nhãn, bao gói;

d) Tiêu hủy.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định cụ thể khoản này.

4. Thẩm quyền xử lý thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi được quy định như sau:

a) Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở địa phương quyết định biện pháp và thời hạn xử lý thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi; kiểm tra việc thu hồi và xử lý thuốc của cơ sở buôn bán trên địa bàn; xử lý vi phạm về thu hồi thuốc bảo vệ thực vật của cơ sở buôn bán trên địa bàn theo quy định;

b) Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương quyết định biện pháp và thời hạn xử lý thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi; kiểm tra việc thu hồi và xử lý thuốc của cơ sở sản xuất; xử lý vi phạm về thu hồi thuốc bảo vệ thực vật của cơ sở buôn bán khi việc thu hồi thuốc xảy ra trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

5. Cơ sở sản xuất, nhập khẩu có thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi phải chịu mọi chi phí thu hồi và xử lý.

Điều 74. Tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật

1. Các loại thuốc bảo vệ thực vật phải tiêu hủy bao gồm:

a) Thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng ở Việt Nam, không có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, c và d khoản 2 Điều 67 của Luật này;

b) Thuốc bảo vệ thực vật giả;

c) Thuốc bảo vệ thực vật quá hạn sử dụng mà không thể tái chế;

d) Thuốc bảo vệ thực vật không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo quy định mà không thể tái chế hoặc tái xuất;

đ) Thuốc bảo vệ thực vật vô chủ, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

2. Tổ chức, cá nhân có thuốc bảo vệ thực vật buộc tiêu hủy phải thực hiện việc tiêu hủy theo quy định quản lý chất thải nguy hại của pháp luật về bảo vệ môi trường và chịu mọi chi phí.

3. Trường hợp thuốc bảo vệ thực vật vô chủ thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc tiêu hủy và bố trí kinh phí.

Điều 75. Thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng

1. Việc thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định về quản lý chất thải nguy hại của pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Kinh phí thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí từ ngân sách địa phương.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

Chương 5.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 76. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 36/2001/PL-UBTVQH10 ngày 08 tháng 8 năm 2001 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

2. Các loại giấy phép, giấy chứng nhận về bảo vệ và kiểm dịch thực vật đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa hết thời hạn được ghi trong giấy thì vẫn có giá trị sử dụng cho đến khi hết thời hạn.

Điều 77. Quy định chi tiết

Chính phủ quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 25 tháng 11 năm 2013.

 

 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Sinh Hùng

 

- Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật được hướng dẫn bởi Chương I, Chương III và Chương IV Nghị định 31/2016/NĐ-CP

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật ngày 25 tháng 11 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính
...
Điều 3. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
...
Điều 4. Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả
...
Điều 5. Quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền
...
Chương III HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC, MỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ VÀ KIỂM DỊCH THỰC VẬT

Điều 19. Vi phạm quy định về phòng, chống sinh vật gây hại thực vật
...
Điều 20. Vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật xuất khẩu, nhập khẩu và quá cảnh
...
Điều 21. Vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật nội địa
...
Điều 22. Vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật giống cây trồng và sinh vật có ích nhập khẩu
...
Điều 23. Vi phạm quy định về xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật
...
Điều 24. Vi phạm quy định về sản xuất thuốc bảo vệ thực vật
...
Điều 25. Vi phạm quy định về buôn bán thuốc bảo vệ thực vật
...
Điều 26. Vi phạm quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
...
Điều 27. Vi phạm quy định về vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật
...
Điều 28. Vi phạm quy định về nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật
...
Điều 29. Vi phạm quy định về khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật để đăng ký vào Danh Mục thuốc bảo vệ thực vật
...
Điều 30. Vi phạm quy định quản lý giấy phép, Giấy chứng nhận về bảo vệ và kiểm dịch thực vật
...
Chương IV THẨM QUYỀN XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ LẬP BIÊN BẢN VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 31. Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp
...
Điều 32. Thẩm quyền xử phạt của thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giống cây trồng
...
Điều 33. Thẩm quyền xử phạt của thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật
...
Điều 34. Thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân
...
Điều 35. Thẩm quyền xử phạt của Hải quan
...
Điều 36. Thẩm quyền xử phạt của Quản lý thị trường
...
Điều 37. Thẩm quyền xử phạt của Bộ đội Biên phòng
...
Điều 38. Thẩm quyền xử phạt của Cảnh sát biển
...
Điều 39. Phân định thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân, Hải quan, Quản lý thị trường, Bộ đội biên phòng và Cảnh sát biển
...
Điều 40. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính

Xem nội dung VB
- Điểm này được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 12 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018

Điều 12. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật

1. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 7 như sau:

“b) Xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, kế hoạch về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;”.

Xem nội dung VB
- Điểm này được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 12 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018

Điều 12. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật
...
2. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 8 như sau:

“a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; xây dựng và tổ chức thực hiện vùng không nhiễm sinh vật gây hại trên địa bàn;”.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 3 Nghị định 116/2014/NĐ-CP

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật ngày 25 tháng 11 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
...
Điều 3. Hệ thống cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật

1. Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống sinh vật gây hại thực vật; kiểm dịch thực vật và quản lý thuốc bảo vệ thực vật trên toàn quốc.

2. Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống sinh vật gây hại thực vật; kiểm dịch thực vật nội địa và quản lý thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương.

3. Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) trực thuộc cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ được giao trên địa bàn cấp huyện và phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng, chống sinh vật gây hại thực vật; kiểm dịch thực vật nội địa và quản lý thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn cấp huyện.

4. Cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở địa phương hoạt động theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Xem nội dung VB
- Trách nhiệm của Cục Bảo vệ thực vật trong xử lý vật thể được hướng dẫn bởi Điều 10 Thông tư 05/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13;
...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư Quy định về trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.
...
Điều 10. Trách nhiệm của Cục Bảo vệ thực vật đối với hoạt động xử lý vật thể

1. Tổ chức kiểm tra điều kiện cấp, cấp lại Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật theo quy định tại Thông tư này.

2. Tổ chức tập huấn, kiểm tra chuyên môn và cấp Thẻ hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.

3. Xây dựng các chương trình tập huấn về xử lý vật thể.

4. Chỉ định và giám sát hoạt động xử lý đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát của Việt Nam hoặc sinh vật gây hại lạ.

5. Thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động của các tổ chức hành nghề và xử lý vi phạm theo quy định hiện hành.

Xem nội dung VB
- Trách nhiệm của các cơ quan chuyên ngành về quản lý thuốc bảo vệ thực vật được hướng dẫn bởi Chương XIV Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2013
...
Chương XIV TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 80. Trách nhiệm của Cục Bảo vệ thực vật
...
Điều 81. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
...
Điều 82. Trách nhiệm của Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật

Xem nội dung VB
- Phí, lệ phí kiểm dịch thực vật được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 33/2014/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13;
...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư Quy định trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và sau nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.
...
Điều 5. Phí và lệ phí

Chủ vật thể phải nộp phí, lệ phí kiểm dịch thực vật theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

Xem nội dung VB
- Mức thu phí trong lĩnh vực bảo vệ thực vật được hướng dẫn bởi Thông tư 231/2016/TT-BTC

Căn cứ Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật ngày 25 tháng 11 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực bảo vệ thực vật.
...
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
...
Điều 2. Người nộp phí
...
Điều 3. Tổ chức thu phí
...
Điều 4. Mức thu phí
...
Điều 5. Các trường hợp được miễn phí
...
Điều 6. Kê khai, nộp phí
...
Điều 7. Quản lý và sử dụng phí
...
Điều 8. Tổ chức thực hiện
...
BIỂU PHÍ TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ THỰC VẬT

Xem nội dung VB
- Điều kiện, thủ tục công bố dịch hại thực vật được hướng dẫn bởi Điều 4 và Điều 5 Nghị định 116/2014/NĐ-CP

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật ngày 25 tháng 11 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
...
Điều 4. Điều kiện công bố dịch hại thực vật

1. Đối với sinh vật gây hại thực vật không thuộc đối tượng kiểm dịch thực vật, không phải là sinh vật gây hại lạ thì phải đảm bảo hai điều kiện sau:

a) Sinh vật gây hại thực vật gia tăng đột biến cả về số lượng, diện tích, mức độ gây hại so với trung bình của 02 (hai) năm trước liền kề của thời điểm công bố dịch và dự báo của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật cấp tỉnh trở lên; có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, môi trường, đời sống nhân dân, vượt quá khả năng kiểm soát của chủ thực vật;

b) Các biện pháp quản lý sinh vật gây hại đã được chủ thực vật áp dụng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật nhưng chưa đạt hiệu quả, phải áp dụng các biện pháp khẩn cấp, bắt buộc chủ thực vật, tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn có dịch thực hiện nghiêm chỉnh trong một thời gian nhất định để nhanh chóng khống chế, dập tắt dịch.

2. Đối với sinh vật gây hại thực vật là đối tượng kiểm dịch thực vật hoặc sinh vật gây hại lạ

Khi phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật hoặc sinh vật gây hại lạ xuất hiện hoặc xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam, có nguy cơ thiết lập quần thể, lây lan ra diện rộng mà phải áp dụng các biện pháp khẩn cấp, bắt buộc chủ thực vật, tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn có dịch thực hiện nghiêm chỉnh để nhanh chóng bao vây và xử lý triệt để đối tượng kiểm dịch thực vật hoặc sinh vật gây hại lạ.

Điều 5. Trình tự, thủ tục công bố dịch hại thực vật

1. Trình tự, thủ tục công bố dịch hại thực vật

a) Căn cứ vào quy định tại Điều 4 Nghị định này, cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở cấp tỉnh trình Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tình hình dịch hại, các số liệu thực tế chứng minh đủ điều kiện công bố dịch và sự cần thiết phải công bố dịch, đề xuất phạm vi công bố dịch và các giải pháp chống dịch;

b) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ vào báo cáo của thủ trưởng cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào báo cáo của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định công bố dịch;

c) Trong trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền công bố dịch thành lập Hội đồng tư vấn để lấy ý kiến. Hội đồng do người có thẩm quyền công bố dịch hoặc cấp phó của người đó làm Chủ tịch, Thủ trưởng cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương hoặc Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Phó Chủ tịch, thành viên là đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan và các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo vệ thực vật.

Hội đồng tư vấn có trách nhiệm xem xét báo cáo của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật, đề xuất với người có thẩm quyền về việc công bố dịch, phạm vi công bố dịch, các giải pháp chống dịch.

2. Quyết định công bố dịch hại thực vật

a) Nội dung của quyết định công bố dịch bao gồm: Sinh vật gây hại thực vật, đối tượng bị hại, phạm vi công bố dịch, các giải pháp chống dịch, hiệu lực của quyết định;

b) Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi công bố dịch, Quyết định công bố dịch phải được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của trung ương và địa phương; chính quyền địa phương nơi công bố dịch phải thông báo cho chủ thực vật, tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn biết và thực hiện.

Xem nội dung VB
- Trình tự, thủ tục công bố hết dịch hại thực vật được hướng dẫn bởi các Điều 6 Nghị định 116/2014/NĐ-CP

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật ngày 25 tháng 11 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
...
Điều 6. Trình tự, thủ tục công bố hết dịch hại thực vật

1. Khi dịch hại thực vật đã được khống chế và không còn nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng thì cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương báo cáo kết quả chống dịch và đề xuất công bố hết dịch với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở cấp tỉnh trình Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả chống dịch và đề xuất công bố hết dịch với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Nội dung của báo cáo kết quả chống dịch và đề xuất công bố hết dịch bao gồm: Tình hình diễn biến dịch và dự báo xu hướng phát triển của sinh vật gây hại; các biện pháp khắc phục hậu quả do dịch gây ra, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất; các biện pháp quản lý sinh vật gây hại bền vững; cơ sở pháp lý, khoa học và thực tiễn của việc đề xuất công bố hết dịch.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ vào báo cáo của thủ trưởng cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào báo cáo của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định công bố hết dịch.

4. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi người có thẩm quyền ký Quyết định công bố hết dịch, Quyết định phải được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của trung ương và địa phương.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 7 Nghị định 116/2014/NĐ-CP

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật ngày 25 tháng 11 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
...
Điều 7. Kinh phí chống dịch hại thực vật

1. Nguồn kinh phí chống dịch hại thực vật

a) Ngân sách nhà nước theo phân cấp hiện hành;

b) Kinh phí của tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hoặc trực tiếp quản lý chủ thực vật;

c) Đóng góp, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài, tổ chức quốc tế và các nguồn hợp pháp khác.

2. Đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí chống dịch hại thực vật:

a) Chủ thực vật có thực vật bị thiệt hại do dịch hại gây ra hoặc buộc phải áp dụng biện pháp chống dịch theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Người tham gia chống dịch hại thực vật.

3. Nội dung được hỗ trợ chống dịch hại thực vật

a) Tuyên truyền, tập huấn, tổ chức chống dịch;

b) Phương tiện, trang thiết bị, thuốc bảo vệ thực vật để chống dịch;

c) Thiệt hại do dịch hại gây ra;

d) Thiệt hại do phải áp dụng biện pháp xử lý thực vật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chi phí xử lý.

4. Mức hỗ trợ chống dịch hại thực vật

a) Đối với các nội dung hỗ trợ đã có định mức, tiêu chuẩn do Nhà nước quy định thì chi theo quy định hiện hành;

b) Đối với những nội dung hỗ trợ chưa có quy định về định mức, tiêu chuẩn, Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ quyết định mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ từ ngân sách địa phương.

5. Sử dụng nguồn kinh phí chống dịch hại thực vật từ ngân sách nhà nước

a) Kinh phí chống dịch tại địa phương do Ủy ban nhân dân các cấp quyết định sử dụng dự phòng ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Trường hợp kinh phí chống dịch hại thực vật phát sinh lớn, vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có báo cáo gửi Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;

b) Kinh phí chi cho các hoạt động chống dịch của các cơ quan trung ương bố trí từ nguồn ngân sách trung ương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

6. Sử dụng nguồn kinh phí chống dịch hại thực vật của chủ thực vật

Các chi phí để chống dịch khác ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, kinh phí tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài, tổ chức quốc tế (nếu có).

7. Sử dụng nguồn kinh phí chống dịch hại thực vật do đóng góp, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài, tổ chức quốc tế và các nguồn hợp pháp khác.

a) Đối với nguồn đóng góp, tài trợ của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;

b) Đối với các nguồn đóng góp, tài trợ hợp pháp khác được thực hiện theo yêu cầu của nhà tài trợ.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Thông tư 48/2015/TT-BNNPTNT (VB hết hiệu lực: 17/09/2018)

Căn cứ Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư hướng dẫn điều kiện hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật.

Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Giải thích từ ngữ
...
Chương II CHI TIẾT ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÁC NHẬN DỊCH VỤ BẢO VỆ THỰC VẬT

Điều 4. Chi tiết điều kiện hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật
...
Điều 5. Trình tự, thủ tục xác nhận hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật
...
Điều 6. Tập huấn về bảo vệ thực vật
...
Điều 7. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật
...
Chương III TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Trách nhiệm của tổ chức
...
Điều 9. Điều khoản thi hành
...
PHỤ LỤC I MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ XÁC NHẬN HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ BẢO VỆ THỰC VẬT
...
PHỤ LỤC II MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN TẬP HUẤN VỀ BẢO VỆ THỰC VẬT

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 7 Thông tư 48/2015/TT-BNNPTNT (VB hết hiệu lực: 17/09/2018)

Căn cứ Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư hướng dẫn điều kiện hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật.
...
Điều 7. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật có quyền sau đây:

a) Được trả chi phí thực hiện dịch vụ bảo vệ thực vật theo thỏa thuận hợp đồng ký kết với chủ thực vật hoặc đại diện của chủ thực vật;

b) Tham dự chương trình tập huấn, nâng cao kiến thức về phòng, chống sinh vật gây hại thực vật phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương;

c) Được cung cấp thông tin và hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả;

d) Tham gia chương trình thông tin, truyền thông về phòng, chống sinh vật gây hại thực vật;

đ) Được quyền khiếu nại kết luận và quyết định của cơ quan kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

2. Tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật có nghĩa vụ sau đây:

a) Duy trì các điều kiện hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật theo quy định tại Điều 4 Thông tư này trong quá trình hoạt động;

b) Chỉ được sử dụng thuốc trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam theo nguyên tắc bốn đúng; sử dụng các biện pháp bảo vệ thực vật đảm bảo hiệu quả, an toàn cho người, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái;

c) Bảo quản thuốc bảo vệ thực vật và thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng đúng quy định;

d) Chấp hành quy định của pháp luật về hợp đồng, pháp luật về lao động và các nghĩa vụ khác;

đ) Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật do tư vấn, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại thực vật không đúng quy định.

Xem nội dung VB
- Yêu cầu chung về kiểm dịch thực vật được hướng dẫn bởi Điều 4 Thông tư 33/2014/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13;
...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư Quy định trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và sau nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.
...
Điều 4. Yêu cầu chung về kiểm dịch thực vật

1. Kiểm tra nhanh chóng, phát hiện chính xác đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát của Việt Nam và sinh vật gây hại lạ trên vật thể nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và sau nhập khẩu.

2. Quyết định biện pháp xử lý phù hợp và kịp thời đối với vật thể nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát của Việt Nam và sinh vật gây hại lạ.

Xem nội dung VB
- Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 1 và Điều 4 Thông tư 30/2014/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13;
...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam.
...
Điều 1. Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật

1. Thực vật

Cây và các bộ phận còn sống của cây.

2. Sản phẩm của cây

a) Các loại củ, quả, hạt, hoa, lá, thân, cành, gốc, rễ, vỏ cây;

b) Các loại tấm, cám, khô dầu, sợi tự nhiên dạng thô, xơ thực vật;

c) Bột, tinh bột có nguồn gốc thực vật (trừ bột nhào, tinh bột biến tính);

d) Cọng thuốc lá, thuốc lá sợi, thuốc lào sợi, men thức ăn chăn nuôi, bông thô, phế liệu bông, rơm, rạ và thực vật thủy sinh;

đ) Gỗ tròn, gỗ xẻ, pallet gỗ, mùn cưa, mùn dừa;

e) Nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc thực vật;

g) Giá thể trồng cây có nguồn gốc thực vật.

3. Các loại nấm (trừ nấm ở dạng muối, đông lạnh, đóng hộp, nấm men).

4. Kén tằm, gốc rũ kén tằm và cánh kiến.

5. Các loại côn trùng, nhện, nấm bệnh, tuyến trùng, vi khuẩn, virus, phytoplasma, viroids và cỏ dại phục vụ cho công tác giám định, tập huấn, phòng trừ sinh học và nghiên cứu khoa học.

6. Phương tiện vận chuyển, bảo quản vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.

7. Các vật thể khác có khả năng mang theo đối tượng kiểm dịch thực vật sẽ do Cục Bảo vệ thực vật xác định và báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định.

8. Trường hợp xuất khẩu những vật thể không thuộc Danh mục quy định tại Điều này sẽ được thực hiện kiểm dịch thực vật theo yêu cầu của nước nhập khẩu và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết hoặc gia nhập.
...
Điều 4. Điều khoản chuyển tiếp

Đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật đã nhập khẩu vào Việt Nam trước ngày Thông tư này có hiệu lực mà chưa thực hiện phân tích nguy cơ dịch hại thì cơ quan kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu phải cung cấp thông tin cho Cục Bảo vệ thực vật theo quy định để phân tích nguy cơ dịch hại. Căn cứ vào kết quả phân tích nguy cơ dịch hại, Cục Bảo vệ thực vật bổ sung các biện pháp kiểm dịch thực vật cần thiết để ngăn chặn có hiệu quả các đối tượng kiểm dịch thực vật.

Xem nội dung VB
- Điểm này được hướng dẫn bởi Điều 2, Điều 3, Điều 4 Thông tư 30/2014/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13;
...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam.
...
Điều 2. Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam

1. Cây và các bộ phận còn sống của cây.

2. Củ, quả tươi.

3. Cỏ và hạt cỏ.

4. Sinh vật có ích sử dụng trong lĩnh vực bảo vệ thực vật.

5.Thực vật nhập khẩu phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam.

6. Các vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật khác có nguy cơ cao mang theo đối tượng kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật xác định và báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định.

Điều 3. Các vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật được miễn phân tích nguy cơ dịch hại

Các vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật quy định tại Điều 2 Thông tư này được miễn phân tích nguy cơ dịch hại trong các trường hợp:

1. Giống cây trồng phục vụ nghiên cứu khoa học;

2. Sinh vật có ích phục vụ nghiên cứu khoa học;

3. Các trường hợp khác, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định.

4. Việc nhập khẩu các vật thể được quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều này phải có Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu và thực hiện kiểm dịch thực vật theo quy định.

Điều 4. Điều khoản chuyển tiếp

Đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật đã nhập khẩu vào Việt Nam trước ngày Thông tư này có hiệu lực mà chưa thực hiện phân tích nguy cơ dịch hại thì cơ quan kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu phải cung cấp thông tin cho Cục Bảo vệ thực vật theo quy định để phân tích nguy cơ dịch hại. Căn cứ vào kết quả phân tích nguy cơ dịch hại, Cục Bảo vệ thực vật bổ sung các biện pháp kiểm dịch thực vật cần thiết để ngăn chặn có hiệu quả các đối tượng kiểm dịch thực vật.

Xem nội dung VB
- Danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật được ban hành tại Thông tư 35/2014/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13;
...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư Danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
...
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

2. Thông tư này thay thế Quyết định số 73/2005/QĐ-BNN ngày 14 tháng 11 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân cần kịp thời phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Bảo vệ thực vật) để tổng hợp, trình Bộ trưởng xem xét, quyết định./.
...
DANH MỤC. ĐỐI TƯỢNG KIỂM DỊCH THỰC VẬT CỦA NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Xem nội dung VB
- Các vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật được miễn phân tích nguy cơ dịch hại được hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 30/2014/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13;
...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam.
...
Điều 3. Các vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật được miễn phân tích nguy cơ dịch hại

Các vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật quy định tại Điều 2 Thông tư này được miễn phân tích nguy cơ dịch hại trong các trường hợp:

1. Giống cây trồng phục vụ nghiên cứu khoa học;

2. Sinh vật có ích phục vụ nghiên cứu khoa học;

3. Các trường hợp khác, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định.

4. Việc nhập khẩu các vật thể được quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều này phải có Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu và thực hiện kiểm dịch thực vật theo quy định.

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi Thông tư 36/2014/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13;
...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư Quy định về quy trình phân tích nguy cơ dịch hại đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ trước khi nhập khẩu vào Việt Nam.
...
Chương I - QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
...
Điều 2. Giải thích từ ngữ
...
Điều 3. Yêu cầu chung
...
Điều 4. Kinh phí thực hiện
...
Chương II - QUY TRÌNH PHÂN TÍCH NGUY CƠ DỊCH HẠI

Điều 5. Giai đoạn khởi đầu quá trình phân tích nguy cơ dịch hại
...
Điều 6. Xem xét lại kết quả phân tích nguy cơ dịch hại đã thực hiện
...
Điều 7. Đánh giá nguy cơ trở thành cỏ dại
...
Điều 8. Nội dung đánh giá nguy cơ dịch hại
...
Điều 9. Quản lý nguy cơ dịch hại
...
Chương III - TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Trách nhiệm của Cục Bảo vệ thực vật
...
Điều 11. Hiệu lực thi hành
...
Điều 12. Tổ chức thực hiện
...
PHỤ LỤC I. THÔNG TIN CẦN CUNG CẤP ĐỂ THỰC HIỆN PHÂN TÍCH NGUY CƠ DỊCH HẠI
...
PHỤ LỤC II. THÔNG TIN CẦN CUNG CẤP ĐỂ THỰC HIỆN PHÂN TÍCH NGUY CƠ ẢNH HƯỞNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG CỦA SINH VẬT CÓ ÍCH NHẬP KHẨU SỬ DỤNG TRONG BẢO VỆ THỰC VẬT
...
PHỤ LỤC III. BẢNG SỐ LIỆU PHÂN TÍCH NGUY CƠ DỊCH HẠI
...
PHỤ LỤC IV. CÁC YẾU TỐ ĐÁNH GIÁ HẬU QUẢ DU NHẬP CỦA SINH VẬT GÂY HẠI
...
PHỤ LỤC V. CÁC YẾU TỐ ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG DU NHẬP CỦA SINH VẬT GÂY HẠI
...
PHỤ LỤC VI. MẪU BÁO CÁO PHÂN TÍCH NGUY CƠ DỊCH HẠI
...
PHỤ LỤC VII. YÊU CẦU KIỂM DỊCH THỰC VẬT NHẬP KHẨU

Xem nội dung VB
- Hồ sơ, thời hạn, cơ quan cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu đối với vật thể được hướng dẫn bởi Điều 9 Thông tư 43/2018/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật ngày 25 tháng 11 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định một số nội dung về xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng, giống vật nuôi, nguồn gen cây trồng; nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật và nhập khẩu vật thể trong Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam.
...
Điều 9. Quy định về hồ sơ, thời hạn, cơ quan cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu đối với vật thể trong Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam

1. Thành phần hồ sơ:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu theo Mẫu số 04/BVTV Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản sao Hợp đồng thương mại;

c) Bản sao Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của thương nhân (chỉ nộp khi nhập khẩu lần đầu).

2. Thời hạn giải quyết:

a) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định, trong thời hạn 03 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo để thương nhân hoàn thiện hồ sơ.

b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu theo Mẫu số 05/BVTV Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp từ chối cấp phép, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

3. Hiệu lực của Giấy phép:

Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu có giá trị cho toàn bộ lô hàng ghi trong giấy phép và hiệu lực được ghi trong giấy phép theo từng mặt hàng nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày cấp.

4. Cơ quan thực hiện: Cục Bảo vệ thực vật

- Địa chỉ: 149 Hồ Đắc Di, Đống Đa - Hà Nội

- ĐT: 024.3533.0361 Fax: 024.3533.0043;

- Email: cchc.bvtv@mard.gov.vn
...
PHỤ LỤC IV LĨNH VỰC BẢO VỆ VÀ KIỂM DỊCH THỰC VẬT
...
Mẫu số 04/BVTV ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP KIỂM DỊCH THỰC VẬT NHẬP KHẨU
...
Mẫu số 05/BVTV GIẤY PHÉP KIỂM DỊCH THỰC VẬT NHẬP KHẨU

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi Chương II Thông tư 33/2014/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13;
...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư Quy định trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và sau nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.
...
Chương II TRÌNH TỰ, THỦ TỤC KIỂM DỊCH THỰC VẬT NHẬP KHẨU

Điều 6. Hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật nhập khẩu

1. Giấy đăng ký kiểm dịch thực vật (theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này).

2. Bản sao chụp hoặc bản chính Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan kiểm dịch thực vật có thẩm quyền của nước xuất khẩu.

Trường hợp chủ vật thể nộp bản sao chụp thì phải nộp bản chính trước khi được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa cho lô vật thể.

3. Bản chính hoặc bản sao chứng thực Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu (trường hợp quy định phải có Giấy phép).

Điều 7. Trình tự thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu

1. Đăng ký kiểm dịch thực vật

Chủ vật thể nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật nhập khẩu tại cơ quan kiểm dịch thực vật.

2. Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ

Cơ quan kiểm dịch thực vật có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra ngay tính hợp lệ của hồ sơ theo quy định. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì yêu cầu chủ vật thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ;

3. Kiểm tra vật thể

Căn cứ kết quả kiểm tra hồ sơ, cơ quan kiểm dịch thực vật quyết định địa điểm và bố trí công chức kiểm tra ngay lô vật thể theo trình tự sau đây:

a) Kiểm tra sơ bộ

Kiểm tra bên ngoài lô vật thể, bao bì đóng gói, phương tiện chuyên chở; khe, kẽ và những nơi sinh vật gây hại có thể ẩn nấp; thu thập côn trùng bay, bò hoặc bám bên ngoài lô vật thể.

b) Kiểm tra chi tiết

Kiểm tra bên trong và lấy mẫu lô hàng theo quy định tại QCVN 01-141:2013/BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương pháp lấy mẫu kiểm dịch thực vật; thu thập các vật thể mang triệu chứng gây hại và sinh vật gây hại; phân tích giám định mẫu vật thể, sinh vật gây hại đã thu thập được.

4. Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật

a) Cơ quan kiểm dịch thực vật cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa (theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này) trong vòng 24 giờ kể từ khi bắt đầu kiểm dịch đối với lô vật thể không bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật hoặc đối tượng phải kiểm soát của Việt Nam hoặc sinh vật gây hại lạ.

Trường hợp kéo dài hơn 24 giờ do yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật hoặc trường hợp không cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật thì cơ quan kiểm dịch thực vật phải thông báo hoặc trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch biết.

b) Trường hợp phát hiện lô vật thể bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát của Việt Nam hoặc sinh vật gây hại lạ, cơ quan kiểm dịch thực vật quyết định áp dụng các biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật phù hợp theo quy định.

c) Trường hợp lô vật thể được vận chuyển bằng tàu biển có chiều cao khoang chứa hàng từ 3m trở lên, phải chia thành nhiều lớp để kiểm tra thì sau khi kiểm tra mỗi lớp, căn cứ vào kết quả kiểm tra, cơ quan kiểm dịch thực vật cấp Giấy tạm cấp kết quả kiểm dịch thực vật cho khối lượng vật thể đã kiểm tra (theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này).

Sau khi có Giấy tạm cấp kết quả, lô hàng được phép vận chuyển về kho bảo quản và chỉ được đưa ra sản xuất, kinh doanh sau khi được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa. Căn cứ kết quả kiểm tra toàn bộ lô vật thể, cơ quan kiểm dịch thực vật cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa cho lô vật thể.

Điều 8. Thông báo kiểm dịch thực vật

1. Thông báo cho nước xuất khẩu

Cục Bảo vệ thực vật thông báo cho cơ quan kiểm dịch thực vật có thẩm quyền của nước xuất khẩu trong các trường hợp sau:

a) Vật thể nhập khẩu bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát của Việt Nam hoặc sinh vật gây hại lạ và biện pháp kiểm dịch thực vật được áp dụng để xử lý;

b) Vật thể nhập khẩu chưa được phép nhập khẩu vào Việt Nam;

c) Vật thể nhập khẩu không có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp;

d) Vật thể nhập khẩu vi phạm các quy định khác về kiểm dịch thực vật nhập khẩu của Việt Nam.

2. Thông báo cho chủ vật thể và cơ quan khác có liên quan

Cơ quan kiểm dịch thực vật thông báo cho chủ vật thể hoặc cơ quan khác có liên quan trong những trường hợp sau:

a) Trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

b) Lô vật thể là giống cây trồng hoặc sinh vật có ích.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Chương V Thông tư 33/2014/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13;
...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư Quy định trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và sau nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.
...
Chương V KIỂM DỊCH THỰC VẬT SAU NHẬP KHẨU

Điều 13. Vật thể phải thực hiện kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu.

1. Hom giống, cây giống, củ giống, cành ghép và mắt ghép quy định phải qua kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu theo kết quả phân tích nguy cơ dịch hại.

2. Sinh vật có ích

Điều 14. Số lượng nhập khẩu để thực hiện kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu

1. Hom; chồi giống, cây, củ: từ 30 đến 50 cá thể.

2. Cành, mắt ghép: từ 10 đến 20 cành.

3. Sinh vật có ích: Số lượng được quy định cụ thể trong báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại.

Điều 15. Nội dung kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu

1. Đối với giống cây trồng:

Kiểm tra sinh vật gây hại tiềm ẩn được xác định trong báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại.

2. Đối với sinh vật có ích:

Kiểm tra độ thuần, tính chuyên tính ký chủ trong khu nhân nuôi cách ly. Đối với côn trùng, nhện có ích còn kiểm tra thêm chỉ tiêu về ký sinh bậc 2.

Điều 16. Quy trình kiểm tra sau nhập khẩu trong khu cách ly

1. Kiểm tra ban đầu

Kiểm tra sơ bộ tình trạng của lô vật thể; ghi sổ các thông tin liên quan.

2. Kiểm tra lô vật thể

a) Đối với giống cây trồng

Toàn bộ lô vật thể được gieo trồng trong khu cách ly kiểm dịch thực vật. Điều kiện khu cách ly thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn;

Áp dụng phương pháp chăm sóc phù hợp đối với từng loại giống đảm bảo cây phát triển tốt và tạo điều kiện thuận lợi nhất để sinh vật gây hại biểu hiện triệu chứng;

Kiểm tra định kỳ và đột xuất tất cả số cây được gieo trồng;

Thu thập các mẫu cây có biểu hiện bất thường, mẫu sinh vật gây hại, triệu chứng gây hại để giám định tác nhân gây bệnh trong phòng thí nghiệm.

b) Đối với sinh vật có ích

Kiểm tra toàn bộ số cá thể để đánh giá độ thuần;

Kiểm tra, xác định tính chuyên tính ký chủ của lô vật thể;

Đối với côn trùng, nhện có ích: kiểm tra, theo dõi hàng ngày tình trạng lô vật thể, thu thập các cá thể bị chết để kiểm tra ký sinh bậc 2.

3. Kết quả kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu

Khi hết thời gian theo dõi theo quy định, cơ quan kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu báo cáo kết quả kiểm tra để Cục Bảo vệ thực vật xem xét, quyết định.

Điều 17. Thời gian kiểm tra theo dõi

Thời gian kiểm tra, theo dõi kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu đối với từng loại giống cây trồng và sinh vật có ích như sau:

1. Chồi, hom, cành, mắt ghép: từ 1 đến 2 năm.

2. Cây: từ 6 đến 12 tháng.

3. Củ giống: 1 chu kỳ sinh trưởng.

4. Sinh vật có ích: Ít nhất một thế hệ.

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi Chương III Thông tư 33/2014/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13;
...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư Quy định trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và sau nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.
...
Chương III TRÌNH TỰ, THỦ TỤC KIỂM DỊCH THỰC VẬT XUẤT KHẨU

Điều 9. Hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật xuất khẩu

1. Giấy đăng ký kiểm dịch thực vật xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu (theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này).

2. Bản chính Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu (trong trường hợp tái xuất khẩu).

Điều 10. Trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật xuất khẩu

1. Đăng ký kiểm dịch thực vật

Chủ vật thể nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ đăng ký cho cơ quan kiểm dịch thực vật nơi gần nhất.

2. Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ

Cơ quan kiểm dịch thực vật có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra ngay tính hợp lệ của hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Thông tư này.

3. Kiểm tra vật thể

Căn cứ kết quả kiểm tra hồ sơ, cơ quan kiểm dịch thực vật quyết định địa điểm kiểm dịch tại cơ sở sản xuất, nơi xuất phát, nơi bảo quản ở sâu trong nội địa hoặc cửa khẩu xuất và bố trí công chức kiểm tra ngay lô vật thể.

Việc kiểm tra lô vật thể được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 của Thông tư này.

4. Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật

a) Cơ quan kiểm dịch thực vật cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật (Theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này) hoặc Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật tái xuất khẩu (Theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này) cho lô vật thể trong vòng 24 giờ kể từ khi bắt đầu kiểm dịch đối với vật thể đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu

Trường hợp kéo dài hơn 24 giờ do yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật thì cơ quan kiểm dịch thực vật phải thông báo hoặc trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật biết.

b) Trường hợp phát hiện lô vật thể không đáp ứng yêu cầu về kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu thì Cơ quan kiểm dịch thực vật không cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật đồng thời phải thông báo cho chủ vật thể biết.

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi Chương IV Thông tư 33/2014/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13;
...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư Quy định trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và sau nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.
...
Chương IV TRÌNH TỰ, THỦ TỤC KIỂM DỊCH THỰC VẬT QUÁ CẢNH

Điều 11. Hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật quá cảnh

1. Giấy đăng ký kiểm dịch thực vật (theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này).

2. Bản sao chụp hoặc bản chính Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do nước xuất khẩu cấp.

Trường hợp chủ vật thể nộp bản sao chụp thì phải nộp bản chính trước khi được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa cho lô vật thể.

3. Bản chính hoặc bản sao chứng thực Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu.

Điều 12. Trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật quá cảnh

1. Đăng ký kiểm dịch thực vật

Chủ vật thể nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật nhập khẩu tại cơ quan kiểm dịch thực vật.

2. Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ

Cơ quan kiểm dịch thực vật có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra ngay tính hợp lệ của hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Thông tư này.

3. Kiểm tra vật thể

Căn cứ kết quả kiểm tra hồ sơ, cơ quan kiểm dịch thực vật quyết định địa điểm và bố trí công chức kiểm tra ngay lô vật thể theo trình tự sau đây:

a) Kiểm tra sơ bộ

Kiểm tra bên ngoài lô vật thể, bao bì đóng gói, phương tiện chuyên chở, khe, kẽ và những nơi sinh vật gây hại có thể ẩn nấp; thu thập côn trùng bay, bò hoặc bám bên ngoài lô vật thể.

b) Kiểm tra chi tiết

Kiểm tra tình trạng bao gói và độ nguyên vẹn của lô hàng; Phân tích giám định mẫu vật thể, sinh vật gây hại đã thu thập được.

Trường hợp tình trạng bao gói của lô vật thể không đảm bảo thì chủ vật thể phải bao gói lại.

4. Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật

a) Cơ quan kiểm dịch thực vật cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa cho lô vật thể trong vòng 24 giờ kể từ khi bắt đầu kiểm dịch đối với lô vật thể đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật quá cảnh.

b) Trường hợp phát hiện lô vật thể bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật hoặc đối tượng phải kiểm soát của Việt Nam hoặc sinh vật gây hại lạ thì cơ quan kiểm dịch thực vật quyết định áp dụng các biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật phù hợp theo quy định.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Thông tư 33/2014/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13;
...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư Quy định trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và sau nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.
...
Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
...
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...
Điều 3. Giải thích từ ngữ
...
Điều 4. Yêu cầu chung về kiểm dịch thực vật
...
Điều 5. Phí và lệ phí
...
Chương II TRÌNH TỰ, THỦ TỤC KIỂM DỊCH THỰC VẬT NHẬP KHẨU

Điều 6. Hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật nhập khẩu
...
Điều 7. Trình tự thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu
...
Điều 8. Thông báo kiểm dịch thực vật
...
Chương III TRÌNH TỰ, THỦ TỤC KIỂM DỊCH THỰC VẬT XUẤT KHẨU

Điều 9. Hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật xuất khẩu
...
Điều 10. Trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật xuất khẩu
...
Chương IV TRÌNH TỰ, THỦ TỤC KIỂM DỊCH THỰC VẬT QUÁ CẢNH

Điều 11. Hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật quá cảnh
...
Điều 12. Trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật quá cảnh
...
Chương V KIỂM DỊCH THỰC VẬT SAU NHẬP KHẨU

Điều 13. Vật thể phải thực hiện kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu.
...
Điều 14. Số lượng nhập khẩu để thực hiện kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu
...
Điều 15. Nội dung kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu
...
Điều 16. Quy trình kiểm tra sau nhập khẩu trong khu cách ly
...
Điều 17. Thời gian kiểm tra theo dõi
...
Chương VI TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Trách nhiệm của Cục Bảo vệ thực vật
...
Điều 19. Trách nhiệm của Cơ quan kiểm dịch thực vật
...
Điều 20. Hiệu lực thi hành
...
Điều 21. Tổ chức thực hiện
...
PHỤ LỤC I MẪU GIẤY ĐĂNG KÝ KIỂM DỊCH THỰC VẬT
...
PHỤ LỤC II MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN KIỂM DỊCH THỰC VẬT NHẬP KHẨU, QUÁ CẢNH VÀ VẬN CHUYỂN NỘI ĐỊA
...
PHỤ LỤC III MẪU GIẤY TẠM CẤP KẾT QUẢ KIỂM DỊCH THỰC VẬT
...
PHỤ LỤC IV MẪU GIẤY ĐĂNG KÝ KIỂM DỊCH THỰC VẬT XUẤT KHẨU HOẶC TÁI XUẤT KHẨU
...
PHỤ LỤC V MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN KIỂM DỊCH THỰC VẬT
...
PHỤ LỤC VI MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN KIỂM DỊCH THỰC VẬT TÁI XUẤT KHẨU

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi các Điều 8, 10, 11 và 12 Nghị định 116/2014/NĐ-CP

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật ngày 25 tháng 11 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
...
Điều 8. Tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật (sau đây gọi tắt là vật thể)
...
Điều 10. Cấm xuất khẩu, nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật
...
Điều 11. Thẩm quyền tạm ngừng hoặc cấm xuất khẩu, nhập khẩu thực vật hoặc tiếp tục xuất khẩu, nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật
...
Điều 12. Trình tự, thủ tục đối với việc tạm ngừng hoặc cấm xuất khẩu, nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi các Điều 9, 11 và 13 Nghị định 116/2014/NĐ-CP

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật ngày 25 tháng 11 năm 2013;
...
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
...
Điều 9. Điều kiện để tiếp tục xuất khẩu, nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật

1. Điều kiện để tiếp tục xuất khẩu vật thể:

a) Vật thể đã được áp dụng đầy đủ các biện pháp theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật có thẩm quyền;

b) Vật thể đã được kiểm tra, giám sát, xác nhận việc thực hiện hiệu quả các biện pháp khắc phục được các nguy cơ quy định tại Khoản 1 Điều 8 của Nghị định này.

2. Điều kiện để tiếp tục nhập khẩu vật thể

a) Vật thể đã được cơ quan kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu báo cáo xác định nguyên nhân bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật và đã áp dụng các biện pháp xử lý triệt để;

b) Vật thể đã được kiểm tra, giám sát, xác nhận hiệu quả thực hiện các biện pháp khắc phục được các nguy cơ quy định tại Khoản 2 Điều 8 của Nghị định này.
...
Điều 11. Thẩm quyền tạm ngừng hoặc cấm xuất khẩu, nhập khẩu thực vật hoặc tiếp tục xuất khẩu, nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định việc tạm ngừng hoặc cấm xuất khẩu, nhập khẩu hoặc tiếp tục xuất khẩu, nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật theo quy định tại Nghị định này.
...
Điều 13. Trình tự, thủ tục tiếp tục xuất khẩu, nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật

1. Căn cứ vào quy định tại Điều 9 của Nghị định này, cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương kiểm tra, giám sát, xác nhận việc thực hiện hiệu quả các biện pháp khắc phục và báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ báo cáo của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương xem xét để quyết định tiếp tục xuất khẩu, nhập khẩu vật thể.

3. Quyết định tiếp tục xuất khẩu, nhập khẩu vật thể có hiệu lực kể từ ngày ký và trong thời hạn 24 giờ phải được công bố chính thức trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về kiểm dịch thực vật của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 4 Thông tư 05/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13;
...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư Quy định về trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.
...
Điều 4. Quy định chi tiết điều kiện hành nghề xử lý vật thể

Tổ chức được cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải có đủ các điều kiện sau đây:

1. Cơ sở vật chất kỹ thuật

a) Có địa điểm xử lý vật thể, nhà xưởng, kho chứa, phương tiện phù hợp với quy mô, biện pháp và loại hình xử lý được quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;

b) Có đầy đủ trang thiết bị đối với từng biện pháp xử lý được quy định chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Có quy trình kỹ thuật đối với từng biện pháp xử lý theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc Tiêu chuẩn cơ sở do Cục Bảo vệ thực vật ban hành;

d) Có Phương án phòng cháy chữa cháy được phê duyệt hoặc Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy hoặc giấy tờ chứng minh đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật;

đ) Có cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt hoặc giấy tờ chứng minh đủ điều kiện về đảm bảo môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Về nhân lực

a) Người trực tiếp quản lý, điều hành của tổ chức hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật (sau đây viết tắt là tổ chức hành nghề) phải có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên phù hợp với biện pháp xử lý; đảm bảo sức khỏe theo quy định;

b) Người trực tiếp thực hiện xử lý vật thể phải có Thẻ hành nghề do Cục Bảo vệ thực vật cấp.

Xem nội dung VB
- Cấp Thẻ hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật được hướng dẫn bởi Điều 7, Điều 8 và Điều 9 Thông tư 05/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13;
...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư Quy định về trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.
...
Điều 7. Cấp Thẻ hành nghề

Thẻ hành nghề được cấp cho cá nhân có đủ điều kiện sau:

1. Đã được tập huấn và kiểm tra chuyên môn theo nội dung chương trình được Cục Bảo vệ thực vật quy định.

2. Đảm bảo sức khỏe theo quy định.

Điều 8. Trình tự, thủ tục cấp Thẻ hành nghề

1. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản sao chụp Giấy chứng nhận đã qua tập huấn chuyên môn;

c) Bản chính Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;

d) Hai ảnh cỡ 2cm x 3cm.

2. Người đề nghị cấp Thẻ hành nghề nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ cho Cục Bảo vệ thực vật.

3. Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ ngay khi nhận hồ sơ trực tiếp hoặc trong thời gian 01 ngày làm việc đối với hồ sơ gửi qua đường bưu điện.

4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Cục Bảo vệ thực vật thực hiện việc cấp Thẻ hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này; trường hợp hồ sơ không cấp phải có thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do.

Điều 9. Trình tự, thủ tục cấp lại Thẻ hành nghề

1. Thẻ hành nghề được cấp lại trong các trường hợp bị mất, sai sót, hư hỏng.

2. Hồ sơ, trình tự cấp lại Thẻ hành nghề được thực hiện theo quy định tại Điều 8 của Thông tư này.

Xem nội dung VB
- Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận hành nghề được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 05/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13;
...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư Quy định về trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.
...
Điều 5. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận hành nghề

1. Hồ sơ gồm:

a) Đơn đề nghị theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản thuyết minh về quy trình kỹ thuật, phương tiện, danh mục trang thiết bị xử lý đối với từng biện pháp, loại hình và quy mô đăng ký theo mẫu quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao chụp mang theo bản chính để đối chiếu Bằng tốt nghiệp trình độ từ đại học trở lên của người trực tiếp quản lý điều hành;

d) Bản chính Giấy khám sức khỏe của người trực tiếp quản lý điều hành do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; Bản sao chụp giấy khám sức khỏe của người trực tiếp thực hiện xử lý vật thể.

đ) Danh sách người trực tiếp thực hiện xử lý vật thể đã được cấp Thẻ hành nghề;

e) Bản sao chụp các giấy tờ quy định tại điểm d, đ Khoản 1 Điều 4 của Thông tư này;

g) Bản sao chụp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

2. Tổ chức đăng ký cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ cho Cục Bảo vệ thực vật.

3. Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, Cục Bảo vệ thực vật thẩm định hồ sơ và thông báo bằng văn bản kết quả thẩm định cho tổ chức đăng ký.

4. Trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Cục Bảo vệ thực vật tổ chức kiểm tra thực tế điều kiện hành nghề của tổ chức đăng ký và cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

5. Nội dung kiểm tra thực tế

a) Kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật;

b) Kiểm tra thực hành xử lý vật thể kiểm dịch thực vật theo các nội dung và quy trình mà tổ chức hành nghề đã đăng ký.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 6 Thông tư 05/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13;
...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư Quy định về trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.
...
Điều 6. Trình tự và thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận hành nghề

1. Giấy chứng nhận hành nghề được cấp lại trong các trường hợp sau đây:

a) Bị mất, sai sót, hư hỏng hoặc thay đổi thông tin liên quan đến tên của tổ chức hành nghề;

b) Có sự thay đổi về địa chỉ, phạm vi, quy mô hành nghề;

c) Hết hạn.

2. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận hành nghề đối với các trường hợp tại điểm a Khoản 1 Điều 6 của Thông tư này:

a) Đơn đề nghị cấp lại theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản chính Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật đã được cấp (trừ trường hợp bị mất);

c) Bản sao giấy tờ chứng minh việc thay đổi tên của tổ chức hành nghề (đối với trường hợp thay đổi tên).

3. Hồ sơ đề nghị cấp lại đối với các trường hợp tại điểm b, c Khoản 1 Điều 6 của Thông tư này:

a) Đơn đề nghị cấp lại theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao chụp mang theo bản chính để đối chiếu Bằng tốt nghiệp trình độ từ đại học trở lên của người trực tiếp quản lý điều hành (trong trường hợp có thay đổi người trực tiếp quản lý, điều hành);

c) Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp của người trực tiếp quản lý, điều hành và những người trực tiếp thực hiện xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;

d) Danh sách người trực tiếp thực hiện xử lý đã được cấp Thẻ hành nghề tại thời điểm đề nghị;

đ) Bản thuyết minh về quy trình kỹ thuật, phương tiện, danh mục trang thiết bị hành nghề tại thời điểm đề nghị;

e) Bản sao chụp các giấy tờ quy định tại điểm d, đ Khoản 1 Điều 4 của Thông tư này.

4. Trình tự, thủ tục cấp lại

a) Đối với các trường hợp quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 6 của Thông tư này: căn cứ hồ sơ, Cục Bảo vệ thực vật cấp lại Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ;

b) Đối với các trường hợp quy định tại điểm b, c Khoản 1 Điều 6 của Thông tư này: trình tự thủ tục thực hiện theo quy định tại Khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 5 của Thông tư này.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 11 Thông tư 05/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13;
...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư Quy định về trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.
...
Điều 11. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.

1. Khi thực hiện hoạt động xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật tại địa phương thì phải thông báo bằng văn bản cho Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

2. Thực hiện theo quy định tại Điều 42 của Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 18 và Điều 19 Thông tư 33/2014/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13;
...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư Quy định trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và sau nhập khẩu vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.
...
Điều 18. Trách nhiệm của Cục Bảo vệ thực vật

1. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan kiểm dịch thực vật thực hiện các quy định tại Thông tư này.

2. Thông báo cho nước xuất khẩu trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư này.

3. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định tại Thông tư này cho các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 19. Trách nhiệm của Cơ quan kiểm dịch thực vật

1. Thực hiện tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, kiểm tra lô vật thể, cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và thực hiện các nghiệp vụ kiểm dịch thực vật khác theo quy định tại Thông tư này.

2. Thực hiện việc lưu mẫu, gửi mẫu, vận chuyển mẫu và hủy mẫu vật thể hoặc mẫu sinh vật gây hại; lập và lưu giữ hồ sơ về kiểm dịch thực vật theo quy định hiện hành.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Thông tư 30/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13;
...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư Quy định trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu và thẻ kiểm dịch thực vật.
...
Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
...
Điều 2. Mục đích sử dụng
...
Điều 3. Kinh phí
...
Chương II TRANG PHỤC KIỂM DỊCH THỰC VẬT

Điều 4. Quần áo đồng phục
...
Điều 5. Cà vạt
...
Điều 6. Mũ
...
Điều 7. Giầy, dép
...
Điều 8. Cặp đựng tài liệu
...
Điều 9. Trang phục khác
...
Chương III KIỂM DỊCH THỰC VẬT HIỆU, PHÙ HIỆU VÀ CẤP HIỆU KIỂM DỊCH THỰC VẬT

Điều 10. Kiểm dịch thực vật hiệu (hình 1 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này)
...
Điều 11. Phù hiệu kiểm dịch thực vật
...
Điều 12. Cấp hiệu kiểm dịch thực vật
...
Điều 13. Quy định cấp hiệu cho từng cấp
...
Chương IV BIỂN HIỆU VÀ THẺ CÔNG CHỨC KIỂM DỊCH THỰC VẬT

Điều 14. Biển hiệu kiểm dịch thực vật
...
Điều 15. Thẻ công chức kiểm dịch thực vật
...
Điều 16. Hồ sơ cấp và đổi thẻ công chức kiểm dịch thực vật
...
Điều 17. Trình tự, thủ tục cấp thẻ công chức kiểm dịch thực vật
...
Chương V QUY TẮC SỬ DỤNG VÀ CHẾ ĐỘ CẤP PHÁT TRANG PHỤC, PHÙ HIỆU, BIỂN HIỆU, CẤP HIỆU KIỂM DỊCH THỰC VẬT

Điều 18. Quy định mang trang phục, phù hiệu, biển hiệu, cấp hiệu kiểm dịch thực vật
...
Điều 19. Chế độ cấp phát và sử dụng trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu
...
Chương VI TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 20. Quản lý việc cấp phát và sử dụng trang phục, phù hiệu, cấp hiệu, biển hiệu
...
Điều 21. Điều khoản thi hành
...
PHỤ LỤC I BIỂU TƯỢNG, KIỂM DỊCH HIỆU, PHÙ HIỆU KIỂM DỊCH THỰC VẬT
...
PHỤ LỤC II CẤP HIỆU KIỂM DỊCH THỰC VẬT
...
PHỤ LỤC III BIỂN HIỆU, THẺ CÔNG CHỨC KIỂM DỊCH THỰC VẬT

Xem nội dung VB
- Mục này được hướng dẫn bởi Mục 1 Chương II Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2013
...
Chương II ĐĂNG KÝ THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG VỀ ĐĂNG KÝ THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT
...
Điều 5. Nguyên tắc chung về đăng ký thuốc bảo vệ thực vật
...
Điều 6. Các loại thuốc bảo vệ thực vật không được phép đăng ký ở Việt Nam
...
Điều 7. Thuốc bảo vệ thực vật bị loại khỏi Danh mục
...
Điều 8. Hình thức đăng ký

Xem nội dung VB
- Việc ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam được hướng dẫn bởi Thông tư 10/2019/TT-BNNPTNT (VB hết hiệu lực: 25/10/2020)

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này

1. Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, Phụ lục I kèm theo Thông tư này, gồm:

a) Thuốc sử dụng trong nông nghiệp:

- Thuốc trừ sâu: 850 hoạt chất với 1757 tên thương phẩm.

- Thuốc trừ bệnh: 563 hoạt chất với 1191 tên thương phẩm.

- Thuốc trừ cỏ: 235 hoạt chất với 659 tên thương phẩm.

- Thuốc trừ chuột: 8 hoạt chất với 26 tên thương phẩm.

- Thuốc điều hòa sinh trưởng: 52 hoạt chất với 148 tên thương phẩm.

- Chất dẫn dụ côn trùng: 8 hoạt chất với 8 tên thương phẩm.

- Thuốc trừ ốc: 33 hoạt chất với 153 tên thương phẩm.

- Chất hỗ trợ (chất trải): 5 hoạt chất với 6 tên thương phẩm.

b) Thuốc trừ mối: 15 hoạt chất với 25 tên thương phẩm.

c) Thuốc bảo quản lâm sản: 7 hoạt chất với 8 tên thương phẩm.

d) Thuốc khử trùng kho: 4 hoạt chất với 10 tên thương phẩm.

đ) Thuốc sử dụng cho sân golf:

- Thuốc trừ bệnh: 2 hoạt chất với 2 tên thương phẩm.

- Thuốc trừ cỏ: 1 hoạt chất với 1 tên thương phẩm.

- Thuốc điều hòa sinh trưởng: 1 hoạt chất với 1 tên thương phẩm.

e) Thuốc xử lý hạt giống:

- Thuốc trừ sâu: 9 hoạt chất với 14 tên thương phẩm.

- Thuốc trừ bệnh: 10 hoạt chất với 11 tên thương phẩm.

g) Thuốc bảo quản nông sản sau thu hoạch

- 01 hoạt chất với 01 tên thương phẩm.

2. Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này, gồm:

a) Thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản lâm sản: 23 hoạt chất.

b) Thuốc trừ bệnh: 6 hoạt chất.

c) Thuốc trừ chuột: 1 hoạt chất.

d) Thuốc trừ cỏ: 1 hoạt chất.

3. Bảng mã số HS thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam thực hiện theo Mục 25 và Mục 26 của Phụ lục I ban hành kèm Thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT ngày 29/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành bảng mã số HS đối với Danh mục hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các văn bản sửa đổi, bổ sung có liên quan.

Điều 2. Quy định chuyển tiếp

Các thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Chlorpyrifos ethyl và Fipronil chỉ được sản xuất, nhập khẩu đến ngày 12/2/2020; chỉ được buôn bán, sử dụng đến ngày 12/2/2021.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 11 năm 2019.

2. Thông tư này thay thế các Thông tư sau:

a) Thông tư số 03/2018/TT-BNNPTNT ngày 9/2/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam;

b) Thông tư số 13/2018/TT-BNNPTNT ngày 8/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 03/2018/TT-BNNPTNT ngày 9/2/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam.

Điều 4. Trách nhiệm thi hành

1. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Bảo vệ thực vật) để xem xét và kịp thời giải quyết./.
...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
- Nội dung hướng dẫn mục này tại Thông tư 10/2019/TT-BNNPTNT nay được sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư 06/2020/TT-BNNPTNT (VB hết hiệu lực: 25/10/2020)

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Điều 2 của Thông tư số 10/2019/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam.

Điều 1. Bổ sung vào Điều 2 Thông tư số 10/2019/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam nội dung sau:

“Các thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất glyphosate không được sản xuất, nhập khẩu; chỉ được buôn bán, sử dụng đến ngày 30/6/2021”.

Xem nội dung VB
- Việc ban hành danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam được hướng dẫn bởi Thông tư 03/2018/TT-BNNPTNT (VB hết hiệu lực: 05/11/2019)

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam.
...
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này

1. Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, Phụ lục I kèm theo Thông tư này, gồm:

a) Thuốc sử dụng trong nông nghiệp:

- Thuốc trừ sâu: 785 hoạt chất với 1682 tên thương phẩm.

- Thuốc trừ bệnh: 617 hoạt chất với 1280 tên thương phẩm.

- Thuốc trừ cỏ: 234 hoạt chất với 713 tên thương phẩm.

- Thuốc trừ chuột: 9 hoạt chất với 27 tên thương phẩm.

- Thuốc điều hòa sinh trưởng: 52 hoạt chất với 141 tên thương phẩm.

- Chất dẫn dụ côn trùng: 9 hoạt chất với 9 tên thương phẩm.

- Thuốc trừ ốc: 30 hoạt chất với 150 tên thương phẩm.

- Chất hỗ trợ (chất trài): 5 hoạt chất với 6 tên thương phẩm.

b) Thuốc trừ mối: 14 hoạt chất với 23 tên thương phẩm.

c) Thuốc bảo quản lâm sản: 8 hoạt chất với 9 tên thương phẩm.

d) Thuốc khử trùng kho: 4 hoạt chất với 10 tên thương phẩm.

đ) Thuốc sử dụng cho sân golf:

- Thuốc trừ bệnh: 2 hoạt chất với 2 tên thương phẩm.

- Thuốc trừ cỏ: 1 hoạt chất với 1 tên thương phẩm.

- Thuốc điều hòa sinh trưởng: 1 hoạt chất với 1 tên thương phẩm.

e) Thuốc xử lý hạt giống;

- Thuốc trừ sâu: 11 hoạt chất với 14 tên thương phẩm.

- Thuốc trừ bệnh: 10 hoạt chất với 11 tên thương phẩm.

2. Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam và bổ sung mã số HS đối với một số thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này, gồm:

a) Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam

- Thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản lâm sản: 23 hoạt chất.

- Thuốc trừ bệnh: 6 hoạt chất.

- Thuốc trừ chuột: 1 hoạt chất.

- Thuốc trừ cỏ: 1 hoạt chất.

b) Bổ sung mã số HS đối với một số thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam vào Phụ lục 02 Thông tư số 24/2017/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành bảng mã số HS đối với hàng hóa chuyên ngành xuất khẩu, nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sau đây gọi tắt là Thông tư số 24/2017/TT-BNNPTNT).

- Thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản lâm sản: 2 hoạt chất.

3. Bảng mã số HS thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam thực hiện theo Phụ lục 01 và Phụ lục 02 được ban hành kèm Thông tư số 24/2017/TT-BNNPTNT và mục 2, Phụ lục II được ban hành kèm Thông tư này.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 3 năm 2018.

2. Thông tư này thay thế các Thông tư sau:

a) Thông tư số 03/2016/TT-BNNPTNT ngày 21/4/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam và công bố mã HS đối với thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam;

b) Thông tư số 06/2017/TT-BNNPTNT ngày 8/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 03/2016/TT-BNNPTNT ngày 21/4/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam; công bố mã HS đối với thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam;

c) Thông tư số 15/2017/TT-BNNPTNT ngày 14/8/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 03/2016/TT-BNNPTNT ngày 21/4/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam; công bố mã HS đối với thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam.

Điều 3. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
- Nội dung hướng dẫn Khoản này tại Thông tư 03/2018/TT-BNNPTNT nay được sửa đổi bởi Điều 1 Thông tư 13/2018/TT-BNNPTNT (VB hết hiệu lực: 05/11/2019)

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật ngày 25 tháng 11 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 03/2018/TT-BNNPTNT ngày 9 tháng 2 năm 2018 về ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 03/2018/TT-BNNPTNT ngày 9 tháng 2 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng ở Việt Nam, gồm:

1. Sửa đổi tên tổ chức đề nghị đăng ký; tên thương phẩm, dạng và hàm lượng thuốc (Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này), bao gồm:

a) Sửa đổi tên tổ chức đề nghị đăng ký: 63 hoạt chất, 71 tên thương phẩm;

b) Sửa đổi tên thương phẩm, dạng và hàm lượng: 9 hoạt chất, 12 tên thương phẩm.

2. Các thuốc bảo vệ thực vật đăng ký chính thức vào Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam (Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này), bao gồm:

a) Thuốc trừ sâu: 06 hoạt chất, 08 tên thương phẩm;

b) Thuốc trừ bệnh: 07 hoạt chất, 07 tên thương phẩm;

c) Thuốc bảo quản nông sản: 01 hoạt chất, 01 tên thương phẩm.

3. Các thuốc bảo vệ thực vật đăng ký bổ sung vào Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam (Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này), bao gồm:

a) Thuốc trừ sâu: 121 hoạt chất, 151 tên thương phẩm;

b) Thuốc trừ bệnh: 70 hoạt chất, 87 tên thương phẩm;

c) Thuốc trừ cỏ: 13 hoạt chất, 18 tên thương phẩm;

d) Thuốc điều hòa sinh trưởng: 03 hoạt chất, 06 tên thương phẩm;

đ) Thuốc trừ chuột: 01 hoạt chất, 01 tên thương phẩm;

e) Thuốc bảo quản nông sản: 01 hoạt chất, 01 tên thương phẩm.

4. Bảng mã số HS thuốc bảo vệ thực vật được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 24/2017/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2017 về bảng mã số HS đối với hàng hóa chuyên ngành xuất khẩu, nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
...
PHỤ LỤC I SỬA ĐỔI TÊN TỔ CHỨC ĐỀ NGHỊ ĐĂNG KÝ, TÊN THƯƠNG PHẨM, DẠNG VÀ HÀM LƯỢNG THUỐC
...
PHỤ LỤC II CÁC LOẠI THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT ĐƯỢC ĐĂNG KÝ CHÍNH THỨC VÀO DANH MỤC THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT ĐƯỢC PHÉP SỬ DỤNG Ở VIỆT NAM
...
PHỤ LỤC III CÁC LOẠI THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT ĐƯỢC ĐĂNG KÝ BỔ SUNG VÀO DANH MỤC THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT ĐƯỢC PHÉP SỬ DỤNG Ở VIỆT NAM

Xem nội dung VB
- Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam được hướng dẫn bởi Thông tư 10/2020/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật ngày 25 tháng 11 năm 2015:
...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam.

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này

1. Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này, gồm:

a) Thuốc sử dụng trong nông nghiệp:

- Thuốc trừ sâu: 861 hoạt chất với 1821 tên thương phẩm.

- Thuốc trừ bệnh: 587 hoạt chất với 1282 tên thương phẩm.

- Thuốc trừ có: 241 hoạt chất với 702 tên thương phẩm.

- Thuốc trừ chuột: 8 hoạt chất với 26 tên thương phẩm.

- Thuốc điều hòa sinh trưởng: 54 hoạt chất với 157 tên thương phẩm.

- Chất dẫn dụ côn trùng: 8 hoạt chất với 8 tên thương phẩm.

- Thuốc trừ ốc: 31 hoạt chất với 151 tên thương phẩm.

- Chất hỗ trợ (chất trải): 5 hoạt chất với 6 tên thương phẩm.

b) Thuốc trừ mồi: 15 hoạt chất với 25 tên thương phẩm.

c) Thuốc bảo quản lâm sản: 7 hoạt chất với 8 tên thương phẩm.

d) Thuốc khử trùng kho: 3 hoạt chất với 10 tên thương phẩm.

đ) Thuốc sử dụng cho sân golf:

- Thuốc trừ bệnh: 2 hoạt chất với 2 tên thuơng phẩm.

- Thuốc trừ cỏ: 1 hoạt chất với 1 tên thương phẩm.

- Thuốc điều hoà sinh trưởng: 1 hoạt chất với 1 tên thương phẩm.

e) Thuốc xử lý hạt giống:

- Thuốc trừ sâu: 10 hoạt chất với 15 tên thương phẩm.

- Thuốc trừ bệnh: 12 hoạt chất với 13 tên thương phẩm.

g) Thuốc bảo quản nông sản sau thu hoạch

- 01 hoạt chất với 01 tên thương phẩm.

2. Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này, gồm:

a) Thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản lâm sản: 23 hoạt chất.

b) Thuốc trừ bệnh: 6 hoạt chất.

c) Thuốc trừ chuột: 1 hoạt chất.

d) Thuốc trừ cỏ: 1 hoạt chất.

3. Bảng mã số HS thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam thực hiện theo Mục 25 và Mục 26 của Phụ lục I ban hành kèm Thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT ngày 29/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành bảng mã số HS đối với Danh mục hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các văn bản sửa đổi, bổ sung có liên quan.

Điều 2. Quy định chuyển tiếp

1. Các thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất chlorpyrifos ethyl và fipronil không được sản xuất, nhập khẩu; chỉ được buôn bán, sử dụng đến ngày 12/2/2021.

2. Các thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất glyphosate không được sản xuất, nhập khẩu; chỉ được buôn bán, sử dụng đến ngày 30/6/2021.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 10 năm 2020.

2. Thông tư này thay thế các Thông tư sau:

a) Thông tư số 10/2019/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam;

b) Thông tư số 06/2020/TT-BNNPTNT ngày 24/4/2020 của Bộ trường Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sửa đổi, bổ sung Điều 2 của Thông tư số 10/2019/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam.

Điều 4. Trách nhiệm thi hành

1. Cục trường Cục Bảo vệ thực vật, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Bảo vệ thực vật) để xem xét và kịp thời giải quyết /.
...
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 6 Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2013
...
Điều 6. Các loại thuốc bảo vệ thực vật không được phép đăng ký ở Việt Nam

1. Thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng ở Việt Nam (sau đây gọi là Danh mục cấm).

2. Thuốc thành phẩm hoặc hoạt chất trong thuốc thành phẩm có độc cấp tính loại I, II theo phân loại của Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS), trừ thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc bảo vệ thực vật dùng để xông hơi khử trùng, thuốc trừ chuột; thuốc trừ mối hại công trình xây dựng, đê điều; thuốc bảo quản lâm sản mà lâm sản đó không dùng làm thực phẩm và dược liệu.

3. Thuốc bảo vệ thực vật có nguy cơ cao ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái, môi trường, gồm:

a) Thuốc bảo vệ thực vật được cảnh báo bởi Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO), Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), Tổ chức Y tế thế giới (WHO); Thuốc bảo vệ thực vật có trong Phụ lục III của Công ước Rotterdam;

b) Thuốc bảo vệ thực vật hoá học là hỗn hợp của các loại thuốc bảo vệ thực vật có công dụng khác nhau (trừ sâu, trừ cỏ, trừ bệnh, điều hoà sinh trưởng) trừ thuốc xử lý hạt giống;

c) Thuốc bảo vệ thực vật chứa vi sinh vật gây bệnh cho người;

d) Thuốc bảo vệ thực vật gây đột biến gen, ung thư, độc sinh sản cho người;

đ) Thuốc bảo vệ thực vật hóa học đăng ký phòng trừ sinh vật gây hại thực vật hoặc điều hoà sinh trưởng cho cây ăn quả, cây chè, cây rau hoặc để bảo quản nông sản sau thu hoạch có độ độc cấp tính của hoạt chất hoặc thành phẩm thuộc loại III, IV theo GHS; thuộc nhóm clo hữu cơ; có thời gian cách ly ở Việt Nam trên 07 ngày.

4. Thuốc bảo vệ thực vật trùng tên thương phẩm với tên hoạt chất hoặc tên thương phẩm của thuốc bảo vệ thực vật khác trong Danh mục.

5. Thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất methyl bromide.

6. Thuốc bảo vệ thực vật đăng ký để phòng trừ các loài sinh vật không phải là sinh vật gây hại thực vật ở Việt Nam.

7. Thuốc bảo vệ thực vật được sáng chế ở nước ngoài nhưng chưa được phép sử dụng ở nước ngoài.

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 7 Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2013
...
Điều 7. Thuốc bảo vệ thực vật bị loại khỏi Danh mục

1. Thuốc bảo vệ thực vật bị loại khỏi Danh mục trong các trường hợp sau:

a) Thuốc bảo vệ thực vật thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 49; điểm b, c khoản 1 Điều 54 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

b) Thuốc bảo vệ thực vật trong Phụ lục III của Công ước Rotterdam, cảnh báo bởi Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp Quốc (FAO), Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

2. Quy trình loại thuốc bảo vệ thực vật khỏi Danh mục

a) Trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, Cục Bảo vệ thực vật báo cáo và đề xuất với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bằng văn bản loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật khỏi Danh mục;

b) Trường hợp quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 49 Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Cục Bảo vệ thực vật tổng hợp thông tin, thành lập Hội đồng khoa học để xem xét, tư vấn việc loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật, báo cáo và đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật khỏi Danh mục. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định việc loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật khỏi Danh mục;

c) Trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 49; điểm b, c khoản 1 Điều 54 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Cục Bảo vệ thực vật trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn loại bỏ khỏi Danh mục.

3. Thuốc bảo vệ thực vật quy định tại điểm b khoản 1 Điều này; điểm a, b khoản 2 Điều 49 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật chỉ được sản xuất, nhập khẩu tối đa 01 năm, được buôn bán, sử dụng tối đa 02 năm kể từ ngày quyết định loại thuốc bảo vệ thực vật khỏi Danh mục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hiệu lực.

Xem nội dung VB
- Nguyên tắc chung về đăng ký thuốc bảo vệ thực vật được hướng dẫn bởi Điều 5 Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2013
...
Điều 5. Nguyên tắc chung về đăng ký thuốc bảo vệ thực vật

1. Tất cả thuốc bảo vệ thực vật dùng để phòng trừ sinh vật gây hại thực vật; điều hòa sinh trưởng cây trồng; bảo quản thực vật; khử trùng kho; trừ mối hại công trình xây dựng và đê điều; trừ cỏ trên đất không trồng trọt; làm tăng độ an toàn, hiệu quả khi sử dụng (có tên thương phẩm riêng) phải được đăng ký vào Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam (sau đây gọi là Danh mục).

2. Tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài (có văn phòng đại diện, công ty, chi nhánh công ty kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật đang được phép hoạt động tại Việt Nam) sản xuất hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật (sau đây gọi là hoạt chất), thuốc bảo vệ thực vật kỹ thuật (sau đây gọi là thuốc kỹ thuật) hoặc thuốc bảo vệ thực vật thành phẩm từ thuốc kỹ thuật (sau đây gọi là thuốc thành phẩm) được trực tiếp đứng tên đăng ký thuốc bảo vệ thực vật do mình sản xuất.

3. Tổ chức, cá nhân sản xuất hoạt chất, thuốc kỹ thuật hoặc thuốc thành phẩm không trực tiếp đứng tên đăng ký được ủy quyền cho duy nhất 01 tổ chức, cá nhân đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 50 của Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật đứng tên đăng ký mỗi loại thuốc bảo vệ thực vật của mình.

4. Mỗi tổ chức, cá nhân được ủy quyền đứng tên đăng ký được nhận ủy quyền duy nhất của 01 nhà sản xuất hoạt chất, thuốc kỹ thuật hoặc thuốc thành phẩm cho mỗi loại hoạt chất, thuốc kỹ thuật hoặc thuốc thành phẩm.

5. Tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký:

a) Được đăng ký 01 tên thương phẩm cho mỗi hoạt chất, thuốc kỹ thuật hoặc thuốc thành phẩm để phòng, trừ sinh vật gây hại hoặc điều hòa sinh trưởng cây trồng. Trường hợp các hoạt chất, thuốc kỹ thuật hoặc thuốc thành phẩm này dùng để khử trùng kho; bảo quản thực vật; trừ mối hại công trình xây dựng, đê điều; thuốc xử lý hạt giống phải đăng ký thêm 01 tên thương phẩm khác;

b) Chỉ đăng ký 01 hàm lượng hoạt chất cho mỗi dạng thành phẩm của thuốc bảo vệ thực vật;

c) Được chuyển nhượng tên thương phẩm, việc chuyển nhượng phải đảm bảo các quy định tại khoản 2, 3, 4 và điểm a, b khoản 5 của Điều này;

d) Không thay đổi tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền về sở hữu trí tuệ hoặc tòa án có kết luận bằng văn bản về việc vi phạm nhãn hiệu hàng hóa của tên thương phẩm trong Danh mục;

đ) Được thay đổi nhà sản xuất ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật trong trường hợp nhà sản xuất ngừng cung cấp sản phẩm hoặc có sự thỏa thuận chấm dứt ủy quyền bằng văn bản giữa nhà sản xuất và tổ chức, cá nhân được ủy quyền.

6. Sau 05 năm kể từ ngày tổ chức, cá nhân đăng ký đầu tiên được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chính thức cho thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất chưa có trong Danh mục, các tổ chức, cá nhân khác mới được nộp hồ sơ đăng ký bổ sung tên thương phẩm mới cho thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất đó.

7. Thuốc bảo vệ thực vật có thành phần hoạt chất là hỗn hợp của các chất hóa học và sinh học được quản lý như thuốc hóa học.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 13 Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2013
...
Điều 13. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật

1. Nộp hồ sơ

a) Thực hiện theo quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 10 của Thông tư này;

b) Số lượng hồ sơ: 01 bản giấy và 01 bản điện tử định dạng word hoặc excel hoặc power point đối với mẫu nhãn.

2. Hồ sơ

a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản sao chụp Giấy phép khảo nghiệm đã được cấp;

c) Mẫu nhãn thuốc theo quy định tại Mục 1, 2, 3 Chương X của Thông tư này;

d) Bản chính kết quả khảo nghiệm hiệu lực sinh học, kết quả khảo nghiệm xác định thời gian cách ly và báo cáo tổng hợp kết quả khảo nghiệm theo mẫu quy định tại Phụ lục VI, Phụ lục VII và Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Thẩm định hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật

Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Bảo vệ thực vật tổ chức thẩm định, trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa thuốc bảo vệ thực vật vào Danh mục; cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp không cấp, Cục Bảo vệ thực vật trả lời cho tổ chức, cá nhân bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 14 Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2013
...
Điều 14. Hồ sơ, trình tự, thủ tục gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật

1. Trước 03 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật hết hạn, tổ chức, cá nhân có nhu cầu gia hạn phải nộp hồ sơ đề nghị gia hạn.

2. Nộp hồ sơ

Thực hiện theo quy định tại Điểm a, b, Khoản 1 Điều 10 của Thông tư này. Số lượng hồ sơ: 01 bản giấy.

3. Hồ sơ

a) Đơn đề nghị gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật đã được cấp.

4. Thẩm định hồ sơ và gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật

Cục Bảo vệ thực vật thẩm định hồ sơ trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 3 Điều này:

a) Trường hợp hồ sơ hợp lệ, đáp ứng được các quy định của Thông tư này, Cục Bảo vệ thực vật cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, chưa đáp ứng được quy định của Thông tư này, Cục Bảo vệ thực vật thông báo cho tổ chức, cá nhân những nội dung cần bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định;

c) Trường hợp không gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật, Cục Bảo vệ thực vật thông báo cho tổ chức, cá nhân bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 15, 16 và 17 Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2013
...
Điều 15. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật đối với trường hợp mất, sai sót, hư hỏng

1. Nộp hồ sơ

Thực hiện theo quy định tại điểm a, b, khoản 1 Điều 10 của Thông tư này. Số lượng hồ sơ: 01 bản giấy.

2. Hồ sơ

a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật đã được cấp, trừ trường hợp bị mất.

3. Trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật.

Thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 14 của Thông tư này. Thời hạn có hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật cấp lại giữ nguyên thời hạn của giấy đã cấp.

Điều 16. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật đối với trường hợp đổi tên thương phẩm, thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân đăng ký

1. Nộp hồ sơ

Thực hiện theo quy định tại Điểm a, b, Khoản 1 Điều 10 của Thông tư này. Số lượng hồ sơ: 01 bản giấy.

2. Hồ sơ

a) Đơn đề nghị đổi tên thương phẩm, thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân đăng ký theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật đã được cấp;

c) Bản sao chứng thực hoặc bản sao chụp (mang theo bản chính để đối chiếu) văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về sở hữu trí tuệ hoặc của tòa án về việc vi phạm nhãn hiệu hàng hóa (trường hợp đổi tên thương phẩm);

d) Bản sao chứng thực hoặc bản sao chụp (mang theo bản chính để đối chiếu) giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới (trường hợp tên tổ chức, cá nhân đăng ký thay đổi);

đ) Trường hợp chuyển nhượng tên thương phẩm: Bản chính hoặc bản sao chứng thực hợp đồng hoặc thỏa thuận chuyển nhượng thuốc bảo vệ thực vật; Bản chính giấy ủy quyền đăng ký của nhà sản xuất cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng (trường hợp ủy quyền đứng tên đăng ký).

3. Thẩm định hồ sơ và cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật.

a) Cục Bảo vệ thực vật thẩm định hồ sơ trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ theo quy định tại khoản 2 Điều này:

Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Cục Bảo vệ thực vật trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào Danh mục theo quy định tại khoản 3, Điều 13 của Thông tư này;

Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, chưa đáp ứng được quy định của Thông tư này, Cục Bảo vệ thực vật thông báo cho tổ chức, cá nhân những nội dung cần bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định;

b) Trường hợp không cấp lại giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật, Cục Bảo vệ thực vật thông báo cho tổ chức, cá nhân bằng văn bản và nêu rõ lý do;

c) Thời hạn có hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật cấp lại giữ nguyên thời hạn của giấy đã cấp.

Điều 17. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật đối với trường hợp thay đổi nhà sản xuất

1. Nộp hồ sơ

Thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 10 của Thông tư này.

2. Hồ sơ

a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản chính hoặc bản sao chứng thực giấy tờ thỏa thuận chấm dứt uỷ quyền giữa nhà sản xuất được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật và tổ chức, cá nhân được ủy quyền đăng ký;

c) Bản chính hoặc bản sao chứng thực văn bản xác nhận là nhà sản xuất thuốc bảo vệ thực vật của nhà sản xuất mới do cơ quan quản lý có thẩm quyền của nước sở tại cấp (đối với nhà sản xuất nước ngoài);

d) Bản chính giấy ủy quyền đăng ký của nhà sản xuất mới cho tổ chức, cá nhân đăng ký (trường hợp ủy quyền đứng tên đăng ký). Giấy ủy quyền của nhà sản xuất nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;

đ) Tài liệu kỹ thuật thuốc bảo vệ thực vật theo quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

e) Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật đã cấp.

3. Thẩm định hồ sơ và cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật

a) Thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 14 của Thông tư này;

b) Thời hạn có hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật cấp lại giữ nguyên thời hạn của giấy đã cấp.

Xem nội dung VB
- Mục này được hướng dẫn bởi Chương III Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2013
...
Chương III KHẢO NGHIỆM THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Điều 18. Nguyên tắc chung về thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật
...
Điều 19. Thực hiện khảo nghiệm
...
Điều 20. Hướng dẫn điều kiện đối với tổ chức thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật
...
Điều 21. Hồ sơ, trình tự, thủ tục công nhận tổ chức đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật
...
Điều 22. Tập huấn khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật
...
Điều 23. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật
...
Điều 24. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có thuốc bảo vệ thực vật khảo nghiệm

Xem nội dung VB
- Nguyên tắc chung về cấp Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật được hướng dẫn bởi Điều 9 Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2013
...
Điều 9. Nguyên tắc chung về cấp Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật

1. Thuốc bảo vệ thực vật đăng ký vào Danh mục phải được Cục Bảo vệ thực vật cấp Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật (sau đây gọi là Giấy phép khảo nghiệm) theo quy định tại Điều 10, Điều 11 của Thông tư này và thực hiện khảo nghiệm theo quy định tại Chương III của Thông tư này.

2. Cấp Giấy phép khảo nghiệm cho thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

a) Thuốc bảo vệ thực vật sinh học chỉ yêu cầu khảo nghiệm hiệu lực sinh học diện rộng, không phải khảo nghiệm xác định thời gian cách ly trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

b) Thuốc bảo vệ thực vật sinh học chứa hoạt chất pyrethrins, rotenone, nhóm avermectin đăng ký chính thức, đăng ký bổ sung tên thương phẩm phải khảo nghiệm hiệu lực sinh học diện hẹp và diện rộng. Nếu lần đầu đăng ký sử dụng trên cây ăn quả, cây chè, cây rau và bảo quản nông sản sau thu hoạch phải tiến hành khảo nghiệm xác định thời gian cách ly ở Việt Nam.

3. Cấp Giấy phép khảo nghiệm cho thuốc bảo vệ thực vật hóa học

a) Thuốc bảo vệ thực vật hóa học đăng ký chính thức, đăng ký bổ sung tên thương phẩm phải khảo nghiệm hiệu lực sinh học diện hẹp và diện rộng;

b) Thuốc bảo vệ thực vật hóa học đăng ký bổ sung phạm vi sử dụng, thay đổi liều lượng sử dụng, cách sử dụng, dạng thành phẩm, thay đổi hàm lượng hoạt chất phải khảo nghiệm hiệu lực sinh học diện rộng;

c) Thuốc bảo vệ thực vật hóa học lần đầu đăng ký sử dụng trên cây ăn quả, cây chè, cây rau và bảo quản nông sản sau thu hoạch phải tiến hành khảo nghiệm xác định thời gian cách ly ở Việt Nam (trừ trường hợp thuốc trừ cỏ dùng cho cây ăn quả lâu năm, chất dẫn dụ côn trùng, thuốc dùng để xử lý đất trước khi trồng, phòng trừ bệnh chết cây con, thuốc xử lý hạt giống, thuốc xử lý cành giâm, chiết cành).

4. Trên Giấy phép khảo nghiệm ghi cả tên tiếng Việt và tên khoa học của sinh vật gây hại.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 10 và 11 Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2013
...
Điều 10. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép khảo nghiệm để đăng ký chính thức

1. Nộp hồ sơ

a) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tuyến đến Cục Bảo vệ thực vật;

b) Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ trong thời hạn 02 ngày làm việc. Nếu hồ sơ hợp lệ theo quy định thì tiếp nhận hồ sơ, nếu không hợp lệ thì trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân và yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ;

c) Số lượng hồ sơ: 01 bản giấy và 01 bản điện tử định dạng PDF.

2. Hồ sơ

a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Giấy tờ chứng minh tổ chức, cá nhân được đăng ký thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam:

Bản chính hoặc bản sao chứng thực văn bản xác nhận là nhà sản xuất trong đó có thuốc bảo vệ thực vật đề nghị cấp giấy phép khảo nghiệm do cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại cấp (đối với nhà sản xuất nước ngoài).

Bản sao chứng thực hoặc bản sao chụp (mang theo bản chính để đối chiếu) giấy phép thành lập công ty, chi nhánh công ty hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam (đối với nhà sản xuất nước ngoài đăng ký lần đầu).

Bản chính giấy ủy quyền của nhà sản xuất cho tổ chức, cá nhân đăng ký (trường hợp ủy quyền đứng tên đăng ký). Giấy ủy quyền của nhà sản xuất nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Bản sao chụp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật (đối với tổ chức, cá nhân trong nước được ủy quyền đứng tên đăng ký lần đầu);

c) Tài liệu kỹ thuật thuốc bảo vệ thực vật theo quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Thẩm định hồ sơ và cấp Giấy phép khảo nghiệm

a) Cục Bảo vệ thực vật thẩm định hồ sơ trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ theo quy định tại khoản 2 Điều này. Hồ sơ đề nghị cấp trên 03 cây trồng hoặc 03 đối tượng sinh vật gây hại, thời hạn thẩm định hồ sơ không quá 15 ngày làm việc.

Trường hợp hồ sơ đáp ứng yêu cầu theo quy định của Thông tư này, Cục Bảo vệ thực vật trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Trường hợp hồ sơ chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định của Thông tư này, Cục Bảo vệ thực vật thông báo cho tổ chức, cá nhân những nội dung cần bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ;

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường) thẩm tra hồ sơ theo quy định trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ từ Cục Bảo vệ thực vật;

c) Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến chấp thuận của Bộ trưởng, Cục Bảo vệ thực vật cấp Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;

d) Trường hợp không cấp giấy phép khảo nghiệm, Cục Bảo vệ thực vật thông báo cho tổ chức, cá nhân bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 11. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép khảo nghiệm để đăng ký bổ sung

1. Nộp hồ sơ

Thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 10 của Thông tư này;

2. Hồ sơ

a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản sao chụp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật đã được cấp (trường hợp bổ sung phạm vi sử dụng, thay đổi dạng thành phẩm, thay đổi hàm lượng hoạt chất, liều lượng sử dụng, cách sử dụng);

c) Tài liệu kỹ thuật thuốc bảo vệ thực vật thành phẩm theo quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này (trường hợp thay đổi dạng thành phẩm, thay đổi hàm lượng hoạt chất);

d) Các giấy tờ quy định tại điểm b và c khoản 2 Điều 10 của Thông tư này (trường hợp bổ sung tên thương phẩm khác).

3. Thẩm định hồ sơ và cấp Giấy phép khảo nghiệm

Thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 10 của Thông tư này.

Xem nội dung VB
- Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp lại Giấy phép khảo nghiệm được hướng dẫn bởi Điều 12 Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2013
...
Điều 12. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp lại Giấy phép khảo nghiệm

1. Nộp hồ sơ

Thực hiện theo quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 10 của Thông tư này. Số lượng hồ sơ: 01 bản giấy.

2. Hồ sơ

a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản chính Giấy phép khảo nghiệm đã được cấp (trừ trường hợp bị mất).

3. Thẩm định hồ sơ và cấp lại Giấy phép khảo nghiệm

Cục Bảo vệ thực vật thẩm định hồ sơ trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ theo quy định:

a) Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Cục Bảo vệ thực vật cấp lại Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này. Thời hạn có hiệu lực của Giấy phép khảo nghiệm mới giữ nguyên thời hạn của giấy đã cấp;

b) Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cục Bảo vệ thực vật thông báo cho tổ chức, cá nhân những nội dung cần bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định;

c) Trường hợp không cấp lại Giấy phép khảo nghiệm, Cục Bảo vệ thực vật thông báo cho tổ chức, cá nhân bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 20 Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2013
...
Điều 20. Hướng dẫn điều kiện đối với tổ chức thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật

1. Có tư cách pháp nhân, đăng ký hoạt động về lĩnh vực khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật;

2. Người đứng đầu tổ chức có trình độ đại học trở lên thuộc lĩnh vực bảo vệ thực vật, nông học, trồng trọt, sinh học, hóa học; có Giấy chứng nhận tập huấn khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật do Cục Bảo vệ thực vật cấp.

3. Có ít nhất 05 người trong biên chế hoặc hợp đồng dài hạn có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành quy định tại khoản 2 Điều này và được Cục Bảo vệ thực vật cấp Giấy chứng nhận tập huấn khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật.

4. Có cơ sở vật chất - kỹ thuật bảo đảm cho công tác khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật:

a) Đầy đủ phương tiện, thiết bị phục vụ cho công tác khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật theo quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Thực hiện hoặc phối hợp với các tổ chức khác thực hiện đủ số lượng khảo nghiệm theo quy định tại Điều 19 của Thông tư này để một loại thuốc có đủ điều kiện đăng ký vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam.

Tổ chức phối hợp thực hiện khảo nghiệm có tư cách pháp nhân, có nguồn nhân lực và đầy đủ phương tiện, thiết bị thực hiện khảo nghiệm quy định tại khoản 2; điểm a khoản 4 của Điều này.

c) Có phòng thí nghiệm phân tích dư lượng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định với phép thử tương ứng (đối với tổ chức khảo nghiệm xác định thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật).

5. Không trực tiếp đứng tên đăng ký, không ủy quyền đứng tên đăng ký thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam.

Xem nội dung VB
- Hồ sơ, trình tự, thủ tục công nhận tổ chức đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm được hướng dẫn bởi Điều 21 Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2013
...
Điều 21. Hồ sơ, trình tự, thủ tục công nhận tổ chức đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật

1. Nộp hồ sơ

a) Tổ chức nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tuyến đến Cục Bảo vệ thực vật;

b) Số lượng hồ sơ: 01 bộ;

c) Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ ngay khi nhận hồ sơ trực tiếp hoặc trong thời hạn 02 ngày làm việc đối với hồ sơ gửi qua đường bưu điện. Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Cục Bảo vệ thực vật tiếp nhận hồ sơ, trường hợp không hợp lệ thì yêu cầu tổ chức bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

2. Hồ sơ

a) Đơn đề nghị công nhận Tổ chức đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật theo mẫu quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản sao chứng thực hoặc bản sao chụp (mang theo bản chính để đối chiếu) quyết định thành lập hoặc quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoạt động về lĩnh vực khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật;

c) Bản sao chứng thực hoặc bản sao chụp (mang theo bản chính để đối chiếu) bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên thuộc lĩnh vực bảo vệ thực vật, trồng trọt, nông học, sinh học, hóa học và Giấy chứng nhận tập huấn khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật của người đứng đầu tổ chức thực hiện khảo nghiệm và người tham gia thực hiện;

d) Bản thuyết minh bảo đảm điều kiện thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật của tổ chức đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm và đơn vị phối hợp thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này;

3. Thẩm định, đánh giá hồ sơ đề nghị công nhận và công bố các tổ chức đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật

a) Cục Bảo vệ thực vật tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận tổ chức đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật. Ngay sau khi có kết quả thẩm định, Cục Bảo vệ thực vật hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận tổ chức đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thời gian thực hiện trong thời hạn 15 ngày làm việc;

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường) thẩm tra hồ sơ theo quy định trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ từ Cục Bảo vệ thực vật;

c) Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến chấp thuận của Bộ trưởng, Cục Bảo vệ thực vật ban hành Quyết định công nhận tổ chức đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật;

d) Trường hợp tổ chức không đủ điều kiện công nhận là tổ chức đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật, Cục Bảo vệ thực vật thông báo cho tổ chức, cá nhân bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 23 Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2013
...
Điều 23. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật

1. Thực hiện theo quy định của Điều 60 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật và báo cáo kết quả khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật theo mẫu quy định tại Phụ lục VI và Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Báo cáo tổng hợp kết quả khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật theo mẫu quy định tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Báo cáo định kỳ hàng năm kết quả hoạt động khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật của tổ chức theo mẫu quy định tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư này hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Cục Bảo vệ thực vật. Thời hạn nộp báo cáo năm trước ngày 25 tháng 12 của năm báo cáo.

Xem nội dung VB
- Chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy thuốc bảo vệ thực vật được hướng dẫn bởi Chương VII Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2013
...
Chương VII CHỨNG NHẬN HỢP QUY VÀ CÔNG BỐ HỢP QUY THUỐC BẢO VỆTHỰC VẬT

Điều 49. Yêu cầu công bố hợp quy

Thuốc bảo vệ thực vật là hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 ban hành kèm theo Thông tư số 50/2010/ TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 8 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sửa đổi, bổ sung danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 ban hành kèm theo Thông tư số 50/2009/TT-BNNPTNT ngày 18/8/2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bắt buộc phải được công bố hợp quy trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Điều 50. Trình tự, thủ tục, căn cứ chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy

1. Chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy thuốc bảo vệ thực vật thực hiện theo quy định tại Thông tư số 55/2012/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 10 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thủ tục chỉ định tổ chức chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy thuốc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Căn cứ để chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy về thuốc bảo vệ thực vật là các chỉ tiêu kỹ thuật được quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN); Các tiêu chuẩn cơ sở (TC) của Cục Bảo vệ thực vật do Cục Bảo vệ thực vật công bố hàng năm.

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 26, 27 và 28 Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2013
...
Điều 26. Chi tiết điều kiện về nhà xưởng

1. Địa điểm

a) Nhà xưởng được bố trí trong khu công nghiệp phải tuân thủ các quy định của khu công nghiệp;

b) Nhà xưởng sản xuất thuốc bảo vệ thực vật không nằm trong khu công nghiệp phải được bố trí tại địa điểm đảm bảo:

Vị trí đặt nhà xưởng phải cách xa trường học, bệnh viện, chợ tối thiểu 500 mét (m); phải đảm bảo được các yêu cầu về cung cấp điện, cung cấp nước, thoát nước, xử lý ô nhiễm môi trường và giao thông.

Nhà xưởng có tường bao ngăn cách với bên ngoài. Hệ thống đường giao thông nội bộ được bố trí đảm bảo an toàn cho vận chuyển và phòng cháy chữa cháy.

2. Bố trí mặt bằng, kết cấu và bố trí kiến trúc công trình nhà xưởng

a) Khu nhà xưởng sản xuất và kho chứa phải tách rời nhau;

b) Mặt bằng nhà xưởng phải bố trí các hạng mục công trình hợp lý và có công năng rõ ràng;

c) Nhà xưởng

Nhà xưởng đạt tiêu chuẩn thiết kế, xây dựng quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4604/2012: Xí nghiệp công nghiệp, nhà sản xuất - Tiêu chuẩn thiết kế; TCVN: 2622/1995: Phòng cháy, chống cháy cho nhà và công trình - Yêu cầu thiết kế;

d) Vật liệu xây dựng nhà xưởng là vật liệu không bắt lửa, khó cháy; khung nhà được xây bằng gạch, làm bằng bê tông hoặc thép. Sàn được làm bằng vật liệu không thấm chất lỏng, bằng phẳng, không trơn trượt, không có khe nứt và phải có các gờ hay lề bao quanh;

đ) Nhà xưởng phải có lối thoát hiểm, được chỉ dẫn rõ ràng bằng bảng hiệu, sơ đồ và dễ thoát hiểm khi xảy ra sự cố.

Điều 27. Chi tiết điều kiện về trang thiết bị

1. Thiết bị sản xuất

a) Có dây chuyền, công nghệ sản xuất phù hợp chủng loại và đảm bảo chất lượng thuốc bảo vệ thực vật của cơ sở sản xuất ra;

b) Thiết bị được bố trí, lắp đặt phù hợp với từng công đoạn sản xuất và đạt yêu cầu về an toàn lao động theo quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 2290-1978 Thiết bị sản xuất – Yêu cầu chung về an toàn;

c) Thiết bị có hướng dẫn vận hành, được kiểm tra các thông số kỹ thuật, kiểm định theo quy định, được bảo trì bảo dưỡng, có quy trình vệ sinh công nghiệp;

d) Phương tiện chiếu sáng và thiết bị điện khác được lắp đặt tại vị trí cần thiết, không được phép lắp đặt tạm thời. Mọi trang thiết bị điện phải có bộ ngắt mạch khi rò điện, chống quá tải.

2. Phương tiện vận chuyển và bốc dỡ phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành về loại hàng nguy hiểm cần vận chuyển và được thiết kế bảo đảm phòng ngừa rò rỉ hoặc phát tán thuốc bảo vệ thực vật vào môi trường. Có hình đồ cảnh báo, báo hiệu nguy hiểm trên phương tiện vận chuyển.

3. Các thiết bị, phương tiện an toàn

a) Trang bị và sử dụng bảo hộ lao động khi vào xưởng sản xuất thuốc bảo vệ thực vật;

b) Có dụng cụ, thuốc y tế, thiết bị cấp cứu;

c) Trang bị đầy đủ các thiết bị, dụng cụ ứng cứu sự cố tại cơ sở, hệ thống phòng cháy, chữa cháy được lắp đặt tại vị trí thích hợp và kiểm tra thường xuyên để bảo đảm ở tình trạng sẵn sàng sử dụng tốt.

4. Hệ thống xử lý chất thải

a) Nhà xưởng có hệ thống xử lý khí thải. Khí thải của nhà xưởng phải đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 19:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ và QCVN 20:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với một số chất hữu cơ;

b) Nhà xưởng có hệ thống xử lý nước thải. Nước thải sau xử lý đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 07:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại và QCVN 40:2011/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp;

c) Xử lý chất thải rắn tuân thủ các quy định tại Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 04 năm 2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn. Có nơi thu gom chất thải rắn được che chắn cẩn thận, có dụng cụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn.

Điều 28. Hệ thống quản lý chất lượng

1. Trường hợp cơ sở sản xuất mới hoạt động phải xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 hoặc tương đương.

Trường hợp cơ sở đã hoạt động từ 02 năm trở lên, phải có hệ thống quản lý chất lượng được công nhận phù hợp ISO 9001:2008 hoặc tương đương.

2. Có quy trình sản xuất thuốc bảo vệ thực vật ghi rõ các thông tin: tên thương phẩm, mã số quy trình, mục đích, định mức sản xuất (nguyên liệu, phụ gia, định lượng, lượng thành phẩm dự kiến, giới hạn), địa điểm, thiết bị, các bước tiến hành, kiểm tra chất lượng, nhập kho, bảo quản, bao bì, nhãn, các điểm lưu ý.

3. Có phòng thử nghiệm kiểm tra chất lượng sản phẩm đã được công nhận phù hợp ISO 17025:2005 hoặc tương đương để kiểm tra chất lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với mỗi lô sản phẩm xuất xưởng.

4. Trường hợp không có phòng thử nghiệm quy định tại khoản 3 Điều này phải có hợp đồng với phòng thử nghiệm đã được công nhận ISO 17025:2005 hoặc tương đương để kiểm tra chất lượng đối với mỗi lô sản phẩm xuất xưởng.

5. Trường hợp cơ sở đã hoạt động, phải có hồ sơ lưu kết quả kiểm tra chất lượng đối với mỗi lô sản phẩm xuất xưởng, công bố hợp quy và hợp chuẩn theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Phải lưu mẫu kiểm tra chất lượng đối với mỗi lô sản phẩm xuất xưởng tối thiểu 03 tháng.

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 29 Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2013
...
Điều 29. Chi tiết điều kiện về nhân lực

1. Người trực tiếp quản lý, điều hành sản xuất phải có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành hóa học, bảo vệ thực vật, sinh học.

2. Người trực tiếp quản lý, điều hành; người trực tiếp sản xuất; thủ kho phải được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về thuốc bảo vệ thực vật; kỹ thuật an toàn hóa chất.

Xem nội dung VB
- Huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật được hướng dẫn bởi Mục 3 Chương IV Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2013
...
Chương IV SẢN XUẤT, BUÔN BÁN THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT
...
Mục 3. BỒI DƯỠNG CHUYÊN MÔN, TẬP HUẤN AN TOÀN HÓA CHẤT VỀ THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Điều 37. Nội dung, chương trình bồi dưỡng chuyên môn, tập huấn an toàn hóa chất về thuốc bảo vệ thực vật

1. Nội dung bồi dưỡng, tập huấn bao gồm:

a) Quy định quản lý thuốc bảo vệ thực vật, điều kiện sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, quyền và nghĩa vụ của tổ chức cá nhân sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật;

b) Quy định về xử lý vi phạm hành chính lên quan đến thuốc bảo vệ thực vật;

c) Đại cương về thuốc bảo vệ thực vật;

d) Phân loại nguy hại thuốc bảo vệ thực vật, đặc tính của thuốc bảo vệ thực vật;

đ) An toàn trong sản xuất, buôn bán, vận chuyển, bảo quản và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật;

e) Biện pháp phòng ngừa, xử lý sự cố thuốc bảo vệ thực vật;

g) Cách đọc nhãn thuốc;

h) Hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả;

i) Đại cương sinh vật gây hại thực vật, một số sinh vật gây hại phổ biến và biện pháp phòng trừ;

k) Kiến thức pháp luật liên quan đến phòng cháy, chữa cháy;

l) Thực hành, tham quan thực tế.

2. Chương trình bồi dưỡng, tập huấn

a) Chương trình bồi dưỡng chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật đối với chủ cơ sở buôn bán thuốc, người trực tiếp điều hành cơ sở buôn bán thuốc, người trực tiếp buôn bán (chưa có trình độ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành bảo vệ thực vật, trồng trọt, sinh học, hóa học) thời gian bồi dưỡng là 03 tháng với đầy đủ nội dung quy định tại khoản 1 Điều này và được cấp Giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật theo mẫu tại mục I Phụ lục XXII của Thông tư này.

b) Chương trình tập huấn an toàn hóa chất bảo vệ thực vật đối với người trực tiếp quản lý, điều hành các bộ phận liên quan trực tiếp đến sản xuất, người trực tiếp sản xuất, thủ kho thời gian tập huấn là 03 ngày với các nội dung được nêu tại điểm a, b, đ, e, khoản 1 Điều này và được cấp Giấy chứng nhận tập huấn an toàn hóa chất bảo vệ thực vật theo mẫu tại mục II Phụ lục XXII của Thông tư này;

3. Trách nhiệm về tổ chức bồi dưỡng, tập huấn và cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật, giấy chứng nhận tập huấn an toàn hóa chất bảo vệ thực vật.

a) Cục Bảo vệ thực vật chịu trách nhiệm xây dựng nội dung, chương trình bồi dưỡng, tập huấn kiến thức thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật an toàn hóa chất;

b) Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chịu trách nhiệm tổ chức bồi dưỡng, tập huấn và cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật, giấy chứng nhận tập huấn an toàn hóa chất bảo vệ thực vật theo đúng nội dung, chương trình nêu tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Điều 38. Bồi dưỡng chuyên môn, tập huấn an toàn hóa chất về thuốc bảo vệ thực vật

1.Tổ chức, cá nhân có nhu cầu bồi dưỡng chuyên môn, tập huấn an toàn hóa chất về thuốc bảo vệ thực vật đăng ký danh sách người tham gia trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến với Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.

2. Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức bồi dưỡng chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn an toàn hóa chất bảo vệ thực vật theo đúng nội dung, chương trình quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 37 của Thông tư này;

Ngay sau khi có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cấp Giấy chứng nhận theo mẫu quy định tại Phụ lục XXII ban hành kèm theo Thông tư này.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Điều 32, 33 và 34 Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2013
...
Điều 32. Chi tiết điều kiện nhân lực

Chủ cơ sở buôn bán (Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, các thành viên công ty hợp danh; người đứng đầu chi nhánh hoặc cấp phó của người đứng đầu chi nhánh của doanh nghiệp; một trong những người quản lý cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật tại cửa hàng đại lý của doanh nghiệp, hợp tác xã làm dịch vụ bảo vệ thực vật; người trực tiếp quản lý cửa hàng đối với cửa hàng buôn bán thuốc tại một địa điểm cố định) và người trực tiếp bán thuốc bảo vệ thực vật phải có trình độ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành bảo vệ thực vật, trồng trọt, sinh học, hóa học hoặc có Giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật.

Điều 33. Chi tiết điều kiện địa điểm

1. Địa điểm cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải có địa chỉ rõ ràng, ổn định, thuộc sở hữu của chủ cơ sở hoặc có hợp đồng thuê địa điểm đặt cửa hàng hợp pháp tối thiểu là 01 năm.

2. Diện tích phù hợp với quy mô kinh doanh, tối thiểu là 10 mét vuông (m2). Phải là nhà kiên cố, bố trí ở nơi cao ráo, thoáng gió.

3. Không được bán thuốc bảo vệ thực vật chung với các loại hàng hóa là lương thực, thực phẩm, hàng giải khát, thức ăn chăn nuôi, thuốc y tế, thuốc thú y.

4. Cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không được nằm trong khu vực dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, trường học, bệnh viện.

5. Cửa hàng phải cách xa nguồn nước (sông, hồ, kênh, rạch, giếng nước) tối thiểu 20 mét (m); có nền cao ráo, chống thấm, không ngập nước; tường và mái phải xây dựng bằng vật liệu không bén lửa.

6. Nơi chứa thuốc bảo vệ thực vật của cửa hàng phải đáp ứng quy định tại Điều 61 của Thông tư này.

Trường hợp cơ sở buôn bán không có cửa hàng phải có đăng ký doanh nghiệp; có địa điểm giao dịch cố định, hợp pháp, địa chỉ rõ ràng; có sổ ghi chép việc mua bán, xuất, nhập thuốc bảo vệ thực vật và đáp ứng quy định tại Điều 32 Thông tư này.

Điều 34. Chi tiết điều kiện trang thiết bị

1. Có tủ trưng bày, quầy, kệ hoặc giá đựng thuốc bảo vệ thực vật.

2. Đảm bảo đủ độ sáng để nhận diện thuốc. Thiết bị chiếu sáng phải đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ.

3. Có nội quy và phương tiện phòng cháy và chữa cháy theo yêu cầu của cơ quan phòng cháy, chữa cháy để ở nơi thuận tiện, sẵn sàng sử dụng khi cần thiết.

4. Có bảo hộ lao động bảo vệ cá nhân như găng tay, khẩu trang, nước sạch, xà phòng.

5. Có vật liệu, dụng cụ để xử lý kịp thời sự cố theo yêu cầu của cơ quan quản lý về môi trường.

Xem nội dung VB
- Bồi dưỡng chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật được hướng dẫn bởi Mục 3 Chương IV Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2013
...
Chương IV SẢN XUẤT, BUÔN BÁN THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT
...
Mục 3. BỒI DƯỠNG CHUYÊN MÔN, TẬP HUẤN AN TOÀN HÓA CHẤT VỀ THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Điều 37. Nội dung, chương trình bồi dưỡng chuyên môn, tập huấn an toàn hóa chất về thuốc bảo vệ thực vật

1. Nội dung bồi dưỡng, tập huấn bao gồm:

a) Quy định quản lý thuốc bảo vệ thực vật, điều kiện sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, quyền và nghĩa vụ của tổ chức cá nhân sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật;

b) Quy định về xử lý vi phạm hành chính lên quan đến thuốc bảo vệ thực vật;

c) Đại cương về thuốc bảo vệ thực vật;

d) Phân loại nguy hại thuốc bảo vệ thực vật, đặc tính của thuốc bảo vệ thực vật;

đ) An toàn trong sản xuất, buôn bán, vận chuyển, bảo quản và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật;

e) Biện pháp phòng ngừa, xử lý sự cố thuốc bảo vệ thực vật;

g) Cách đọc nhãn thuốc;

h) Hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả;

i) Đại cương sinh vật gây hại thực vật, một số sinh vật gây hại phổ biến và biện pháp phòng trừ;

k) Kiến thức pháp luật liên quan đến phòng cháy, chữa cháy;

l) Thực hành, tham quan thực tế.

2. Chương trình bồi dưỡng, tập huấn

a) Chương trình bồi dưỡng chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật đối với chủ cơ sở buôn bán thuốc, người trực tiếp điều hành cơ sở buôn bán thuốc, người trực tiếp buôn bán (chưa có trình độ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành bảo vệ thực vật, trồng trọt, sinh học, hóa học) thời gian bồi dưỡng là 03 tháng với đầy đủ nội dung quy định tại khoản 1 Điều này và được cấp Giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật theo mẫu tại mục I Phụ lục XXII của Thông tư này.

b) Chương trình tập huấn an toàn hóa chất bảo vệ thực vật đối với người trực tiếp quản lý, điều hành các bộ phận liên quan trực tiếp đến sản xuất, người trực tiếp sản xuất, thủ kho thời gian tập huấn là 03 ngày với các nội dung được nêu tại điểm a, b, đ, e, khoản 1 Điều này và được cấp Giấy chứng nhận tập huấn an toàn hóa chất bảo vệ thực vật theo mẫu tại mục II Phụ lục XXII của Thông tư này;

3. Trách nhiệm về tổ chức bồi dưỡng, tập huấn và cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật, giấy chứng nhận tập huấn an toàn hóa chất bảo vệ thực vật.

a) Cục Bảo vệ thực vật chịu trách nhiệm xây dựng nội dung, chương trình bồi dưỡng, tập huấn kiến thức thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật an toàn hóa chất;

b) Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chịu trách nhiệm tổ chức bồi dưỡng, tập huấn và cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật, giấy chứng nhận tập huấn an toàn hóa chất bảo vệ thực vật theo đúng nội dung, chương trình nêu tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

Điều 38. Bồi dưỡng chuyên môn, tập huấn an toàn hóa chất về thuốc bảo vệ thực vật

1.Tổ chức, cá nhân có nhu cầu bồi dưỡng chuyên môn, tập huấn an toàn hóa chất về thuốc bảo vệ thực vật đăng ký danh sách người tham gia trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến với Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.

2. Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức bồi dưỡng chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn an toàn hóa chất bảo vệ thực vật theo đúng nội dung, chương trình quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 37 của Thông tư này;

Ngay sau khi có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cấp Giấy chứng nhận theo mẫu quy định tại Phụ lục XXII ban hành kèm theo Thông tư này.

Xem nội dung VB
- Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, bán buôn thuốc bảo vệ thực vật được hướng dẫn bởi Điều 30 và 35 Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2013
...
Điều 30. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật

1. Nộp hồ sơ

a) Cơ sở sản xuất nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tuyến đến Cục Bảo vệ thực vật;

b) Số lượng hồ sơ: 01 bản giấy và 01 bản điện tử định dạng PDF;

c) Kiểm tra hồ sơ trong thời hạn 02 ngày làm việc. Nếu hồ sơ hợp lệ theo quy định thì tiếp nhận hồ sơ, nếu không hợp lệ thì trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân và yêu cầu bằng văn bản bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

2. Hồ sơ

a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật theo mẫu quy định tại Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản thuyết minh điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật theo quy định tại Phụ lục XV ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo mẫu quy định tại Phụ lục XXI ban hành kèm theo Thông tư này; Bản sao chụp giấy tờ chứng minh cơ sở sản xuất đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường do cơ quan có thẩm quyền về môi trường cấp;

d) Trường hợp có phòng thử nghiệm thì nộp bản sao chụp Giấy chứng nhận hoặc các tài liệu liên quan đến việc công nhận hệ thống quản lý chất lượng phù hợp ISO 17025:2005 hoặc tương đương;

đ) Trường hợp không có phòng thử nghiệm thì nộp bản sao chụp hợp đồng với phòng thử nghiệm đã được công nhận ISO 17025:2005 hoặc tương đương;

e) Trường hợp cơ sở đã hoạt động từ 02 năm trở lên, bổ sung bản sao chứng thực hoặc bản sao chụp (mang theo bản chính để đối chiếu) giấy chứng nhận hoặc các tài liệu liên quan đến việc công nhận hệ thống quản lý chất lượng phù hợp ISO 9001:2008 hoặc tương đương.

3. Thẩm định hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật.

a) Cục Bảo vệ thực vật thẩm định trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ. Trường hợp hồ sơ đáp ứng yêu cầu, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật quyết định thành lập Đoàn đánh giá. Đoàn đánh giá gồm 3-5 thành viên có năng lực chuyên môn và nghiệp vụ quản lý chuyên ngành về lĩnh vực đánh giá.

Đoàn đánh giá thông báo bằng văn bản cho cơ sở trước thời điểm đánh giá 07 ngày làm việc. Thông báo nêu rõ thành phần đoàn, phạm vi, nội dung, thời gian đánh giá tại cơ sở không quá 01 ngày làm việc.

b) Nội dung đánh giá

Sự phù hợp của cơ sở với các điều kiện quy định tại Mục 1 của Chương này và khả năng duy trì điều kiện đã quy định.

c) Phương pháp đánh giá

Kiểm tra, đánh giá thực tế việc bố trí mặt bằng, điều kiện môi trường, tình trạng thiết bị, các điều kiện khác của cơ sở;

Phỏng vấn trực tiếp người phụ trách, nhân viên của cơ sở về những thông tin có liên quan;

Xem xét hồ sơ lưu trữ, các tài liệu có liên quan của cơ sở.

d) Kết quả đánh giá

Các điều kiện chưa phù hợp với quy định tại Mục 1 của Chương này phát hiện trong quá trình đánh giá phải được đưa vào Biên bản đánh giá điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật theo mẫu quy định tại Phụ lục XVII ban hành kèm theo Thông tư này.

Biên bản đánh giá được ghi đầy đủ các nội dung và có chữ ký xác nhận của đại diện cơ sở và trưởng đoàn đánh giá.

Trong trường hợp đại diện cơ sở không đồng ý với kết quả đánh giá của đoàn, đại diện của cơ sở có quyền ghi kiến nghị của mình vào cuối biên bản trước khi ký tên và đóng dấu xác nhận. Biên bản đánh giá vẫn có giá trị pháp lý trong trường hợp đại diện cơ sở không ký tên vào biên bản.

đ) Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật

Cục Bảo vệ thực vật xem xét kết quả thẩm định hồ sơ và kết quả đánh giá để cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật:

Trường hợp hồ sơ hợp lệ, kết quả đánh giá đạt yêu cầu, trong thời hạn không quá 15 ngày làm việc Cục Bảo vệ thực vật cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật cho cơ sở theo mẫu quy định tại Phụ lục XIX ban hành kèm theo Thông tư này.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc kết quả đánh giá chưa đạt yêu cầu, Cục Bảo vệ thực vật thông báo bằng văn bản cho cơ sở những điều kiện không đạt yêu cầu và thời hạn khắc phục. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bản báo cáo khắc phục của cơ sở hoặc kết quả kiểm tra lại (khi cần thiết). Trường hợp hợp lệ, Cục Bảo vệ thực vật cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật cho cơ sở theo mẫu quy định tại Phụ lục XIX ban hành kèm theo Thông tư này.

Trường hợp hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc kết quả đánh giá không đạt yêu cầu, Cục Bảo vệ thực vật không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật và trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
...
Điều 35. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật

1. Nộp hồ sơ

a) Cơ sở buôn bán nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tuyến đến Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật;

b) Số lượng hồ sơ: 01 bộ;

c) Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ trong thời gian 02 ngày làm việc. Nếu hồ sơ hợp lệ theo quy định thì tiếp nhận hồ sơ, nếu không hợp lệ thì trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân và yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

2. Hồ sơ

a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật theo mẫu quy định tại Phụ lục XIV ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Bản sao chứng thực hoặc bản sao chụp (mang theo bản chính để đối chiếu) Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

c) Bản thuyết minh điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật theo quy định tại Phụ lục XVI ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Thẩm định điều kiện và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật

a) Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, thành phố thẩm định trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ.

b) Thành lập đoàn đánh giá

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ Chi cục Cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh quyết định thành lập Đoàn đánh giá và tiến hành đánh giá thực tế. Đoàn đánh giá gồm 3-5 thành viên có năng lực chuyên môn và nghiệp vụ quản lý chuyên ngành về lĩnh vực đánh giá.

Đoàn đánh giá thông báo bằng văn bản cho cơ sở về kế hoạch đánh giá trước thời điểm đánh giá ít nhất 05 ngày. Thông báo nêu rõ thành phần đoàn, phạm vi, nội dung, thời gian đánh giá tại cơ sở không quá 01 ngày làm việc.

c) Nội dung đánh giá

Sự phù hợp của cơ sở với các điều kiện quy định tại Mục 2 của Chương này.

d) Phương pháp đánh giá

Phỏng vấn trực tiếp người phụ trách, nhân viên của cơ sở về những thông tin có liên quan;

Xem xét hồ sơ lưu trữ, các tài liệu có liên quan của cơ sở;

Quan sát thực tế việc bố trí mặt bằng, điều kiện môi trường, tình trạng thiết bị, các tiện nghi khác của cơ sở.

đ) Kết quả đánh giá

Các điều kiện chưa phù hợp với quy định tại Mục 2 của Chương này phát hiện trong quá trình đánh giá phải được đưa vào Biên bản đánh giá điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật theo mẫu quy định tại Phụ lục XVIII ban hành kèm theo Thông tư này.

Biên bản đánh giá được ghi đầy đủ các nội dung và có chữ ký xác nhận của đại diện cơ sở và trưởng đoàn đánh giá.

Trong trường hợp đại diện cơ sở không đồng ý với kết quả đánh giá của đoàn, đại diện của cơ sở có quyền ghi kiến nghị của mình vào cuối biên bản trước khi ký tên và đóng dấu xác nhận. Biên bản đánh giá vẫn có giá trị pháp lý trong trường hợp đại diện cơ sở không ký tên vào biên bản.

e) Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật

Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật xem xét kết quả thẩm định hồ sơ và kết quả đánh giá để cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật:

Trường hợp hồ sơ hợp lệ, kết quả đánh giá đạt yêu cầu, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đánh giá Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật cho cơ sở theo mẫu quy định tại Phụ lục XX ban hành kèm theo Thông tư này.

Trường hợp chưa đủ điều kiện, Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thông báo bằng văn bản cho cơ sở những điều kiện không đạt, yêu cầu và thời hạn khắc phục trong vòng 60 ngày. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bản báo cáo khắc phục của cơ sở hoặc kết quả kiểm tra lại (khi cần thiết), trường hợp hợp lệ, Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật cho cơ sở theo mẫu quy định tại Phụ lục XX ban hành kèm theo Thông tư này.

Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Xem nội dung VB
- Cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, bán buôn thuốc bảo vệ thực vật được hướng dẫn bởi Điều 31 và 36 Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2013
...
Điều 31. Cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật

1. Trước 03 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật hết hạn, nếu tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp tục sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phải nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy chứng nhận. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp lại được thực hiện như quy định tại Điều 30 của Thông tư này.

2. Trong thời gian hoạt động, nếu cơ sở sản xuất được kiểm tra, đánh giá xếp loại A theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản và không mở rộng phạm vi sản xuất hoạt chất, thuốc kỹ thuật, các dạng thuốc thành phẩm, thì thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 30 của Thông tư này. Cục Bảo vệ thực vật cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, không thành lập đoàn kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất.
...
Điều 36. Cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật

1. Trước 03 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật hết hạn, tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp tục buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy chứng nhận. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp lại được thực hiện như quy định tại Điều 35 của Thông tư này.

Trong thời gian hoạt động, nếu cơ sở được kiểm tra, đánh giá xếp loại A theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản, thì làm thủ tục đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 35 của Thông tư này. Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, không thành lập đoàn kiểm tra thực tế tại cơ sở buôn bán.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Chương V Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2013
...
Chương V NHẬP KHẨU, XUẤT KHẨU THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Điều 39. Nguyên tắc chung

1. Nhập khẩu, xuất khẩu thuốc bảo vệ thực vật thực hiện theo Điều 67 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật và Thông tư số 04/2015/TT-BNNPTNT ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý, mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (sau đây gọi là Thông tư số 04/2015/TT-BNNPTNT).

2. Trường hợp ủy quyền nhập khẩu thì tổ chức, cá nhân nhận ủy quyền phải xuất trình giấy ủy quyền của tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký cho tổ chức, cá nhân nhập khẩu tại cơ quan Hải quan.

3. Thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục khi nhập khẩu phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Thuốc kỹ thuật phải có hàm lượng hoạt chất tối thiểu bằng hàm lượng hoạt chất của thuốc kỹ thuật trong Danh mục và phải nhập khẩu từ các nhà sản xuất có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng;

b) Thuốc thành phẩm có hàm lượng hoạt chất, dạng thuốc và nhà sản xuất thuốc thành phẩm đúng với Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam và phải còn ít nhất 2/3 hạn sử dụng được ghi trên nhãn thuốc kể từ khi đến Việt Nam;

c) Thuốc thành phẩm phải đáp ứng được tính chất lý hóa về tỷ suất lơ lửng, độ bền nhũ tương đối với từng dạng thành phẩm tương ứng.

d) Thuốc kỹ thuật, thuốc thành phẩm phải đáp ứng quy định về tạp chất độc hại tại các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và các Tiêu chuẩn cơ sở (TC) của Cục Bảo vệ thực vật.

Điều 40. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật để sản xuất nhằm mục đích xuất khẩu

1. Hồ sơ

a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật theo mẫu 01/BVTV ban hành kèm theo Thông tư số 04/2015/TT-BNNPTNT.

b) Bản sao chứng thực hoặc bản sao chụp (mang theo bản chính để đối chiếu) Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy phép đầu tư (chỉ nộp lần đầu).

c) Bản chính hoặc bản sao chứng thực hợp đồng nhập khẩu, hợp đồng xuất khẩu hoặc hợp đồng gia công với đối tác nước ngoài trong trường hợp tạm nhập, tái xuất hoặc nhập khẩu để sản xuất nhằm mục đích xuất khẩu.

2. Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật để sản xuất nhằm mục đích xuất khẩu thực hiện theo quy định tại Điều 24 của Thông tư số 04/2015/TT-BNNPTNT.

Điều 41. Chế độ báo cáo

Tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật phải báo cáo bằng văn bản theo mẫu quy định tại Phụ lục XXIII của Thông tư này về tình hình xuất khẩu, nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật cho Cục Bảo vệ thực vật. Thời hạn nộp báo cáo 06 tháng đầu năm trước ngày 15 tháng 7 và báo cáo năm trước ngày 15 tháng 01 năm sau.

Xem nội dung VB
- Kiểm tra nhà nước về chất lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu được hướng dẫn bởi Chương VI Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2013
...
Chương VI KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Điều 42. Căn cứ kiểm tra
...
Điều 43. Kiểm tra nhà nước về chất lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu
...
Điều 44. Hồ sơ, trình tự kiểm tra nhà nước về chất lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu
...
Điều 45. Giải quyết khiếu nại và xử lý vi phạm trong kiểm tra nhà nước về chất lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu
...
Điều 46. Trách nhiệm của tổ chức đánh giá sự phù hợp
...
Điều 47. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật
...
Điều 48. Kiểm tra nhà nước về chất lượng thuốc bảo vệ thực vật lưu thông trên thị trường

Xem nội dung VB
- Hồ sơ cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật để sản xuất nhằm mục đích xuất khẩu được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 40 Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2013
...
Điều 40. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật để sản xuất nhằm mục đích xuất khẩu

1. Hồ sơ

a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật theo mẫu 01/BVTV ban hành kèm theo Thông tư số 04/2015/TT-BNNPTNT.

b) Bản sao chứng thực hoặc bản sao chụp (mang theo bản chính để đối chiếu) Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy phép đầu tư (chỉ nộp lần đầu).

c) Bản chính hoặc bản sao chứng thực hợp đồng nhập khẩu, hợp đồng xuất khẩu hoặc hợp đồng gia công với đối tác nước ngoài trong trường hợp tạm nhập, tái xuất hoặc nhập khẩu để sản xuất nhằm mục đích xuất khẩu.

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 8 Thông tư 43/2018/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật ngày 25 tháng 11 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định một số nội dung về xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng, giống vật nuôi, nguồn gen cây trồng; nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật và nhập khẩu vật thể trong Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam.
...
Điều 8. Quy định về hồ sơ, thời hạn, cơ quan cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật

1. Thành phần hồ sơ:

a) Trường hợp nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật chưa có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam để tạm nhập, tái xuất hoặc nhập khẩu để sản xuất tại Việt Nam nhằm mục đích xuất khẩu theo hợp đồng đã ký với nước ngoài:

Đơn đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật theo Mẫu số 01/BVTV Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;

Bản sao Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đóng dấu của thương nhân (chỉ nộp khi nhập khẩu lần đầu);

Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hợp đồng nhập khẩu, hợp đồng xuất khẩu hoặc hợp đồng gia công với đối tác nước ngoài;

Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) tại nước xuất khẩu (chỉ nộp khi nhập khẩu lần đầu).

b) Trường hợp nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật để xông hơi khử trùng chứa hoạt chất methyl bromide và các hoạt chất có độ độc cấp tính loại I, II theo Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS):

Đơn đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật theo Mẫu số 01/BVTV Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;

Bản sao Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đóng dấu của thương nhân (chỉ nộp khi nhập khẩu lần đầu);

Bản sao Giấy chứng nhận hành nghề xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bằng biện pháp xông hơi khử trùng do Cục Bảo vệ thực vật cấp (chỉ nộp khi nhập khẩu lần đầu) đối với trường hợp nhập khẩu thuốc xông hơi khử trùng;

Báo cáo về tình hình nhập khẩu, sử dụng và mua bán methyl bromide theo Mẫu số 02/BVTV Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này đối với trường hợp nhập khẩu thuốc xông hơi khử trùng chứa hoạt chất methyl bromide.

c) Trường hợp nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật chưa có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam để khảo nghiệm nhằm mục đích đăng ký thuốc bảo vệ thực vật; thử nghiệm, nghiên cứu:

Đơn đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật theo Mẫu số 01/BVTV Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;

Bản sao Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đóng dấu của thương nhân (chỉ nộp khi nhập khẩu lần đầu);

Bản sao Giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật hoặc Phiếu an toàn hóa chất của thuốc mẫu khảo nghiệm, thử nghiệm;

Đề cương nghiên cứu về thuốc bảo vệ thực vật đề nghị nhập khẩu (đối với trường hợp nhập khẩu để nghiên cứu).

d) Trường hợp nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong các dự án của nước ngoài tại Việt Nam; thuốc bảo vệ thực vật làm hàng mẫu, hàng phục vụ triển lãm, hội chợ và sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Đơn đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật theo Mẫu số 01/BVTV Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;

Bản sao Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đóng dấu của thương nhân (chỉ nộp khi nhập khẩu lần đầu);

Bản sao có chứng thực hợp đồng nhập khẩu;

Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) tại nước xuất khẩu trong trường hợp nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất chưa có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam.

đ) Trường hợp nhập khẩu thuốc trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam nhưng nhập khẩu để làm chất chuẩn:

Đơn đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật theo Mẫu số 01/BVTV Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này;

Bản sao Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đóng dấu của thương nhân (chỉ nộp khi nhập khẩu lần đầu).
...
Mẫu số 01/BVTV ĐƠN ĐỀ NGHỊ GIẤY PHÉP NHẬP KHẨU THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT
...
Mẫu số 02/BVTV BÁO CÁO TÌNH HÌNH NHẬP KHẨU/SỬ DỤNG/MUA BÁN METHYL BROMIDE

Xem nội dung VB
- Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật để sản xuất nhằm mục đích xuất khẩu được hướng dẫn bởi Khoản 2 Điều 40 Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2013
...
Điều 40. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật để sản xuất nhằm mục đích xuất khẩu
...
2. Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật để sản xuất nhằm mục đích xuất khẩu thực hiện theo quy định tại Điều 24 của Thông tư số 04/2015/TT-BNNPTNT.

Xem nội dung VB
- Thời hạn, cơ quan cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật được hướng dẫn bởi Khoản 2, 3, 4 Điều 8 Thông tư 43/2018/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật ngày 25 tháng 11 năm 2013;
...
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định một số nội dung về xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng, giống vật nuôi, nguồn gen cây trồng; nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật và nhập khẩu vật thể trong Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam.
...
Điều 8. Quy định về hồ sơ, thời hạn, cơ quan cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật
...
2. Thời hạn giải quyết:

a) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định, trong thời hạn 03 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo để thương nhân hoàn thiện hồ sơ.

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật theo Mẫu số 03/BVTV Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp từ chối cấp phép, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

3. Hiệu lực của Giấy phép:

Giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật có giá trị cho toàn bộ lô hàng ghi trong giấy phép và hiệu lực được ghi trong giấy phép theo từng loại thuốc, nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày cấp. Giấy phép nhập khẩu methyl bromide chỉ có hiệu lực trong năm cấp phép.

4. Cơ quan thực hiện: Cục Bảo vệ thực vật

- Địa chỉ: 149 Hồ Đắc Di, Đống Đa - Hà Nội

- ĐT: 024.3533.0361 Fax: 024.3533.0043;

- Email: cchc.bvtv@mard.gov.vn
...
PHỤ LỤC IV LĨNH VỰC BẢO VỆ VÀ KIỂM DỊCH THỰC VẬT
...
Mẫu số 03/BVTV GIẤY PHÉP NHẬP KHẨU THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Mục 1 và Mục 3 Chương VIII Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2013
...
Chương VIII VẬN CHUYỂN, BẢO QUẢN THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Mục 1. VẬN CHUYỂN THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Điều 51. Nguyên tắc chung về vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật
...
Điều 52. Vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật
...
Điều 53. Xử lý sự cố
...
Điều 54. Giấy phép vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật
...
Điều 55. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật.
...
Mục 3. HUẤN LUYỆN VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG TRONG VẬN CHUYỂN, BẢO QUẢN THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Điều 58. Nội dung huấn luyện về an toàn lao động trong vận chuyển, bảo quản thuốc bảo vệ thực vật
...
Điều 59. Huấn luyện về an toàn lao động trong vận chuyển, bảo quản thuốc bảo vệ thực vật

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Mục 2 và Mục 3 Chương VIII Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2013
...
Chương VIII VẬN CHUYỂN, BẢO QUẢN THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT
...
Mục 2. BẢO QUẢN THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Điều 56. Quy định chung về kho thuốc bảo vệ thực vật
...
Điều 57. Quy định chi tiết về kho thuốc bảo vệ thực vật
...
Mục 3. HUẤN LUYỆN VỀ AN TOÀN LAO ĐỘNG TRONG VẬN CHUYỂN, BẢO QUẢN THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Điều 58. Nội dung huấn luyện về an toàn lao động trong vận chuyển, bảo quản thuốc bảo vệ thực vật
...
Điều 59. Huấn luyện về an toàn lao động trong vận chuyển, bảo quản thuốc bảo vệ thực vật

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Chương IX Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2013
...
Chương IX QUẢNG CÁO THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Điều 60. Nội dung quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật
...
Điều 61. Thẩm quyền cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật
...
Điều 62. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật

Xem nội dung VB
- Bao gói thuốc bảo vệ thực vật được hướng dẫn bởi Chương XI Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2013
...
Chương XI BAO GÓI THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Điều 74. Yêu cầu về bao gói thuốc bảo vệ thực vật

Yêu cầu về bao gói thuốc bảo vệ thực vật được áp dụng với tất cả các loại bao gói thuốc bảo vệ thực vật kể cả các loại bao gói được tái chế hoặc sử dụng lại.

1. Bao gói phải đảm bảo:

a) Chất lượng tốt có thể chịu được những va chạm và chấn động bình thường trong quá trình vận chuyển, chuyển tiếp hàng hóa giữa các phương tiện và xếp dỡ vào kho tàng bằng thủ công hoặc thiết bị cơ giới;

b) Phải kín để đảm bảo không làm thất thoát hóa chất trong quá trình chuẩn bị vận chuyển hoặc khi vận chuyển với các tác động như rung lắc, tăng nhiệt độ, độ ẩm và áp suất;

c) Phía bên ngoài bao gói phải đảm bảo sạch và không dính bất cứ hóa chất nguy hiểm nào.

2. Các phần của bao gói có tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo:

a) Không bị ảnh hưởng hay bị suy giảm chất lượng do tác động của hóa chất đóng gói bên trong;

b) Không có các tác động nguy hiểm, tác động làm xúc tác hay phản ứng với thuốc bảo vệ thực vật trong bao gói;

c) Được dùng lớp lót trơ thích hợp để làm lớp lót bảo vệ, cách ly bao gói với thuốc bảo vệ thực vật đóng gói bên trong.

3. Các lớp bao gói bên trong khi thuốc bảo vệ thực vật được đóng gói hai lớp phải đảm bảo sao cho trong điều kiện vận chuyển bình thường, chúng không thể bị vỡ, đâm thủng hoặc rò rỉ các chất được bao gói ra lớp bao gói bên ngoài.

4. Các loại bao gói bên trong thuộc dạng dễ bị vỡ hoặc đâm thủng như các loại thuỷ tinh, sành sứ hoặc một số loại nhựa nhất định cần phải được chèn cố định với lớp bao gói ngoài bằng các vật liệu chèn, đệm giảm chấn thích hợp.

5. Các thuốc bảo vệ thực vật không được bao gói cùng nhau trong cùng một lớp bao gói ngoài hoặc trong một khoang vận chuyển lớn, khi các hóa chất này có thể phản ứng cùng với nhau và gây ra: bốc cháy hoặc phát nhiệt lớn; phát nhiệt hoặc bốc cháy tạo hơi ngạt, ô xy hóa hay khí độc; tạo ra chất có tính ăn mòn mạnh; tạo ra các chất không bền.

6. Bao gói thuốc bảo vệ thực vật ở dạng lỏng

a) Phải có sức chịu đựng thích hợp với áp suất từ phía bên trong sinh ra trong quá trình vận chuyển;

b) Phải có khoảng không cần thiết để đảm bảo bao gói không bị rò rỉ hay biến dạng xảy ra vì sự tăng thể tích của các chất lỏng được bao gói khi nhiệt độ tăng trong quá trình vận chuyển;

c) Phải thử độ rò rỉ trước khi sử dụng.

7. Bao gói của thuốc bảo vệ thực vật dễ bay hơi phải đủ độ kín để đảm bảo trong quá trình vận chuyển mức chất lỏng không xuống thấp dưới mức giới hạn.

8. Bao gói thuốc bảo vệ thực vật ở dạng hạt hay bột cần phải đủ kín để tránh rơi lọt hoặc cần có các lớp đệm lót kín.

9. Bao gói thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng được quản lý như bao gói đang chứa thuốc bảo vệ thực vật.

10. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật phải xây dựng tiêu chuẩn cho bao gói thuốc bảo vệ thực vật theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 71 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Xem nội dung VB
- Nhãn thuốc bảo vệ thực vật được hướng dẫn bởi Chương X Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2013
...
Chương X NHÃN THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Mục 1. NGUYÊN TẮC CHUNG VỀ NHÃN THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Điều 63. Nguyên tắc ghi nhãn thuốc bảo vệ thực vật
...
Điều 64. Vị trí, kích thước nhãn thuốc bảo vệ thực vật
...
Điều 65. Màu sắc, cách trình bày của chữ, ký hiệu và hình ảnh trên nhãn thuốc bảo vệ thực vật
...
Điều 66. Ngôn ngữ trình bày trên nhãn thuốc bảo vệ thực vật
...
Mục 2. NỘI DUNG BẮT BUỘC GHI TRÊN NHÃN THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Điều 68. Nội dung bắt buộc ghi trên nhãn thuốc bảo vệ thực vật thành phẩm
...
Điều 69. Nhãn phụ của thuốc bảo vệ thực vật thành phẩm
...
Điều 70. Nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn thuốc bảo vệ thực vật kỹ thuật
...
Mục 3. CÁCH GHI NHÃN THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Điều 71. Cách ghi những nội dung bắt buộc trên nhãn thuốc bảo vệ thực vật
...
Mục 4. PHIẾU AN TOÀN HÓA CHẤT CỦA THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Điều 72. Nguyên tắc chung
...
Điều 73. Hình thức và nội dung Phiếu an toàn hóa chất của thuốc bảo vệ thực vật

Xem nội dung VB
- Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật được hướng dẫn bởi Chương XII Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2013
...
Chương XII SỬ DỤNG THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Điều 75. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

Quyền và nghĩa vụ của tổ chức cá nhân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật được quy định tại khoản 2 Điều 72 Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật.

Điều 76. Nội dung tập huấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

1. Hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả;

2. Cách đọc nhãn thuốc bảo vệ thực vật;

3. Tác hại của thuốc bảo vệ thực vật với người sử dụng và cách phòng ngừa;

4. Bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm;

5. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng thuốc.

Điều 77. Trách nhiệm tổ chức tập huấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

1. Cục Bảo vệ thực vật chịu trách nhiệm xây dựng nội dung, chương trình tập huấn về hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

2. Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chủ trì hoặc phối hợp với các cơ sở đào tạo, dạy nghề, các doanh nghiệp tổ chức tập huấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng nội dung chương trình quy định tại Điều 76 của Thông tư này.

3. Các cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật chủ động tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phòng ngừa sự cố do thuốc bảo vệ thực vật gây ra khi sử dụng.

Xem nội dung VB
- Quy trình thu hồi và thẩm quyền ra quyết định bắt buộc thu hồi thuốc bảo vệ thực vật được hướng dẫn bởi Chương XIII Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT

Căn cứ Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2013
...
Chương XIII THU HỒI, TIÊU HỦY THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Điều 78. Quy trình thu hồi bắt buộc thuốc bảo vệ thực vật

Khi phát hiện thuốc bảo vệ thực vật phải thu hồi theo quy định tại khoản 1 Điều 73 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, cơ quan có thẩm quyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật quy định tại Điều 79 của Thông tư này thực hiện theo trình tự sau:

1. Ra quyết định bắt buộc thu hồi.

2. Gửi Quyết định đến tổ chức, cá nhân có thuốc bảo vệ thực vật phải thu hồi: Yêu cầu tổ chức cá nhân đó ngừng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật phải thu hồi, xác định và gửi thông báo thu hồi thuốc bảo vệ thực vật đến những nơi thuốc bảo vệ thực vật phải thu hồi được phân phối để thực hiện thu hồi theo chứng từ đã xuất.

3. Gửi thông báo thu hồi thuốc bảo vệ thực vật đến cơ quan quản lý có liên quan.

4. Niêm phong thuốc bảo vệ thực vật phải thu hồi.

5. Tổ chức, cá nhân có thuốc bảo vệ thực vật thu hồi lập phương án xử lý thuốc bảo vệ thực vật thu hồi trình cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 79 của Thông tư này xem xét.

6. Quyết định biện pháp xử lý và giám sát việc xử lý thuốc bảo vệ thực vật

a) Biện pháp tái xuất áp dụng đối với trường hợp thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu;

b) Trường hợp áp dụng biện pháp tái chế phải do Cục Bảo vệ thực vật quyết định; việc thực hiện tái chế phải được giám sát bởi cơ quan ra quyết định bắt buộc thu hồi;

c) Biện pháp khắc phục lỗi ghi nhãn bao gói áp dụng đối với thuốc bảo vệ thực vật có nhãn, bao gói sai sót hoặc không đúng quy định;

d) Biện pháp tiêu huỷ áp dụng đối với trường hợp tổ chức, cá nhân có thuốc bảo vệ thực vật phải thu hồi đề nghị tiêu huỷ hoặc không khắc phụ được bằng các biện pháp xử lý khác theo quy định.

7. Việc tiêu huỷ thuốc bảo vệ thực vật thực hiện theo quy định tại Điều 74 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Điều 79. Thẩm quyền ra quyết định bắt buộc thu hồi thuốc bảo vệ thực vật

1. Cục Bảo vệ thực vật có thẩm quyền ra quyết định bắt buộc thu hồi đối với thuốc bảo vệ thực vật phải thu hồi; quyết định biện pháp và thời hạn xử lý thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi; kiểm tra việc thu hồi và xử lý thuốc của cơ sở sản xuất; xử lý vi phạm về thu hồi thuốc bảo vệ thực vật của cơ sở buôn bán khi việc thu hồi thuốc xảy ra trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

2. Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật có thẩm quyền ra quyết định bắt buộc thu hồi đối với thuốc bảo vệ thực vật phải thu hồi; quyết định biện pháp và thời hạn xử lý thuốc bảo vệ thực vật bị thu hồi; kiểm tra việc thu hồi và xử lý thuốc của cơ sở buôn bán trên địa bàn; xử lý vi phạm về thu hồi thuốc bảo vệ thực vật của cơ sở buôn bán trên địa bàn theo quy định.

Xem nội dung VB




Hiện tại không có văn bản nào liên quan.