Luật xuất bản sửa đổi 2008
Số hiệu: 12/2008/QH12 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Nguyễn Phú Trọng
Ngày ban hành: 03/06/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 11/09/2008 Số công báo: Từ số 509 đến số 510
Lĩnh vực: Thông tin báo chí, xuất bản, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

QUỐC HỘI
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Luật số: 12/2008/QH12

Hà Nội, ngày 03 tháng 6 năm 2008

 

LUẬT

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XUẤT BẢN

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xuất bản số 30/2004/QH11.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xuất bản

1. Điều 18 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 18. Đăng ký kế hoạch xuất bản

1. Trước khi xuất bản, nhà xuất bản phải đăng ký kế hoạch xuất bản với Bộ Thông tin và Truyền thông và phải được Bộ Thông tin và Truyền thông xác nhận bằng văn bản. Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được đăng ký kế hoạch xuất bản của nhà xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông xác nhận bằng văn bản việc đăng ký kế hoạch xuất bản.

Bộ Thông tin và Truyền thông quy định mẫu đăng ký kế hoạch xuất bản.

2. Kế hoạch xuất bản của nhà xuất bản phải phù hợp với tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của nhà xuất bản và có giá trị thực hiện đến hết ngày 31 tháng 12 của năm kế hoạch.”

2. Điều 26 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 26. Thông tin ghi trên xuất bản phẩm

1. Trên sách và tài liệu dưới dạng sách (sau đây gọi chung là sách) phải ghi các thông tin sau:

a) Tên sách, tên tác giả, tên người chủ biên (nếu có), tên người dịch (nếu là sách dịch) hoặc tên người phiên âm (nếu là sách phiên âm từ chữ Nôm), tên người hiệu đính (nếu có); tên nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức được phép xuất bản, tên tổ chức, cá nhân liên kết xuất bản (nếu có); năm xuất bản, số thứ tự của tập, số lần tái bản; đối với sách dịch, phải ghi tên nguyên bản, tên tác giả, tên nhà xuất bản nước ngoài, năm xuất bản ở nước ngoài; nếu dịch từ ngôn ngữ khác với ngôn ngữ nguyên bản thì phải ghi rõ ngôn ngữ và tên người dịch bản đó;

b) Tên người chịu trách nhiệm xuất bản, tên người biên tập nội dung; khuôn khổ sách, số đăng ký kế hoạch xuất bản, số quyết định xuất bản của giám đốc nhà xuất bản hoặc số giấy phép xuất bản của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản; tên người trình bày, minh họa, tên người biên tập kỹ thuật, tên người sửa bản in; số lượng in, tên cơ sở in, thời gian nộp lưu chiểu;

c) Đối với sách kinh doanh phải ghi giá bán lẻ; đối với sách do Nhà nước đặt hàng phải ghi là “sách Nhà nước đặt hàng”; đối với sách không kinh doanh phải ghi là “sách không bán”.

2. Trên xuất bản phẩm không phải là sách phải ghi các thông tin sau:

a) Tên xuất bản phẩm, tên nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức được phép xuất bản; tên tổ chức, cá nhân liên kết xuất bản (nếu có);

b) Số đăng ký kế hoạch xuất bản, số quyết định xuất bản của giám đốc nhà xuất bản hoặc số giấy phép xuất bản của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản; số lượng in, tên cơ sở in;

c) Đối với xuất bản phẩm kinh doanh phải ghi giá bán lẻ; đối với xuất bản phẩm do Nhà nước đặt hàng phải ghi là “Nhà nước đặt hàng”; đối với xuất bản phẩm không kinh doanh phải ghi là “không bán”.

3. Chính phủ quy định những trường hợp đặc biệt không ghi tên tác giả, tên người dịch, tên người phiên âm, tên tổ chức, cá nhân liên kết xuất bản trên bìa một và vị trí ghi các thông tin quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

4. Giám đốc nhà xuất bản quyết định vị trí ghi các thông tin trên xuất bản phẩm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.”

3. Điều 30 được sửa đổi, bổ sung như sau:

 “Điều 30. Xử lý vi phạm trong lĩnh vực xuất bản

1. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định tại các điều 3, 5, 10, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 25, 26, 27 và 29 của Luật này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị cảnh cáo hoặc phạt tiền và có thể bị áp dụng các biện pháp tạm đình chỉ việc xuất bản xuất bản phẩm có vi phạm, tạm đình chỉ hoạt động xuất bản, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động xuất bản; trường hợp gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác thì phải công khai xin lỗi, cải chính trên báo chí, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Đối với xuất bản phẩm có vi phạm thì bị tạm đình chỉ phát hành và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải được sửa chữa mới được phát hành hoặc bị thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy.

2. Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực xuất bản thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

3. Người có hành vi vi phạm mà hành vi đó đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật về hình sự.

4. Cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản phải chịu trách nhiệm về quyết định xử lý của mình.”

4. Điều 36 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 36. Xử lý vi phạm trong lĩnh vực in xuất bản phẩm

1. Tổ chức, cá nhân có hành vi sau đây thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị cảnh cáo hoặc phạt tiền, đình chỉ in xuất bản phẩm đang in và có thể bị áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động in xuất bản phẩm, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật:

a) In xuất bản phẩm mà không có giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm;

b) In xuất bản phẩm mà không có quyết định xuất bản hoặc giấy phép xuất bản; in xuất bản phẩm không đúng với quyết định xuất bản hoặc giấy phép xuất bản;

c) In xuất bản phẩm gia công cho nước ngoài mà không có giấy phép in gia công;

d) In xuất bản phẩm đã có quyết định đình chỉ in, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu huỷ;

đ) In xuất bản phẩm không đúng với bản thảo đã được nhà xuất bản, cơ quan, tổ chức được phép xuất bản ký duyệt; in xuất bản phẩm không có hợp đồng in hoặc in vượt quá số lượng ghi trong hợp đồng.

2. Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực in xuất bản phẩm thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

3. Người có hành vi vi phạm mà hành vi đó đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật về hình sự.”

5. Điều 38 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 38. Cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm

1. Tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài được nhập khẩu xuất bản phẩm vào Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm gồm:

a) Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư;

b) Người đứng đầu cơ sở kinh doanh phải thường trú tại Việt Nam, có văn bằng và có chứng chỉ hành nghề về phát hành xuất bản phẩm do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp;

c) Trường hợp kinh doanh nhập khẩu sách, ngoài điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này, phải có đội ngũ nhân viên và cộng tác viên đủ năng lực thẩm định nội dung sách.

3. Hồ sơ xin cấp giấy phép gồm:

a) Đơn xin phép kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm;

b) Danh sách nhân viên, cộng tác viên có hợp đồng lao động; bản sao hợp lệ giấy chứng nhận, văn bằng, chứng chỉ quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông phải cấp giấy phép; trường hợp không cấp giấy phép thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

5. Chính phủ quy định cụ thể điều kiện cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 và hồ sơ xin cấp giấy phép quy định tại khoản 3 Điều này.”

6. Điều 39 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 39. Nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh

1.Việc nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh được thực hiện thông qua cơ sở có giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm.

2. Trước khi nhập khẩu, cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh phải đăng ký danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu với Bộ Thông tin và Truyền thông và phải được Bộ Thông tin và Truyền thông xác nhận bằng văn bản. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được đăng ký danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu của cơ sở nhập khẩu, Bộ Thông tin và Truyền thông xác nhận bằng văn bản việc đăng ký danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu.

Bộ Thông tin và Truyền thông quy định mẫu đăng ký danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu.

3. Xuất bản phẩm nhập khẩu phải phù hợp với quy định của Luật xuất bản và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Trường hợp phát hiện xuất bản phẩm có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông có quyền yêu cầu thẩm định nội dung xuất bản phẩm đó trước khi xác nhận đăng ký nhập khẩu hoặc khước từ xác nhận đăng ký nhập khẩu đối với xuất bản phẩm đó.

4. Người đứng đầu cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh phải tổ chức thẩm định nội dung xuất bản phẩm nhập khẩu trước khi phát hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung xuất bản phẩm nhập khẩu.”

7. Điều 43 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 43. Hợp tác với nước ngoài về phát hành xuất bản phẩm

1. Cơ sở phát hành xuất bản phẩm có tư cách pháp nhân của Việt Nam, của nước ngoài được hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh để phát hành xuất bản phẩm tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Tổ chức nước ngoài được thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam để giới thiệu về tổ chức và sản phẩm của mình, xúc tiến các giao dịch về phát hành xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật Việt Nam và phải được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép.

3. Hồ sơ xin cấp giấy phép gồm:

a) Đơn xin cấp giấy phép hoạt động ghi mục đích, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động, trụ sở, tên người đứng đầu văn phòng đại diện và cam kết thực hiện đúng các quy định của pháp luật Việt Nam;

b) Văn bản xác nhận tư cách pháp nhân của tổ chức xin thành lập văn phòng đại diện do cơ quan hoặc người có thẩm quyền của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nơi tổ chức đó đặt trụ sở chính cấp.

4. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông phải cấp giấy phép; trường hợp không cấp giấy phép thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”

8. Điều 44 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 44. Xử lý vi phạm trong lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm

1. Tổ chức, cá nhân có hành vi sau đây thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị cảnh cáo hoặc phạt tiền, tạm đình chỉ phát hành, đình chỉ phát hành xuất bản phẩm và có thể bị áp dụng các biện pháp thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu huỷ xuất bản phẩm có vi phạm, tạm đình chỉ hoạt động nhập khẩu xuất bản phẩm, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động nhập khẩu xuất bản phẩm; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật:

a) Phát hành xuất bản phẩm mà việc xuất bản, in, nhập khẩu không hợp pháp;

b) Phát hành xuất bản phẩm không có hoá đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp;

c) Phát hành xuất bản phẩm đã có quyết định đình chỉ in, cấm lưu hành, thu hồi, tịch thu, tiêu huỷ;

d) Bán xuất bản phẩm thuộc loại không kinh doanh;

đ) Tiêu thụ, phổ biến trái phép xuất bản phẩm in gia công cho nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam;

e) Nhập khẩu xuất bản phẩm không đăng ký danh mục nhập khẩu hoặc thực hiện không đúng danh mục đã đăng ký;

g) Nhập khẩu xuất bản phẩm có nội dung vi phạm Điều 3 và Điều 10 của Luật xuất bản.

2. Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

3. Người có hành vi vi phạm mà hành vi đó đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật về hình sự.

4. Trường hợp cơ quan nhà nước quyết định thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu huỷ xuất bản phẩm có vi phạm thì nhà xuất bản hoặc cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm có xuất bản phẩm đó phải bồi thường thiệt hại cho cơ sở phát hành; trường hợp quyết định thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy xuất bản phẩm sai mà gây thiệt hại thì cơ quan nhà nước có quyết định sai phải bồi thường theo quy định của pháp luật cho nhà xuất bản hoặc cơ sở phát hành, cơ sở nhập khẩu.”

Điều 2. Thay cụm từ “Bộ Văn hóa - Thông tin” bằng cụm từ “Bộ Thông tin và Truyền thông” tại khoản 2 Điều 7, khoản 3 Điều 13, khoản 1 và khoản 2 Điều 16, khoản 2 Điều 17, điểm a khoản 1 Điều 22, khoản 2 và khoản 3 Điều 23, khoản 1 và khoản 3 Điều 24, điểm a khoản 1 Điều 27, Điều 28, điểm a khoản 3 Điều 31, điểm c và điểm d khoản 1 Điều 32, khoản 1 và khoản 2 Điều 34, khoản 3 Điều 37 và điểm a khoản 1 Điều 42 của Luật xuất bản số 30/2004/QH11.

Điều 3. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2009. 

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 03 tháng 6 năm 2008.

 

 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Phú Trọng

 

- Quy định này được hướng dẫn bởi Khoản 1 Điều 2 Nghị định 11/2009/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 01/03/2014)

Căn cứ Luật Xuất bản ngày 03 tháng 12 năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều ngày 03 tháng 6 năm 2008;
...
Điều 2. Bổ sung một số điều mới vào Nghị định số 111/2005/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản.

1. Bổ sung Điều 11a như sau:

“Điều 11a. Thông tin ghi trên xuất bản phẩm

1. Việc ghi thông tin trên xuất bản phẩm thực hiện theo quy định tại Điều 26 và không trái với Điều 10 của Luật Xuất bản.

2. Trên bìa một của sách và tài liệu dưới dạng sách (sau đây gọi chung là sách) không ghi tên tác giả, tên người dịch, tên người phiên âm, tên tổ chức, cá nhân liên kết xuất bản trong các trường hợp sau:

a) Sách in nguyên văn từng văn bản Luật, Nghị quyết của Quốc hội; Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn kiện của Đảng;

b) Sách in nguyên văn từng văn bản kinh, giáo luật của các tôn giáo đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

3. Đối với bìa một của sách có hình ảnh Quốc kỳ, Quốc huy, Đảng kỳ, bản đồ Việt Nam, chân dung lãnh tụ, người đứng đầu Đảng và Nhà nước thì không ghi tên tác giả, tên người dịch, tên người phiên âm, tên tổ chức, cá nhân liên kết xuất bản trên nền hình ảnh, chân dung đó.

4. Trang cuối sách ghi các thông tin sau:

a) Tên người chịu trách nhiệm xuất bản, tên người biên tập nội dung, tên người trình bày, minh họa, tên người biên tập kỹ thuật, tên người sửa bản in;

b) Số đăng ký kế hoạch xuất bản, số quyết định xuất bản của Giám đốc nhà xuất bản hoặc số giấy phép xuất bản của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản, khuôn khổ sách, số lượng in, tên cơ sở in, thời gian nộp lưu chiểu.

Trường hợp vì lý do kỹ thuật in mà không thể ghi các thông tin quy định tại điểm a và điểm b khoản này ở trang cuối sách thì ghi ở trang liền sau trang tên sách.”

Xem nội dung VB
- Hình thức, mức phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xuất bản được hướng dẫn từ Điều 17 đến Điều 21 và từ Điều 27 đến Điều 29 Nghị định 02/2011/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 01/01/2014)

Căn cứ Luật Xuất bản ngày 03 tháng 12 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản ngày 03 tháng 06 năm 2008;
...
Điều 17. Vi phạm các quy định về giấy phép hoạt động xuất bản
...
Điều 18. Vi phạm các quy định về nội dung xuất bản phẩm
...
Điều 19. Vi phạm các quy định về trình bày, minh họa xuất bản phẩm
...
Điều 20. Vi phạm các quy định về lưu chiểu xuất bản phẩm
...
Điều 21. Vi phạm các quy định về liên kết trong lĩnh vực xuất bản
...
Điều 27. Vi phạm các quy định về quảng cáo trên xuất bản phẩm
...
Điều 28. Vi phạm các quy định về chế độ báo cáo
...
Điều 29. Hành vi cản trở bất hợp pháp hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra

Xem nội dung VB
- Hành vi vi phạm hành chính và mức phạt được hướng dẫn bởi Điều 22 Nghị định 02/2011/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 01/01/2014)

Căn cứ Luật Xuất bản ngày 03 tháng 12 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản ngày 03 tháng 06 năm 2008;
...
Điều 22. Vi phạm các quy định về hoạt động in

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thiết bị ngành in đối với thiết bị phải đăng ký theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Thực hiện không đúng nội dung ghi trong giấy phép hoạt động in;

b) Chuyển nhượng giấy phép hoạt động in dưới bất kỳ hình thức nào;

c) Sửa chữa, tẩy xóa giấy phép hoạt động in;

d) Không lập sổ quản lý sản phẩm nhận in hoặc không ghi đầy đủ thông tin của sản phẩm nhận in theo quy định của pháp luật kể cả chế bản và gia công sau in trong sổ quản lý ấn phẩm nhận in;

đ) Sử dụng máy photocopy và các thiết bị in khác để in, nhân bản trái phép báo chí, xuất bản phẩm nhằm mục đích kinh doanh hoặc lưu hành rộng rãi;

e) In sản phẩm không phải xuất bản phẩm vượt quá số lượng ghi trong hợp đồng từ 100 thành phẩm đến dưới 500 thành phẩm.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Ký hợp đồng in không đúng với nội dung quyết định xuất bản, giấy phép xuất bản, giấy phép in gia công cho nước ngoài;

b) In vàng mã mà không có giấy xác nhận đăng ký của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về loại vàng mã được in;

c) In sản phẩm không phải xuất bản phẩm vượt quá số lượng ghi trong hợp đồng từ 500 thành phẩm đến dưới 1.000 thành phẩm;

d) Sử dụng máy Photocopy và các thiết bị in khác để nhân bản báo chí, xuất bản phẩm, sản phẩm in không phải xuất bản phẩm thuộc loại cấm lưu hành.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) In chứng minh thư, hộ chiếu, văn bằng mà không có văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hoặc in chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân mà không có văn bản chấp thuận của cơ quan, tổ chức cấp chứng chỉ;

b) In chứng minh thư, hộ chiếu, văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân, tem chống giả mà không có bản mẫu có chữ ký và dấu xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

c) In báo, tạp chí mà không có giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí;

d) In xuất bản phẩm vượt quá số lượng ghi trong quyết định xuất bản hoặc giấy phép xuất bản từ 50 bản đến dưới 500 bản;

đ) In xuất bản phẩm không đúng với quyết định xuất bản hoặc giấy phép xuất bản;

e) In xuất bản phẩm gia công cho nước ngoài mà không có giấy phép in gia công;

g) In xuất bản phẩm không đúng nội dung bản thảo đã được giám đốc nhà xuất bản ký duyệt hoặc nội dung bản thảo đã được đóng dấu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xuất bản;

h) Thêm, bớt, sửa chữa trái phép bản mẫu, bản thảo đặt in;

i) In sản phẩm không phải xuất bản phẩm vượt quá số lượng ghi trong hợp đồng từ 1.000 thành phẩm trở lên;

k) In sản phẩm không phải xuất bản phẩm mà không có chức năng in trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

l) In sản phẩm nhãn hàng hóa, bao bì mà bản mẫu nhận in không có chữ ký và dấu xác nhận của cơ sở sản xuất đứng tên đặt in, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đúng ngành hàng, giấy giới thiệu của cơ sở sản xuất đứng tên trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì;

m) In nhãn hàng hóa là hóa dược, thuốc chữa bệnh mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đúng ngành hàng, số đăng ký do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp;

n) In sản phẩm in không có hợp đồng in.

5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) In, nhân bản báo chí, xuất bản phẩm đã có quyết định thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy, hoặc có nội dung vi phạm quy định tại Điều 10 Luật Xuất bản;

b) In xuất bản phẩm không có quyết định xuất bản của Giám đốc Nhà xuất bản hoặc giấy phép xuất bản;

c) In xuất bản phẩm hoặc in sản phẩm báo chí, tem chống giả mà không có giấy phép hoạt động ngành in;

d) In xuất bản phẩm vượt quá số lượng ghi trong quyết định xuất bản hoặc giấy phép xuất bản từ 500 bản trở lên;

đ) In các sản phẩm mà pháp luật cấm lưu hành, trừ trường hợp được phép in gia công cho nước ngoài;

e) In, photocopy trái phép tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định của pháp luật.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép không thời hạn đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép từ 90 ngày đến 180 ngày đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 5 Điều này;

c) Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại điểm b, c, d khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều này;

d) Tịch thu phương tiện vi phạm đối với hành vi quy định tại điểm a, đ và e khoản 5 Điều này.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc phải đăng ký thiết bị ngành in đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Buộc làm thủ tục xin cấp lại giấy phép đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;

c) Buộc tiêu hủy xuất bản phẩm đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này.

Xem nội dung VB
- Quy định này được hướng dẫn bởi Khoản 5 Điều 2 Nghị định 11/2009/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 01/03/2014)

Căn cứ Luật Xuất bản ngày 03 tháng 12 năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều ngày 03 tháng 6 năm 2008;
...
Điều 2. Bổ sung một số điều mới vào Nghị định số 111/2005/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản.
...
5. Bổ sung Điều 18c như sau:

“Điều 18c. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm

1. Điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm quy định tại khoản 2 Điều 38 của Luật Xuất bản bao gồm:

a) Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư;

b) Người đứng đầu cơ sở kinh doanh phải thường trú tại Việt Nam; có văn bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành phát hành xuất bản phẩm; nếu tốt nghiệp đại học các ngành khác thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ phát hành xuất bản phẩm do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp; có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không thuộc diện bị pháp luật cấm kinh doanh.

2. Trường hợp kinh doanh nhập khẩu sách, ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, còn phải có thêm các điều kiện sau đây:

a) Có ít nhất năm nhân viên thẩm định nội dung sách làm việc theo hợp đồng dài hạn và được đóng bảo hiểm xã hội;

Nhân viên thẩm định nội dung sách phải có bằng đại học trở lên chuyên ngành ngoại ngữ phù hợp với ngôn ngữ thể hiện của phần lớn số sách nhập khẩu, có thâm niên công tác trong lĩnh vực xuất bản hoặc xuất nhập khẩu xuất bản phẩm từ năm năm trở lên và không thuộc diện bị pháp luật cấm kinh doanh;

b) Có ít nhất bảy cộng tác viên thẩm định nội dung sách làm việc theo hợp đồng lao động theo vụ việc;

Cộng tác viên thẩm định nội dung sách phải có bằng đại học trở lên chuyên ngành ngoại ngữ, có kiến thức chuyên môn nghiệp vụ phù hợp để thẩm định nội dung sách nhập khẩu;

c) Có trụ sở làm việc và mặt bằng kinh doanh xuất bản phẩm với diện tích từ một trăm mét vuông trở lên;

d) Có vốn chủ sở hữu từ năm tỷ đồng trở lên”.

Xem nội dung VB
- Quy định này được hướng dẫn bởi Khoản 6 Điều 2 Nghị định 11/2009/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 01/03/2014)

Căn cứ Luật Xuất bản ngày 03 tháng 12 năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều ngày 03 tháng 6 năm 2008;
...
Điều 2. Bổ sung một số điều mới vào Nghị định số 111/2005/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản.
...
6. Bổ sung Điều 18d như sau:

“Điều 18d. Hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm

1. Hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm quy định tại khoản 3 Điều 38 của Luật Xuất bản gồm có:

a) Đơn xin phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm gửi Cục Xuất bản; trường hợp có cơ quan chủ quản thì phải có thêm văn bản đề nghị của cơ quan chủ quản;

b) Bản sao có chứng thực hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư;

c) Bản sao có chứng thực hợp lệ văn bằng, chứng chỉ, lý lịch tư pháp của người đứng đầu cơ sở kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm.

2. Trường hợp kinh doanh nhập khẩu sách, ngoài các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này, còn phải có thêm các giấy tờ sau đây:

a) Danh sách nhân viên, cộng tác viên thẩm định nội dung sách nhập khẩu kèm theo bản sao hợp đồng lao động;

b) Bản sao có chứng thực hợp lệ văn bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành ngoại ngữ của nhân viên, cộng tác viên thẩm định nội dung sách nhập khẩu;

c) Bản sao có chứng thực hợp lệ hợp đồng lao động, sổ bảo hiểm xã hội, lý lịch tư pháp của nhân viên thẩm định nội dung sách;

d) Giấy xác nhận thâm niên công tác của nhân viên thẩm định nội dung sách do cơ quan, tổ chức nơi nhân viên đó đã làm việc cấp;

đ) Giấy xác nhận vốn chủ sở hữu và diện tích mặt bằng kinh doanh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

3. Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành mẫu đơn; mẫu kê khai danh sách nhân viên và cộng tác viên thẩm định nội dung sách nhập khẩu; mẫu giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm”.

Xem nội dung VB
- Khoản này được hướng dẫn bởi Điều 10 và Điều 13 Thông tư 02/2010/TT-BTTTT (VB hết hiệu lực: 15/02/2015)

Căn cứ Luật Xuất bản số 30/2004/QH11 ngày 03 tháng 12 năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều bằng Luật số 12/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008;
...
Điều 10. Đăng ký và xác nhận đăng ký xuất bản phẩm nhập khẩu để kinh doanh

1. Trước khi nhập khẩu, cơ sở kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm phải gửi giấy đăng ký danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu để kinh doanh kèm theo 03 bản danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu đến Cục Xuất bản.

2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được giấy đăng ký và danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu để kinh doanh, Cục Xuất bản xem xét, xác nhận đăng ký bằng văn bản, đóng dấu vào 03 bản danh mục và gửi trả lại cơ sở kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm 02 bản.
...
Điều 13. Thẩm định nội dung xuất bản phẩm nhập khẩu để kinh doanh có dấu hiệu vi phạm pháp luật

Việc thẩm định nội dung xuất bản phẩm nhập khẩu để kinh doanh có dấu hiệu vi phạm pháp luật thực hiện như sau:

1. Khi phát hiện xuất bản phẩm có dấu hiệu vi phạm Luật Xuất bản và các quy định khác của pháp luật có liên quan, Cục Xuất bản có văn bản yêu cầu cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm thành lập Hội đồng thẩm định gồm các chuyên gia có đủ trình độ để tổ chức thẩm định trước khi xác nhận đăng ký nhập khẩu. Biên bản của Hội đồng thẩm định được lập thành văn bản và gửi về Cục Xuất bản;

2. Trường hợp cơ sở nhập khẩu không đủ điều kiện thẩm định nội dung xuất bản phẩm trước khi nhập khẩu thì Cục Xuất bản xác nhận đăng ký nhập khẩu với số lượng xuất bản phẩm tối thiểu đủ để thẩm định nội dung và yêu cầu cơ sở nhập khẩu thẩm định nội dung theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

3. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được biên bản thẩm định, Cục Xuất bản xem xét, xác nhận đăng ký nhập khẩu hoặc có văn bản khước từ việc xác nhận đăng ký nhập khẩu và buộc cơ sở nhập khẩu phải tái xuất hoặc tiêu huỷ xuất bản phẩm đã được nhập khẩu dùng để thẩm định.

Xem nội dung VB
- Quy định này được hướng dẫn bởi Khoản 5 Điều 1 Nghị định 11/2009/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 01/03/2014)

Căn cứ Luật Xuất bản ngày 03 tháng 12 năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều ngày 03 tháng 6 năm 2008;
...
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2005/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản
...
5. Điều 20 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 20. Hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động của văn phòng đại diện tổ chức nước ngoài trong lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm

1. Hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động của văn phòng đại diện tổ chức nước ngoài trong lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm quy định tại Điều 43 của Luật Xuất bản được lập thành hai bản có nội dung như sau, một bản bằng tiếng Việt và một bản bằng tiếng Anh.

2. Giấy phép hoạt động của văn phòng đại diện tổ chức nước ngoài trong lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm có thời hạn năm năm, kể từ ngày cấp và được gia hạn mỗi lần không quá năm năm.”

Xem nội dung VB
- Hành vi vi phạm hành chính và mức phạt được hướng dẫn bởi Điều 24 và 25 Nghị định 02/2011/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 01/01/2014)

Căn cứ Luật Xuất bản ngày 03 tháng 12 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản ngày 03 tháng 06 năm 2008;
...
Điều 24. Vi phạm các quy định về tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Cản trở việc phát hành xuất bản phẩm hợp pháp;

b) Bán, phân phát, cho thuê, đưa lên mạng internet xuất bản phẩm nhập khẩu hoặc xuất bản trái phép;

c) Bán, phân phát, cho thuê, đưa lên mạng internet xuất bản phẩm có nội dung tuyên truyền mê tín dị đoan, hủ tục, tệ nạn xã hội;

d) Tàng trữ hoặc phát hành xuất bản phẩm in, sao lậu hoặc xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp dưới 50 bản;

đ) Phát hành trên mạng internet xuất bản phẩm của nhà xuất bản, cơ quan, tổ chức được phép xuất bản đã giải thể, sáp nhập hoặc chia tách mà không được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả, cơ quan, tổ chức được chuyển giao quyền và nghĩa vụ dân sự của nhà xuất bản, cơ quan, tổ chức được phép xuất bản đã bị giải thể, sáp nhập, chia tách.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Bán, cho thuê, đưa lên mạng internet xuất bản phẩm thuộc loại không kinh doanh hoặc lưu hành nội bộ;

b) Tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, sao lậu hoặc xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp từ 50 bản đến dưới 100 bản;

c) Bán, cho thuê, đưa lên mạng internet xuất bản phẩm có nội dung tuyên truyền lối sống đồi trụy, khiêu dâm, kích động bạo lực.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Phát hành hoặc tàng trữ nhằm mục đích lưu hành xuất bản phẩm thuộc loại không được phép lưu hành hoặc đã có quyết định thu hồi, tịch thu;

b) Bán, cho thuê, đưa lên mạng internet xuất bản phẩm đã có quyết định thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành;

c) Tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, sao lậu hoặc xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp từ 100 bản đến dưới 150 bản;

d) Tiêu thụ, phổ biến trái phép xuất bản phẩm in gia công cho nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam;

đ) Tổ chức triển lãm, hội chợ xuất bản phẩm không đúng nội dung ghi trong giấy phép.

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Tổ chức triển lãm, hội chợ xuất bản phẩm không có giấy phép;

b) Trưng bày hoặc bán trong triển lãm, hội chợ xuất bản phẩm xuất bản trái phép, nhập khẩu trái phép, xuất bản phẩm không được phép lưu hành, có quyết định thu hồi, tịch thu hoặc xuất bản phẩm có nội dung vi phạm Điều 10 Luật Xuất bản;

c) Tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, sao lậu hoặc xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp từ 150 bản trở lên;

d) Văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức nước ngoài trực tiếp kinh doanh phát hành tại Việt Nam.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại các điểm b, c và d khoản 1, điểm b và c khoản 2, điểm a, b, c, d khoản 3 và điểm b, c, d khoản 4 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc đưa ra khỏi mạng Internet xuất bản phẩm đối với hành vi quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này.

Điều 25. Vi phạm các quy định về xuất, nhập khẩu xuất bản phẩm

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Nhập khẩu không đúng tên xuất bản phẩm trong danh mục đăng ký nhập khẩu;

b) Nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc nhập khẩu không đúng loại hình xuất bản phẩm, nội dung, số lượng, xuất xứ, mục đích và phạm vi sử dụng xuất bản phẩm nhập khẩu;

c) Không tái xuất hoặc không làm thủ tục nhập khẩu đối với xuất bản phẩm nhập khẩu là tài liệu phục vụ hội thảo, hội nghị quốc tế đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép tổ chức tại Việt Nam, xuất bản phẩm là tài sản di chuyển của tổ chức, gia đình, cá nhân để sử dụng riêng sau khi sử dụng;

d) Không làm thủ tục xin phép nhập khẩu xuất bản phẩm tặng cho tổ chức, cá nhân gửi qua bưu điện có giá trị vượt quá tiêu chuẩn miễn thuế theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh mà không có giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm;

b) Nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh mà không đăng ký danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu với cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản;

c) Không thẩm định nội dung xuất bản phẩm nhập khẩu trước khi phát hành.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Nhập khẩu xuất bản phẩm có nội dung vi phạm Điều 3 và Điều 10 Luật Xuất bản;

b) Xuất khẩu xuất bản phẩm xuất bản trái phép, xuất bản phẩm có quyết định đình chỉ in, cấm lưu hành, tịch thu, thu hồi, tiêu hủy, xuất bản phẩm có nội dung vi phạm Điều 3 và Điều 10 Luật Xuất bản.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc tái xuất xuất bản phẩm trong trường hợp vi phạm quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này.

Xem nội dung VB




Hiện tại không có văn bản nào liên quan.