Hướng dẫn 13-HD/UBKTTW năm 2020 giải quyết tố cáo, khiếu nại về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp
Số hiệu: 13-HD/UBKTTW Loại văn bản: Hướng dẫn
Nơi ban hành: Ủy ban kiểm tra trung ương Người ký: Bùi Thị Minh Hoài
Ngày ban hành: 02/12/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Khiếu nại, tố cáo, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
ỦY BAN KIỂM TRA
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 13-HD/UBKTTW

Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2020

 

HƯỚNG DẪN

VIỆC GIẢI QUYẾT TỐ CÁO, KHIẾU NẠI VỀ BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026 CỦA CẤP ỦY, TỔ CHỨC ĐẢNG, ỦY BAN KIỂM TRA CÁC CẤP

- Căn cứ Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026;

- Căn cứ Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân;

- Căn cứ Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII;

- Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Hội đồng bầu cử Quốc gia tại Công văn số 06/HĐBCQG-CTĐB, ngày 16/9/2020, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn việc giải quyết tố cáo, khiếu nại về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 của cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban kiểm tra các cấp như sau:

I. YÊU CẦU CHUNG

1. Việc giải quyết tố cáo, khiếu nại liên quan đến bầu cử hoặc nhân sự giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 phải kịp thời, chính xác, khách quan, đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, trách nhiệm, thẩm quyền theo quy định của Đảng và Nhà nước.

2. Các tổ chức khi nhận được đơn thư tố cáo, khiếu nại phải phân loại, xử lý đầy đủ, chính xác và kịp thời giải quyết theo đúng quy định; đối với những đơn thư tố cáo, khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết thì chuyển đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo, khiếu nại biết.

3. Qua giải quyết tố cáo, khiếu nại phải kết luận rõ đúng, sai, khuyết điểm, vi phạm (nếu có); xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

4. Trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử, ngừng việc xem xét, giải quyết mọi tố cáo, khiếu nại liên quan đến người ứng cử và việc lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp cho đến khi bầu cử xong.

- Trong trường hợp những tố cáo đã rõ, có đủ cơ sở để kết luận người ứng cử không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì báo cáo ban thường vụ cấp ủy cùng cấp để báo cáo Hội đồng bầu cử quốc gia (đối với đại biểu Quốc hội) hoặc thông báo với Ủy ban bầu cử ở cấp tương ứng (đối với đại biểu Hội đồng nhân dân) xem xét, quyết định theo thẩm quyền về việc xóa tên người đó trong danh sách chính thức những người ứng cử.

- Trường hợp tố cáo thuộc thẩm quyền nhưng chưa xem xét, giải quyết được hoặc đang giải quyết nhưng không thể kết thúc trước 10 ngày tính đến ngày bầu cử thì kịp thời báo cáo ban thường vụ cấp ủy cùng cấp để báo cáo Hội đồng bầu cử quốc gia (đối với đại biểu Quốc hội) hoặc thông báo với Ủy ban bầu cử cấp tương ứng (đối với đại biểu Hội đồng nhân dân) xem xét, quyết định theo quy định.

5. Tố cáo không giải quyết gồm: Tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ; tố cáo có tên đã được cấp có thẩm quyền (do Điều lệ Đảng và Luật Tố cáo quy định) xem xét, kết luận, nay tố cáo lại nhưng không có thêm tài liệu, chứng cứ mới làm thay đổi bản chất vụ việc; đơn tố cáo có tên nhưng không rõ nội dung, không chứa đựng, phản ánh nội dung tố cáo; đơn tố cáo không phải bản do người tố cáo trực tiếp ký tên; đơn tố cáo có từ hai người trở lên cùng ký tên; đơn tố cáo của người không có năng lực hành vi dân sự.

- Không giải quyết những trường hợp khiếu nại: Quá thời hạn khiếu nại theo quy định đang được cấp trên có thẩm quyền giải quyết; đã được cấp có thẩm quyền cao nhất xem xét, kết luận, quyết định.

6. Xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và Nhà nước đối với hành vi lợi dụng tố cáo để xuyên tạc sự thật, vu khống nhằm gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, phá hoại bầu cử.

II. TRÁCH NHIỆM CỦA CẤP ỦY, BAN CÁN SỰ ĐẢNG, ĐẢNG ĐOÀN, ỦY BAN KIỂM TRA CÁC CẤP, CÁC CƠ QUAN THAM MƯU, GIÚP VIỆC CỦA CẤP ỦY

1. Trách nhiệm của các cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn

a. Lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện việc giải quyết tố cáo, khiếu nại liên quan công tác bầu cử và nhân sự giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trong đảng bộ, địa phương, cơ quan đơn vị mình; chỉ đạo làm rõ và giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo của đảng viên, công dân ngay từ cơ sở, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người trước, trong và sau ngày bầu cử.

b. Chủ trì giải quyết theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo giải quyết những tố cáo khiếu nại theo Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra giám sát, kỷ luật của Đảng; Quyết định số 210-QĐ/TW, ngày 08/11/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy định giải quyết tố cáo đối với đảng viên là cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và quy định của cấp ủy các cấp về giải quyết tố cáo khiếu nại đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện quản lý.

c. Chỉ đạo giải quyết tố cáo liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và thuộc trách nhiệm giải quyết của nhiều cơ quan, tổ chức, bảo đảm việc giải quyết tố cáo chặt chẽ, đúng quy định.

2. Trách nhiệm của Ủy ban kiểm tra các cấp

a. Tiếp nhận, phân loại, xử lý đầy đủ, chính xác, kịp thời đơn thư tố cáo, khiếu nại liên quan đến nhân sự giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 và tiến hành giải quyết đơn thư thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết; thực hiện chuyển đơn thư tố cáo, khiếu nại không thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết và thông báo cho người tố cáo, khiếu nại biết bằng hình thức thích hợp.

b. Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, đảng viên thực hiện nhiệm vụ giải quyết tố cáo, khiếu nại; báo cáo, đề xuất cấp ủy cùng cấp xem xét, chỉ đạo giải quyết những tố cáo phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, thuộc trách nhiệm giải quyết của nhiều cơ quan, tổ chức; tổng hợp kết quả giải quyết tố cáo, khiếu nại liên quan đến nhân sự giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 thuộc trách nhiệm của mình và báo cáo kịp thời cho cấp ủy cùng cấp để báo cáo Hội đồng bầu cử quốc gia (đối với đại biểu Quốc hội) hoặc thông báo cho Ủy ban bầu cử ở cấp tương ứng (đối với đại biểu Hội đồng nhân dân); đồng thời, báo cáo Ủy ban kiểm tra cấp trên để tổng hợp.

c. Trường hợp tố cáo có nhiều nội dung, liên quan đến trách nhiệm giải quyết của nhiều cơ quan, tổ chức thì Ủy ban kiểm tra chủ trì giải quyết; các cơ quan, tổ chức liên quan phối hợp để cử cán bộ tham gia đoàn giải quyết tố cáo. Trường hợp cần thiết, Ủy ban kiểm tra và các tổ chức đảng có liên quan báo cáo ban thường vụ cấp ủy cùng cấp giao cho một cơ quan chủ trì hoặc ban thường vụ cấp ủy quyết định thành lập đoàn giải quyết tố cáo theo quy định.

d. Cùng với việc giải quyết tố cáo, khiếu nại; Ủy ban kiểm tra các cấp phải tăng cường giám sát, chủ động nắm chắc tình hình nhân sự giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Kịp thời phát hiện tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, các quy định trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức cuộc bầu cử; vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm và quy định về trách nhiệm nêu gương để kiểm tra, kết luận, xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Qua giám sát, nắm tình hình, nếu phát hiện những trường hợp không đủ tiêu chuẩn, điều kiện để giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 thì chủ động phối hợp với ban tổ chức của cấp ủy báo cáo ban thường vụ cấp ủy cùng cấp để báo cáo Hội đồng bầu cử quốc gia (đối với đại biểu Quốc hội) hoặc thông báo cho Ủy ban bầu cử ở cấp tương ứng (đối với đại biểu Hội đồng nhân dân) xem xét, quyết định.

e. Ủy ban kiểm tra của cấp ủy trực thuộc Trung ương có trách nhiệm giúp cấp ủy tổng hợp những tố cáo, khiếu nại liên quan đến cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý là nhân sự giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026 cùng cấp và gửi về Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, giải quyết theo quy định.

3. Trách nhiệm của các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy

a. Tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư tố cáo, khiếu nại liên quan đến nhân sự giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo đúng quy định; chuyển đơn, thư tố cáo, khiếu nại không thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giải quyết và thông báo cho người tố cáo, khiếu nại biết bằng hình thức thích hợp.

b. Chủ trì xem xét giải quyết những tố cáo, khiếu nại thuộc phạm vi, trách nhiệm, thẩm quyền theo đúng Quyết định số 210-QĐ/TW, ngày 08/11/2013 của Bộ Chính trị về giải quyết tố cáo, khiếu nại đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư và quy định của cấp ủy các cấp về giải quyết tố cáo, khiếu nại đối với cán bộ thuộc diện quản lý.

c. Phối hợp với Ủy ban kiểm tra cùng cấp và các tổ chức đảng, cơ quan có liên quan giải quyết những nội dung tố cáo, khiếu nại đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc cấp ủy cùng cấp quản lý theo quy định.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tổ chức đảng các cấp lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm túc Hướng dẫn này.

2. Cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động tổ chức thực hiện công tác giải quyết tố cáo, khiếu nại phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, thẩm quyền.

3. Ủy ban kiểm tra các cấp tham mưu, giúp cấp ủy cùng cấp tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Hướng dẫn này.

Quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban kiểm tra các cấp kịp thời phản ánh về Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

 


Nơi nhận:
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư (để báo cáo),
- Hội đồng bầu cử Quốc gia (để báo cáo),
- Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc TW,
- Các ban đảng, BCSĐ, Đảng đoàn trực thuộc TW,
- UBKT các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc TW,
- Các đồng chí Thành viên UBKTTW,
- Các vụ, đơn vị thuộc Cơ quan UBKTTW,
- Các đồng chí Thư ký Chủ nhiệm UBKTTW,
- Lưu: VT, LT-CNTT, Vụ NC (15b).

T/M ỦY BAN KIỂM TRA
PHÓ CHỦ NHIỆM THƯỜNG TRỰC




Bùi Thị Minh Hoài

 

Chương VII CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT CỦA ĐẢNG VÀ UỶ BAN KIỂM TRA CÁC CẤP

Điều 30.

1. Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng. Tổ chức đảng phải tiến hành công tác kiểm tra, giám sát. Tổ chức đảng và đảng viên chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng.

2. Các cấp uỷ đảng lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng.

Điều 31.

1. Uỷ ban kiểm tra các cấp do cấp uỷ cùng cấp bầu, gồm một số đồng chí trong cấp uỷ và một số đồng chí ngoài cấp uỷ.

2. Các thành viên uỷ ban kiểm tra và chủ nhiệm, phó chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra cấp dưới phải được cấp uỷ cấp trên trực tiếp chuẩn y, nếu điều động chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra sang công tác khác phải được cấp uỷ cấp trên trực tiếp đồng ý.

3. Uỷ ban kiểm tra làm việc theo chế độ tập thể, dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ cùng cấp và sự chỉ đạo, kiểm tra của uỷ ban kiểm tra cấp trên.

Điều 32.

Uỷ ban kiểm tra các cấp có nhiệm vụ :

1. Kiểm tra đảng viên, kể cả cấp uỷ viên cùng cấp khi có dấu hiệu vi phạm tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp uỷ viên và trong việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên.

2. Kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các nguyên tắc tổ chức của Đảng; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng.

3. Giám sát cấp uỷ viên cùng cấp, cán bộ diện cấp uỷ cùng cấp quản lý và tổ chức đảng cấp dưới về việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nghị quyết của cấp uỷ và đạo đức, lối sống theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.

4. Xem xét, kết luận những trường hợp vi phạm kỷ luật, quyết định hoặc đề nghị cấp uỷ thi hành kỷ luật.

5. Giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên; giải quyết khiếu nại về kỷ luật Đảng.

6. Kiểm tra tài chính của cấp uỷ cấp dưới và của cơ quan tài chính cấp uỷ cùng cấp.

Điều 33.

Uỷ ban kiểm tra có quyền yêu cầu tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên báo cáo, cung cấp tài liệu về những vấn đề liên quan đến nội dung kiểm tra.

Chương VIII KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 34.

Tổ chức đảng và đảng viên có thành tích được khen thưởng theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.

Điều 35.

1. Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật phải xử lý công minh, chính xác, kịp thời.

2. Hình thức kỷ luật :

- Đối với tổ chức đảng : khiển trách, cảnh cáo, giải tán;

- Đối với đảng viên chính thức : khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ;

- Đối với đảng viên dự bị : khiển trách, cảnh cáo.

Điều 36.

Thẩm quyền thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm :

1. Chi bộ quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong chi bộ (kể cả cấp uỷ viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý) vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên (trừ nhiệm vụ do cấp trên giao).

Đảng uỷ cơ sở quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong đảng bộ, cách chức cấp uỷ viên cấp dưới.

Đảng uỷ cơ sở được uỷ quyền quyết định kết nạp đảng viên thì có quyền quyết định khai trừ đảng viên, nhưng không phải là cấp uỷ viên cùng cấp và đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý.

2. Cấp uỷ tỉnh, thành, huyện, quận và tương đương quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên; quyết định khiển trách, cảnh cáo cấp uỷ viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên; quyết định khiển trách, cảnh cáo cấp uỷ viên cùng cấp vi phạm nhiệm vụ do cấp uỷ giao.

Ban thường vụ cấp uỷ quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên; quyết định khiển trách, cảnh cáo cấp uỷ viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên, cán bộ thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý vi phạm nhiệm vụ chuyên môn được giao.

3. Ban Chấp hành Trung ương quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Bộ Chính trị.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; khiển trách, cảnh cáo Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên.

4. Uỷ ban kiểm tra từ cấp huyện, quận và tương đương trở lên quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, nhưng không phải là cấp uỷ viên cùng cấp; quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp uỷ cùng cấp quản lý và cấp uỷ viên cấp dưới trực tiếp.

5. Cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra cấp trên có quyền chuẩn y, thay đổi hoặc xoá bỏ hình thức kỷ luật do cấp dưới quyết định.

6. Đảng viên giữ nhiều chức vụ bị kỷ luật cách chức thì tuỳ mức độ, tính chất vi phạm mà cách một hay nhiều chức vụ.

Điều 37.

Thẩm quyền thi hành kỷ luật tổ chức đảng vi phạm :

1. Cấp uỷ cấp trên trực tiếp quyết định khiển trách, cảnh cáo tổ chức đảng cấp dưới.

2. Kỷ luật giải tán một tổ chức đảng do cấp uỷ cấp trên trực tiếp đề nghị, cấp uỷ cấp trên cách một cấp quyết định. Quyết định này phải báo cáo lên cấp uỷ cấp trên trực tiếp và Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.

3. Chỉ giải tán một tổ chức đảng khi tổ chức đó phạm một trong các trường hợp : có hành động chống đường lối, chính sách của Đảng; vi phạm đặc biệt nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng hoặc pháp luật của Nhà nước.

Điều 38.

1. Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm không thuộc thẩm quyền quyết định kỷ luật của cấp mình thì đề nghị lên cấp có thẩm quyền quyết định.

2. Trường hợp tổ chức đảng cấp dưới không xử lý hoặc xử lý không đúng mức đối với tổ chức đảng và đảng viên vi phạm thì cấp uỷ hoặc uỷ ban kiểm tra cấp trên quyết định các hình thức kỷ luật theo thẩm quyền, đồng thời xem xét trách nhiệm của tổ chức đảng đó.

3. Kỷ luật giải tán một tổ chức đảng và khai trừ đảng viên phải được ít nhất hai phần ba số thành viên của tổ chức đảng cấp dưới đề nghị và do tổ chức đảng có thẩm quyền quyết định.

Điều 39.

1. Đảng viên vi phạm phải kiểm điểm trước chi bộ, tự nhận hình thức kỷ luật; nếu từ chối kiểm điểm hoặc bị tạm giam, tổ chức đảng vẫn tiến hành xem xét kỷ luật. Trường hợp cần thiết, cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra cấp có thẩm quyền trực tiếp xem xét kỷ luật.

2. Tổ chức đảng vi phạm phải kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật và báo cáo lên cấp uỷ cấp trên quyết định.

3. Trước khi quyết định kỷ luật, đại diện tổ chức đảng có thẩm quyền nghe đảng viên vi phạm hoặc đại diện tổ chức đảng vi phạm trình bày ý kiến.

4. Quyết định của cấp dưới về kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm phải báo cáo lên cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra cấp trên trực tiếp; nếu đảng viên vi phạm tham gia nhiều cơ quan lãnh đạo của Đảng thì phải báo cáo đến các cơ quan lãnh đạo cấp trên mà đảng viên đó là thành viên.

5. Quyết định của cấp trên về kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm phải được thông báo đến cấp dưới, nơi có tổ chức đảng và đảng viên vi phạm; trường hợp cần thông báo rộng hơn thì do cấp uỷ có thẩm quyền quyết định.

6. Kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm có hiệu lực ngay sau khi công bố quyết định.

7. Tổ chức đảng, đảng viên không đồng ý với quyết định kỷ luật thì trong vòng một tháng, kể từ ngày nhận quyết định, có quyền khiếu nại với cấp uỷ hoặc uỷ ban kiểm tra cấp trên cho đến Ban Chấp hành Trung ương. Việc giải quyết khiếu nại kỷ luật, thực hiện theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.

8. Khi nhận khiếu nại kỷ luật, cấp uỷ hoặc uỷ ban kiểm tra thông báo cho tổ chức đảng hoặc đảng viên khiếu nại biết; chậm nhất ba tháng đối với cấp tỉnh, thành phố, huyện, quận và tương đương, sáu tháng đối với cấp Trung ương, kể từ ngày nhận được khiếu nại, phải xem xét, giải quyết, trả lời cho tổ chức đảng và đảng viên khiếu nại biết.

9. Trong khi chờ giải quyết khiếu nại tổ chức đảng và đảng viên bị kỷ luật phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định kỷ luật.

Điều 40.

1. Đảng viên bị hình phạt từ cải tạo không giam giữ trở lên phải khai trừ ra khỏi Đảng.

2. Tổ chức đảng bị kỷ luật giải tán, cấp uỷ cấp trên trực tiếp lập tổ chức đảng mới hoặc giới thiệu sinh hoạt đảng cho số đảng viên còn lại.

3. Đảng viên bị kỷ luật cách chức, trong vòng một năm, kể từ ngày có quyết định, không được bầu vào cấp uỷ, không được bổ nhiệm vào các chức vụ tương đương và cao hơn.

4. Việc đình chỉ sinh hoạt đảng của đảng viên, đình chỉ sinh hoạt cấp uỷ của cấp uỷ viên, đình chỉ hoạt động của tổ chức đảng phải được cấp uỷ hoặc uỷ ban kiểm tra có thẩm quyền quyết định theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.

Xem nội dung VB




Hiện tại không có văn bản nào liên quan.