Chỉ thị 15/2004/CT-TTg thi hành Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003
Số hiệu: 15/2004/CT-TTg Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Phan Văn Khải
Ngày ban hành: 19/04/2004 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 30/04/2004 Số công báo: Số 21
Lĩnh vực: Tố tụng và các phương thức giải quyết tranh chấp, Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 15/2004/CT-TTg

Hà Nội, ngày 19 tháng 4 năm 2004

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THI HÀNH BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2003.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2004 và thay thế Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 1988 và các Luật sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 1990, năm 1992, năm 2000. Bộ luật mới đã có kế thừa và phát triển một bước pháp luật tố tụng hình sự của Nhà nước, thể chế chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp; là công cụ pháp lý phục vụ cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và các lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.

Để kịp thời tổ chức triển khai thi hành Bộ luật và thực hiện Nghị quyết số 24/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Quốc hội Khóa XI về việc thi hành Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành ngay những công việc dưới đây:

1. Tổ chức tuyên truyền, học tập Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003 đến cán bộ, công chức, sĩ quan, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang và nhân dân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác tư pháp và hỗ trợ tư pháp; trong đó tập trung vào những nội dung mới được sửa đổi, bổ sung. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các cấp cần có tài liệu và kế hoạch cụ thể chỉ đạo triển khai việc phổ biến, tuyên truyền Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003 và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác phổ biến, tuyên truyền và giáo dục pháp luật năm 2004 và 2005. Kết hợp kiểm điểm việc thi hành pháp luật, nhất là quá trình thực hiện Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 1988 và các Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật này trong ngành, địa phương mình, nhằm giúp cho cán bộ, nhân dân nêu cao ý thức và trách nhiệm chấp hành pháp luật, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.

2. Bộ Công an có trách nhiệm:

a) Chủ trì xây dựng và triển khai Phương án tập huấn chuyên sâu về Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ kỹ thuật hình sự, pháp y, cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm, thi hành án hình sự, hỗ trợ tư pháp, quản lý giam giữ thuộc cơ quan Công an; cho điều tra viên, cán bộ được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc các Bộ, ngành khác có liên quan để đáp ứng yêu cầu của Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự.

b) Phối hợp với Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan tổ chức tập huấn về Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003 cho lãnh đạo các cơ quan tư pháp ở Trung ương và cấp tỉnh.

c) Tổ chức triển khai thi hành Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự trong toàn lực lượng Công an nhân dân; có kế hoạch đào tạo, bố trí đội ngũ điều tra viên và cán bộ điều tra, cơ sở vật chất, đáp ứng chủ trương tăng thẩm quyền xét xử sơ thẩm về hình sự cho toà án nhân dân cấp huyện.

3. Bộ Quốc phòng tổ chức triển khai thi hành Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự trong lực lượng Quân đội nhân dân, tập trung vào các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, các cơ quan khác trong Quân đội được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan khác tổ chức thi hành Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự trong lực lượng Kiểm lâm, các đơn vị thường xuyên trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước có thể phát hiện tội phạm trong lĩnh vực quản lý của mình.

5. Bộ Tư pháp có trách nhiệm:

a) Tổ chức triển khai thi hành Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003 trong lực lượng thi hành án thuộc ngành Tư pháp và các đơn vị có liên quan.

b) Phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan khẩn trương rà soát lại các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 1988 để kịp thời bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003 hoặc ban hành mới các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003; tham gia xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ Luật Tố tụng hình sự mới, nhất là những nội dung có hiệu lực ngay sau ngày 01 tháng 7 năm 2004.

c) Phối hợp với Bộ Văn hóa - Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Nội chính Trung ương, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Hội Luật gia Việt Nam, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên để tuyên truyền sâu rộng Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003 trong cán bộ, nhân dân và các đoàn viên, hội viên. Thông qua đợt công tác này đẩy mạnh phong trào toàn dân tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng dân cư, các đoàn thể xã hội trong việc cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội.

6. Bộ Văn hóa - Thông tin phối hợp với Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, các Hội văn học nghệ thuật chỉ đạo các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình ở Trung ương và địa phương có kế hoạch ưu tiên cho việc phổ biến tuyên truyền Bộ Luật Tố tụng hình sự và thường xuyên có chương trình, chuyên mục giới thiệu, giải thích nội dung Bộ luật, nhất là những điểm mới của Bộ luật này.

7. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu, tuyên truyền giáo dục Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003 trong ngành mình; phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng chỉ đạo công tác rà soát hệ thống giáo trình, tài liệu giảng dạy liên quan đến bộ môn Luật Tố tụng hình sự của các học viện, trường đại học, cao đẳng và các tài liệu về giáo dục công dân trong các trường trung học phổ thông để có kế hoạch sửa đổi, bổ sung kịp thời cho phù hợp với Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003.

8. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp tổ chức nghiên cứu Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003; kịp thời phát hiện tội phạm xảy ra tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình và chuyển cơ quan điều tra có thẩm quyền; thực hiện nghiêm chỉnh các kiến nghị của cơ quan tư pháp để khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, phục vụ phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo và hỗ trợ các cơ quan tư pháp địa phương kiện toàn toàn tổ chức, cán bộ, tăng cường cơ sở vật chất để đáp ứng chủ trương tăng thẩm quyền xét xử sơ thẩm về hình sự cho Toà án nhân dân cấp huyện.

9. Bộ Tài chính có trách nhiệm:

a) Tổ chức hướng dẫn, học tập Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003 trong toàn ngành để cán bộ, công nhân, viên chức ngành Tài chính nắm vững nội dung, quy định của Bộ luật; trong đó tập trung vào lực lượng Hải quan và các đơn vị thường xuyên trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước có thể phát hiện tội phạm trong lĩnh vực chuyên môn của mình.

b) Bảo đảm kinh phí phục vụ việc tập huấn chuyên sâu, bồi dưỡng nâng cao trình độ các đối tượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trong Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003 theo Phương án đã được phê duyệt.

10. Các Bộ, ngành chức năng của Chính phủ phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan chức năng của Quốc hội sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003.

11. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kế hoạch cụ thể triển khai thi hành Bộ Luật Tố tụng hình sự trong ngành và trong địa phương mình.

Bộ Công an có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình và kết quả triển khai thi hành Chỉ thị này và định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.