Kế hoạch 93/KH-UBND năm 2019 thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2019-2025
Số hiệu: | 93/KH-UBND | Loại văn bản: | Văn bản khác |
Nơi ban hành: | Tỉnh Nam Định | Người ký: | Trần Lê Đoài |
Ngày ban hành: | 03/07/2019 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Giáo dục, đào tạo, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 93/KH-UBND |
Nam Định, ngày 03 tháng 7 năm 2019 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN DẠY VÀ HỌC NGOẠI NGỮ TRONG HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC DÂN GIAI ĐOẠN 2019 - 2025
Thực hiện Quyết định số 2080/QĐ-TTg ngày 22/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025; UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2019 - 2025 trên địa bàn tỉnh Nam Định, như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung: Đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục của tỉnh, tiếp tục triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ hệ 10 năm ở các cấp học, trình độ đào tạo, nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc; tăng cường năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực trong thời kỳ hội nhập, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; tạo nền tảng phổ cập ngoại ngữ cho giáo dục phổ thông vào năm 2025.
2. Mục tiêu cụ thể:
2.1. Về năng lực giáo viên ngoại ngữ: Phấn đấu hết năm 2020, toàn tỉnh có 98% số giáo viên các cấp học đạt chuẩn năng lực ngôn ngữ theo quy định; 100% giáo viên được tham gia bồi dưỡng các lớp phương pháp, ứng dụng CNTT vào giảng dạy, đổi mới kiểm tra đánh giá...;
2.2. Về năng lực tiếng Anh của học sinh, sinh viên: Phấn đấu đến năm 2025 trên 80% học sinh kết thúc các cấp học phổ thông đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ theo quy định (Tiểu học đạt A1, THCS đạt A2, THPT đạt B1); 100% sinh viên trường cao đẳng sư phạm tốt nghiệp đạt yêu cầu chuẩn nghề nghiệp và khung năng lực ngoại ngữ theo các cấp học và trình độ đào tạo; tạo sự chuyển biến rõ rệt về năng lực nghe và nói tiếng Anh của học sinh và giáo viên tiếng Anh trong tỉnh.
2.3. Đến năm 2025, 100% các trường xây dựng cơ sở giáo dục chất lượng cao, trường THPT chuyên và khoảng 50% các trường THPT có chất lượng giáo dục khá trở lên của tỉnh triển khai thí điểm dạy toán và các môn KHTN bằng tiếng Anh ở những lớp có đủ điều kiện; từng bước thí điểm triển khai dạy các môn Khoa học xã hội bằng tiếng Anh ở các đơn vị này.
2.4. Triển khai có hiệu quả việc dạy tiếng Anh chương trình hệ 10 năm ở những trường có đủ điều kiện của các cấp tiểu học, THCS và THPT; phấn đấu đến năm 2022, 100% học sinh phổ thông học theo chương trình tiếng Anh hệ 10 năm; triển khai chương trình tiếng Anh giao tiếp theo định hướng nghề nghiệp ở các trung tâm giáo dục thường xuyên; thí điểm cho học sinh mầm non làm quen với tiếng Anh.
2.5. Tiếp tục triển khai dạy tiếng Anh với giáo viên nước ngoài theo Quyết định 1965/QĐ-UBND ngày 05/10/2015 và Quyết định số 2160/QĐ-UBND ngày 26/10/2015 của UBND tỉnh Nam Định, phấn đấu đến năm 2020 có 100 trường triển khai dạy tiếng Anh với giáo viên nước ngoài, đến năm 2025 có khoảng 200 trường triển khai theo chương trình này.
2.6. Đảm bảo trang thiết bị tối thiểu, tài liệu, sách giáo khoa dạy-học ngoại ngữ cho các trường, từng bước trang bị phần mềm học ngoại ngữ và sách song ngữ cho giáo viên và học sinh; tăng cường đầu tư phòng học ngoại ngữ tại các trường phổ thông.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của học sinh, phụ huynh học sinh và toàn xã hội về tác dụng của việc dạy và học ngoại ngữ:
Các cấp ủy Đảng chính quyền, các ban ngành đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan tuyên truyền, thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm đẩy mạnh các biện pháp, hình thức tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước; cơ chế, chính sách của tỉnh đối với việc phát triển ngoại ngữ, về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng ngoại ngữ, tạo sự chuyển biến, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn dân về trách nhiệm phát triển việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân.
2. Bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên:
- Xây dựng quy hoạch, kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hàng năm và các giai đoạn đến năm 2020, 2025 phù hợp với các quy định hiện hành, nhằm xây dựng đội ngũ giáo viên đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và đạt chuẩn về trình độ đào tạo;
- Tổ chức bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ, năng lực sư phạm (trực tiếp và trực tuyến), đặc biệt là năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ, đổi mới kiểm tra đánh giá cho giáo viên, giảng viên ngoại ngữ, giáo viên, giảng viên dạy các môn khoa học và chuyên ngành bằng ngoại ngữ, ưu tiên việc bồi dưỡng đối với giảng viên sư phạm ngoại ngữ, giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học, giáo viên tại các khu vực khó khăn;
- Đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp tập huấn và đào tạo, cử giáo viên cốt cán của các trường tham dự các khóa tập huấn có chất lượng trong nước và nước ngoài, tạo điều kiện cho giáo viên có thể tiếp cận với các chương trình giáo dục hiện đại, trao đổi kinh nghiệm dạy học; tiếp tục các lớp bồi dưỡng, nâng cao phương pháp giảng dạy theo hướng thực hành với Hội đồng Anh;
- Xây dựng cơ chế đối với giáo viên ngoại ngữ, chuyển những giáo viên không đạt chuẩn năng lực ngôn ngữ ở những trường chất lượng cao, trường chuyên sang những trường khác;
- Tổ chức cho giáo viên ngoại ngữ giao lưu, tham quan học tập kinh nghiệm của các đơn vị điển hình trong nước và nước ngoài; các cuộc giao lưu, ngoại khóa, hội thảo ngoại ngữ theo chuyên đề; các đợt hội giảng, thi giáo viên dạy giỏi; tham gia các cuộc hội thảo trong nước và quốc tế về giảng dạy ngoại ngữ;
- Tăng cường bồi dưỡng năng lực tiếng Anh và tập huấn phương pháp giảng dạy, khai thác tài liệu cho các giáo viên dạy toán và các môn khoa học; tiếp tục tổ chức Hội thảo, Hội giảng các môn KHTN bằng tiếng Anh.
3. Đẩy mạnh công tác truyền thông, hợp tác quốc tế, xây dựng môi trường dạy và học ngoại ngữ:
- Tăng cường công tác truyền thông về việc dạy và học ngoại ngữ nhằm cung cấp thông tin kịp thời đến toàn xã hội, đặc biệt là giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên và cán bộ quản lý giáo dục;
- Khuyến khích các trường tự liên kết, hợp tác giảng dạy, đào tạo, mời giáo viên tình nguyện và giáo viên người nước ngoài có trình độ sư phạm làm giáo viên giảng dạy cho học sinh và cán bộ, giáo viên của nhà trường;
- Triển khai có hiệu quả và mở rộng Đề án 1965 của tỉnh về Tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong trường phổ thông với giáo viên nước ngoài;
- Phối hợp với các tổ chức phi chính phủ để mời các giáo viên tình nguyện người nước ngoài về giao lưu và giảng dạy tại các trường; đồng thời khuyến khích các trường kết nghĩa với một số trường tiểu học, THCS, THPT, cao đẳng, đại học ở nước ngoài nhằm tăng cường năng lực ngôn ngữ cho học sinh, thí điểm chương trình trao đổi học sinh, sinh viên với các nước có nền giáo dục phát triển trong khu vực và trên toàn thế giới;
- Phát triển và nhân rộng mô hình tự học, tự nâng cao trình độ ngoại ngữ; tăng cường xây dựng môi trường sử dụng ngoại ngữ, ưu tiên các hoạt động theo định hướng nghề nghiệp, phục vụ nhu cầu công việc và hỗ trợ kết nối việc làm; phát động các phong trào học và sử dụng ngoại ngữ như câu lạc bộ ngoại ngữ, Olympic ngoại ngữ, các cuộc thi, giao lưu như: Hùng biện tiếng Anh, tìm hiểu về văn hóa các nước nói tiếng Anh, viết thư bằng tiếng Anh, hát tiếng Anh, kể chuyện tiếng Anh, ngày hội ngoại ngữ, giải toán và các môn KHTN bằng tiếng Anh cho học sinh cấp tiểu học, THCS và THPT...; xây dựng các chương trình ngoại ngữ, các hoạt động sử dụng ngoại ngữ trên các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng, tạo cơ hội tiếp cận ngoại ngữ cho nhiều đối tượng khác nhau.
4. Triển khai các chương trình dạy học mới:
- Triển khai mở rộng dạy-học toán và các môn KHTN bằng tiếng Anh, từng bước thí điểm triển khai dạy các môn Khoa học xã hội bằng tiếng Anh; khuyến khích các trường và học sinh sử dụng sách song ngữ.
- Tăng cường triển khai có hiệu quả việc dạy tiếng Anh chương trình hệ 10 năm ở 100% các trường tiểu học, THCS và THPT;
- Xây dựng chương trình tiếng Anh giao tiếp theo định hướng nghề nghiệp (theo ngành nghề cụ thể) cho học viên các trung tâm giáo dục thường xuyên; chương trình tăng cường dạy tiếng Anh với giáo viên nước ngoài;
- Thí điểm cho học sinh mầm non và học sinh lớp 1, 2 làm quen với tiếng Anh.
5. Đổi mới phương pháp dạy-học, kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế:
- Triển khai thực hiện tốt việc đổi mới chương trình, phương pháp dạy học theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đổi mới hình thức dạy - học, kiểm tra, đánh giá, tạo điều kiện phát triển năng lực tư duy, sáng tạo, kỹ năng thực hành và khả năng giao tiếp của học sinh;
- Tăng cường cho các giáo viên được tham gia các lớp tập huấn về đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, nghiên cứu hành động, đánh giá theo chương trình mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Xây dựng các diễn đàn trên Internet, tổ chức các buổi hội thảo để giáo viên và học sinh trao đổi những kinh nghiệm giảng dạy và học tập môn ngoại ngữ;
- Xây dựng và phát triển ngân hàng đề thi và ngân hàng câu hỏi thi đánh giá năng lực ngoại ngữ;
- Khuyến khích các tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ độc lập, có uy tín trong nước và quốc tế tham gia đánh giá năng lực học sinh và giáo viên như: Hội đồng Anh, ETS Hoa kỳ, IDP Úc, Đại học Cambridge Anh quốc và các trường Đại học có uy tín, đủ năng lực trong nước; tổ chức đánh giá đầu ra cho học sinh theo chuẩn quy định (đạt A1 đối với học sinh tiểu học, A2 đối với học sinh THCS, B1 đối với học sinh THPT và B2 với sinh viên chuyên ngữ của Cao đẳng sư phạm) vào cuối cấp học. Yêu cầu các đơn vị đổi mới việc kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh theo chuẩn quy định, đặc biệt những học sinh được học theo chương trình thí điểm.
6. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường điều kiện dạy và học ngoại ngữ.
- Hình thành và phát triển hệ thống học liệu trực tuyến mở, tạo sự bình đẳng về cơ hội tiếp cận các chương trình ngoại ngữ chất lượng cao cho mọi đối tượng người học;
- Rà soát các thiết bị dạy học đã có, đối chiếu với các thiết bị dạy học tối thiểu, số lớp, số học sinh để mua sắm đảm bảo đủ số lượng, chất lượng phục vụ giảng dạy tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí, từng bước đầu tư trang thiết bị cho các phòng nghe nhìn và phòng đa phương tiện cho các nhà trường;
- Tăng cường trang thiết bị cần thiết đáp ứng được yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ, ưu tiên các khu vực khó khăn;
- Xây dựng và triển khai kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên, định kỳ về công tác sử dụng thiết bị dạy và học ngoại ngữ, bảo đảm tính thiết thực và hiệu quả; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc dạy và học ngoại ngữ ở các nhà trường;
- Từng bước trang bị: Phòng học ngoại ngữ (ưu tiên đầu tư trang bị phòng thông dụng); phòng đọc ngoại ngữ: gồm sách, báo, tạp chí tiếng nước ngoài; các học liệu, phần mềm học ngoại ngữ.
7. Đẩy mạnh xã hội hóa trong dạy và học ngoại ngữ.
- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ, hợp tác, đầu tư, cung cấp các dịch vụ dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là các chương trình dạy và học ngoại ngữ theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin;
- Khuyến khích và phát huy cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục và đào tạo trong việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ;
- Kiểm soát chất lượng, phát huy vai trò của các trung tâm ngoại ngữ trên toàn quốc.
8. Nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Đề án.
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ và đột xuất;
- Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá;
- Nâng cao hiệu quả quản lý; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Đề án;
- Xây dựng và triển khai chương trình bồi dưỡng, tăng cường năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý triển khai hoạt động dạy và học ngoại ngữ.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Nguồn kinh phí:
- Chương trình Đề án của Bộ;
- Kinh phí của địa phương, đơn vị;
- Các nguồn thu hợp pháp khác: Tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn xã hội hóa khác.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Lộ trình thực hiện
1.1. Giai đoạn 2019-2020:
- Tập trung đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên dạy ngoại ngữ của đơn vị, đặc biệt giáo viên ngoại ngữ chưa đạt chuẩn, phấn đấu đến năm 2020 có 98% giáo viên tiếng Anh của tỉnh đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngôn ngữ 06 bậc của Việt Nam;
- Triển khai dạy mở rộng chương trình tiếng Anh mới hệ 10 năm cho 100% học sinh các cấp tiểu học, THCS và THPT trong tỉnh;
- Triển khai dạy tiếng Anh với người nước ngoài theo hình thức xã hội hóa cho khoảng 100 trường; triển khai dạy thí điểm toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh ở một số lớp có đủ điều kiện tại ít nhất 02 trường tiểu học, 10 trường THCS và 15 trường THPT;
- Triển khai bồi dưỡng phương pháp giảng dạy theo hướng thực hành với Hội đồng Anh cho khoảng 500 giáo viên tiếng Anh;
- Mời 10-15 lượt tình nguyện viên về dạy tiếng Anh tại các trường phổ thông;
- Tổ chức các hoạt động nhằm tăng cường việc dạy và học ngoại ngữ cho giáo viên và học sinh;
- Xây dựng chương trình tiếng Anh giao tiếp theo định hướng nghề nghiệp cho học viên các Trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh, chương trình tăng cường giảng dạy tiếng Anh với giáo viên nước ngoài;
- Tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Anh cho học sinh các cấp học theo hình thức xã hội hóa;
- Bổ sung trang thiết bị, phần mềm, học liệu cho dạy và học ngoại ngữ.
1.2. Giai đoạn 2021-2025
- Triển khai dạy tiếng Anh với người nước ngoài theo hình thức xã hội hóa cho khoảng 200 trường; triển khai dạy thí điểm toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh ở một số lớp có đủ điều kiện tại ít nhất 05 trường tiểu học, 15 trường THCS và 20 trường THPT;
- Triển khai bồi dưỡng phương pháp giảng dạy theo hướng thực hành với Hội đồng Anh cho khoảng 750 giáo viên tiếng Anh;
- Mời 20-25 lượt tình nguyện viên về dạy tiếng Anh tại các trường phổ thông;
- Tổ chức các hoạt động nhằm tăng cường việc dạy và học ngoại ngữ cho giáo viên và học sinh;
- Tổ chức thi đánh giá năng lực tiếng Anh cho học sinh các cấp học theo hình thức xã hội hóa;
- Bổ sung trang thiết bị, phần mềm, học liệu cho dạy và học ngoại ngữ.
- Cử 100 giáo viên cốt cán đi bồi dưỡng về năng lực tiếng Anh và năng lực sư phạm để làm giảng viên cho các lớp tập huấn;
- Trang bị các lớp học chương trình hệ 10 năm các thiết bị hiện đại phục vụ dạy và học ngoại ngữ như: máy chiếu, máy tính giáo viên (laptop), hệ thống loa, bàn ghế di động...;
- Trang bị phòng đọc ngoại ngữ hoặc tủ sách ngoại ngữ.
2. Phân công nhiệm vụ:
2.1. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì triển khai Đề án
- Tham mưu với UBND tỉnh thành lập Ban xây dựng, điều chỉnh Đề án và triển khai kế hoạch thực hiện Quyết định số 2080/QĐ-TTg ngày 22/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2019-2025 gồm đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan do Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo làm Trưởng ban.
- Chủ trì phối hợp với các Sở, Ngành có liên quan, các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết từng năm để chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện; kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Đề án theo từng giai đoạn, định kỳ báo cáo UBND tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Phối hợp với Sở Nội vụ về việc giao định mức biên chế giáo viên ngoại ngữ, các cơ chế, chính sách tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh.
2.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các Sở, Ngành có liên quan hướng dẫn, lồng ghép thực hiện đề án với các chương trình đề án có liên quan và tổng hợp vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung hàng năm của tỉnh;
2.3. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các Sở, Ngành có liên quan phân bổ, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kinh phí triển khai thực hiện Đề án theo các quy định hiện hành của luật ngân sách nhà nước.
2.4. Sở Nội vụ: Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, hướng dẫn, ban hành hoặc trình UBND tỉnh các văn bản về cơ chế, chính sách tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, định mức biên chế giáo viên ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh.
2.5. Báo Nam Định, Đài phát thanh-truyền hình tỉnh: Tăng cường công tác tuyên truyền về tác dụng của việc dạy và học Ngoại ngữ; sự cần thiết có trình độ ngoại ngữ trong đời sống xã hội hiện nay.
2.6. UBND các huyện và thành phố: Chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo, các cơ quan chức năng ở địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch; kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện Đề án tại địa phương, định kỳ báo cáo với UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện.
2.7. Các cơ sở giáo dục:
- Quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các hoạt động liên quan đến công tác đào tạo ngoại ngữ trong đơn vị đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của ngành và của địa phương;
- Tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ trong thẩm quyền được giao.
Trên đây là Kế hoạch Triển khai thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2019 - 2025 trên địa bàn tỉnh Nam Định; yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Quyết định 2080/QĐ-TTg năm 2017 về phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025 Ban hành: 22/12/2017 | Cập nhật: 27/12/2017