Kế hoạch số 93/KH-UBND về việc phòng chống dịch cúm a(H1N1) ở người năm 2009 do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
Số hiệu: | 93/KH-UBND | Loại văn bản: | Văn bản khác |
Nơi ban hành: | Thành phố Hà Nội | Người ký: | Đào Văn Bình |
Ngày ban hành: | 02/07/2009 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Y tế - dược, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 93/KH-UBND |
Hà Nội, ngày 02 tháng 07 năm 2009 |
KẾ HOẠCH
PHÒNG CHỐNG DỊCH CÚM A(H1N1) Ở NGƯỜI NĂM 2009
Ngày 11/6/2009 Tổ chức Y tế Thế giới đã nâng mức cảnh báo dịch cúm A(H1N1) từ mức 5 lên mức 6 (mức đại dịch). Theo tính toán của các chuyên gia, khi đại dịch xảy ra sẽ có khoảng 1/3 dân số Thế giới mắc.
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, đến ngày 29/6/2009 đã có 59.814 trường hợp dương tính với cúm A(H1N1) tại 112 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có 263 trường hợp tử vong. Số người mắc cúm A(H1N1) vẫn đang tiếp tục tăng tại nhiều nước trên thế giới và trong khu vực.
Tính đến ngày 29/6/2009, Việt Nam có 123 trường hợp dương tính với cúm A(H1N1).
Tại Hà Nội, đến 29/6/2009 có 12 trường hợp dương tính với cúm A(H1N1), tất cả những trường hợp này đều đến Việt Nam từ vùng có dịch. Dự báo, trong thời gian tới số trường hợp dương tính với cúm A(H1N1) ở Hà Nội tiếp tục gia tăng và theo đó, gia tăng số người trong cộng đồng tiếp xúc với những trường hợp mắc cúm A(H1N1). Vì vậy, nguy cơ dịch lan ra cộng đồng rất lớn.
Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch cúm A(H1N1), UBND Thành phố ban hành kế hoạch phòng, chống dịch cúm A(H1N1) trên địa bàn Hà Nội như sau:
A. MỤC TIÊU
I. MỤC TIÊU CHUNG
Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, cách ly và điều trị triệt để các trường hợp cúm A(H1N1) không để dịch lan rộng ra cộng đồng; hạn chế thấp nhất số mắc, biến chứng và tử vong do dịch cúm A(H1N1); giảm đến mức thấp nhất ảnh hưởng của dịch cúm A(H1N1) tới kinh tế, xã hội và đời sống của nhân dân Thủ đô.
II. MỤC TIÊU CỤ THỂ
- Giám sát 100% hành khách đến từ vùng có dịch.
- 100% các trường hợp nghi cúm được cách ly kịp thời; giám sát, theo dõi sức khỏe cho 100% các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân cúm A(H1N1).
- Đảm bảo 100% bệnh nhân cúm A(H1N1) được điều trị triệt để, không có biến chứng và tử vong.
- 100% Sở, ngành trong Ban chỉ đạo và UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kết hoạch, phương án phòng chống dịch cúm A(H1N1) theo từng cấp độ dịch.
B. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
1. Kiện toàn BCĐ phòng chống dịch từ Thành phố đến quận, huyện, thị xã; các xã, phường, thị trấn. Huy động các Sở, ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức xã hội tích cực tham gia các hoạt động phòng chống dịch cúm A(H1N1) tại cộng đồng.
2. Củng cố hệ thống giám sát dịch từ Thành phố đến cơ sở, giám sát chặt chẽ tình hình dịch cúm A(H1N1) tại cộng đồng để phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ cúm A(H1N1) nhằm cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không cho dịch lan rộng.
3. Thông tin kịp thời, chính xác diễn biến dịch cúm A(H1N1) và các biện pháp phòng chống dịch; tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch để nhân dân biết và tự giác áp dụng các biện pháp bảo vệ sức khỏe, tham gia tích cực công tác phòng chống dịch cúm A(H1N1) tại cộng đồng.
4. Chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao đáp ứng diễn biến dịch theo từng cấp độ.
5. Các quận, huyện, thị xã xây dựng phương án tổ chức diễn tập phòng chống cúm A(H1N1) nhằm chủ động ứng phó với tình huống dịch xảy ra.
6. Đảm bảo chế độ thông tin giúp công tác điều hành và phối hợp lực lượng giữa các cấp được kịp thời. Thực hiện báo cáo dịch theo quy định.
C. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG CHỐNG DỊCH TP
- Đôn đốc, kiểm tra các Sở, ngành; quận, huyện, thị xã thực hiện kế hoạch phòng chống dịch cúm A(H1N1).
- Chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch cúm A(H1N1) của Thành phố theo từng cấp độ dịch.
- Tổ chức giao ban định kỳ, giao ban đột xuất (khi cần thiết). Nắm bắt thông tin về diễn biến của dịch để có chỉ đạo kịp thời.
II. CÁC SỞ, NGÀNH
1. Sở Y tế:
Chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện các nội dung sau:
- Tăng cường giám sát dịch tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ cúm A(H1N1) để tổ chức cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không cho dịch lan rộng.
- Tiếp tục giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh, đặc biệt hành khách đến từ vùng có dịch để phát hiện sớm, cách ly và thông tin kịp thời về những trường hợp nghi ngờ hoặc tiếp xúc với bệnh nhân cúm A(H1N1) giúp cho việc theo dõi tiếp tại cộng đồng.
- Chỉ đạo các cơ sở điều trị đảm bảo nhân lực, khu cách ly đủ giường bệnh, trang thiết bị, thuốc, hóa chất vật tư tiêu hao sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân cúm A(H1N1).
- Phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí của Trung ương và Hà Nội thông tin kịp thời, chính xác diễn biến dịch.
2. Sở Văn hóa Thể thao Du lịch
- Chỉ đạo các công ty du lịch, các công ty lữ hành, khách sạn báo cáo kịp thời danh sách về các trường hợp nghi ngờ và hành trình của các đoàn khách từ vùng có dịch cho Sở Y tế để phối hợp quản lý sức khỏe.
- Xem xét việc tạm ngừng tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao không cần thiết nhằm hạn chế tập trung đông người trong thời gian có dịch.
3. Sở Thông tin, Truyền thông:
- Chỉ đạo các cơ quan báo, đài Thành phố tăng cường tần xuất, thời lượng thông tin về các biện pháp phòng chống dịch cúm A(H1N1) nhằm định hướng cho nhân dân tự bảo vệ sức khỏe và cộng tác chặt chẽ với cơ quan Y tế trong phòng chống dịch.
- Phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí của Trung ương đưa tin kịp thời, chính xác về diễn biến dịch, các biện pháp phòng chống dịch được triển khai trên địa bàn Thành phố gây hoang mang hoặc chủ quan trong công tác phòng chống dịch cúm A(H1N1).
4. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Cung cấp thông tin về dịch cúm A(H1N1) và các biện pháp phòng chống dịch cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong các nhà trường.
- Tổ chức tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch cúm A(H1N1) cho học sinh, sinh viên. Khi cần, huy động học sinh, sinh viên tham gia vào các hoạt động phòng chống dịch tại cộng đồng.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Tổ chức tiêm phòng vắc xin phòng cúm A(H5N1) cho gia cầm, thủy cầm nhằm hạn chế nguy cơ vi rút cúm A(H5N1) tái tổ hợp với vi rút cúm A(H1N1) thành chủng vi rút mới nguy hiểm.
- Đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân thủ đô trong tình huống dịch lan rộng.
- Thường trực 24/24 giờ tại các chốt kiểm dịch để ngăn chặn vận chuyển gia súc, gia cầm mắc bệnh không được vào Thành phố.
6. Công an Thành phố:
- Chỉ đạo các lực lượng trong ngành triển khai công tác đảm bảo an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn Thành phố.
- Chỉ đạo công an cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài cung cấp danh sách những người về từ vùng có dịch cho Trung tâm kiểm dịch Y tế Quốc tế để giám sát, quản lý sức khỏe; giải quyết nhanh thủ tục xuất, nhập cảnh cho các hành khách nhằm hạn chế tập trung đông người.
- Chỉ đạo lực lượng an ninh quản lý chặt chẽ hành khách nước ngoài tại các khu vực cách ly ở cộng đồng khi có dịch xảy ra.
7. Bộ tư lệnh Thủ đô:
- Xây dựng phương án sử dụng doanh trại để triển khai bệnh viện dã chiến sẵn sàng chi viện cho Ngành Y tế cách ly, điều trị bệnh nhân trong tình huống khẩn cấp theo đề nghị của ngành Y tế.
- Chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các đơn vị thuộc Bộ tư lệnh Thủ đô xây dựng kế hoạch phòng chống dịch của từng đơn vị.
8. Sở Công thương:
- Chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định trong kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm của các cơ sở kinh doanh: nhà hàng, siêu thị…
- Chỉ đạo Chi cục quản lý thị trường phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý thị trường không để thực phẩm không rõ nguồn gốc xâm nhập vào địa bàn Thành phố.
9. Sở Giao thông Vận tải:
Xây dựng phương án huy động các phương tiện vận tải công cộng đáp ứng với tình huống cần vận chuyển người dân đến khu vực cách ly theo yêu cầu của BCĐ phòng chống dịch Thành phố.
10. Sở Tài chính:
- Cấp đủ kinh phí cho hoạt động phòng chống dịch; chuẩn bị nguồn kinh phí dự phòng cho công tác phòng chống dịch trong trường hợp cần thiết…
- Hướng dẫn chế độ chi phục vụ công tác phòng chống dịch trên địa bàn Thành phố.
11. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Chỉ đạo các công ty Môi trường đô thị, các đơn vị trực thuộc quản lý tốt nguồn rác thải, chất thải ở các địa phương; đặc biệt là rác thải y tế, rác thải sân bay Nội Bài. Đảm bảo việc xử lý nguồn rác thải, chất thải, không để dịch bệnh lây lan.
12. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Chỉ đạo các đơn vị nuôi dưỡng đối tượng thuộc ngành quản lý thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch cúm A(H1N1).
- Chỉ đạo phòng Lao động thương binh và xã hội các quận, huyện, thị xã triển khai trợ cấp kịp thời cho những gia đình có người bị tử vong do dịch cúm A(H1N1) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
- Chỉ đạo Ban phục vụ Tang lễ phối hợp chặt chẽ với các cơ sở Y tế xử lý các trường hợp bị tử vong do dịch cúm A(H1N1) theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
13. Cảng vụ Hàng không Miền bắc:
Chỉ đạo các đơn vị tại sân bay quốc tế Nội Bài triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch theo kế hoạch đã xây dựng.
14. Cục Hải quan:
Chỉ đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Nội Bài và các đơn vị trong ngành phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế xử lý hàng hóa bị ô nhiễm.
15. UBND các quận, huyện, thị xã
- Chỉ đạo củng cố BCĐ phòng chống dịch từ quận, huyện, thị xã đến xã, phường, thị trấn. Ban chỉ đạo các cấp xây dựng phương án đáp ứng y tế theo từng cấp độ dịch; có kế hoạch sử dụng nơi làm việc của các công sở làm khu vực cách ly trong tình huống có nhiều người cần cách ly.
- Chỉ đạo các ban, ngành thực hiện công tác phòng chống dịch theo nhiệm vụ được phân công. Huy động lực lượng của các đoàn thể, các tổ chức xã hội tham gia vào công tác phòng chống dịch.
- Chỉ đạo tăng cường công tác thông tin về diễn biến dịch; tuyên truyền để nhân dân biết cách tự phòng bệnh cho mình, chủ động đến các cơ sở y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ và tích cực tham gia vào các hoạt động phòng chống dịch tại cộng đồng.
- Tổ chức giao ban định kỳ, trường hợp cần thiết giao ban đột xuất để kịp thời chỉ đạo công tác phòng chống dịch.
III. CHẾ ĐỘ THƯỜNG TRỰC VÀ THÔNG TIN, BÁO CÁO
- Duy trì giao ban BCĐ phòng chống dịch Thành phố định kỳ 1 lần/quý (khi không có dịch), khi có dịch giao ban định kỳ 1 lần/tuần (khi có tình huống khẩn cấp BCĐ Thành phố sẽ triệu tập họp đột xuất).
- Sở Y tế là cơ quan thường trực BCĐ Thành phố đôn đốc các thành viên BCĐ triển khai các hoạt động phòng chống dịch và tổng hợp báo cáo với BCĐ Thành phố và Bộ Y tế. Các thành viên BCĐ có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra công tác phòng chống dịch theo nhiệm vụ được phân công.
- Chế độ thông tin, báo cáo: Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo dịch theo Quyết định 4880/2002/QĐ-BYT ngày 06/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
IV. KINH PHÍ
- Các ngành thành viên BCĐ dự trù kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch của ngành mình, trình UBND Thành phố phê duyệt.
- Các quận, huyện, thị xã chủ động bố trí nguồn kinh phí của địa phương cho hoạt động phòng chống dịch; huy động kinh phí từ các nguồn phục vụ công tác phòng chống dịch.
UBND Thành phố yêu cầu các Sở, Ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, thành viên Ban chỉ đạo từ Thành phố đến cơ sở tổ chức triển khai thực hiện tốt Kế hoạch này./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Quyết định 4880/2002/QĐ-BYT về Quy chế thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm gây dịch Ban hành: 06/12/2002 | Cập nhật: 08/01/2011