Kế hoạch 892/KH-BTTTT năm 2014 tổ chức ngày sách Việt Nam trên toàn quốc
Số hiệu: 892/KH-BTTTT Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông Người ký: Trương Minh Tuấn
Ngày ban hành: 26/03/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------------

Số: 892/KH-BTTTT

Hà Nội, ngày 26 tháng 03 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC NGÀY SÁCH VIỆT NAM TRÊN TOÀN QUỐC

Thực hiện Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Kế hoạch tổ chức Ngày Sách Việt Nam như sau:

A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, THỜI GIAN TỔ CHỨC

I. Mục đích

- Xây dựng và phát triển phong trào đọc sách, hướng tới xây dựng một xã hội học tập, một nét đẹp trong đời sống xã hội.

- Khẳng định vai trò, tầm quan trọng của sách; tôn vinh giá trị của sách, xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng và tôn vinh những người tham gia quá trình sưu tầm, nghiên cứu, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ và quảng bá sách.

- Đẩy mạnh hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ và quảng bá những cuốn sách hay, có giá trị về nội dung và hình thức đến người đọc trong và ngoài nước.

- Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội, đội ngũ những người viết sách, tham gia hoạt động xuất bản, in và phát hành sách.

II. Yêu cầu

- Ngày Sách Việt Nam được tổ chức thường xuyên trong năm với các hoạt động phong phú, đa dạng. Các hoạt động được tổ chức phải bảo đảm mục đích, yêu cầu tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam.

- Việc tổ chức Ngày Sách Việt Nam đảm bảo thiết thực, hiệu quả nhằm phát huy sức mạnh, sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng, các tổ chức xã hội.

III. Thời gian tổ chức

- Các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam tổ chức bắt đầu từ tháng 3 đến hết tháng 4 hàng năm.

- Các hoạt động chính của Ngày Sách Việt Nam được tổ chức trọng tâm từ 19/4 đến ngày 23/4 hàng năm.

B. CÁC HOẠT ĐỘNG NGÀY SÁCH VIỆT NAM

I. Các hoạt động của Ngày Sách Việt Nam tại Trung ương

1. Đơn vị chủ trì: Bộ Thông tin và Truyền thông.

2. Đơn vị phối hợp: Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam – Bộ Quốc Phòng; Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Hội Xuất bản Việt Nam; Hội Thư viện Việt Nam; Hội Nhà văn Việt Nam và các cơ quan, tổ chức liên quan.

3. Đơn vị tham mưu và tổ chức thực hiện: Cục Xuất bản, In và Phát hành.

4. Nội dung tổ chức  

- Tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam.

- Tổ chức chuỗi hoạt động của Ngày Sách Việt Nam lần thứ nhất (từ ngày 19/4/2014 đến ngày 21/4/2014).

+ Tổ chức đường phố sách với các gian hàng giới thiệu sách của các nhà xuất bản, đơn vị phát hành trên toàn quốc; các hoạt động giao lưu dưới nhiều hình thức như: Chương trình giao lưu, tọa đàm, kể chuyện theo sách; giao lưu giữa các nhà văn hóa, nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ… với công chúng; tổ chức bình thơ, văn; thi xếp sách nghệ thuật; tổ chức cuộc thi vẽ tranh theo sách dành cho thiếu nhi; ký tặng sách; hiến tặng sách…

+ Triển lãm, Hội chợ sách.

+ Tổ chức trao Giải thưởng sách.

- Quyên góp sách tặng trẻ em nghèo, hỗ trợ các thư viện vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…

+ Phát động, nhân rộng mô hình: Tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách trường học, tủ sách hậu phương quê hương chiến sỹ…

5. Địa điểm tổ chức: Tổ chức Ngày Sách Việt Nam lần thứ nhất tại thành phố Hà Nội (địa điểm tổ chức Ngày Sách Việt Nam các năm tiếp theo do Ban Chỉ đạo toàn quốc quyết định).

II. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam

1. Tổ chức Ngày Sách Việt Nam trong hệ thống các trường học trên toàn quốc

- Đơn vị chủ trì: Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Đơn vị phối hợp: Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan.

- Đơn vị tham gia: Hệ thống trường học các cấp trên toàn quốc.

- Nội dung tổ chức:

+ Tổ chức “Ngày hội đọc sách” theo từng chủ đề tại các trường học.

+ Phát động phong trào đọc sách trong thư viện nhà trường; tổ chức các câu lạc bộ về sách với các hoạt động ngoại khóa.

+ Phát động, tổ chức các phong trào, chương trình thu gom sách, ủng hộ sách vở, hỗ trợ cho các trường học vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn.

+ Các hình thức tổ chức sự kiện khác nhằm xây dựng văn hóa đọc cho học sinh, sinh viên.

2. Tổ chức Ngày Sách Việt Nam trong hệ thống thư viện trên toàn quốc

- Đơn vị chủ trì: Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch.

- Đơn vị phối hợp: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Thư viện Việt Nam và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan.

- Đơn vị thực hiện: Vụ Thư viện, Thư viện Quốc gia Việt Nam.

- Đơn vị tham gia: Các đơn vị trong ngành Thư viện; ngành Xuất bản, In và Phát hành và các cơ quan, tổ chức liên quan.

- Nội dung tổ chức:

+ Đối với thư viện công cộng: Tổ chức triển lãm sách; giao lưu tác giả, tác phẩm; tổ chức các hội thi tuyên truyền, giới thiệu về sách; hướng dẫn kỹ năng đọc, chọn sách phù hợp cho từng đối tượng đọc và các hình thức biểu diễn nghệ thuật lồng ghép nội dung tuyên truyền việc học, việc đọc sách.

+ Đối với thư viện chuyên ngành: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ để xây dựng kế hoạch phát động phong trào hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam cho phù hợp.

+ Đối với thư viện trường học: Khuyến khích xây dựng và phát triển mô hình thư viện trường học thân thiện với các hình thức tổ chức phong phú, đa dạng, hấp dẫn, phù hợp với từng cấp học và ngành học.

3. Các bộ, ngành, tổ chức hội, đoàn thể Trung ương: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình để tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam phù hợp với yêu cầu thực tế. Có thể tổ chức với nhiều hình thức khác nhau như:

- Tổ chức các cuộc thi đọc sách gắn liền với hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam…

- Đưa các hoạt động của Ngày Sách Việt Nam gắn với sinh hoạt chính trị, văn hóa tinh thần của các tổ chức, đơn vị thuộc lực lượng an ninh, quốc phòng.

- Khuyến khích thành lập tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng;

- Lồng ghép vào hoạt động của đoàn, đội, hội để huy động giới trẻ hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam với những hoạt động phục vụ lợi ích cộng đồng như: Đem sách tới phục vụ người bệnh, người cao tuổi, người khuyết tật; trao tặng sách cho các đơn vị làm nhiệm vụ tại địa bàn biên giới hải đảo, các khu dân cư nghèo, các trại giam.

III. Tổ chức Ngày Sách Việt Nam hàng năm tại địa phương

1. Đơn vị chủ trì: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Đơn vị phối hợp: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy.

3. Đơn vị tham mưu, thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch; Sở Giáo dục và Đào tạo; Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật.

4. Nội dung tổ chức:

- Triển lãm, hội chợ sách.

- Tổ chức Đường sách, phố sách với các gian hàng giới thiệu, bán sách giá ưu đãi, trưng bày sách hay, sách đẹp, phục vụ đọc sách miễn phí…

- Tổ chức Tuần lễ sách vở: các hoạt động như: Hội thảo, nói chuyện, tọa đàm về sách; giao lưu giữa các nhà văn hóa, khoa học, nhà văn, nhà thơ với độc giả; giới thiệu sách, trao giải sách hay, sách đẹp; tổ chức các cuộc thi đọc sách, thì bình sách; giới thiệu các kỷ lục về sách; trao tặng sách, đấu giá sách…

- Giới thiệu và tôn vinh các tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách hậu phương quê hương chiến sỹ…

- Phát động phong trào xây dựng văn hóa đọc thông qua các hoạt động phong phú, sâu rộng của các tổ chức, đoàn thể xã hội.

C. CÔNG TÁC THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN VỀ NGÀY SÁCH VIỆT NAM

1. Đơn vị chỉ đạo: Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Thông tin và Truyền thông.

2. Tổ chức thực hiện:

a. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam

- Chịu trách nhiệm tổ chức truyền hình, phát thanh trực tiếp Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam.

- Đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá về Ngày Sách Việt Nam, xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng.

- Xây dựng kế hoạch tuyên truyền về Ngày Sách Việt Nam với các bản tin, các chương trình giao lưu, tọa đàm, chuyên đề, phim tài liệu, phóng sự liên quan đến văn hóa đọc và phong trào đọc sách trong cộng đồng trước, trong và sau Ngày Sách Việt Nam (ngày 21/4 hàng năm).

b. Các cơ quan thông tin báo chí ở Trung ương và địa phương

- Đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá về Ngày Sách Việt Nam, xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng.

- Xây dựng các chương trình giới thiệu và tuyên dương các cá nhân điển hình tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ và quảng bá sách.

Trên đây là Kế hoạch tổ chức Ngày Sách Việt Nam trên toàn quốc. Các bộ, ngành, địa phương; các tổ chức, hội, đoàn thể Trung ương căn cứ kế hoạch chung và điều kiện thực tế của mình để tổ chức triển khai cụ thể Ngày Sách Việt Nam hàng năm với các hoạt động phong phú, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan thông báo về Bộ Thông tin và Truyền thông (qua Cục Xuất bản, In và Phát hành) để phối hợp điều chỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (để b/c);
- Văn phòng Trung ương Đảng và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan TW của các đoàn thể;
- Văn phòng Chính phủ: BTCN, các PVN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Bộ trưởng Nguyễn Bắc Sơn (để b/c);
- Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các thành viên trong BCĐ, BTC;
- Lưu VT, CXBIPH, CN.(240).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trương Minh Tuấn