Kế hoạch 82/KH-UBND năm 2020 về đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 lĩnh vực bố trí dân cư và di dân, tái định cư thủy lợi, thủy điện
Số hiệu: 82/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn Người ký: Hồ Tiến Thiệu
Ngày ban hành: 14/05/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Trật tự an toàn xã hội, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 82/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 14 tháng 5 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN GIAI ĐOẠN 2021-2025 LĨNH VỰC BỐ TRÍ, SẮP XẾP ỔN ĐỊNH DÂN CƯ VÀ DI DÂN, TÁI ĐỊNH CƯ CÁC DỰ ÁN THỦY LỢI, THỦY ĐIỆN

Kính gửi: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thực hiện Công văn số 2716/BNN-KTHT ngày 20/4/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 lĩnh vực bố trí dân cư và di dân, tái định cư thủy lợi, thủy điện, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn báo cáo như sau:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

1. Bố trí dân cư theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ

a) Số dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư:

Tổng số dự án đầu tư bố dân cư thực hiện giai đoạn 2016 - 2020 là 08 dự án, bao gồm: dự án đầu tư bố trí dân cư vùng thiên tai là 01 dự án (bố trí ổn định dân cư xen ghép cho 115 hộ dân, số vốn được duyệt là 10.500 triệu đồng); dự án đầu tư bố trí dân cư vùng biên giới là 05 dự án (quy mô 109 hộ dân, số vốn được duyệt là 250.528 triệu đồng); dự án đầu tư bố trí ổn định dân di cư tự do là 01 dự án (quy mô 151 hộ dân, số vốn được duyệt là 25.700 triệu đồng); dự án ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn (quy mô 105 hộ dân, với số nhân khẩu là 447 nhân khẩu của một số thôn, bản thuộc xã Quý Hòa, số vốn dự kiến là 110.000 triệu đồng). Trong đó:

- Dự án đầu tư bố trí dân cư đã hoàn thành: 04 dự án, gồm: di dân thành lập bản mới giáp biên Nặm Xà, xã Đội Cấn, huyện Tràng Định; di dân thành lập bản mới giáp biên Kéo Kèn, xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định; dự án ổn định dân cư tại chỗ, chống di cư tự do cho 03 thôn: Bản Lăm, Thiên Cần và Hợp Đường xã Liên Sơn, huyện Chi Lăng; báo cáo đầu tư bố trí dân cư xen ghép do bị ảnh hưởng của thiên tai năm 2014).

- Dự án đầu tư bố trí dân cư đang thực hiện dở dang: 03 dự án, gồm: dự án di dân thành lập bản mới giáp biên giới Nà Ngòa xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng; dự án di dân thành lập thôn mới giáp biên Pò Lục, xã Thuỵ Hùng, huyện Văn Lãng; dự án di dân lập bản mới giáp biên Nà Khoang, xã Tam Gia, huyện Lộc Bình.

- Dự án đầu tư bố trí dân cư mới được bố trí vốn để thực hiện dự án: 01 dự án là dự án sắp xếp dân cư ra khỏi vùng thiên tai và vùng khó khăn thuộc thôn Nà Kéo, xã Quý Hòa, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn.

b) Về số hộ được bố trí, sắp xếp, ổn định theo các đối tượng:

Giai đoạn 2016 -2020, thực hiện bố trí dân cư là 249 hộ dân, trong đó:

- Bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai là 57 hộ (55 hộ theo hình thức di dân xen ghép; 02 hộ theo hình thức ổn định tại chỗ);

- Bố trí ổn định dân cư vùng biên giới là 41 hộ, hình thức di dân tập trung;

- Bố trí ổn định dân cư vùng di cư tự do là 151 hộ, hình thức đầu tư cơ sở hạ tầng để ổn định tại chỗ. Chi tiết tổng hợp theo Phụ lục I đính kèm.

c) Về vốn được giao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 thực hiện các dự án đầu tư bố trí, sắp xếp ổn định dân cư

- Tổng số vốn được giao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 (kể cả vốn bổ sung ngoài kế hoạch trung hạn năm 2020) là 161.456 triệu đồng; bao gồm: ngân sách trung ương là 45.620 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển 34.120 triệu đồng; sự nghiệp kinh tế 11.500 triệu đồng); ngân sách địa phương là 115.836 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển là 115.836 triệu đồng; sự nghiệp kinh tế: 0 triệu đồng).

- Tổng số vốn đã giao thực tế theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 (kể cả vốn bổ sung ngoài kế hoạch trung hạn) là 159.603 triệu đồng, bao gồm: ngân sách trung ương là 45.620 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển: 35.120 triệu đồng; sự nghiệp kinh tế là 10.500 triệu đồng); ngân sách địa phương: 113.983 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển: 113.983 triệu đồng; sự nghiệp kinh tế: 0 triệu đồng).

Kết quả giải ngân vốn đã giao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 (đến 31/12/2019) là 126.650 triệu đồng, bao gồm: ngân sách trung ương là 44.620 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển: 34.120 triệu đồng; sự nghiệp kinh tế: 10.500 triệu đồng); ngân sách địa phương là 82.030 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển: 52.030 triệu đồng; sự nghiệp kinh tế: 0 triệu đồng). Chi tiết tổng hợp theo Phụ lục II đính kèm.

2. Di dân tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện

Kết quả thực hiện lập, phê duyệt và thực hiện dự án đầu tư ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện (dự án sau tái định cư) theo các Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg và số 06/2019/QĐ-TTg ngày 01/02/2019, cụ thể:

- Số dự án sau tái định cư đã phê duyệt: 02 dự án, gồm: dự án khu tái định cư thôn Pò Háng, xã Bính Xá, huyện Đình Lập và dự án khu tái định cư thôn Pắn Pé, xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình thuộc Hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án hồ chứa nước Bản Lải giai đoạn 1, tỉnh Lạng Sơn.

- Số dự án sau tái định cư chưa phê duyệt: Không có.

- Tổng nguồn vốn đã giao thực hiện các dự án sau tái định cư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, bao gồm:

+ Ngân sách Trung ương (vốn đầu tư phát triển): 1.028,200 tỷ đồng, vốn Trái phiếu Chính phủ.

+ Ngân sách địa phương (vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp kinh tế) và huy động lồng ghép nguồn vốn hợp pháp khác: dự kiến 200 tỷ đồng.

- Kết quả giải ngân vốn đã giao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 tính đến 31/3/2020 là 769,825 tỷ đồng, thuộc vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương. Chi tiết tổng hợp theo Phụ lục III đính kèm.

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Những mặt đạt được

Các dự án đầu tư hoàn thành góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển kinh tế, ổn định đời sống, thúc đẩy phát triển sản xuất cho nhân dân tại các xã vùng bố trí ổn định dân cư, dần hình thành các điểm dân cư theo tiêu chí nông thôn mới.

Các chính sách hỗ trợ sản xuất cho người dân sau tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện, dự án ổn định dân cư biên giới phù hợp được người dân đồng thuận, củng cố niềm tin của Nhân dân vào chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần giữ vững chủ quyền đất nước, an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn khu vực biên giới.

2. Hạn chế và nguyên nhân

- Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới, địa hình phức tạp, chia cắt, cơ sở hạ tầng thấp kém, đường giao thông đi lại khó khăn, nhiều vùng còn thiếu điện sinh hoạt, đất sản xuất; đời sống của Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng. Bên cạnh đó, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều hủ tục lạc hậu, chưa thể thay đổi do đó gặp rất nhiều khó khăn trong công tác sắp xếp, bố trí ổn định dân cư.

- Đội ngũ cán bộ ở một số xã còn nhiều hạn chế cả về trình độ và năng lực công tác nên việc phổ biến tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước cũng như nắm tình hình biến động dân cư chưa thường xuyên dẫn đến quá trình rà soát đối tượng bố trí dân cư để đưa vào quy hoạch chưa được chính xác, đầy đủ, một số phương án bố trí ổn định dân cư được phê duyệt phải điều chỉnh nhiều lần; cán bộ chuyên môn ở tỉnh và huyện còn thiếu.

- Nhu cầu kinh phí đầu tư cho các dự án lớn trong khi đó nguồn kinh phí bố trí cho các dự án còn rất hạn hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của địa phương và tiến độ thi công công trình.

- Việc tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ, công tác ổn định dân cư hiện tại hiệu quả chưa cao; một số chương trình ổn định dân cư kinh phí bố trí thấp so với nhu cầu thực tế.

III. NHU CẦU KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN LĨNH VỰC BỐ TRÍ, SẮP SẾP ỔN ĐỊNH DÂN CƯ VÀ DI DÂN, TÁI ĐỊNH CƯ CÁC DỰ ÁN THỦY LỢI, THỦY ĐIỆN GIAI ĐOẠN 2021-2025

1. Mục tiêu, định hướng đầu tư công giai đoạn 2021-2025

- Mục tiêu: Xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các dự án thuộc lĩnh vực sắp xếp, ổn định dân cư và di dân tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện nhằm lựa chọn danh mục dự án đầu tư công và bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn theo thứ tự ưu tiên, đảm bảo đáp ứng về nguồn vốn, tiến độ và hiệu quả của dự án để từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân, tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc trong cộng đồng dân cư, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái trên địa bàn.

- Định hướng đầu tư công giai đoạn 2021-2025: Đầu tư xây cơ sở hạ tầng thiết yếu (điện, đường, trường, trạm, cấp thoát nước,…) tại các điểm dân cư tập trung nhằm ổn định chỗ ở cho dân cư vùng biên giới, vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn,…; xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu các khu tái định cư và định canh, ổn định sản xuất đối với người dân bị ảnh hưởng bởi việc xây dựng các dự án thủy lợi, thủy điện.

2. Mục tiêu, nhiệm vụ chính của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 lĩnh vực bố trí, sắp xếp ổn định dân cư và dự án sau tái định cư thủy lợi, thủy điện

2.1. Lựa chọn danh mục dự án đầu tư công và bố trí vốn kế hoạch đầu tư trung hạn theo thứ tự ưu tiên như sau:

a) Dự án đã được phê duyệt chuyển tiếp thực hiện giai đoạn 2021-2025 gồm 06 dự án, tổng nhu cầu vốn là 175.079 triệu đồng, cụ thể gồm:

- Dự án di dân thành lập bản mới giáp biên giới Nà Ngòa, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, nhu cầu vốn là 24.709 triệu đồng.

- Dự án di dân thành lập bản mới giáp biên giới Pò Lục, xã Thụy Hùng, huyện Văn Lãng, nhu cầu vốn là 6.210 triệu đồng.

- Dự án di dân thành lập bản mới giáp biên Kéo Kèn, xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định, nhu cầu vốn là 17.826 triệu đồng (dự án đã hoàn thành quyết toán còn thiếu vốn).

- Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ổn định dân cư bản giáp biên Nặm Xà, xã Đội Cấn, huyện Tràng Định, nhu cầu vốn là 18.570 triệu đồng (dự án đã hoàn thành quyết toán còn thiếu vốn).

- Dự án di dân lập bản mới giáp biên Nà Khoang, xã Tam Gia, huyện Lộc Bình, nhu cầu vốn là 54.534 triệu đồng.

- Dự án ổn định dân cư tại chỗ, chống di cư tự do cho 03 thôn: Bản Lăm, Thiên Cần và Hợp Đường xã Liên Sơn, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, nhu cầu vốn là 53.230 triệu đồng.

b) Dự án khởi công mới thực hiện giai đoạn 2021-2025 gồm 06 dự án, tổng nhu cầu vốn đầu tư là 462.939 triệu đồng, cụ thể gồm:

- Dự án sắp xếp dân cư ra khỏi vùng thiên tai và vùng khó khăn thuộc thôn Nà Kéo, xã Quý Hòa, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, nhu cầu vốn đầu tư là 108.700 triệu đồng.

- Dự án Di dân phòng, chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, nhu cầu vốn đầu tư là 92.234 triệu đồng.

- Dự án di dân lập bản mới giáp biên Pò Lạ xã Tân Minh, huyện Tràng Định tỉnh Lạng Sơn, nhu cầu vốn đầu tư là 54.787 triệu đồng.

- Dự án di dân lập bản mới giáp biên Nà Khoang, xã Đào Viên, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, nhu cầu vốn đầu tư là 87.718 triệu đồng.

- Dự án di dân lập bản mới giáp biên Khuổi Đeng, xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, nhu cầu vốn đầu tư là 59.500 triệu đồng.

- Dự án sắp xếp ổn định di cư tự do thôn Tình Hồ, xã Tân Thành, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, nhu cầu vốn đầu tư là 60.000 triệu đồng.

2.2. Tổng số hộ, số điểm có nhu cầu bố trí ổn định gồm 743 hộ (gồm 192 hộ đến năm 2020 và 551 hộ đến giai đoạn 2021-2025) và 12 điểm dân cư (gồm 06 điểm chuyển tiếp và 06 điểm mới). Trong đó:

- Vùng thiên tai: 305 hộ dân;

- Vùng biên giới: 187 hộ dân;

- Chống di cư tự do: 251 hộ dân.

2.3. Đề xuất danh mục dự án đầu tư bố trí, sắp xếp ổn định dân cư theo thứ tự ưu tiên; tổng nhu cầu vốn và phân kỳ đầu tư thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tỉnh Lạng Sơn dự kiến là 638.018 triệu đồng gồm 520.334 triệu đồng vốn ngân sách trung ương và 117.684 triệu đồng ngân sách địa phương. Chi tiết theo phụ lục IV, V kèm theo Kế hoạch này.

3. Một số giải pháp thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 lĩnh vực bố trí, ổn định dân cư và di dân, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện

- Tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc thực hiện dự án đầu tư công, giải phóng mặt bằng dự án, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác tuyên truyền vận động, kiểm đếm, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, bố trí đất tái định cư và bàn giao, tiếp nhận mặt bằng. Tạo sự đồng thuận cao và sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, Nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, quán triệt kịp thời đến các ngành, đoàn thể và Nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn để tạo sự đồng thuận.

- Thực hiện nhất quán chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thực hiện tốt cơ chế phối hợp để tổ chức làm nhiệm vụ theo quy định của Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc chung là: tính đúng, tính đủ, công khai và minh bạch; phối hợp chuẩn bị tốt địa điểm tái định cư và thông báo trước đủ thời gian để Nhân dân kịp chuẩn bị di chuyển, sớm ổn định cuộc sống nơi ở mới.

- Tăng cường công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ được giao đối với từng khâu của dự án; kịp thời xin ý kiến chỉ đạo giải quyết vướng mắc, nhất là các dự án trọng điểm, cấp bách có phạm vi giải phóng mặt bằng lớn; chủ đầu tư chủ động, phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý, cơ quan thẩm định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý dự án đảm bảo các dự án được triển khai thủ tục nhanh, đúng quy trình quy định.

- Rà soát, phân loại đối với những dự án, công trình đang được đầu tư từ vốn đầu tư công, nhưng thiếu vốn để tiếp tục triển khai và những dự án đã quyết định đầu tư chưa được bố trí vốn; đề xuất và quyết định biện pháp giải quyết phù hợp đối với từng dự án, như: chuyển đổi sang các hình thức đầu tư khác, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện hoặc tạm dừng thực hiện đến khi có điều kiện cân đối, bố trí vốn, có biện pháp bảo toàn giá trị công trình dở dang.

- Phân bổ vốn kịp thời từ nguồn vốn hỗ trợ của trung ương, bố trí vốn địa phương theo kế hoạch, khả năng cân đối, tích cực vận động nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án mang lại hiệu quả.

IV. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét cân đối bố trí vốn theo Kế hoạch này để địa phương đạt được các mục tiêu đề ra, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm chủ quyền biên giới quốc gia.

Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn trân trọng báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, tổng hợp./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở: KHĐT, TC, NN&PTNT;
- C, PVP UBND tỉnh,
các phòng CM, TT TH-CB
- Lưu: VT, KT(PVĐ).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Tiến Thiệu