Kế hoạch 82/KH-UBND triển khai Nghị định 94/2009/NĐ-CP hướng dẫn Luật sửa đổi Luật phòng, chống ma túy về quản lý sau cai nghiện ma túy Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
Số hiệu: | 82/KH-UBND | Loại văn bản: | Văn bản khác |
Nơi ban hành: | Thành phố Hà Nội | Người ký: | Đào Văn Bình |
Ngày ban hành: | 16/06/2010 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 82/KH-UBND |
Hà Nội, ngày 16 tháng 06 năm 2010 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI NGHỊ ĐỊNH 94/2009/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG MA TÚY VỀ QUẢN LÝ SAU CAI NGHIỆN MA TÚY
Ngày 26/10/2009 Thủ tướng Chính phủ có Nghị định số 94/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy về quản lý sau cai nghiện ma túy; Nghị định có hiệu lực thi hành từ 22/12/2009. Để thực hiện nghiêm túc Nghị định của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố ban hành Kế hoạch triển khai với mục tiêu yêu cầu và nội dung như sau:
I. MỤC TIÊU YÊU CẦU:
- Triển khai thực hiện Nghị định 94/2009/NĐ-CP nhằm kéo dài thời gian quản lý tại Trung tâm, cách xa môi trường không có ma túy giúp cho người sau cai nghiện ma túy được rèn luyện, giáo dục, học nghề, tham gia lao động sản xuất, có đủ điều kiện tái hòa nhập cộng đồng. Quản lý tốt người sau cai nghiện tại nơi cư trú, hạ thấp tỷ lệ tái nghiện.
- Nhằm thu hút các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân có điều kiện về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm kinh doanh, sản xuất tham gia tạo việc làm cho người sau cai nghiện trong Trung tâm và quản lý sau cai tại nơi cư trú cho học viên có việc làm ngay sau khi cai nghiện xong để cách xa môi trường ma túy dễ gây tái nghiện.
- Triển khai Nghị định phải thật khẩn trương, nghiêm túc, đảm bảo chất lượng, đúng thời gian quy định trong Nghị định của Chính phủ, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các sở, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp trong quá trình thực hiện.
II. NỘI DUNG CÔNG VIỆC:
1. Tổ chức quán triệt nội dung của Nghị định đến các cấp, các ngành, các đoàn thể nhằm tạo sự đồng thuận trong nhận thức cũng như trong hành động để cùng thực hiện.
2. Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các nội dung của Nghị định để các tầng lớp nhân dân hiểu rõ và tham gia ủng hộ.
3. Ban hành các văn bản pháp quy thể chế hóa các nội dung của Nghị định.
4. Kiện toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị học nghề, sản xuất và các điều kiện cần thiết khác để đầu tư cho các Trung tâm Giáo dục lao động thực hiện Nghị định.
5. Tổ chức phân loại số học viên thực hiện quản lý sau cai theo quy định của Nghị định đảm bảo chặt chẽ, đúng thủ tục, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền theo quy định.
6. Thực hiện đồng bộ các biện pháp giáo dục, tuyên truyền nhằm làm giảm sự gia tăng người nghiện mới. Đẩy mạnh công tác đấu tranh triệt xóa các tụ điểm, điểm phức tạp về tệ nạn ma túy góp phần xây dựng môi trường xã hội lành mạnh không có tệ nạn ma túy.
III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ:
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
1.1. Cơ quan Thường trực tổ chức thực hiện Nghị định. Chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng của Thành phố tham mưu cho UBND Thành phố ban hành các văn bản pháp quy thể chế hóa các nội dung của Nghị định và Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 94/2009/NĐ-CP .
1.2. Phân bổ chi tiêu người sau cai nghiện ma túy tham gia quản lý sau cai tại Trung tâm và quản lý sau cai tại nơi cư trú.
1.3. Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an Thành phố xây dựng các chế độ chính sách hỗ trợ cho người sau cai tại nơi cư trú; Cơ chế phân phối thành quả lao động sản xuất ở các cơ sở thực hiện quản lý sau cai trên cơ sở ưu tiên trả lương đảm bảo cuộc sống hàng ngày (như: ăn, mặc, sinh hoạt phí, thuốc chữa bệnh, vui chơi giải trí…) có cơ chế chính sách thu hút các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các cơ sở sản xuất có học viên tham gia.
1.4. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các tổ chức, đoàn thể, triển khai các hình thức tuyên truyền, giáo dục vận động người nghiện đang cai và gia đình đồng tình hưởng ứng thực hiện Nghị định của Chính phủ.
1.5. Chỉ đạo các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục Lao động Xã hội rà soát, thẩm tra, xác minh, lập hồ sơ đề nghị UBND quận, huyện, thị xã ra quyết định áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma túy đối với số học viên hết thời hạn cai nghiện bắt buộc, để chuyển sang diện quản lý sau cai tại nơi cư trú và quản lý sau cai tập trung tại Trung tâm.
1.6. Chỉ đạo Trung tâm quản lý sau cai tiếp nhận, tổ chức học tập, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, hướng nghiệp cho người sau cai nghiện; liên doanh, liên kết hoặc phối hợp với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để tổ chức lao động sản xuất, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện. Bảo đảm các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt vui chơi, giải trí cho người sau cai nghiện theo quy định.
1.7. Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Nghị định của Chính phủ, giải quyết các khiếu nại, tố cáo.
1.8. Tổng hợp tình hình định kỳ báo cáo UBND thành phố Hà Nội và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kết quả thực hiện Nghị định của Chính phủ.
2. Đề nghị Thành đoàn Hà Nội:
Chỉ đạo Trung tâm Giáo dục Lao động Hướng nghiệp thanh niên kiện toàn bộ máy, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ về quy trình xét duyệt và cử các cán bộ có chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ. Chuẩn bị cơ sở vật chất tiếp nhận người sau cai nghiện vào quản lý tại Trung tâm theo chỉ tiêu phân bổ.
3. Sở Thông tin và Truyền thông:
Chủ động phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm Thành phố và các đoàn thể tuyên truyền phổ biến sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân các nội dung của Nghị định Chính phủ về quản lý sau cai nghiện ma túy, các chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước và Thành phố với người nghiện sau cai, tạo sự đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia của nhân dân trong suốt quá trình thực hiện Nghị định của Chính phủ.
4. Sở Giáo dục Đào tạo:
Chỉ đạo các Trung tâm Giáo dục Thường xuyên bố trí giáo viên, phối hợp với các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục Lao động Xã hội dạy văn hóa xóa mù và bổ túc văn hóa nâng cao trình độ cho học viên cai nghiện và các cơ sở quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Hướng dẫn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thành đoàn Hà Nội lập dự án, tổ chức thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đầu tư trang thiết bị dạy nghề và hạ tầng cơ sở sản xuất (sân bãi, kho, nhà xưởng) để thu hút các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy.
- Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp cân đối UBND Thành phố phân bổ kinh phí chương trình ma túy cho triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ.
6. Sở Tài chính:
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an Thành phố xây dựng chế độ chính sách hỗ trợ cho người sau cai nghiện ma túy và cơ chế phân phối thành quả lao động sản xuất ở các cơ sở thực hiện quản lý sau cai nghiện tập trung tại Trung tâm và quản lý sau cai tại nơi cư trú trình UBND thành phố quyết định.
- Bố trí kinh phí cho các đơn vị thực hiện quản lý sau cai theo Nghị định của Chính phủ trình UBND thành phố quyết định.
- Hướng dẫn các đơn vị sử dụng kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả và thanh quyết toán theo quy định của luật ngân sách nhà nước.
7. Công an Thành phố:
7.1. Hỗ trợ công tác bảo vệ cho các cơ sở tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy và các cơ sở kinh tế có người sau cai học nghề, làm việc khi có đề nghị của các đơn vị trên.
7.2. Chỉ đạo Công an quận, huyện, xã, phường, thị trấn truy tìm người đang chấp hành quyết định đưa vào cơ sở dạy nghề và giải quyết việc làm bỏ trốn.
7.3. Tổ chức đấu tranh triệt xóa các tụ điểm về ma túy ở cộng đồng, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh không có tệ nạn và tội phạm về ma túy.
7.4. Xây dựng kế hoạch phân bố kinh phí phòng, chống ma túy hàng năm cho các cơ sở tham gia quản lý sau cai tại nơi cư trú và quản lý sau cai tại Trung tâm trên cơ sở các chế độ chính sách đã quy định.
8. Sở Tư pháp:
Phối hợp với các Sở ban, ngành có liên quan trong việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn thực hiện các văn bản về quản lý, dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy theo Nghị định 94/2009/NĐ-CP của Chính phủ.
9. Sở Nội vụ:
Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các Sở liên quan khác xem xét bổ sung chỉ tiêu khung và chỉ tiêu lao động hợp đồng, kiện toàn bộ máy cho các cơ sở quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai.
10. Sở Y tế Hà Nội:
10.1. Hỗ trợ chuyên môn y tế, tổ chức khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho toàn thể cán bộ và học viên ở các Trung tâm thực hiện quản lý sau cai
10.2. Hướng dẫn chuyên môn và chăm sóc y tế cho người sau cai nghiện sử dụng thuốc Naltrexone hỗ trợ điều trị chống tái nghiện ma túy bằng nguồn kinh phí của gia đình khi trở về tái hòa nhập cộng đồng.
11. Sở Công thương Hà Nội:
Vận động, kêu gọi các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố có kế hoạch hỗ trợ đầu tư, liên kết, kết nghĩa với các Trung tâm thực hiện quản lý sau cai tập trung, tổ chức lao động sản xuất, giải quyết việc làm cho học viên.
12. Cục Thuế Hà Nội:
Xác định mức hỗ trợ tài chính cho các Doanh nghiệp, cơ sở có sử dụng lao động là học viên cai nghiện, hoặc người sau cai nghiện ma túy sau khi các doanh nghiệp, cơ sở này đã hoàn thành việc nộp thuế Doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng và miễn giảm các sắc thuế theo quy định.
13. Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội:
Xây dựng chính sách ưu đãi với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư vào các cơ sở quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện và các doanh nghiệp tiếp nhận người sau cai nghiện ma túy vào làm việc.
14. Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã:
14.1. Tổ chức phổ biến, quán triệt các nội dung Nghị định của Chính phủ đến cán bộ chủ chốt từ quận, huyện đến xã, phường, thị trấn, khu phố, tổ dân phố đặc biệt gia đình có người nghiện ma túy, nhằm tạo sự đồng tình ủng hộ của người dân trên địa bàn.
14.2. Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận, thẩm tra hồ sơ học viên hết thời hạn cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội.
14.3. Trình UBND cấp huyện ban hành quyết định áp dụng biện pháp quản lý sau cai tại nơi cư trú và quản lý sau cai tại Trung tâm đối với người hết thời hạn cai nghiện bắt buộc ở các Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội.
14.4. Chỉ đạo UBND cấp xã và lực lượng tình nguyện viên nắm vững nhân thân và hoàn cảnh của từng người nghiện ma túy, phối hợp chặt chẽ với các Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội, phân loại xử lý chính xác với người nghiện khi họ hết hạn cai nghiện ở Trung tâm bước vào giai đoạn sau cai. Vận động gia đình, các tổ chức xã hội, chính quyền địa phương, Ban Chủ nhiệm CLB B93, tham gia tổ công tác quản lý sau cai tại nơi cư trú tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ tái hòa nhập cộng đồng theo các quy định của Nghị định.
14.5. Tiếp tục theo dõi, thống kê tình hình người sau cai tái hòa nhập cộng đồng được giải quyết việc làm và đánh giá tỷ lệ tái nghiện từng tháng.
14.6. Tạo điều kiện thuận lợi về sản xuất, kinh doanh đối với cơ sở sản xuất thuộc các tổ chức, cá nhân có tiếp nhận, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện. Vận động các tổ chức, đơn vị kinh doanh sản xuất trên địa bàn, doanh nghiệp tư nhân tham gia liên kết tổ chức sản xuất, dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai tái hòa nhập cộng đồng.
14.7. Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức tiếp nhận hồ sơ, người sau cai quản lý tại nơi cư trú do các Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội bàn giao.
15. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các đoàn thể thành viên của Mặt trận:
Phối hợp chặt chẽ với các cấp Chính quyền và các Ban, Ngành chức năng tích cực tuyên truyền, vận động toàn dân ủng hộ, tham gia thực hiện Nghị định của Chính phủ về quản lý sau cai tại nơi cư trú và quản lý sau cai tập trung tại Trung tâm gắn liền với cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
16. Gia đình người sau cai nghiện
Quản lý, giám sát chặt chẽ và hỗ trợ tạo việc làm cho người sau cai nghiện; phối hợp chặt chẽ với UBND cấp xã trong việc quản lý người sau cai nghiện; tạo điều kiện cho người sau cai nghiện tham gia các hoạt động cộng đồng do UBND cấp xã, các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội nơi người đó cư trú tổ chức.
III. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN
- Quý II năm 2010 thực hiện triển khai kế hoạch của UBND thành phố đến các cấp ngành, đoàn thể, quận huyện, thị xã và Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội, Trung tâm quản lý sau cai. Xây dựng các văn bản để cụ thể hóa các quy định về thủ tục, trình tự, thời gian và kinh phí thực hiện các nội dung theo quy định của Nghị định.
- Cuối quý II thực hiện quy trình lập hồ sơ xét chọn để thực hiện chỉ tiêu từ Quý III.
- Quý III năm 2010 các đơn vị tổ chức thực hiện xét duyệt theo quy định.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Căn cứ vào nhiệm vụ đã nêu trong kế hoạch, yêu cầu các Sở, ban, ngành liên quan, các quận, huyện, thị xã quán triệt và có kế hoạch cụ thể triển khai tổ chức thực hiện ở địa bàn mình, đơn vị mình.
2. Giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội làm đầu mối thông tin, báo cáo, phối hợp với các sở, ngành tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch. Định kỳ tổng hợp, báo cáo đề xuất Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố giải quyết các khó khăn vướng mắc, khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Nghị định của Chính phủ.
Trên đây là một số công việc quan trọng cần triển khai thực hiện ngay. Các Sở, ban ngành theo chức năng, nhiệm vụ được phân công triển khai thực hiện; báo cáo kết quả thực hiện với Ủy ban nhân dân Thành phố./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Nghị định 94/2009/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống ma túy sửa đổi về quản lý sau cai nghiện ma túy Ban hành: 26/10/2009 | Cập nhật: 28/10/2009