Kế hoạch 77/KH-UBND năm 2015 thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phổ biến nội dung cơ bản của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân giai đoạn 2015 - 2020”
Số hiệu: | 77/KH-UBND | Loại văn bản: | Văn bản khác |
Nơi ban hành: | Thành phố Cần Thơ | Người ký: | Lê Văn Tâm |
Ngày ban hành: | 07/07/2015 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Ngoại giao, điều ước quốc tế, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 77/KH-UBND |
Cần Thơ, ngày 07 tháng 7 năm 2015 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “ĐẨY MẠNH PHỔ BIẾN NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ CÁC QUYỀN DÂN SỰ, CHÍNH TRỊ VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ CÁC QUYỀN DÂN SỰ, CHÍNH TRỊ CHO CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ NHÂN DÂN GIAI ĐOẠN 2015 - 2020”
Căn cứ Quyết định số 452/QĐ-BTP ngày 11 tháng 3 năm 2015 của Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phổ biến nội dung cơ bản của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân giai đoạn 2015 - 2020”, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án nêu trên, cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU
1. Mục tiêu chung
Tiếp tục phổ biến sâu rộng tinh thần, nội dung cơ bản và những quy định quan trọng của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (sau đây gọi tắt là Công ước ICCPR), các quyền dân sự, chính trị được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật do Quốc hội ban hành cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết, từ đó tích cực, chủ động thực hiện đầy đủ, hiệu quả các quyền dân sự, chính trị của con người và công dân.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Phấn đấu đến năm 2020, có 60 - 70% báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, phóng viên, biên tập viên viết về pháp luật, giáo viên giảng dạy môn pháp luật, giáo dục công dân ở các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được phổ biến, bồi dưỡng nội dung cơ bản và những quy định quan trọng của Công ước ICCPR, các quyền dân sự, chính trị được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật do Quốc hội ban hành để lồng ghép trong quá trình thực hiện các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, giảng dạy pháp luật trong nhà trường;
b) Phấn đấu đến năm 2020, có 70 - 80% cán bộ, công chức, viên chức được phổ biến, nâng cao nhận thức về nội dung cơ bản và những quy định quan trọng của Công ước ICCPR, các quyền dân sự, chính trị được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật do Quốc hội ban hành để vận dụng trong thực thi công vụ.
3. Yêu cầu
a) Những nội dung cơ bản và những quy định quan trọng của Công ước ICCPR, các quyền dân sự, chính trị được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật do Quốc hội ban hành được phổ biến sâu rộng đến nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp, giúp nhân dân hiểu và thực hiện quyền, nghĩa vụ về dân sự, chính trị; đồng thời, giám sát việc thực hiện những quyền này, phát hiện hành vi vi phạm, qua đó tham gia quản lý nhà nước và xã hội;
b) Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các quyền dân sự, chính trị được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật do Quốc hội ban hành phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện có trọng tâm, trọng điểm.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ NỘI DUNG PHỔ BIẾN
1. Đối tượng
a) Cán bộ, công chức, viên chức;
b) Đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, phóng viên, biên tập viên báo chí viết về pháp luật, giáo viên giảng dạy môn pháp luật, giáo dục công dân ở các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;
c) Nhân dân.
2. Nội dung phổ biến
a) Tinh thần, nội dung cơ bản và những quy định quan trọng của Công ước ICCPR;
b) Các quyền dân sự, chính trị được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật do Quốc hội ban hành;
c) Tình hình thực hiện các quyền dân sự, chính trị được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và pháp luật, những thành tựu đạt được của Việt Nam về bảo đảm quyền dân sự, chính trị.
III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH
1. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nội dung cơ bản và những quy định quan trọng của Công ước ICCPR, các quyền dân sự, chính trị được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật do Quốc hội ban hành, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền dân sự, chính trị
a) Nội dung: Tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, phóng viên, biên tập viên báo chí viết về pháp luật, giáo viên giảng dạy môn pháp luật, giáo dục công dân ở các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; lồng ghép việc bồi dưỡng pháp luật về quyền dân sự, chính trị trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng hằng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức của địa phương;
b) Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp;
c) Cơ quan phối hợp: Sở Giáo dục và Đào tạo; Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã;
d) Thời gian thực hiện: Định kỳ hằng năm (giai đoạn 2015 - 2020).
2. Biên soạn, phát hành các tài liệu phổ biến nội dung cơ bản và những quy định quan trọng của Công ước ICCPR, các quyền dân sự, chính trị được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật do Quốc hội ban hành
a) Nội dung: Tổ chức biên soạn, phát hành các tài liệu bao gồm tờ gấp phổ biến pháp luật dành cho các đối tượng khác nhau; tài liệu tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh ở cơ sở;
b) Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp;
c) Cơ quan phối hợp: Sở, ngành có liên quan;
d) Thời gian thực hiện: Định kỳ hằng năm (giai đoạn 2015 - 2020).
3. Chỉ đạo điểm thực hiện Đề án tại một số địa bàn cấp xã thông qua các hình thức, biện pháp thích hợp
a) Nội dung: Chọn 03 đơn vị cấp xã thực hiện chỉ đạo điểm và tập trung các hình thức, biện pháp sau:
- Tổ chức phổ biến trực tiếp cho cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên, người có uy tín trong cộng đồng và nhân dân thông qua sinh hoạt thôn, tổ dân phố, sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt văn hoá, lễ hội truyền thống...;
+ Thực hiện thông qua hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp ở cơ sở liên quan đến việc thực hiện các quyền dân sự, chính trị của nhân dân;
+ Tổ chức tuyên truyền, phổ biến trực quan qua các hình thức như tranh in cổ động, pano, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, phát các tờ gấp, tài liệu tuyên truyền...; lồng ghép hoạt động triển khai thực hiện “Ngày pháp luật” hằng năm;
+ Tổ chức các chương trình truyền thông, phổ biến qua hệ thống truyền thanh cơ sở; thi tìm hiểu pháp luật dưới hình thức sân khấu hóa;
+ Bồi dưỡng, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ tài liệu nhằm tăng cường năng lực, kỹ năng phổ biến cho đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, đội ngũ tuyên truyền viên, hòa giải viên, người có uy tín trong cộng đồng tại địa bàn chỉ đạo điểm.
b) Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp;
c) Cơ quan phối hợp: Phòng Tư pháp và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tại địa bàn làm điểm;
d) Thời gian thực hiện: Tổ chức chỉ đạo điểm vào các năm 2015 - 2017; Tổng kết, hướng dẫn nhân rộng mô hình điểm vào các năm 2018 - 2020.
4. Đẩy mạnh phổ biến nội dung cơ bản và những quy định quan trọng của Công ước ICCPR, các quyền dân sự, chính trị được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật do Quốc hội ban hành, phản ánh tình hình thực hiện pháp luật về quyền dân sự, chính trị trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống loa truyền thanh cơ sở
a) Nội dung: Tổ chức thực hiện các chuyên trang, chuyên mục, chương trình, tăng thời lượng tin, bài phổ biến qua Báo Cần Thơ, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố; cập nhật thường xuyên các tài liệu, tin, bài phổ biến pháp luật về quyền dân sự, chính trị trên Cổng Thông tin điện tử thành phố; đẩy mạnh tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở;
b) Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông;
c) Cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố, Báo Cần Thơ; Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã;
d) Thời gian thực hiện: Định kỳ hằng năm (giai đoạn 2015 - 2020).
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Hàng năm, căn cứ nhiệm vụ được phân công, Sở Tư pháp, sở, ban ngành, đoàn thể thành phố lập dự toán kinh phí thực hiện tổng hợp chung trong dự toán của cơ quan, đơn vị mình gửi Sở Tài chính trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
2. Các cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện lập dự toán kinh phí thực hiện kế hoạch này gửi cơ quan tài chính cùng cấp tổng hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Tư pháp là cơ quan chủ trì thực hiện nội dung Đề án theo Kế hoạch đề ra, có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn và phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch; đề xuất kế hoạch thực hiện hàng năm;
b) Hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện, định kỳ hằng năm báo cáo Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân thành phố việc triển khai thực hiện Kế hoạch; đề xuất cơ quan có thẩm quyền khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ nêu trên.
2. Sở Tài chính có trách nhiệm đảm bảo ngân sách Nhà nước cấp hằng năm để thực hiện Kế hoạch theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí để thực hiện Kế hoạch.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, nhất là ở xã, phường, thị trấn tích cực vận động nhân dân tự giác tìm hiểu, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về quyền dân sự, chính trị kết hợp với đẩy mạnh việc giám sát hoạt động thi hành pháp luật về quyền dân sự, chính trị của các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức, kiến nghị với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
4. Đề nghị Tòa án nhân dân thành phố chỉ đạo, hướng dẫn Tòa án nhân dân cấp huyện thực hiện phổ biến pháp luật về quyền dân sự, chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân thông qua các hoạt động truy tố, xét xử.
5. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch, bảo đảm kinh phí cho việc thực hiện Kế hoạch tại địa bàn trọng điểm của địa phương; định kỳ hằng năm tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch về Sở Tư pháp.
6. Về chế độ thông tin báo cáo, định kỳ hằng năm, sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch về Sở Tư pháp trước ngày 10 tháng 11 và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu để Sở Tư pháp tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Tư pháp.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phổ biến nội dung cơ bản của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân giai đoạn 2015 - 2020” của Ủy ban nhân dân thành phố. Trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị báo cáo kịp thời về Sở Tư pháp để được hướng dẫn./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |