Kế hoạch 73/KH-UBND năm 2016 thực hiện Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2021
Số hiệu: | 73/KH-UBND | Loại văn bản: | Văn bản khác |
Nơi ban hành: | Tỉnh Thái Bình | Người ký: | Phạm Văn Xuyên |
Ngày ban hành: | 01/11/2016 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 73/KH-UBND |
Thái Bình, ngày 01 tháng 11 năm 2016 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TRỌNG TÂM CÔNG TÁC CẢI CÁCH TƯ PHÁP GIAI ĐOẠN 2016 - 2021
Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” và Chương trình số 1087-CTr/BCSĐCP ngày 22/9/2016 của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016 - 2021 với các nội dung sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU.
1. Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” và định hướng nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, của Tỉnh ủy Thái Bình về công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2021, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, các quy định của Hiến pháp năm 2013, các Chương trình, Kế hoạch của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, các văn bản của Tỉnh ủy về công tác cải cách tư pháp. Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa của chủ trương cải cách tư pháp trong đời sống xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường pháp lý ổn định cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
2. Phát huy và nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, cơ quan, địa phương đối với công tác cải cách tư pháp nói chung và trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2016-2021; có lộ trình phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp.
II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH.
1. Về hoàn thiện chính sách pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật.
- Tiếp tục tổ chức, triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, tổ chức thi hành hiệu quả các văn bản pháp luật mới ban hành, nhất là các đạo luật liên quan trực tiếp đến cải cách tư pháp như: Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015..., bảo đảm đồng bộ với việc triển khai các luật về tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp để đưa các chính sách cải cách mới về bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân đi vào cuộc sống.
- Tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận với chi phí tuân thủ thấp, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước, của tỉnh; chú trọng và ưu tiên việc hoàn thiện thể chế các tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp và việc hoàn thiện các chính sách, pháp luật về hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp bảo đảm phù hợp với các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền tự do dân chủ của công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
- Gắn việc hoàn thiện pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật. Nghiêm túc triển khai thực hiện các Đề án về đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật.
Cơ quan chủ trì: Các sở, ban, ngành trực thuộc UBND tỉnh.
Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị có liên quan.
2. Về hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp.
- Kiện toàn tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp (cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án hình sự thuộc Công an tỉnh; cơ quan thi hành án dân sự, thi hành án hành chính...) theo các Đề án về đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp đã được phê duyệt.
- Triển khai có hiệu quả các đề án liên quan đến tổ chức và hoạt động tư pháp (các đề án về tổ chức và hoạt động cơ quan điều tra, thi hành án và bổ trợ tư pháp...).
Cơ quan thực hiện: Công an tỉnh, Cục thi hành án dân sự tỉnh và Sở Tư pháp.
Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị có liên quan.
a) Thi hành có hiệu quả Luật Thi hành án hình sự, Luật Đặc xá; khẩn trương kiện toàn tổ chức cơ quan thi hành án hình sự; có giải pháp triển khai hiệu quả các Đề án đầu tư, nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành.
Cơ quan chủ trì: Công an tỉnh.
Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị có liên quan.
b) Tiếp tục thi hành án tốt Luật Thi hành án dân sự, Luật Tố tụng hành chính; củng cố, kiện toàn hệ thống cơ quan thi hành án dân sự theo Luật Thi hành án dân sự và Luật Tố tụng hành chính theo hướng đảm bảo gọn nhẹ, hiệu quả. Nâng cao hiệu quả công tác thi hành án; khắc phục án tồn đọng, tập trung giải quyết triệt để các vụ việc thi hành án kéo dài, gây bức xúc; đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu trong công tác thi hành án được giao; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành tại địa phương trong chỉ đạo công tác thi hành án dân sự; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi hành án dân sự.
Cơ quan chủ trì: Cục Thi hành án dân sự tỉnh.
Cơ quan phối hợp: Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
4. Về luật sư.
Tiếp tục phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn và kiến thức chuyên sâu đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Đề cao trách nhiệm và ý thức đạo đức nghề nghiệp của luật sư; tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động luật sư và phát huy vai trò tự quản của Đoàn Luật sư; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức luật sư.
Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.
Cơ quan phối hợp: Đoàn Luật sư tỉnh và các đơn vị liên quan.
5. Về bổ trợ tư pháp.
- Nâng cao chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; triển khai thực hiện tốt các chiến lược, quy hoạch, đề án đã được phê duyệt, thực hiện việc xã hội hóa các lĩnh vực này với bước đi, lộ trình phù hợp theo tinh thần Chiến lược cải cách tư pháp, phấn đấu đến năm 2020 hình thành được mạng lưới dịch vụ pháp lý rộng khắp, thuận tiện, tin cậy cho người dân, doanh nghiệp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế, góp phần bảo đảm sự vận hành thông suốt của cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
- Thực hiện Đề án “Đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025’’ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tổng kết thực tiễn thi hành, sửa đổi, bổ sung Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006; tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách nhằm mở rộng đối tượng và nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của công tác trợ giúp pháp lý; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong việc tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý của Nhà nước; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đối tượng cần được trợ giúp, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, bảo vệ công lý, công bằng xã hội.
- Tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Giám định tư pháp năm 2012; Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”; đổi mới tổ chức, hoạt động và quản lý giám định tư pháp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đột phá về chất lượng và hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng mà trọng tâm là bảo đảm việc phán quyết của Tòa án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật, góp phần bảo đảm công lý, công bằng xã hội, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa đối với lĩnh vực giám định theo mức độ, phạm vi và lộ trình phù hợp.
- Tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Công chứng năm 2014; đẩy mạnh xã hội hóa về hoạt động công chứng và việc phát triển tổ chức xã hội - nghề nghiệp công chứng ở địa phương; thành lập Hội Công chứng tỉnh theo quy định của Luật Công chứng năm 2014; phát huy vai trò tự quản của các tổ chức công chứng, đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm các tổ chức công chứng hoạt động đúng pháp luật, bình đẳng, có hiệu quả, đáp ứng kịp thời các yêu cầu của xã hội.
Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.
Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị có liên quan.
6. Về xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ.
Đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp gắn với tiêu chuẩn, chức danh bảo đảm đáp ứng trình độ chuyên môn, năng lực và phẩm chất chính trị; bố trí đủ số lượng cho các cơ quan tư pháp, trước hết là các cơ quan tư pháp cấp huyện và ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Có cơ chế thu hút, thi tuyển, bổ nhiệm để tuyển chọn những người có tâm huyết, đủ đức, đủ tài vào làm việc tại các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp.
Cơ quan chủ trì: Sở Nội vụ.
Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị có liên quan.
7. Đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động tư pháp.
Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, trụ sở làm việc, bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ công tác tư pháp, cải cách tư pháp cho các cơ quan tư pháp. Có chính sách đầu tư, hỗ trợ kinh phí, phương tiện làm việc cho các tổ chức bổ trợ tư pháp, cho các hoạt động tư pháp tại địa bàn tỉnh.
Cơ quan chủ trì: Sở Tài chính.
Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị có liên quan.
8. Công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp, hoạt động tư pháp; các quy định, chính sách mới trong các đạo luật, bộ luật được Quốc hội khóa XIII thông qua. Tăng cường vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất trong cán bộ, đảng viên, sự đồng thuận trong nhân dân đối với các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, gắn nhiệm vụ cải cách tư pháp với việc hoàn thiện và xây dựng hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.
Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị có liên quan.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
- Giám đốc các sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ nội dung Kế hoạch có trách nhiệm tiếp tục quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp; xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện tại địa phương, cơ quan, đơn vị; phối hợp với Sở Tư pháp triển khai thực hiện, định kỳ hàng quý, 6 tháng báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp).
- Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch này, định kỳ kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Nội chính Tỉnh ủy.
2. Kinh phí thực hiện.
Kinh phí thực hiện Kế hoạch này do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước quy định hiện hành. Các sở, ban, ngành trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan chủ động bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước được tỉnh giao hằng năm để triển khai thực hiện./.
|
KT. CHỦ TỊCH |