Kế hoạch 7105/KH-BCT năm 2014 tuyên truyền góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại
Số hiệu: | 7105/KH-BCT | Loại văn bản: | Văn bản khác |
Nơi ban hành: | Bộ Công thương | Người ký: | Vũ Huy Hoàng |
Ngày ban hành: | 29/07/2014 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tài chính, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
BỘ CÔNG THƯƠNG |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 7105/KH-BCT |
Hà Nội, ngày 29 tháng 07 năm 2014 |
Thực hiện chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại Kế hoạch số 33/KH-BCĐ ngày 23 tháng 5 năm 2014, Bộ Công Thương xây dựng Kế hoạch tuyên truyền góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (Kế hoạch) với các nội dung cụ thể như sau:
1. Mục đích
- Tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và thực hiện cam kết không kinh doanh hàng giả, phân bón giả, phân bón không bảo đảm chất lượng; mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng; hàng hóa kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm; hàng ngoại nhập lậu, hàng không rõ xuất xứ.
- Góp phần tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong 6 tháng cuối năm 2014.
2. Yêu cầu
Tuyên truyền rộng rãi đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người dân, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, nội dung thiết thực với những hình thức phù hợp, dễ hiểu, tránh gây nhầm lẫn, phiền hà, có tính thuyết phục cao đến tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng.
II. NỘI DUNG, HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN
1. Nội dung
- Phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và các hành vi kinh doanh trái pháp luật khác.
- Nêu kết quả công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại của các cơ quan, lực lượng có chức năng.
- Kịp thời nêu những điển hình tiên tiến trong công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; đồng thời đưa tin những vụ việc vi phạm pháp luật do các lực lượng kiểm tra, phát hiện, xử lý; những hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực của công chức, người lao động trong ngành Công Thương.
2. Hình thức
- Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng: đài truyền hình, đài phát thanh, báo giấy, báo điện tử trung ương, địa phương, trang thông tin của Bộ, của Cục và Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố.
- Thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân kinh doanh không buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, không sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng.
- Vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh ký cam kết không buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, không sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng:
+ Các hộ kinh doanh thuốc lá tại 17 tỉnh, thành phố trọng điểm về thuốc lá ngoại nhập lậu: cam kết không kinh doanh, tàng trữ thuốc lá ngoại nhập lậu.
+ Các siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên địa bàn: cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm.
+ Các làng nghề: cam kết không sản xuất hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm.
+ Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn: cam kết không sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm giả, không đảm bảo chất lượng, phân bón giả, phân bón không đảm bảo chất lượng.
+ Các hộ kinh doanh tại các tuyến phố lớn: cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
- Các hình thức tuyên truyền khác.
1. Thời gian thực hiện
Từ 01 tháng 8 năm 2014 đến 31 tháng 12 năm 2014.
2. Phân công thực hiện
2.1. Cục Quản lý thị trường
- Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài Bộ để đưa tin kịp thời về hoạt động của các lực lượng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
- Xây dựng kế hoạch chi tiết của Bộ gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về triển khai cuộc vận động các hộ, cơ sở, tư nhân có đăng ký kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm, hàng ngoại nhập lậu, hàng không rõ xuất xứ, hoàn thành và trình Bộ trước 31 tháng 7 năm 2014.
- Thống nhất các mẫu cam kết để gửi Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện khi kế hoạch chi tiết của Bộ được ban hành.
- Phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng triển khai Kế hoạch tuyên truyền liên quan đến ngành hàng của từng Hiệp hội.
- Phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra lực lượng Quản lý thị trường cả nước đẩy mạnh công tác kiểm tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính đối với công tác vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không đảm bảo an toàn thực phẩm; kết hợp kiểm tra, kiểm soát với tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật tới tổ chức, cá nhân kinh doanh và vận động tổ chức, cá nhân kinh doanh ký cam kết theo Kế hoạch này.
2.2. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường xây dựng kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Đội Quản lý thị trường để triển khai thực hiện Kế hoạch.
- Phối hợp với các cơ quan truyền hình, thông tấn báo chí địa phương nhằm thông tin, tuyên truyền kịp thời về các hoạt động vận động ký cam kết và hoạt động kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Quản lý thị trường.
2.3. Vụ Pháp chế
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý hoạt động thương mại và quản lý thị trường theo kế hoạch đã được lãnh đạo Bộ phê duyệt, chú trọng các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm như rượu, thuốc lá, phân bón, mũ bảo hiểm, an toàn thực phẩm.
2.4. Các cơ quan thông tấn, báo chí truyền thông thuộc Bộ Công Thương
- Sử dụng tối đa phương tiện của mình để thông tin, tuyên truyền về công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thông qua các phương thức, hình thức đa dạng, phong phú; cử phóng viên chuyên trách cũng như sử dụng các cộng tác viên để viết bài, đưa tin, xây dựng các phóng sự, phim, ảnh, tài liệu tuyên truyền để đăng tải, phát sóng.
- Phối hợp với Cục Quản lý thị trường mở chuyên trang (chuyên mục) về công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
3. Các cơ quan, đơn vị phối hợp
3.1. Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo và tạo mọi điều kiện để Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường và các đơn vị liên quan triển khai công tác tuyên truyền với các nội dung và hình thức nêu trên.
3.2. Đề nghị các Hiệp hội ngành hàng (Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam) tuyên truyền, vận động các thành viên trong Hiệp hội tham gia triển khai Kế hoạch, đồng thời cung cấp thông tin, tư liệu và hỗ trợ cho các đơn vị triển khai thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền.
3.3. Đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí dành thời lượng thích hợp để đăng tải, phát sóng về công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại của các lực lượng chức năng.
Kinh phí thực hiện Kế hoạch lấy từ nguồn kinh phí thường xuyên đã được ngân sách nhà nước cấp cho các đơn vị. Ngoài ra, kinh phí thực hiện Kế hoạch có thể được huy động từ nguồn hỗ trợ hợp pháp khác.
V. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO VÀ SƠ KẾT VIỆC THỰC HIỆN
Các đơn vị cần thường xuyên báo cáo về việc triển khai Kế hoạch của đơn vị mình, đánh giá kết quả thực hiện và khó khăn, vướng mắc, kiến nghị cần giải quyết trong báo cáo chuyên đề hoặc báo cáo hàng tháng về công tác của đơn vị.
Kết thúc việc thực hiện, Cục Quản lý thị trường là đơn vị chủ trì, tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ về việc thực hiện Kế hoạch này, tổ chức sơ kết việc thực hiện và đề ra kế hoạch cho năm sau./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |