Báo cáo số 64/BC-CP về việc kết quả 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 16/2003/QH11 về “tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện”
Số hiệu: 64/BC-CP Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
Ngày ban hành: 05/05/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Trật tự an toàn xã hội, Lao động, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------

Số: 64/BC-CP

Hà Nội, ngày 05 tháng 05 năm 2008

 

BÁO CÁO QUỐC HỘI

KẾT QUẢ 5 NĂM TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 16/2003/QH11 VỀ “TỔ CHỨC QUẢN LÝ, DẠY NGHỀ VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN”

Ngày 17/6/2003 Quốc hội khóa XI ban hành Nghị quyết số16/2003/QH11 về “Thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương”. Đến cuối năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án thí điểm “Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện” (gọi tắt là “Đề án sau cai”) cho 7 địa phương là Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ninh, Tây Ninh, Long An, Hà Nội và Bình Dương. Do thời điểm trình Đề án của các địa phương khác nhau nên thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và các Đề án sau cai của các địa phương không đồng nhất. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh có thời gian thực hiện Đề án gần được 5 năm, Bà Rịa – Vũng Tàu xấp xỉ 3 năm, các địa phương còn lại chỉ từ 1 năm đến 2 năm.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2003/QH11, Chính phủ xin báo cáo Quốc hội kết quả cụ thể như sau:

I. CHỈ ĐẠO CỦA CHÍNH PHỦ

1. Công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật

Sau khi Nghị quyết của Quốc hội được ban hành, để tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương tham gia triển khai thực hiện, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 146/2004/NĐ-CP ngày 19/7/2004 quy định thủ tục, thẩm quyền quyết định đưa vào cơ sở quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm đối với người sau cai nghiện ma tuý. Tiếp đó, Chính phủ đã trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép áp dụng một số chế độ ưu đãi về Thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ sở và doanh nghiệp sử dụng lao động là người sau cai trong thời gian thực hiện Nghị quyết số 16/2003/QH11 (kiến nghị này đang được đưa vào chương trình sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2008). Đồng thời Chính phủ đã ban hành Nghị định số 114/2007/NĐ-CP ngày 3/7/2007 quy định chế độ phụ cấp đối với cán bộ, viên chức làm việc tại cơ sở quản lý người cai nghiện ma tuý, người bán dâm và người sau cai nghiện ma tuý; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 212/2006/QĐ-TTg ngày 20/9/2006 về tín dụng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ và doanh nghiệp sử dụng lao động là người sau cai nghiện ma tuý. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành hai Thông tư hướng dẫn thực hiện các Nghị định, Quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

2. Công tác chỉ đạo, kiểm tra

Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ- Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm đã nhiều lần trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra trong quá trình triển khai Nghị quyết số 16/2003/QH11 tại các địa phương có Đề án sau cai; chỉ đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với một số Bộ, ngành liên quan thành lập 2 Đoàn công tác liên ngành kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết tại 7 địa phương có Đề án sau cai và giúp đỡ các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án.

Hàng năm, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và các Bộ liên quan đã cử cán bộ tham gia các Đoàn giám sát của Quốc hội về tình hình triển khai Nghị quyết 16/2003/QH11 tại một số địa phương;đồng thời phối hợp với Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 2 Hội nghị sơ kết việc triển khai thực hiện Đề án để rút kinh nghiệm cho Thành phố và các địa phương khác. Ngày 11/4/2008 vừa qua Chính phủ đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 16/2003/QH11 để đánh giá đầy đủ những kết quả đạt được, những khó khăn vướng mắc và bài học kinh nghiệm làm cơ sở báo cáo Quốc hội.

II. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 16/2003/QH11 CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG CÓ ĐỀ ÁN SAU CAI NGHIỆN

1. Tại Thành phố Hồ Chí Minh

Là địa phương đầu tiên kiến nghị Chính phủ và Quốc hội cho thí điểm Đề án sau cai, Thành phố Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sau cai theo Quyết định số 205/2003/QĐ-TTg ngày 02/10/2003. Do có sự chủ động và tập trung chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân nên sau gần 5 năm thực hiện, Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được một số kết quả cơ bản sau đây:

a) Về đầu tư xây dựng cơ bản vật chất:

Nhằm tiếp tục thực hiện Chương trình 3 giảm (giảm tội phạm, giảm ma tuý và giảm mại dâm), để có điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật triển khai Đề án sau cai nghiện, Thành phố đã nâng cấp, mở rộng và xây mới 20 Trung tâm, Trường cai nghiện (sau đây gọi tắt là các Trung tâm) với tổng công suất từ 28.000 – 30.000 người. Các Trung tâm được xây dựng khang trang, đồng bộ; các công trình phụ trợ bảo đảm điều kiện thuận tiện trong các hoạt động cai nghiện và quản lý, dạy nghề, tổ chức lao động sản xuất cả cho học viên cai nghiện và người sau cai nghiện. Đồng thời Thành phố đầu tư xây dựng mới Cụm Công nghiệp và Khu Dân cư Nhị Xuân với tổng diện tích 54,1 ha, với chính sách ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư giải quyết việc làm cho học viên đang cai nghiện, người sau cai và người tái hoà nhập cộng đồng.

Tổng kinh phí đầu tư từ ngân sách thành phố để triển khai Đề án đến nay là 1302,5 tỷ đồng gồm: chi thường xuyên 762 tỷ đồng cho các hoạt động quản lý, dạy nghề, giải quyết việc làm, chăm sóc y tế, tái hòa nhập cộng đồng; Chi đầu tư cơ sở vật chất các cơ sở cai nghiện và quản lý sau cai trên 460 tỷ đồng; chi đầu tư cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường học, trạm xá... cho các địa phương nơi các Trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh trú đóng là 80,5 tỷ đồng.

Tổng giá trị đầu tư của các doanh nghiệp, cá nhân tại các Trung tâm, cơ sở giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện với số vốn đăng ký ban đầu là 832,6 tỷ đồng. Số vốn thực tế đã đầu tư là 233,1 tỷ đồng, trong đó Khu Công nghiệp Nhị Xuân là 193 tỷ đồng.

b) Thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của đề án:

- Tính từ đầu năm 2003 tới ngày 31/03/2008 các Trung tâm của Thành phố đã cai nghiện cho 36.244 lượt người, trong đó có 30.681 người đã được chuyển sang giai đoạn quản lý sau cai nghiện.

Khu quản lý người sau cai nghiện được trang bị đầy đủ tiện nghi, có điện thoại công cộng, tivi, đầu máy, hệ thống loa phát thanh, sách báo, có nhà câu lạc bộ, sân thể thao và các siêu thị nhỏ ...với môi trường xanh, sạch, đẹp. Người sau cai nghiện được sinh hoạt trong môi trường văn hóa, thân thiện và đoàn kết; xây dựng lối sống có nề nếp, lành mạnh. Thành phố đã cố gắng tạo môi trường học tập, rèn luyện, lao động, sản xuất cho người sau cai nhằm ”cách ly môi trường ma tuý mà vẫn đảm bảo đời sống sinh hoạt cho người sau cai nghiện. Vào những ngày Lễ, Tết, thành phố tổ chức các Đoàn văn nghệ chuyên nghiệp đến biễu diễn phục vụ nhằm động viên cán bộ, nhân viên an tâm công tác, học viên và người sau cai nghiện học tập, lao động tiến bộ.

Công tác giáo dục nhân cách trong quá trình cai nghiện và quản lý sau cai đã được thành phố quan tâm chỉ đạo tích cực. Thành phố đã tổ chức biên soạn bộ giáo trình gồm 76 bài, trong đó có 40 bài giáo dục rèn luyện nhân cách, đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật cho học viên, 36 bài dành cho cán bộ quản lý, giáo dục viên để bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm. Nhờ có bộ giáo trình này mà các học viên đã được giáo dục nhân cách thường xuyên, có hệ thống, dễ tiếp thu, mang lại kết quả cao.

Đời sống vật chất của học viên được cải thiện đáng kể, ngoài kinh phí do ngân sách cấp 180.000 đồng/người/tháng, người sau cai đóng góp thêm 50.000-75.000 đồng/người/tháng từ lao động sản xuất, cộng thêm nguồn rau xanh và các loại thực phẩm tự túc sản xuất nên chất lượng bữa ăn hàng ngày được cải thiện. Công tác chăm sóc sức khỏe ở các Trung tâm được quan tâm, mỗi năm 2 lần khám sức khoẻ cho học viên và người sau cai; Các Trung tâm đã làm tốt công tác bảo vệ môi trường, xử lý rác thải y tế và an toàn vệ sinh thực phẩm nên những năm qua chưa cơ sở nào bị xảy ra dịch bệnh hoặc ngộ độc thức ăn.

- Dạy văn hóa: trong gần 5 năm, các Trung tâm đã tổ chức cho 42.713 lượt người theo học các lớp văn hóa. Đến nay, cơ bản hoàn thành xóa mù chữ, tiến tới hoàn thành phổ cập tiểu học, mở rộng trung học cơ sở và bổ túc trung học phổ thông đối với người sau cai nghiện. Đặc biệt, các Trung tâm đã tổ chức các lớp đại học từ xa ngành Xã hội học và Quản trị kinh doanh cho cán bộ, nhân viên và người sau cai. Niên khóa 2007-2008 có 589 sinh viên, trong đó có 111 người sau cai nghiện theo học đại học.

c) Dạy nghề: trên cơ sở phân loại trình độ học vấn, sức khỏe người sau cai nghiện, các Trung tâm tổ chức nhiều lớp học nghề thông dụng như may công nghiệp, điện cơ, điện gia dụng, kỹ thuật viên tin học, sửa xe, mộc, gò hàn, thủ công mỹ nghệ… đến nay đã dạy nghề cho 31.403 lượt người, trong đó dạy nghề dài hạn tương đương bậc 3/7 cho 1.700 người.

- Về tạo việc làm cho người sau cai nghiện: tính đến cuối năm 2007, Thành phố đã tạo việc làm cho 24.181 học viên và người sau cai với 4 phương thức:

+ Làm việc và định cư tại cơ sở cai nghiện: Các Trung tâm đã tổ chức trồng rừng, trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, trồng rau xanh và chăn nuôi gia súc; tổ chức sản xuất, gia công chế biến thực phẩm với tổng giá trị sản phẩm khoảng 310 tỷ đồng. Nhờ đó, đã tự túc được 70 - 80% rau xanh và 50 - 60% nhu cầu thực phẩm hàng ngày, vừa góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn, đồng thời giải quyết việc làm, tạo thêm thu nhập cho học viên và người sau cai. Cùng với việc tổ chức sản xuất để cải thiện đời sống, các Trung tâm đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp, các HTX để tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho học viên.

+ Tại Cụm Công nghiệp Nhị Xuân đã có 22 doanh nghiệp ký hợp đồng thuê 30,5 ha đất (chiếm 90,2% tổng diện tích đất khu công nghiệp) với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 570 tỷ đồng; có 11 doanh nghiệp đi vào hoạt động sử dụng 1.035 lao động, trong đó 470 là người sau cai và người tái hòa nhập cộng đồng.

+ Giải quyết việc làm trong các Tổng Đội lao động tình nguyện tại các công trình xây dựng cơ bản phục vụ dân sinh: do các đơn vị không đáp ứng yêu cầu của thủ tục đấu thầu và điều kiện sức khỏe của người sau cai không đảm bảo lao động nặng nhọc nên mô hình này không triển khai đại trà được chỉ có Tổng Đội 1, Lực lượng Thanh niên xung phong là thực hiện được.

+ Tổ chức đi làm việc ở các doanh nghiệp ngoài Trung tâm: Thành phố thí điểm đưa 289 người sau cai nghiện đi lao động hàng ngày tại một số doanh nghiệp ngoài Trung tâm với thu nhập bình quân 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng/người/tháng. Những người lao động tốt đã được doanh nghiệp bảo lãnh ký hợp đồng tuyển dụng làm việc lâu dài. Đây là mô hình giải quyết việc làm có hiệu quả và là bước chuẩn bị tốt về tâm lý cho người sau cai khi được tái hòa nhập cộng đồng có việc làm, thu nhập ổn định bảo đảm đời sống, ngăn ngừa tái nghiện.

d) Quản lý và giúp đỡ người sau cai tái hòa nhập cộng đồng:

- Để chuẩn bị công tác tái hoà nhập cộng đồng cho những người sau cai Thành phố đã ban hành quy chế quản lý sau cai, tái hòa nhập cộng đồng và xây dựng Kế hoạch triển khai bằng nhiều phương thức như: về địa phương nơi cư trú; định cư, ở lại làm việc tại các Trung tâm; về làm việc và lưu trú tại Cụm Công nghiệp Nhị Xuân. Đồng thời,Thành phố đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các cấp, các đoàn thể, trong đó Mặt trận Tổ quốc thành phố có vai trò quan trọng trong công tác quản lý, giúp đỡ người sau cai tái hoà nhập cộng đồng, Tại các xã phường đã thành lập 322 Tổ cán sự xã hội tình nguyện với 1.300 tình nguyện viên giúp đỡ người sau cai về phòng, chống tái nghiện, tư vấn vay vốn, hỗ trợ tìm việc làm...; các đoàn thể địa phương đã thành lập 158 Câu lạc bộ thu hút 3.625 người sau cai tham gia sinh hoạt để chia sẻ, tương trợ giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

- Tính đến 31/03/2008, Thành phố đã có quyết định giải quyết cho 13.771 người sau cai tái hòa nhập cộng đồng, có 11.566 người về sống với gia đình ở thành phố và 683 người được chuyển về các tỉnh khác, số còn lại 1.522 người về làm việc tại Cụm Công nghiệp Nhị Xuân, tái định cư hoặc ở lại làm việc tại một số Trung tâm. Trong đó số người về tái hoà nhập cộng đồng 12,249 người (không tính số về Khu Công nghiệp Nhị Xuân); thời gian về cộng đồng cụ thể như sau:

+ Dưới 6 tháng là 2.868 người;

+ Từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 2.597 người;

+ Từ 12 tháng đến dưới 24 tháng là 6.660 người;

+ Trên 24 tháng là 124 người.

- Đến nay đã có 9.361/13.771 người tái hòa nhập cộng đồng có việc làm (chiếm 70%); trong đó gia đình tự tạo việc làm cho con em họ chiếm 60,8% (5.692/9.361 người), số còn lại 40% được địa phương giúp đỡ, giới thiệu việc làm tại các cơ sở sản xuất-kinh doanh; thu nhập bình quân 800.000đ-2.000.000 đồng/tháng, cá biệt có người thu nhập 3.000.000đ/tháng. Các đoàn thể địa phương (Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh…) đã tích cực hỗ trợ người tái hòa nhập cộng đồng vay vốn tạo việc làm, bước đầu có 592 người được vay với số tiền trên 3,57 tỷ đồng. Nhìn chung, những người vay vốn làm ăn có hiệu quả và tỷ lệ trả vốn vay đúng hạn đạt 98%.

- Theo báo cáo của các xã phường, quận huyện của thành phố mới phát hiện được 687 người tái nghiện trên 11.566 người tái hoà nhập cộng đồng chiếm tỷ lệ 6%, trong đó đối tượng tái nghiện chủ yếu trong thời gian 6 tháng đầu mới về tái hòa nhập (455/687 người). Đây là kết quả bước đầu, nhưng trên thực tế và trong thời gian tới tỷ lệ tái nghiện còn cao hơn (trước khi thực hiện Đề án thì tỷ lệ tái nghiện trong 6 tháng đầu mới về tái hoà nhập là 90%).

2. Tại Hà Nội

Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 214/2006/QĐ-TTg ngày 27/9/2006. Tuy là địa phương xây dựng Đề án sau cai muộn hơn, nhưng do rút kinh nghiệm quá trình triển khai Nghị quyết số 16/2003/QH11 của Thành phố Hồ Chí Minh nên Hà Nội có cách làm chắc chắn, không ồ ạt. Sau 18 tháng triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Hà Nội đã đạt được một số kết quả chủ yếu như sau:

- Chuyển chức năng, nhiệm vụ và bộ máy tổ chức của 2 Trung tâm cai nghiện sang làm cơ sở chuyên quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai với tổng công suất là 1.500 người; Đầu tư, bổ sung kinh phí trang thiết bị dạy nghề, hướng nghiệp là 72,5 tỷ đồng.

- Tính đến hết tháng 2/2008, Thành phố đã xét duyệt, chuyển 1.490 học viên đủ điều kiện tham gia Đề án sau cai sang giai đoạn 2 (đạt xấp xỉ chỉ tiêu 1.500 người của Thành phố đề ra). Các Trung tâm quản lý người sau cai nghiện đã bố trí nơi ăn, ở rộng rãi, thoáng mát. Ngoài giờ học tập, lao động người sau cai nghiện tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, trao đổi thư từ, điện thoại với gia đình, thăm gặp người thân. Các Trung tâm đều mở rộng diện tích trồng rau xanh, chăn nuôi gia cầm, gia súc để cải thiện bữa ăn cho học viên. Định kỳ 6 tháng/lần học viên và người sau cai được khám sức khoẻ, xác định bệnh để có chế độ điều trị kịp thời. Thành phố có chế độ hỗ trợ từ 50% đến 100% tiền ăn, thuốc chữa bệnh thông thường, tiền điện nước và tiền học nghề cho người sau cai nghiện, tuỳ theo hoàn cảnh khó khăn về kinh tế hoặc gia đình chính sách.

- Trên cơ sở phân loại trình độ văn hoá của học viên, các Trung tâm đã tổ chức học văn hóa cho người sau cai. Tất cả số người sau cai chưa có nghề hoặc đã có nghề nhưng muốn chuyển nghề đều được tham gia học một trong các nghề hàn, cơ khí, may công nghiệp, sửa chữa xe máy, mộc dân dụng và kỹ thuật viên tin học. Tổng cộng có 1295 người sau cai đã được dạy nghề,trong đó 834 người đã được cấp bằng nghề, chứng chỉ nghề theo đúng tiêu chuẩn của Tổng cục Dạy nghề.

- Ngoài tham gia lao động sản xuất chung của Trung tâm, người sau cai được bố trí thực hành và lao động sản xuất theo đúng nghề được học, vừa kết hợp luyện tay nghề vừa có thu nhập bảo đảm 100% người sau cai có việc làm ổn định với thu nhập bình quân 250.000đ-300.000đ/tháng, một số đạt 500.000đ/người/tháng.

Như vậy, sau Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội là địa phương tuy có thời gian triển khai Nghị quyết của Quốc hội ngắn hơn, nhưng đã đạt được những kết quả bước đầu đúng hướng, đáng khích lệ.

3. Các địa phương còn lại

a) Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương thứ hai Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sau cai (theo Quyết định số 186/2005/QĐ-TTg ngày 22/7/2005) nhưng do nhiều nguyên nhân, việc triển khai thực hiện Đề án tại Bà Rịa – Vũng Tàu là chậm. Tính đến ngày 15/02/2008, Trung tâm Hướng nghiệp- Dạy nghề và Giải quyết việc làm Xuyên Mộc của tỉnh đã tiếp nhận 237 người sau cai; hiện đang quản lý 187 người (1 số được giải quyết trở về gia đình, chuyển viện hoặc chết do chuyển giai đoạn AIDS). Số người sau cai ở Trung tâm chủ yếu tham gia lao động thu hoạch hạt điều và chăn nuôi bò, dê, lợn, gia công đan lát... Trung tâm bước đầu bảo đảm việc làm cho 140 người sau cai, với thu nhập bình quân 250.000đ/người/tháng, tổ chức được 2 lớp học nghề trồng trọt, chăn nuôi và tin học A.

b) Đề án sau cai của Quảng Ninh được triển khai từ tháng 2/2006. Đến ngày 15/01/2008, tại Trung tâm Giáo dục- Lao động xã hội Hoành Bồ có 793 học viên, trong đó có 61 người sau cai nghiện. Do số người sau cai còn quá ít nên Trung tâm kết hợp các lớp dạy nghề cho người sau cai cùng với học viên đang cai giai đoạn 1 như hàn, nề, điện dân dụng, chế tác đá quý (kết hợp tạo việc làm cho học viên và người sau cai). Đồng thời tổ chức cho học viên, người sau cai tham gia khai hoang, trồng trọt chăn nuôi và đảm nhận xây dựng một số hạng mục công trình của Trung tâm. Trung tâm hiện nay đang gặp khó khăn trong việc giải quyết việc làm cho người sau cai vì chưa thu hút được các nhà đầu tư và doanh nghiệp đầu tư cơ sở sản xuất vào Trung tâm.

c) Tây Ninh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sau cai theo Quyết định số 118/2006/QĐ-TTg ngày 26/5/2006. Triển khai Đề án sau cai, Tây Ninh đã phân loại đầu vào người sau cai nghiện và áp dụng 2 mức thời gian 24 tháng và 12 tháng (khác với các địa phương áp dụng đồng loạt 24 tháng đối với người chuyển sang giai đoạn sau cai). Từ tháng 3/2007 đến tháng 2/2008 đã có 102 học viên xét duyệt chuyển sang giai đoạn sau cai (gồm 71 người áp dụng 24 tháng, 31 người áp dụng 12 tháng). Trung tâm đã tổ chức 2 lớp dạy nghề cho 55 người sau cai theo 2 ngành nghề sửa chữa động cơ máy nổ và gò hàn , tất cả đều có chứng chỉ khi kết thúc lớp học. Số người sau cai còn lại đang được phân loại và tổ chức các lớp học tiếp theo. Trung tâm tổ chức gia công hạt điều, gia công bao bì và trồng 15 ha cao su để tạo việc làm cho cả học viên và người sau cai.

d) Đề án sau cai của Long An được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 200/2006/QĐ-TTg ngày 29/8/2006. Do chưa chuẩn bị được cơ sở vật chất để triển khai Đề án, vì vậy đến nay Trung tâm mới chuyển được 45 học viên cai nghiện sang giai đoạn sau cai; tổ chức 1 lớp dạy nghề hàn điện cho 27 người với thời gian 4 tháng; tổ chức lao động sản xuất (chủ yếu bóc hạt điều), với thu nhập từ 180.000đ tới 200.000đ/người/tháng và số tiền này được gửi tiết kiệm cho người sau cai (tổng số 32 người sau cai đã gửi được 24.142.000đ). Tỉnh đang cố gắng đẩy mạnh tiến độ xây dựng cơ bản để nhanh chóng đưa Trung tâm vào hoạt động đáp ứng quy trình cai nghiện và các hoạt động, quản lý sau cai theo các nhiệm vụ, mục tiêu Đề án sau cai đề ra.

đ) Bình Dương là địa phương cuối cùng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sau cai (Quyết định 122/2006/QĐ-TTg ngày 29/9/2006). Do quá trình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Đề án sau cai mới được hơn 1 năm và gặp khó khăn, lúng túng nên hiện nay Trung tâm mới tiếp nhận được 46 người. Trung tâm chưa tổ chức được các lớp học nghề cho người sau cai, việc tổ chức lao động sản xuất cũng mới chỉ xoay quanh lao động trồng cây cao su và tăng gia.

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG NHỮNG MẶT ĐẠT ĐƯỢC VÀ HIỆU QUẢ BƯỚC ĐẦU THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 16/2003/QH11 CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG

1. Trước hết, khẳng định rằng Nghị quyết số 16/2003/ QH11 của Quốc hội là hoàn toàn đúng, đã mở ra một hướng đi mới trong công tác cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy. Kết quả đạt được ở Thành phố Hồ Chí Minh đã chứng minh quy trình cai nghiện cần thiết có 2 giai đoạn: một là giai đoạn cai nghiện gồm: cắt cơn, điều trị-phục hồi, học văn hoá, giáo dục pháp luật, dạy nghề ngắn hạn, giáo dục hành vi, nhân cách, lao động trị liệu; Giai đoạn hai là quản lý sau cai gồm: quản lý, giám sát cách ly môi trường ma tuý, dạy nghề dài hạn, nâng cao tay nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm, tư vấn chuẩn bị tái hoà nhập cộng đồng. Thời gian thích hợp để tiến hành giai đoạn một từ 1 năm đến 2 năm; giai đoạn hai là từ 1 đến 3 năm tại các cơ sở tập trung hoặc tại gia đình và cộng đồng. Tất cả 7 địa phương tham gia triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội đều thống nhất 2 giai đoạn cai nghiện nêu trên. Đây là căn cứ để làm cơ sở sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy về lĩnh vực cai nghiện phục hồi.

2. Thực hiện Đề án quản lý sau cai là thể hiện quan điểm nhân văn, nhân đạo hết sức tốt đẹp của Đảng, Nhà nước đối với những người đã có thời kỳ lầm lạc, sa vào tệ nghiện ma túy. Hàng vạn người đã được cai nghiện; học tập nâng cao trình độ văn hoá, rèn luyện nhân cách; được học nghề, nâng cao tay nghề hỗ trợ tạo việc làm, bảo đảm điều kiện tái hoà nhập cộng đồng (ở Thành phố Hồ Chí Minh, một số học viên còn được theo học Đại học từ xa). Người nghiện ma tuý không bị kỳ thị, phân biệt đối xử mà được chữa trị, học tập, rèn luyện làm lại cuộc đời.

3. Trong thời gian thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, nhìn chung tại 7 địa phương, đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh đã kiềm chế được tốc độ gia tăng người nghiện mới, giảm tình trạng tội phạm hình sự; tình hình an ninh trật tự xã hội ở từng địa phương tốt hơn, góp phần tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội; đồng thời góp phần ngăn chặn sự lây lan nhanh đại dịch HIV/AIDS trong nhóm người nghiện ma túy cũng như ngoài cộng đồng xã hội. Tại thành phố Hồ Chí Minh, sau gần 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, tội phạm hình sự đã giảm từ 16.000 vụ thời kỳ 1999-2000 xuống còn 9.000 vụ những năm 2006-2007; Tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao từ 66% năm 2003 xuống 45% năm 2006; Số người nghiện mới trong năm 2007 và quý I/2008 giảm mạnh, theo báo cáo thì có khoảng 1.700 người mới phát hiện, trong đó 30% là số nghiện mới của Thành phố Hồ Chí Minh, còn lại là người nghiện ma tuý của các tỉnh khác đến Thành phố Hồ Chí Minh.

4. Về mặt kinh tế-xã hội, với hàng vạn người ở các địa phương tham gia Đề án sau cai, trong thời gian từ 4 năm đến 5 năm đã tiết kiệm cho xã hội hàng ngàn tỷ đồng/năm, (nếu tính bình quân mỗi người nghiện 1 ngày sử dụng 1 liều ma túy với giá 50.000đồng thì chỉ riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã đỡ tốn phí gần 3.000 tỷ đồng/năm). Như vậy số tiền đầu tư trên 1.000 tỷ đồng cho công tác cai nghiện ma tuý của Thành phố Hồ Chí Minh chỉ chiếm 1/3 số tiền tiêu phí cho sử dụng ma tuý của các đối tượng (1.000/3.000 tỷ đồng). Số tiền đầu tư vào cơ sở vật chất cho công tác cai nghiện ma tuý khi hết thời gian thực hiện Đề án sẽ được tiếp tục sử dụng cho công tác cai nghiện hoặc sử dụng mục đích an sinh xã hội. Ngoài ra về mặt xã hội đã tạo điều kiện cho hàng vạn người nghiện trong lứa tuổi lao động được chữa trị, học nghề và tham gia lao động sản xuất, đã tạo ra được nhiều sản phẩm có ích cho xã hội, giúp hàng nghìn gia đình người nghiện không bị rơi vào cảnh ly tán, đói nghèo cùng cực vì tệ nghiện ma túy.

5. Việc triển khai Nghị quyết số 16/2003/QH11 đã thúc đẩy thực hiện chủ trương xã hội hoá công tác cai nghiện. Trước hết là làm chuyển biến nhận thức, quan điểm và tạo sự đồng thuận của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, bản thân người nghiện và gia đình họ trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai. Từ đó khuyến khích và huy động cả hệ thống chính trị, toàn xã hội tham gia thực hiện Đề án. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, không chỉ nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư tích cực tham gia Đề án để tạo việc làm cho hàng vạn lao động đang cai và sau cai mà còn có sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội, các tôn giáo với nhiều hoạt động cụ thể giúp đỡ người nghiện và gia đình họ trở lại cuộc sống bình thường.

IV. NHỮNG TỒN TẠI, KHÓ KHĂN TRONG QUÁ TRÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 16/2003/QH11

Nhìn chung trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 16/2003/QH11 cũng như các Đề án sau cai ở 7 địa phương đều có một số tồn tại và những khó khăn, vướng mắc như sau:

1. Thời gian triển khai Nghị quyết 16/2003/QH11 không đồng nhất ở 7 địa phương nên đa số các địa phương chưa kịp triển khai thực hiện những mục tiêu của Đề án sau cai nghiện thì thời gian hết hiệu lực của Nghị quyết đã sắp tới. Tại Quảng Ninh, Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu các nhiệm vụ, chỉ tiêu của Đề án sau cai chưa có thời gian thực hiện, thậm chí có nơi mới bắt đầu triển khai thực hiện. Chỉ riêng thành phố Hồ Chí Minh là có số lượng lớn người đã hoàn thành thời gian tham gia Đề án sau cai tái hoà nhập cộng đồng, 6 địa phương còn lại chưa có người tái hoà nhập cộng đồng nên chưa có đủ căn cứ về mặt thời gian để đánh giá về tỷ lệ tái nghiện cao hay thấp. Tỷ lệ tái nghiện của thành phố Hồ Chí Minh báo cáo mới chỉ là bước đầu và phải có thời gian để theo dõi đánh giá xem xét kết quả, vì vậy chưa thể khẳng định tính bền vững lâu dài.

2. Tại một số địa phương, công tác tuyên truyền còn nhiều hạn chế, do đó một số cơ quan, đoàn thể, quần chúng nhân dân, bản thân người nghiện và gia đình họ chưa nhận thức đầy đủ nên chưa thực sự vào cuộc. Bên cạnh đó, do đầu tư kinh phí lớn nên chỉ có Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất triển khai Đề án, 5 địa phương còn lại có nhiều khó khăn, không bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện Đề án. Nhiều nơi chưa có chính sách, chế độ khuyến khích, động viên người sau cai tham gia Đề án nên người sau cai còn thiếu yên tâm, tin tưởng dẫn tới kết quả còn hạn chế.

3. Trình độ văn hóa, ý thức tổ chức kỷ luật của người sau cai có những hạn chế, khó tiếp thu kiến thức văn hóa, học nghề; do sức khoẻ kém không thể đảm bảo ngày công lao động, năng suất thấp và chất lượng sản phẩm chưa cao, dẫn đến các doanh nghiệp tham gia Đề án gặp khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh và ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, khả năng thu hồi vốn.

4. Một số chế độ, chính sách thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia Đề án sau cai (chính sách ưu đãi, thuế, tiêu thụ sản phẩm…) chưa được ban hành kịp thời. Một số địa phương chưa phát huy được nội lực, chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của xã hội, cộng đồng tham gia thực hiện Đề án trong khi điều kiện kinh tế của địa phương còn khó khăn dẫn tới kết quả còn hạn chế.

V. MỘT SỐ BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

1. Trước hết, cần tập trung và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về ý nghĩa, nội dung và các mục tiêu của Nghị quyết 16/QH11/2003 của Quốc hội và Đề án sau cai ở từng địa phương sâu rộng đến các cơ quan, tổ chức, các cấp, các ngành cho tới mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt lưu ý tới bản thân người nghiện và gia đình họ. Từ đó nâng cao nhận thức, tạo sự ủng hộ, đồng thuận và tham gia tích cực của mọi tổ chức, cá nhân để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 16/2003/QH11 của Quốc hội cũng như các Đề án sau cai.

2. Phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, Chính quyền từ tỉnh, thành phố đến quận – huyện và địa bàn xã phường cơ sở trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời có sự phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng và phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các ngành, các cấp, các đoàn thể trong chương trình, kế hoạch chung. Thường xuyên tiến hành kiểm tra, đôn đốc, sơ kết tình hình để có sự chỉ đạo điều chỉnh kịp thời và cần thiết.

3. Cần căn cứ vào khả năng ngân sách của từng địa phương để xác định quy mô, mức độ đầu tư cho phù hợp, bảo đảm các điều kiện để triển khai thực hiện những nhiệm vụ mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án sau cai theo tinh thần Nghị quyết Quốc hội đề ra. Đồng thời quan tâm kiện toàn đội ngũ cán bộ, nhân viên cả về số lượng, chất lượng với trình độ năng lực quản lý, lãnh đạo và chuyên môn cao, có tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật, nhiệt tình và sáng tạo trong công việc; thường xuyên làm tốt công tác huấn luyện, đào tạo bồi dưỡng cán bộ và có các chính sách, chế độ, động viên, khuyến khích để họ yên tâm phấn khởi làm việc và hoàn thành nhiệm vụ; có các chính sách, chế độ với người cai nghiện để họ yên tâm, tin tưởng tham gia Đề án sau cai.

4. Trong quá trình triển khai Nghị quyết của Quốc hội và các Đề án sau cai, tuỳ điều kiện và hoàn cảnh cụ thể từng địa phương cần có sự tập trung chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ, mục tiêu chủ yếu của Đề án sau cai như công tác dạy văn hoá, dạy nghề, tổ chức lao động sản xuất tạo thu nhập và bảo đảm cả đời sống vật chất, tinh thần cho người sau cai; tổ chức cho người sau cai có được một môi trường học tập, rèn luyện lành mạnh và cuốn hút với phương châm “cách ly người nghiện khỏi môi trường dễ sử dụng ma tuý nhưng không tách rời cộng đồng và xã hội” để họ và gia đình họ yên tâm, tự nguyện và tích cực tham gia Đề án .

5. Kết hợp thực hiện Đề án sau cai với các phong trào, cuộc vận động của địa phương như: Phong trào toàn dân xây dựng nếp sống văn hóa, Chương trình xoá đói giảm nghèo, Chương trình giải quyết việc làm… để giúp đỡ người sau cai tái hoà nhập cộng đồng sớm ổn định cuộc sống, có việc làm và thu nhập bảo đảm đời sống lâu dài. Đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa việc giảm cầu đi đôi với giảm cung để làm trong sạch môi trường ma tuý, tạo điều kiện thuận lợi cho người sau cai chống tái nghiện có hiệu quả. Đây là yếu tố quyết định sự thành công của Đề án sau cai ở từng địa phương nói riêng và của Nghị quyết 16/2003/QH11 nói chung.

VI. KIẾN NGHỊ

1. Đề nghị Quốc hội cho phép được bảo lưu thời gian của những trường hợp đã đưa người sau cai tham gia Đề án đến khi Luật sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống ma tuý có hiệu lực.

2. Đề nghị Quốc hội luật hóa Nghị quyết 16/2003/QH11 với nội dung như sau:

- Khẳng định rõ 2 biện pháp cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc;

- Các hình thức cai nghiện: cai tại gia đình và cộng đồng thời gian từ 6 – 12 tháng; cai nghiện tập trung với thời gian 1 – 2 năm;

- Qui định thời gian quản lý người sau cai nghiện từ 1 đến 3 năm;

- Luật cần quy định rõ chính sách, chế độ khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân tham gia công tác cai nghiện, tạo việc làm cho người đã cai nghiện để từng bước xã hội hoá công tác này;

- Quy định rõ trách nhiệm của gia đình và chính quyền cơ sở trong công tác cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai.

3. Về sửa đổi một số qui định của các văn bản pháp luật có liên quan:

- Sửa đổi Điểm c, Khoản 1, Điều 19 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp với nội dung: bổ sung các cơ sở, doanh nghiệp sử dụng người lao động là người sau cai nghiện ma tuý được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập từ hoạt động dạy nghề, sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ.

- Xem xét, bỏ Điều 199 Bộ luật Hình sự để làm căn cứ điều chỉnh Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 135/2004/NĐ-CP theo hướng : người cai nghiện tái hoà nhập cộng đồng tái nghiện trong thời hạn 2 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định đưa vào Cơ sở chữa bệnh thì có thể đưa quay lại Cơ sở chữa bệnh để tiếp tục cai nghiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- UBTV Quốc hội;
- UB các VĐXH, UB pháp luật của QH;
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng;
- Các Bộ : Tư pháp, Công an, Tài chính, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thông tin – Truyền thông, Văn hoá Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- UBND T.p Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ninh, Tây Ninh, Long An, Bình Dương;
- Văn phòng Chính phủ;
- Lưu : Văn thư, Vụ Văn xã (VPCP).

TM. CHÍNH PHỦ
TUQ. THỦ TƯỚNG
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI




Nguyễn Thị Kim Ngân

 

PHỤ LỤC 1

DANH MỤC CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT LIÊN QUAN TỚI VIỆC TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ 16/2003/QH11
(Kèm theo Báo cáo số 64/BC-CP ngày 05/5/2008 của Chính phủ)

STT

Hình thức và số văn bản

Ngày, tháng, năm

Trích yếu Nội dung

I. Các Nghị định, Quyết định, Thông tư hướng dẫn

1.

Nghị định số 146/2004/NĐ-CP

19/7/2004

Quy định thủ tục, thẩm quyền quyết định đưa vào cơ sở quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm đối với người sau cai nghiện ma túy.

2.

Nghị định 114/2007/NĐ-CP

03/7/2007

Quy định chế độ phụ cấp đối với cán bộ - viên chức làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người bán dâm và một số người sau cai nghiện ma túy.

3.

Tờ trình 06/TTr-CP

24/01/2007

Trình Quốc hội cho phép được áp dụng một số chế độ ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ sở và doanh nghiệp sử dụng lao động là người sau cai trong thời gian thực hiện Nghị quyết 16/2003/QH11 của Quốc hội.

4.

Tờ trình 33/TTr-CP

09/5/2007

Trình Quốc hội cho phép được áp dụng một số chế độ ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ sở và doanh nghiệp sử dụng lao động là người sau cai trong thời gian thực hiện Nghị quyết 16/2003/QH11 của Quốc hội.

5.

Quyết định 212/2006/QĐ-TTg

20/9/2006

Tín dụng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ và doanh nghiệp sử dụng lao động là người sau cai nghiện ma túy.

6.

Thông tư Liên tịch số 13/2007/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC

20/8/2007

Hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp đối với cán bộ, viên chức làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người bán dâm và người sau cai nghiện ma túy.

7.

Thông tư số 05/2007/TT-BTC

18/01/2007

Hướng dẫn một số nội dung Quyết định số 212/2006/QĐ-TTg ngày 20/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và doanh nghiệp sử dụng người lao động là người sau cai nghiện ma túy.

II. Các Quyết định phê duyệt Đề án sau cai của Thủ tướng Chính phủ

1.

Quyết định 205/2003/QĐ-TTg

02/10/2003

Phê duyệt Đề án “ Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện” tại Thành phố Hồ Chí Minh

2.

Quyết định số 83/2005/QĐ-TTg

22/7/2005

Về việc phê duyệt Đề án “ Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện” tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

3.

Quyết định số 35/2006/QĐ-TTg

08/2/2006

Về việc phê duyệt Đề án “ Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện” tại tỉnh Quảng Ninh

4.

Quyết định số 118/2006/QĐ-TTg

26/5/2006

Về việc phê duyệt Đề án “ Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện” tại Tây Ninh

5.

Quyết định số 200/2006/QĐ-TTg

29/8/2006

Về việc phê duyệt Đề án “ Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện” tại tỉnh Long An

6.

Quyết định số 214/2006/QĐ-TTg

27/9/2006

Về việc phê duyệt Đề án “ Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện” tại Thành phố Hà Nội

7.

Quyết định số 222/2006/QĐ-TTg

29/9/2006

Về việc phê duyệt Đề án “ Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện” tại tỉnh Bình Dương

 

PHỤ LỤC 2A

BẢNG TỔNG HỢP VỀ TÌNH HÌNH QUẢN LÝ NGƯỜI CAI NGHIỆN VÀ SAU CAI NGHIỆN TẠI CÁC CƠ SỞ CAI NGHIỆN/QUẢN LÝ SAU CAI CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Số đối tượng nghiện ma túy đưa vào các Trung tâm năm 2002 chuyển sang đầu năm 2003: 25.635 người

(kèm theo báo cáo số 64/BC-CP ngày 05/5/2008 của Chính phủ)

Đơn vị tính: Người

NĂM NỘI DUNG

2003

2004

2005

2006

2007

2008

Tổng

1. Số người cai nghiện: (2=a+b)

4,492

3,562

2,858

2,028

1,897

741

15,578

a. Số người cai nghiện diện bắt buộc:

3,213

2,968

2,539

1,890

1,701

509

12,820

- Thường trú:

1,733

2,034

1,672

1,472

928

285

8,124

- Ngoại tỉnh:

1,480

934

867

418

773

224

4,696

b. Số người cai nghiện diện tự nguyện:

1,279

594

319

138

196

232

2,758

- Thương trú:

1,200

532

291

121

181

210

2,535

- Ngoại tỉnh:

79

62

28

17

15

22

223

2. Số người chuyển sang quản lý sau cai nghiện

0

18,521

5,163

3,539

3,259

199

30,681

3. Số người được tái hòa nhập mà không phải áp dụng quản lý sau cai nghiện

10

35

45

45

111

17

263

4. Số người tái hòa nhập cộng đồng sau khi áp dụng quản lý sau cai nghiện

 

 

47

6,031

5,977

1,716

13,771

5. Số người tái nghiện đã lập hồ sơ đưa vào CSCB

 

 

 

 

381

103

484

6. Số người trốn cơ sở cai nghiện/ quản lý sau cai

2,113

1,104

1,896

2,093

1,806

226

9,238

7. Số người trốn đã được đưa trở lại cơ sở cai nghiện/ quản lý sau cai

554

1,028

1,128

905

802

115

4,532

8. Ngân sách địa phương để thực hiện đề án ( đơn vị tính: 1000 đồng)

356,376,760

184,211,775

279,452,421

242,641,080

159,841,207

0

1,222,523,243

 

PHỤ LỤC 2B

PHÂN TÍCH TÌNH HÌNH NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY Ở TP HỒ CHÍ MINH

Số TT

Tiêu chí

Bắt đầu triển khai dề án năm 2003
Tỷ lệ (%)

Số liệu năm 2007
Tỷ lệ (%)

Ghi chú

1

Tổng số

25.635 người

1.519 người

 

Nam

22.654 người(88.37%)

1.402 người (92,3%)

 

Nữ

2.981 người( 11,63%)

117 người( 7,7%)

 

2

Độ tuổi

 

 

 

Dưới 18 tuổi

2,7

3,49

 

Từ 18 – 25 tuổi

52,9

40,09

 

Từ 26 – 35 tuổi

34,1

47,8

 

Từ 35 tuổi trở lên

10,3

8,62

 

3

Địa bàn

 

 

 

Thành phố

70,8

64,12

 

KT3

7,0

6,58

 

Tỉnh

15,7

25,48

 

Lang thang

6,5

3,82

 

4

Trình độ văn hóa

 

 

 

Mù chữ

12,2

4,54

 

Cấp 1

38,3

25,08

 

Cấp 2

34,1

47,8

 

Cấp 3

15,0

21,59

 

CĐ – ĐH – trên ĐH

0,4

0,99

 

5

Nghề nghiệp

 

 

 

Thất nghiệp

38,0

29,23

 

Ổn định

6,3

20,54

 

Không ổn định

55,7

50,23

 

6

Sức khỏe

 

 

 

 

Bình thường

56,9

77,16

 

 

Yếu

43,1

22,84

 

7

Thành phần gia đình

 

 

 

Lao động

62,5

60,17

 

Nông dân

5,2

14,55

 

Công nhân

5,6

13.89

 

CB-CNV

5,7

4,41

 

Hưu trí

8,7

4,48

 

Doanh nhân

12,3

2,50

 

8

Đời sống gia đình

 

 

 

Giàu

10,8

0,33

 

Khá

11.6

2,57

 

Đủ ăn

50,2

74,26

 

Nghèo

20,6

20,41

 

XĐGN

6,8

2,43

 

9

Loại ma túy sử dụng

 

 

 

Heroin

98,3

98,95

 

Thuốc Tây

1,2

0,39

 

Khác

0,5

0,66

 

10

Hình thức sử dụng

 

 

 

Tiêm ( chích)

75,50

73,67

 

Hút ( hít)

22,32

25,67

 

Uống

2,18

0,66

 

11

Liều sử dụng trong ngày

 

 

 

1- 2 lần

88,8

93,29

 

3- 5 lần

19,2

6,05

 

6 lần trở lên

2,0

0,66

 

12

Thời gian sử dụng

 

 

 

Dưới 1 năm

49,8

61,75

 

Từ 1 – 2 năm

33,9

23,44

 

Từ 3 – 4 năm

5,7

6,78

 

5 năm trở lên

10,6

8,03

 

13

Số lần cai

 

 

 

1 lần

49,0

66,24

 

2 lần

35,5

28,40

 

3 lần trở lên

15,5

13,52

 

14

Có tiền án, tiền sự

38,0

24,25

 

 

PHỤ LỤC 2C

KẾT QUẢ TÁI HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG CỦA TP.HỒ CHÍ MINH
(Tính tới 31/03/2008)

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Tổng số

Tỉ lệ %

Ghi chú

1

Tổng số QĐ.THNCĐ đã ban hành

quyết định

13.771

100

 

- Về thành phố

quyết định

11.566

83,98

 

- Về tỉnh

quyết định

683

4,96

 

- Về Cụm CN- DC ĐTM Nhị Xuân

quyết định

944

6,85

 

- Ở lại làm việc tại các Trường, Trung tâm và tái định cư tại Trung tâm Phú Văn

quyết định

535

3,88

 

- Bảo trợ xã hội

quyết định

43

0,33

 

2

Số QĐ đã được thi hành

người

13.771

100

 

- Về thành phố

người

11.566

83,98

 

- Về tỉnh

người

683

4,96

 

- Về Cụm CN – DC ĐTM Nhị Xuân

người

944

6,85

 

- Ở lại làm việc tại các Trường, Trung tâm và tái định cư tại Trung tâm Phú Văn

người

535

3,88

 

- Bảo trợ xã hội

người

43

0,33

 

3

Số người THNCĐ đã bàn giao về quận huyện,phường,xã

người

11.380

 

 

- Rời khỏi địa phương không báo cáo

người

633

5,56

 

- Chết

người

553

4,86

 

- Đưa vào CSCB

người

373

3,28

 

- Xử lý hình sự

người

159

1,40

 

- Xuất cảnh, khác

người

320

2,81

 

Số đang được quản lý tại địa phương

người

9.342

82,09

 

4

Nhập hộ khẩu

 

 

 

 

- Đã hoàn tất thủ tục nhập hộ khẩu

người

10.525

92,48

 

- Đang tiến hành thủ tục nhập hộ khẩu

người

725

6,37

 

- Khó khăn trong việc nhập hộ khẩu

+ Hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ

+ Không có chủ quyền, thuê ,tạm trú

+ Chưa đủ ĐK nhập hộ khẩu( trốn NVQS, không có mặt địa phương...)

+ Gia đình không bảo lãnh

+ Vi phạm pháp luật

+ Không chịu đăng ký HKTT

+ Bênh nặng, sắp chết

người

người

người

người


người

người

người

người

130

66

32

24


16

09

18

03

1,15

 

5

Giải quyết việc làm cho người THNCĐ

 

 

 

 

 

- Có việc làm

người

6.638

71,06

 

 

- Đang học nghề

người

275

2,94

 

 

- Đang học văn hóa

người

103

1,10

 

 

- Không đủ sức khỏe để lao động

người

712

7,62

 

 

- Không có nhu cầu làm việc

người

25

0,27

 

 

- Số mới về

người

422

4,52

 

 

- Số chưa có việc làm

người

1.167

12,49

 

6

Trợ giúp vay vốn tạo việc làm cho người THNCĐ

 

 

 

 

- Số người được vay

người

592

592

 

- Số tiền được vay

đồng

3.566.000.000

 

 

7

Tổ chức hoạt động các câu lạc bộ đội nhóm

 

 

 

 

- Số câu lạc bộ

CLB

158

 

 

- Số lượt người tham dự

lượt người

3.625

 

 

8

Người THNCĐ phát hiện tái sử dụng ma túy

người

687

6.00

 

- Chết

người

24

3,49

 

- Trốn

người

52

7,57

 

- Đã và đang lập hồ sơ đưa vào CSCB

người

558

81,22

 

- Đang quản lý tại địa phương

người

53

7,72

 

Nguyên nhân tái nghiện

 

 

 

 

- Bạn cũ rủ rê

người

474

70,00

 

- Buồn do bệnh Aids

người

49

7,13

 

- Hút thử xem có nghiện lại không

người

70

10,19

 

- Gia đình không quan tâm, bi quan, chán đời

người

94

13,68

 

Thời gian tái nghiện ( sau khi rời trung tâm )

 

 

 

 

- 1 đến 3 tháng

người

250

36,39

 

- 4 đến 6 tháng

người

205

29,84

 

- 7 tháng trở lên

người

232

33,77

 

Tình trạng việc làm

 

 

 

 

- Có việc làm

người

329

47,89

 

- Không việc làm

người

358

52,11

 

 

PHỤ LỤC 3

BẢN TỔNG HỢP TÌNH HÌNH QUẢN LÝ NGƯỜI CAI NGHIỆN VÀ SAU CAI NGHIỆN CỦA 6 TỈNH, THÀNH PHỐ (KHÔNG KỂ THÀNH PHỐ HCM) TẠI CÁC CƠ SỞ CAI NGHIỆN VÀ QUẢN LÝ SAU CAI

(Từ năm 2003 đến ngày 31/3/2008)

(Kèm theo Báo cáo số 64/BC-CP ngày 05/5/2008 của Chính Phủ)

Đơn vị tính: người

Nội dung

BR- Vũng Tàu

Bình Dương

Hà Nội

Long An

Quảng Ninh

Tây Ninh

Tổng Cộng

1. Số người cai bắt buộc:

- Thường trú:

- Ngoài tỉnh

1.665

1.265

403

872

48.112

578

578

728

625

608

16

52.580

2.448

419

2. Số người cai tự nguyện.

- Thường trú:

- Ngoài tỉnh:

446

192

254

68

5.997

123

123

793

127

126

1

7.554

441

255

3. Số chuyển sang quản lý sau cai.

237

46

1.062

45

61

96

1.547

4. Số được hồi gia không áp dụng quản lý sau cai

1.518

5

14.491

628

 

489

17.131

5. Số người hồi gia sau khi áp dụng QLSC

0

0

0

0

0

0

0

6. Số tái nghiện

378

 

 

148

 

132

658

7. Số trốn khỏi cơ sở cai nghiện/ QLSC

37

258

33

132

 

127

587

8. Số trốn đã đưa trở lại cơ sở cai nghiện/ QLSC

16

57

13

84

 

5

175

9. Ngân sách ĐP để thực hiện Đề án

11,685 tỷ

 

5,233 tỷ

15,324 tỷ