Chương trình phối hợp 639/CTPH-BVHTTDL-HLHPNVN năm 2018 giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về "Đẩy mạnh hoạt động văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch" giai đoạn 2018-2022
Số hiệu: 639/CTPH-BVHTTDL-HLHPNVN Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch Người ký: Trần Thị Hương, Trịnh Thị Thủy
Ngày ban hành: 23/02/2018 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Văn hóa , thể thao, du lịch, Dân số, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 639/CTPH-BVHTTDL-HLHPNVN

Hà Nội, ngày 23 tháng 02 năm 2018

 

CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP

GIỮA BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH VÀ HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM VỀ “ĐẨY MẠNH CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA, GIA ĐÌNH, THỂ THAO VÀ DU LỊCH” GIAI ĐOẠN 2018-2022

Căn cứ Nghị định số 79/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Căn cứ Quyết định số 21/2016/QĐ-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành cơ chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình;

Căn cứ Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XII, nhiệm kỳ 2017-2022;

Căn cứ vào kết quả đạt được trong công tác phối hợp hoạt động giai đoạn 2011-2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thống nhất Chương trình phối hợp về “Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch” giai đoạn 2018-2022, với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Phát huy kết quả Chương trình phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam năm 2017 và tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch.

- Phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng hiện có của các cơ quan phối hợp, để tổ chức, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch trong từng năm và cả giai đoạn 2018-2022.

- Nâng cao nhận thức cho cán bộ Hội phụ nữ các cấp về văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch.

2. Yêu cầu:

- Việc phối hợp giữa các cơ quan phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan trong khuôn khổ quy định của pháp luật và nội dung của Chương trình phối hợp này.

- Bảo đảm phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi cơ quan, đề cao sự hợp tác trong giải quyết công việc, bảo đảm phát huy tính dân chủ, hiệu quả trong việc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch trong giai đoạn ký kết của Chương trình.

- Chương trình phối hợp phải được cụ thể hóa bằng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện thường xuyên, đảm bảo thiết thực, hiệu quả; định kỳ kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện chương trình, kịp thời đề ra phương hướng nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

II. NỘI DUNG PHỐI HỢP

1. Lĩnh vực văn hóa

1.1. Xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ với các cấp Hội. Đặc biệt tăng cường giao lưu với cấp Hội cơ sở, nhằm tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về văn hóa trong các lớp tập huấn, các buổi sinh hoạt của các cấp Hội.

1.2. Tổ chức các hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của từng dân tộc, từng vùng, miền trên địa bàn cả nước.

1.3. Đẩy mạnh thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xây dựng và phát triển văn hóa đọc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong các cấp hội, hội viên Hội phụ nữ.

2. Lĩnh vực gia đình

2.1. Hàng năm phối hợp tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), Ngày quốc tế gia đình (15/5), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Ngày thế giới xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em (25/11), Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình với nhiều hình thức phong phú, đa dạng phù hợp với chủ đề hoạt động từng năm.

2.2. Tổ chức các lớp tập huấn, truyền thông, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững; thực hiện bình đẳng giới trong gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; lồng ghép nội dung giáo dục đời sống gia đình vào các buổi sinh hoạt, sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đời sống gia đình cho cán bộ các cấp Hội, nhằm tạo dựng môi trường an toàn, tin cậy, yêu thương trong gia đình, dòng họ, cộng đồng.

2.3. Tiếp tục củng cố và nhân rộng các mô hình câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, địa chỉ tin cậy ở cộng đồng.

2.4. Phối hợp tổ chức triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam và các Đề án thành phần của Chiến lược. Tập trung vào Đề án “Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020”; Phối hợp đánh giá 10 năm thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình.

2.5. Phối hợp triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình thông qua các Câu lạc bộ của Hội liên hiệp Phụ nữ tại địa phương và thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình sau khi được ban hành chính thức.

2.6 Phối hợp thực hiện một số hoạt động triển khai Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.

3. Lĩnh vực Thể thao

3.1. Chỉ đạo các cấp Hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân. Khuyến khích mỗi cán bộ cấp Hội, chị em phụ nữ lựa chọn cho mình môn thể dục, thể thao thích hợp để luyện tập hàng ngày.

3.2. Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các hội thi thể thao, giải thi đấu thể thao theo định kỳ hàng năm; Chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội xây dựng kế hoạch và tổ chức giao lưu các hoạt động thể thao, hội thi thể thao, giải thi đấu thể thao giữa các cấp Hội với nhân dân trên địa bàn nhằm tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ và nhân dân.

3.3. Phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về thể dục thể thao cho cán bộ phụ trách công tác gia đình các cấp để tổ chức và đẩy mạnh phong trào thể dục, thể thao tại các cơ sở; xây dựng và phát triển các câu lạc bộ thể dục, thể thao, các đội thể thao cơ sở.

3.4. Phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội đề xuất với cấp ủy, chính quyền các đơn vị, địa phương hoàn thiện cơ bản hệ thống thiết chế văn hóa, thể dục thể thao và đầu tư sân bãi, nhà tập, lắp đặt trang thiết bị, dụng cụ thể thao cộng đồng để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em tập luyện thể dục, thể thao.

3.5. Phối hợp triển khai Luật trẻ em, Tháng hành động vì trẻ em và tổ chức cho trẻ em tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, luyện tập thể dục thể thao trong dịp hè hàng năm; triển khai Kế hoạch phối hợp liên ngành về phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2017-2020 và những năm tiếp theo của Chương trình.

3.6. Phát huy trách nhiệm của cán bộ các cấp Hội và vai trò của người phụ nữ trong gia đình về việc gương mẫu, vận động, tạo điều kiện để các thành viên trong gia đình tích cực luyện tập thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình, xây dựng gia đình thể thao, gia đình văn hóa.

3.7. Nghiên cứu, sưu tầm, duy trì, phát triển các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian và phát triển phong trào thể dục thể thao cho phụ nữ, trẻ em đồng bào vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.

4. Lĩnh vực du lịch

4.1. Đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền chính sách, pháp luật về du lịch, bộ quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch tới cán bộ, hội viên, phụ nữ góp phần nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong xây dựng, bảo vệ hình ảnh, môi trường, góp phần phát triển bền vững, không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu và sức thu hút của du lịch Việt Nam. Tập trung tại một số địa phương có nhiều điểm du lịch, có lượng khách tới tham quan nhiều trong năm.

4.2. Đề xuất các cơ chế, chính sách liên quan đến việc thu hút phụ nữ tham gia vào các hoạt động du lịch. Nâng cao vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong việc phát triển các nghề truyền thống, bảo tồn và khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống để phục vụ phát triển du lịch. Xây dựng một số mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa bản địa ở những địa bàn có tiềm năng, lợi thế về các hoạt động du lịch. Thành lập và duy trì hoạt động các đội và các nữ hướng dẫn viên du lịch, nhằm nâng cao kiến thức, trách nhiệm, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

4.3. Phối hợp truyền thông, quảng bá văn hóa, đặc sản, ẩm thực, danh thắng các vùng miền trên địa bàn toàn quốc.

III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, kế hoạch phối hợp hàng năm đã được phê duyệt để tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp.

- Chỉ đạo các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước về văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp thực hiện tốt chương trình phối hợp.

- Chủ trì, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tổ chức lấy ý kiến hội viên, phụ nữ tham gia, góp ý vào việc xây dựng, thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch; các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội gắn với văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch.

- Cung cấp thông tin, tài liệu, ấn phẩm, hỗ trợ kỹ thuật, chuyên gia giúp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong các hoạt động truyền thông cho cán bộ, hội viên, phụ nữ; Báo cáo viên, tuyên truyền viên của Hội về lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch.

- Phối hợp tổ chức tốt các cuộc thi và thực hiện các hoạt động về văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch.

- Chủ trì công tác kiểm tra, giám sát liên ngành hàng năm và tổng kết, đánh giá 5 năm thực hiện chương trình phối hợp hoạt động giữa hai ngành.

2. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

- Chỉ đạo, tổ chức triển khai quán triệt và hướng dẫn, tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia thực hiện tốt trong lĩnh vực, văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch.

- Phối hợp tổ chức thực hiện các hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý kiến đối với các cấp chính quyền và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tình hình thực hiện các hoạt động gia đình, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và du lịch.

- Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các cấp Hội cụ thể hóa các nội dung chương trình phối hợp của các cấp Hội phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung hoạt động đã nêu trong chương trình phối hợp.

- Giám sát, đôn đốc, kiểm tra các cấp Hội triển khai thực hiện chương trình phối hợp đạt kết quả

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ban Gia đình và Xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam là hai đơn vị đầu mối, làm nhiệm vụ thường trực tham mưu cho lãnh đạo hai cơ quan tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình phối hợp.

2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn Hội Liên hiệp Phụ nữ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao và Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện Chương trình phối hợp này.

3. Định kỳ hàng năm, căn cứ vào nhiệm vụ do mỗi cơ quan chủ trì, các cơ quan phối hợp chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, chỉ đạo, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Chương trình và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho năm tiếp theo.

4. Kinh phí thực hiện chương trình từ ngân sách của mỗi cơ quan và nguồn xã hội hóa.

5. Hàng năm, có các hình thức tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Chương trình. Cuối năm 2022 tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp.

6. Chương trình phối hợp này có hiệu lực kể từ ngày ký. Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình, hai cơ quan thống nhất phối hợp để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các nội dung đã ký kết phù hợp với tình hình thực tế.

 

HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Trần Thị Hương

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Trịnh Thị Thủy


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Phó TTCP Vũ Đức Đam (để báo cáo);
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ VHTTDL;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội LHPNVN;
- Các Tổng cục, Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL;
- Các Ban, đơn vị trực thuộc Hội LHPNVN;
- Sở VHTTDL, Hội LHPN các tỉnh, thành phố;
- Lưu: VT, GĐ, Ban GĐXH, VQ.200.