Kết luận 57/KL-TW năm 2013 thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp
Số hiệu: 57/KL-TW Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Ban Chấp hành Trung ương Người ký: Lê Hồng Anh
Ngày ban hành: 08/03/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Cán bộ, công chức, viên chức, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BAN BÍ THƯ
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 57-KL/TW

Hà Nội, ngày 8 tháng 3 năm 2013

 

KẾT LUẬN

VỀ TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ CHO CÁN BỘ LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ CÁC CẤP

Tại phiên họp ngày 29/1/2013, sau khi nghe Ban Tổ chức Trung ương báo cáo tổng kết 5 năm (2006 – 2010) về công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý (bao gồm cả Đề án 165), ý kiến của các cơ quan liên quan, Ban Bí thư đã thảo luận và kết luận như sau:

1- Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý trong 5 năm qua đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ ở các cấp từ cơ sở đến Trung ương.

Quy mô đào tạo, bồi dưỡng không ngừng được mở rộng; hệ thống học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố đã đào tạo, bồi dưỡng cán bộ một cách cơ bản và tương đối hệ thống những tri thức lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng và các khoa học chính trị, hành chính. Các ban của Đảng đã mở nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng (về tổ chức, tuyên giáo, kiểm tra, dân vận và văn phòng cấp ủy). Cấp bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương đã mở lớp bồi dưỡng về lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ của mình.

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở nước ngoài theo Đề án 165 đạt được một số kết quả bước đầu với các lĩnh vực đào tạo chủ yếu là: quản lý hành chính công, quản lý công, quản lý kinh tế, quản lý nguồn nhân lực, quản lý tài nguyên… đã góp phần đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập của các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương; người học được nâng lên cả về nhận thức, mở rộng tầm nhìn và kinh nghiệm giải quyết nhiệm vụ.

Các cơ sở đào tạo có nhiều cố gắng đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng, chủ động xây dựng khung chương trình, biên soạn mới nhiều giáo trình, tài liệu nghiên cứu, học tập, lược bớt nội dung không cần thiết hoặc trùng lặp, bổ sung những nội dung thực tiễn, ứng dụng. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cơ bản xuất phát từ đường lối, chủ trương của Đảng ở từng thời kỳ cách mạng, kết hợp lý luận với tình hình thực tiễn trong nước và thế giới. Đội ngũ giảng viên lý luận chính trị phát triển cả về số lượng và chất lượng, cơ bản có trách nhiệm và tâm huyết với nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức tốt.

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh được đầu tư nhiều phương tiện giảng dạy, học tập; nhiều trường chính trị tỉnh, thành phố được quan tâm đầu tư, xây dựng mới, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, đáp ứng tốt hơn điều kiện giảng dạy và học tập.

2- Tuy nhiên, so với mục tiêu, yêu cầu thì công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị vẫn còn những hạn chế, yếu kém sau:

Quy mô đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị được mở rộng nhưng chưa gắn với việc nâng cao chất lượng, chậm đổi mới nội dung, chương trình, còn có cơ sở đào tạo sử dụng giáo trình được biên soạn cách đây trên 10 năm; tính thiết thực chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu cập nhật kiến thức mới, nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý của cán bộ; còn nặng về lý thuyết, chồng chéo, chưa phân biệt rõ cấp độ kiến thức giữa các cấp học lý luận chính trị, giữa đào tạo và bồi dưỡng, thiếu đồng bộ và liên thông giữa các cấp, các hệ đào tạo; chưa cân đối giữa đào tạo tập trung với tại chức.

Việc áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực chưa đồng đều giữa các cơ sở đào tạo, thời gian dành cho học viên trao đổi, thảo luận còn ít. Một số cán bộ, giảng viên còn hạn chế về kỹ năng chuyên môn và kiến thức thực tiễn, có trường hợp không đáp ứng yêu cầu.

Quy định chế độ học tập lý luận chính trị theo tiêu chuẩn chức danh còn trùng lặp, dẫn đến tình trạng một cán bộ phải học nhiều lần một số chuyên đề.

Việc cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng chưa xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ, vị trí công tác, quy hoạch và bố trí cán bộ. Tỉ lệ cán bộ là lãnh đạo cấp vụ và tương đương trở lên đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài theo Đề án 165 đạt tỉ lệ thấp so với mục tiêu.

Không ít học viên xác định chưa đúng mục tiêu đào tạo là nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ để phục vụ công tác tốt hơn, mà coi mục tiêu đào tạo là có đủ bằng cấp, chứng chỉ để hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh.

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do:

- Nhận thức của một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị về công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị chưa sâu sắc và toàn diện; chưa gắn kết chặt chẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị với quy hoạch và sử dụng cán bộ. Một số địa phương, đơn vị chưa chủ động chuẩn bị nguồn cán bộ để lựa chọn cử đi đào tạo, bồi dưỡng.

- Các ban đảng Trung ương chưa tham mưu có hiệu quả việc đổi mới cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng; công tác quản lý chưa được coi trọng đúng mức, mối quan hệ công tác giữa các ban đảng Trung ương với các cơ sở đào tạo chưa chặt chẽ, chưa phát huy tốt chức năng hướng dẫn, kiểm tra, giám sát; chậm bổ sung, sửa đổi về tiêu chuẩn đối tượng học lý luận chính trị; chưa hệ thống đầy đủ chế độ, chính sách đối với giảng viên, học viên nên gặp khó khăn khi thực hiện.

- Thiếu đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy đầu ngành có kinh nghiệm thực tiễn lãnh đạo, quản lý và kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống. Công tác nghiên cứu khoa học chưa đáp ứng yêu cầu, chưa có nhiều đóng góp quan trọng vào nghiên cứu lý luận, giảng dạy, tổng kết thực tiễn.

- Cán bộ có xu hướng tập trung vào học cao cấp lý luận chính trị với hình thức đào tạo tại chức để hoàn thiện tiêu chuẩn về bằng cấp nên ít tham gia các chương trình đào tạo khác. Các cơ sở đào tạo lý luận chính trị chưa quan tâm đúng mức các chương trình bồi dưỡng.

3- Các cấp ủy đảng cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trong đó tập trung một số nhiệm vụ sau:

- Xác định đúng mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trong thời kỳ mới. Đối tượng đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị (bao gồm cả Đề án 165) là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp hoặc cán bộ trong quy hoạch. Cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành cần được đào tạo lý luận chính trị theo tiêu chuẩn chức danh và bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới theo quy định. Tổ chức thành nền nếp việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên…

- Đổi mới toàn diện, đồng bộ về nội dung, phương pháp, với hình thức đào tạo, bồi dưỡng tập trung hơn để nâng cao chất lượng. Cần định hướng nội dung bảo đảm giữ vững các nguyên lý cơ bản và phương pháp luận biện chứng khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối và quan điểm của Đảng; phải bao gồm cả về nguyên lý cơ bản và kiến thức mới, cả lý luận chung và kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý có tính chất kỹ năng, kỹ thuật; gắn với thực hiện việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Xây dựng một số chương trình đào tạo, bồi dưỡng đặc biệt dành cho cán bộ dự nguồn các chức danh cao cấp của Đảng, Nhà nước và đoàn thể. Mở rộng và nâng cao chất lượng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và đào tạo.

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; điều chỉnh, bổ sung những quy định về tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với giảng viên và người học cho phù hợp. Quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, giảng viên các cơ sở đào tạo; có chính sách và biện pháp thu hút đội ngũ giảng viên kiêm chức, kiêm nhiệm, thỉnh giảng. Quản lý chặt chẽ quá trình học tập, rèn luyện của học viên trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Theo dõi, đánh giá về hiệu quả sử dụng, trưởng thành của đội ngũ cán bộ sau khi được đào tạo, bồi dưỡng.

- Việc chọn cử người đi học phải đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, tiêu chí chọn cử rõ ràng và được công khai, minh bạch, tránh phân bổ chỉ tiêu bình quân, hình thức. Cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng phải xác định rõ mục tiêu, động cơ học tập; nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần tự giác học tập. Khắc phục tình trạng chạy theo bằng cấp, tuyệt đối hóa bằng cấp của cả người dạy, người học, của cơ quan làm công tác cán bộ và cơ quan sử dụng cán bộ.

- Xây dựng đề án tổng thể về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong hệ thống chính trị ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, trong đó Đề án 165 là một đề án thành phần. Tiếp tục thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước theo tinh thần Thông báo số 165-TB/TW, ngày 27/6/2008 của Bộ Chính trị (theo Đề án 165) đảm bảo đúng mục tiêu, yêu cầu, hiệu quả thiết thực, tránh trùng với các chương trình đào tạo, bồi dưỡng khác; đổi mới phương thức tổ chức nhằm nâng cao chất lượng bồi dưỡng ngắn hạn ở nước ngoài.

Phân công rõ trách nhiệm trong công tác phối hợp giữa các cơ quan tham mưu, quản lý với cơ sở đào tạo. Thiết lập mối quan hệ ổn định, lâu dài với các cơ sở đào tạo có uy tín, sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Tiếp tục kiện toàn bộ máy cơ quan Văn phòng Ban Chỉ đạo Đề án 165 theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

- Tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, học tập cho các trường chính trị cấp tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.

4- Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các ban đảng Trung ương và các cơ quan có liên quan để nghiên cứu và tổ chức thực hiện việc đổi mới, xây dựng chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho phù hợp và đáp ứng yêu cầu ở từng cấp, từng ngành.

5- Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các ban đảng Trung ương tham mưu xây dựng và hoàn thiện các quy định về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và hệ thống trường chính trị tỉnh, thành phố theo hướng đổi mới cả về cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động; đồng thời theo dõi, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Kết luận này và định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

 

 

T/M BAN BÍ THƯ




Lê Hồng Anh

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.