Kế hoạch 55/KH-UBND năm 2017 về xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản tại các cơ sở y tế trong chương trình dân số-kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2017-2020
Số hiệu: 55/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế Người ký: Nguyễn Dung
Ngày ban hành: 20/03/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Y tế - dược, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 55/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 20 tháng 3 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

XÃ HỘI HÓA CUNG CẤP PHƯƠNG TIỆN TRÁNH THAI, HÀNG HÓA VÀ DỊCH VỤ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH/SỨC KHỎE SINH SẢN TẠI CÁC CƠ SỞ Y TẾ TRONG CHƯƠNG TRÌNH DÂN SỐ-KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH GIAI ĐOẠN 2017 - 2020

Căn cứ Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ Quyết định số 818/QĐ-BYT ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án “Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020”;

- Căn cứ Quyết định số 4911/QĐ-BYT ngày 18 tháng 11 năm 2015 của Bộ Y tế về việc phê duyệt danh mục phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản trong chương tình Dân số-Kế hoạch hóa gia đình;

- Căn cứ công văn số 3421/BYT-TCDS ngày 27 tháng 5 năm 2015 của Bộ Y tế về việc triển khai xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển;

- Căn cứ Quyết định số 2351/QĐ-BYT ngày 07 tháng 6 năm 2016 của Bộ Y tế phê duyệt Dự án “Xây dựng và thử nghiệm Mô hình xã hội hóa cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/ sức khỏe sinh sản tại các cơ sở y tế đủ điều kiện giai đoạn 2016-2020;

Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản tại các cơ sở y tế trong chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2017-2020, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát:

- Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS có chất lượng cho người dân nhằm đảm bảo sự công bằng xã hội, tính bền vững của chương trình DS-KHHGĐ thông qua mở rộng và tăng cường sự tham gia của các cơ sở y tế đủ điều kiện tham gia xã hội hóa công tác DS-KHHGĐ.

- Đẩy mạnh truyền thông chuyển đổi hành vi tạo sự đồng thuận của toàn xã hội nhằm chuyển đổi nhận thức, thái độ chủ động sử dụng phương tiện tránh thai, góp phần giảm gánh nặng cho nhà nước và đồng thời huy động các nguồn lực để đảm bảo cho sự đóng góp tăng dần từ xã hội, doanh nghiệp, tổ chức, khu vực tư nhân.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Mục tiêu 1:

- Có ít nhất 1 chủng loại phương tiện tránh thai, 5 loại hàng hóa sức khỏe sinh sản được đưa vào cung cấp tại các cơ sở y tế.

- Có ít nhất 2 đơn vị, tổ chức mới tham gia cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản.

- Bảo đảm mỗi loại phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản có các chủng loại khác nhau cho sự lựa chọn của khách hàng (theo cung cấp của Tổng cục DS-KHHGĐ).

b) Mục tiêu 2: Các xã, phường, thị trấn; huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản theo các hình thức phù hợp.

c) Mục tiêu 3: Nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của cán bộ các ban, ngành, đoàn thể về lợi ích sử dụng phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản và sự chuyển đổi hành vi của các nhóm khách hàng từ cung cấp miễn phí sang tự chi trả phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản, dịch vụ sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình.

II. ĐỊA BÀN VÀ ĐỐI TƯỢNG TÁC ĐỘNG VÀ HIỆU QUẢ KINH TẾ

1. Địa bàn:

Các xã, phường, thị trấn; các huyện, thị xã và thành phố Huế, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

2. Đối tượng tác động:

- Các doanh nghiệp, tổ chức, tư nhân sản xuất, phân phối, cung ứng phương tiện tránh thai, hàng hóa KHHGĐ/SKSS;

- Các cơ sở y tế trong và ngoài công lập cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS.

3. Đối tượng hưởng thụ:

- Người làm việc, người sinh sống tại tỉnh Thừa Thiên Huế, ưu tiên các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên, thanh niên...

- Những đơn vị, tổ chức cung cấp dịch vụ được ưu đãi để phát triển, cung cấp những sản phẩm và dịch vụ có chất lượng theo khả năng, tránh cạnh tranh không lành mạnh.

4. Hiệu quả kinh tế xã hội:

- Kết quả mô hình cho phép bổ sung, hoàn thiện những hoạt động, chính sách và cơ chế của mô hình để triển khai mở rộng việc xã hội hóa cung cấp PTTT. Việc đáp ứng nhu cầu về số lượng, đa dạng về chủng loại và có chất lượng cao phù hợp với điều kiện và khả năng tiếp cận, sử dụng của các nhóm khách hàng sẽ đem lại lợi ích lớn lao và bảo đảm cho sự phát triển bền vững của chương trình DS-KHHGĐ.

- Trực tiếp góp phần thực hiện mục tiêu đẩy mạnh xã hội hóa công tác y tế/dân số; Góp phần củng cố, phát triển mạng lưới cung ứng PTTT, hàng hóa KHHGĐ/SKSS và cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS thành thị trường tổng thể, đảm bảo an ninh hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS. Đáp ứng với xu thế kinh tế thị trường và hội nhập xã hội, quốc tế.

- Góp phần khắc phục những hạn chế, khó khăn của chương trình để đảm bảo thực hiện mục tiêu của chương trình theo Chiến lược Dân số-Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020, tạo nên sự triển khai toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả hơn công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

- Thực hiện Kế hoạch xã hội hóa trong giai đoạn này (2017-2020) góp phần trực tiếp thực hiện mục tiêu đẩy mạnh xã hội hóa công tác y tế/dân số, giảm áp lực kinh phí cho nhà nước từ đó góp phần phát triển kinh tế tại địa bàn triển khai, vừa đáp ứng được nhu cầu của người dân và tạo sự ổn định phát triển kinh tế, xã hội.

III. NHIỆM VỤ VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU

1. Các hoạt động về quản lý, điều hành:

a) Ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp tại địa phương:

- Xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế chi trả giá dịch vụ KHHGĐ trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp tục cung ứng phương tiện tránh thai miễn phí cho các đối tượng được ưu tiên theo quy định từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương và địa phương.

- Tạo cơ hội cho đối tượng không thuộc diện ưu tiên miễn phí sử dụng lựa chọn biện pháp tránh thai, tiếp cận dịch vụ KHHGĐ/SKSS thuận tiện, an toàn, phù hợp nhu cầu, khả năng mỗi cá nhân và gia đình.

b) Phê duyệt danh mục các cơ sở y tế đủ điều kiện tham gia Mô hình tại tỉnh:

- Điều kiện đối với cơ sở y tế công lập: Có phạm vi hoạt động đúng theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế.

- Điều kiện đối với cơ sở y tế ngoài công lập:

+ Có Giấy phép hoạt động Phòng khám chuyên khoa Phụ sản-Kế hoạch hóa gia đình do Sở Y tế cấp.

+ Có Giấy phép kinh doanh hành nghề khám chữa bệnh do sở Kế hoạch Đầu tư (đối với công ty, bệnh viện) hoặc Ủy ban Nhân dân huyện, thị xã, thành phố (đối với phòng khám chuyên khoa).

+ Có phạm vi hoạt động đúng theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế.

+ Có đăng ký với cơ quan Dân Số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Thừa Thiên Huế và tự nguyện tham gia.

2. Truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi:

a) Quảng bá Mô hình XHH tại các cơ sở y tế tham gia mô hình: Thiết kế và hỗ trợ cho các cơ sở y tế tham gia mô hình,...nhằm tạo thương hiệu và định hướng cho người có nhu cầu sử dụng dịch vụ tại các cơ sở của Mô hình.

b) Cung cấp thông tin về quyền lợi của cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện XHH để huy động sự tham gia tích cực, các cơ sở y tế này có những quyền lợi sau:

- Tiếp cận phương tiện tránh thai có chất lượng, kịp thời, giá cả phù hợp.

- Được hỗ trợ cơ chế, chính sách để cung cấp dịch vụ theo quy định.

- Hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ.

c) Truyền thông, vận động chuyển đổi hành vi:

- Tuyên truyền, vận động khách hàng nhằm chuyển đổi hành vi về cơ chế chính sách từ bao cấp sang tiếp thị xã hội, thị trường tự do...

- Tăng cường hoạt động truyền thông trực tiếp thông qua mạng lưới cộng tác viên DS-KHHGĐ, Y tế thôn bản, cán bộ trạm y tế xã và tăng cường phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội nhằm tạo sự thay đổi hành vi bền vững, nhất là địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, đầm phá vạn đò cửa sông.

- Cung cấp các tài liệu truyền thông tư vấn bao gồm: Các tài liệu tuyên truyền như tranh gấp, tranh lật... với nội dung liên quan.

- Quyền lợi của khách hàng là được tiếp cận phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ có chất lượng, kịp thời, giá cả phù hợp; được đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của từng nhóm đối tượng; được quan tâm và nhận dịch vụ có chất lượng, được theo dõi và giải quyết những bất cập khi nhận dịch vụ ...

3. Cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và hỗ trợ chi phí dịch vụ:

a) Cung cấp PTTT, hàng hóa:

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, hoạt động về dung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS trong Chương trình DS-KHHGĐ giai đoạn 2017-2020.

- Ngoài đối tượng ưu tiên được hỗ trợ miễn phí theo quy định của nhà nước, các đối tượng còn lại phải chi trả mức giá dịch vụ theo quy định hiện hành.

b) Hỗ trợ các nội dung dịch vụ XHH: Theo hướng dẫn của Tổng cục DS- KHHGĐ và đào tạo, tập huấn, hội thảo, hội nghị...

4. Các hoạt động xây dựng, triển khai, giám sát và đánh giá:

a) Xây dựng Kế hoạch:

- Nội dung:

+ Xây dựng kế hoạch giai đoạn 2017-2020.

+ Tổ chức hội nghị, hội thảo thông qua kế hoạch.

+ Hoàn chỉnh kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Hội nghị triển khai kế hoạch:

- Nội dung:

+ Phổ biến cơ chế hoạt động của kế hoạch.

+ Phổ biến và triển khai các hoạt động của kế hoạch.

- Thành phần tham gia Hội nghị: Các đơn vị có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Sau khi kế hoạch được phê duyệt.

c) Kiểm tra giám sát: Thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất, cơ quan quản lý cấp trên nắm bắt tình hình, đánh giá chất lượng việc triển khai thực hiện các hoạt động và hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực về quản lý và thực hiện nhiệm vụ của cơ quan quản lý tuyến dưới và các thành phần tham gia mô hình.

- Nội dung giám sát:

+ Công tác triển khai thực hiện các hoạt động của kế hoạch.

+ Kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí theo từng nội dung của kế hoạch.

- Chế độ giám sát:

+ Tuyến tỉnh: giám sát tại các huyện, xã triển khai mô hình định kỳ 6 tháng và 01 năm.

+ Tuyến huyện: Giám sát thường xuyên hàng tháng tại các đơn vị.

- Thời gian thực hiện: Qua các năm từ năm 2017-2020.

d) Hội nghị sơ kết, tổng kết và đánh giá kết thúc giai đoạn:

- Hàng năm sơ kết, tổng kết mô hình thử nghiệm.

- Tham gia hội nghị, hội thảo do Trung ương tổ chức (nếu có).

- Thời gian thực hiện: Qua các năm từ năm 2017-2020.

e) Đánh giá năm 2017: Tổng kết đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch để rút kinh nghiệm.

f) Triển khai nhân rộng giai đoạn 2018 - 2020: Tổng kết giai đoạn 2017 - 2020: Cuối năm 2020.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện Kế hoạch từ nguồn ngân sách Trung ương, chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác.

V. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

1. Năm 2017: Tiếp tục duy trì thí điểm Mô hình xã hội hóa 25 cơ sở y tế đủ điều kiện (Y tế công lập và ngoài công lập).

2. Giai đoạn 2018-2020: Triển khai nhân rộng Mô hình xã hội hóa.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài chính, các cơ quan liên quan và Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai kế hoạch trên phạm vi toàn tỉnh; xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hằng năm, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế xã hội, Chiến lược DS-SKSS. Giao cơ quan thường trực là Chi cục DS-KHHGĐ.

- Là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo có trách nhiệm triển khai và tổng hợp báo cáo, đánh giá tình hình tổ chức thực hiện kế hoạch xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản tại các cơ sở y tế trong chương trình DS-KHHGĐ tại tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017-2020.

- Chỉ đạo Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa giá đình xây dựng kế hoạch, tổ chức quản lý, điều hành triển khai có hiệu quả các hoạt động của kế hoạch.

- Hàng năm, phối hợp với sở, ngành liên quan xây dựng dự toán ngân sách triển khai thực hiện kế hoạch gắn với kế hoạch phát triển sự nghiệp y tế của tỉnh gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

- Định kỳ hàng năm và đột xuất báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh tình hình triển khai thí điểm thực hiện kế hoạch.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế

- Căn cứ tình hình thực tế của địa phương và nội dung của kế hoạch để xây dựng kế hoạch thực hiện.

- Phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Dân số-Kế hoạch gia đình và ban, ngành, đoàn thể tại huyện, thị xã, thành phố và các địa bàn triển khai kế hoạch tổ chức triển khai có hiệu quả các nội dung kế hoạch.

- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch tại địa phương tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (cơ quan thường trực là Chi cục DS-KHHGĐ).

3. Các Sở, ban, ngành, các cơ quan, tổ chức liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ của đơn vị để xây dựng kế hoạch hoạt động, lồng ghép nội dung dân số-kế hoạch hóa gia đình vào hoạt động của đơn vị và thực hiện có hiệu quả chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình trong cơ quan, đơn vị; định kỳ báo cáo kết quả về Sở Y tế (cơ quan thường trực là Chi cục DS-KHHGĐ) để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nêu thấy cần sửa đổi, bổ sung những nội dung của Kế hoạch, các sở, ban ngành, địa phương phản ảnh về Sở Y tế (Chi cục DS-KHHGĐ) để tổng hợp báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Y tế (để b/c);
- Tổng cục DS-KHHGĐ (báo cáo);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các đơn vị có tên tại Mục VI;
- VP; CVP, các PVP UBND tỉnh;
- Chi cục DS-KHHGĐ (để thực hiện);
- Lưu
: VT, YT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Dung