Kế hoạch 52/KH-UBND năm 2016 về tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 theo quy định tại Nghị định 108/2014/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Hòa Bình
Số hiệu: | 52/KH-UBND | Loại văn bản: | Văn bản khác |
Nơi ban hành: | Tỉnh Hòa Bình | Người ký: | Nguyễn Văn Quang |
Ngày ban hành: | 05/05/2016 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Cán bộ, công chức, viên chức, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 52/KH-UBND |
Hòa Bình, ngày 05 tháng 05 năm 2016 |
KẾ HOẠCH
TINH GIẢN BIÊN CHẾ GIAI ĐOẠN 2015-2021 THEO QUY ĐỊNH CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 108/2014/NĐ-CP
Căn cứ Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế;
Căn cứ Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức;
Thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-BNV-BTC ngày 14/4/2015 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ;
Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình xây dựng Kế hoạch tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021, cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU, NGUYÊN TẮC TINH GIẢN BIÊN CHẾ
1. Mục tiêu
Tinh giản biên chế nhằm đánh giá, phân loại, đưa ra khỏi biên chế những người dôi dư, không đáp ứng được yêu cầu công việc, không thể tiếp tục bố trí sắp xếp công tác khác và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người thuộc diện tinh giản biên chế. Tỷ lệ tinh giản biên chế các Sở, Ban, ngành, các huyện, thành phố đến năm 2021 tối thiểu 10% biên chế được giao năm 2015; tỷ lệ tinh giản biên chế hàng năm tối thiểu đạt 1,43% biên chế được giao năm 2015.
2. Nguyên tắc
2.1. Phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế.
2.2. Phải được tiến hành trên cơ sở rà soát, sắp xếp lại tổ chức và thực hiện đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng không xác định thời hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
2.3. Phải bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch và theo đúng quy định của pháp luật.
2.4. Phải đảm bảo chi trả chế độ, chính sách tinh giản biên chế kịp thời, đầy đủ và đúng theo quy định của pháp luật.
2.5. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện tinh giản biên chế trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý theo thẩm quyền.
2.6. Áp dụng nghiêm tỷ lệ tinh giản tối thiểu 10% trở lên đối với biên chế công chức, viên chức.
Không áp dụng tỷ lệ tinh giản nêu trên đối với lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ và những người làm việc trong biên chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cho các hội thuộc danh sách dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Việc tinh giản lao động hợp đồng 68/CP và viên chức thuộc biên chế Hội đặc thù cấp tỉnh thực hiện trên cơ sở dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
2.7. Khuyến khích tinh giản đối với những đơn vị được giao dưới 10 biên chế; những đơn vị mới thành lập trong năm 2015 trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao và hiện trạng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
3. Quản lý và sử dụng số biên chế đã thực hiện tinh giản
3.1. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng tối đa 50% số biên chế đã được tinh giản và giải quyết chế độ nghỉ hưu đúng tuổi hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật; số còn lại được cắt giảm và đưa vào biên chế dự phòng do cơ quan có thẩm quyền quản lý để sử dụng cho việc thành lập tổ chức mới hoặc triển khai các nhiệm vụ mới được cấp có thẩm quyền giao.
3.2. Không bổ sung biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị khi các cơ quan, tổ chức, đơn vị đó chưa xây dựng Đề án và thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ. Trường hợp cơ quan, đơn vị thành lập tổ chức mới hoặc triển khai nhiệm vụ mới được cấp có thẩm quyền giao sẽ phải cân đối trong tổng biên chế được giao mà không được giao bổ sung thêm biên chế.
3.3. Việc thực hiện nguyên tắc quản lý và sử dụng số biên chế đã thực hiện tinh giản nêu trên không áp dụng đối với cán bộ, công chức cấp xã.
II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
1. Phạm vi
Thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với các cơ quan hành chính, tổ chức sự nghiệp công lập từ cấp tỉnh đến cấp xã, các tổ chức Hội được cơ quan có thẩm quyền giao biên chế và ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để trả lương; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu được chuyển đổi từ công ty nhà nước, nay được cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện sắp xếp lại theo phương án cổ phần hóa, giao, bán, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, phá sản hoặc chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc chuyển thành đơn vị sự nghiệp công lập; Công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước nay được cấp có thẩm quyền bán hết phần vốn nhà nước; Nông, lâm trường quốc doanh sắp xếp lại theo quy định của pháp luật.
2. Đối tượng áp dụng
a) Cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến cấp xã;
b) Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập;
c) Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp và theo các quy định khác của pháp luật.
d) Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng, Kiểm soát viên trong các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước hoặc do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội làm chủ sở hữu (không bao gồm Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng làm việc theo chế độ hợp đồng lao động).
đ) Những người là cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền cử làm người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước.
e) Người làm việc trong biên chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao tại các Hội.
1. Về tổ chức bộ máy
- Rà soát, sửa đổi và bãi bỏ các quy định về tổ chức, bộ máy và biên chế trong các văn bản pháp luật hiện hành thuộc thẩm quyền Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành không thuộc lĩnh vực tổ chức nhà nước.
- Rà soát, sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, nhất là các đơn vị sự nghiệp, các trường học, các Ban Quản lý dự án, các Ban chỉ đạo, Hội đồng cấp tỉnh theo hướng thu gọn đầu mối, giảm bớt khâu trung gian, quản lý đa ngành đa lĩnh vực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Không thành lập các tổ chức trung gian, chỉ thành lập tổ chức mới theo quy định của cơ quan có thẩm quyền hoặc trong trường hợp cá biệt thật sự cần thiết do yêu cầu thực tiễn.
- Ban hành các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp huyện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; thường xuyên rà soát bộ máy các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố để điều chỉnh tổ chức bộ máy kịp thời và phù hợp với quy định về cơ cấu tổ chức.
- Đánh giá, phân loại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập làm cơ sở xác định tổ chức, bộ máy phù hợp với yêu cầu quản lý và nâng cao chất lượng công vụ. Chỉ thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ mà các tổ chức tư nhân không thể thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả.
- Đẩy mạnh việc chuyển sang cơ chế tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, nhân sự đối với các đơn vị sự nghiệp công lập (các trung tâm, cơ sở dạy nghề, bệnh viện...) có khả năng tự đảm bảo toàn bộ chi phí chi thường xuyên và khuyến khích việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần và thành lập các tổ chức cung ứng dịch vụ công thuộc các thành phần ngoài nhà nước, nhất là lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học. Tăng cường kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước và nhân dân đối với hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
- Tập trung rà soát, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực.
2. Về tinh giản biên chế
- Kiên trì thực hiện chủ trương tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh so với biên chế được giao năm 2015. Trường hợp phải thành lập tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới, tăng quy mô trường, lớp, học sinh (đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo), tăng quy mô giường bệnh (đối với lĩnh vực y tế), sẽ cân đối, điều chỉnh trong tổng số biên chế được giao năm 2015 cho các cơ quan, đơn vị.
- Giữ ổn định biên chế của các Hội đặc thù đến năm 2016. Từ năm: 2017, thực hiện khoán hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao theo quy định và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
- Từng cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015-2021) và từng năm theo đúng quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện. Trong đó, phải xác định tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu 10% biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao. Trường hợp cơ quan, đơn vị nào không thực hiện hoặc thực hiện không đảm bảo chỉ tiêu tối thiểu theo quy định mà không có giải trình hợp lý, sẽ không xem xét khen thưởng đối với tập thể và thủ trưởng cơ quan, đơn vị đó; đồng thời, cơ quan quản lý biên chế sẽ trừ 2% chỉ tiêu biên chế /năm vào chỉ tiêu biên chế giao cho cơ quan, đơn vị. Đối với các đơn vị sự nghiệp có nguồn thu sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp.
Các cơ quan, đơn vị chỉ tuyển dụng số cán bộ, công chức, viên chức mới không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế và không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định (trừ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và công chức, viên chức thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, lĩnh vực y tế).
- Rà soát, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm được phê duyệt và phù hợp với trình độ, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức.Nghiêm túc thực hiện đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm theo quy định của Chính phủ và kết quả đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng tháng. Tinh giản biên chế đối với những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không đạt tiêu chuẩn quy định (phẩm chất, năng lực, trình độ đào tạo, sức khỏe), những người dôi dư do sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự; những người dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.
- Thực hiện kiêm nhiệm đối với một số chức danh của cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn, nhất là kiêm nhiệm đối với các chức danh cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, tổ dân phố. Khoán kinh phí chi trả phụ cấp để khuyến khích giảm dần số lượng những người hoạt động không chuyên trách và tăng thu nhập của cán bộ, công chức cấp xã.
- Giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ chuyên trách cấp xã khi hết nhiệm kỳ mà không đủ điều kiện tái cử.
- Thực hiện nghiêm các chế độ, chính sách nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức theo đúng quy định pháp luật.
3. Số lượng tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021
Dự kiến trong 7 năm (2015-2021) tỉnh Hòa Bình tinh giản 3.301 biên chế, với kinh phí dự kiến 244.274.000.000 đồng, số lượng biên chế tinh giản giai đoạn 2015-2021 đối với công chức, viên chức đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 10% số biên chế giao cho các cơ quan, đơn vị năm 2015. Riêng số lượng lao động hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP không áp dụng tỷ lệ 10% theo quy định do việc tinh giản đối tượng trên chỉ thực hiện khi dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể như sau:
STT |
Đối tượng |
Biên chế giao năm 2015 |
Số biên chế dự kiến tinh giản giai đoạn 2015- 2021 (người) |
Tỷ lệ tinh giản tương ứng |
|
Tổng cộng: |
|
3.301 |
|
I |
Khối cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập (tỷ lệ tinh giản bắt buộc 10%) |
32.609 |
3.260 |
10% |
1 |
Công chức hành chính |
2.361 |
235 |
10% |
2 |
Sự nghiệp |
24.139 |
2.414 |
10% |
3 |
Cán bộ công chức cấp xã |
6.109 |
611 |
10% |
II |
Các tổ chức Hội và hợp đồng 68/CP (không áp dụng tỷ lệ tinh giản 10%) |
1.463 |
41 |
2,8 |
1 |
Sự nghiệp Hội |
92 |
1 |
1,1% |
2 |
Hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP |
1.371 |
40 |
2,9% |
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nội vụ có trách nhiệm
- Phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Tài chính, Bảo hiểm xã hội tỉnh hướng dẫn các cơ quan, đơn vị của tỉnh triển khai Kế hoạch sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính thẩm định Đề án tinh giản biên chế theo định kỳ 1 lần/năm; danh sách đối tượng và dự toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế của các cơ quan, đơn vị định kỳ 6 tháng một lần (2 lần/năm).
- Tổng hợp, lập danh sách và dự toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế của tỉnh (trên cơ sở thẩm định dự toán của Sở Tài chính) báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để trình Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính.
- Phối hợp với Sở Tài chính, Bảo hiểm xã hội tỉnh thẩm định hồ sơ chi trả kinh phí cho các đối tượng tinh giản biên chế.
- Theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị xây dựng Đề án và thực hiện tinh giản biên chế đảm bảo tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu 10% biên chế được giao năm 2015 (trừ các trường học và cơ sở y tế theo quy định tại Điểm b, Khoản 2 Mục III Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị thì có thể bổ sung biên chế phù hợp nhưng phải quản lý chặt chẽ); định kỳ tổng hợp, tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh kế hoạch tinh giản biên chế hàng năm của tỉnh và báo cáo kết quả tinh giản biên chế làm căn cứ phân bổ biên chế, cho phép tuyển dụng mới hoặc điều chỉnh bổ sung biên chế khi cơ quan, đơn vị có thay đổi về chức năng, nhiệm vụ.
2. Sở Tài chính có trách nhiệm
- Phối hợp với Sở Nội vụ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Bảo hiểm xã hội tỉnh hướng dẫn các cơ quan, đơn vị của tỉnh triển khai thực hiện.
- Phối hợp với Sở Nội vụ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy thẩm định Đề án tinh giản biên chế theo định kỳ 1 lần/năm; danh sách đối tượng tinh giản biên chế theo định kỳ 6 tháng một lần (2 lần/năm).
- Thẩm định dự toán kinh phí tinh giản biên chế các cơ quan, đơn vị, tổng hợp dự toán báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để trình Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính để giải quyết theo quy định.
- Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị về quy trình lập dự toán, cấp phát, quản lý và quyết toán kinh phí thực hiện.
3. Bảo hiểm xã hội tỉnh có trách nhiệm
- Phối hợp với Sở Nội vụ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Tài chính hướng dẫn các cơ quan, đơn vị của tỉnh triển khai thực hiện.
- Tiếp nhận danh sách, hồ sơ, ưu tiên giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với các trường hợp tinh giản biên chế.
- Chỉ đạo và hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các huyện, thành phố thực hiện giải quyết kịp thời các việc có liên quan như: tiếp nhận danh sách, hồ sơ, xác nhận việc đóng bảo hiểm xã hội và chốt sổ bảo hiểm xã hội đối với các trường hợp tinh giản biên chế theo thẩm quyền.
4. Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các tổ chức Hội có trách nhiệm
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, thống nhất nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức người lao động thuộc thẩm quyền quản lý về chủ trương tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp với công đoàn cơ quan, đơn vị xây dựng đề án tinh giản biên chế của cơ quan, đơn vị. Thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan; công khai đề án tinh giản biên chế và danh sách đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế.
- Thẩm định, phê duyệt đề án, danh sách và dự toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, trên cơ sở đó xây dựng đề án (1 lần/năm), danh sách và dự toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế của cơ quan, đơn vị mình (2 lần/năm) gửi Sở Nội vụ và Sở Tài chính để thẩm định, tổng hợp.
- Tổ chức thực hiện nghiêm túc kế hoạch tinh giản biên chế đảm bảo đúng nguyên tắc và quy trình quy định; đúng số lượng, tỷ lệ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Kịp thời chi trả kinh phí cho các đối tượng tinh giản của cơ quan, đơn vị theo quy định.
- Định kỳ tổng hợp kết quả, đánh giá tình hình thực hiện chính sách tinh giản biên chế của cơ quan, đơn vị gửi Sở Nội vụ trước ngày 30 tháng 11 hàng năm để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Nội vụ theo quy định./.
|
CHỦ TỊCH |
Quyết định 2218/QĐ-TTg năm 2016 về thành lập Viện Tài nguyên và Môi trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội Ban hành: 17/11/2016 | Cập nhật: 22/11/2016
Quyết định 2218/QĐ-TTg năm 2015 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công, viên chức Ban hành: 10/12/2015 | Cập nhật: 11/12/2015
Thông tư liên tịch 01/2015/TTLT-BNV-BTC hướng dẫn Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế Ban hành: 14/04/2015 | Cập nhật: 21/04/2015
Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế Ban hành: 20/11/2014 | Cập nhật: 21/11/2014
Quyết định 2218/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt kế hoạch tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2010 Ban hành: 31/12/2009 | Cập nhật: 07/01/2010
Nghị định 68/2000/NĐ-CP về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp Ban hành: 17/11/2000 | Cập nhật: 09/12/2009