Kế hoạch 49/KH-UBND năm 2017 triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2020 và 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
Số hiệu: | 49/KH-UBND | Loại văn bản: | Văn bản khác |
Nơi ban hành: | Tỉnh Lạng Sơn | Người ký: | Hồ Tiến Thiệu |
Ngày ban hành: | 20/03/2017 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Giáo dục, đào tạo, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 49/KH-UBND |
Lạng Sơn, ngày 20 tháng 3 năm 2017 |
Thực hiện Công văn số 745/BGDĐT-ĐANN ngày 28/02/2017 của Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 về việc báo cáo số liệu thống kê năm 2015 và 2016, đề xuất kế hoạch giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 – 2025, UBND tỉnh Lạng Sơn xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh như sau:
I. GIAI ĐOẠN 2017 - 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
1.1. Mục tiêu chung
Xác định ngoại ngữ là một yêu cầu cấp thiết để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh trên các lĩnh vực. Đổi mới căn bản, toàn diện công tác dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh. Triển khai có hiệu quả chương trình tiếng Anh ở các cấp học phổ thông nhằm tạo chuyển biến tích cực về chất lượng, đảm bảo nguồn nhân lực cho tỉnh, nhất là lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, thương mại dịch vụ. Đến năm 2025, đa số thanh niên tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp có đủ năng lực ngoại ngữ để sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hoá.
1.2. Mục tiêu cụ thể
a) Tiếp tục triển khai chương trình ngoại ngữ tại các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh. Các bước triển khai chú trọng tính vừa sức, phù hợp đối với vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Đồng thời gắn dạy học ngoại ngữ với củng cố, tăng cường môn tiếng Việt cho học sinh tiểu học.
- Năm học 2017 - 2018, triển khai dạy học ngoại ngữ theo chương trình ngoại ngữ mới cấp tiểu học ở các trường chuẩn quốc gia, các trường có tổ chức dạy học tăng thời lượng. Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đạt trình độ ngoại ngữ B2 dạy Tiếng Anh cấp tiểu học để dạy chính thức và mở rộng dạy tự chọn số học sinh tiểu học đạt 100% vào năm 2020. Tiếp tục triển khai thực hiện trong giai đoạn từ năm 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.
- Tiếp tục triển khai mở rộng dạy ngoại ngữ chương trình 10 năm cho 50% số học sinh THCS và 25% học sinh THPT vào năm học 2017 - 2018 và cho 100% học sinh THCS, THPT vào năm 2020. Tiếp tục củng cố, triển khai trong giai đoạn 2021-2025.
- Từ năm học 2017 - 2018, lựa chọn một số Phòng Giáo dục và Đào tạo, một số trường THPT mở một số lớp dạy ngoại ngữ 2 (tiếng Trung Quốc) cho học sinh THCS, THPT.
- Năm học 2017 - 2018, tiếp tục triển khai dạy tiếng Trung Quốc là ngoại ngữ 1 tại trường THPT chuyên Chu Văn An và dạy ngoại ngữ 2 (tiếng Trung Quốc) ở một số lớp. Tiếp tục tổ chức thực hiện trong những năm học tiếp theo.
- Tiếp tục thực hiện các chương trình dạy và học bằng ngoại ngữ cho môn Toán và một số môn khoa học tự nhiên cho một số lớp ở trường THPT chuyên Chu Văn An và ở một số trường THPT có điều kiện.
b) Triển khai chương trình mới đào tạo ngoại ngữ bắt buộc ở cấp học phổ thông đạt các trình độ sau:
Tốt nghiệp tiểu học đạt trình độ ngoại ngữ bậc 1 khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc; tốt nghiệp THCS, tốt nghiệp trường nghề đạt trình độ bậc 2; tốt nghiệp THPT, tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp đạt trình độ bậc 3. Sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập và làm việc.
c) Tiếp tục triển khai đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ đối với các trường chuyên nghiệp, trường nghề từ năm học 2017 - 2018 đạt khoảng 80% số lượng học sinh, sinh viên và 100% vào năm học 2019 - 2020. Đánh giá rút kinh nghiệm, tiếp tục triển khai trong giai đoạn từ năm 2021 - 2025.
d) Đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ trong các trung tâm GDTX, trung tâm GDTX- GDNN, góp phần tích cực vào công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, viên chức. Thực hiện đa dạng hoá các hình thức học tập, đáp ứng nhu cầu người học trên địa bàn tỉnh. Dạy ngoại ngữ cho 100% học viên các lớp bổ túc trung học phổ thông.
Triển khai dạy tiếng Anh, tiếng Trung Quốc cho cán bộ, công chức, người lao động có nhu cầu trong tỉnh, cho cán bộ công chức cơ quan sở, ban, ngành, các huyện, xã biên giới.
2.1. Nhiệm vụ
a) Quy định môn ngoại ngữ được dạy và học trong các trường tiểu học, THCS, THPT, trung tâm GDTX, các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh là tiếng Anh, tiếng Trung Quốc và một số ngoại ngữ khác.
Ngoài chương trình đào tạo môn ngoại ngữ bắt buộc (ngoại ngữ 1), định hướng cho học sinh có thể tự chọn học thêm ngoại ngữ 2 (Chỉ áp dụng từ lớp 6). Quan tâm dạy tiếng Trung Quốc cho cán bộ, công chức, trong đó hướng tới cán bộ, công chức cấp sở, ban ngành, các huyện, xã biên giới.
b) Dựa vào khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, hướng dẫn các cơ sở xây dựng phân phối chương trình, kế hoạch dạy học chi tiết, cụ thể, phù hợp đối tượng, vùng miền. Đảm bảo tính liên thông giữa các cấp học.
c) Triển khai đào tạo theo chương trình ngoại ngữ mới đối với Trường Cao đẳng Sư phạm. Nội dung chương trình đào tạo giáo viên ngoại ngữ phải bảm sát và phù hợp với chương trình ngoại ngữ 10 năm ở phổ thông. Đối với cơ sở giáo dục đại học không chuyên ngữ, chương trình đào tạo mới phải có mức kiến thức đạt trình độ tối thiểu là bậc 3 sau khi tốt nghiệp. Đối với các cơ sở giáo dục đào tạo chuyên ngữ, chương trình đào tạo mới phải có mức kiến thức đạt trình độ bậc 4 sau khoá tốt nghiệp cao đẳng, bậc 5 sau khoá tốt nghiệp đại học và bắt buộc người học phải đồng thời được đào tạo hai ngoại ngữ trong một khoá đào tạo (ngoại ngữ 1 và ngoại ngữ 2), trong đó thời lượng đào tạo ngoại ngữ 2 không quá 1/2 thời lượng đào tạo ngoại ngữ 1.
d) Thực hiện đổi mới chương trình dạy và học ngoại ngữ đối với trung tâm GDTX, trung tâm GDTX-GDNN, đa dạng về hình thức, đối tượng, trình độ đào tạo, đáp ứng nhu cầu người học, có tác dụng tích cực, đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ.
đ) Đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá trong dạy và học ngoại ngữ. Xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, kiểm tra; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao hiệu quả công tác khảo thí, kiểm định chất lượng môn ngoại ngữ.
2.2. Giải pháp
a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dạy, người học và toàn xã hội; chỉ đạo, quản lý có hiệu quả hoạt động dạy học ngoại ngữ
Cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao nhận thức xã hội, nhất là đối với học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức về lợi ích dạy và học ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Thu hút sự quan tâm, đóng góp của cộng đồng cho công tác dạy và học ngoại ngữ.
Thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Điều tra nhu cầu học ngoại ngữ, thống kê số lượng, chất lượng của học sinh và đội ngũ giáo viên, điều kiện về cơ sở vật chất để xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp từng giai đoạn. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch của các đơn vị.
Gắn việc học ngoại ngữ với yêu cầu sử dụng thường xuyên ở các mức độ khác nhau đối với cán bộ, công chức, viên chức. Có chế độ ưu tiên trong tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm đối với người sử dụng thành thạo ngoại ngữ.
b) Tập trung đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ
- Trên cơ sở điều tra nhu cầu học ngoại ngữ, thống kê số lượng, chất lượng học sinh các cấp học, tiến hành khảo sát, phân loại đội ngũ giáo viên hiện có theo khung năng lực 6 bậc để có kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng hàng năm, nhằm chuẩn hoá trình độ đào tạo theo quy định, đáp ứng các tiêu chí hiện hành.
- Tiếp tục tuyển dụng thêm giáo viên Tiếng Anh cấp tiểu học và một số giáo viên ngoại ngữ THCS, THPT. Thực hiện chính sách ưu tiên tuyển dụng những giáo viên đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu chương trình ngoại ngữ mới.
- Đối với các Trường Cao đẳng và Trường THPT chuyên Chu Văn An, chỉ tiếp nhận và sử dụng giáo viên tiếng Anh có năng lực bậc 5; tiếng Trung Quốc đạt cấp độ 5. Khuyến khích, tạo cơ chế thuận lợi để các trường này liên kết, hợp tác đào tạo, giảng dạy; thu hút sự giúp đỡ, tham gia của các cơ sở đào tạo có uy tín, đội ngũ giáo viên tình nguyện có chất lượng và kinh nghiệm dạy học ngoại ngữ.
- Đổi mới các khóa đào tạo giáo viên ngoại ngữ của Trường Cao đẳng Sư phạm, nghiên cứu bổ sung, nâng cao một số nội dung, nhằm đào tạo được giáo viên đạt chuẩn về năng lực ngoại ngữ cấp tiểu học, THCS ngay sau khi ra trường và gắn đào tạo tại trường với thực tế giảng dạy phổ thông.
- Đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng gắn với yêu cầu công tác. Khuyến khích giáo viên, giảng viên tự bồi dưỡng nâng cao trình độ, hỗ trợ tham gia các lớp bồi dưỡng trong nước và quốc tế. Hàng năm, cử đi đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ để dạy các cấp học (khoảng 20% số giáo viên) để đến năm 2020 có 100% số giáo viên đạt chuẩn theo quy định của cấp học. Tiếp tục bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên ngoại ngữ một cách ổn định, bền vững. Kinh phí đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, thực hiện theo phương thức Nhà nước, nhà trường và giáo viên, giảng viên cùng góp sức.
c) Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục
- Hướng dẫn các cơ sở giáo dục tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch phát triển chương trình giáo dục môn học ở các nhà trường một cách phù hợp, hiệu quả. Giáo viên chủ động, tích cực đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tối đa tính tích cực của người học; chú trọng rèn luyện các kỹ năng nói, nghe, đọc, viết một cách thành thạo, đúng chuẩn. Ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng hợp lý các thiết bị dạy học; xác định đổi mới phương pháp là điều kiện cơ bản kích thích sự chuyên cần và ham mê học ngoại ngữ của học sinh, sinh viên.
- Tổ chức các hội thi, hội nghị, hội thảo, giao lưu ngoại ngữ giữa các đơn vị trong tỉnh, ngoài tỉnh; tạo điều kiện cho giáo viên được tham gia các hội thảo, hội nghị về ngoại ngữ bằng tiếng nước ngoài do các trường đại học hoặc các tổ chức quốc tế tổ chức. Xây dựng môi trường thuận lợi, hỗ trợ việc dạy và học ngoại ngữ, tạo động cơ học tập ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên và lực lượng lao động trẻ. Tạo cơ hội cho giáo viên, học sinh giao lưu ngoại ngữ với các trường quốc tế.
- Các cơ sở giáo dục phát huy vai trò câu lạc bộ ngoại ngữ giáo viên, giảng viên, câu lạc bộ ngoại ngữ học sinh, sinh viên với nội dung sinh hoạt thiết thực, tạo môi trường học tập ngoại ngữ sôi nổi trong các nhà trường.
- Phát huy năng lực các chuyên gia ngoại ngữ và tổ giáo viên cốt cán ngoại ngữ các cấp học, tăng cường giúp đỡ các nhà trường về chuyên môn. Ngành Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà trường đổi mới linh hoạt hình thức sinh hoạt chuyên môn; tổ chức câu lạc bộ và sinh hoạt chuyên môn ngoại ngữ theo trường và cụm trường để trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, tăng cường giao tiếp ngoại ngữ; đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá trong dạy và học ngoại ngữ.
d) Đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho dạy và học ngoại ngữ
- Từng bước đầu tư mua sắm thiết bị dạy và học ngoại ngữ cho các cơ sở giáo dục theo lộ trình triển khai kế hoạch. Xây dựng các phòng học đa năng, bổ sung thiết bị dạy học thông dụng cho các nhà trường (theo danh mục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành) phục vụ cho việc dạy và học ngoại ngữ các cấp học.
- Xây dựng và thực hiện kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên, định kỳ hàng năm về sử dụng thiết bị dạy học ngoại ngữ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc dạy và học ngoại ngữ ở các nhà trường. Khuyến khích mỗi giáo viên ngoại ngữ tự trang bị máy tính xách tay và sử dụng thành thạo internet để làm giàu năng lực, trí tuệ, phục vụ giảng dạy, công tác.
đ) Thực hiện đầy đủ cơ chế, chính sách của Nhà nước, của tỉnh dành cho đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ
- Thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách dành cho giáo viên, trong đó có giáo viên ngoại ngữ. Bổ sung những cơ chế, chính sách phù hợp của tỉnh dành cho đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ các cấp học, tạo điều kiện thực hiện các chương trình đào tạo nâng cao chất lượng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thu hút sự đóng góp của các lực lượng xã hội cho dạy và học ngoại ngữ.
e) Tăng cường hợp tác quốc tế trong dạy và học ngoại ngữ
Khuyến khích đầu tư nước ngoài trong phát triển mở rộng các loại hình cơ sở đào tạo ngoại ngữ. Khuyến khích các trường có điều kiện thực hiện các chương trình hợp tác, liên kết đào tạo ngoại ngữ với các trường ở nước ngoài và các tổ chức quốc tế.
Trường Cao đẳng Sư phạm, Trường THPT chuyên Chu Văn An tiếp tục phối hợp với các trường đại học của Trung Quốc, các tổ chức trong và ngoài nước để học sinh, sinh viên được trải nghiệm tại môi trường ngoại ngữ chuẩn với giáo viên bản ngữ; các trung tâm ngoại ngữ tin học phát huy năng lực, triển khai việc đưa giáo viên nước ngoài đạt chuẩn về dạy ngoại ngữ tại các trường phổ thông.
g) Kiểm tra, đánh giá việc tổ chức thực hiện Đề án của các đơn vị, đặc biệt đối với giáo dục phổ thông, nhằm thúc đẩy chất lượng dạy học ngoại ngữ
Xây dựng kế hoạch, định kỳ kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch dạy học ngoại ngữ của các nhà trường, đảm bảo mục tiêu tư vấn thúc đẩy và điều chỉnh quá trình thực hiện hiệu quả.
Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường THPT, trung tâm GDTX, trung tâm GDTX-GDNN, Phòng Giáo dục và Đào tạo đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá các hoạt động dạy và học ngoại ngữ của giáo viên và học sinh. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra giáo viên, nhằm tư vấn, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động dạy và học của các nhà trường.
3.1. Giai đoạn 2017 - 2020
Tiếp tục triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm phổ thông trên quy mô toàn tỉnh, chương trình ngoại ngữ tăng cường trong các trường chuyên nghiệp. Tiếp tục tuyển dụng giáo viên ngoại ngữ, chú trọng tuyển dụng giáo viên tiếng Anh, tiếng Trung Quốc có trình độ cao. Chú trọng đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ các cấp học theo khung năng lực ngoại ngữ. Xây dựng các phòng dạy học ngoại ngữ, phòng nghe nhìn và phòng học đa phương tiện cho các cấp học.
- Cấp Tiểu học: Triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm đối với 100% học sinh lớp 3 trong toàn tỉnh vào năm 2020.
- Có 50% số học sinh THCS và 25% học sinh THPT học chương trình ngoại ngữ 10 năm vào năm học 2017 - 2018; 100% học sinh được học ngoại ngữ theo chương trình 10 năm vào năm 2020. Triển khai dạy tiếng Trung Quốc ở cấp THCS và THPT là ngoại ngữ 2, tiếng Anh là ngoại ngữ 1 (và ngược lại) ở một số trường có điều kiện.
- Giáo dục thường xuyên: 100% học viên các lớp bổ túc THPT được học ngoại ngữ. Xây dựng chương trình chi tiết các lớp trình độ bậc 2 và bậc 3 tiếng Anh, tiếng Trung Quốc cho cán bộ, công chức, trong đó chú trọng đội ngũ cán bộ, công chức các sở, ban, ngành, khu kinh tế cửa khẩu và các huyện, xã biên giới.
- Giáo dục chuyên nghiệp: Phấn đấu từ 40% - 50% giảng viên ngoại ngữ có trình độ thạc sĩ, tiến sỹ; đảm bảo 100% giảng viên ngoại ngữ đạt bậc 5 trở lên. Tiếp tục xây dựng, triển khai các đề án liên kết đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ các trình độ với các cơ sở giáo dục đại học trong và ngoài nước. Thực hiện chương trình dạy và học ngoại ngữ tăng cường ở tất cả các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh.
3.2. Giai đoạn 2021 - 2025
Tiếp tục củng cố, phát huy kết quả thực hiện Đề án trong giai đoạn từ năm 2008 đến 2020; đánh giá, rút kinh nghiệm những mặt còn hạn chế để triển khai hiệu quả hơn trong giai đoạn 2021 - 2025. Tập trung vào công tác phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy ngoại ngữ đạt chuẩn theo quy định, có năng lực ngoại ngữ tốt, phương pháp dạy học đổi mới theo hướng tích cực và hiệu quả. Tăng cường nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ngoại ngữ, trong đó chú trọng bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ về ý thức và năng lực sử dụng hiệu quả các thiết bị trong quá trình giảng dạy.
Tiếp tục triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm đối với 100% học sinh trong toàn tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo. Tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc triển khai chương trình của giai đoạn trước để cải tiến hình thức tổ chức, phương pháp giảng dạy trong các cấp học ở giai đoạn tiếp theo.
Tiếp tục tổ chức dạy học ngoại ngữ và cấp chứng chỉ cho 100% học viên các trung tâm GDTX, trung tâm GDTX-GDNN. Mở các lớp dạy tiếng Anh, tiếng Trung Quốc cho cán bộ công chức, trong đó chú trọng đội ngũ cán bộ, công chức các sở, ban, ngành, khu kinh tế cửa khẩu và các huyện, xã biên giới.
Đối với giáo dục chuyên nghiệp, phấn đấu có 80% giảng viên ngoại ngữ có trình độ thạc sĩ, tiến sỹ; đảm bảo 100% giảng viên ngoại ngữ đạt bậc 5 trở lên. Tiếp tục xây dựng, triển khai các đề án liên kết đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ các trình độ với các cơ sở giáo dục đại học trong và ngoài nước; thực hiện chương trình dạy và học ngoại ngữ tăng cường ở tất cả các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phát triển mạnh công tác bồi dưỡng thường xuyên; đổi mới hình thức tổ chức thực hiện theo hướng hiệu quả, thiết thực, nhằm mục đích phát triển năng lực của giáo viên.
4.1. Tổng kinh phí của giai đoạn 2017 - 2020
* Tổng kinh phí giai đoạn 2017-2020 là 49.455.000.000 đồng (Bốn mươi chín tỷ, bốn trăm năm mươi lăm triệu đồng). Trong đó:
- Kinh phí bồi dưỡng, tập huấn, rà soát, bồi dưỡng giáo viên: 11.265.000.000 đồng (Mười một tỷ, hai trăm sáu mươi lăm triệu đồng);
- Kinh phí xây dựng môi trường ngoại ngữ: 8.000.000.000 đồng (Tám tỷ đồng);
- Kinh phí tăng cường cơ sở vật chất: 30.150.000.000 đồng (Ba mươi tỷ, một trăm năm mươi triệu đồng);
- Kinh phí quản lý, giám sát, đánh giá thực hiện Đề án: 40.000.000 đồng (Bốn mươi triệu đồng).
* Nguồn kinh phí:
- Nguồn kinh phí đề nghị cấp từ Trung ương: 30.031.000.000 đồng (Ba mươi tỷ, không trăm ba mươi mốt triệu đồng);
- Nguồn kinh phí của địa phương: 19.396.000.000 đồng (Mười chín tỷ, ba trăm chín mươi sáu triệu đồng);
- Nguồn khác: 28.000.000 đồng (Hai mươi tám triệu đồng).
4.2. Kinh phí cho giai đoạn 2021 - 2025
* Dự kiến kinh phí cho giai đoạn 2021 - 2025 là 58.799.000.000 triệu đồng (Năm mươi tám tỷ, bảy trăm chín mươi chín triệu đồng). Trong đó:
- Kinh phí rà soát, bồi dưỡng tập huấn giáo viên: 13.019.000.000 đồng (Mười ba tỷ, không trăm mười chín triệu đồng);
- Kinh phí xây dựng môi trường ngoại ngữ: 9.540.000.000 đồng (Chín tỷ, năm trăm bốn mươi triệu đồng);
- Kinh phí tăng cường cơ sở vật chất: 36.180.000.000 đồng (Ba mươi sáu tỷ, một trăm tám mươi triệu đồng);
- Kinh phí quản lý, giám sát, đánh giá thực hiện Đề án: 60.000.000 đồng (Sáu mươi triệu đồng).
* Nguồn kinh phí:
- Nguồn kinh phí đề nghị cấp từ Trung ương: 35.423.000.000 đồng (Ba mươi lăm tỷ, bốn trăm hai mươi ba triệu đồng);
- Nguồn kinh phí của địa phương: 23.334.000.000 đồng (Hai mươi ba tỷ, ba trăm ba mươi tư triệu đồng);
- Nguồn khác: 42.000.000 đồng (Bốn mươi hai triệu đồng).
5.1. Sở Giáo dục và Đào tạo
Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, xây dựng kế hoạch chi tiết để chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện từng năm, từng giai đoạn. Kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng hợp đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch theo từng năm, từng giai đoạn; định kỳ báo cáo UBND tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định.
5.2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, tổ chức thực hiện Đề án trong lĩnh vực dạy nghề phù hợp với kế hoạch chung.
5.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính bố trí lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện Đề án hàng năm và từng giai đoạn.
5.4. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối kinh phí để thực hiện Đề án.
5.5. Sở Nội vụ
Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thống nhất nhu cầu tuyển dụng, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên và đào tạo cán bộ công chức của tỉnh, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định trong các giai đoạn.
5.6. Sở Thông tin và Truyền thông
Tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về các chương trình, đề án, kế hoạch đổi mới công tác dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu hội nhập, tạo môi trường học tập thuận lợi cho việc dạy và học ngoại ngữ.
5.7. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố
Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan chức năng trên địa bàn xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện Đề án; kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện của địa phương, định kỳ báo cáo cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo.
Phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ban, ngành liên quan, chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn đồng bộ, phù hợp với kế hoạch chung của tỉnh.
5.8. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức đoàn thể nhân dân tham gia tích cực, tăng cường truyền thông về “Đề án dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2011 - 2020” trên địa bàn tỉnh, nâng cao ý thức cộng đồng về học tập ngoại ngữ.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, tổ chức liên quan triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch này.
(Kèm theo Kế hoạch là Phụ lục kinh phí cho từng giai đoạn)./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
Công văn 745/BGDĐT-ĐANN năm 2017 về báo cáo số liệu thống kê năm 2015 và 2016; đề xuất kế hoạch giai đoạn 2017-2020 và 2021-2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Ban hành: 28/02/2017 | Cập nhật: 16/12/2017