Kế hoạch 37/KH-UBND năm 2013 tổ chức triển khai rà soát, xác định dạng tật, mức độ khuyết tật và thực hiện chính sách trợ giúp đối với người khuyết tật
Số hiệu: 37/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Tỉnh Thái Bình Người ký: Cao Thị Hải
Ngày ban hành: 25/06/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Chính sách xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 37/KH-UBND

Thái Bình, ngày 25 tháng 06 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC TRIỂN KHAI RÀ SOÁT, XÁC ĐỊNH DẠNG TẬT, MỨC ĐỘ KHUYẾT TẬT VÀ THỰC HIỆN MỘT SỐ CHÍNH SÁCH TRỢ GIÚP ĐỐI VỚI NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Căn cứ Luật Người khuyết tật; Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật; Thông tư số 26/2012/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật, Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 28/12/2012 của Liên bộ Y tế, Lao động- Thương binh và Xã hội quy định chi tiết về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng Giám định y khoa thực hiện, Thông tư liên tịch số 37/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BGDĐT ngày 28/12/2012 của liên Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Y tế, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo quy định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện;

Để đảm bảo người khuyết tật được thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình, được thụ hưởng các chính sách của Nhà nước, nhất là chính sách trợ giúp trong chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề, việc làm, chính sách bảo trợ xã hội, tạo thu nhập để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng; UBND tỉnh Thái Bình xây dựng Kế hoạch tổ chức triển khai rà soát, xác định dạng tật, mức độ khuyết tật và thực hiện một số chính sách trợ giúp đối với người khuyết tật cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Đẩy mạnh thực thi Luật Người khuyết tật nhằm đảm bảo quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật; Tạo điều kiện giúp đỡ người khuyết tật có cuộc sống tốt hơn.

- Xác định dạng tật, mức độ khuyết tật và cấp Giấy xác nhận khuyết tật cho người khuyết tật làm căn cứ để thực hiện các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với người khuyết tật.

- Việc thực hiện chế độ trợ cấp, trợ giúp cho người khuyết tật phải đảm bảo công khai, dân chủ, đúng đối tượng, đúng chế độ, thủ tục hồ sơ tinh giản, đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật được hưởng chế độ chính sách ưu đãi theo đúng quy định của Nhà nước.

- Các hoạt động trong kế hoạch được xây dựng cụ thể, các cơ quan, tổ chức liên quan phối hợp chặt chẽ để hướng dẫn thực hiện theo đúng lộ trình thời gian nêu trong kế hoạch.

II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG:

1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về người khuyết tật, chú trọng tuyên truyền các quy định về xác định dạng tật, mức độ khuyết tật và chính sách bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật trên các phương tiện thông tin đại chúng.

2. Triển khai tập huấn cho cán bộ làm công tác người khuyết tật từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn, thành viên Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã về các văn bản của Đảng, Nhà nước liên quan đến người khuyết tật; phương pháp, công cụ xác định dạng tật, mức độ khuyết tật, cấp Giấy xác nhận khuyết tật; thủ tục hồ sơ, quy trình thực hiện.

3. Tổ chức in phôi Giấy xác nhận khuyết tật theo mẫu quy định tại Thông tư liên tịch số 37/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC-BGDĐT , in các văn bản thuộc bộ hồ sơ của người khuyết tật hướng dẫn cho các xã, phường, thị trấn cấp cho người khuyết tật trong toàn tỉnh.

4. Thành lập Hội đồng xác định mức độ khuyết tật xã, phường, thị trấn theo quy định của Luật Người khuyết tật. Hội đồng xác định mức độ khuyết tật gồm 7 thành viên do Chủ tịch UBND cấp xã là Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng có nhiệm vụ xác định dạng tật và mức độ khuyết tật; xác định lại mức độ khuyết tật đối với người khuyết tật khi có sự kiện làm thay đổi mức độ khuyết tật. Hội đồng xác định mức độ khuyết tật quyết định độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực trong việc xác định mức độ khuyết tật.

5. Tiến hành rà soát, xác định dạng tật, mức độ khuyết tật và cấp Giấy xác nhận khuyết tật;

Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã tổ chức thực hiện việc rà soát, xác định dạng tật, mức độ khuyết tật theo đúng phương pháp, quy trình và tham mưu cho Chủ tịch UBND xã cấp Giấy xác nhận khuyết tật cho người khuyết tật sau khi xác định dạng tật và mức độ khuyết tật.

Hội đồng giám định y khoa xác định dạng tật, mức độ khuyết tật theo quy định của Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 28/12/2012.

6. Điều chỉnh mức độ khuyết tật, mức trợ cấp xã hội đối với đối tượng đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội và ra quyết định điều chỉnh theo quy định.

7. Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo thực hiện chính sách trợ cấp, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng; hỗ trợ chi phí mai táng đối với người khuyết tật. Thanh, quyết toán kinh phí theo quy định hiện hành.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Phạm vi và thời gian triển khai thực hiện:

Kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện chế độ chính sách đối với người khuyết tật theo Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ được thực hiện từ tháng 06/2013 đến tháng 12/2013 trong toàn tỉnh.

2. Phân công trách nhiệm:

2.1. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình:

Phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố và các sở, ban ngành liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người khuyết tật, các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật và toàn thể nhân dân trong tỉnh (thực hiện thường xuyên).

2.2. Sở Lao động Thương binh và Xã hội:

- Chủ trì, phối hợp với các ngành tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách trợ giúp của Nhà nước đối với người khuyết tật. Phối hợp với cơ quan tuyên truyền phổ biến các chế độ chính sách liên quan đến người khuyết tật.

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn việc xác lập hồ sơ, thủ tục, quy trình để thực hiện xác định dạng tật, mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã và Hội đồng giám định y khoa thực hiện.

- Chủ trì và phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành, địa phương tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác người khuyết tật từ tỉnh đến cơ sở, thành viên Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã (hoàn thành trong tháng 7/2013).

- Quy định thống nhất mã số, nội dung Giấy xác nhận khuyết tật và tổ chức in phôi Giấy xác nhận khuyết tật, in các văn bản trong bộ hồ sơ của người khuyết tật để cấp cho các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh theo quy định tại Thông tư liên tịch số 37/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC-BGDĐT ngày 28/12/2012 (hoàn thành tháng 6/2013).

- Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định mức trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người khuyết tật, mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc khách hàng, mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng đối với người khuyết tật được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội, mức hỗ trợ chi phí mai táng theo quy định tại Nghị định số 28/2012/NĐ-CP (hoàn thành trong tháng 7/2013).

- Hướng dẫn việc điều chỉnh và chi trả trợ cấp cho người khuyết tật đủ điều kiện trong tỉnh (hoàn thành tháng 11/2013).

- Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện kịp thời, chính xác các chính sách có liên quan theo quy định của Luật Người khuyết tật.

2.3. Sở Y tế:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn phương pháp, công cụ xác định dạng tật, mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện.

- Chủ trì hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ y tế cơ sở trong việc cung cấp thông tin liên quan đến người khuyết tật để Hội đồng xác định mức độ khuyết tật xác định và kết luận về dạng tật và mức độ khuyết tật (hoàn thành tháng 6/2013).

- Hướng dẫn hồ sơ, thủ tục thực hiện xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng Giám định Y khoa thực hiện. Chỉ đạo Hội đồng Giám định y khoa tỉnh thực hiện việc xác định, kết luận về dạng tật và mức độ khuyết tật theo quy định tại Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BYT-BLĐTBXH (hoàn thành tháng 7/2013).

- Phối hợp trong công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát các địa phương thực hiện.

2.4. Sở Tài chính:

- Thẩm định các nội dung hoạt động và bố trí dự toán kinh phí cho các đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện. (Đợt triển khai hoàn thành vào tháng 7/2013, các đợt tiếp theo theo kế hoạch phân bổ ngân sách hàng năm).

- Phân bổ nguồn kinh phí thực hiện bao gồm: kinh phí quản lý và kinh phí chi trả trợ cấp cho người khuyết tật.

- Hướng dẫn các đơn vị cấp phát, chi trả trợ cấp xã hội, thanh quyết toán kinh phí đúng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

- Phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định các mức trợ cấp đối với người khuyết tật, mức chi cho công tác xác định dạng tật, mức độ khuyết tật và cấp Giấy xác nhận khuyết tật; hỗ trợ kinh phí cho các địa phương trong việc triển khai xác định dạng tật và mức độ khuyết tật.

2.5. Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền về Luật Người khuyết tật và các văn bản hướng dẫn trong các trường học.

- Hướng dẫn các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh thực hiện các chính sách ưu đãi học sinh, sinh viên khuyết tật, có khó khăn về kinh tế theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ (hoàn thành trong tháng 8/2013).

- Thực hiện phụ cấp, chính sách ưu đãi đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật theo quy định tại Nghị định số 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

2.6. UBND các huyện, thành phố:

- Chỉ đạo việc thành lập Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã (hoàn thành trong tháng 6/2013).

- Chỉ đạo Hội đồng cấp xã triển khai việc rà soát, xác định dạng tật, mức độ khuyết tật, cấp Giấy xác nhận khuyết tật và chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội đúng quy định, đảm bảo trung thực, chính xác, khách quan về đối tượng, hồ sơ, thủ tục, quy trình và tiến độ thời gian (hoàn thành trong tháng 8/2013).

- Điều chỉnh đối tượng và mức trợ cấp cho những người khuyết tật, hộ gia đình có người khuyết tật thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội theo quy định tại Nghị định số 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ. (hoàn thành trong tháng 8/2013).

- Phân bổ kinh phí cho cấp xã chi trả trợ cấp đối với người khuyết tật và hộ gia đình đủ điều kiện quy định tại Nghị định số 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ (hoàn thành vào tháng 11/2013, các đợt tiếp theo thực hiện quy định thường xuyên).

- Lập dự toán kinh phí cho hoạt động rà soát, xác định mức độ khuyết tật, thẩm định hồ sơ và trợ cấp xã hội theo quy định.

- Chỉ đạo cấp xã thực hiện trợ cấp bảo trợ xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng, hỗ trợ chi phí mai táng đảm bảo công khai, dân chủ, đúng đối tượng, đúng chế độ, tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật được hưởng chế độ chính sách ưu đãi theo đúng quy định của Nhà nước.

- Thực hiện công tác kiểm tra, đôn đốc các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện kịp thời, chính xác.

2.7. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan truyền thông. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng chuyên mục, tăng thời lượng phát sóng, nhằm nâng cao nhận thức về người khuyết tật và công tác người khuyết tật, vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào từ thiện xã hội, quan tâm giúp đỡ đối với những trường hợp khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đảm bảo người khuyết tật được thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

2.8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên, Hội chữ thập đỏ tỉnh, Hội nạn nhân chất độc da cam - đioxin tỉnh, Hội cứu trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh, phối hợp cùng Sở Lao động Thương binh và xã hội và các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động thiết thực trợ giúp người khuyết tật, tuyên truyền về chính sách của Đảng và nhà nước đối với người khuyết tật … nhằm tạo điều kiện cho người khuyết tật cải thiện đời sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Chỉ đạo các cấp hội là thành viên Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, khách quan trong việc xác định mức độ khuyết tật.

3. Chế độ thông tin, báo cáo:

Hàng tháng cấp xã tổng hợp các thông tin, số liệu tăng, giảm về người khuyết tật trong địa bàn quản lý báo cáo UBND huyện (qua phòng Lao động Thương binh và Xã hội).

Định kỳ 03 tháng / 1 lần UBND huyện, thành phố và các sở ngành liên quan báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Lao động Thương binh và Xã hội) để tổng hợp chung báo cáo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành Trung ương; báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.

Trên cơ sở Kế hoạch chung này, yêu cầu các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hướng dẫn cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ LĐ-TBXH;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở: LĐTBXH, YT, TC, GD-ĐT;
- UBND các huyện, Tp;
- Lưu VT, VX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Cao Thị Hải