Kế hoạch 35/KH-UBND năm 2012 về thực hiện Nghị định 80/2011/NĐ-CP ngày 16/9/2011 về các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù
Số hiệu: 35/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội Người ký: Nguyễn Thị Bích Ngọc
Ngày ban hành: 21/03/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Hình sự, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số 35/KH-UBND

Hà Nội, ngày 21 tháng 3 năm 2012

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 80/2011/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CÁC BIỆN PHÁP ĐẢM BẢO TÁI HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG ĐỐI VỚI NGƯỜI CHẤP HÀNH XONG ÁN PHẠT TÙ

Thực hiện Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16/9/2011 của Chính phủ quy định các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù (Sau đây gọi tắt là Nghị định số 80-/CP); Kế hoạch số 214/KH-BCA-C81 ngày 30/11/2011 của Bộ Công an về triển khai thực hiện Nghị định số 80/CP của Chính phủ, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Quán triệt đầy đủ, sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị định số 80/CP, từ đó nâng cao hiệu quả, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ban ngành đoàn thể trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện, làm chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động trong việc thực hiện các biện pháp tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

2. Tích cực tuyên truyền, giáo dục về công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù nhằm nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và gia đình người chấp hành xong án phạt tù trong việc phối hợp thực hiện các biện pháp tái hòa nhập cộng đồng.

3.Xác định rõ, cụ thể nội dung công việc, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các cấp … để đảm bảo việc tổ chức triển khai, thực hiện Nghị định số 80/CP của Chính phủ được nghiêm túc, đạt hiệu quả cao nhất. Nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người chấp hành xong án phạt tù.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM:

1. Tổ chức quán triệt và triển khai đến các cấp ủy, chi bộ, đảng viên, cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã, UBND các phường, xã, thị trấn, các tầng lớp nhân dân biết, thực hiện nghiêm túc Nghị định số 80/2011/NĐ-CP có kế hoạch cụ thể, tổ chức Hội nghị quán triệt, phổ biến nội dung Nghị định số 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

2. Tuyên truyền rộng rãi, với nhiều hình thức, loại hình phong phú để nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với người chấp hành xong án phạt tù; về trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và cá nhân trong việc xóa bỏ thái độ, hành vi định kiến, kỳ thị đối với người chấp hành xong án phạt tù và quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ họ ổn định cuộc sống, góp phần phòng, chống, tái phạm; tuyên truyền những mô hình cách làm sáng tạo, có hiệu quả thiết thực giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.

3. Chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức tiếp nhận, quản lý người chấp hành xong án phạt tù theo đúng các quy định của pháp luật. Đồng thời hướng dẫn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm và vi phạm pháp luật.

4. Tổ chức các lớp đào tạo dạy nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù; quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện về vật chất, tinh thần cho người chấp hành xong án phạt tù có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ổn định cuộc sống.

5. Nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các cơ sở, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tham gia thực hiện các hoạt động tư vấn, dạy nghề, giới thiệu việc làm, giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Vận động, khuyến khích việc tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, cơ sở kinh doanh.

6. Tổ chức nghiên cứu, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền, các Bộ, ngành TW bổ sung, hoàn thiện văn bản có tính pháp quy, quy định về chế độ, chính sách, giúp đỡ đối với người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.

7. Định kỳ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm; kịp thời khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, góp phần thực hiện tốt Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm.

III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

Để thực hiện mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ trên, UBND Thành phố yêu cầu các cấp, các ngành, cơ quan đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện tốt các nhiệm vụ theo sự phân công trách nhiệm như sau:

1. Công an thành phố Hà Nội

1.1. Chủ trì, tham mưu giúp đỡ Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.

1.2. Chỉ đạo lực lượng Công an cơ sở, nhất là lực lượng Công an phường, xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, gia đình người chấp hành xong án phạt tù tham mưu, giúp UBND cùng cấp tổ chức tiếp nhận, phân công quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù.

1.3. Chủ động nắm tình hình, điều kiện hoàn cảnh và tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người chấp hành xong án phạt tù để tư vấn và tham mưu, đề xuất với UBND cùng cấp tạo điều kiện thuận lợi giúp đỡ họ giải quyết khó khăn, ổn định cuộc sống.

1.4. Chỉ đạo Công an phường, xã, thị trấn lập Hồ sơ quản lý, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù; phối hợp với MTTQ và các tổ chức, đoàn thể xã hội tham mưu cho Chủ tịch UBND các cấp xã phân công các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù.

Hướng dẫn, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù thực hiện các thủ tục nhập hộ khẩu, làm mới hoặc cấp lại CMND; chủ động báo cáo UBND cấp xã làm thủ tục đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định xóa án tích cho người chấp hành xong án phạt tù ở địa bàn khi có đủ điều kiện; lập danh sách đề nghị đưa ra khỏi diện quản lý, giáo dục đối với những người chấp hành xong án phạt tù đã được xóa án theo quy định của pháp luật; đảm bảo cho người chấp hành xong án phạt tù được thực hiện các quyền và nghĩa vụ hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật.

1.5 Chỉ đạo các trại tạm giam, nhà tạm giữ có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến cho các phạm nhân đang chấp hành án phạt tù nắm được nội dung cơ bản của Nghị định số 80/2011/NĐ-CP. Phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp giáo dục phạm nhân chuẩn bị hòa nhập cộng đồng để giúp họ chủ động tái hòa nhập cộng đồng ngay sau khi chấp hành xong án phạt tù.

1.6. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội vận động các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hỗ trợ vốn, dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù.

1.7. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan định kỳ, hoặc khi có yêu cầu tổng hợp số liệu, tình hình, đánh giá kết quả thực hiện việc tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, số người không về nơi cư trú, số người tái phạm tội và vi phạm pháp luật.

2. Sở Lao động – Thương binh – Xã hội

2.1. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan nghiên cứu, tham mưu, đề xuất UBND Thành phố ban hành cơ chế, chính sách về hỗ trợ dạy nghề, cho vay vốn, tạo điều kiện để hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

2.2. Chỉ đạo, hướng dẫn phòng Lao động – Thương binh – Xã hội các quận, huyện, thị xã phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương tổ chức đào tạo, dạy nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù; quan tâm giúp đỡ về vật chất, tinh thần cho người chấp hành xong án phạt tù có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sớm ổn định cuộc sống.

3. Sơ Tư pháp:

3.1 Chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan thi hành án dân sự các cấp lập hồ sơ đề nghị xét miến, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự đối với người chấp hành xong án phạt tù khi có đủ điều kiện và giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.

3.2 Chủ động cập nhật thông tin về xóa án tích và thực hiện việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp, tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.

4. Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng, các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và Hà Nội tuyên truyền rộng rãi để nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đối với người chấp hành xong án phạt tù; kêu gọi trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và cá nhân trong việc xóa bỏ thái độ, hành vi định kiến, kỳ thị đối với người chấp hành xong án phạt tù và quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ họ ổn định cuộc sống.

5. Sở Tài chính hướng dẫn lập dự toán và bố trí nguồn kinh phí để thực hiện các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt.

6. Đề nghị Ủy ban mặt trận Tổ quốc Thành phố: chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể làm tốt công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, động viên giúp đỡ số người này cũng như gia đình họ sớm ổn định cuộc sống hòa nhập cộng đồng.

7. Các sở, ban, ngành, đoàn thể: Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn việc phối hợp thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

8. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã:

8.1. Tổ chức thực hiện và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn quan tâm, tạo điều kiện tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; nghiên cứu tổ chức việc dạy nghề, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, hướng dẫn hoạt động từ thiện, nhân đạo giúp ngươi chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.

8.2. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phân công tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và vận động nhân dân trong khu vực dân cư phối hợp chặt chẽ với gia đình có người chấp hành xong án phạt tù. Làm thủ tục đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định xóa án tích trong trường hợp đặc biệt cho người chấp hành xong án phạt tù đã có tiến bộ rõ rệt và đã lập công nếu người đó đã đảm bảo được ít nhất một phần ba thời gian quy định.

8.3. Vận động và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tiếp nhận, giúp đỡ việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ vào nội dung, nhiệm vụ và nội dung được phân công trong Kế hoạch này, có kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện Định kỳ (hàng năm, hoặc đột xuất) sơ kết, tổng kết và gửi báo cáo về Công an Thành phố để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố, Bộ Công an, Chính phủ theo quy định.

2. Giao Công an Thành phố là Cơ quan Thường trực có trách nhiệm giúp đỡ UBND Thành phố theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này. Phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch này tại các đơn vị. Định kỳ tổng hợp báo cáo theo quy định; đồng thời tham mưu cho UBND Thành phố kịp thời khen thưởng, động viên các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, phê bình các tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng chính phủ;
- Bộ Công an;
- TT Thành ủy, TT HĐND TP;
- Đ/c Chủ tịch UBND TP;
- Các Đ.c Phó chủ tịch UBND TP;
- VII, TCVI, TCVII, TCVIII – BCA;
- Ban VH – XH HĐND TP;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố
- UBND các quận. huyện, thị xã;
- VPUB, CPVP, các phòng CV;
- PVII (CATP)
- Lưu VT

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Bích Ngọc