Kế hoạch 33/KH-UBND năm 2019 về đảm bảo an toàn công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia hệ thống truyền tải điện 500kV
Số hiệu: | 33/KH-UBND | Loại văn bản: | Văn bản khác |
Nơi ban hành: | Tỉnh Ninh Bình | Người ký: | Nguyễn Ngọc Thạch |
Ngày ban hành: | 26/03/2019 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | An ninh quốc gia, Công nghiệp, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 33/KH-UBND |
Ninh Bình, ngày 26 tháng 03 năm 2019 |
KẾ HOẠCH
ĐẢM BẢO AN TOÀN CÔNG TRÌNH QUAN TRỌNG LIÊN QUAN ĐẾN ANQG HỆ THỐNG TRUYỀN TẢI ĐIỆN 500KV
Thực hiện Quyết định số 1944/QĐ-TTg ngày 04/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa Hệ thống Truyền tải điện 500kV vào Danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Để Hệ thống truyền tải điện 500kV được vận hành an toàn, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nói riêng; UBND tỉnh Ninh Bình xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn công trình Hệ thống truyền tải điện 500kV đoạn qua tỉnh Ninh Bình với những nội dung công tác sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh số 32/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Quốc hội khóa XI; Nghị định số 126/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ và Thông tư số 72/2009/TT-BCA ngày 18/12/2009 của Bộ Công an về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến ANQG nhằm đảm bảo vận hành an toàn Hệ thống truyền tải điện 500kV và đoạn qua tỉnh Ninh Bình nói riêng.
2. Triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm an ninh, an toàn công trình; trọng tâm là các hành vi phá hoại công trình, vi phạm hành lang an toàn lưới điện và các hành vi xâm hại khác.
3. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia đảm bảo an ninh, an toàn công trình; trong đó, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng bảo vệ công trình đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đủ sức ngăn chặn các hành vi gây ảnh hưởng đến sự an toàn của công trình.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
1. Xây dựng và triển khai thực hiện các phương án, giải pháp, biện pháp đảm bảo an toàn Hệ thống truyền tải điện 500kV đoạn qua tỉnh Ninh Bình; phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm hành lang bảo vệ truyền tải điện. Tập trung giải quyết dứt điểm các vi phạm cũ và ngăn chặn các vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình truyền tải điện mới xảy ra tại địa phương.
2. Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện các phương án, giải pháp, biện pháp bảo vệ, đảm bảo an toàn công trình truyền tải điện trên địa bàn tỉnh.
3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và các cơ quan, đơn vị, trường học có các tuyến đường dây và trạm biến áp 220, 500kV đi qua hoặc đóng trên địa bàn chấp hành đúng các quy định của Luật Điện lực, Pháp lệnh số 32/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Quốc hội khóa XI; Nghị định số 126/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ và Thông tư số 72/2009/TT-BCA ngày 18/12/2009 của Bộ Công an nhằm bảo vệ an toàn Hệ thống truyền tải điện 500kV.
4. Phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, nâng cao cảnh giác của cán bộ trực tiếp làm công tác bảo vệ truyền tải điện cũng như của nhân dân trong khu vực đối với âm mưu phá hoại của kẻ địch và bọn tội phạm khác, bảo vệ tuyệt đối an toàn Hệ thống truyền tải điện 500kV.
5. Điều tra, xử lý nghiêm các vụ việc liên quan đến an ninh, an toàn Hệ thống truyền tải điện 500kV như: Vi phạm hành lang an toàn lưới điện, vi phạm an toàn PCCC, trộm cắp tài sản...Đồng thời có biện pháp phòng ngừa các nguy cơ gây nguy hiểm cho các công trình thuộc Hệ thống truyền tải điện 500kV và có giải pháp khắc phục hậu quả nhằm đảm bảo hoạt động truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định.
III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ
1. Công an tỉnh
- Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương bảo vệ an toàn Hệ thống Truyền tải điện 500kV; đảm bảo ANTT trong quá trình cưỡng chế thi hành các quyết định của pháp luật về bảo vệ an toàn truyền tải điện; điều tra, xử lý các vụ việc xâm phạm công trình truyền tải điện theo quy định của pháp luật.
- Xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo an ninh, an toàn Hệ thống Truyền tải điện 500kV; triển khai xử lý các tình huống khẩn cấp khi xảy ra sự cố liên quan đến an toàn công trình truyền tải điện trên địa bàn tỉnh.
- Thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, nhất là tội phạm xâm hại, phá hoại công trình truyền tải điện, tội phạm hình sự...Chủ động tuyên truyền, phổ biến về âm mưu, phương thức hoạt động của các loại tội phạm, các biện pháp công tác PCCC... Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ trực thuộc Truyền tải điện và Điện lực Ninh Bình.
- Phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, nâng cao cảnh giác của cán bộ trực tiếp làm công tác bảo vệ truyền tải điện cũng như của nhân dân trong khu vực đối với âm mưu phá hoại của kẻ địch và bọn tội phạm khác, bảo vệ tuyệt đối an toàn Hệ thống truyền tải điện 500kV.
2. Truyền tải điện Ninh Bình
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ an toàn Hệ thống Truyền tải điện 500kV.
- Xây dựng và thực hiện phương án, kế hoạch bảo vệ, phòng chống các hành vi xâm hại đến sự an toàn của công trình. Có phương án xử lý, khắc phục kịp thời khi phát hiện khả năng xảy ra sự cố, có biện pháp chủ động phòng chống thiên tai và các tác nhân khác đe dọa gây ra tác hại đối với Hệ thống Truyền tải điện 500kV.
- Chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành lưới điện trực thuộc thường xuyên kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm quy định về an toàn lưới điện. Thống kê, theo dõi các hành vi vi phạm hành lang an toàn truyền tải điện trong phạm vi được phân công quản lý.
3. Sở Công thương
- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành tổ chức thực hiện tốt công tác bảo vệ, đảm bảo an toàn công trình truyền tải điện theo quy định; ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình truyền tải điện trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với Truyền tải điện Ninh Bình theo dõi, thống kê các vụ việc liên quan đến an toàn truyền tải điện, tập hợp báo cáo Bộ Công thương và các cấp có thẩm quyền về công tác bảo vệ an toàn Hệ thống Truyền tải điện 500kV trên địa bàn tỉnh. Định kỳ, tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức sơ kết công tác đảm bảo an ninh, an toàn Hệ thống Truyền tải điện 500kV.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Xem xét sự ảnh hưởng của dự án đối với Hệ thống Truyền tải điện 500kV đi trên phần đất của dự án (nếu có) khi tiến hành thẩm định. Hướng dẫn các chủ đầu tư trong việc thực hiện các biện pháp đảm bảo hành lang an toàn công trình truyền tải điện hiện có khi triển khai thực hiện các dự án đầu tư.
5. Sở Tài chính
- Phối hợp với Truyền tải điện Ninh Bình tham mưu, đề xuất, bố trí nguồn kinh phí phục vụ công tác đảm bảo an ninh, an toàn Hệ thống Truyền tải điện 500kV.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện việc xây dựng, cải tạo lưới điện, hành lang bảo vệ an toàn công trình truyền tải điện theo quy hoạch phát triển điện lực của tỉnh, đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền các địa phương hướng dẫn thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật.
7. Sở Xây dựng
- Quản lý và hướng dẫn thực hiện các quy định về việc xây dựng nhà ở, công trình xây dựng trong hành lang bảo vệ an toàn Hệ thống Truyền tải điện 500kV đảm bảo đủ hành lang bảo vệ an toàn công trình truyền tải điện.
- Phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý dứt điểm các công trình, nhà ở vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện không để tái phạm và phòng ngừa các vi phạm mới.
8. Sở Giao thông vận tải
- Xem xét sự ảnh hưởng của các dự án giao thông đối với sự an toàn của Hệ thống Truyền tải điện 500kV; khi thẩm định các dự án, thiết kế kỹ thuật công trình giao thông nằm trong hoặc gần hành lang bảo vệ an toàn truyền tải điện phải bố trí đủ quỹ đất dành cho hành lang an toàn lưới điện theo đúng quy định của Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 của Chính phủ; thỏa thuận bằng văn bản với các đơn vị quản lý truyền tải điện về các biện pháp đảm bảo an toàn công trình lưới điện và an toàn trong quá trình thi công các dự án giao thông.
- Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh những vấn đề bất hợp lý trong Quy định về hành lang bảo vệ đường bộ và hành lang bảo vệ công trình truyền tải điện để đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung.
9. Các cơ quan thông tin truyền thông
Phối hợp với các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ an toàn Hệ thống Truyền tải điện 500kV và hệ thống điện nói chung trên địa bàn tỉnh. Đưa tin, bài về hoạt động của Ban chỉ đạo bảo vệ an toàn công trình truyền tải điện của tỉnh và các vụ vi phạm điển hình nhằm giáo dục, ngăn ngừa hành vi vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình truyền tải điện.
10. UBND các huyện, thành phố
- Chỉ đạo các phòng, ban và UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt việc cấp phép xây dựng và công tác quản lý nhà ở, công trình khác trên địa bàn nhằm tránh tình trạng vi phạm hoặc tái vi phạm các quy định về bảo vệ an toàn Hệ thống Truyền tải điện 500kV. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Truyền tải điện kiểm tra, phát hiện và lập biên bản những hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ an toàn lưới điện. Ban hành quyết định xử phạt các hành vi vi phạm; kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các quyết định xử lý vi phạm đã có hiệu lực thi hành tại địa phương theo đúng các quy định của pháp luật.
- Định kỳ 6 tháng, 1 năm tập hợp báo cáo tình hình, kết quả xử lý vi phạm hành lang an toàn công trình truyền tải điện trên địa bàn gửi về UBND tỉnh (qua Sở Công thương và Công an tỉnh).
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Các ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Kế hoạch này. Quá trình thực hiện có vấn đề gì vướng mắc các đơn vị báo cáo về Ban chỉ đạo bảo vệ an toàn công trình truyền tải điện của tỉnh để có biện pháp giải quyết, khắc phục. Định kỳ 6 tháng, 1 năm các đơn vị báo cáo kết quả công tác đảm bảo an ninh, an toàn Hệ thống Truyền tải điện 500kV gửi về UBND tỉnh (qua Sở Công thương và Công an tỉnh) để tập hợp báo cáo cấp có thẩm quyền./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Nghị định 14/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật điện lực về an toàn điện Ban hành: 26/02/2014 | Cập nhật: 28/02/2014
Thông tư 72/2009/TT-BCA hướng dẫn Nghị định 126/2008/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia Ban hành: 18/12/2009 | Cập nhật: 25/12/2009
Pháp lệnh bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia của Uỷ ban thường vụ quốc hội năm 2007 Ban hành: 20/04/2007 | Cập nhật: 18/05/2007