Kế hoạch 3293/KH-UBND năm 2018 thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
Số hiệu: 3293/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận Người ký: Lương Văn Hải
Ngày ban hành: 09/08/2018 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3293/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 09 tháng 8 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH THEO PHƯƠNG THỨC ĐA CẤP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

Thực hiện Quyết định số 1822/QĐ-BCT ngày 25 tháng 5 năm 2018 của Bộ Công Thương về việc ban hành Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm môi trường hoạt động cho các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính, ngăn ngừa và hạn chế các biểu hiện tiêu cực của hoạt động kinh doanh đa cấp bất chính.

2. Mục tiêu cụ thể

- Nâng cao nhận thức của cộng đồng về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và pháp luật quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp;

- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; bảo đảm tính nhất quán trong việc quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp;

- Nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh theo phương thức đa cấp.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP VÀ PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

1. Công tác hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp

a) Nhiệm vụ, giải pháp:

- Thường xuyên tổ chức rà soát, đánh giá, phát hiện, tổng hợp những chồng chéo, bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.

- Góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương ban hành về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp cũng như chế tài xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

b) Phân công thực hiện:

- Sở Công thương chủ trì, phối hợp các sở ngành, địa phương triển khai thực hiện.

- Thời gian thực hiện: Hàng năm.

2. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật kinh doanh theo phương thức đa cấp

a) Nhiệm vụ, giải pháp:

- Phổ biến kịp thời các quy định mới về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp nhằm giúp các tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh theo phương thức đa cấp nắm bắt và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Đồng thời, qua công tác tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức của người dân về hoạt động bán hàng theo phương thức đa cấp, tránh bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính.

- Hình thức phổ biến thông qua quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính: đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở Công thương và các sở, ngành, địa phương; phối hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, tuyên truyền giới thiệu, phổ biến pháp luật; phổ biến thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm;…

b) Phân công thực hiện:

- Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng và các sở, ngành (Công an tỉnh, Sở Thông tin và truyền thông, Sở Y tế), Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện.

- Thời gian thực hiện: Năm 2018-2020.

3. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp

a) Nhiệm vụ, giải pháp:

- Phối hợp tổ chức hoặc vận động cán bộ thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, pháp luật nhằm nâng cao kỹ năng, trình độ;

- Cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo, học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp khi có điều kiện;

- Thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương để kịp thời nắm bắt, giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

b) Phân công thực hiện:

- Sở Công thương chủ trì, phối hợp Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng và các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện.

- Thời gian thực hiện: Hàng năm.

4. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp

a) Nhiệm vụ, giải pháp:

- Thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch (nếu có) và thanh tra, kiểm tra đột xuất khi cần thiết đối với các doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp nhằm nâng cao vai trò giám sát của cơ quan quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; giúp ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp;

- Phối hợp theo dõi, giám sát việc đáp ứng điều kiện mới tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP của các doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP và Thông tư 24/2014/TT-BCT trong và sau thời gian chuyển tiếp 09 tháng kể từ thời điểm Nghị định 40/2018/NĐ-CP có hiệu lực; có biện pháp xử lý kịp thời đối với các doanh nghiệp chưa đáp ứng điều kiện mới nhưng vẫn hoạt động bán hàng đa cấp sau thời gian chuyển đổi;

- Theo dõi, giám sát việc bổ sung hồ sơ đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương theo Nghị định 40/2018/NĐ-CP của các doanh nghiệp đã được cấp xác nhận tiếp nhận thông báo hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương theo quy định tại Nghị định 42/2014/NĐCP và Thông tư 24/2014/TT- BCT trong và sau thời gian chuyển tiếp 12 tháng kể từ thời điểm Nghị định 40/2018/NĐ-CP có hiệu lực; có biện pháp xử lý kịp thời đối với các doanh nghiệp chưa bổ sung hồ sơ theo quy định nhưng vẫn hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn sau thời gian chuyển đổi;

- Thường xuyên nắm bắt thông tin để kịp thời phát hiện, xử lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương;

- Tổ chức kiểm tra, đánh giá nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp;

- Tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, các hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp tổ chức tại địa phương nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp tại địa phương.

b) Phân công thực hiện:

- Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện.

- Thời gian thực hiện: Hàng năm.

5. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp

a) Nhiệm vụ, giải pháp:

- Xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc vận hành trang thông tin điện tử về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.

- Cung cấp tài khoản của trang thông tin điện tử về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp cho Sở Công thương phục vụ việc trao đổi thông tin và phối hợp thực thi pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

b) Phân công thực hiện:

- Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Sở Thông tin và truyền thông; Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện.

- Thời gian thực hiện: Năm 2018-2020.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã được phân công, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện những nhiệm vụ, nội dung công việc trong Kế hoạch này và cụ thể hóa thành các nhiệm vụ của kế hoạch hàng năm.

2. Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch này; định kỳ hàng năm, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện gửi Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 28 tháng 01 và tháng 7 hàng năm (thông qua Sở Công thương để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh).

3. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể trong kế hoạch này; các sở, ban, ngành, địa phương chủ động phối hợp với Sở Công thương, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Công Thương;
- Chủ tịch, PCT UBND tỉnh Lương Văn Hải;
- Các sở, ngành thuộc UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, KT. Thường.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lương Văn Hải