Tờ trình số 28/TTr-BLĐTBXH về quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với các công ty có phần vốn góp chi phối của nhà nước do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Số hiệu: 28/TTr-BLĐTBXH Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
Ngày ban hành: 25/05/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Doanh nghiệp, hợp tác xã, Lao động, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------------

Số: 28/TTr-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 25 tháng 05 năm 2009

 

TỜ TRÌNH CHÍNH PHỦ

VỀ QUẢN LÝ LAO ĐỘNG, TIỀN LƯƠNG VÀ TIỀN THƯỞNG ĐỐI VỚI CÁC CÔNG TY CÓ PHẦN VỐN GÓP CHI PHỐI CỦA NHÀ NƯỚC

Thực hiện phân công của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 6360/VPCP-ĐMDN ngày 25/9/2008, sau khi trao đổi ý kiến với các Bộ, ngành liên quan và có ý kiến thẩm của Bộ Tư pháp tại công văn số 1418/BTP-PLDSKT ngày 7/5/2009, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với các công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT

1. Thực hiện lộ trình sắp xếp, chuyển đổi các công ty nhà nước theo quy định tại Luật Doanh nghiệp nhà nước, tính đến hết năm 2008 đã sắp xếp được 5.556 công ty và bộ phận công ty, trong đó trên 50% số công ty được sắp xếp, chuyển đổi thành công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (sau đây gọi tắt là công ty có phần vốn góp của Nhà nước) để hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Các công ty có phần vốn góp của Nhà nước tùy theo ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh mà Nhà nước quyết định theo mô hình công ty có phần vốn góp chi phối hoặc không chi phối của Nhà nước.

2. Về chế độ tiền lương sau khi chuyển đổi, công ty có phần vốn góp của Nhà nước thực hiện theo quy định tại Bộ luật Lao động, Luật Doanh nghiệp, Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31/12/2002 của Chính phủ, trong đó công ty được quyền tự xây dựng thang lương, bảng lương theo các nguyên tắc do Chính phủ quy định; quyết định quỹ tiền lương, tiền thưởng và trả lương, tiền thưởng cho người lao động theo hợp đồng lao động và quy chế trả lương, tiền thưởng, bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Tuy nhiên trên thực tế, việc thực hiện chế độ tiền lương ở các công ty này còn rất khác nhau:

- Đối với công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước chỉ một số rất ít tự xây dựng thang, bảng lương, còn phần lớn vẫn tiếp tục áp dụng hệ thống thang, bảng lương do Chính phủ quy định đối với công ty nhà nước làm cơ sở tính chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Việc xây dựng quỹ tiền lương và trả lương thì hầu hết đều thực hiện khác các quy định của Nhà nước khi còn là công ty nhà nước. Xu hướng chung là đẩy tiền lương tăng rất cao so với năng suất lao động và lợi nhuận, trong đó tiền lương của người lao động thường không tăng hoặc tăng ít, thậm chí còn giảm, nhưng tiền lương của lao động quản lý thường tăng rất cao, có công ty trả lương cho lao động quản lý trên 130 triệu đồng/tháng (gấp 3 – 4 lần so với mức lương khi còn là công ty nhà nước và gấp 20 – 30 lần so với tiền lương của người lao động), trả thù lao cho các chức danh kiêm nhiệm từ 15 – 30 triệu đồng/tháng trong khi năng suất lao động và hiệu quả không tăng hoặc tăng không đáng kể.

- Đối với công ty có phần vốn góp không chi phối của Nhà nước phần lớn đều tự xây dựng thang, bảng lương theo chức danh công việc phù hợp với đặc điểm tổ chức lao động của công ty. Do có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cổ đông (chủ yếu cổ đông là cá nhân, tổ chức ngoài nhà nước) và của Hội đồng quản trị nên việc trả lương, tiền thưởng gắn với năng suất lao động và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, quan hệ tiền lương, thu nhập giữa các loại lao động tương đối hợp lý.

2. Từ thực tế trên cho thấy, chính sách tiền lương của Nhà nước đối với công ty có phần vốn góp của Nhà nước là phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó Nhà nước quản lý phần vốn góp thông qua người đại diện vốn góp theo đúng Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước chưa quan tâm nhiều đến việc xây dựng chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động, lợi nhuận và bảo đảm quan hệ hợp lý giữa các loại lao động mà chỉ chú trọng đẩy cao tiền lương, nhất là tiền lương của lao động quản lý, thù lao, tiền thưởng đối với các chức danh kiêm nhiệm (trong đó có người đại diện phần vốn góp của Nhà nước) đã tạo sự bất hợp lý giữa tiền lương và năng suất, hiệu quả, tiền lương, tiền thưởng giữa các chức danh quản lý và người lao động trong nội bộ công ty, cũng như so với công ty nhà nước làm chủ sở hữu vốn góp, tạo ra sự so sánh không tốt trong xã hội. Nguyên nhân chính là Nhà nước chưa có quy định cụ thể việc quản lý lao động, tiền lương tại công ty có phần vốn góp của Nhà nước làm căn cứ để chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện tham gia ý kiến với công ty có vốn góp của Nhà nước cho phù hợp. Đối với người được cử đại diện vốn góp thường giữ chức danh quản lý và hưởng tiền lương, thù lao, tiền thưởng do công ty cổ phần chi trả và thường quan tâm đến lợi ích của cá nhân mà chưa thực sự quan tâm đến lợi ích và hiệu quả sử dụng, bảo toàn vốn của Nhà nước tại công ty.

Từ tình hình trên, để tạo cơ sở pháp lý cho chủ sở hữu tăng cường chỉ đạo, giám sát việc thực hiện chính sách tiền lương, tiền thưởng gắn với năng suất, hiệu quả, bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động, công ty và Nhà nước thì cần thiết phải ban hành Nghị định của Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với các công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước.

II. NỘI DUNG DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH

Dự thảo Nghị định gồm 8 Điều, với những nội dung chính như sau:

1. Điều 1, quy định phạm vi điều chỉnh là quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước; trách nhiệm của chủ sở hữu và người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại công ty đó.

2. Điều 2, quy định đối tượng áp dụng là công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên có phần vốn góp chi phối của Nhà nước do Bộ, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước và các Tổng công ty, công ty nhà nước 100% vốn nhà nước là chủ sở hữu; chủ sở hữu và người đại diện phần vốn góp tại công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước.

3. Điều 3, quy định nguyên tắc quản lý lao động, tiền lương được thực hiện thông qua người đại diện phần vốn góp chi phối của Nhà nước trên cơ sở bảo đảm quyền tự chủ và chịu trách nhiệm của công ty có vốn góp chi phối của Nhà nước theo quy định của Bộ Luật Lao động, Luật Doanh nghiệp và Điều lệ của công ty; Tiền lương, tiền thưởng gắn với năng suất và kết quả điều hành, bảo đảm hài hòa lợi ích của cổ đông hoặc thành viên góp vốn của công ty và người lao động.

4. Điều 4, quy định nội dung quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước như việc xây dựng thang lương, bảng lương, tuyển dụng, sử dụng lao động, xây dựng kế hoạch quỹ tiền lương của người lao động, quỹ tiền lương, tiền thưởng, thù lao của các chức danh quản lý gắn với vị trí công việc, tỷ suất lợi nhuận/vốn, bảo đảm quan hệ tiền lương hợp lý giữa các chức danh quản lý và người lao động.

5. Điều 5, quy định trách nhiệm của người đại diện phần vốn góp của Nhà nước trong việc tham gia ý kiến, theo dõi, kiểm tra và giám sát công ty thực hiện các chính sách lao động, tiền lương, tiền thưởng theo định hướng theo chỉ đạo của chủ sở hữu.

6. Điều 6, quy định trách nhiệm của chủ sở hữu trong việc chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho người đại diện tham gia ý kiến để định hướng công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước trong thực hiện chính sách lao động, tiền lương, tiền thưởng.

7. Điều 7, quy định trách nhiệm của công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch lao động, tiền lương, tiền thưởng theo Nghị quyết của Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên, hoặc theo Điều lệ của công ty và theo quy định của pháp luật lao động.

8. Điều 8, quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc hướng dẫn thực hiện và hiệu lực thi hành của Nghị định.

III. Ý KIẾN CỦA BỘ, NGÀNH

Tổng hợp ý kiến của Bộ, ngành về cơ bản đều nhất trí với nội dung dự thảo Nghị định, một số góp ý cụ thể Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổng hợp sửa trực tiếp vào dự thảo. Tuy nhiên có một số ý kiến khác, cụ thể:

1. Về sự cần thiết của Nghị định, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đề nghị nghiên cứu thêm về sự cần thiết và tính khả thi của Nghị định.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thấy rằng, từ thực tế nêu trên thì cần thiết phải ban hành Nghị định này nhằm tăng cường vai trò của Nhà nước trong quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với công ty có vốn góp chi phối của Nhà nước. Việc quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng được thực hiện thông qua người đại diện phần vốn góp của Nhà nước, không làm ảnh hưởng đến quyền tự chủ của công ty có vốn góp chi phối của Nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ của công ty đó (các Bộ, ngành đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị định này).

2. Về tiền lương, thù lao của các chức danh quản lý tại điểm c, khoản 2, Điều 4 dự thảo Nghị định:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bỏ quy định “mức tiền lương của lao động quản lý bảo đảm quan hệ hợp lý với tiền lương của người lao động”; Ngân hàng Công thương, Tập đoàn Điện lực đề nghị quy định cụ thể mức tiền lương của lao động quản lý chênh lệch tối đa bao nhiêu lần so với người lao động.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thấy rằng, cần thiết phải có quy định này làm cơ sở để chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện tham gia ý kiến với công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước xây dựng tiền lương của lao động quản lý cân đối với tiền lương của người lao động. Tuy nhiên, việc quy định cụ thể mức chênh lệch tối đa giữa tiền lương của lao động quản lý và người lao động để áp dụng chung cho tất cả các công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước là không phù hợp, mà tùy theo đặc điểm tổ chức lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của từng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh để chủ sở hữu xác định quan hệ tiền lương và chỉ đạo người đại diện tham gia ý kiến với công ty đó cho phù hợp, vì vậy, đề nghị giữ như dự thảo.

- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị quy định rõ thù lao của người đại diện kiêm nhiệm ở nhiều công ty; Ngân hàng Công thương đề nghị bỏ quy định về thù lao của chức danh quản lý kiêm nhiệm vì chức danh này đã được chủ sở hữu trả lương theo quy định tại Nghị định 09/2009/NĐ-CP ngày 5 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thấy rằng, dự thảo Nghị định quy định việc xác định, quản lý thù lao của chức danh quản lý kiêm nhiệm của công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước, tránh trường hợp xác định thù lao quá cao, mất cân đối (như đã nêu ở phần trên). Các chức danh quản lý kiêm nhiệm này bao gồm cả người đại diện phần vốn góp của nhà nước và người đại diện phần vốn góp của các cổ đông khác. Còn thù lao quy định tại Nghị định 09/2009/NĐ-CP của Chính phủ nêu trên chủ yếu liên quan và điều chỉnh mối quan hệ giữa chủ sở hữu và người đại diện phần vốn góp của nhà nước trong việc hưởng thù lao, tiền thưởng sau khi công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước chi trả cho người đại diện, vì vậy, đề nghị giữ như dự thảo.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoàn thiện dự thảo Nghị định nêu trên, trình Chính phủ xem xét, quyết định./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Bộ Tư pháp;
- Bộ Nội vụ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Lưu VT, Vụ LĐTL

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Kim Ngân 

 

CHÍNH PHỦ
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------------

Số:     /2009/NĐ-CP

Hà Nội, ngày   tháng    năm 2009

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH QUẢN LÝ LAO ĐỘNG, TIỀN LƯƠNG VÀ TIỀN THƯỞNG ĐỐI VỚI CÁC CÔNG TY CÓ PHẦN VỐN GÓP CHI PHỐI CỦA NHÀ NƯỚC

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2002; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 29 tháng 11 năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung điều 73 của Bộ luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2007;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp nhà nước ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

NGHỊ ĐỊNH

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định việc quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước; trách nhiệm của chủ sở hữu phần vốn góp của Nhà nước và người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên có phần vốn góp chi phối của Nhà nước (sau đây gọi tắt là công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước) do các cơ quan, công ty nhà nước sau đây là chủ sở hữu phần vốn góp của Nhà nước:

a) Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

b) Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước;

c) Tổng công ty, công ty nhà nước độc lập;

d) Công ty mẹ do Nhà nước làm chủ sở hữu trong Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, công ty nhà nước hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con;

đ) Công ty thành viên hạch toán độc lập 100% vốn nhà nước thuộc Tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập, công ty mẹ do Nhà nước làm chủ sở hữu trong Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, công ty nhà nước hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con.

2. Chủ sở hữu phần vốn góp của Nhà nước tại công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước.

3. Người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng

1. Thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Doanh nghiệp và Điều lệ của công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước.

2. Tiền lương, tiền thưởng của người lao động gắn với năng suất, chất lượng lao động; tiền lương, tiền thưởng của thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) gắn với kết quả điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm hài hòa lợi ích của cổ đông hoặc thành viên góp vốn của công ty và người lao động.

3. Chủ sở hữu phần vốn góp của Nhà nước thực hiện quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng thông qua người đại diện phần vốn góp trên cơ sở bảo đảm quyền tự chủ và chịu trách nhiệm của công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước.

Điều 4. Nội dung quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng

1. Quản lý lao động được thực hiện theo nội dung sau:

a) Kế hoạch sử dụng lao động hàng năm được xác định căn cứ vào khối lượng, chất lượng, yêu cầu, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh.

b) Việc tuyển dụng lao động, giao kết hợp đồng lao động được thực hiện theo quy chế tuyển dụng của công ty và theo quy định của pháp luật lao động.

c) Việc đánh giá tình hình sử dụng lao động hàng năm và giải quyết các chế độ đối với người lao động không có việc làm theo quy định của pháp luật lao động và thỏa ước lao động tập thể của công ty.

2. Quản lý tiền lương được thực hiện theo nội dung sau:

a) Thang lương, bảng lương, các chế độ phụ cấp lương được xây dựng và đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về lao động theo quy định tại Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về tiền lương.

b) Quỹ tiền lương kế hoạch và quỹ tiền lương thực hiện của người lao động làm việc theo hợp đồng lao động được xác định trên cơ sở mức lương thực tế theo từng vị trí, chức danh công việc và năng suất lao động của công ty.

c) Quỹ tiền lương kế hoạch của thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc) và thù lao kế hoạch của thành viên không chuyên trách Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên được xây dựng trên cơ sở.

- Nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm đối với các cổ đông và thành viên góp vốn;

- Tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ so với tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ của năm trước liền kề tăng thì tiền lương tăng; tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ so với tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ của năm trước liền kề giảm thì tiền lương giảm, trừ trường hợp đặc biệt (Nhà nước có quyết định can thiệp để bình ổn thị trường; tăng khấu hao để thu hồi vốn nhanh, đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất kinh doanh; đầu tư mới);

- Mức tiền lương của thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) phải bảo đảm quan hệ hợp lý với tiền lương của người lao động;

- Thù lao của thành viên không chuyên trách Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên bảo đảm quan hệ hợp lý với tiền lương của các thành viên chuyên trách, nhưng tối đa không được vượt quá 50% mức tiền lương của các thành viên chuyên trách trong công ty.

d) Quỹ tiền lương thực hiện của thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) và thù lao thực hiện của thành viên không chuyên trách Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên được xác định theo mức độ hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh và tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ của công ty.

3. Quản lý tiền thưởng được thực hiện theo nội dung sau:

a) Tiền thưởng của người lao động và thành viên chuyên trách và thành viên không chuyên trách Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) được trích từ lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp.

b) Quỹ tiền thưởng được xác định theo hợp đồng lao động, hoặc thỏa ước lao động tập thể, điều lệ của công ty và mức độ hoàn thành lợi nhuận kế hoạch theo nguyên tắc lợi nhuận thực hiện tăng thì tiền thưởng tăng, lợi nhuận thực hiện giảm thì tiền thưởng giảm.

Điều 5. Trách nhiệm của người đại diện phần vốn góp của Nhà nước

1. Nghiên cứu, đề xuất với chủ sở hữu về mục tiêu, định hướng và giải pháp quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước.

2. Báo cáo, xin ý kiến chủ sở hữu về kế hoạch lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng và một số vấn đề quan trọng khác trong lĩnh vực lao động, tiền lương trước khi Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước họp bàn.

3. Tham gia ý kiến và biểu quyết theo chỉ đạo của chủ sở hữu về các nội dung quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng thông qua việc thực hiện quyền của cổ đông, thành viên góp vốn.

Trường hợp có nhiều người cùng đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước thì phải bàn bạc, trao đổi thống nhất trước khi tham gia ý kiến và biểu quyết tại các cuộc họp Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên.

4. Theo dõi, kiểm tra và giám sát tình hình thực hiện kế hoạch lao động, tiền lương và tiền thưởng của công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước nhằm bảo đảm sử dụng có hiệu quả phần vốn góp của chủ sở hữu.

5. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của chủ sở hữu về tình hình thực hiện lao động, tiền lương và tiền thưởng tại công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước theo quy chế người đại diện phần vốn góp của chủ sở hữu tại công ty.

Điều 6. Trách nhiệm của chủ sở hữu phần vốn góp của Nhà nước

1. Quy định và giao trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho người đại diện phần vốn góp của Nhà nước trong việc quản lý lao động, tiền lương, thu nhập đối với công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước gắn với tiền lương, thù lao, phụ cấp, tiền thưởng theo quy định hiện hành của Nhà nước và các quy định tại Nghị định này.

2. Xem xét và có ý kiến về kế hoạch lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng của các chức danh quản lý và người lao động theo nội dung quản lý quy định tại Điều 4 Nghị định này để chỉ đạo người đại diện phần vốn góp của Nhà nước trước khi tham gia ý kiến và biểu quyết tại các cuộc họp Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên.

3. Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ đối với người đại diện phần vốn góp của Nhà nước trong việc thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thu nhập tại công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước làm cơ sở để thực hiện chế độ khen thưởng, kỷ luật theo quy định của pháp luật.

4. Quý II hàng năm, chủ sở hữu phần vốn góp của nhà nước tổng hợp và báo cáo tình hình lao động, tiền lương, thu nhập và thù lao của công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước như sau:

a) Chủ sở hữu là Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, công ty mẹ do Nhà nước làm chủ sở hữu trong Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước hạng đặc biệt thì tổng hợp, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

b) Chủ sở hữu là Tổng công ty, công ty còn lại thì báo cáo các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, công ty mẹ do Nhà nước làm chủ sở hữu trong Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước hạng đặc biệt để tổng hợp và báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 7. Trách nhiệm của công ty có phần vốn góp chi phối của Nhà nước

1. Tổ chức xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương làm cơ sở để giao kết hợp đồng lao động, xếp lương và thực hiện các chế độ đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động.

2. Xây dựng và thực hiện kế hoạch lao động, tiền lương, tiền thưởng, thù lao theo Nghị quyết của Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc theo Điều lệ của công ty.

3. Xây dựng quy chế trả lương, quy chế thưởng theo quy định của pháp luật lao động. Khi xây dựng quy chế trả lương, quy chế thưởng phải có sự tham gia của tổ chức công đoàn công ty và phổ biến đến từng người lao động trước khi thực hiện.

4. Xác định quỹ tiền lương thực hiện, thù lao, quỹ tiền thưởng và trả lương, thù lao, tiền thưởng cho người lao động và các chức danh quản lý theo quy chế trả lương, quy chế thưởng và Điều lệ của công ty.

5. Hàng năm, đánh giá việc thực hiện kế hoạch lao động, tiền lương, tiền thưởng và báo cáo tại các cuộc họp thường niên của Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Hội nghị người lao động của công ty.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh;
- VPCP: BTCN, các PCN, Website Chính phủ, Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu Văn thư, VX (5b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng