Kế hoạch 27/KH-UBND năm 2010 thực hiện Luật Nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
Số hiệu: | 27/KH-UBND | Loại văn bản: | Văn bản khác |
Nơi ban hành: | Tỉnh Sóc Trăng | Người ký: | Nguyễn Trung Hiếu |
Ngày ban hành: | 13/12/2010 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Hành chính tư pháp, Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 27/KH-UBND |
Sóc Trăng, ngày 13 tháng 12 năm 2010 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT NUÔI CON NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG
Luật Nuôi con nuôi được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17/6/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011. Để đảm bảo việc thi hành Luật có hiệu quả, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẰU
- Tuyên truyền, phổ biến Luật Nuôi con nuôi nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; khuyến khích và tạo thuận lợi để người có đủ điều kiện nhận trẻ em làm con nuôi, đảm bảo trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường của gia đình.
- Tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực nuôi con nuôi, đảm bảo sự thống nhất trong chỉ đạo, thực hiện Luật Nuôi con nuôi. Giải quyết nhanh chóng, đúng pháp luật các yêu cầu của người dân về việc nuôi con nuôi; ưu tiên giải quyết cho trẻ em làm con nuôi trong nước, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi cho người nhận con nuôi. Nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức giải quyết các việc về nuôi con nuôi.
II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH
1. Tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật, tập huấn nghiệp vụ về nuôi con nuôi:
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về nuôi con nuôi cho các cơ quan, tổ chức và nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
- Tập huấn cho cán bộ Phòng Tư pháp, cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã về công tác đăng ký nuôi con nuôi trong nước theo quy định pháp luật.
Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.
Cơ quan phối hợp: UBND cấp huyện và các cơ quan Báo, Đài của tỉnh.
Thời gian thực hiện: bắt đầu từ Quí I/2011 đến hết năm 2011.
2. Trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thực hiện Luật Nuôi con nuôi:
2.1. Phối hợp liên ngành giữa Sở Tư pháp, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh (đối với việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài):
Xác định trách nhiệm cụ thể đối với từng cơ quan trong việc tiếp nhận trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng, cho trẻ em làm con nuôi; đảm bảo giải quyết nuôi con nuôi trên tinh thần nhân đạo vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em; ngăn ngừa và xử lý kịp thời hành vi buôn bán trẻ em hoặc lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi.
Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.
Cơ quan phối hợp: Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh và UBND các cấp.
Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
2.2. Trách nhiệm cụ thể của các đơn vị trong thực hiện Luật Nuôi con nuôi:
a) Sở Tư pháp:
- Tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với việc nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh.
- Hướng dẫn về nghiệp vụ nuôi con nuôi và thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.
- Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về nuôi con nuôi theo thẩm quyền.
b) Sở Lao động Thương binh và Xã hội:
- Hướng dẫn, kiểm tra việc tiếp nhận trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng và cho trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng làm con nuôi, đảm bảo đúng đối tượng theo quy định pháp luật.
- Kiểm tra, theo dõi việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản hỗ trợ, tài trợ từ các tổ chức, cá nhân vì mục đích bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
- Có trách nhiệm hướng dẫn các cơ sở nuôi dưỡng báo cáo định kỳ danh sách trẻ em đang nuôi dưỡng về Sở Tư pháp.
- Phối hợp với Sở Tư pháp lập hồ sơ trẻ em làm con nuôi khi có người nước ngoài nhận trẻ em làm con nuôi.
c) Công an tỉnh: Có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp xác minh nguồn gốc của trẻ em khi có yêu cầu.
d) UBND huyện, thành phố:
- Chỉ đạo các Phòng Tư pháp tham mưu UBND huyện, thành phố thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi trên địa bàn.
- Quản lý chặt chẽ các cơ sở nuôi dưỡng tại địa bàn; tổ chức kiểm tra, theo dõi và xử lý kịp thời hành vi buôn bán trẻ em hoặc lợi dụng việc nuôi con nuôi vì mục đích vụ lợi khác.
- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra UBND xã, phường, thị trấn thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước theo quy định. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về nuôi con nuôi theo thẩm quyền.
3. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và đăng ký nuôi con nuôi:
Để đảm bảo công tác quản lý và đăng ký việc nuôi con nuôi có hiệu quả, Sở Tư pháp xây dựng và ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin để quản lý các phân việc sau:
- Quản lý hồ sơ cha, mẹ nuôi.
- Quản lý hồ sơ trẻ em được cho làm con nuôi.
- Quản lý báo cáo về tình hình phát triển trẻ em được cho làm con nuôi.
- Thống kê số liệu về tình hình giải quyết việc nuôi con nuôi.
Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.
Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông.
Thời gian thực hiện: Sau khi có hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
- Sở Tư pháp có trách nhiệm giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai kế hoạch; kịp thời báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
- Thủ trưởng các đơn vị: Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch UBND huyện, thành phố, các đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện kế hoạch này.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN NHÂN |