Kế hoạch 264/KH-UBND năm 2016 kiểm tra công tác đăng ký, cung cấp thông tin về thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
Số hiệu: 264/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình Người ký: Nguyễn Tiến Hoàng
Ngày ban hành: 07/03/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Đất đai, Dân sự, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 264/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 07 tháng 3 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

KIỂM TRA CÔNG TÁC ĐĂNG KÝ, CUNG CẤP THÔNG TIN VỀ THẾ CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, TÀI SẢN GẮN LIỀN VỚI ĐẤT TẠI CÁC VĂN PHÒNG ĐĂNG KÝ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

Thực hiện Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm và Thông tư liên tịch số 20/2011/TTLT-BTP-BTNMT ngày 18/11/2011 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác đăng ký, cung cấp thông tin về thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại các Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Quảng Bình với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nắm bắt tình hình chấp hành pháp luật của các Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất; qua đó, kịp thời phòng ngừa, phát hiện những hành vi vi phạm (nếu có);

- Thông qua công tác kiểm tra nhằm nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; qua đó kiến nghị, đề xuất các biện pháp xử lý, khắc phục những tồn tại, hạn chế, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đăng ký, cung cấp thông tin về thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Hoạt động kiểm tra phải đảm bảo tính nguyên tắc, chính xác, khách quan, trung thực, công khai, đúng nội dung, tiến độ không làm can trở hoạt động bình thường của tổ chức, đơn vị được kiểm tra;

- Kiểm tra phải bám sát các quy định của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ; Thông tư liên tịch số 20/2011/TTLT-BTP-BTNMT ; Thông tư liên tịch số 69/2011/TTLT-BTC-BTP và các văn bản khác có liên quan.

- Trong quá trình kiểm tra, các thành viên Đoàn Kiểm tra phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan; không tiết lộ thông tin và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra.

II. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG, PHẠM VI, THỜI GIAN VÀ PHƯƠNG PHÁP KIỂM TRA

1. Đối tượng được kiểm tra

Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

2. Nội dung kiểm tra

Kiểm tra về tình hình tổ chức và kết quả thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ về Đăng ký giao dịch bảo đảm; Thông tư liên tịch số 20/2011/TTLT-BTP-BTNMT ngày 18/11/2011 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; Thông tư liên tịch số 69/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 18/5/2011 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp về hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm, phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm và phí sử dụng dịch vụ khách hàng thường xuyên và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

3. Phạm vi kiểm tra

Kiểm tra về tình hình tổ chức và kết quả thực hiện đăng ký, cung cấp thông tin về thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất từ ngày 01/01/2015 đến 30/6/2016. Các đơn vị báo cáo số liệu theo mốc thời gian như sau:

- Báo cáo năm 2015, lấy mốc số liệu từ 01/01/2015 đến 30/12/2015;

- Báo cáo 6 tháng đầu năm 2016, lấy mốc số liệu từ ngày 01/01/2016 đến 30/6/2016.

4. Thời gian kiểm tra

Thời gian kiểm tra: Trong Quý III/2016. Tại mỗi đơn vị được kiểm tra, Đoàn sẽ tiến hành kiểm tra trong thời gian từ 02 ngày. Thời gian cụ thể sẽ do Đoàn Kiểm tra thông báo.

5. Phương pháp kiểm tra

- Đoàn Kiểm tra nghe các đơn vị được kiểm tra báo cáo bằng văn bản (theo Đề cương gửi kèm Kế hoạch này) về kết quả thực hiện nhiệm vụ đăng ký, cung cấp thông tin về thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất từ ngày 01/01/2015 đến 30/6/2016.

- Đoàn Kiểm tra tiến hành kiểm tra trực tiếp hồ sơ, sổ sách, tài liệu nghiệp vụ liên quan đến phạm vi và nội dung kiểm tra; tiến hành xác minh một số trường hợp liên quan đến nội dung kiểm tra (nếu thấy cần thiết); yêu cầu đơn vị được kiểm tra làm rõ nội dung Đoàn Kiểm tra nghi vấn hoặc chưa rõ (nếu có);

- Đoàn Kiểm tra thông báo sơ bộ kết quả kiểm tra cho đơn vị được kiểm tra để đơn vị được kiểm tra phản hồi ý kiến hoặc giải trình (nếu có).

III. THÀNH PHẦN ĐOÀN KIỂM TRA

- Thành phần Đoàn Kiểm tra gồm đại diện của các sở, ngành sau:

1. Đại diện Lãnh đạo Sở Tư pháp - Trưởng đoàn;

2. Đại diện Lãnh đạo Phòng Hành chính Tư pháp, Sở Tư pháp - Thành viên;

3. Đại diện Lãnh đạo Phòng Kiểm soát Thủ tục hành chính, Sở Tư pháp -Thành viên;

4. Đại diện Lãnh đạo Phòng Nghiệp vụ của Ngân hàng nhà nước Chi nhánh Quảng Bình - Thành viên;

5. Đại diện Lãnh đạo Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường - Thành viên.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đoàn Kiểm tra

- Có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch này. Chậm nhất sau 15 ngày kể từ khi kết thúc đợt kiểm tra, Đoàn Kiểm tra phải báo cáo bằng văn bản kết quả kiểm tra và nêu các kiến nghị, đề xuất gửi Ủy ban nhân dân tỉnh và thông báo cho các địa phương được kiểm tra biết;

- Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đoàn Kiểm tra được sử dụng con dấu của Sở Tư pháp.

2. Đơn vị được kiểm tra có trách nhiệm

- Báo cáo bằng văn bản về kết quả thực hiện công tác đăng ký, cung cấp thông tin về thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của địa phương mình theo mốc thời gian được quy định tại Khoản 3 Mục II của Kế hoạch này cho các thành viên trong đoàn kiểm tra trước 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo lịch kiểm tra;

- Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ tài liệu có liên quan theo nội dung nêu tại Mục II của Kế hoạch này;

- Thành phần làm việc với Đoàn kiểm tra bao gồm: Đại diện Lãnh đạo của đơn vị được kiểm tra, cán bộ phụ trách về lĩnh vực được kiểm tra. Sắp xếp, bố trí thời gian, địa điểm và các điều kiện có liên quan để Đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ thuận lợi và có kết quả tốt.

3. Sở Tư pháp

- Sở Tư pháp có trách nhiệm tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này;

- Làm Trưởng Đoàn Kiểm tra và giúp Đoàn Kiểm tra tổng hợp kết quả kiểm tra, xây dựng báo cáo gửi Ủy ban nhân dân tỉnh và các địa phương được kiểm tra.

4. Các đơn vị có thành viên tham gia Đoàn Kiểm tra

Sở Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tại Quảng Bình có trách nhiệm cử cán bộ có kinh nghiệm, năng lực và tạo điều kiện thuận lợi về thời gian, phương tiện để các thành viên hoàn thành nhiệm vụ được phân công theo Kế hoạch này.

Yêu cầu các địa phương được kiểm tra, các thành viên của Đoàn Kiểm tra và cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp) để có sự hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- Sở Tư pháp;
- Sở Tài nguyên và Môi trường;
- Ngân hàng nhà nước chi nhánh tại Quảng Bình;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các đơn vị được kiểm tra;
- Lưu: VT, NC
.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tiến Hoàng