Thông báo 262/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp giao ban triển khai Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020
Số hiệu: | 262/TB-VPCP | Loại văn bản: | Văn bản khác |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Hữu Vũ |
Ngày ban hành: | 27/09/2010 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Lao động, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 262/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 27 tháng 09 năm 2010 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN THIỆN NHÂN TẠI CUỘC HỌP GIAO BAN TRIỂN KHAI QUYẾT ĐỊNH SỐ 1956/QĐ-TTG NGÀY 27 THÁNG 11 NĂM 2009 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ ĐỀ ÁN DẠY NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2020
Ngày 08 tháng 7 năm 2010, tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định và ngày 22 tháng 7 năm 2010 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp giao ban các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo của các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông; đại diện lãnh đạo các cơ quan: Ban Chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Văn phòng Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Hội Dạy nghề Việt Nam, Hiệp hội làng nghề Việt Nam, Hội Làm vườn Việt Nam …; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng đại biểu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở liên quan, một số huyện, thị, xã và cơ sở dạy nghề.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về Kế hoạch triển khai Quyết định số 1956/QĐ-TTg và ý kiến của các Bộ, các địa phương và các đại biểu tham dự cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã kết luận như sau:
I. Đề án Dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, với mục tiêu bình quân hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, là Đề án có quy mô lớn, với tầm nhìn xa và thực hiện trên diện rộng, có tổng mức kinh phí lớn, đòi hỏi phải triển khai thực hiện tích cực, vận dụng sáng tạo, tổ chức quản lý, giám sát, kiểm tra đôn đốc thường xuyên để bảo đảm tính khả thi và có hiệu quả cao.
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 962/QĐ-TTg ngày 25 tháng 6 năm 2020 thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009. Các Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, các địa phương đã bước đầu triển khai khá đồng bộ nhiều công việc, với sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các hiệp hội, các hội trong việc thành lập Ban Chỉ đạo các cấp, thực hiện khảo sát nhu cầu học nghề và khả năng dạy nghề theo Đề án, xây dựng kế hoạch và hướng dẫn thực hiện, thực hiện điểm, xây dựng mô hình liên kết 4 bên (cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề, doanh nghiệp, địa phương và cơ sở dạy nghề) tuyên truyền nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức trên website của các Bộ, cung cấp thông tin về sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, chương trình truyền hình số VTC16 và các phương tiện thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức …
II. Để đẩy mạnh thực hiện Đề án trong những tháng cuối năm 2010 các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, địa phương, theo nhiệm vụ được giao, cần tập trung chỉ đạo thực hiện các công việc sau:
1. Các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương
a) Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương hoàn thành xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; nội dung hướng dẫn cần thống nhất với nội dung các văn bản pháp luật liên quan, trong đó có Nghị định số 61/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2010 quy định chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và các chính sách xây dựng nông thôn mới và các chính sách xóa đói giảm nghèo.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức xây dựng chương trình, giáo trình, học liệu, triển khai đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề cho các đơn vị tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn; bên cạnh đối tượng được dạy nghề đã được xác định trong Đề án, chú ý làm rõ các đối tượng lao động nông thôn di chuyển đến các thành phố, các khu công nghiệp; cần hướng mạnh việc dạy nghề theo yêu cầu của doanh nghiệp; triển khai thí điểm các mô hình dạy nghề theo đặt hàng của doanh nghiệp, cơ quan sử dụng lao động cho lao động nông thôn ở tất cả các tỉnh, đặc biệt quan tâm: dạy nghề phục vụ xuất khẩu lao động; dạy nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp và khu công nghiệp; dạy những nghề đặc thù có đặt hàng của địa phương mà ở đó người lao động có thể làm việc độc lập; dạy nhóm nghề dịch vụ cá nhân ở địa phương theo nhu cầu thực tế, phục vụ cuộc sống cộng đồng dân cư.
- Hướng dẫn các cơ sở đào tạo nghề kết hợp đào tạo với giới thiệu việc làm, hình thành thị trường việc làm; gắn việc hoàn chỉnh công nghệ đào tạo cho các ngành nông, lâm, ngư với trình diễn thao tác nghề với thực hành kỹ năng nghề ở các điểm trình diễn và thực hành; chú ý hướng dẫn người lao động biết lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
- Chỉ đạo, hướng dẫn việc tiếp tục ký hợp đồng đặt hàng dạy nghề đối với các hội: Hội Nông dân Việt Nam, Hiệp hội làng nghề, Hội Dạy nghề, Hội Làm vườn và hệ thống Khuyến nông, Khuyến lâm, Khuyến ngư. Hướng dẫn hệ thống các Trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện, Trung tâm học tập cộng đồng ở xã trong cả nước tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Xác định vai trò trung tâm của hệ thống Khuyến nông trong công tác này.
- Đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương thực hiện giải ngân năm 2010 đồng thời với việc xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn 2011-2015 để tổng hợp, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan đưa vào nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục đào tạo giai đoạn 2011-2015.
- Chỉ đạo tăng cường phối hợp, đặt hàng với chương trình VTC16 thuộc Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC để đẩy mạnh việc cung cấp thông tin và phổ biến kiến thức nghề; dạy nghề cho lao động nông thôn qua truyền hình và phổ biến rộng rãi hơn nữa chương trình này đến nông thôn, nông dân.
- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thống nhất các tiêu chí đánh giá và bình xét thi đua các địa phương năm 2010: hoàn thành khảo sát, điều tra cơ bản; xây dựng được mô hình dạy nghề tốt, có kế hoạch và triển khai đồng bộ; có hướng dẫn thực hiện, có chỉ đạo điểm; thực hiện tốt các chương trình đã ký kết; bảo đảm nhân lực tham gia quản lý và dạy nghề theo quy định …
- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tập hợp và giới thiệu các địa chỉ truy cập thông tin về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn bên cạnh các hình thức thông tin, truyền thông trực tiếp khác.
- Trên cơ sở tập hợp báo cáo của các Bộ, ngành liên quan và các địa phương, dựa vào tiêu chí để đánh giá việc thực hiện, khẩn trương hoàn thành báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2010, có xếp hạng việc thực hiện Đề án của các địa phương năm 2010 và các năm sau gửi Ban Chỉ đạo Trung ương và các Bộ, ngành, địa phương.
b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính (Kho bạc Nhà nước), Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan thực hiện thí điểm cấp thẻ học nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.
- Phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức xây dựng danh mục nghề, chương trình dạy các nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên; thông tin này được cung cấp cho các trường, các hội, trung tâm tham gia dạy nghề; chỉ đạo hệ thống Khuyến nông tổ chức dạy nghề cho nông dân theo nội dung đã được cơ quan thường trực Đề án đặt hàng.
- Phối hợp với Bộ Công thương và các phương tiện truyền thông để làm tốt việc cung cấp thông tin thị trường hàng hóa đến cấp xã, để hỗ trợ cụ thể việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp.
c) Bộ Nội vụ
- Trong tháng 9 năm 2010, chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành văn bản hướng dẫn việc tổ chức và nhân sự liên quan đến cán bộ chuyên ngành dạy nghề ở cấp huyện và biên chế giáo viên Trung tâm dạy nghề.
- Sớm ban hành Thông tư hướng dẫn cơ chế quản lý, sử dụng và đào tạo công chức xã.
d) Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Chủ trì, rà soát khả năng tham gia dạy nghề của các Trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng trong cả nước và phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành văn bản hướng dẫn việc bổ sung nhiệm vụ dạy nghề cho các Trung tâm này, nhất là ở những huyện chưa có Trung tâm dạy nghề.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan để đưa nội dung bố trí kinh phí thực hiện Đề án từ Chương trình mục tiêu quốc gia theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg vào Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục đào tạo giai đoạn 2011-2015.
đ) Bộ Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và các Bộ liên quan ban hành văn bản hướng dẫn về cơ chế quản lý tài chính cụ thể đối với một số hoạt động trong Đề án, như việc thí điểm thanh toán qua thẻ học nghề …
e) Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan căn cứ yêu cầu bảo đảm kinh phí tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg để xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo giai đoạn 2011-2015.
g) Bộ Thông tin và Truyền thông
- Phối hợp với các Bộ, ngành, các cơ quan đoàn thể ở Trung ương, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông, trực tiếp là chương trình VTC16 tuyên truyền rộng rãi Quyết định số 1956/QĐ-TTg và các nội dung cụ thể mà người lao động cần biết như: địa chỉ đi học, đi làm và nơi tư vấn việc này; các chính sách hỗ trợ cho người học, quyền lợi và nghĩa vụ của người học nghề; mức thu nhập nơi làm việc sau học nghề …
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các Bộ, cơ quan liên quan lập Tổ thông tin của Đề án để tiếp nhận, tổng hợp, chọn lọc thành thông tin chính thức của Đề án và cung cấp thông tin cho Ban Chỉ đạo ở Trung ương và các cơ quan liên quan cũng như hệ thống thông tin tuyên truyền cho Đề án; kinh phí hoạt động của tổ thông tin được bố trí trong khuôn khổ của Đề án.
h) Ngân hàng Chính sách xã hội
Chủ trì hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện chính sách cho lao động nông thôn: vay để học nghề, việc hỗ trợ lãi suất vay tín dụng để học nghề sau đó làm việc ổn định ở nông thôn; vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm sau học nghề.
i) Đề nghị Hội Nông dân Việt Nam chỉ đạo các cấp Hội thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nông dân hăng hái tham gia học nghề; tổ chức các hình thức tư vấn miễn phí về dạy nghề, việc làm và tham gia dạy nghề; thực hiện vai trò giám sát tình hình thực hiện Đề án ở địa phương theo quy định của pháp luật.
2. Trách nhiệm của chính quyền cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Trước ngày 15 tháng 10 năm 2010, ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo đến cấp xã; lập mẫu điều tra thích hợp, hoàn thành việc rà soát, điều tra nhu cầu học nghề và dự báo nhu cầu học nghề để thông báo cho các cơ quan liên quan; tập trung xây dựng Đề án trong giai đoạn 2011-2015 cho địa phương bao gồm các nội dung: quy hoạch mạng lưới, mục tiêu, giải pháp, tài chính và kế hoạch đào tạo bồi dưỡng công chức xã; đưa các nội dung này vào Nghị quyết đại học Đảng bộ các cấp; bảo đảm 100% các huyện có cán bộ chuyên trách theo dõi dạy nghề, thực hiện chỉ đạo điểm dạy nghề cho lao động nông thôn ở 1 đến 2 cơ sở dạy nghề mẫu tại mỗi huyện; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần ký kết được ít nhất một hợp đồng đào tạo nghề theo địa chỉ với doanh nghiệp, thông qua sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề; rà soát việc sử dụng kinh phí năm 2010, lập kế hoạch sử dụng kinh phí cho các năm tới.
III. KẾ HOẠCH PHỐI HỢP VÀ KIỂM TRA CỦA BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG
1. Thực hiện việc ký văn bản phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam, Hiệp hội làng nghề Việt Nam, Hội Dạy nghề Việt Nam, Hội Làm vườn Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, chương trình VTC16 thuộc Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.
2. Trong tháng 10 năm 2010 giao ban vùng và giao ban toàn quốc qua mạng; mỗi thành viên Ban Chỉ đạo đi làm việc với ít nhất 2 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương và 2 cơ sở dạy nghề về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.
3. Hoàn thành xây dựng các tiêu chí đánh giá và xếp hạng việc triển khai thực hiện Đề án 1956 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và áp dụng từ năm 2010.
4. Tháng 12 năm 2010 tổ chức Hội nghị tổng kết 1 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, các địa phương biết và thực hiện.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Quyết định 1956/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” Ban hành: 27/11/2009 | Cập nhật: 04/12/2009