Báo cáo số 251/BC-UBTVQH12 về việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm
Số hiệu: | 251/BC-UBTVQH12 | Loại văn bản: | Văn bản khác |
Nơi ban hành: | Uỷ ban Thường vụ Quốc hội | Người ký: | Nguyễn Đức Kiên |
Ngày ban hành: | 18/06/2009 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Y tế - dược, Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 251/BC-UBTVQH12 |
Hà Nội, ngày 18 tháng 6 năm 2009 |
BÁO CÁO
GIẢI TRÌNH TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG, VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Trong phiên họp tại Hội trường sáng ngày 10/6/2009, Quốc hội đã thảo luận Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Sau phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan xây dựng dự thảo Nghị quyết gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.
Sau đây, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo Quốc hội việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết “Đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm”.
1. Về Điều 1
Có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “ghi nhận nỗ lực của Chính phủ… kinh doanh thực phẩm an toàn”. Có ý kiến đề nghị nên đánh giá khái quát những mặt làm được, hạn chế trong thời gian qua làm cơ sở để giao Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 2.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Điều 1 đã được chỉnh sửa lại như dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội.
2. Về Điều 2
a) Về khoản 1
Có ý kiến đề nghị Chiến lược quốc gia về bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nên bắt đầu từ 2010.
Về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, quản lý chất lượng VSATTP có liên quan đến nhiều bộ, ngành. Do vậy, cần có thời gian để chuẩn bị kỹ trên cơ sở tổng kết việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về chất lượng VSATTP trong thời gian qua, trong đó có tổng kết việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2006- 2010. Do vậy, Chiến lược này bắt đầu từ năm 2011 là phù hợp.
b) Về khoản 2
Đa số ý kiến đồng ý nâng cấp Cục ATVSTP thành Tổng cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, có một số kiến đề nghị không nên quy định trong Nghị quyết vì đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Qua giám sát, Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm là khâu yếu hiện nay. Do vậy, việc tăng cường năng lực cho cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm là công việc cấp thiết, cần được ưu tiên thực hiện. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Nghị quyết có điều chỉnh lại cho phù hợp hơn.
c) Về khoản 3
- Có ý kiến đề nghị “cần kiện toàn hệ thống tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đến cấp xã”.
- Có ý kiến đề nghị thay cụm từ “và có cộng tác viên” bằng cụm từ “xây dựng lực lượng cộng tác viên”.
- Có ý kiến đề nghị “từng bước bố trí một cán bộ chuyên trách về vệ sinh an toàn thực phẩm tại cấp xã” hoặc “bổ sung một biên chế tại trạm y tế xã phụ trách công tác vệ sinh an toàn thực phẩm”.
- Có ý kiến đề nghị nên có cộng tác viên về chất lượng VSATTP ở thôn, bản.
Qua nghiên cứu các ý kiến nêu trên, Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc tăng cường nhân lực cho quản lý chất lượng VSATTP là cần thiết. Tuy nhiên, nếu quy định kiện toàn bộ máy đến cấp xã thì trong điều kiện hiện nay khó có thể thực hiện được. Do vậy, để phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương, bảo đảm có nguồn lực thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng VSATTP ở cấp xã, Nghị quyết chỉ quy định ở cấp xã có cộng tác viên cho công tác quản lý chất lượng VSATTP để có người theo dõi vấn đề này. Trên cơ sở đó, cấp xã sẽ được bố trí số lượng cộng tác viên cho phù hợp với nhiệm vụ quản lý.
d) Về khoản 5
- Có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “coi trọng tiền kiểm và chú ý thỏa đáng đến hậu kiểm” vì không rõ nghĩa.
Tiếp thu ý kiến này, khoản 5 đã được chỉnh sửa như dự thảo Nghị quyết; đồng thời bổ sung vào khoản 7 việc tăng cường đầu tư cho họat động kiểm nghiệm phục vụ kiểm tra nhà nước về VSATTP.
- Có ý kiến đề nghị cần ban hành Nghị định riêng về xử phạt hành chính trên lĩnh vực chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, hiện tại đã có các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm như nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực vệ sinh thú y, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật… Mặt khác, Chính phủ đang khẩn trương xây dựng Luật An toàn thực phẩm trình Quốc hội tại kỳ họp 6. Do vậy, trên cơ sở Luật mới được ban hành, Chính phủ sẽ có Nghị định để quy định toàn diện, cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.
đ) Về khoản 6
Có ý kiến đề nghị thay cụm từ “bố trí kinh phí đảm bảo đủ mức cần thiết” bằng cụm từ “bố trí kinh phí đảm bảo cần thiết”; bỏ cụm từ “cùng với tăng thu của ngân sách nhà nước”.
Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, công tác bảo đảm chất lượng VSATTP là rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, tính cạnh trạnh của sản phẩm hàng hóa thực phẩm…Tuy nhiên, đầu tư kinh phí cho công tác quản lý chất lượng VSATTP trong thời gian qua là rất thấp, không đáp ứng yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy, trong thời gian tới, Chính phủ cần tập trung đầu tư cho nhiệm vụ này. Tuy nhiên, nếu quy định một mức chi cụ thể thì sẽ khó khăn cho Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành. Do vậy, dự thảo Nghị quyết quy định giao cho Chính phủ bố trí đảm bảo đủ mức cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng VSATTP và tăng dần hằng năm cùng với tăng thu ngân sách nhà nước để thấy rõ tính cấp thiết của việc bảo đảm ngân sách cho công tác này cũng như sự quan tâm của Nhà nước đầu tư cho công tác quản lý chất lượng VSATTP.
e) Về khoản 9
Có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “phù hợp vùng miền” sau cụm từ “hình thái đa dạng”; thay cụm từ “đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục nâng cao đạo đức kinh doanh...” bằng cụm từ “giáo dục đạo đức kinh doanh”; bỏ cụm từ “chấn chỉnh ngay các lệch lạc”; bổ sung cụm từ “cho cả người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm”, thay cụm từ “không chính xác” bằng cụm từ “sai lệch, không đúng sự thật”.
Tiếp thu ý kiến trên, khoản 9 đã được chỉnh sửa như như Dự thảo.
3. Về Điều 3
Có ý kiến đề nghị cần thêm một khoản quy định “Quốc hội đề nghị Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thực hiện nghiêm túc và tích cực tham gia thực hiện các quy định của pháp luật về chất lượng, VSATTP”.
Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, nội dung này đã bao hàm trong khoản 10 Điều 2 của Nghị quyết. Hơn nữa việc phải thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về chất lượng, VSATTP là trách nhiệm của toàn dân. Do vậy, xin Quốc hội không bổ sung nội dung này vào Điều 3 của dự thảo Nghị quyết.
*
* *
Ngoài các vấn đề nêu trên, các vị đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể về văn phong, câu chữ vào các điều khoản của dự thảo Nghị quyết. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội như dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội.
Trên đây là Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết “Đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm”. Ủy ban thường vụ Quốc hội xin kính trình Quốc hội xem xét, thông qua.
|
TM. UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI |