Kế hoạch 2412/KH-UBND năm 2014 về lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ giai đoạn 2014-2020 trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Số hiệu: 2412/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum Người ký: Nguyễn Đức Tuy
Ngày ban hành: 24/09/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2412/KH-UBND

Kon Tum, ngày 24 tháng 09 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

LẬP LẠI TRẬT TỰ HÀNH LANG AN TOÀN ĐƯỜNG BỘ GIAI ĐOẠN 2014- 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

Thực hiện Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020; UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2020, cụ thể sau:

I. Mục tiêu, giải pháp thực hiện

1. Mục tiêu:

- Duy trì kết quả đã thực hiện được trong giai đoạn I và giai đoạn II của Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27/12/2007; đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện việc lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ đối với hệ thống đường Quốc lộ (do Bộ Giao thông Vận tải ủy thác quản lý), Tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh phù hợp với yêu cầu thực tế và các quy định của pháp luật.

- Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của hành lang và quản lý hành lang an toàn đường bộ; lập lại trật tự, kỷ cương theo quy định của pháp luật trong việc giữ gìn hành lang an toàn đường bộ.

- Hoàn thành việc xây dựng hệ thống đường gom, đường nhánh đấu nối vào Quốc lộ, Tỉnh lộ; xây dựng các công trình phụ trợ bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, nhằm đảm bảo an toàn giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ.

- Từng bước thu hồi hết phần đất bảo vệ hành lang an toàn đường bộ và tổ chức bồi thường thiệt hại tài sản trên đất thuộc phạm vi hành lang an toàn đường bộ.

- Tổ chức cưỡng chế, giải tỏa công trình xây dựng trái phép trong đất hành lang an toàn đường bộ và các đường nhánh đấu nối trái phép vào Quốc lộ, Tỉnh lộ (nếu có).

2. Giải pháp thực hiện:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ, về hành lang an toàn đường bộ để người dân tự giác chấp hành; yêu cầu các Sở, ban ngành, chính quyền các cấp, các đoàn thể và các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện thường xuyên, kiên trì và liên tục.

- Rà soát, phân loại và thống kê các công trình xây dựng nằm trong hành lang an toàn đường bộ, các đường nhánh đấu nối trái phép vào quốc lộ, tỉnh lộ;

- Thực hiện cưỡng chế giải tỏa các công trình đã được bồi thường, công trình tái lấn chiếm mà không tự tháo dỡ và các công trình xây dựng trái phép trong hành lang an toàn đường bộ phát sinh mới; xóa bỏ, ngăn chặn việc mở đường nhánh đấu nối trái phép vào Quốc lộ, Tỉnh lộ và các đường có nguy cơ gây ra tai nạn giao thông; hoàn thiện và bảo vệ hệ thống mốc chỉ giới hành lang an toàn đường bộ và quản lý, bảo vệ phần đất hành lang an toàn đường bộ đã giải tỏa, bảo vệ mốc lộ giới;

- Xây dựng quy hoạch hệ thống đường gom trong Khu kinh tế, Khu thương mại, khu dân cư đấu nối vào hệ thống Quốc lộ, Tỉnh lộ phù hợp với quy hoạch giao thông vận tải, quy hoạch xây dựng và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;

- Rà soát các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ hành lang an toàn đường bộ; đề xuất các nội dung cần điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo phù hợp với yêu cầu về quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ.

II. Tiến độ, nội dung thực hiện:

1. Từ năm 2014 - 2017:

Trên cơ sở kết quả thực hiện giai đoạn I, giai đoạn II Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác liên ngành lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông tỉnh chủ trì, phối hợp với tổ công tác liên ngành cấp huyện, thành phố và các đơn vị quản lý đường bộ tổ chức thực hiện các nội dung sau:

- Rà soát, thống kê và phân loại các công trình nằm trong hành lang an toàn đường bộ các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ; phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh đề xuất các công trình, cây trồng, vật kiến trúc nằm trong đất hành lang an toàn đường bộ gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông để xây dựng kế hoạch, dự toán bồi thường, hỗ trợ giải tỏa phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ trình UBND tỉnh xem xét; phần đất bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất([1]), thiệt hại tài sản gắn liền với đất hành lang an toàn đường bộ (kể cả kế hoạch cưỡng chế, giải tỏa các công trình xây dựng trái phép trong đất hành lang an toàn đường bộ, đường nhánh đấu nối trái phép vào quốc lộ, tỉnh lộ) - Báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/6/2015.

- Đến hết năm 2017: Thực hiện thu hồi hết phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ và bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền trên đất đối với phần đất nằm trong hành lang an toàn đường bộ gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông của các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ từ cấp I đến cấp III, khu vực các nút giao thông, vị trí điểm đen, vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; đồng thời lập kế hoạch, từng bước bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất đối với những hộ dân nằm trong hành lang an toàn đường bộ có nhu cầu xây dựng mới nhà ở, cụ thể:

+ Lập báo cáo kế hoạch bồi thường, hỗ trợ của năm sau trước ngày 20/5 hàng năm báo cáo UBND tỉnh, Bộ Giao thông Vận tải tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn vốn triển khai thực hiện.

+ Triển khai cắm đủ mốc xác định giới hạn đất của đường bộ và đất của hành lang an toàn đường bộ. Đất của đường bộ bàn giao cho đơn vị quản lý quốc lộ, tỉnh lộ để quản lý, bảo vệ; đất hành lang an toàn đường bộ bàn giao cho UBND các xã, phường, thị trấn để quản lý sử dụng và đơn vị quản lý đường bộ để quản lý, bảo vệ.

+ Thực hiện hình thức xã hội hóa, khai thác quỹ đất để tạo vốn xây dựng hệ thống đường gom theo quy định của Chính phủ về quản lý sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

+ Tiếp tục tổ chức cưỡng chế, giải tỏa các công trình xây dựng trái phép trong đất hành lang an toàn đường bộ, đường nhánh đấu nối trái phép vào quốc lộ, tỉnh lộ gây mất an toàn giao thông.

2. Từ năm 2018 - 2020:

- Thu hồi hết phần đất của đường bộ và bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền trên đất đối với phần đất nằm trong hành lang an toàn đường bộ gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông; từng bước bồi thường hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền trên đất đối với những hộ dân nằm trong hành lang an toàn đường bộ có nhu cầu xây dựng mới nhà ở trên tất cả các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ còn lại.

- Tiếp tục triển khai cắm mốc xác định giới hạn phần đất của đường bộ, phần đất của hành lang an toàn đường bộ. Phần đất của đường bộ bàn giao cho đơn vị quản lý hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ để quản lý, bảo vệ; phần đất hành lang an toàn đường bộ bàn giao cho chính quyền địa phương để quản lý sử dụng và đơn vị quản lý đường bộ để quản lý, bảo vệ;

- Tiếp tục triển khai hình thức xã hội hóa, khai thác quỹ đất để tạo vốn xây dựng hệ thống đường gom theo quy định của Chính phủ về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

3. Nguồn kinh phí:

Sở Giao thông Vận tải, UBND các huyện, thành phố chủ động cân đối dự toán ngân sách nhà nước được Trung ương và UBND tỉnh giao hàng năm cho ngành, địa phương và các nguồn vốn khác (như nguồn thu sử dụng quỹ đất của các địa phương, nguồn xã hội hóa, nguồn vốn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước được cấp có thẩm quyền cho phép...) để thực hiện Kế hoạch này, cụ thể:

- Chi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hành lang an toàn giao thông đường bộ.

- Chi thống kê, phân loại các điểm đấu nối vào Quốc lộ, Tỉnh lộ và các vi phạm trong hành lang an toàn đường bộ, đo đạc diện tích đất bồi thường, cắm mốc xác định giới hạn phần đất của đường bộ, phần đất hành lang an toàn đường bộ.

- Chi cưỡng chế, giải tỏa vi phạm hành lang an toàn đường bộ (nguồn vốn sự nghiệp).

- Chi bồi thường, hỗ trợ giải tỏa phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ; bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất trong hành lang an toàn đường bộ (thực hiện từ năm 2015-2020).

III. Tổ chức thực hiện

1. Sở Giao thông Vận tải:

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh kiện toàn Tổ công tác liên ngành lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ của tỉnh, hoàn thành trong tháng 10/2014 (gồm đại diện Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố, Đơn vị quản lý đường bộ).

- Phối hợp với UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện giải tỏa hành lang an toàn đường bộ đối với các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ theo lộ trình tại Mục II của Kế hoạch này.

- Chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải tăng cường tuần tra, kiểm soát không để phát sinh mới các công trình xây dựng trái phép trong đất hành lang an toàn đường bộ.

- Tổng hợp dự toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải tỏa phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ; phần đất bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất hành lang an toàn đường bộ các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ trước ngày 20/5/2015.

- Kiểm tra, rà soát, bổ sung hệ thống mốc lộ giới trên các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ, bàn giao cho địa phương quản lý (hoàn thành trong Quý I/2015),

- Tuyên truyền phổ biến pháp luật trong việc quản lý, sử dụng và bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, Kế hoạch giải tỏa hành lang an toàn đường bộ;

- Định kỳ hàng năm tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch này, kiến nghị, đề xuất, báo cáo UBND tỉnh.

2. UBND các huyện, thành phố:

- Cử thành viên tham gia Tổ công tác liên ngành cấp tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan rà soát, phân loại và thống kê các công trình, cây trồng, vật kiến trúc nằm trong hành lang an toàn đường bộ ảnh hưởng đến an toàn giao thông trên các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ đi qua địa bàn.

- Xác định tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ các công trình xây dựng nằm trong đất đường bộ, đất hành lang an toàn đường bộ phải giải tỏa theo quy định của pháp luật.

- Tuyên truyền phổ biến pháp luật trong việc quản lý, sử dụng và bảo vệ hành lang an toàn đường bộ, kế hoạch giải tỏa hành lang an toàn đường bộ.

- Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải lập dự toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải tỏa phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ; phần đất bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền với đất hành lang an toàn đường bộ trên các tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ trước ngày 20/4/2015.

- Tổ chức cưỡng chế giải tỏa đối với các công trình đã được bồi thường, công trình tái lấn chiếm mà không tự tháo dỡ và các công trình xây dựng trái phép trong đất hành lang an toàn đường bộ.

- Kiện toàn Tổ công tác liên ngành (đối với những huyện đã thành lập) hoặc thành lập Tổ công tác liên ngành cấp huyện, thành phần gồm: Chủ tịch UBND các huyện, thành phố (Tổ trưởng), Trưởng Công an huyện, Trưởng các phòng chuyên môn liên quan, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc và các đơn vị khác có liên quan.

- Định kỳ hàng năm (trước ngày 15/12) tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch; kiến nghị, đề xuất, báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Giao thông Vận tải).

3. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Cử thành viên tham gia Tổ công tác liên ngành cấp tỉnh;

- Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị quản lý đường rà soát diện tích đất trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tham mưu phương án thu hồi, đền bù (nếu có) theo đúng quy định.

- Định kỳ hàng năm (trước ngày 15/12) tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Giao thông Vận tải).

4. Sở Tài chính:

- Cử thành viên tham gia Tổ công tác liên ngành cấp tỉnh;

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh, phù hợp với khả năng ngân sách theo quy định hiện hành.

5. Công an tỉnh:

- Cử thành viên tham gia Tổ công tác liên ngành cấp tỉnh;

- Chỉ đạo Công an các huyện, thành phố bố trí lực lượng tham gia Tổ công tác liên ngành ở các huyện, thành phố.

6. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh:

Phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông Vận tải và UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền để người dân biết, phối hợp thực hiện các giải pháp lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ theo Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 16/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch này.

7. Sở Xây dựng:

- Cử thành viên tham gia Tổ công tác liên ngành cấp tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan quản lý quy hoạch và kiểm tra việc cấp phép xây dựng.

- Tham gia hội đồng xác định giá trị tài sản còn lại trên đất (các công trình trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ) cần phải giải tỏa khi có yêu cầu của UBND các huyện, thành phố.

8. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí, phân bổ vốn đầu tư hàng năm cho công tác bồi thường, giải tỏa hành lang an toàn đường bộ; xây dựng, cải tạo các công trình đường bộ (đường gom, đường nhánh, cầu vượt, công trình phụ trợ...).

9. Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Nghiên cứu, triển khai đưa nội dung các quy định của pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn đường bộ vào chương trình giảng dạy pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong các trường học.

- Phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông Vận tải, các đơn vị quản lý đường bộ xây dựng các nội dung và biện pháp đẩy mạnh phong trào bảo vệ hành lang an toàn đường bộ; xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến để động viên, khuyến khích phong trào này phát triển mạnh hơn trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị kịp thời phản ánh về UBND tỉnh (thông qua Sở Giao thông Vận tải) để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

 


Nơi nhận:

- Ủy Ban ATGT Quốc gia;
-
Văn phòng Chính ph;
-
Bộ Giao thông Vận ti;
-
TT Tnh ủy;
-
TT HĐND tnh;
-
Đ/c Ch tịch, các PCT UBND Tỉnh;
-
Ban ATGT tỉnh;
-
Công an tnh;
-
Tnh đoàn;
-
Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Kon Tum;
-
Các S: Giao thông Vận tải, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo;
-
UBND các huyện, thành phố;
-
Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
-
Lưu VP, KTN7.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Tuy

 



[1] Hạn chế khả năng sử dụng đất: Là đất ở, đất trồng cây lâu năm, đấy trồng rừng sản xuất do an toàn của công trình công cộng, khống chế một số chỉ tiêu sử dụng đất, làm hạn chế hiệu quả sử dụng đất