Kế hoạch 239/KH-UBND năm 2017 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2018
Số hiệu: 239/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế Người ký: Đinh Khắc Đính
Ngày ban hành: 28/11/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Doanh nghiệp, hợp tác xã, Bổ trợ tư pháp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 239/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 28 tháng 11 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ NĂM 2018

Thực hiện Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 28/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện và điều chỉnh nội dung các dự án của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014; Chương trình số 08/CTr-UBND ngày 14/01/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2018 trên địa bàn tỉnh, như sau:

I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Xác định các hoạt động hỗ trợ pháp lý sát với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

b) Hỗ trợ pháp lý kịp thời các yêu cầu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

c) Nâng cao nhận thức và tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh; góp phần ổn định và phát triển doanh nghiệp.

2. Yêu cầu

a) Công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp phải được thực hiện đúng theo quy định tại Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

b) Các hoạt động phải thực hiện đúng yêu cầu, kịp thời và có hiệu quả.

c) Các cơ quan đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp để thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý có hiệu quả.

II. NỘI DUNG

1. Xây dựng, duy trì, rà soát và cập nhật cơ sở dữ liệu pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp

a) Công việc: Thực hiện rà soát và cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp lên trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp và các cơ quan có liên quan.

b) Cơ quan chủ trì, phối hợp

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp

- Cơ quan phối hợp: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Sở Tài chính, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thừa thiên Huế và các cơ quan khác có liên quan.

c) Thời gian thực hiện: Quý III năm 2018.

2. Chỉ biên soạn sách, tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, hướng dẫn nghiệp vụ

a) Công việc: xây dựng và phát hành tập tài liệu, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, hướng dẫn nghiệp vụ.

b) Cơ quan chủ trì, phối hợp

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp

- Cơ quan phối hợp: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Sở Tài chính, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thừa thiên Huế và các cơ quan khác có liên quan.

c) Thời gian thực hiện: Quý II và Quý III năm 2018.

3. Giải đáp pháp luật liên quan hoạt động doanh nghiệp

a) Công việc: giải đáp các vướng mắc về pháp luật mà doanh nghiệp có yêu cầu; đề nghị, kiến nghị,...

b) Cơ quan chủ trì, phối hợp

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp

- Cơ quan phối hợp: Tòa án nhân dân tỉnh, Hội Luật gia tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh, hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thừa thiên Huế và các cơ quan khác có liên quan.

c) Thời gian thực hiện: cả năm 2018.

4. Tổ chức Hội nghị bồi dưỡng nghiệp vụ tọa đàm, đối thoại để tiếp nhận, giải đáp các kiến nghị của doanh nghiệp.

a) Công việc: Trên cơ sở phiếu khảo sát, thư mời khảo sát từ các doanh nghiệp và các cơ quan có liên quan. Cơ quan chủ trì xác định nội dung chính để tổ chức Hội nghị bồi dưỡng nghiệp vụ, tọa đàm, đối thoại để tiếp nhận, giải đáp các kiến nghị của doanh nghiệp và các vấn đề khác mà doanh nghiệp có yêu cầu.

b) Cơ quan chủ trì, phối hợp

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp

- Cơ quan phối hợp: các cơ quan có liên quan.

c) Thời gian thực hiện: Quý IV năm 2018.

III. KINH PHÍ

1. Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí từ ngân sách của tỉnh cho công tác này trong năm 2018.

2. Huy động nguồn kinh phí từ các Chương trình, dự án, đề án liên quan và sự hỗ trợ của tổ chức, cá nhân (nếu có).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Sở, ban, ngành, căn cứ vào nhiệm vụ được phân công tại Mục II Kế hoạch này, chủ động, phối hợp với cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, định kỳ hàng năm hoặc khi có yêu cầu, báo cáo kết quả về Sở Tư pháp để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Sở Tư pháp chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch này và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh khi được yêu cầu.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- Vụ PLDS-KT (Bộ Tư pháp);
- TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ngành thuộc UBND tỉnh;
- Hội doanh nghiệp tỉnh;
- Hội doanh nghiệp trẻ;
- CVP, các PCVP và CV: TH;
- Lưu VT, TP

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Khắc Đính