Kế hoạch 2228/KH-BNN-TCTS năm 2013 thực hiện Quyết định 375/QĐ-TTg
Số hiệu: 2228/KH-BNN-TCTS Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Người ký: Vũ Văn Tám
Ngày ban hành: 04/07/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2228/KH-BNN-TCTS

Hà Nội, ngày 04 tháng 07 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 375/QĐ-TTG

Thực hiện Quyết định số 375/QĐ-TTg ngày 01/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản; theo quyết định trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ và phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương triển khai các nhiệm vụ của đề án.

Để đề án sớm được triển khai hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung sau:

I. SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN THAM MƯU CHO ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ:

1. Tổ chức lại sản xuất trên vùng biển ven bờ và vùng lộng

- Rà soát số lượng tàu thuyền khai thác hải sản làm cơ sở xây dựng qui hoạch, kế hoạch, định hướng phát triển các loại nghề khai thác phù hợp với trữ lượng và khả năng cho phép của vùng biển; điều tra nguồn lợi thủy sản; tổ chức công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác thủy sản thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

- Hoàn thiện việc phân chia ranh giới vùng biển ven bờ giữa các địa phương giáp ranh theo Nghị định 33/2010/NĐ-CP ngày 31/3/2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển.

- Lựa chọn và giao vùng nước ven bờ, vùng lộng cho cộng đồng ngư dân để phát triển các mô hình đồng quản lý nghề cá; đối với các tỉnh đã và đang triển khai mô hình đồng quản lý nghề cá tiếp tục củng cố, hoàn thiện và nhân rộng; phát triển, kiện toàn các Chi hội nghề cá làm cơ sở để củng cố, xây dựng các mô hình đồng quản lý nghề cá.

- Trên cơ sở số lượng tàu thuyền dư thừa, cùng với các chính sách, dự án của Trung ương, trước mắt các địa phương nghiên cứu các giải pháp chuyển đổi các nghề xâm hại đến môi trường và nguồn lợi; tiếp đến giảm số lượng tàu dư thừa; tạo sinh kế thay thế cho ngư dân.

- Xây dựng, phát triển các mô hình liên kết, liên doanh, gắn kết các khâu trong quá trình sản xuất, từ khai thác, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm phù hợp với từng nghề của địa phương.

- Củng cố, xây dựng các làng nghề ngư nghiệp truyền thống, gắn với xây dựng nông thôn mới ở vùng ven biển. Sử dụng nguồn kinh phí từ chương trình nông thôn mới (Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới 2010 - 2020; Quyết định 56/QĐ-TTg ngày 15/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều trong Quyết định số 13/QĐ-TTg ngày 21/1/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để tiếp tục thực hiện các chương trình kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2009 - 2015) để triển khai thực hiện.

2. Tổ chức lại sản xuất trên vùng biển khơi

- Xây dựng kế hoạch phát triển tàu cá khai thác hải sản ở vùng biển khơi theo nhóm nghề, đối tượng khai thác dựa trên qui hoạch khai thác hải sản xa bờ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Xây dựng, phát triển các mô hình tổ chức sản xuất như: hợp tác xã, tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển; mô hình liên kết giữa ngư dân với tổ chức, doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ hải sản.

- Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ triển khai các dự án thí điểm tại địa phương.

3. Tổ chức lại dịch vụ, hậu cần phục vụ khai thác hải sản

- Tổ chức sắp xếp lại dịch vụ hậu cần trên bờ, tập trung vào khâu thu mua, bảo quản và tiêu thụ; phát triển các Hợp tác xã, tổ hợp tác kinh doanh tiêu thụ hải sản và dịch vụ hậu cần tại cảng.

- Nâng cấp, hoàn thiện các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá nhằm bảo đảm đồng bộ và từng bước hiện đại hóa.

- Từng bước áp dụng mô hình quản lý tàu cá bằng hệ thống thông tin.

- Phát triển và nhân rộng mô hình bảo quản sản phẩm khai thác hải sản tiên tiến như: bảo quản bằng nước biển lạnh tuần hoàn, bọt xốp Polyuethane (PU), lót hầm tàu cá bằng inox...

- Củng cố, phát triển các cơ sở đóng, sửa tàu cá, trang thiết bị máy móc khai thác trên tàu.

4. Tổ chức triển khai Thông tư số 25/2013/TT-BNNPTNT ngày 10 tháng 5 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về qui định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 33/2010/NĐ-CP và Nghị định số 53/2012/NĐ-CP của Chính phủ; Bố trí nguồn ngân sách địa phương hàng năm để triển khai các nội dung trên, đặc biệt nghiên cứu và có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng, khai thác có hiệu đối với các hoạt động khai thác hải sản.

II. CÁC ĐƠN VỊ THUỘC BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT

1. Tổng cục Thủy sản

a) Tổ chức lại sản xuất trên vùng biển ven bờ và vùng lộng

- Hướng dẫn các địa phương xây dựng qui hoạch khai thác hải sản, quản lý cường lực khai thác hải sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở vùng biển ven bờ và vùng lộng.

- Đánh giá, tổng kết, nhân rộng mô hình đồng quản lý nghề cá trên toàn quốc; hướng dẫn các địa phương xây dựng các mô hình đồng quản lý nghề cá; nghiên cứu xây dựng cơ sở pháp lý tổ chức hoạt động đồng quản lý.

- Tham mưu cho Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách chuyển đổi nghề khai thác hải sản không hiệu quả, các nghề xâm hại đến ngư trường và nguồn lợi.

b) Tổ chức lại sản xuất trên vùng biển khơi

- Chủ trì tham mưu cho Bộ hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch, quy hoạch, điều tra nguồn lợi thủy sản, định hướng phát triển các loại nghề khai thác để khai thác hiệu quả và phát triển bền vững; thí điểm phân bổ hạn ngạch khai thác theo nghề phù hợp khả năng cho phép của nguồn lợi với từng vùng biển.

- Thí điểm đề án hiện đại hóa tàu cá; đề án phát triển cá ngừ trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.

- Tham mưu cho Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ phát triển tổ đội sản xuất trên biển, hợp tác xã và các mô hình liên kết sản xuất trong khai thác hải sản xa bờ gắn kết với hậu cần dịch vụ trên biển; hỗ trợ rủi ro cho ngư dân khi tham gia sản xuất trên biển.

c) Tổ chức lại dịch vụ, hậu cần phục vụ khai thác hải sản

- Chỉ đạo hướng dẫn nâng cấp, hoàn thiện cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão theo qui hoạch; chú trọng các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão tại khu vực trọng điểm.

- Chủ trì tham mưu cho Bộ phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố ven biển có qui hoạch lựa chọn để xây dựng thí điểm một vài Trung tâm nghề cá lớn; trên cơ sở đó rút kinh nghiệm nhân rộng.

- Xây dựng dự án thí điểm truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm từ khai thác, bảo quản, đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

- Rà soát, bổ sung chính sách bảo quản sản phẩm thủy sản sau thu hoạch trên tàu cá.

2. Viện nghiên cứu Hải sản

- Tổ chức thực hiện Quyết định 301/QĐ-BNN-TCTS ngày 20/2/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt đề án dự báo ngư trường khai thác hải sản;.

- Điều tra, đánh giá nguồn lợi hải sản làm cơ sở tính toán nguồn lợi hải sản cho phép khai thác làm cơ sở để xây dựng cơ cấu nghề nghiệp, tàu thuyền phù hợp với từng vùng biển.

- Nghiên cứu cải tiến công nghệ khai thác, du nhập các nghề khai thác hải sản hiệu quả, thân thiện với môi trường và nguồn lợi; phối hợp với Tổng cục Thủy sản hướng dẫn cơ cấu nghề nghiệp cho địa phương.

3. Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính

- Chủ trì thẩm định và tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ kinh phí ngành triển khai thực hiện các dự án, nhiệm vụ ưu tiên.

- Chủ trì và phối hợp với các đơn vị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí đủ kinh phí thực hiện đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản.

- Hướng dẫn các địa phương lồng ghép các chương trình, dự án của Trung ương, địa phương để xây dựng và triển khai hiệu quả các nội dung của đề án.

III. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển, các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT định kỳ hàng Quý, năm có trách nhiệm sơ kết đánh giá, báo cáo kết quả triển khai thực hiện Quyết định 375/QĐ-TTg gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Tổng cục Thủy sản, số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội; Email: khaithacthuysan.mard@gmail.com)

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc cần khẩn trương báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- VPCP, Bộ TC, KHĐT;
- UBND các tỉnh, thành phố ven biển;
- Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính;
- Tổng cục Thủy sản (10);
- Viện Nghiên cứu Hải sản;
- Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố ven biển;
- Chi cục KT&BVNLTS các tỉnh, thành phố ven biển;
- Lưu: VT, TCTS80.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Vũ Văn Tám