Kế hoạch 212/KH-UBND năm 2019 về thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021”
Số hiệu: | 212/KH-UBND | Loại văn bản: | Văn bản khác |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bắc Giang | Người ký: | Nguyễn Văn Linh |
Ngày ban hành: | 04/09/2019 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Khiếu nại, tố cáo, Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 212/KH-UBND |
Bắc Giang, ngày 04 tháng 9 năm 2019 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, GIAI ĐOẠN 2019 - 2021” CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 11/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021”, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án với những nội dung cụ thể sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
Tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án, nhằm bảo đảm hoàn thành các mục tiêu của Đề án, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đưa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng đi vào nề nếp, có chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; góp phần tích cực cải thiện tình hình tham nhũng và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.
2. Yêu cầu:
- Các hoạt động đề ra phải sát với nội dung của Đề án và yêu cầu thực tiễn; đảm bảo tính khả thi, có trọng tâm, trọng điểm.
- Kết hợp các hoạt động của Đề án với các chương trình, đề án, kế hoạch khác có liên quan đang được triển khai tại các Sở, ngành, địa phương, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị tham gia thực hiện Đề án.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành, tập trung vào các quy định mới về: hành vi tham nhũng; phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước; các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; xử lý tham nhũng và hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
2. Thực trạng, nguyên nhân, điều kiện tham nhũng và các giải pháp phòng ngừa.
3. Ý nghĩa, tầm quan trọng của phòng, chống tham nhũng và xây dựng đạo đức liêm chính.
4. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức liêm chính và phòng, chống tham nhũng.
5. Quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng.
6. Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng trong lịch sử Việt Nam.
7. Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng; hợp tác quốc tế của Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng; kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống tham nhũng.
8. Tình hình, kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
9. Quyền, nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và công dân trong phòng, chống tham nhũng.
10. Mô hình, kinh nghiệm, gương tiêu biểu về phòng, chống tham nhũng và đạo đức liêm chính.
11. Các sự kiện, vấn đề chính trị, pháp lý, văn hóa, xã hội có chủ đề, nội dung về phòng, chống tham nhũng và đạo đức liêm chính.
III. NHIỆM VỤ CỤ THỂ
1. Tiếp nhận, phát hành các tài liệu tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng
- Thanh tra tỉnh: Liên hệ với Thanh tra Chính phủ tiếp nhận bản in để phát hành (hoặc liên hệ mua) tài liệu, sách có các nội dung: pháp luật về phòng, chống tham nhũng; hệ thống hóa các văn bản chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng; Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng và sự tham gia của Việt Nam; kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống tham nhũng; giáo dục đạo đức liêm chính cho thanh, thiếu niên; phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước; vai trò của xã hội trong phòng, chống tham nhũng; bảo vệ người, tố cáo tham nhũng; minh bạch, liêm chính và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ; hỏi - đáp pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Thời gian: Sau khi Thanh tra Chính phủ hoàn thành việc biên soạn.
- Các Sở, ban, ngành tỉnh; cơ quan trung ương đóng trên địa bàn, Ủy ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh; các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; UBND các huyện, thành phố: Biên soạn, tiếp nhận, cấp phát, hỗ trợ trang bị tài liệu pháp luật về phòng, chống tham nhũng và các văn bản có liên quan cho Tủ sách, pháp luật tại cơ quan, đơn vị và Tủ sách pháp luật tại các xã, phường, thị trấn. Đồng thời cung cấp các tài liệu đến người dân.
Thời gian thực hiện: Từ năm 2019 đến năm 2020.
2. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng
- Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cử báo cáo viên pháp luật, giúp các Sở, ban, ngành tỉnh; cơ quan trung ương đóng trên địa bàn, Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh; các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; UBND các huyện, thành phố tập huấn nghiệp vụ công tác phòng, chống tham nhũng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng khi có yêu cầu, đề nghị.
Thời gian thực hiện: Thường xuyên, từ năm 2019 đến năm 2021.
- Sở Tư pháp chủ trì, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cập nhật chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật tỉnh. Cập nhật văn bản, quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng lên Cổng “Hệ thống thông tin pháp luật tỉnh Bắc Giang” cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân tiện tra cứu.
Thời gian thực hiện: Thường xuyên, từ năm 2019 đến năm 2021.
- Sở, ban, ngành tỉnh; cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn, Ủy ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh; các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; UBND các huyện, thành phố: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Thời gian thực hiện: Thường xuyên, từ năm 2019 đến năm 2021.
3. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng trên các phương tiện thông tin đại chúng
- Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan định hướng các cơ quan thông tin, báo chí của tỉnh thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng; về các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng; về quyền, nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và công dân trong phòng, chống tham nhũng; tình hình, kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng; biểu dương những việc làm tích cực, nhân tố mới trong công tác phòng, chống tham nhũng; lên án, đấu tranh đối với những người có hành vi tham nhũng; chỉ đạo, hướng dẫn tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng trên hệ thống truyền thanh cơ sở.
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: Xây dựng chuyên trang, chuyên mục, tin, bài có chủ đề về phòng, chống tham nhũng; phổ biến các quy định và tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; biểu dương những việc làm tích cực, những nhân tố mới trong công tác phòng, chống tham nhũng,...
- Các Sở, ban, ngành tỉnh; cơ quan trung ương đóng trên địa bàn, Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước: Tiếp tục chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng trên bản tin, trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị.
- UBND các huyện, thành phố chỉ đạo tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến trên trang thông tin điện tử của địa phương. Đồng thời chỉ đạo tổ chức phát thanh trên hệ thống Đài truyền thanh ở xã, phường, thị trấn các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng; câu chuyện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; gương điển hình trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên, từ năm 2019 đến năm 2021.
4. Tiếp tục đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào nội dung bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, công chức; vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo
- Sở Giáo dục và Đào tạo: Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại cơ sở giáo dục, đào tạo. Tổ chức hội thảo, diễn đàn, nói chuyện chuyên đề có chủ đề về trách nhiệm của nhà trường trong giáo dục đạo đức liêm chính, liêm chính trong thi cử. Đồng thời, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân và môn pháp luật tại các cơ sở giáo dục, đào tạo.
- Sở Nội vụ, Trường Chính trị tỉnh: Tiếp tục đưa nội dung pháp luật về phòng, chống tham nhũng và đạo đức liêm chính vào nội dung bồi dưỡng kiến thức, thi tuyển cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các hội thảo, nói chuyện chuyên đề có chủ đề về phòng, chống tham nhũng, minh bạch và trách nhiệm giải trình, xử lý xung đột lợi ích trong công tác cán bộ.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên, từ năm 2019 đến năm 2021.
5. Tổ chức các cuộc liên quan, thi, sáng tác văn học nghệ thuật có chủ đề về phòng, chống tham nhũng
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, tổ chức và hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tổ chức các hội thảo, nói chuyện chuyên đề có chủ đề văn học, nghệ thuật với phòng, chống tham nhũng và xây dựng đạo đức liêm chính, liêm chính trong hoạt động văn hóa, thể thao; phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các cuộc thi sáng tác kịch bản, tiểu phẩm, tranh, ảnh cổ động, tổ chức các hoạt động triển lãm, trưng bày,... có nội dung, chủ đề phòng, chống tham nhũng và xây dựng đạo đức liêm chính.
Thời gian thực hiện: từ năm 2019 đến năm 2021
6. Thực hiện mô hình điểm tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống tham nhũng. Tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, cơ quan báo chí về phòng, chống tham nhũng
- Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, các cơ quan báo chí tham mưu UBND tỉnh: Chọn thực hiện mô hình điểm tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại 01 địa phương (thời gian thực hiện năm 2019). Tổ chức đối thoại với đại diện doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan báo chí và người dân về trách nhiệm phòng, chống tham nhũng và xây dựng đạo đức liêm chính (thời gian thực hiện từ năm 2020 đến 2021).
7. Đề nghị Hội Luật gia tỉnh
Tổ chức bồi dưỡng, cập nhật chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho các luật gia, luật sư. Phối hợp với Sở Tư pháp hướng dẫn hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý về phòng, chống tham nhũng tại các đơn vị cung cấp dịch vụ pháp lý.
Thời gian thực hiện: từ năm 2019 đến năm 2021
8. Đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp
Tổ chức các phong trào, cuộc vận động có chủ đề phòng, chống tham nhũng và xây dựng đạo đức liêm chính; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng; các cuộc hội thảo, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề có nội dung, chủ đề về vai trò của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong giám sát các hoạt động phòng, chống tham nhũng. Chỉ đạo hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, các tổ chức tự quản của nhân dân.
Thời gian thực hiện: từ năm 2019 đến năm 2021
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí in ấn, phát hành (hoặc mua) tài liệu trang bị cho tủ sách pháp luật (nêu tại mục 1, phần III) được bố trí từ ngân sách tỉnh, ngân sách các huyện, thành phố (theo phân cấp) và các nguồn kinh phí khác theo quy định của Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn thi hành.
2. Việc lập dự toán, phân bổ kinh phí đảm bảo cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng (giai đoạn 2019 - 2021) được thực hiện theo phân cấp ngân sách và quy định tài chính hiện hành.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các Sở, ban, ngành tỉnh; cơ quan trung ương đóng trên địa bàn, Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; UBND các huyện, thành phố trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm:
- Tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này; chủ động đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng vào Kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng hàng năm. Phối hợp với Thanh tra tỉnh và cơ quan, đơn vị liên quan để tiếp nhận sự chỉ đạo, hướng dẫn, biên soạn, phát hành tài liệu tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng.
- Chủ động cân đối, bố trí kinh phí đảm bảo thực hiện Kế hoạch.
- Định kỳ tổ chức kiểm tra, sơ kết, đánh giá, khen thưởng việc thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch, báo cáo kết quả thực hiện về Thanh tra tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Thanh tra Chính phủ theo quy định.
2. Thanh tra tỉnh chủ trì, hướng dẫn các địa phương, đơn vị trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch. Đồng thời theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch.
3. Sở Tài chính: thẩm định kinh phí in ấn, phát hành (hoặc mua) tài liệu trang bị cho tủ sách pháp luật; kinh phí tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng hàng năm của các cơ quan, đơn vị, địa phương, trình UBND tỉnh quyết định. Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị lập dự toán, bố trí kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch.
4. Đề nghị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy và các cơ quan, tổ chức liên quan chỉ đạo, tạo điều kiện triển khai thực hiện Kế hoạch.
5. Đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, Hội Luật gia tỉnh triển khai thực hiện Kế hoạch trong hệ thống tổ chức của mình từ tỉnh đến cơ sở.
6. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh chỉ đạo toàn ngành lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong hoạt động nghiệp vụ. Xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Đề án của Thủ tướng Chính phủ về “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021” trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các địa phương, đơn vị phản ánh về Thanh tra tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Quyết định 861/QĐ-TTg năm 2019 phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021” Ban hành: 11/07/2019 | Cập nhật: 16/07/2019
Quyết định 861/QĐ-TTg năm 2008 về việc tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Ban hành: 08/07/2008 | Cập nhật: 12/07/2008