Kế hoạch 203/KH-UBND năm 2017 triển khai Chương trình phát triển hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Tiền Giang đến năm 2020
Số hiệu: 203/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang Người ký: Lê Văn Nghĩa
Ngày ban hành: 02/08/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 203/KH-UBND

Tiền Giang, ngày 02 tháng 8 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÁC HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG TỈNH TIỀN GIANG ĐẾN NĂM 2020

Thực hiện Quyết định số 1997/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2016 - 2020; Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, biện pháp để hỗ trợ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; nâng cao trách nhiệm, năng lực của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhận thức của người tiêu dùng nhằm đạt được những kết quả trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần bảo đảm công bằng xã hội và sự phát triển bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

Bảo đảm cán bộ, công chức thuộc cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ trên địa bàn tỉnh được tham gia các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Kiện toàn hệ thống mạng lưới tổ chức xã hội về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng xuống địa bàn các huyện, thành phố, thị xã; củng cố các Tổ hòa giải về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thuộc Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện việc kiểm tra, đánh giá chất lượng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng.

Tổ chức thực hiện Chương trình doanh nghiệp vì người tiêu dùng.

Bảo đảm các khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng được tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ tại các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tại các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ, trong đó tỷ lệ giải quyết khiếu nại thành công đạt trên 70% vụ việc được tiếp nhận.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Xây dựng kế hoạch và tổ chức Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam:

Hàng năm, căn cứ quy định tại Quyết định số 1035/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ; Sở Công Thương, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan khác xây dựng kế hoạch, thống nhất triển khai tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam theo các chủ đề do Bộ Công Thương phát động.

2. Tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: thông qua các hoạt động hội thảo, hội nghị, tọa đàm; truyền thông trên các phương tiện truyền hình, truyền thanh, báo điện tử, phóng sự truyền hình, tờ rơi; treo băng rôn, khẩu hiệu, tổ chức các chương trình, sự kiện công cộng và các hình thức khác.

3. Tổ chức tập huấn cho cán bộ công chức làm công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại cấp huyện, cấp xã, Tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.

4. Hoàn thiện các tổ chức hòa giải về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; kiện toàn mô hình tổ chức để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải của các đơn vị đang thực hiện các hiện các hoạt động tư vấn pháp luật, hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ.

Hoàn chỉnh hệ thống đặt bảng đường dây nóng tại các chợ trên địa bàn nhằm cảnh báo cho người tiêu dùng biết khi mua sắm sử dụng hàng hóa, tiếp nhận và giải quyết nhanh các khiếu nại của người tiêu dùng.

5. Hỗ trợ thực hiện việc kiểm tra, đánh giá chất lượng hàng hóa dịch vụ tiêu dùng; đặc biệt là trong các lĩnh vực an toàn thực phẩm, y tế, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sản phẩm hàng hóa dịch vụ tiêu dùng; hỗ trợ công tác giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng.

6. Triển khai thực hiện Chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng nhằm tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.

7. Triển khai các hoạt động phát triển công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khác phù hợp với thực tế trên địa bàn tỉnh và phù hợp với pháp luật hiện hành.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN:

Các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước (Trung ương và tỉnh), đóng góp và tài trợ của các tổ chức, cá nhân kinh doanh; nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Nguồn kinh phí thực hiện của các đơn vị có liên quan được giao trong dự toán chi ngân sách hàng năm của các đơn vị đó.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan triển khai Kế hoạch này.

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các đợt tuyên truyền, các lớp tập huấn kiến thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện chương trình.

2. Sở Thông tin và truyền thông

Theo dõi, hướng dẫn, phối hợp các cơ quan báo, đài thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền về các hoạt động liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

3. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, bố trí kinh phí hàng năm để thực hiện các hoạt động về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh theo quy định.

4. Sở Khoa học và Công nghệ

Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng có liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra, giải quyết tố cáo trong lĩnh vực có liên quan đến sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Phối hợp, hỗ trợ Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các cấp trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

5. Sở Y tế

Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương trong việc thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là các vấn đề an toàn thực phẩm, dược phẩm, trang thiết bị y tế, dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì phối hợp với Sở Công Thương trong việc thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, trong đó tập trung vào vấn đề bảo đảm an toàn, chất lượng cho đầu vào của quá trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thực phẩm.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã

Thực hiện tốt trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quy định tại khoản 2 Điều 35 Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27/10/2011 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

8. Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh:

Xây dựng Kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động của Hội theo quy định.

Phối hợp các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phổ biến, tuyên truyền kiến thức pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tổ chức tư vấn tiêu dùng, tiếp nhận và hòa giải các khiếu nại của người tiêu dùng theo đúng quy định của pháp luật. Kịp thời chuyển thông tin tố cáo của người tiêu dùng tiếp nhận được đến các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để phối hợp xử lý.

Các cơ quan, đơn vị được phân công nhiệm vụ theo Kế hoạch này thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch, định kỳ hàng năm báo cáo (hoặc đột xuất theo yêu cầu) về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Công Thương) về công tác có liên quan đến hoạt động Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để tổng hợp báo cáo Chính phủ và Bộ Công Thương.

Trên đây là Kế hoạch triển khai Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, yêu cầu các sở, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện Kế hoạch./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Nghĩa