Kế hoạch 195/KH-UBND năm 2017 kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đăng kiểm), đăng ký cho phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Số hiệu: | 195/KH-UBND | Loại văn bản: | Văn bản khác |
Nơi ban hành: | Tỉnh Thanh Hóa | Người ký: | Lê Anh Tuấn |
Ngày ban hành: | 06/11/2017 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Giao thông, vận tải, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 195/KH-UBND |
Thanh Hóa, ngày 06 tháng 11 năm 2017 |
KẾ HOẠCH
KIỂM TRA, CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (ĐĂNG KIỂM), ĐĂNG KÝ CHO CÁC PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH.
I. Mục đích, yêu cầu: Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 05/KH-UBND ngày 15/01/2016 của UBND tỉnh về công tác đăng kiểm, đăng ký đối với các phương tiện thủy nội địa đang hoạt động nhưng chưa làm thủ tục đăng kiểm, đăng ký trên địa bàn tỉnh, nhằm đảm bảo cho tất cả các phương tiện thủy nội địa hoạt động trên địa bàn đã có hồ sơ thiết kế, mẫu định hình được Cục Đăng kiểm Việt Nam thẩm định, phê duyệt được kiểm tra, đăng kiểm, đăng ký và hoạt động theo quy định của pháp luật; đồng thời phục vụ tốt công tác quản lý các phương tiện thủy nội địa, đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy.
II. Nội dung
1. Về bàn giao hồ sơ thiết kế kỹ thuật, mẫu định hình
1.1. Đối với các phương tiện có tải trọng từ 200 tấn trở xuống, lắp máy có tổng công suất dưới 135CV nằm trong danh sách 318 phương tiện đã đo các thông số kỹ thuật sẽ được bàn giao 01 bộ hồ sơ sao mẫu định hình đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam thẩm định, phê duyệt để chủ động bổ sung, sửa chữa phương tiện theo thiết kế mẫu trước khi đề nghị đăng kiểm.
1.2. Đối với các phương tiện có tải trọng trên 200 tấn, lắp máy có tổng công suất từ 135CV trở lên sẽ được bàn giao 01 bộ hồ sơ gốc do Cục Đăng kiểm Việt Nam thẩm định phê duyệt để chủ động bổ sung, sửa chữa phương tiện theo thiết kế mẫu trước khi đề nghị đăng kiểm.
2. Về thực hiện công tác đăng kiểm, đăng ký
Các chủ phương tiện sau khi hoàn thiện phương tiện theo hồ sơ thiết kế, mẫu định hình chủ động liên hệ với cơ quan đăng kiểm thuộc Sở Giao thông vận tải (đối với phương tiện tại mục 1.1), Chi cục Đăng kiểm 12 (đối với các phương tiện tại mục 1.2) để kiểm tra và thực hiện công tác đăng kiểm.
III. Tổ chức thực hiện
1. Sở Giao thông vận tải
- Triển khai sao hồ sơ thiết kế kỹ thuật, mẫu định hình và phối hợp với Chi Cục Đăng kiểm 12, UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh thông báo cho các chủ phương tiện thủy về việc phương tiện đã có bản sao hồ sơ thiết kế kỹ thuật, mẫu định hình đủ điều kiện để tiến hành công tác đăng kiểm, đăng ký.
- Tiến hành bàn giao bản sao hồ sơ thiết kế kỹ thuật, mẫu định hình cho các chủ phương tiện có sự phối hợp của UBND các huyện, thị xã, thành phố (các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc, Hà Trung, Hậu Lộc và thành phố Thanh Hóa xong trước ngày 15/12/2017; các địa phương còn lại xong trước ngày 30/01/2018).
- Chuẩn bị trang thiết bị, nhân sự để thực hiện công tác kiểm tra, đăng kiểm, đăng ký cho các phương tiện hoàn thành trong thời gian sớm nhất.
- Thực hiện cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; giấy chứng nhận đăng ký cho các phương tiện thủy nội địa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định.
- Chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với Phòng cảnh sát đường thủy công an tỉnh; chính quyền cấp huyện và các lực lượng chức năng khác tăng cường công tác tuyên truyền vận động và xử lý nghiêm các phương tiện thủy nội địa đang hoạt động trên địa bàn tỉnh nhưng không thực hiện việc đăng kiểm, đăng ký.
- Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện công tác đăng kiểm, đăng ký phương tiện thủy nội địa trên địa bàn, định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh và thông báo cho địa phương để phối hợp.
- Phối hợp với Đài phát thanh và truyền hình Thanh Hóa thông báo rộng rãi nội dung liên quan đến công tác đăng kiểm, đăng ký phương tiện thủy trên địa bàn trên đài truyền hình Thanh Hóa (kể cả các loại phí, lệ phí,..theo quy định) để chủ phương tiện biết và chủ động thực hiện.
2. UBND các huyện, thị xã thành phố
- Thông báo cho các chủ phương tiện thủy trên địa bàn quản lý về việc phương tiện đã có bản sao hồ sơ thiết kế kỹ thuật, mẫu định hình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đủ điều kiện để tiến hành công tác đăng kiểm.
- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Chi cục Đăng kiểm 12 bàn giao bản sao hồ sơ thiết kế kỹ thuật, mẫu định hình cho các chủ phương tiện thủy trên địa bàn; đôn đốc các chủ phương tiện tự giác, chủ động thực hiện việc đăng kiểm, đăng ký cho phương tiện và thông báo vị trí tập trung của phương tiện để tiến hành công tác đăng kiểm.
- Tuyên truyền, vận động các chủ phương tiện chủ động làm việc với Sở Giao thông vận tải, Chi cục đăng kiểm 12 để được tiến hành công tác đăng kiểm cho phương tiện của mình; yêu cầu chủ phương tiện chuẩn bị kinh phí để nộp phí kiểm định, lệ phí đăng ký theo quy định của Nhà nước.
3. Trách nhiệm của chủ phương tiện.
- Tiếp nhận, bảo quản bản sao hồ sơ thiết kế kỹ thuật, mẫu định hình cho phương tiện thủy của mình khi Sở Giao thông vận tải, Chi cục Đăng kiểm 12 bàn giao.
- Sửa chữa, hoàn thiện phương tiện theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật, mẫu định hình đã được thẩm định, phê duyệt; vệ sinh sạch sẽ phương tiện : Các khoang hầm hàng, buồng máy và các vị trí khác trên phương tiện trước khi tiến hành đề nghị thực hiện công tác đăng kiểm.
- Chủ động làm việc với Sở Giao thông vận tải, Chi cục Đăng kiểm 12 để đề nghị được thực hiện công tác đăng kiểm; Đưa phương tiện về vị trí được thông báo đúng thời gian quy định để thực hiện công tác đăng kiểm.
- Chuẩn bị kinh phí về phí đăng kiểm, lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký để nộp cho ngân sách Nhà nước trước khi cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, chứng nhận đăng ký cho phương tiện.
4. Chi cục Đăng kiểm 12.
- Phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông vận tải trong việc sao hồ sơ thiết kế kỹ thuật, mẫu định hình của phương tiện để bàn giao cho chủ phương tiện.
- Tiến hành công tác đăng kiểm cho phương tiện thủy nội địa thuộc thẩm quyền, phấn đấu hoàn thành trong thời gian sớm nhất.
- Thực hiện cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho các phương tiện thủy nội địa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định.
- Hỗ trợ đăng kiểm viên cho Sở Giao thông vận tải để thực hiện công tác đăng kiểm khi có yêu cầu.
5. Công an tỉnh.
Chỉ đạo Công an cấp huyện, Phòng cảnh sát đường thủy phối hợp chặt chẽ với chính quyền cấp huyện, Thanh tra Sở Giao thông vận tải trong việc tuyên truyền, vận động các chủ phương tiện tự giác, chủ động thực hiện công tác đăng kiểm, đăng ký cho phương tiện của mình; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý triệt để các phương tiện thủy nội địa đang hoạt động trên địa bàn tỉnh nhưng không thực hiện việc đăng kiểm, đăng ký.
6. Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa
Thông báo các nội dung liên quan đến công tác đăng kiểm, đăng ký phương tiện thủy trên địa bàn trên đài truyền hình Thanh Hóa để chủ phương tiện được biết và chủ động thực hiện.
Trên đây là Kế hoạch Kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đăng kiểm), đăng ký cho các phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu các các ngành, địa phương, đơn vị được phân công tổ chức thực hiện tốt có hiệu quả kế hoạch đề ra; nếu có vấn đề vướng mắc phát sinh, các ngành, đơn vị tổng hợp ý kiến bằng văn bản gửi về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp đề xuất báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh./.
Nơi nhận: |
KT. CHỦ TỊCH |