Kế hoạch 176/KH-UBND năm 2019 về thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
Số hiệu: 176/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn Người ký: Hồ Tiến Thiệu
Ngày ban hành: 05/12/2019 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài nguyên, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 176/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 05 tháng 12 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CẮM MỐC HÀNH LANG BẢO VỆ NGUỒN NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2012, Nghị định số 43/2015/NĐ- CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, NHIỆM VỤ

1. Mục đích

a) Nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong công tác quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên nước; bảo đảm an ninh nguồn nước trước mắt và lâu dài, góp phần phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

b) Bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước; phòng chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước; bảo vệ, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tự nhiên sống ven nguồn nước.

c) Tạo không gian cho các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, bảo tồn và phát triển các giá trị về lịch sử, văn hóa, du lịch, tín ngưỡng liên quan đến nguồn nước; bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh trước diễn biến của biến đổi khí hậu và sự suy giảm nguồn nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

2. Yêu cầu

a) Việc triển khai cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước được thực hiện đồng bộ, công khai, dân chủ, theo đúng lộ trình, bảo đảm yêu cầu bảo vệ nguồn nước, đồng thời bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

b) Việc cắm mốc, xác định ranh giới hành lang bảo vệ nguồn nước phải được thể hiện trên bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trong tổ chức triển khai thực hiện.

c) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành khác phải đảm bảo việc duy trì, phát triển các chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước đã được phê duyệt.

d) Nhiệm vụ cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước phải được phê duyệt trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh và cấp huyện.

3. Nhiệm vụ cụ thể

a) Xây dựng, ban hành kế hoạch cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước.

b) Xây dựng phương án cắm mốc hành lang bảo vệ đối với từng nguồn nước, trình phê duyệt theo quy định.

c) Lập, thẩm định và phê duyệt dự toán kinh phí thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ đối với từng nguồn nước.

d) Tổ chức cắm mốc trên thực địa và bàn giao mốc giới để quản lý, bảo vệ.

II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1. Cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với hồ chứa thủy điện, hồ chứa thủy lợi

a) Tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện nơi có hồ chứa xây dựng phương án cắm mốc hành lang bảo vệ hồ chứa có dung tích từ một triệu mét khối (1.000.000 m3) trở lên trình UBND tỉnh phê duyệt và thực hiện cắm mốc theo phương án được phê duyệt.

b) UBND các huyện, thành phố phối hợp với tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa thủy điện, thủy lợi trong việc xây dựng phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước và phối hợp thực hiện cắm mốc trên thực địa sau khi phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước được phê duyệt.

2. Cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông, suối, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo ở đô thị, khu dân cư tập trung và các nguồn nước khác

a) Xây dựng kế hoạch cắm mốc: Trên cơ sở Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1857/QĐ- UBND ngày 24/9/2018, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo xây dựng kế hoạch cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước thuộc địa bàn quản lý.

b) Xây dựng phương án thực hiện cắm mốc: Hàng năm, UBND các huyện, thành phố căn cứ vào kế hoạch cắm mốc, xây dựng phương án cắm mốc chi tiết đối với từng nguồn nước sông, suối, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo ở các đô thị, khu dân cư tập trung và các nguồn nước khác trình UBND tỉnh phê duyệt.

c) Tổ chức cắm mốc: Trên cơ sở phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước được phê duyệt, UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện cắm mốc trên thực địa và bàn giao mốc giới cho UBND cấp xã quản lý, bảo vệ.

d) Quản lý, bảo vệ mốc giới: UBND các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ mốc giới, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm, hoạt động lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước.

III. PHẠM VI, THỜI GIAN, KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Phạm vi: Toàn bộ nguồn nước thuộc danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

2. Thời gian thực hiện

a) Giai đoạn 2020-2025: Hoàn thành cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước sông, suối, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo ở các đô thị, khu dân cư tập trung; hoàn thành cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước hồ chứa thủy điện, thủy lợi.

b) Giai đoạn 2026-2030: Tổ chức thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ đối với các nguồn nước khác.

3. Kinh phí thực hiện

a) Tổng kinh phí ước tính thực hiện: 102.900 triệu đồng, trong đó:

- Giai đoạn 2020 - 2025 là: 51.400 triệu đồng.

- Giai đoạn 2026 - 2030 là: 51.500 triệu đồng.

b) Nguồn vốn: Theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 43/2015/NĐ-CP .

- Đối với hồ chứa thủy điện, thủy lợi do Chủ hồ hoặc tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa đảm bảo.

- Đối với sông, suối, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo ở các đô thị, khu dân cư tập trung và các nguồn nước khác do ngân sách nhà nước đảm bảo, bao gồm: Ngân sách địa phương, hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và được bổ sung từ nguồn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của pháp luật.

c) Dự kiến cơ cấu nguồn vốn thực hiện:

- Giai đoạn 2020 - 2025 là 51.400 triệu đồng. Trong đó:

+ Nguồn kinh phí đề nghị Trung ương hỗ trợ 50% là 25.700 triệu đồng;

+ Ngân sách tỉnh đảm bảo 40%: 20.560 triệu đồng;

+ Hỗ trợ từ nguồn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước 10% là 5.140 triệu đồng.

- Giai đoạn 2026 - 2030 là: 51.500 triệu đồng. Trong đó:

+ Nguồn kinh phí đề nghị Trung ương hỗ trợ 50% là 25.750 triệu đồng;

+ Ngân sách tỉnh đảm bảo 40% là 20.600 triệu đồng;

+ Hỗ trợ từ nguồn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước 10% là 5.150 triệu đồng.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tổ chức quản lý, vận hành hồ chứa thủy điện, thủy lợi có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện nơi có hồ chứa xây dựng phương án cắm mốc hành lang bảo vệ hồ chứa trình UBND tỉnh phê duyệt và thực hiện cắm mốc theo phương án được duyệt.

2. UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước thuộc địa bàn quản lý; hàng năm đề xuất hạng mục công trình cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước và kinh phí cắm mốc (cùng với thời điểm xây dựng dự toán ngân sách nhà nước); xây dựng phương án và dự toán kinh phí thực hiện cắm mốc đối với từng nguồn nước sông, suối, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo ở đô thị, khu dân cư tập trung và nguồn nước khác trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức cắm mốc, bàn giao mốc để quản lý, bảo vệ.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Chủ trì, tổ chức thẩm định phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trình UBND tỉnh phê duyệt;

- Phối hợp Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương để tổ chức thực hiện cắm mốc theo kế hoạch hàng năm. Tham mưu điều chỉnh Kế hoạch để phù hợp với khả năng nguồn lực của tỉnh sau khi được Trung ương phân bổ nguồn kinh phí hỗ trợ.

- Đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh;

- Chỉ đạo thực hiện cập nhật, tích hợp ranh giới hành lang bảo vệ nguồn nước trên bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

4. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí kinh phí cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước từ ngân sách tỉnh và nguồn thu từ tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của pháp luật.

UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Kế hoạch này, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) trước ngày 31/12 hàng năm./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Thường trực HĐND tỉnh (B/c);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở: TN&MT, NN&PTNT, TC, KH&ĐT, CT, XD;
- UBND các huyện, thành phố;
- Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi;
- Các Chủ hồ chứa thủy điện trên địa bàn (giao Sở Tài nguyên và Môi trường gửi Kế hoạch);
- C, PVP UBND tỉnh, các phòng chuyên môn, TT TH-CB;
- Lưu: VT, KTN (NNT)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Tiến Thiệu

 

DỰ TOÁN KINH PHÍ CẮM MỐC HÀNH LANG BẢO VỆ NGUỒN NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN GIAI ĐOẠN 2020-2030

(Kèm theo Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 05/12/2019 của UBND tỉnh)

1. Phụ lục 1: Dự toán kinh phí cắm mốc giai đoạn 2020 - 2025

STT

Địa bàn
(Huyện/thành phố)

Nhu cầu kinh phí từng năm

Tổng kinh phí
(triệu đồng)

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

1

Thành phố Lạng Sơn

850

950

980

980

1.000

1.200

5.960

2

Huyện Tràng Định

650

750

850

950

950

1.000

5.150

3

Huyện Văn Lãng

550

580

650

750

800

850

4.180

4

Huyện Văn Quan

550

580

650

50

800

850

4.180

5

Huyện Bình Gia

550

550

650

700

800

850

4.100

6

Huyện Bắc Sơn

550

550

650

700

800

850

4.100

7

Huyện Cao Lộc

550

580

650

750

800

850

4.180

8

Huyện Lộc Bình

550

550

650

700

800

850

4.100

9

Huyện Chi Lăng

850

850

900

950

950

1.200

5.700

10

Huyện Hữu Lũng

850

850

900

950

950

1.200

5.700

11

Huyện Đình lập

500

550

600

750

800

850

4.050

 

Tổng cộng:

7.000

7.340

8.130

8.930

9.450

10.550

51.400

2. Phụ lục 2: Dự toán kinh phí cắm mốc giai đoạn 2026 - 2030

STT

Địa bàn
(Huyện/thành phố)

Nhu cầu kinh phí từng năm

Tổng kinh phí
(Triệu đồng)

Năm 2026

Năm 2027

Năm 2028

Năm 2029

Năm 2030

1

Thành phố Lạng Sơn

1.000

1.000

1.000

1.000

1.000

5.000

2

Huyện Tràng Định

1.000

1.000

1.000

1.000

1.000

5.000

3

Huyện Văn Lãng

850

850

900

900

1.000

4.500

4

Huyện Văn Quan

850

850

900

900

1.000

4.500

5

Huyện Bình Gia

850

850

900

900

1.000

4.500

6

Huyện Bắc Sơn

850

850

900

900

1.000

4.500

7

Huyện Cao Lộc

850

850

900

900

1.000

4.500

8

Huyện Lộc Bình

850

850

900

900

1.000

4.500

9

Huyện Chi Lăng

1.000

1.000

1.000

1.000

1.000

5.000

10

Huyện Hữu Lũng

1.000

1.000

1.000

1.000

1.000

5.000

11

Huyện Đình lập

850

850

900

900

1.000

4.500

 

Tổng cộng:

9.950

9.950

10.300

10.300

11.000

51.500