Kế hoạch 162/KH-UBND năm 2013 thực hiện Dự án “Xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy” trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
Số hiệu: 162/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang Người ký: Trần Kim Mai
Ngày ban hành: 17/10/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Trật tự an toàn xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 162/KH-UBND

Tiền Giang, ngày 17 tháng 10 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN DỰ ÁN “XÂY DỰNG XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN KHÔNG CÓ TỆ NẠN MA TÚY” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG

Thực hiện Quyết định số 4060/QĐ-BCA-C11 ngày 26 tháng 7 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt Dự án “Xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy”, Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra kế hoạch thực hiện với mục tiêu yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền cấp xã; phát huy vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở, động viên nhân dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm và phòng, chống ma túy, giữ gìn trật tự xã hội.

2. Tiến hành đồng bộ các giải pháp để kiềm chế và làm giảm sự gia tăng của tội phạm ma túy và người nghiện ma túy; giữ vững không để phát sinh tệ nạn nghiện ma túy ở số xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy; phấn đấu để các xã, phường, thị trấn ít phức tạp về ma túy trở thành địa bàn trong sạch không có tệ nạn ma túy. Cơ bản không để trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy trái phép.

3. Phấn đấu đến năm 2015 toàn tỉnh giảm ít nhất 20% số người nghiện ma túy hiện có; giảm ít nhất 10% số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy so với năm 2012.

II. NỘI DUNG VÀ BIỆN PHÁP CỤ THỂ

1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và hiệu lực quản lý của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (cấp xã) phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn

- Đề nghị cấp ủy Đảng tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và giám sát công tác phòng, chống ma túy thông qua việc ban hành Nghị quyết, Chỉ thị chỉ đạo các chi bộ cơ sở và Đảng viên; định kỳ sơ kết, tổng kết để kịp thời đề ra chủ trương, đường lối cho phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn.

- Ủy ban nhân dân cấp xã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống ma túy; chỉ đạo xây dựng, triển khai và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch phòng, chống ma túy của khu dân cư, ấp, khu phố. Nắm vững và quản lý chặt chẽ số người nghiện ma túy, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn có khả năng bị lợi dụng thực hiện các hoạt động bất hợp pháp về ma túy.

- Nêu cao vai trò, trách nhiệm của lực lượng Công an xã, phường, thị trấn trong tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền tổ chức thực hiện công tác phòng, chống ma túy.

- Chỉ đạo và huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội, các cơ quan đơn vị, trường học trên địa bàn và nhân dân vào công tác phòng, chống ma túy.

2. Tổ chức phân loại tình trạng tệ nạn ma túy tại xã, phường, thị trấn và tổ chức ký cam kết, thực hiện xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy

a) Tổ chức phân loại tình trạng tệ nạn ma túy tại xã, phường, thị trấn

- Việc phân loại được dựa trên các tiêu chí xác định tình trạng tệ nạn ma túy ở các xã, phường, thị trấn được nêu trong Quyết định số 3122/2010/QĐ-BCA ngày 09/8/2010 của Bộ trưởng Bộ Công an về ban hành tiêu chí phân loại không có tệ nạn ma túy.

- Trình tự, thẩm quyền xác định tình trạng tệ nạn ma túy ở xã, phường, thị trấn:

+ Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tiến hành rà soát một cách đồng bộ và thống nhất về tình trạng tệ nạn ma túy tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

+ Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành thống kê, rà soát xác định tình trạng tệ nạn ma túy ở khu dân cư, ấp, khu phố trên địa bàn mình quản lý báo cáo lên Ban Chỉ đạo cấp huyện.

- Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã (cấp huyện) chịu trách nhiệm tập hợp báo cáo tình trạng tệ nạn ma túy tại các xã, phường, thị trấn của địa phương mình báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh (qua Công an tỉnh).

- Căn cứ báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Công an tỉnh thẩm tra xác nhận tình trạng tệ nạn ma túy tại các xã, phường, thị trấn của toàn tỉnh, trình lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký xác nhận.

b) Tổ chức đăng ký cam kết và thực hiện xây dựng, xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy

- Tổ chức cho tất cả các xã, phường, thị trấn, ấp, khu phố, khu dân cư, hộ gia đình đăng ký xây dựng xã, phường, thị trấn, ấp, khu phố, khu dân cư, gia đình không có tệ nạn ma túy.

- Xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy phù hợp với từng địa bàn; cấp tỉnh, huyện chọn một số xã, phường, thị trấn để chỉ đạo làm điểm thực hiện.

3. Bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ tham gia công tác phòng, chống ma túy ở xã, phường, thị trấn

- Tổ chức tập huấn cho lực lượng: Công an, Y tế, Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, cán bộ làm công tác phòng, chống ma túy ở xã, phường, thị trấn nhằm trang bị kiến thức, nghiệp vụ trong việc vận động nhân dân tham gia phòng, chống ma túy; tuyên truyền giáo dục phòng, chống ma túy; quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện cai nghiện ma túy và quản lý sau cai; phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hành vi phạm tội về ma túy.

- Nội dung tập huấn: trang bị kiến thức về pháp luật phòng, chống ma túy, kỹ năng phát hiện đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về ma túy, thống kê người nghiện; kỹ năng vận động nhân dân tham gia phòng, chống ma túy và tuyên truyền giáo dục phòng, chống ma túy; kỹ năng quản lý, giáo dục, giúp đỡ người cai nghiện ma túy và quản lý sau cai.

- Tiến hành khảo sát để đề nghị cơ quan có thẩm quyền bổ sung chế độ, chính sách cho lực lượng Công an xã chuyên trách làm nhiệm vụ phòng, chống ma túy...

4. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng, chống ma túy bằng nhiều hình thức: dựng panô, treo khẩu hiệu, băng rol tại các địa điểm đông người qua lại và ở trung tâm các xã, phường, thị trấn; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, phát hành tài liệu tuyên truyền về các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy để giúp cho từng người dân, từng gia đình và cộng đồng hiểu rõ tác hại của ma túy, cách nhận biết người nghiện, cách phòng chống ma túy và nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực tham gia phòng chống ma túy.

- Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền của các tổ chức, đoàn thể xã hội, những người có uy tín trong dòng họ, chức sắc trong các tổ chức tôn giáo, trưởng ấp, khu phố, người tiêu biểu trong xã, phường, thị trấn, hình thành mạng lưới tuyên truyền viên trong cộng đồng dân cư; tập trung tuyên truyền vào các đối tượng có nguy cơ cao.

- Tổ chức tốt công tác phát động phong trào toàn dân ở khu dân cư, cơ quan, xí nghiệp, trường học... tham gia đấu tranh trấn áp tội phạm ma túy, cảm hóa, giáo dục các đối tượng có quá khứ phạm tội ma túy và nghiện ma túy, tạo điều kiện giữ họ không tái phạm, tái nghiện, ngăn chặn tác động xấu ngoài môi trường xã hội đến các đối tượng này.

- Thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về chủ đề phòng, chống ma túy cho cán bộ làm công tác tuyên truyền; đổi mới các hình thức tuyên truyền trực tiếp trong các cơ quan, đơn vị, trường học và trong nhân dân; thường xuyên mở các đợt cao điểm vận động nhân dân tích cực tham gia phát hiện tố giác tội phạm ma túy và người nghiện ma túy.

5. Đăng ký và quản lý người nghiện ma túy; tiến hành cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng; quản lý, tạo điều kiện cho người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng; tiến hành các biện pháp phòng, chống tái nghiện

- Tổ chức cho người nghiện đăng ký tình trạng nghiện ma túy và hình thức cai nghiện.

- Tiến hành rà soát, thống kê, lập danh sách những người nghiện ma túy ở xã, phường, thị trấn; phân loại đối tượng nghiện để áp dụng các hình thức cai nghiện phù hợp.

- Lập hồ sơ đề nghị xét duyệt người đi cai nghiện tập trung.

- Tổ chức các hình thức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng phù hợp với thực tiễn của địa phương mình.

- Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, đoàn thể thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, quản lý, giáo dục người cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao và các hoạt động xã hội khác nhằm giúp người cai nghiện ma túy phục hồi sức khỏe, nhân cách và hòa nhập cộng đồng.

- Tạo điều kiện cho người đã cai nghiện được học nghề, tìm việc làm, vay vốn, sản xuất, kinh doanh và tiếp cận với các dịch vụ y tế, xã hội, phòng chống tái nghiện ma túy; huy động các tổ chức, cá nhân giúp đỡ, hỗ trợ tạo điều kiện cho người đã cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng; xây dựng các mô hình quản lý sau cai.

6. Tổ chức các hoạt động phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm về ma túy ở xã, phường, thị trấn

- Chỉ đạo mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy. Phối hợp các ngành chức năng phòng ngừa, phát hiện và triệt xóa kịp thời các tụ điểm, điểm mua bán lẻ ma túy tại xã, phường, thị trấn. Tăng cường tuần tra, kiểm tra tại các tụ điểm phức tạp về ma túy để ngăn ngừa việc tụ tập mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy.

- Quản lý, giáo dục số người nghiện ma túy tại xã, phường, thị trấn; những người đã chấp hành xong hình phạt tù hoặc xử phạt hành chính từ các trại tạm giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc trở về địa phương.

- Củng cố, duy trì nâng cao hiệu quả thu thập thông tin liên quan đến tệ nạn ma túy qua các “đường dây nóng”, “hòm thư tố giác tội phạm và tệ nạn ma túy” để động viên, tạo điều kiện cho nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm và người nghiện ma túy tại cộng đồng dân cư.

- Mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ nhân dân tự quản, Tổ an ninh công nhân... làm nòng cốt trong việc phát hiện, đấu tranh với tệ nạn ma túy ở khu dân cư.

7. Vận động nhân dân không trồng cây có chứa chất ma túy; tổ chức kiểm tra, phát hiện và phá nhổ diện tích trồng cây có chứa chất ma túy

- Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân không trồng cây có chứa chất ma túy; kịp thời phát hiện, tố giác việc trồng cây có chứa chất ma túy.

- Thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xóa bỏ kịp thời cây có chứa chất ma túy.

III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Công an tỉnh

Là cơ quan chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh giúp Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Dự án có trách nhiệm:

- Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Dự án đến cấp xã; thống kê phân loại và xác nhận tình trạng tệ nạn ma túy tại các xã, phường, thị trấn theo các tiêu chí của Dự án (theo phụ lục II đính kèm).

- Chỉ đạo Công an huyện, thành, thị tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng tình hình tệ nạn ma túy ở xã, phường, thị trấn; tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện Dự án “Xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy tại địa phương mình” (thời gian thực hiện từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2013).

- Chọn thí điểm xây dựng một số xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy ở các địa bàn điểm như: huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy, huyện Châu Thành, thành phố Mỹ Tho và thị xã Gò Công. Đồng thời hỗ trợ và tập trung chỉ đạo một số xã, phường, thị trấn phức tạp về tệ nạn ma túy.

- Chủ trì phối hợp với các ngành, đoàn thể liên quan kiểm tra, đánh giá, định kỳ sơ kết, rút kinh nghiệm; hướng dẫn tổ chức xét công nhận xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy. Tổng hợp tình hình, đề xuất khen thưởng các xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy.

2. Bộ đội Biên phòng tỉnh

- Chỉ đạo lực lượng Biên phòng tham gia công tác xây dựng xã, phường, thị trấn không ma túy trên địa bàn biên giới biển; chỉ đạo triệt phá các tụ điểm ma túy trên địa bàn quản lý; xây dựng một số mô hình điểm Biên phòng tham gia xây dựng xã, phường, thị trấn không ma túy.

- Phối hợp với các ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương thực hiện tốt chương trình quân dân y kết hợp cai nghiện tại cộng đồng cho các đối tượng nghiện ma túy tại các xã biên giới biển.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện tại gia đình, cộng đồng ở xã, phường, thị trấn, công tác lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy vào cơ sở chữa bệnh.

- Chỉ đạo Phòng Lao động Thương binh và Xã hội các địa phương phối hợp với Công an, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp thực hiện phân loại và đánh giá xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy theo Nghị quyết Liên tịch số 01/2008/NQLT-LĐTBXH-BCA-BVHTTDL-UBMTTQVN ngày 28/8/2008 về tổ chức xét công nhận xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy.

4. Sở Y tế

Chỉ đạo các cơ sở y tế, đặc biệt là y tế xã, phường, thị trấn tổ chức tốt việc phối hợp với các ngành và địa phương trong việc xét nghiệm xác định người nghiện ma túy, thực hiện phác đồ cai nghiện ma túy và thuốc hỗ trợ cắt cơn, phục hồi sức khỏe cho người cai nghiện tại gia đình và cộng đồng

5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Liên đoàn Lao động, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân tỉnh:

- Chỉ đạo theo ngành dọc hướng dẫn hội viên, đoàn viên tích cực tham gia công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy; quản lý, giáo dục, cảm hóa người nghiện và người đã cai nghiện ở xã, phường, thị trấn; phát hiện, tố giác tội phạm.

- Chỉ đạo xây dựng các mô hình điểm phòng, chống ma túy có hiệu quả; lồng ghép công tác phòng, chống ma túy với phong trào khác đang phát triển tại xã, phường, thị trấn.

- Tham gia việc kiểm tra, giám sát thực hiện Dự án.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã

- Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Dự án đến cấp xã; đồng thời chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn lập kế hoạch thực hiện các nội dung phòng, chống ma túy thuộc chức năng nhiệm vụ của xã, phường, thị trấn; tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện (Các hoạt động triển khai ở xã, phường, thị trấn theo phụ lục III đính kèm).

- Tổ chức phân loại tình trạng tệ nạn ma túy tại xã, phường, thị trấn theo tiêu chí của Dự án (theo phụ lục II đính kèm) và chỉ đạo việc tổ chức ký cam kết xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy.

- Chỉ đạo xây dựng các mô hình điểm về xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy ở địa phương.

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ phòng, chống ma túy cho cán bộ làm công tác phòng, chống ma túy tại xã, phường, thị trấn.

- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các ngành, đoàn thể cấp huyện và xã thực hiện Dự án ở địa phương mình.

7. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn

Tổ chức thực hiện các nội dung của Dự án được quy định tại mục IV (Nội dung và các biện pháp thực hiện) ngoài các nội dung do cấp tỉnh và cấp huyện thực hiện. Chủ trì về công tác phòng, chống ma túy; xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các mặt công tác phòng, chống ma túy; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện ở cấp mình.

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, các cơ quan đơn vị trên địa bàn xã, phường, thị trấn

a) Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã, phường, thị trấn:

- Đưa nội dung và các hoạt động phòng, chống ma túy vào nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

- Tổ chức cho các thành viên của Ủy ban Mặt trận ký cam kết không có ma túy và tham gia công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; quản lý, giáo dục, tạo công ăn việc làm cho người đã cai nghiện hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa tái nghiện.

b) Các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội của xã, phường, thị trấn: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thành niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi tổ chức các hoạt động vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia phòng, chống ma túy;

c) Các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, trường học đóng trên địa bàn xã, phường, thị trấn có trách nhiệm xây dựng cơ quan, doanh nghiệp, trường học trong sạch, không ma túy; cam kết thực hiện trong nội bộ và phối hợp chặt chẽ với chính quyền xã, phường, thị trấn trong phòng, chống ma túy.

III. KINH PHÍ VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện Dự án từ nguồn kinh phí thường xuyên hàng năm của Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống ma túy do trung ương hỗ trợ và kinh phí của tỉnh.

2. Thời gian thực hiện: Từ khi triển khai đến hết năm 2015.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao Công an tỉnh chủ trì giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện các nội dung Dự án và kế hoạch này đến cấp xã; theo dõi việc cấp phát, quản lý kinh phí thực hiện Dự án đến xã, phường, thị trấn.

2. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở nguồn ngân sách được Trung ương phê duyệt và thông báo của Bộ Tài chính phối hợp Công an tỉnh hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng kinh phí thực hiện Dự án, đảm bảo việc sử dụng kinh phí tiết kiệm, đúng mục đích, chặt chẽ về tài chính và có hiệu quả cao.

3. Các sở, ngành: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Sở Thông tin - Truyền thông; Sở Y tế và đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân tỉnh phối hợp thực hiện kế hoạch này, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, tổ chức mình ở địa phương, cơ sở thực hiện.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã căn cứ vào nội dung kế hoạch này, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Dự án ở địa phương mình đến cấp xã.

5. Định kỳ 6 tháng và hàng năm, các sở, ngành, đoàn thể tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã có báo cáo chuyên đề về thực hiện Kế hoạch này gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Công an tỉnh) để tập hợp báo cáo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh và Bộ Công an. Thời gian báo cáo cụ thể như sau:

- Báo cáo 6 tháng: Chậm nhất vào ngày 20/5;

- Báo cáo hàng năm: Chậm nhất vào ngày 15/11 của năm;

- Báo cáo tổng kết thực hiện Dự án: Chậm nhất ngày 20/01/2016.

6. Giao Công an tỉnh giúp Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này; tổ chức sơ, tổng kết và tổng hợp báo cáo gửi Bộ Công an theo quy định./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Kim Mai

 

PHỤ LỤC II: Tiêu chí phân loại xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy (kèm theo Dự án 4 - Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2012 - 2015)

(căn cứ quyết định số 3122/QĐ-BCA ngày 9/8/2010)

- Xã, phường, thị trấn trọng điểm về ma túy loại I nếu có một trong các tiêu chí:

+ Có từ 100 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trở lên;

+ Có từ 5 tụ điểm tệ nạn ma túy trở lên;

+ Có diện tích trồng cây có chứa chất ma túy từ 2.000 m2 trở lên;

+ Tỷ lệ đối tượng phạm tội về ma túy so với dân số tại xã, phường, thị trấn từ 0.5% trở lên.

+ Có ít nhất 1 trong các tiêu chí tại loại II và nằm trên tuyến trọng điểm về buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.

- Xã, phường, thị trấn trọng điểm về ma túy loại II nếu có một trong các tiêu chí:

+ Có từ 60 người nghiện đến dưới 100 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý;

+ Có từ 3 đến 4 tụ điểm tệ nạn ma túy;

+ Có diện tích trồng cây có chứa chất ma túy từ 1.000 m2 đến dưới 2.000 m2;

+ Tỷ lệ đối tượng phạm tội về ma túy trên số dân tại xã, phường, thị trấn từ 0,3% đến dưới 0,5%.

+ Có ít nhất 1 trong các tiêu chí tại loại III và nằm trên tuyến trọng điểm về buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy.

- Xã, phường, thị trấn trọng điểm về ma túy loại III nếu có một trong các tiêu chí:

+ Có từ 20 người đến dưới 60 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý;

+ Có từ 1 đến 2 tụ điểm tệ nạn ma túy;

+ Có diện tích trồng cây có chứa chất ma túy dưới 1.000 m2;

+ Tỷ lệ đối tượng phạm tội về ma túy so với số dân tại xã, phường, thị trấn từ 0,1% đến dưới 0,3%.

- Xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy ít phức tạp là những xã phường thị trấn có dưới 20 người nghiện ma túy, không có hoặc có nhưng ở mức thấp hơn so với các tiêu chí của xã, phường, thị trấn trọng điểm loại III.

- Xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy là các xã, phường, thị trấn không có người nghiện ma túy, không tội phạm về ma túy và các hành vi trái phép khác về ma túy.

PHỤ LỤC III: Các hoạt động triển khai ở xã, phường trong khuôn khổ Dự án (kèm theo Dự án 4 - Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2012 - 2015)

Nhóm việc

Nội dung công việc

Nâng cao năng lực chuyên môn cho người tham gia công tác phòng chống ma túy ở xã, phường, thị trấn

Tập huấn cho các tổ chức, xã hội chính trị ở cơ sở (Hội cựu chiến binh; Mặt trận tổ quốc; Hội phụ nữ; Đoàn Thanh niên; Công an xã; Trưởng, phó thôn; Cán bộ xã,…)

Tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy

- In và phát tài liệu tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy để tuyên truyền tại các xã, phường, thị trấn (Từng hộ; trường học; tại các đơn vị có trụ sở trên địa bàn; điểm văn hóa xã, phường…)

- Hoạt động tuyên truyền qua hệ thống phát thanh cơ sở

- Tổ chức cuộc thi tìm hiểu về công tác phòng, chống ma túy; tổ chức các buổi giao lưu nói chuyện trong các cơ quan đơn vị, trường học, xóm, bản, làng

- Tổ chức ký cam kết không trồng cây có chứa chất ma túy…

- Làm bảng tin, Panô, kẻ vẽ khẩu hiệu với nội dung tuyên truyền phòng, chống ma túy

Cai nghiện và quản lý sau cai tại gia đình và cộng đồng; tiến hành các biện pháp phòng, chống tái nghiện

- Lập, thẩm tra, xét duyệt hồ sơ cai nghiện

- Hỗ trợ cán bộ tham gia công tác cai nghiện tại cộng đồng

- Hỗ trợ cán bộ tư vấn người nghiện tại gia đình và cộng đồng;

- Chi hỗ trợ cho cán bộ theo dõi, quản lý đối tượng cai nghiện tại gia đình và cộng đồng

Phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm về ma túy ở xã, phường, thị trấn; triệt xóa cây trồng có chứa chất ma túy

- Trang bị công cụ hỗ trợ phục vụ công tác tuần tra, canh gác.

- Tổ chức triệt xóa tụ điểm, tổ chức sử dụng, tàng trữ, mua bán, vận chuyển ma túy.

- Hỗ trợ công tác giám định các chất ma túy

- Hỗ trợ người tham gia tuần tra, canh gác, cộng tác viên, người cung cấp tin.

- Lập và duy trì “Đường dây nóng”, “Hòm thư tố giác tội phạm và tệ nạn ma túy”

- Tổ chức kiểm tra, phát hiện và triệt phá diện tích trồng cây có chứa chất ma túy

*) Ghi chú: Trên đây là nội dung công việc được thực hiện trong khuôn khổ Dự án. Tùy tình hình cụ thể và mức kinh phí, các xã, phường, thị trấn lựa chọn các hoạt động phù hợp và hiệu quả để triển khai thực hiện. Định mức chi cho từng loại công việc được áp dụng theo các văn bản hướng dẫn hiện hành.