Kế hoạch 161/KH-UBND năm 2017 về nâng cao vị thứ xếp hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
Số hiệu: | 161/KH-UBND | Loại văn bản: | Văn bản khác |
Nơi ban hành: | Tỉnh Thừa Thiên Huế | Người ký: | Phan Ngọc Thọ |
Ngày ban hành: | 28/07/2017 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, Tổ chức bộ máy nhà nước, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 161/KH-UBND |
Thừa Thiên Huế, ngày 28 tháng 7 năm 2017 |
KẾ HOẠCH
NÂNG CAO VỊ THỨ XẾP HẠNG CHỈ SỐ HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ VÀ HÀNH CHÍNH CÔNG NĂM 2017
I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ XẾP HẠNG CHỈ SỐ QUẢN TRỊ VÀ HÀNH CHÍNH CÔNG (PAPI) CỦA TỈNH NĂM 2016
1. Giới thiệu chung.
a) Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ phản ánh tiếng nói chung của người dân về mức độ hiệu quả của bộ máy nhà nước và chất lượng cung ứng dịch vụ của chính quyền các cấp.
b) Chỉ số PAPI được tổng hợp từ phân tích kết quả khảo sát trải nghiệm của người dân về hiệu quả thực thi chính sách quản trị và hành chính công, nhằm mục đích cung cấp thông tin, dữ liệu cập nhật hàng năm và góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.
c) Nội dung nghiên cứu PAPI 2016 bao gồm: 6 chỉ số nội dung, 22 chỉ số nội dung thành phần; trong đó có hơn 90 chỉ tiêu chính, hơn 500 câu hỏi về nhiều vấn đề chính sách của Việt Nam.
d) Kết quả đánh giá Chỉ số PAPI của tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2016, được tổng hợp từ việc khảo sát phản ánh đánh giá của 240 người dân trên địa bàn tỉnh tại 12 thôn, tổ dân phố thuộc 6 phường, xã, thị trấn của 3 huyện, thị xã, thành phố gồm: các xã Phong Sơn, thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền); xã Hương Thọ, phường Tứ Hạ (thị xã Hương Trà); phường Vĩnh Ninh, Vĩ Dạ (thành phố Huế).
2. Đánh giá kết quả cụ thể.
Năm 2016, Chỉ số PAPI của tỉnh Thừa Thiên Huế đạt 35,34/60 điểm (điểm không có trọng số) nằm trong nhóm đạt điểm trung bình thấp của cả nước và thấp nhất trong khu vực bắc miền Trung, số điểm cụ thể đối với các chỉ số nội dung là:
a) Chỉ số lĩnh vực nội dung Tham gia của người dân ở cấp cơ sở: Tối đa 10 điểm, gồm 4 chỉ số nội dung thành phần (Tri thức công dân về tham gia; cơ hội tham gia; chất lượng bầu cử; đóng góp tự nguyện), mỗi nội dung thành phần 2,5 điểm.
- Tỉnh Thừa Thiên Huế đạt 5,10 điểm; xếp vị thứ 45/63 tỉnh, thành của cả nước (điểm trung bình của toàn quốc là 5,15, tỉnh đạt điểm cao nhất là Hà Tĩnh với 6,81 điểm; thấp nhất là Trà Vinh với 4,43 điểm).
- Chỉ số nội dung thành phần Tri thức công dân tham gia: Tỉnh đạt 1,13 điểm (tỉnh đạt điểm cao nhất là Bắc Giang với 1,50 điểm, thấp nhất là Trà Vinh với 0,79 điểm).
- Chỉ số nội dung thành phần Cơ hội tham gia: Tỉnh đạt 1,77 điểm (tỉnh đạt điểm cao nhất là Hà Tĩnh với 2,13 điểm, thấp nhất là An Giang với 1,55 điểm).
- Chỉ số nội dung thành phần Chất lượng bầu cử: Tỉnh đạt 1,42 điểm (tỉnh đạt điểm cao nhất là Thái Nguyên với 1,87 điểm, thấp nhất là An Giang với 1,15 điểm).
- Chỉ số nội dung thành phần Đóng góp tự nguyện: Tỉnh đạt 0,77 điểm (tỉnh đạt điểm cao nhất là Hà Tĩnh với 1,42 điểm, thấp nhất là Quảng Ninh với 0,59 điểm).
b) Chỉ số lĩnh vực nội dung Công khai, minh bạch: Tối đa 10 điểm, gồm 3 chỉ số nội dung thành phần (Danh sách hộ nghèo: 3,3 điểm; thu, chi ngân sách cấp xã/phường: 3,3 điểm; quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất và giá đền bù đất: 3,4 điểm).
- Tỉnh Thừa Thiên Huế đạt 5,14 điểm; xếp vị thứ 52/63 tỉnh, thành của cả nước (tỉnh đạt điểm cao nhất là Bắc Ninh với 6,49 điểm; thấp nhất là 02 tỉnh: Bạc Liêu và Cà Mau với 4,81 điểm).
- Chỉ số nội dung thành phần Danh sách hộ nghèo: Tỉnh đạt 2,16 điểm (tỉnh đạt điểm cao nhất là Bắc Ninh với 2,77 điểm, thấp nhất là Sóc Trăng với 1,62 điểm).
- Chỉ số nội dung thành phần Ngân sách cấp xã: Tỉnh đạt 1,54 điểm (tỉnh đạt điểm cao nhất là Bình Phước với 2,11 điểm, thấp nhất là Cà Mau với 1,33 điểm).
- Chỉ số nội dung thành phần Quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất và giá đền bù đất: Tỉnh đạt 1,44 điểm (tỉnh đạt điểm cao nhất là Đà Nẵng với 2,07 điểm, thấp nhất là Bình Phước với 1,43 điểm).
c) Chỉ số lĩnh vực nội dung Trách nhiệm giải trình với người dân: Tối đa 10 điểm, gồm 3 chỉ số nội dung thành phần (Mức độ và hiệu quả trong tiếp xúc với chính quyền: 3,3 điểm; Đáp ứng kiến nghị của người dân: 3,3 điểm; Hiệu quả của Ban Thanh tra nhân dân: 3,3 điểm).
- Tỉnh Thừa Thiên Huế đạt 5,24 điểm; xếp vị thứ 16/63 tỉnh, thành của cả nước (tỉnh đạt điểm cao nhất là Quảng Ngãi với 5,97 điểm; tỉnh thấp nhất là Kiên Giang với 4,13 điểm).
- Chỉ số nội dung thành phần Mức độ và hiệu quả trong tiếp xúc với chính quyền: Tỉnh đạt 2,08 điểm (tỉnh đạt điểm cao nhất là Cần Thơ với 2,59 điểm, thấp nhất là Hà Giang với 1,69 điểm).
- Chỉ số nội dung thành phần Đáp ứng kiến nghị của người dân: Tỉnh đạt 2,07 điểm (tỉnh đạt điểm cao nhất là Quảng Ngãi với 2,20 điểm, thấp nhất là Khánh Hòa với 0,95 điểm).
- Chỉ số nội dung thành phần Hiệu quả Ban Thanh tra nhân dân (Ban TTND): Tỉnh đạt 1,09 điểm (tỉnh đạt điểm cao nhất là Hải Dương với 1,65 điểm, thấp nhất là Thành phố Hồ Chí Minh với 1,00 điểm).
d) Chỉ số lĩnh vực nội dung Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công: Tối đa 10 điểm, gồm 4 chỉ số nội dung thành phần (Kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương; kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công; công bằng trong xin việc làm trong khu vực công; quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền địa phương) mỗi nội dung thành phần 2,5 điểm.
- Tỉnh Thừa Thiên Huế đạt 5,61 điểm; xếp vị thứ 43/63 tỉnh, thành của cả nước (tỉnh đạt điểm cao nhất là Cần Thơ với 7,14 điểm; tỉnh thấp nhất là Bình Dương với 4,31 điểm).
- Chỉ số nội dung thành phần Kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương: Tỉnh đạt 1,31 điểm (tỉnh đạt điểm cao nhất là Hà Tĩnh với 1,97 điểm, thấp nhất là Bình Dương với 0,70 điểm).
- Chỉ số nội dung thành phần Kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công: Tỉnh đạt 1,78 điểm (tỉnh đạt điểm cao nhất là Đồng Tháp với 2,09 điểm, thấp nhất là Bình Dương với 1,32 điểm).
- Chỉ số nội dung thành phần Công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công: Tỉnh đạt 0,76 điểm (tỉnh đạt điểm cao nhất là Tiền Giang với 1,45 điểm, thấp nhất là Bình Dương với 0,63 điểm).
- Chỉ số nội dung thành phần Quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền địa phương: Tỉnh đạt 1,76 điểm (tỉnh đạt điểm cao nhất là Đà Nẵng với 1,92 điểm, thấp nhất là Quảng Ngãi với 1,22 điểm).
đ) Chỉ số lĩnh vực nội dung Thủ tục hành chính công:
Tối đa 10 điểm, gồm 4 chỉ số nội dung thành phần (Dịch vụ chứng thực, xác nhận của chính quyền; thủ tục xin cấp phép xây dựng; thủ tục liên quan đến giấy CNQSD đất; thủ tục hành chính được cấp ở cấp xã/phường) mỗi nội dung thành phần 2,5 điểm.
- Tỉnh Thừa Thiên Huế đạt 6,75 điểm; xếp vị thứ 61/63 tỉnh, thành của cả nước (đạt điểm cao nhất là Quảng Bình với 7,67 điểm; thấp nhất là Hà Giang với 6,64 điểm).
- Chỉ số nội dung thành phần Dịch vụ chứng thực, xác nhận của chính quyền: Tỉnh đạt 1,76 điểm (tỉnh đạt điểm cao nhất là Quảng Bình với 2,06 điểm, thấp nhất là Trà Vinh với 1,56 điểm).
- Chỉ số nội dung thành phần Thủ tục cấp phép xây dựng: Tỉnh đạt 1,63 điểm (tỉnh đạt điểm cao nhất là Hải Phòng với 1,98 điểm, thấp nhất là Lạng Sơn với 1,55 điểm).
- Chỉ số nội dung thành phần Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSD): Tỉnh đạt 1,44 điểm (tỉnh đạt điểm cao nhất là Đồng Tháp với 1,89 điểm, thấp nhất là Hòa Bình với 1,43 điểm).
- Chỉ số nội dung thành phần Thủ tục hành chính ở cấp xã/phường: Tỉnh đạt 1,92 điểm (tỉnh đạt điểm cao nhất là Quảng Bình với 2,09 điểm, thấp nhất là Quảng Ninh với 1,76 điểm).
e) Chỉ số lĩnh vực nội dung Cung ứng dịch vụ công: Tối đa 10 điểm, gồm 4 chỉ số nội dung thành phần (Y tế công lập; giáo dục tiểu học công lập; cơ sở hạ tầng căn bản; an ninh trật tự địa bàn khu dân cư) mỗi nội dung thành phần 2,5 điểm.
- Tỉnh Thừa Thiên Huế đạt 7,49 điểm; xếp vị thứ 07/63 tỉnh, thành của cả nước (tỉnh đạt điểm cao nhất là Đà Nẵng với 8,03 điểm; thấp nhất là Quảng Ninh và Quảng Ngãi với cùng điểm số 6,42 điểm).
- Chỉ số nội dung thành phần Y tế công lập: Tỉnh đạt 1,99 điểm (tỉnh đạt điểm cao nhất là Hà Tĩnh với 2,17 điểm, thấp nhất là Bình Dương với 1,64 điểm).
- Chỉ số nội dung thành phần Giáo dục tiểu học công lập: Tỉnh đạt 1,56 điểm (tỉnh đạt điểm cao nhất là Bà Rịa - Vũng Tàu với 2,05 điểm, thấp nhất là Quảng Ngãi với 1,22 điểm).
- Chỉ số nội dung thành phần Cơ sở hạ tầng căn bản: Tỉnh đạt 2,23 điểm (tỉnh đạt điểm cao nhất là Hải Phòng với 2,43 điểm, thấp nhất là Tiền Giang với 1,25 điểm).
- Chỉ số nội dung thành phần An ninh, trật tự tại địa bàn khu dân cư: Tỉnh đạt 1,72 điểm (tỉnh đạt điểm cao nhất là Cần Thơ với 1,79 điểm, thấp nhất là Khánh Hòa với 1,49 điểm).
II. KẾ HOẠCH NÂNG CAO VỊ TRÍ XẾP HẠNG PAPI NĂM 2017 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO
1. Mục tiêu.
a) Mục tiêu chung:
- Góp phần vào thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 ban hành tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ.
- Tăng cường hơn nữa, để tăng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh hàng năm.
- Nâng cao hơn nữa mức độ hài lòng của người dân đối với nền hành chính nói chung cũng như các dịch vụ công và cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm phục vụ người dân nói riêng.
b) Mục tiêu cụ thể:
Đưa tỉnh Thừa Thiên Huế từ nhóm đạt điểm trung bình thấp của cả nước trở thành tỉnh xếp trong nhóm đạt điểm cao của cả nước.
2. Nhiệm vụ.
a) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh:
- Phối hợp với Sở Nội vụ để tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung các văn bản: Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã/phường/thị trấn, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân,...
- Rà soát và tìm biện pháp tăng cường hiệu quả của các thiết chế đảm bảo trách nhiệm giải trình của chính quyền với người dân, trong đó có Ban Thanh tra nhân dân.
- Định kỳ hàng năm, khi nhận được Kế hoạch điều tra, khảo sát về PAPI có báo cáo UBND tỉnh thông qua Sở Nội vụ để kịp thời nắm bắt được thông tin nhằm cung cấp số liệu về đối tượng cần điều tra, khảo sát cho phù hợp.
b) Sở Nội vụ:
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với công chức làm việc tại Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả các xã, phường, thị trấn. Qua đó nhằm chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong hoạt động tại các Trung tâm Hành chính công và Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp xã. Chú trọng việc lựa chọn các địa phương để tiến hành điều tra, khảo sát liên quan đến các nội dung đạt điểm thấp như: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở công khai, minh bạch; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công.
Tiếp tục đẩy mạnh việc tập huấn công tác CCHC nói riêng và quy trình tiếp nhận, giải quyết và giao trả kết quả giải quyết TTHC nói riêng cho công chức làm việc tại Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả ở cấp xã. Chú trọng hơn nữa về kỹ năng tiếp xúc với người dân trong thực thi công vụ và năng lực thừa hành các nhiệm vụ được giao trong xử lý thủ tục hành chính và cung ứng dịch vụ công cho người dân.
c) Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Rà soát lại toàn bộ trường Tiểu học công lập tại tỉnh. Báo cáo hiện trạng và tập trung vào 10 tiêu chí sau: Lớp học là nhà kiên cố; nhà vệ sinh sạch sẽ; học sinh có nước uống sạch ở trường; lớp học dưới 36 học sinh; học sinh không phải học ca ba; giáo viên không ưu ái học sinh học thêm; giáo viên có trình độ sư phạm tốt; phụ huynh thường xuyên nhận được phản hồi; nhà trường công khai thu chi với phụ huynh học sinh (Điều lệ Hội cha mẹ học sinh kiểm tra việc thực hiện).
- Có kế hoạch trình UBND tỉnh xem xét nhằm cải thiện hơn nữa chất lượng dịch vụ của trường Tiểu học công lập tại tỉnh trong thời gian sắp đến.
d) Sở Y tế:
- Rà soát lại toàn bộ hệ thống Bệnh viện công lập tuyến huyện/thị xã/thành phố. Báo cáo hiện trạng và tổ chức hoạt động. Tập trung vào 10 tiêu chí sau: Người bệnh không phải nằm chung giường; phòng bệnh có quạt máy; nhà vệ sinh sạch sẽ; cán bộ y tế trực thường xuyên; thái độ phục vụ bệnh nhân tốt; chi phí khám chữa bệnh hợp lý; không phải chờ đợi quá lâu; khỏi hẳn bệnh khi xuất viện; bác sĩ không chỉ định điểm mua thuốc; hài lòng với dịch vụ y tế ở bệnh viện.
- Có kế hoạch trình UBND tỉnh xem xét, nâng cấp hệ thống Bệnh viện công lập tuyến huyện/thị xã/thành phố nhằm đảm bảo phục vụ tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.
đ) UBND các xã, phường, thị trấn:
- Phối hợp với UBMTTQ Việt Nam cùng cấp:
+ Thông tin cho người dân biết được quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia bầu cử (trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng,…) tại địa phương.
+ Thường xuyên tuyên truyền phổ biến cho người dân biết được hoạt động của Ban TTND và Ban GSĐT CĐ.
- Định kỳ hàng năm cần phải công bố công khai: Danh sách hộ nghèo (đảm bảo đúng đối tượng); thu, chi ngân sách của đơn vị, địa phương theo đúng quy định; bản đồ quy hoạch, khung giá bồi thường thu hồi đất,... Niêm yết ở những nơi người dân có thể đọc, theo dõi được thay vì chỉ niêm yết trong trụ sở cơ quan một cách hình thức.
- Tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội của người dân, tiếp thu đón nhận khuyến nghị, khiếu nại của người dân.
- Thường xuyên phổ biến, quán triệt cho người dân hiểu rõ về các văn bản: Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã/phường/thị trấn, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân,...
- Đổi mới các biện pháp huy động quyền tham gia bầu cử và ra quyết định của người dân thông qua việc tuân thủ các nguyên tắc bầu cử và quy trình tham vấn người dân và cộng đồng theo quy định của pháp luật.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các Sở: Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, UBND các đơn vị cấp xã:
- Thực hiện và phối hợp thực hiện đúng yêu cầu theo nhiệm vụ đã nêu.
- Báo cáo định kỳ về việc tổng hợp theo quy định của tỉnh về Sở Nội vụ trước ngày 30/8 hàng năm, nhằm phục vụ công tác đánh giá chỉ số PAPI chính xác, khách quan.
2. Sở Nội vụ tổng hợp, theo dõi tình hình thực hiện Kế hoạch vị thứ xếp hạng trong Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh hàng năm; báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý những đơn vị, địa phương không thực hiện, hoặc chậm thực hiện những nhiệm vụ đã nêu tại Kế hoạch./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |