Kế hoạch 159/KH-UBND năm 2016 bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2016-2021
Số hiệu: | 159/KH-UBND | Loại văn bản: | Văn bản khác |
Nơi ban hành: | Tỉnh Thừa Thiên Huế | Người ký: | Nguyễn Văn Cao |
Ngày ban hành: | 03/11/2016 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Cán bộ, công chức, viên chức, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 159/KH-UBND |
Thừa Thiên Huế, ngày 03 tháng 11 năm 2016 |
KẾ HOẠCH
BỒI DƯỠNG ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CẤP HUYỆN, CẤP XÃ, NHIỆM KỲ 2016 - 2021
Thực hiện Công văn số 2273/BNV-ĐT ngày 20/5/2016 của Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021;
Căn cứ nội dung chương trình bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2021 ban hành kèm theo Quyết định số 3366/QĐ-BNV ngày 07/9/2016 của Bộ Nội vụ, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2016 - 2021 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Hội đồng nhân dân (HĐND) là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương. Chất lượng hoạt động của HĐND phụ thuộc vào chất lượng của đại biểu HĐND. Vì vậy, vấn đề bồi dưỡng, trang bị kiến thức, kỹ năng và phương pháp hoạt động cho đại biểu HĐND là một trong những giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử ở địa phương.
2. Yêu cầu
- Các lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện tổ chức tại tỉnh, các lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp xã tổ chức tại các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo điều kiện và số lượng học viên từng lớp.
- Đảm bảo 100% đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2016 - 2021 được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và phương pháp hoạt động.
II. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH VÀ KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI
1. Nội dung chương trình: Gồm có 06 chuyên đề.
- Chuyên đề 1: Những điểm mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Chuyên đề 2: Hội nhập quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với tỉnh Thừa Thiên Huế; tình hình phát triển Kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2011 - 2016, những vấn đề đặt ra và kế hoạch phát triển Kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016 - 2021.
- Chuyên đề 3: Kỹ năng thuyết trình, kỹ năng tranh luận trong hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân.
- Chuyên đề 4: Kỹ năng phân tích, quyết định chính sách về phát triển Kinh tế - xã hội ở địa phương.
- Chuyên đề 5: Kỹ năng giám sát, kỹ năng tiếp xúc cử tri và tiếp công dân của đại biểu Hội đồng nhân dân.
- Ngoài 5 chuyên đề giảng dạy, trong nội dung chương trình còn bố trí thêm một buổi thảo luận, trao đổi, giải đáp những vướng mắc của đại biểu Hội đồng nhân dân và bế giảng lớp bồi dưỡng.
2. Kế hoạch triển khai
a) Đối với đại biểu HĐND và báo cáo viên cấp huyện
- Đối tượng: Toàn bộ 307 đại biểu HĐND các huyện, thị xã, thành phố và mỗi huyện, thị xã, thành phố cử thêm 08 người gồm: Lãnh đạo Phòng Nội vụ, Trung tâm bồi dưỡng Chính trị, giảng viên của Trung tâm bồi dưỡng Chính trị và báo cáo viên của các huyện, thị xã, thành phố.
- Số lượng và thời gian mở lớp: Mở 04 lớp bồi dưỡng tại Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh, thời gian mỗi lớp 03 ngày.
- Thời gian thực hiện:
+ Lớp thứ nhất: Từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 11 năm 2016.
Thành phần:
- Thường trực HĐND các huyện, thị xã, thành phố.
- Lãnh đạo Phòng Nội vụ, Trung tâm bồi dưỡng Chính trị; giảng viên của Trung tâm bồi dưỡng Chính trị và báo cáo viên của các huyện, thị xã, thành phố.
+ Lớp thứ hai: Từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 11 năm 2016.
Thành phần: 1/3 số lượng đại biểu HĐND các huyện, thị xã, thành phố.
+ Lớp thứ ba: Từ ngày 28 đến ngày 30 tháng 11 năm 2016.
Thành phần: 1/3 số lượng đại biểu HĐND các huyện, thị xã, thành phố.
+ Lớp thứ tư: Từ ngày 30 tháng 11 đến ngày 02 tháng 12 năm 2016.
Thành phần: Số lượng đại biểu HĐND các huyện, thị xã, thành phố còn lại và số đại biểu không tham dự được ở 03 lớp trước.
b) Đối với đại biểu HĐND cấp xã của các huyện, thị xã, thành phố
- Tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã là 3.862 đại biểu.
- Căn cứ vào số đại biểu HĐND cấp xã, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức mở các lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp xã.
- Thời gian thực hiện: Quý I, năm 2017.
- UBND các huyện, thị xã, thành phố nếu có nhu cầu về giảng viên thì liên hệ Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh để phân công, bố trí giảng viên phụ trách giảng dạy cho các lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp xã.
- Kinh phí in ấn tài liệu cho đại biểu HĐND cấp huyện và cấp xã, kinh phí mở 04 lớp bồi dưỡng tại Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh do ngân sách của tỉnh đảm nhận.
- Kinh phí mở các lớp bồi dưỡng cho đại biểu HĐND cấp xã do ngân sách các huyện, thị xã và thành phố đảm nhận.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Để theo dõi, triển khai kế hoạch tổ chức mở các lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2016 - 2021 đạt được kết quả và có chất lượng, Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ:
1. Sở Nội vụ chủ trì, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2016 - 2021.
- Thực hiện việc in ấn tài liệu bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã; chiêu sinh, mở các lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện.
- Theo dõi và tổng hợp, báo cáo kết quả bồi dưỡng đến Thường trực HĐND, UBND tỉnh và Bộ Nội vụ.
- Phối hợp Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh dự trù kinh phí biên soạn, in ấn tài liệu bồi dưỡng cho cấp huyện, cấp xã và kinh phí mở các lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện nhiệm kỳ 2016 - 2021.
2. Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh: Căn cứ tài liệu bồi dưỡng đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Bộ Nội vụ, Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh phân công giảng viên biên soạn bài giảng, tài liệu bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã.
- Tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đại biểu HĐND và báo cáo viên cấp huyện.
- Bố trí, phân công giảng viên phụ trách giảng dạy cho các lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã.
- Cấp Giấy chứng nhận cho các đại biểu đã tham dự các lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện.
3. Sở Tài chính thẩm định dự toán kinh phí mở các lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện để trình UBND tỉnh kịp thời cấp kinh phí mở các lớp bồi dưỡng theo đúng tiến độ thời gian của kế hoạch.
4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cử đại biểu HĐND và báo cáo viên tham dự các lớp theo kế hoạch của UBND tỉnh.
- Xây dựng kế hoạch và thực hiện việc chiêu sinh, mở các lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp xã ở địa phương theo thời gian đã quy định.
- Theo dõi, báo cáo kết quả bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp xã đến Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Thường trực HĐND, UBND tỉnh và Bộ Nội vụ.
Trong quá trình triển khai thực hiện, trường hợp có vướng mắc, các đơn vị kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) để được hướng dẫn, giải quyết./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |