Kế hoạch 157/KH-UBND năm 2020 về xây dựng Cơ sở dữ liệu Thông tin đối ngoại tỉnh Thừa Thiên Huế
Số hiệu: 157/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế Người ký: Phan Thiên Định
Ngày ban hành: 30/06/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Ngoại giao, điều ước quốc tế, Bưu chính, viễn thông, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 157/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 30 tháng 6 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Căn cứ Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 28/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hành động của Chính phủ về thông tin đối ngoại giai đoạn 2013 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 1486/QĐ-TTg ngày 06/11/2018 về việc Kế hoạch thông tin đối ngoại của Chính phủ giai đoạn 2018 - 2020;

Căn cứ Nghị định 72/2015/NĐ-CP ngày 07/09/2015 của Chính phủ về việc quản lý hoạt động thông tin đối ngoại;

Căn cứ Thông tư số 22/2016/TT- BTTTT ngày 19/10/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn quản lý hoạt động thông tin đối ngoại của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ Kế hoạch số 53-KH/BCĐ ngày 19/3/2019 của Ban Chỉ đạo công tác Thông tin đối ngoại về việc ban hành kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2019;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Xây dựng Cơ sở dữ liệu Thông tin đối ngoại tỉnh Thừa Thiên Huế với một số nội dung chủ yếu sau:

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Trong thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thông tin đối ngoại Thừa Thiên Huế luôn được lãnh đạo tỉnh, Ban chỉ đạo Công tác Thông tin đối ngoại của tỉnh, các cơ quan chuyên môn, ban ngành và các địa phương quan tâm triển khai tích cực. Công tác thông tin đối ngoại đã bám sát hoạt động đối ngoại Đảng, đối ngoại Nhà nước, đối ngoại nhân dân, của các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh, hình thành được nhiều tư liệu, sản phẩm thông tin đối ngoại có giá trị lý luận và thực tiễn, nâng cao vị thế đối ngoại của Thừa Thiên Huế.

Hệ thống thông tin đối ngoại quảng bá hình ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế bao gồm: “Các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo tỉnh; Thông tin được đăng tải trên Cổng/Trang thông tin điện tử của tỉnh, các cơ quan chuyên môn, UBND cấp huyện, bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài; Hệ thống dữ liệu quảng bá hình ảnh của tỉnh, xuất bản phẩm bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài; Hệ thống thông tin đối ngoại tại các cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường sắt; Các sản phẩm báo chí của các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và truyền thông nước ngoài, phổ biến qua mạng internet; Các hoạt động tiếp xúc, hợp tác với cơ quan báo chí nước ngoài; Các hoạt động truyền thông của các sự kiện lớn tổ chức tại tỉnh, thành phố và ở nước ngoài...” hiện nay khá phong phú, đa dạng, đang nằm riêng lẻ, phân tán trên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy, Sở Ngoại Vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Du lịch, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị tỉnh, các Hội hữu nghị đặc thù, Báo Thừa Thiên Huế online, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, Cổng thông tin Đảng bộ tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh, Trung tâm xúc tiến đầu tư về du lịch, Trung tâm Festival Huế, các cơ quan chuyên môn, các địa phương... chưa tập trung vào một hệ thống thông tin bài bản, khoa học, thiếu đầu mối quản lý, cập nhật, khai thác, chia sẻ, cung cấp, tham mưu thông tin đối ngoại chính thức, có trách nhiệm, hiệu quả.

Thực tế hoạt động thông tin đối ngoại tại tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn trong công tác quản lý, khai thác, đặc biệt là trong việc cập nhật, tổng hợp, chia sẻ cơ sở dữ liệu (CSDL) thông tin đối ngoại của tỉnh, cụ thể như: hệ thống văn bản về các kế hoạch thông tin đối ngoại của các ngành, địa phương hiện tại chỉ lưu trữ trên văn bản giấy, hoặc văn bản điện tử nhưng chưa lưu trữ trên hệ thống phần mềm quản lý điều hành tập trung của tỉnh (không thể kết nối công khai ra cộng đồng để quảng bá). Các video, hình ảnh quảng bá về tỉnh Thừa Thiên Huế của các ngành sau khi thực hiện công tác thông tin đối ngoại hiện nay lưu trữ tại đơn vị mình mà chưa có phương thức lưu trữ tập trung, chỉ thực hiện trong một thời gian cụ thể, không quảng bá, phát, đăng tải xuyên suốt. Tỉnh Thừa Thiên Huế chưa có cơ chế chia sẻ CSDL thông tin đối ngoại giữa các ngành và các địa phương, giữa tỉnh với các Ban, Bộ, ngành và địa phương khác; chưa có một kênh riêng chính thức, đầu mối về thông tin đối ngoại để các địa phương, ngành, doanh nghiệp FDI, đối tác và bạn bè quốc tế để tìm hiểu, nghiên cứu, trao đổi, thông tin tương tác chính thức.

Từ thực trạng đó, việc triển khai kế hoạch xây dựng tập trung, hệ thống hóa, phân loại và khai thác hiệu quả CSDL thông tin đối ngoại tỉnh Thừa Thiên Huế là hết sức cần thiết. Đó là hệ thống dữ liệu sau khi tập trung đầu mối sẽ được số hóa, tích hợp từ các hệ thống dữ liệu của các cơ quan, ban, ngành nói riêng và của tỉnh nói chung nhằm phục vụ nhiệm vụ thông tin đối ngoại; Là nguồn cung cấp thông tin chính thức của địa phương cho các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và nước ngoài, phục vụ công tác đoàn ra, đoàn vào, tra cứu, tìm hiểu, nghiên cứu về Thừa Thiên Huế; là một tư liệu quý để các ngành và địa phương cùng nhau khai thác truyền thông rộng rãi. Khi triển khai xây dựng kế hoạch sẽ hình thành một hệ thống quản lý về hình ảnh, video, bài viết, các kế hoạch, danh mục về thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh với ba mục đích chính việc xây dựng này nhằm: Quảng bá về con người, tiềm năng thế mạnh của tỉnh Thừa Thiên Huế; Thông tin cho quốc tế biết nhiều hơn nữa về Thừa Thiên Huế; Thông tin để giải thích và làm rõ các luận điệu để làm rõ vấn đề, phản biện với những thông tin trái chiều với tình hình của Thừa Thiên Huế.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND tỉnh, sự quản lý và điều hành thống nhất của UBND tỉnh, sự hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Trung ương và địa phương nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

b) Thông qua hệ thống dữ liệu về thông tin đối ngoại thông tin, tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giới thiệu, quảng bá hình ảnh của quê hương, đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, bản sắc Việt Nam nói chung và của Thừa Thiên Huế nói riêng; thông tin về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhằm thu hút đầu tư về hoạt động thông tin đối ngoại; thông tin giải thích và làm rõ vấn đề, phản biện với những thông tin trái chiều với tình hình của Thừa Thiên Huế; khai thác cập nhật, thẩm định, bổ sung những thông tin tốt đẹp, hữu ích về Thừa Thiên Huế do hệ thống thông tin đại chúng ngoài tỉnh, ngoài nước đăng tải.

c) Tập hợp các CSDL thông tin đối ngoại nằm rải rác, phân tác ở các đơn vị địa phương thành một hệ thống được sàn lọc, kiểm định, phân loại bài bản, khoa học, phục vụ tốt công tác đối ngoại Đảng, đối ngoại Nhà nước và đối ngoại nhân dân.

d) Hoàn thiện CSDL thông tin đối ngoại tỉnh Thừa Thiên Huế để chủ động đồng bộ, kết nối với hệ thống CSDL thông tin đối ngoại quốc gia trong thời gian tới.

đ) Thiết lập bổ sung, lưu trữ một hệ thống CSDL về thông tin đối ngoại chính thống của tỉnh Thừa Thiên Huế, qua đó có thể cập nhật, chia sẻ dữ liệu này để tiếp cận được nhiều đối tượng trong hoạt động thông tin đối ngoại sát với tình hình thực tế của địa phương, phục vụ công tác tra cứu, tìm hiểu, nghiên cứu về địa phương, tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.

2. Yêu cầu

a) Hệ thống CSDL thông tin đối ngoại được tạo lập phải đảm bảo các yêu cầu về nội dung, hình thức của các hoạt động thông tin đối ngoại tại địa phương và quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước.

b) Các cơ quan ban ngành, địa phương có liên quan có hoạt động thông tin đối ngoại hằng năm có trách nhiệm chủ động cung cấp, cập nhật thông tin, dữ liệu thông tin đối ngoại lên hệ thống và có trách nhiệm tham mưu lãnh đạo tỉnh khi có yêu cầu.

c) Nguồn cung cấp CSDL thông tin đối ngoại phải được thẩm định, cho phép đăng tải của các cơ quan có thẩm quyền, tôn trọng bản quyền và sở hữu trí tuệ.

d) Hệ thống CSDL phải được thiết lập và cài đặt trên các hệ thống máy chủ đảm bảo về an toàn, an ninh thông tin về dữ liệu thông tin đối ngoại khi chia sẻ trên môi trường mạng.

II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI

1. Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin đối ngoại

a) Tập hợp, xây dựng hệ thống hóa CSDL thông tin đối ngoại quảng bá hình ảnh của Thừa Thiên Huế, bao gồm:

- Các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo tỉnh;

- Thông tin được đăng tải trên Cổng/Trang thông tin điện tử của tỉnh, các cơ quan chuyên môn, UBND cấp huyện bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài;

- Hệ thống dữ liệu quảng bá hình ảnh của tỉnh, xuất bản phẩm bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài; hệ thống thông tin về chủ trương, cơ chế, chính sách hợp tác phát triển đối ngoại, kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư nước ngoài...

- Hệ thống thông tin đối ngoại tại các cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường sắt;

- Sản phẩm báo chí của các phương tiện thông tin đại chứng trong nước. Sản phẩm của các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông nước ngoài. Sản phẩm truyền thông phổ biến qua mạng internet;

- Thông tin về các hoạt động tiếp xúc, hợp tác với cơ quan báo chí nước ngoài; các hoạt động truyền thông của các sự kiện lớn tổ chức tại tỉnh, thành phố và ở nước ngoài;

Hệ thống thông tin quảng bá hình ảnh này có thể ở dạng các video, hình ảnh, sản phẩm báo chí, ... là các sản phẩm được số hóa bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài, giới thiệu về tỉnh, thành phố trên các lĩnh vực, cung cấp đến cộng đồng quốc tế và người Việt Nam ở trong và ngoài nước biết về tỉnh Thừa Thiên Huế.

b) Xây dựng ứng dụng quản lý CSDL thông tin đối ngoại của tỉnh

- Ứng dụng cho phép người dùng (được phân quyền) có thể truy cập vào hệ thống quản lý để đăng tải, chia sẻ, hay lưu trữ CSDL thông tin đối ngoại phục vụ trong công tác tuyên truyền, truyền thông về thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Tổ chức khảo sát, thẩm định, đánh giá CSDL thông tin đối ngoại từ các sản phẩm thông tin đối ngoại, hệ thống thông tin quảng bá hình ảnh của tỉnh Thừa Thiên Huế trước khi cập nhật vào hệ thống CSDL thông tin đối ngoại.

- Thiết lập hệ thống máy chủ phải đảm bảo được người sử dụng, người xem truy cập vào hệ thống CSDL thông tin đối ngoại để xem, phải đảm bảo về dung lượng, tốc độ đường truyền để lưu trữ, truy cập CSDL thông tin đối ngoại trên môi trường mạng.

2. Xây dựng Quy chế quy định việc cung cấp, chia sẻ, khai thác CSDL thông tin đối ngoại

- Xây dựng Quy định đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND, UBND cấp huyện, thị xã và thành phố Huế; các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh, người sử dụng, người quản trị hệ thống CSDL thông tin đối ngoại về việc chỉ đạo, cung cấp, đăng tải, quản trị, chia sẻ, khai thác CSDL về thông tin đối ngoại của tỉnh. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm chủ trì, phối hợp quản lý, cơ chế tài chính và vận hành CSDL thông tin đối ngoại của tỉnh khi kế hoạch được triển khai.

III. GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI

1. Tiến hành tổng hợp, sưu tập, thẩm định hệ thống CSDL thông tin đối ngoại hiện có của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UB MTTQVN tỉnh, các đoàn thể chính trị-xã hội, các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh, các hội hữu nghị và các địa phương trên địa bàn; cung cấp, tổng hợp, phân loại CSDL thông tin đối ngoại là các văn bản quy phạm pháp luật, hình ảnh, bài viết báo chí quảng bá về Thừa Thiên Huế.

Tổ chức phân loại khoa học hệ thống CSDL thông tin đối ngoại hiện có của tỉnh theo chủ thể, nhóm lĩnh vực, ngành, thế mạnh, tiềm năng lợi thế so sánh của Thừa Thiên Huế nhằm đảm bảo tiện lợi trong tra cứu, nghiên cứu, khai thác phục vụ tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thục hiện và cập nhật bổ sung.

Sàn lọc, thẩm định, cập nhật bổ sung định kỳ những thông tin tốt đẹp, hữu ích về Thừa Thiên Huế do hệ thống thông tin đại chứng ngoài tỉnh, ngoài nước đăng tải.

2. Xây dựng hệ thống ứng dụng quản lý CSDL thông tin đối ngoại như một trang thông tin điện tử tổng hợp để cập nhật về CSDL, vừa làm cơ sở để quảng bá hình ảnh thông tin cho không chỉ bạn bè trong nước và quốc tế biết tới Việt Nam.

Ứng dụng phải đảm bảo kiến trúc chính phủ điện tử của tỉnh và đảm bảo tính kết nối, liên thông chia sẻ với hệ thống thông tin sẵn có của tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng thời đáp ứng được các kết nối khi kết nối vào trục liên thông quốc gia.

Xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin đối ngoại căn cứ vào các tiêu chuẩn về ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước theo Thông tư 22/2013/TT- BTTTT ngày 23/12/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc công bố danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, Quyết định số 19/2008/QĐ-BTTTT ngày 09/4/2008 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Ban hành về việc Quy định áp dụng tiêu chuẩn về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước. Cụ thể, hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin đối ngoại sử dụng các tiêu chuẩn sau:

a) Tiêu chuẩn về kết nối

- Truyền siêu văn bản (HTTP v1.1): áp dụng cho việc trao đổi của hệ thống giữa máy trạm và máy chủ;

- Truyền tệp tin (HTTP v1.1): áp dụng cho việc truyền tệp tin từ máy chủ đến máy trạm và ngược lại. Cụ thể là sử dụng cho việc tải xuống hay đưa lên các tệp tin giữa máy trạm và máy chủ;

- Truyền thư điện tử (SMTP/MIME): sử dụng trao đổi thông tin trong hệ thống;

- Cung cấp dịch vụ truy cập hộp thư (POP3, IMAP ver4.1): Truy cập hòm thư hệ thống;

- Liên mạng LAN/WAN (IPv4/IPv6): Sử dụng để khởi tạo mạng dùng chung trong hệ thống, tạo điều kiện quản lý mạng nội bộ;

- Dịch vụ truy cập từ xa (SOAP v1.2, WSDL v1.1, UDDI v3): sử dụng trong việc truy cập vào hệ thống từ các hệ thống khác;

- Dịch vụ đồng bộ thời gian (NTP v3): Thống nhất thời gian chung cho toàn hệ thống.

b) Tiêu chuẩn tích hợp dữ liệu

- Ngôn ngữ định dạng văn bản (XML v1.0 (5th Edition)/ XML v1.1): sử dụng cho việc định dạng dữ liệu trao đổi giữa các hệ thống khác nhau;

- Ngôn ngữ định dạng văn bản cho giao dịch điện tử (ebXML v2.0): sử dụng cho việc định dạng dữ liệu trao đổi, giao dịch;

- Biến đổi dữ liệu (XSL v1.1): sử dụng để biển đổi các dữ liệu trong hệ thống;

- Định nghĩa các lược đồ trong văn bản XML (XML Schema v1.0): sử dụng cho việc biểu diễn các lược đồ trong văn bản;

- Mô hình hóa đối tượng (UML v2.0): hỗ trợ cho việc phân tích và thiết kế hệ thống;

- Trình diễn bộ kí tự (UTF-8): sử dụng cho việc trình diễn ký tự trong hệ thống.

c) Tiêu chuẩn về truy cập thông tin

- Chuẩn nội dung web (HTML V4.01): sử dụng cho việc trình diễn nội dung trang web của hệ thống;

- Chuẩn nội dung web mở rộng (XHTML v1.1): sử dụng cho việc trình diễn nội dung trang web hệ thống linh động hơn;

- Giao diện người dùng (CSS2, XSL v1.1): sử dụng cho giao diện trang web của hệ thống;

- Văn bản (.doc, .xls, .pdf, .txt, ,rtf v1.8, v1.9.1) sử dụng cho các văn bản đính kèm, các báo cáo của hệ thống;

- Trình diễn (.htm, .pdf, .ppt): sử dụng để trình bày bài lưu trên trình duyệt.

- Ảnh đồ họa (.jpeg, .png, .gif): sử dụng cho hình ảnh trên giao diện.

d) Tiêu chuẩn về bảo mật thông tin

- An toàn thư điện tử (S/MIME v3.2): Sử dụng cho việc bảo mật cho hệ thống thư trên hệ thống;

- An toàn truyền tệp tin (HTTPS/FTPS): sử dụng cho việc giữ an toàn cho hệ thống thư khi luân chuyển trên hệ thống;

- An toàn tầng giao vận (SSHv1.0/SSHv2.0 hoặc SSLv3.0/TLSv1.2): sử dụng cho việc đảm bảo hệ thống thông tin được luân chuyển hợp lý.

IV. THỜI GIAN VÀ TIẾN ĐỘ TRIỂN KHAI

1. Thời gian: Từ tháng 06/2020 đến 12/2021.

2. Tiến độ triển khai:

a) Tổng hợp, sưu tập, thẩm định, phân loại khoa học hệ thống CSDL thông tin đối ngoại hiện có của tỉnh:

- Giai đoạn 1 (06/2020 - 04/2021):

+ Triển khai về các đơn vị, địa phương để tập hợp, sưu tập các dữ liệu liên quan tới Thông tin đối ngoại;

+ Tiến hành tổng hợp, sưu tập, khai thác CSDL thông tin đối ngoại của tỉnh.

- Giai đoạn 2 (04/2021 - 12/2021):

+ Tổ chức tập huấn khai thác, thẩm định và cập nhật CSDL thông tin đối ngoại của các đơn vị, địa phương;

+ Tiến hành thẩm định, phân loại hệ thống hóa CSDL thông tin đối ngoại của tỉnh.

b) Xây dựng ứng dụng quản lý dữ liệu thông tin đối ngoại: Phân thành các giai đoạn với nội dung hoạt động và sản phẩm tương ứng.

Giai đoạn 1 (07/2020 - 04/2021): Xây dựng hệ thống ứng dụng quản lý CSDL thông tin đối ngoại.

Giai đoạn 2 (04/2021 - 12/2021): Chạy thử nghiệm ứng dụng, khảo sát, thẩm định, đánh giá, cập nhật CSDL về thông tin đối ngoại của các ngành, địa phương; hoàn thiện và công bố hệ thống CSDL thông tin đối ngoại tỉnh Thừa Thiên Huế.

c) Xây dựng Quy chế quy định về cung cấp, chia sẻ CSDL thông tin đối ngoại

Thời gian: từ quý I/2021.

V. KINH PHÍ

Kinh phí thực hiện Kế hoạch Xây dựng CSDL thông tin đối ngoại được sử dụng từ nguồn Ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

VI. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại tỉnh

a) Đề nghị tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác tập hợp, triển khai xây dựng hệ thống CSDL thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh.

b) Đề nghị chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng trong việc xây dựng CSDL thông tin đối ngoại đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh.

c) Đề nghị chủ trì, phối hợp các Sở, ngành liên quan tổ chức theo dõi, kiểm tra về nội dung chính trị, định hướng tư tưởng truyền tải thông tin đối ngoại trên hệ thống CSDL thông tin đối ngoại ở các địa phương, đơn vị.

d) Đề nghị chủ trì, tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân tỉnh và sinh viên đang theo học tại các trường đại học trên địa bàn tỉnh.

đ) Đề nghị chủ trì phối hợp và tăng cường trong công tác tuyên truyền về hệ thống CSDL thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh.

2. Văn phòng Tỉnh ủy

a) Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác tập hợp, thẩm định và cung cấp CSDL thông tin đối ngoại Đảng, đối ngoại của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh.

b) Phối hợp với Ban Chỉ đạo Thông tin đối ngoại tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông để cập nhật, tổng hợp, biên tập hệ thống CSDL thông tin đối ngoại tỉnh nhằm phục vụ tốt sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

c) Đề nghị chủ trì phối hợp xây dựng và tăng cường tuyên truyền thông tin đối ngoại nói chung và hệ thống CSDL thông tin đối ngoại tỉnh nói riêng trên Cổng thông tin Đảng bộ tỉnh.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tới hoạt động thông tin đối ngoại của tỉnh trong công tác cập nhật, thu thập, thẩm định, phân loại về CSDL thông tin đối ngoại

b) Chủ trì soạn thảo quy chế quy định về việc cung cấp, chia sẻ CSDL thông tin đối ngoại, lấy ý kiến thống nhất của các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan.

c) Chủ trì trong công tác xây dựng ứng dụng quản lý dữ liệu thông tin đối ngoại, xây dựng đề cương chi tiết, dự toán kinh phí trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

d) Chuẩn bị hạ tầng để triển khai ứng dụng; giám sát khả năng hoạt động về mặt kỹ thuật (như tính ổn định, tốc độ, tính an toàn/bảo mật, tính sẵn sàng của ứng dụng) và đảm bảo tính đồng bộ, kết nối với hệ thống CSDL thông tin đối ngoại quốc gia khi có đề nghị trong thời gian tới.

đ) Theo dõi, kiểm tra và tổng hợp việc thực hiện Kế hoạch này, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy và Bộ Thông tin và Truyền thông; tổ chức sơ kết, đề xuất khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

4. Văn phòng UBND tỉnh

a) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu tổ chức việc hình thành CSDL hoạt động thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh phù hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

c) Có kế hoạch nâng cao chất lượng về CSDL thông tin đối ngoại, kết nối, chia sẻ dữ liệu này với Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế.

5. Sở Ngoại vụ

a) Phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai chương trình, kế hoạch xây dựng CSDL thông tin đối ngoại của địa phương đã được UBND tỉnh phê duyệt.

b) Cung cấp thông tin liên quan đến tỉnh Thừa Thiên Huế để phục vụ công tác xây dựng CSDL thông tin đối ngoại.

c) Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thu thập phân tích, tổng hợp thông tin về tình hình chính trị, an ninh, kinh tế quốc tế và khu vực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để cập nhật vào ứng dụng quản lý CSDL.

d) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức biên dịch các ấn phẩm, tài liệu để xây dựng bộ dữ liệu số hóa giới thiệu, quảng bá hình ảnh của ngành, địa phương bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài để đưa lên ứng dụng quản lý CSDL thông tin đối ngoại.

6. Sở Văn hóa và Thể thao

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan triển khai cập nhật các hoạt động thông tin đối ngoại thông qua các hoạt động, sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao lên hệ thống CSDL thông tin đối ngoại.

b) Tăng cường công tác tuyên truyền cho các địa phương về việc triển khai thu thập, cập nhật hệ thống CSDL thông tin đối ngoại.

7. Sở Du lịch và Trung tâm xúc tiến đầu tư về du lịch

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan triển khai việc cập nhật CSDL thông tin đối ngoại thông qua hoạt động, sự kiện du lịch.

b) Thông tin các sản phẩm, hội nghị về xúc tiến du lịch để quảng bá hệ thống CSDL thông tin đối ngoại của tỉnh nhằm giới thiệu văn hoá đậm đà, đặc sắc của Thừa Thiên Huế đến bạn bè quốc tế.

8. Sở Tư pháp

Phối hợp xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy quy định về việc xây dựng CSDL thông tin đối ngoại của tỉnh.

9. Sở Tài chính

a) Tham mưu cân đối, bố trí kinh phí đảm bảo thực hiện Kế hoạch xây dựng CSDL thông tin đối ngoại của tỉnh Thừa Thiên Huế.

b) Hướng dẫn các đơn vị xây dựng dự toán, quản lý sử dụng và thanh quyết toán kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

10. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Biên soạn, thu thập, cập nhật vào hệ thống CSDL thông tin đối ngoại các tài liệu chính thức giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của địa phương, cơ hội đầu tư kinh doanh, chủ trương, cơ chế và chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài của tỉnh để thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài; đẩy mạnh vận động để tìm kiếm các nguồn viện trợ nước ngoài nhằm thu hút nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường gắn các hoạt động kinh tế với thông tin đối ngoại.

11. Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các Tạp chí: Sông Hương, Huế Xưa và Nay, Nghiên cứu và Phát triển; Cổng thông tin điện tử của tỉnh

a) Trên cơ sở tôn chỉ, mục đích, chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị cần thu thập, cập nhật các tin, bài, phóng sự, sách báo, ấn phẩm văn hóa, phim ảnh và các hình thức khác trong việc tuyên truyền về đuờng lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhất là về đuờng lối đối ngoại của nước ta; về vấn đề hợp tác, hội nhập; về chủ quyền biên giới, lãnh thổ của đất nước; quảng bá hình ảnh mảnh đất, lịch sử, văn hóa, du lịch, con người Thừa Thiên Huế vào hệ thống CSDL thông tin đối ngoại của tỉnh.

b) Tăng cường công tác biên tập, kiểm duyệt nội dung thông tin đối ngoại trên các phương tiện thông tin đại chúng, không để sai sót gây ảnh hưởng đến công tác đối ngoại qua đó cung cấp thêm cho hệ thống CSDL thông tin đối ngoại của tỉnh những tư liệu quý nhằm đấu tranh, phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc, bóp méo sự thật một cách kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ đảng viên, các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế về quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước trong các vấn đề chính trị - xã hội, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, không ảnh hưởng đến các mối quan hệ ngoại giao, giữ vững hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

12. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

a) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong chương trình phối hợp giữa hai bên để cung cấp nội dung liên quan đến thông tin đối ngoại khu vực biển, hải đảo, khu vục biên giới trên địa bàn tỉnh để làm CSDL thông tin đối ngoại.

d) Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giới thiệu trong lực lượng các dữ liệu về thông tin đối ngoại. Truyền tải được nhiều thông tin về hoạt động thông tin đối ngoại tới lực lượng cán bộ chiến sĩ đang thục hiện nhiệm vụ tại khu vực biển, hải đảo, khu vục biên giới

13. Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, Trung tâm Festival Huế

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị triển khai công tác thông tin tuyên truyền về các hoạt động của đơn vị, về di sản văn hóa Huế trên các kênh thông tin đối ngoại: VTV4 - Đài Truyền hình Việt Nam, VTC 10 - Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, các báo điện tử có uy tín và tầm ảnh hưởng lớn.

b) Xây dựng tư liệu để quảng bá di sản văn hóa cố đô Huế, thương hiệu của địa phương ra nước ngoài dưới nhiều hình thức: bản mềm các bài báo và cuốn sách; ảnh tư liệu, ảnh quảng bá; phim tài liệu, video clip.... Qua đó cập nhật thêm vào hệ thống CSDL thông tin đối ngoại của tỉnh.

14. Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị tỉnh

Biên tập, thu thập, cập nhật vào hệ thống CSDL thông tin đối ngoại những hoạt động nổi bật, nhiệm vụ trọng tâm của mình; những tài liệu, hình ảnh chính thức giới thiệu, định hướng hoạt động hợp tác đối ngoại, quan hệ quốc tế để thu hút quan tâm hỗ trợ, hợp tác phát triển các đối tác, tổ chức quốc tế trong và ngoài nước; đẩy mạnh vận động để tìm kiếm các nguồn viện trợ nước ngoài nhằm thu hút nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phối hợp tăng cường gắn các hoạt động kinh tế với thông tin đối ngoại.

15. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và Thành phố Huế

a) Chủ động xây dựng CSDL thông tin đối ngoại của địa phương. Chia sẻ, đăng tải nội dung thông tin về tình hình hợp tác quốc tế và những thông tin về công tác đối ngoại của tỉnh, của địa phương thông qua các trang TTĐT cấp huyện, cấp xã. Giới thiệu về hệ thống CSDL thông tin đối ngoại của tỉnh vào các buổi tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật, các phong trào vận động quần chúng ở địa phương, cơ sở.

b) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Ngoại vụ cung cấp CSDL thông tin đối ngoại của địa phương, kịp thời cập nhật, đăng tải vào hệ thống CSDL thông tin đối ngoại của tỉnh.

16. Các cơ quan, đơn vị liên quan khác: Chủ động phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp CSDL thông tin đối ngoại của cơ quan, đơn vị mình để kịp thời cập nhật, đăng tải vào hệ thống CSDL thông tin đối ngoại của tỉnh.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương được giao nhiệm vụ:

1. Chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết về nội dung xây dựng CSDL thông tin đối ngoại của địa phương mình.

2. Căn cứ theo quy định về cung cấp, chia sẻ CSDL thông tin đối ngoại để chủ động trong công tác cập nhật dữ liệu thông tin đối ngoại của ngành, địa phương lên hệ thống ứng dụng quản lý CSDL thông tin đối ngoại của tỉnh.

Trên đây là Kế hoạch Xây dựng CSDL thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh các trường hợp vướng mắc, đề nghị phản ánh về UBND tỉnh (thông qua Sở Thông tin và Truyền thông) để kịp thời tháo gỡ, xử lý./.

 


Nơi nhận:
- TVTU, TT.HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Cục Thông tin Đối ngoại (b/c);
- Các đơn vị được giao nhiệm vụ;
- VP: CVP, các PCVP + CV: TH, ĐN;
- Lưu: VT, GD.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Thiên Định