Kế hoạch 151/KH-UBND triển khai chương trình truyền thông “Vì An toàn giao thông Thủ đô” năm 2017
Số hiệu: | 151/KH-UBND | Loại văn bản: | Văn bản khác |
Nơi ban hành: | Thành phố Hà Nội | Người ký: | Nguyễn Thế Hùng |
Ngày ban hành: | 28/06/2017 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Giao thông, vận tải, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 151/KH-UBND |
Hà Nội, ngày 28 tháng 06 năm 2017 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH TRUYỀN THÔNG “VÌ AN TOÀN GIAO THÔNG THỦ ĐÔ” NĂM 2017
Hưởng ứng chương trình "Thập kỷ hành động an toàn giao thông đường bộ 2011 - 2020" của Liên Hợp quốc; Kế hoạch số 243/KH-UBND ngày 30/12/2016 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2017, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch triển khai chương trình truyền thông “Vì An toàn giao thông Thủ đô” năm 2017 với những nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU
1. Mục đích
- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về đảm bảo an toàn giao thông theo chủ đề năm 2017 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia: “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh thiếu niên” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”; nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp vận tải và người dân về ý thức chấp hành pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông; tăng cường trật tự, văn minh đô thị. Góp phần giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô.
- Tìm kiếm các đề xuất, giải pháp góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc và hạn chế tai nạn giao thông; tăng cường quản lý trật tự, văn minh đô thị; xây dựng văn hóa giao thông cho thế hệ trẻ. Qua đó phổ biến kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông của học sinh Thủ đô từng bước xây dựng văn hóa giao thông của người Hà Nội.
- Tăng cường và đa dạng hóa hình thức giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về ATGT, những hành vi ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông, nâng cao nhận thức về hậu quả tai nạn giao thông tới cộng đồng và xã hội. Từ đó tiến tới mục tiêu hạn chế, giảm thiểu tai nạn giao thông, xây dựng môi trường giao thông tại Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung văn minh, an toàn.
- Biểu dương các tổ chức, cá nhân điển hình có những đóng góp vì an toàn giao thông và trật tự, văn minh đô thị tại Hà Nội.
2. Yêu cầu
- Tổ chức các sự kiện truyền thông trực quan, truyền thông đa phương tiện nhằm đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông, nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, nhất là việc xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên; góp phần xây dựng trật tự, văn minh đô thị và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2017 trên địa bàn Thủ đô.
- Tổ chức cuộc thi viết “Vì An toàn giao thông Thủ đô” bao gồm các bài viết, phóng sự ảnh phân tích, hiến kế giảm ùn tắc và tai nạn giao thông; thông tin, phản ánh về lĩnh vực trật tự an toàn giao thông của Thành phố;
- Tổ chức cuộc thi “Vì An toàn giao thông Thủ đô” trên internet tới đông đảo học sinh, sinh viên, thanh niên nhằm phổ biến kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông của học sinh, sinh viên, thanh niên Thủ đô Hà Nội từ đó từng bước xây dựng văn hóa giao thông của người Hà Nội, góp phần giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô.
II. NỘI DUNG TRUYỀN THÔNG
1. Cuộc thi viết
- Tiếp tục tổ chức cuộc thi viết “Vì an toàn giao thông thủ đô năm 2017” trên cơ sở Cuộc thi viết đã thực hiện từ năm 2011 đến nay. (Ban Tổ chức quy định chi tiết trọng Thể lệ cuộc thi).
2. Cuộc thi trắc nghiệm trên internet
- Tổ chức thi trắc nghiệm, tương tác hình ảnh bằng phần mềm công nghệ thông tin (Ban Tổ chức quy định chi tiết trong Thể lệ cuộc thi)
3. Tổ chức các sự kiện truyền thông “Vì an toàn giao thông Thủ đô”:
- Tổ chức treo băng zôn, phướn tuyên truyền về an toàn giao thông trên các trục đường tại Hà Nội, trên các phương tiện giao thông công cộng... định kỳ hàng năm.
- Tổ chức các buổi tuyên truyền tại các trường học (ở cả khu vực nội và ngoại thành) để đẩy mạnh nâng cao ý thức về văn hóa giao thông cho thanh, thiếu niên trên địa bàn thành phố.
- Tổ chức các buổi hội nghị, hội thảo, giao lưu trực tuyến, bàn tròn sự kiện... nhằm đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông, nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông.
4. Xây dựng và vận hành trang tin điện tử giaothongthudo.vn
- Tổ chức khai trương và vận hành tốt hoạt động của trang tin điện tử giaothongthudo.vn
III. TIẾN ĐỘ TRIỂN KHAI
Chương trình truyền thông "Vì An toàn giao thông Thủ đô năm 2017" được thực hiện từ tháng 7/2017 đến tháng 3/2018 theo tiến độ sau:
1. Cuộc thi viết “Vì An toàn giao thông Thủ đô năm 2017”
- Phổ biến Kế hoạch, triển khai chương trình: Tháng 7/2017.
- Sơ kết trong “Tháng an toàn giao thông” (tháng 10/2017).
- Tổ chức Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết: Tháng 3/2018.
2. Cuộc thi trắc nghiệm “Vì An toàn giao thông Thủ đô” trên internet:
- Phổ biến Kế hoạch, triển khai chương trình: tháng 7/2017.
- Sơ kết và trao giải hàng tháng.
- Tổ chức Lễ tổng kết và trao giải: Tháng 3/2018.
3. Tổ chức các sự kiện truyền thông:
- Tổ chức hàng tháng, hàng quý theo chương trình và sự kiện của Thành phố, cơ quan và đối tác truyền thông.
- Tổ chức ra mắt trang tin điện tử giaothongthudo.vn trong tháng 7/2017
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Báo Kinh tế và Đô thị (đơn vị chủ trì tổ chức thực hiện)
- Là cơ quan thường trực, có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai chương trình.
- Xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai các hoạt động tuyên truyền; ban hành Thể lệ và thành lập Ban Giám khảo đối với các Cuộc thi.
- Báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố về Kế hoạch triển khai chương trình và kinh phí tài trợ cho chương trình.
- Ký thỏa thuận hợp tác giữa báo Kinh tế và Đô thị với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp phối hợp tổ chức và tham gia tài trợ chương trình.
- Thông báo rộng rãi Kế hoạch triển khai tổ chức chương trình trên báo Kinh tế và Đô thị (báo in và báo điện tử) và một số cơ quan truyền thông, báo chí khác.
- Gửi Kế hoạch triển khai chương trình, Thể lệ các Cuộc thi đến các sở, ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện, lực lượng vũ trang, cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp; một số trường đại học, viện nghiên cứu, đơn vị tư vấn... trên địa bàn và các tổ chức, cá nhân, các cơ quan báo chí trên toàn quốc mời tham gia chương trình.
- Tiếp nhận bài dự thi, tổ chức chấm sơ khảo và lựa chọn bài dự thi để thường xuyên đăng tải và duy trì chuyên mục: “Vì an toàn giao thông Thủ đô” trên báo Kinh tế và Đô thị (báo in và báo điện tử).
- Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Ban ATGT Thành phố, Sở Giáo dục & Đào tạo tổ chức thi trắc nghiệm trên internet cho học sinh, sinh viên và thanh niên trên địa bàn Thành phố.
- Tổ chức in, treo băng - zôn, phướn tuyên truyền về an toàn giao thông, trật tự, văn minh đô thị và Cuộc thi “Vì An toàn giao thông Thủ đô năm 2017” trên các tuyến đường của Hà Nội; trên hệ thống ô tô buýt, các phương tiện công cộng.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Văn phòng Ban An toàn giao thông Thành phố ra mắt trang tin điện tử giaothongthudo.vn
- Tổ chức sơ kết và tổng kết các chương trình theo quy định.
- Thường xuyên báo cáo tiến độ thực hiện kế hoạch và kịp thời xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội về tổ chức chương trình.
2. Sở Giao thông vận tải
- Cử thành viên tham gia Ban Tổ chức chương trình.
- Triển khai Kế hoạch chương trình sâu rộng đến cán bộ, công nhân viên chức trong ngành; phối hợp chặt chẽ với báo Kinh tế và Đô thị tổ chức thi trắc nghiệm trên internet cho cán bộ, công chức viên chức trong ngành.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, liên quan ủng hộ chương trình: vận động tài trợ, tham gia các hoạt động trong chương trình.
- Phối hợp với báo Kinh tế và Đô thị, Văn phòng Ban ATGT thành phố ra mắt trang thông tin điện tử giaothonghanoi.vn.
3. Văn phòng Ban ATGT Thành phố
- Tham gia Ban Thư ký các Cuộc thi.
- Bố trí kinh phí để tổ chức chương trình.
- Phối hợp với Báo Kinh tế và Đô thị, Sở Giao thông vận tải ra mắt và vận hành trang thông tin điện tử giaothonghanoi.vn.
- Phối hợp chặt chẽ với Báo Kinh tế và Đô thị và Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi trắc nghiệm trên internet cho học sinh, sinh viên, thanh niên trên địa bàn Thành phố.
4. Đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy
- Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí Thành phố tích cực ủng hộ, tuyên truyền cho chương trình.
- Cử thành viên tham gia Ban Tổ chức chương trình.
5. Sở Giáo dục - Đào tạo
- Cử thành viên tham gia Ban Tổ chức, Ban Thư ký chương trình.
- Triển khai Kế hoạch chương trình đến toàn bộ cán bộ, công nhân viên chức trong ngành; chỉ đạo các trường học trên địa bàn tích cực hưởng ứng tham dự chương trình và các Cuộc thi, trong đó tập trung vào các nội dung về xây dựng văn hóa giao thông trong học sinh, sinh viên, thanh niên.
- Phối hợp chặt chẽ với Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức thi trắc nghiệm trên internet cho học sinh, sinh viên, thanh niên trên địa bàn Thành phố.
6. Sở Thông tin & Truyền thông
- Cử thành viên tham gia Ban Tổ chức chương trình.
- Chỉ đạo các cơ quan báo chí Thành phố tích cực ủng hộ tuyên truyền về chương trình và có các bài viết tham gia các cuộc thi.
7. Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng Thành phố)
- Cử thành viên tham gia Ban Tổ chức chương trình.
- Phối hợp với Báo Kinh tế và Đô thị theo dõi, đề xuất khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực trong Cuộc thi.
8. Sở Tài chính
- Cử thành viên tham gia Ban Tổ chức chương trình.
- Phối hợp, hướng dẫn, giải quyết kịp thời các thủ tục tài chính có liên quan đến việc thực hiện chương trình.
9. Đề nghị Thành đoàn Hà Nội
- Cử thành viên tham gia Ban Tổ chức chương trình.
- Ban chấp hành Thành đoàn chỉ đạo các cấp bộ đoàn, phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên Thành phố, Hội sinh viên Thành phố triển khai đến cán bộ, đoàn viên, hội viên tại cơ sở tích cực hưởng ứng và tham gia chương trình nhất là nội dung thi trắc nghiệm trên internet. Trong đó tập trung vào chủ đề: “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh thiếu niên” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”.
10. Công an thành phố Hà Nội (Phòng CSGT đường bộ - đường sắt)
- Triển khai Kế hoạch chương trình đến toàn bộ cán bộ, công nhân viên chức trong ngành; phối hợp, tăng cường tuyên truyền về chương trình cũng như những vấn đề về an toàn giao thông của Thành phố.
11. Các Sở, ngành; UBND quận, huyện, thị xã
Các cơ quan, đơn vị: Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sở Tư pháp, Sở Văn hóa - Thể thao, Sở Du lịch, Sở Xây dựng; UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn phối hợp với Báo Kinh tế và Đô thị triển khai Kế hoạch sâu rộng đến cán bộ, công nhân viên chức trong ngành; địa phương bố trí kinh phí tuyên truyền cho chương trình; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, liên quan ủng hộ chương trình (ủng hộ tài trợ, viết bài dự thi, huy động lực lượng tham gia sơ kết, tổng kết chương trình theo kế hoạch của Ban tổ chức).
12. Đài Phát thanh truyền hình Hà Nội
Bố trí sóng truyền hình trực tiếp cho Lễ tổng kết và trao giải; phối hợp, tăng cường tuyên truyền về chương trình cũng như những vấn đề về an toàn giao thông của Thành phố.
13. Văn phòng UBND Thành phố
Phối hợp với Báo Kinh tế và Đô thị kiểm tra tiến độ thực hiện Kế hoạch Cuộc thi, tổng hợp báo cáo UBND thành phố theo quy định.
V. KINH PHÍ:
Tổng kinh phí dự kiến: 3.500.000.000 đồng (Ba tỷ năm trăm triệu đồng): Nguồn ngân sách Thành phố (trích từ nguồn kinh phí bố trí cho chương trình an toàn giao thông của Thành phố)
Nguồn kinh phí xã hội hóa (huy động từ các nhà tài trợ và các nguồn khác).
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Báo Kinh tế và Đô thị, Ban Tổ chức cuộc thi kịp thời báo cáo UBND Thành phố xem xét, giải quyết./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |