Kế hoạch 15/KH-UBND quản lý về luật sư và hoạt động tư vấn pháp luật trên địa bàn thành phố năm 2017
Số hiệu: 15/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ Người ký: Lê Văn Tâm
Ngày ban hành: 10/02/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Bổ trợ tư pháp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 10 tháng 02 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

QUẢN LÝ VỀ LUẬT SƯ VÀ HOẠT ĐỘNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ NĂM 2017

Căn cứ Luật Luật sư năm 2006, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư năm 2012, các văn bản hướng dẫn thi hành về hoạt động tư vấn pháp luật; Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 05 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020” và Kế hoạch tổng thể triển khai “Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020” được ban hành kèm theo Quyết định số 2320/QĐ-BTP ngày 13 tháng 8 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch quản lý về luật sư và hoạt động tư vấn pháp luật trên địa bàn thành phố năm 2017, như sau:

I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Thực hiện có hiệu quả mục tiêu của Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 được ban hành kèm theo Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 05 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch tổng thể triển khai “Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020” được ban hành kèm theo Quyết định số 2320/QĐ-BTP ngày 13 tháng 8 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

b) Phấn đấu có 10% luật sư trong tổng số luật sư thuộc Đoàn luật sư thành phố Cần Thơ hoạt động tư vấn chuyên về lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Đảm bảo 100% số lượng luật sư được bồi dưỡng nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của địa phương.

2. Yêu cầu

a) Xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư, tổ chức hành nghề luật sư bảo đảm số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý ngày càng cao của cá nhân, cơ quan, tổ chức;

b) Đổi mới công tác quản lý luật sư và hành nghề luật sư trên cơ sở thực hiện hiệu quả nguyên tắc quản lý nhà nước kết hợp với phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư; đề cao trách nhiệm của luật sư cũng như đảm bảo cơ chế để luật sư thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong hoạt động theo quy định;

c) Phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng trong Đoàn luật sư thành phố và tổ chức hành nghề luật sư;

d) Đảm bảo sự phối hợp có hiệu quả giữa Sở Tư pháp với sở, ban, ngành có liên quan trong việc quản lý nhà nước về luật sư và hoạt động tư vấn pháp luật trên địa bàn thành phố.

II. NỘI DUNG

1. Xây dựng, hoàn thiện thể chế và các chính sách về luật sư và hành nghề luật sư

a) Nội dung: Tổng kết 10 năm thi hành Luật Luật sư năm 2006 và 05 năm thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư năm 2012 khi có kế hoạch và hướng dẫn của Bộ Tư pháp; đề xuất, kiến nghị những giải pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế về luật sư và hoạt động tư vấn pháp luật;

b) Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp, Đoàn luật sư thành phố và cơ quan có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện;

c) Thời gian thực hiện: Khi có hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

2. Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của luật sư trong xã hội

a) Nội dung: Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới được ban hành về luật sư, nhằm nâng cao vị trí, vai trò của luật sư trong xã hội;

b) Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp;

c) Cơ quan phối hợp: Đoàn luật sư thành phố và cơ quan có liên quan;

d) Thời gian thực hiện: Khi có văn bản pháp luật mới được ban hành.

3. Nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư

a) Nội dung: Xây dựng kế hoạch, bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, kỹ năng hành nghề, phát triển đội ngũ luật sư có kiến thức và hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế, có khả năng cạnh tranh với luật sư nước ngoài và đạo đức ứng xử nghề nghiệp cho luật sư;

b) Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp;

c) Cơ quan phối hợp: Đoàn luật sư thành phố, các tổ chức hành nghề luật sư, các cơ quan, tổ chức có liên quan;

d) Thời gian thực hiện: Quý II, quý III năm 2017.

4. Tiếp tục thực hiện Đề án phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế và chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020

a) Nội dung: Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế cho luật sư, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng luật sư hằng năm theo quy định;

b) Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp;

c) Cơ quan phối hợp: Đoàn luật sư thành phố, các tổ chức hành nghề luật sư, cơ quan, tổ chức có liên quan;

d) Thời gian thực hiện: Quý II, quý III năm 2017.

5. Phát triển hoạt động hành nghề luật sư; phát huy vai trò của luật sư trong đổi mới hoạt động tố tụng, tư vấn pháp luật, góp phần đẩy mạnh cải cách tư pháp

a) Nội dung: Xây dựng kế hoạch tăng cường sự tham gia tư vấn pháp luật của luật sư;

b) Cơ quan chủ trì: Đoàn luật sư thành phố;

c) Cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp, Trung tâm tư vấn pháp luật, các cơ quan, tổ chức có liên quan;

d) Thời gian thực hiện: Quý II, quý III năm 2017.

6. Tăng cường thanh tra, kiểm tra về tổ chức và hoạt động luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, Trung tâm tư vấn pháp luật trên địa bàn thành phố

a) Nội dung: Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra về tổ chức và hoạt động luật sư, tổ chức hành nghề luật sư và Trung tâm tư vấn pháp luật;

b) Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp;

c) Cơ quan phối hợp: Đoàn luật sư thành phố, các Trung tâm tư vấn pháp luật và các cơ quan, tổ chức có liên quan;

d) Thời gian thực hiện: Quý I, quý II, quý III năm 2017.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ Kế hoạch này từ nguồn ngân sách nhà nước đảm bảo và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tư pháp

a) Tổ chức triển khai và thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện;

b) Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với đội ngũ luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư; thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn thành phố;

c) Tổng hợp tình hình thực hiện; tiến hành sơ kết, tổng kết và định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định;

d) Phối hợp với Sở Tài chính lập dự toán kinh phí để triển khai Kế hoạch này có hiệu quả.

2. Sở Tài chính

Sở Tài chính phối hợp với Sở Tư pháp và các đơn vị có liên quan đảm bảo kinh phí thực hiện Kế hoạch này.

3. Đoàn luật sư thành phố Cần Thơ và các tổ chức hành nghề luật sư

a) Đoàn luật sư thành phố trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết của tổ chức thực hiện Kế hoạch này.

b) Các tổ chức hành nghề luật sư trong phạm vi trách nhiệm của mình phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức trong quá trình triển khai thực Kế hoạch này.

4. Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, Tòa án nhân dân thành phố

Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân thành phố và Tòa án nhân dân thành phố trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Tư pháp, Đoàn luật sư thành phố, sở, ban, ngành liên quan trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch này.

Trên đây là Kế hoạch quản lý về luật sư và hoạt động tư vấn pháp luật trên địa bàn thành phố năm 2017. Trong quá trình thực hiện, trường hợp có khó khăn, vướng mắc, sở, ban, ngành và địa phương báo cáo về Sở Tư pháp để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo kịp thời./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- Ban Nội chính Thành ủy;
- Sở, ban, ngành có liên quan;
- UBND quận, huyện;
- Đoàn luật sư TP;
- VP UBND TP (3CE);
- Lưu: VT, H.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Lê Văn Tâm