Kế hoạch 149/KH-UBND năm 2020 về thực hiện Đề án bảo vệ môi trường chi tiết Khu công nghiệp Tằng Loỏng do tỉnh Lào Cai ban hành
Số hiệu: 149/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai Người ký: Trịnh Xuân Trường
Ngày ban hành: 22/05/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Môi trường, Công nghiệp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 149/KH-UBND

Lào Cai, ngày 22 tháng 5 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CHI TIẾT KCN TẰNG LOỎNG

Khu công nghiệp (KCN) Tằng Loỏng được UBND tỉnh Lào Cai thành lập tại Quyết định số 601/QĐ-UBND ngày 15/3/2011; phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 285/QĐ-UBND với diện tích quy hoạch là 1.100ha, trong đó đất công nghiệp là 653,21ha, đất đã giao cho các dự án là 517,99ha đạt tỷ lệ lấp đầy 79,3%. Đã có 33 dự án đăng ký đầu tư, tổng số vốn trên 23 nghìn tỷ đồng, trong đó có 25 dự án đã đi vào hoạt động, 01 dự án đang xây dựng, 07 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư. Trong 25 dự án hoạt động có: 12 nhà máy phân bón, hóa chất; 02 nhà máy luyện kim; 01 nhà máy tuyển quặng và các dự án phụ trợ khác như: Sản xuất bao bì kim loại, cửa hàng kinh doanh xăng dầu, bi nghiền, cơ khí...

Thực hiện Quyết định số 1975/QĐ-BTNMT ngày 30/7/2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường chi tiết KCN Tằng Loỏng tại thị trấn Tằng Loỏng huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể như sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

- Cụ thể hóa các nội dung trong việc thực hiện Đề án bảo vệ môi trường chi tiết KCN Tằng Loỏng tại huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân về bảo vệ môi trường tại KCN Tằng Loỏng.

- Góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại KCN và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân khu vực xung quanh; cán bộ, công nhân, người lao động trong KCN.

2. Yêu cầu

- Tập trung chỉ đạo, phát huy cao vai trò, trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân nhằm triển khai thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Đề án.

- Thực hiện các nội dung của Đề án phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch bảo vệ môi trường của huyện Bảo Thắng và thực trạng sản xuất tại KCN.

II. Các nội dung triển khai thực hiện

1. Xây dựng hệ thống thu gom nước bề mặt của KCN

1.1. Những hạng mục đã được đầu tư

KCN được chia làm 03 lưu vực thoát nước chính: Khe Chom, khe Khoang và suối Mã Ngan. Nước bề mặt của KCN được thu gom bằng 02 tuyến:

- Tuyến kênh kín thu gom nước thải trong các nhà máy sau đó đấu nối bơm về nhà máy xử lý nước thải tại khe Chom.

- Tuyến kênh hở thu gom nước mặt của KCN và nước thải sau khi được xử lý sơ bộ của các nhà máy.

Để thu gom nước bề mặt, KCN đã được đầu tư 01 tuyến ống (dọc theo khe Chom) dài 700m thu gom nước thải từ các nhà máy về nhà máy xử lý nước thải. Ngoài ra toàn KCN hiện có 5,69 km (dọc 2 bên các tuyến đường) rãnh hở thu gom nước mặt sau đó chảy về 03 lưu vực và thoát ra các khe suối trên địa bàn. Hiện KCN đang được đầu tư để thu gom nước mặt gồm:

- 01 hồ điều hòa 4.000 m3 tại lưu vực khe Chom (gần trạm xử lý nước thải số 1).

- 01 hồ phòng ngừa ứng phó sự cố 6.000 m3 cho lưu vực suối Mã Ngan và các trạm bơm để tuần hoàn nước thải về trạm xử lý hiện có của KCN.

1.2. Tồn tại và những nhiệm vụ, hạng mục cần đầu tư mới

1.2.1. Tồn tại

- Đối với KCN: Hệ thống thu gom nước bề mặt trong KCN, thu nước theo dọc các tuyến giao thông chưa được kiên cố.

- Đối với các doanh nghiệp: Đến nay cơ bản các doanh nghiệp đã xây dựng hệ thống rãnh thu gom nước mặt, nước thải, thực hiện lót đáy hồ thu nước tuần hoàn, thu gom nước rỉ từ bãi thải... nhưng vẫn còn để nước thẩm thấu ra môi trường; một số đơn vị chưa có hồ điều hòa nên việc thu gom nước bề mặt chưa hiệu quả.

1.2.2. Để thực hiện tốt việc thu gom nước bề mặt của KCN, các nội dung cần thực hiện gồm:

- Nhiệm vụ đầu tư mới:

+ Làm mới đường T14 qua nhà máy phốt pho Vàng Việt Nam (P5) kéo dài ra Tỉnh lộ 152 cùng với hệ thống thoát nước đồng bộ.

+ Nâng cấp, xây dựng đường T2 từ Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang qua cổng nhà máy phốt pho Đông Nam Á đến nhà máy phốt pho 2 và nối vào Tỉnh lộ 151.

- Nhiệm vụ đối với các doanh nghiệp:

+ Yêu cầu các doanh nghiệp hoàn thành việc xây dựng hệ thống thu gom nước mặt trong mặt bằng nhà máy và có phương án đấu nối với hệ thống thu gom nước thải của KCN (hoàn thành trong năm 2020).

+ Xây dựng các hồ điều hòa trong đơn vị đảm bảo thu gom nước không để thấm, ngấm, thoát ra ngoài (hoàn thành trong năm 2020).

2. Thực hiện kiểm soát có hiệu quả khí thải từ các nhà máy trong KCN

2.1. Các nội dung đã và đang triển khai thực hiện:

2.1.1. Đối với KCN:

- Hiện nay có 01 trạm quan trắc khí thải tự động đang hoạt động ổn định do Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý.

- Việc quan trắc định kỳ được nghiêm túc triển khai thực hiện (4 lần/năm).

2.1.2. Đối với các doanh nghiệp:

- Theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ, có 09 nhà máy phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động với 32 vị trí. Đến hết tháng 9/2019, các doanh nghiệp đã lắp đặt 28/32 vị trí kết nối về Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Theo yêu cầu của UBND tỉnh, có 3 doanh nghiệp phải lắp đặt nhưng hiện có Công ty Cổ phần Nam Tiến lắp đặt xong 01 vị trí. Các đơn vị khác đang triển khai đầu tư (gồm Công ty cổ phần phốt pho vàng Lào Cai (P1); Công ty Cổ phần phốt pho Việt Nam (P2)).

2.2. Các nội dung cần đầu tư và đôn đốc thực hiện theo yêu cầu của Đề án:

- Yêu cầu các đơn vị trong năm 2020 thực hiện lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống quan trắc online, cụ thể:

+ Còn 01 doanh nghiệp chưa thực hiện xong là Công ty TNHH Đông Nam Á Lào Cai (còn 02 vị trí); Dừng việc lắp đặt tại Công ty Cổ phần hóa chất Phúc Lâm còn 02 vị trí (do dừng hoạt động).

+ Đôn đốc các đơn vị nghiêm túc thực hiện việc lắp đặt và truyền số liệu về cơ quan chức năng gồm Công ty Cổ phần Nam Tiến; Công ty Cổ phần phốt pho vàng Lào Cai; Công ty Cổ phần phốt pho Việt Nam.

- Duy trì việc theo dõi hoạt động của hệ thống; kịp thời đôn đốc sửa chữa, bão dưỡng định kỳ đảm bảo hệ thống hoạt động thường xuyên, liên tục.

- Công khai số liệu quan trắc online để phục vụ công tác giám sát.

3. Nội dung quản lý chặt chẽ chất thải rắn tập trung, thiết lập khu xử lý chất thải rắn chung cho KCN

3.1. Quản lý chất thải rắn tại các nhà máy, doanh nghiệp:

3.1.1. Đối với xỉ lò điện phốt pho:

- Theo ĐTM được duyệt, các nhà máy sản xuất phốt pho được lưu chứa tạm thời sau đó chuyển giao để sản xuất xi măng hoặc đóng gạch không nung. Tuy nhiên trên thực tế lượng xỉ trên chưa được các doanh nghiệp xử lý theo đúng cam kết đã phê duyệt, lượng xỉ phát sinh hàng năm khoảng 1 triệu tấn.

- Trong thời gian qua, với chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và đôn đốc của Ban Quản lý Khu kinh tế trong công tác xử lý chất thải rắn công nghiệp, hiện một số nhà nhà máy đã bắt đầu cung cấp xỉ thải cho các nhà máy sản xuất xi măng với khối lượng đã tiêu thụ được 207.000 tấn.

3.1.2. Đối với chất thải gyps:

Theo ĐTM được duyệt đối với các dự án phân bón, chất thải gyps được xử lý làm thạch cao hoặc phụ gia xi măng. Lượng chất thải gyps lưu chứa tại các bãi thải của các doanh nghiệp là 3 triệu tấn, lượng phát sinh hàng năm khoảng 1,2 triệu tấn/năm. Đến nay chỉ có Công ty Đức Giang bước đầu đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm phương án xử lý bã Gyps (công suất khoảng 100.000 tấn/năm).

3.2. Các công việc cần triển khai:

3.2.1. Đối với các doanh nghiệp:

- Tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển giao xỉ phốt pho cho các đơn vị sản xuất xi măng theo ĐTM được duyệt. Từ năm 2020 đảm bảo lượng xỉ phát sinh sẽ được chuyển giao hết không để tập kết tại các nhà máy.

- Thực hiện đổ thải gyps theo đúng ĐTM, nghiên cứu công nghệ xử lý gyps phù hợp.

- Yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp xử lý tro, xỉ, thạch cao để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.

3.2.2. Thiết lập khu xử lý chất thải rắn chung cho KCN:

Trong giai đoạn 2020-2025, thực hiện kêu gọi đầu tư xây dựng 01 nhà máy thu gom, vận chuyển, phân loại và xử lý các loại rác thải cho KCN.

4. Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường tại KCN.

- Hiện nay, đối với các doanh nghiệp thuộc đối tượng phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa ứng phó ứng phó, phòng ngừa sự cố hóa chất, các đơn vị đã hoàn thiện theo quy định. Với đặc thù của KCN Tằng Loỏng, hiện KCN đã được phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, sự cố môi trường. Đây được xem là căn cứ để các ngành, các đơn vị doanh nghiệp triển khai thực hiện các công tác bảo vệ môi trường theo quy định.

- Kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu các doanh nghiệp, nhà máy xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, sự cố môi trường tại đơn vị; thường xuyên tổ chức luyện tập, diễn tập, điều chỉnh kế hoạch, bố trí các điều kiện để chủ động và ứng phó tốt khi có sự cố xảy ra.

5. Nâng cao năng lực quản lý và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường

5.1. Thực hiện có hiệu quả các công cụ quản lý môi trường

- Nâng cao công tác thẩm định đối với các dự án đầu tư mới vào KCN Tằng Loỏng, đặc biệt đối với các yêu cầu về môi trường. Đối với các dự án đã hoạt động nhưng chưa đáp ứng tốt các điều kiện về bảo vệ môi trường, cần lập kế hoạch khắc phục với lộ trình cụ thể trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện.

- Tổ chức kiểm tra, rà soát việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường đối với toàn bộ các dự án đang hoạt động tại KCN.

- Đẩy mạnh công tác đôn đốc, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Lập kế hoạch theo dõi, giám sát và công khai thông tin về chất lượng môi trường tại KCN.

- Thực hiện tốt cơ chế phối hợp quản lý các KCN trên địa bàn, đặc biệt là quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ môi trường.

- Tổ chức vận hành có hiệu quả 02 nhà máy xử lý nước thải, 02 hồ thu gom nước thải tập trung tại KCN.

5.2. Tăng cường công tác truyền thông, đào tạo và nâng cao năng lực bảo vệ môi trường

Tổ chức thường xuyên các khóa đào tạo, tập huấn về quản lý môi trường cho các lực lượng thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Tăng cường phổ biến thông tin cho cộng đồng về bảo vệ môi trường, giới thiệu công nghệ thân thiện môi trường, phổ biến các sáng kiến, mô hình bảo vệ môi trường phù hợp với sản xuất. Bố trí các bộ phận có chuyên môn độc lập, định kỳ tập huấn nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ.

III. Kinh phí thực hiện

1. Ban Quản lý Khu kinh tế xây dựng dự toán kinh phí sử dụng sự nghiệp môi trường hàng năm.

2. Sở Tài chính chủ trì thẩm định dự toán, trình UBND tỉnh xem xét, giao dự toán từ nguồn bảo vệ sự nghiệp môi trường ngân sách tỉnh để triển khai thực hiện. Đề xuất cân đối, tham mưu bố trí vốn làm mới đường T14 qua nhà máy phốt pho Vàng Việt Nam (P5) kéo dài ra tỉnh lộ 152; Nâng cấp, xây dựng đường T2 từ Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang qua cổng nhà máy phốt pho Đông Nam Á, Công ty phốt pho vàng Lào Cai nối vào tỉnh lộ 151.

3. Huy động các doanh nghiệp trong KCN thường xuyên bố trí nguồn kinh phí thích hợp để thực hiện công tác bảo vệ môi trường khi được triển khai.

IV. Tổ chức thực hiện

1. Ban Quản lý Khu kinh tế

- Chủ trì tham mưu, đôn đốc triển khai thực hiện kế hoạch đảm bảo theo đúng tiến độ đề ra.

- Thực hiện gắn kết kế hoạch vào quá trình triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường; cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường KCN.

- Chủ động đề xuất tham mưu các nội dung vượt quá thẩm quyền với các Bộ, ngành, Chính phủ để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án; tham mưu thực hiện hoàn thiện đầu tư cơ sở hạ tầng về môi trường đối với khu công nghiệp Tằng Loỏng: Hệ thống thu gom thoát nước bề mặt, các công trình xử lý nước thải, kiểm soát khí thải, các công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.

- Thường xuyên đánh giá, rà soát sự tuân thủ các quy định về BVMT đối với các doanh nghiệp trong KCN.

- Triển khai, hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp trong KCN Tằng Loỏng xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo đúng quy định của pháp luật.

- Chủ trì, phối hợp các sở, ngành trong công tác thẩm định dự án, đặc biệt đối với dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường xin đầu tư vào KCN Tằng Loỏng.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Định kỳ hàng tháng đôn đốc, tổng hợp báo cáo tiến độ thực hiện Đề án với các Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Thực hiện rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về lĩnh vực quản lý môi trường.

- Đề xuất xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường.

- Công khai thông tin về môi trường của KCN, của các doanh nghiệp đến chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư. Công bố danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng.

- Phối hợp chặt chẽ trong công tác thẩm định dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường xin đầu tư vào KCN Tằng Loỏng.

- Đẩy mạnh công tác đôn đốc, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối của các doanh nghiệp trong KCN.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

3. Công an tỉnh

- Phối hợp với Ban Quản lý khu kinh tế và các đơn vị liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động và công tác bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp trong phạm vi KCN được giao quản lý.

- Thông báo cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý khu kinh tế, UBND cấp huyện nơi có hành vi vi phạm kết quả xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về lĩnh vực môi trường.

4. Sở Giao thông vận tải - Xây dựng

- Tiếp tục tham mưu chỉ đạo hoàn chỉnh quy hoạch KCN gắn với các nội dung về BVMT thực hiện theo Đề án: Tập trung tham mưu chỉ đạo quy hoạch cơ sở hạ tầng đồng bộ bao gồm hệ thống đường giao thông, hệ thống cấp điện, nước, thông tin liên lạc, hệ thống thu gom và xử lý chất thải...

- Tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh về việc quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn tập trung của KCN; nghiên cứu xử lý tro, xỉ phát sinh từ quá trình sản xuất công nghiệp thành nguồn nguyên liệu phục vụ cho ngành vật liệu xây dựng.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong KCN: Hồ phòng ngừa sự cố lưu vực suối Mã Ngan, hồ điều hòa lưu vực Khe Chom.

- Bố trí nguồn vốn hoàn thiện đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng nói chung và cơ sở hạ tầng về môi trường đối với KCN Tằng Loỏng.

- Phối hợp Ban Quản lý khu kinh tế trong công tác thẩm định dự án, đặc biệt đối với dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường xin đầu tư vào KCN Tằng Loỏng.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

6. Sở Khoa học và Công nghệ

- Tăng cường kiểm soát công nghệ cũ, công nghệ lạc hậu còn gây ô nhiễm môi trường hiện nay tại KCN.

- Đẩy mạnh cập nhật, định hướng phát triển công nghệ sạch, công nghệ xử lý chất thải theo hướng vận hành đơn giản, ổn định, tiết kiệm chi phí và xử lý ô nhiễm môi trường đạt hiệu quả cho các doanh nghiệp tại KCN.

- Phối hợp với Ban Quản lý khu kinh tế và các đơn vị liên quan thực hiện giám sát, thanh tra, kiểm tra tình hình hoạt động và công tác bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp trong phạm vi KCN được giao quản lý.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

7. Sở Công Thương

- Chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý khu kinh tế, UBND huyện kiểm soát việc sử dụng an toàn hóa chất, thực hiện các phương án, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.

- Phối hợp với Ban Quản lý khu kinh tế và các đơn vị liên quan thực hiện giám sát, thanh tra, kiểm tra tình hình hoạt động và công tác bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp trong phạm vi KCN được giao quản lý.

8. Sở Tài chính

- Chủ trì tham mưu bố trí các nguồn kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường, khắc phục, xử lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường tại KCN.

- Nguồn vốn thực hiện:

+ Ngân sách nhà nước (bao gồm cả ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn ODA) theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành.

+ Vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước theo quy định hiện hành.

+ Nguồn vốn đóng góp từ các doanh nghiệp trong KCN.

- Tham mưu trình UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, vốn của các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các công trình xử lý môi trường cho KCN.

9. UBND huyện Bảo Thắng

- Tăng cường giáo dục và tuyên truyền để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường.

- Cung cấp và cập nhật thường xuyên những phản ánh, kiến nghị của nhân dân về tình trạng ô nhiễm môi trường trong KCN; đề xuất các nhiệm vụ đảm bảo hạn chế ảnh hưởng của KCN đến dân cư quanh KCN.

- Phối hợp tốt với các ngành có liên quan trong triển khai thực hiện các nội dung Đề án.

10. Các doanh nghiệp, nhà máy tại KCN Tằng Loỏng

- Nghiêm túc thực hiện đúng các cam kết về bảo vệ môi trường theo báo cáo ĐTM, kế hoạch bảo vệ môi trường đã được phê duyệt.

- Nghiên cứu đổi mới công nghệ sản xuất, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường trong hoạt động sản xuất để đạt được hiệu quả sản xuất cao, đồng thời hạn chế gây ô nhiễm ra môi trường; cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư các công trình bảo vệ môi trường theo đúng dự án đã được phê duyệt.

- Nghiêm túc triển khai thực hiện các giải pháp xử lý lượng chất thải rắn phát sinh trong sản xuất theo đúng cam kết và quy định của pháp luật.

- Triển khai thực hiện lắp đặt và duy trì hoạt động thường xuyên, liên tục hệ thống quan trắc online đối với khí thải và nước thải.

- Cân đối bố trí nguồn lực phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương trong việc thực hiện giảm thiểu các tác động đến môi trường và cộng đồng dân cư.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án bảo vệ môi trường chi tiết KCN Tằng Loỏng, UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên-MT;
- TT TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành: KH-ĐT, GTVT&XD, TN&MT, KH&CN, TC; BQLKKT; Công an tỉnh;
- UBND huyện Bảo Thắng;
- Các doanh nghiệp tại KCN;
- Lãnh đạo VP;
- BBT Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu VT, TH3, KT2.

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trịnh Xuân Trường

 





Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu Ban hành: 24/04/2015 | Cập nhật: 04/05/2015