Thông báo số 146/BC-BYT về tình hình bệnh cúm A (H5N1) và các biện pháp phòng, chống dịch
Số hiệu: | 146/BC-BYT | Loại văn bản: | Văn bản khác |
Nơi ban hành: | Bộ Y tế | Người ký: | Đỗ Hán |
Ngày ban hành: | 28/02/2006 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Y tế - dược, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
BỘ Y TẾ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 146/BC-BYT |
Hà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 2006 |
BÁO CÁO
TÌNH HÌNH BỆNH CÚM A (H5N1) VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH (Báo cáo số 76)
Tiếp theo báo cáo số 75 ngày 27/02/2006, Bộ Y tế xin báo cáo tình hình bệnh cúm A(H5N1) và một số biện pháp phòng, chống dịch đã triển khai như sau:
I. Tình hình bệnh cúm A (H5N1) ở người:
1. Tình hình trên Thế giới:
Tại Trung Quốc: Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 27/02/2006: Bộ Y tế Trung Quốc ghi nhận 02 trường hợp mắc mới cúm A(H5N1):
- Trường hợp thứ nhất: Bệnh nhân nữ 9 tuổi, sống ở phía Đông tỉnh Triết Giang, khởi bệnh ngày 10/02/2006 sau khi tới thăm người thân ở tỉnh An Huy. Từ năm 2004 đến nay tỉnh Triết Giang chưa ghi nhận vụ dịch cúm trên gia cầm.
- Trường hợp thứ hai: Nữ công dân 26 tuổi, sống ở tỉnh An Huy, khởi bệnh ngày 11/02/2006 sau khi có tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh. Các nhà chức trách địa phương đã khẳng định gia cầm chết tại nhà hàng xóm bệnh nhân được xét nghiệm dương tính với vi rút cúm A(H5N1).
- Hiện nay cả hai bệnh nhân đều trong tình trạng nguy kịch.
Đến nay, tại Trung Quốc đã có 14 trường hợp mắc cúm A(H5N1), trong đó 08 trường hợp tử vong.
Tại Indonesia: Theo Thông báo Tổ chức Y tế thế giới ngày 27/02/2006, Bộ Y tế Indonesia đã ghi nhận 01 trường hợp mắc mới cúm A(H5N1). Bệnh nhân nữ 27 tuổi, sống ở phía Tây tỉnh Java, khởi bệnh ngày 13/02/2006 và tử vong ngày 20/02/2006.
Cuộc điều tra đã xác định có gia cầm chết tại gia đình hàng xóm trước khi bệnh nhân khởi bệnh 4 ngày.
Đến nay tại Indonesia đã ghi nhận 27 trường hợp mắc, trong đó có 20 trường hợp tử vong.
2. Tình hình trong nước:
Trong ngày 28/02/2006, không ghi nhận trường hợp nào dương tính với cúm A(H5N1).
Tính từ ngày 14/11/2005 đến nay, đã hơn 3 tháng không ghi nhận trường hợp mắc mới.
Kể từ trường hợp mắc cúm A(H5N1) đầu tiên tại Việt Nam (26/12/2003) đến nay đã ghi nhận 93 trường hợp mắc tại 32 tỉnh/thành phố, trong đó có 42 trường hợp tử vong.
II. Các hoạt động phòng chống dịch đã triển khai:
1. Theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh hàng ngày trong nước và trên thế giới, các hoạt động phòng, chống dịch để báo cáo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính Phủ, Ban Khoa giáo Trung ương và thông tin hàng ngày trên trang web của Bộ Y tế.
2. Xây dựng kế hoạch phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện chiến dịch Vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại trên phạm vi cả nước trong tháng 3/2006. Tổ chức thực hiện điểm tại các tỉnh Hà Tây, Tiền Giang, Quảng Nam. Thành lập các đoàn cán bộ để giám sát thực hiện chiến dịch tại các địa phương.
3. Tiếp tục phát hành các nội dung tuyên truyền, cuốn “Cẩm nang phòng chống đại dịch cúm ở người” đến tận xã phường.
4. Tăng cường tổ chức hoạt động giám sát, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Xuân – Hè. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan Thông tấn và báo chí tuyên truyền nhân dân về sử dụng gia cầm sạch, có nguồn gốc, không bị bệnh, có kiểm điểm của cơ quan thú y và đảm bảo vệ sinh cá nhân, tăng cường kiểm tra giám sát sử dụng gia cầm, đề phòng dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ khi nào.
5. Các tỉnh lân cận Hà Nội (Hà Tây, Hà Nam, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc và Hưng Yên) tăng cường giám sát phòng chống dịch, không để dịch xảy ra và lây lan vào Hà Nội Trong thời gian Đại Hội Đảng X
6. Báo cáo chi tiết trình Thủ tướng Chính phủ về tình hình mua sắm trang thiết bị, thuốc, hoá chất, phương tiện phòng, chống dịch đợt I, chuẩn bị kế hoạch mua sắm đợt II.
7. Chuẩn bị báo cáo hoạt động Y tế dự phòng cho đoàn cán Bộ Y tế đi kiểm tra công tác Y tế và dự phòng chống dịch tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Hoà Bình.
8. Triển khai kế hoạch xây dựng Dự án Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm.
9. Triển khai các quy trình thành lập Ban tư vấn chuyên môn về an toàn sinh học của Bộ Y tế.
Bộ Y tế báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ để tiếp tục thực hiện.
Xin trân trọng cảm ơn.
|
TL. BỘ TRƯỞNG |