Kế hoạch 142/KH-UBND năm 2016 xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020
Số hiệu: | 142/KH-UBND | Loại văn bản: | Văn bản khác |
Nơi ban hành: | Tỉnh Thừa Thiên Huế | Người ký: | Nguyễn Dung |
Ngày ban hành: | 19/09/2016 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Giáo dục, đào tạo, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 142/KH-UBND |
Thừa Thiên Huế, ngày 19 tháng 09 năm 2016 |
KẾ HOẠCH
XÂY DỰNG TRƯỜNG HỌC ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
Thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 25 tháng 4 năm 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VI về Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2015 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Quyết định số 1215/QĐ-BGDĐT ngày 04 tháng 4 năm 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình hành động của Ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2011 - 2020 và Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 với một số nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Xây dựng hệ thống mạng lưới trường học phát triển hoàn chỉnh, đảm bảo đủ diện tích, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học đồng bộ; đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, tâm huyết với nghề nghiệp; huy động được nhiều nguồn lực xã hội cùng tham gia vào công tác giáo dục và đào tạo; tăng nhanh số trường đạt chuẩn quốc gia ở tất cả các cấp học, bậc học, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về giáo dục toàn diện nhằm xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao của khu vực và cả nước.
2. Mục tiêu cụ thể: Đến hết năm học 2019 - 2020 toàn tỉnh phấn đấu có 80,3% trường ở các cấp học, bậc học đạt chuẩn quốc gia, cụ thể:
- Bậc học mầm non: Có 70,5% trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó 10,6% (22/207 trường) đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
- Cấp tiểu học: Có 89,4% trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó 23,5% (51/217 trường) đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
- Cấp trung học cơ sở (THCS): Có 81,7% (107/131 trường) đạt chuẩn quốc gia;
- Cấp trung học phổ thông (THPT): Có 77,5% (31/40 trường) đạt chuẩn quốc gia;
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
a) Tổ chức tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan quản lý giáo dục, cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh các cơ sở giáo dục để làm rõ vai trò, ý nghĩa của nhiệm vụ xây dựng và phát triển trường đạt chuẩn quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
b) Nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, của các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường, của gia đình và cộng đồng trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển trường học đạt chuẩn quốc gia.
2. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các tiêu chí về trường học đạt chuẩn quốc gia
a) Về tiêu chuẩn đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên và nhân viên:
- Xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên và nhân viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
- Đổi mới cơ chế quản lí, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục các cấp, nâng cao năng lực bộ máy quản lí; đẩy mạnh thanh tra giáo dục; xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống thông tin quản lý giáo dục.
- Tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ theo quy định cho cán bộ quản lý các ngành học, cấp học; tổ chức và kiểm tra, đánh giá việc thực hiện kế hoạch.
- Thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ; đẩy mạnh công tác luân chuyển, sắp xếp, bố trí, phân công lại cán bộ quản lý.
- Phát huy vai trò của hội đồng chuyên môn, tổ bộ môn trong việc hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên, đẩy mạnh việc trao đổi kinh nghiệm trong giảng dạy. Khuyến khích việc tự học, tự bồi dưỡng thường xuyên để cập nhật kiến thức, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.
- Rà soát, sàng lọc lại đội ngũ giáo viên chưa đủ phẩm chất năng lực để bồi dưỡng và tự bồi dưỡng đảm bảo đủ phẩm chất và năng lực theo quy định. Tăng cường tổ chức tốt hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp.
- Bố trí đủ số nhân viên trường học; đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhân viên, nhất là cán bộ phụ trách các phòng chức năng (thư viện, thiết bị dạy học, y tế học đường...)
b) Về tiêu chuẩn chất lượng giáo dục:
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương đổi mới phương pháp dạy và học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, xem đây là khâu đột phá để nâng cao chất lượng và kết quả học tập của học sinh, hạn chế tình trạng bỏ học, kích thích sự năng động sáng tạo của giáo viên trong giảng dạy. Chú trọng tập huấn trang bị cho giáo viên về kiến thức và kĩ năng dạy học tích hợp trong nhà trường phổ thông.
- Nâng cao chất lượng giáo dục ở các lớp, cấp học nền tảng (mẫu giáo 5 tuổi, lớp 1 và bậc tiểu học, các lớp đầu cấp bậc trung học). Tập trung thực hiện các giải pháp để tạo chuyển biến mạnh mẽ việc dạy học ngoại ngữ trong trường phổ thông, giúp học sinh phát triển toàn diện các kĩ năng trong học ngoại ngữ, tăng cường khả năng giao tiếp thực tiễn có hiệu quả tốt cho học sinh.
- Đầu tư và tăng cường việc quản lý sử dụng trang thiết bị dạy học, ưu tiên mạnh cho ngành học mầm non và cấp THCS. Phát huy hiệu quả của phòng học bộ môn, thư viện, thiết bị, phòng chức năng khác để hỗ trợ tích cực cho dạy học.
- Giữ vững kỷ cương, nề nếp trong các hoạt động giáo dục của nhà trường; phát huy hơn nữa mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống của học sinh; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tệ nạn xã hội xâm nhập vào học đường, bạo lực học đường.
c) Về tiêu chuẩn quy mô trường lớp, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học:
- Quy mô trường lớp: Quy hoạch mạng lưới trường lớp hợp lí ổn định lâu dài, phù hợp với mức độ biến động dân số và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Đẩy mạnh công tác huy động tài chính, tăng cường cơ sở vật chất trường học. Tăng cường phân bổ vốn đầu tư của tỉnh từ nguồn vốn cho các trường đăng ký đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; khai thác nguồn vốn hợp tác quốc tế, viện trợ và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cho lĩnh vực giáo dục đào tạo. Ban hành quy chế quản lý, sử dụng cơ sở vật chất - kỹ thuật của trường học các cấp.
- Đảm bảo diện tích đất cho các cơ sở giáo dục theo quy định.
d) Về xã hội hóa công tác giáo dục:
Tiếp tục nâng cao nhận thức và thực hiện tốt phương châm “giáo dục là sự nghiệp toàn dân”. Huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia hoạt động giáo dục trên tất cả các mặt: giáo dục văn hóa và đạo đức cho học sinh; tham gia các hoạt động quản lý giáo dục; đầu tư phát triển trường, lớp, cơ sở vật chất trường học, cụ thể:
- Củng cố và nâng cao chất lượng hội đồng giáo dục các cấp, nhất là cấp xã (phường, thị trấn). Trong đó, trách nhiệm chính thuộc về UBND các cấp, với sự tham mưu tích cực của ngành Giáo dục và Đào tạo. Phát huy sự hỗ trợ tích cực của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên về hướng dẫn quần chúng cùng tham gia đóng góp theo khả năng vào công tác giáo dục tại địa phương. Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp để đầu tư phát triển giáo dục, xây dựng phong trào xã hội học tập, phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, phong trào khuyến học khuyến tài. Gắn trách nhiệm hạn chế tỷ lệ học sinh bỏ học với danh hiệu thi đua của địa phương.
- Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường và gia đình, trong đó nhà trường đóng vai trò chủ động. Cải tiến nội dung các cuộc họp với cha mẹ học sinh để lấy ý kiến đóng góp từ học sinh và cha mẹ học sinh.
- Xây dựng cơ chế giám sát giữa các lực lượng xã hội tại địa phương với nhà trường trong tất cả các hoạt động, tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động toàn diện của nhà trường.
- Tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, thực hiện tốt sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong việc nâng cao hiệu quả công tác giáo dục.
- Phát huy vai trò tích cực của Hội Khuyến học các cấp nhằm hỗ trợ tích cực cho học sinh vượt khó để vươn lên trong học tập.
3. Kinh phí và quỹ đất đầu tư thực hiện
a) Kinh phí: nguồn kinh phí dự án, nguồn ngân sách địa phương, nguồn chương trình mục tiêu quốc gia và dự toán thường xuyên hàng năm.
Căn cứ nội dung Kế hoạch, hàng năm các đơn vị, địa phương lập dự toán cụ thể gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
b) Tổng diện tích đất để thực hiện Kế hoạch: dự kiến khoảng 233.644 m2.
c) Quan điểm đầu tư:
- Kinh phí thực hiện Kế hoạch được cân đối từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia và dự toán chi thường xuyên hàng năm theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.
- Thực hiện đầu tư theo đúng yêu cầu chuẩn hóa về cơ sở vật chất trường học, giúp các trường có đủ điều kiện thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học. Hướng đến việc xây dựng một số trường có chất lượng cao ở tất cả các ngành học, cấp học, cung cấp các dịch vụ giáo dục có chất lượng tốt.
- Thực hiện đảm bảo theo đúng Quy hoạch phát triển giáo dục của tỉnh. Sắp xếp lại để các trường có quy mô không vượt quá theo quy định hoặc có quá ít lớp, giảm sỉ số học sinh/lớp ở các trường khu vực thành thị. Hình thành hệ thống trường dịch vụ chất lượng cao (tư thục) để giảm bớt sức ép gây quá tải cho một số trường công lập.
- Đầu tư hoàn thiện và đúng chuẩn trường học theo điều lệ. Trên cơ sở Quy hoạch được duyệt, triển khai việc quy hoạch quỹ đất công dành cho phát triển giáo dục và đào tạo, qua đó thực hiện mở rộng diện tích đủ chuẩn, điều chỉnh điểm trường phù hợp, bảo đảm có sân chơi, bãi tập cho học sinh. Chú trọng mở rộng số lượng và đảm bảo chất lượng các công trình vệ sinh, nước sạch.
- Tổ chức rà soát, điều chuyển và bổ sung trang thiết bị dạy học, giúp nhà trường phát huy tốt những thiết bị đã đầu tư, không để xảy ra tình trạng lãng phí.
- Phân định rõ trách nhiệm trong đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, cụ thể:
+ Ngân sách tỉnh đầu tư cơ sở vật chất cho các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo và hỗ trợ một phần đầu tư cơ sở vật chất cho các đơn vị trên địa bàn các huyện, thị xã và thành phố Huế.
+ Ngân sách huyện, thị xã và thành phố Huế ưu tiên bố trí lồng ghép các nguồn lực địa phương; huy động xã hội hóa để tập trung đầu tư các cơ sở lựa chọn xây dựng đạt chuẩn; tập trung đầu tư cho xây dựng cơ bản.
Đối với các dự án đã được đầu tư từ nguồn kiên cố hóa trường học, lớp học, nguồn chương trình mục tiêu, nguồn hỗ trợ khác từ trung ương và các chương trình dự án khác: tập trung vào các mục phụ trợ như hệ thống nước sạch, khu vệ sinh, nhà xe, hàng rào, cổng trường, biển tên trường, cây bóng mát, thảm cỏ, đường nội bộ....
- Thực hiện quy hoạch tổng thể đến 2020, định hình ở tất cả các trường học có đầu tư xây dựng, không để tình trạng xây dựng mang tính đối phó, chủ quan, làm phá vỡ cảnh quan nhà trường. Việc đầu tư có trọng điểm, dứt điểm từng hạng mục công trình, không dàn trải nhiều năm làm ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học. Mỗi huyện, thị xã và thành phố có hướng đầu tư ít nhất 01 trường/mỗi cấp học có điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, đạt chuẩn, làm cơ sở để thể nghiệm các phương pháp dạy và học hiện đại.
III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
a) Chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành và cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch cho giai đoạn và từng năm để triển khai thực hiện.
b) Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trong toàn ngành. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông xây dựng và triển khai kế hoạch trường đạt chuẩn quốc gia ở đơn vị.
c) Tổ chức sơ kết, tổng kết theo định kỳ để đánh giá tiến độ thực hiện kế hoạch nhằm bổ sung, điều chỉnh để đảm bảo thực hiện tốt Kế hoạch, phù hợp với thực tiễn.
c) Trên cơ sở các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển giáo dục và đào tạo, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu cân đối, bố trí nguồn vốn và phân kỳ tổ chức thực hiện đảm bảo yêu cầu về thực hiện nhiệm vụ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo cân đối vốn và lồng ghép các nguồn lực đầu tư, tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí để thực hiện kế hoạch hàng năm và của cả giai đoạn.
3. Sở Tài chính
Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo cân đối dự toán ngân sách, tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí để thực hiện.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huệ lập quy hoạch và bố trí quỹ đất đảm bảo đủ điều kiện xây dựng trường đạt chuẩn theo quy định.
b) Phối hợp với Sở Xây dựng và Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND tỉnh thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở các cơ sở trường học không có khả năng đạt chuẩn để có điều kiện tập trung đầu tư hình thành các cơ sở giáo dục quy mô lớn.
5. Sở Nội vụ
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế cân đối biên chế để tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch biên chế cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục hàng năm, đảm bảo thực hiện tốt Kế hoạch.
6. Sở Xây dựng
a) Chủ trì và phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các Sở ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế tham mưu UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch xây dựng mạng lưới, hệ thống trường học gắn liền quy mô đô thị, quy hoạch nông thôn mới theo hướng đạt chuẩn về cơ sở vật chất gắn liền với sử dụng đất.
b) Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới trường học của các địa phương trên địa bàn tỉnh.
7. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí tổ chức tuyên truyền việc triển khai kế hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia.
8. Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế
a) Chủ trì xây dựng kế hoạch cụ thể hóa để tổ chức triển khai; hàng năm, báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện Kế hoạch về UBND tỉnh qua Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp.
b) Phối hợp với các Sở, Ngành lập quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch nông thôn mới gắn liền với quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp học theo hướng đạt chuẩn về quy mô, diện tích đất sử dụng.
c) Chủ động cân đối ngân sách địa phương, huy động và lồng ghép các nguồn lực đầu tư trên địa bàn, tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng các cơ sở trường học, bồi dưỡng phát triển đội ngũ cán bộ giáo viên đảm bảo thực hiện đạt mục tiêu Kế hoạch đề ra và đúng quy định.
9. Đề nghị Hội Khuyến học tỉnh phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế triển khai có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch.
Trên đây là Kế hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, đề nghị các đơn vị, địa phương có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Quyết định 1215/QĐ-BGDĐT năm 2013 về Chương trình hành động của ngành Giáo dục thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2011-2020, Kết luận 51-KL/TW và Chỉ thị 02/CT-TTg về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Ban hành: 04/04/2013 | Cập nhật: 08/04/2013