Kế hoạch 129/KH-BGDĐT ban hành kế hoạch hành động vì trẻ em của ngành giáo dục giai đoạn 2013-2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Số hiệu: 129/KH-BGDĐT Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo Người ký: Nguyễn Thị Nghĩa
Ngày ban hành: 07/02/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo, Dân số, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 129/KH-BGDĐT

Hà Nội, ngày 07 tháng 02 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG VÌ TRẺ EM CỦA NGÀNH GIÁO DỤC GIAI ĐOẠN 2013 - 2020

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19/03/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ các nhiệm vụ giao cho ngành Giáo dục thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 1555/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/10/2012;

Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch hành động vì trẻ em giai đoạn 2013 - 2020, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện nhằm thực hiện tốt hơn quyền của trẻ em, đảm bảo sự công bằng xã hội trong giáo dục và cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em.

2. Mục tiêu cụ thể

- Hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2015; đến năm 2020 có ít nhất 30% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 80% trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trong các cơ sở giáo dục mầm non giảm xuống dưới 10%.

- Nâng cao kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở; đến năm 2020, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học là 99%, trung học cơ sở là 95% và 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương; có 70% trẻ em khuyết tật được đi học.

- Kết quả xóa mù chữ được củng cố bền vững. Đến năm 2020, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 trở lên là 98% và tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 35 là 99% đối với cả nam và nữ.

- Duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt chất lượng giáo dục văn hóa, đạo đức, kỹ năng sống, pháp luật, ngoại ngữ, tin học; tăng cường dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân.

- Hỗ trợ học sinh người dân tộc thiểu số, học sinh ở vùng khó khăn có điều kiện đến trường.

II. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG

1. Phạm vi: Kế hoạch được triển khai tại 100% các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

2. Thời gian: từ 2013 - 2020

- Năm 2015: Tổ chức Hội nghị Sơ kết.

- Năm 2020: Tổ chức Hội nghị Tổng kết.

3. Đối tượng: Trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giáo dục trẻ em và thực hiện quyền trẻ em

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng về mục đích, ý nghĩa của giáo dục trẻ em và thực hiện quyền trẻ em.

- Bổ sung nội dung giáo dục về quyền và bổn phận trẻ em, trách nhiệm công dân, giáo dục kỹ năng sống bằng nhiều hình thức lồng ghép, tích hợp vào các chương trình chính khóa, ngoại khóa, các môn học phù hợp trong các cơ sở giáo dục, một số văn bản hướng dẫn thường xuyên của ngành về xây dựng môi trường học tập, quản lý nhà trường; tích hợp vào các hoạt động, phong trào của ngành: xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; công tác thi đua khen thưởng; công tác xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích; giáo dục kĩ năng sống trong trường mầm non, phổ thông. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật của ngành Giáo dục.

2. Quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp, tăng tỷ lệ huy động trẻ em học sinh đến trường

- Quy hoạch phát triển mạng lưới trường mầm non và phổ thông phù hợp, tạo điều kiện cho trẻ em đến trường.

- Thực hiện tốt ngày toàn dân đưa trẻ em đến trường.

- Tăng tỉ lệ huy động trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em dân tộc thiểu số đến trường.

3. Nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học

- Đổi mới nội dung chương trình phương pháp dạy học, thực hiện có chất lượng chương trình giáo dục mầm non mới, xây dựng chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015.

- Đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.

- Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.

- Thực hiện có hiệu quả các đề án, chương trình về giáo dục và đào tạo:

+ Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020.

+ Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

+ Đề án phát triển trường chuyên, Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào giai đoạn 2012-2015, 2016-2020.

+ Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020 (Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ).

- Xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ số lượng, đảm bảo chất lượng mới để thực hiện toàn diện chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non.

4. Tăng cường hỗ trợ phát triển giáo dục đối với vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, đối tượng chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

- Tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.

- Dạy tiếng dân tộc thiểu số theo Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 07 năm 2010 của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.

- Củng cố, phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú.

- Thực hiện các chính sách học bổng, miễn, giảm học phí đối với các đối tượng chính sách, học sinh dân tộc, trẻ em khó khăn.

5. Ưu tiên ngân sách cho công tác giáo dục trẻ em

Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành chủ động tham mưu với Chính phủ đảm bảo kinh phí thực hiện các chế độ chính sách trong giáo dục và đào tạo: miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, chế độ học bổng, chế độ hỗ trợ học tập đối với trẻ em, học sinh...; đặc biệt là đối với trẻ em, học sinh thuộc đối tượng chính sách. Về cơ bản, ngân sách chi cho giáo dục tăng hàng năm, đã đạt mức 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước trước thời hạn dự kiến một năm, cụ thể một số nguồn:

- Nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo: mỗi năm khoảng trên 4.000 tỷ, có các đề án, dự án sau:

+ Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015.

+ Dự án tăng cường dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân.

+ Dự án hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng khó khăn, hỗ trợ cơ sở vật chất trường chuyên, trường sư phạm.

+ Dự án xây dựng chỉ số giám sát, đánh giá chương trình, phổ biến hệ thống giám sát, đánh giá.

- Ngân sách Nhà nước khoảng trên 170 nghìn tỷ đồng, nguồn xã hội hóa khoảng trên 50 nghìn tỷ đồng.

- Các nguồn xã hội hóa.

6. Hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến trẻ em và quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em người dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

+ Xây dựng chính sách về giáo dục người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật.

+ Xây dựng chính sách cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số.

+ Bổ sung sửa đổi Quyết định số 2123/2010/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 - 2015.

+ Rà soát, bổ sung định mức chính sách cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số.

7. Hợp tác quốc tế về giáo dục

- Củng cố các mối quan hệ hợp tác đã có, đồng thời tìm kiếm các khả năng hợp tác mới theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ với các tổ chức quốc tế, các tổ chức của Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế trong công tác giáo dục vì trẻ em.

- Tăng cường phổ biến, nâng cao kiến thức và kỹ năng về giáo dục vì trẻ em cho các công nhân Việt Nam lao động ở nước ngoài, các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thông qua các hình thức hợp tác song phương với các tổ chức vì trẻ em các nước.

- Xây dựng cơ chế phối hợp hành động giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các nước trong khu vực và trên thế giới, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế trong việc triển khai Kế hoạch.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các đơn vị chức năng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo

1.1. Vụ Công tác học sinh, sinh viên: là đơn vị chủ trì đầu mối về công tác giáo dục trẻ em. Hằng năm, các hoạt động được đảm bảo kinh phí từ nguồn ngân sách chi cho sự nghiệp giáo dục nhằm thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, lập kế hoạch, giám sát, đánh giá về công tác giáo dục trẻ em theo phân công nhiệm vụ tại Quyết định số 1555/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

1.2. Vụ Kế hoạch Tài chính:

Hằng năm, căn cứ vào các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng chính phủ về giáo dục và đào tạo, về phát triển kinh tế - xã hội các vùng, Vụ Kế hoạch - Tài chính lập kế hoạch và có văn bản hướng dẫn các sở giáo dục và đào tạo xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển giáo dục và đào tạo hằng năm, trong đó có nhấn mạnh đến các nội dung hướng đến thực hiện các mục tiêu của Quyết định số 1555/QĐ-TTg , cụ thể như sau:

- Định hướng phát triển giáo dục và đào tạo thông qua các nhiệm vụ trọng tâm: thực hiện phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi và triển khai các chính sách phát triển giáo dục mầm non; các đề án, dự án về phát triển trường chuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, tăng cường năng lực dạy và học ngoại ngữ, tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; bảo đảm thực hiện các chính sách về phát triển.

- Xác định các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch trên từng nội dung: chỉ tiêu phát triển sự nghiệp; điều kiện bảo đảm thực hiện (đội ngũ, cơ sở vật chất, tài chính...). Chỉ tiêu kế hoạch phải được xây dựng theo nguyên tắc bảo đảm tính toàn diện (cả về tiếp cận giáo dục, tiếp cận chất lượng và tiếp cận về quản lý) và tính cụ thể, rõ ràng, có thể đánh giá được, có khung thời gian thực hiện, bảo đảm tính khả thi.

- Hướng vào việc giải quyết những bất bình đẳng trong giáo dục để đảm bảo sự tiếp cận và giáo dục hòa nhập có chất lượng cho nhóm trẻ em dễ bị tổn thương như trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật, trẻ di cư và lao động sớm. Đặc biệt là trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dân tộc bán trú, giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ, đánh giá và lập kế hoạch sớm về giáo dục cho trẻ khuyết tật và đánh giá trẻ 5 tuổi dựa trên chuẩn học tập và phát triển sớm.

1.3. Các Vụ cục có liên quan: theo chức năng nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu của kế hoạch hành động vì trẻ em của ngành.

2. Các địa phương

- Các sở giáo dục và đào tạo tham mưu đưa chỉ tiêu phát triển giáo dục và đào tạo vào chương trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

- Xây dựng kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu của kế hoạch hành động vì trẻ em của ngành.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ LĐ-TB&XH;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Sở GD&ĐT (để t/h);
- Các Vụ bậc học, Vụ KHTC, Vụ Pháp chế, Vụ Giáo dục Dân tộc, Cục Nhà giáo & CBQLCSGD, Cục Cơ sở vật chất & TBTH ĐCTE (để t/h);
- Lưu: VT, Vụ CT HSSV.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Nghĩa