Kế hoạch 128/KH-UBND năm 2020 về thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Số hiệu: 128/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp Người ký: Phạm Thiện Nghĩa
Ngày ban hành: 05/06/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài chính, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 128/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 05 tháng 6 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC TÀI CHÍNH TOÀN DIỆN QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Ngày 22 tháng 01 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược tài chính toàn diện).

Để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp Chiến lược tài chính toàn diện theo từng giai đoạn, thực hiện thành công mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể của Chiến lược tài chính toàn diện, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện, bao gồm những nội dung trọng tâm như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu và chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến nhóm đối tượng mục tiêu là những người chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính như: Người sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác; doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh.

2. Yêu cầu

- Quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm và mục tiêu mà Chiến lược tài chính toàn diện đã đề ra để thực hiện có hiệu quả.

- Cụ thể hoá các yêu cầu trong việc tổ chức thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện; thể hiện tính chủ động, sáng tạo của các đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra tại Chiến lược tài chính toàn diện.

- Đảm bảo sự nhất quán với việc tổ chức thực hiện các chương trình hành động của Chính phủ trong việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng, các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của Tỉnh.

II. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Triển khai kịp thời các chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu tài chính toàn diện.

2. Phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản một cách thuận tiện, chi phí hợp lý.

3. Phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến những đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện.

4. Hoàn thiện và tăng hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng tài chính, tạo điều kiện giảm phí giao dịch, đáp ứng yêu cầu thúc đẩy tài chính toàn diện.

5. Giáo dục tài chính, nâng cao năng lực và kiến thức tài chính; bảo vệ người tiêu dùng tài chính.

6. Các giải pháp hỗ trợ khác.

III. PHÂN CÔNG TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố

- Đẩy mạnh thực hiện thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước và có nguồn gốc ngân sách nhà nước bằng phương pháp thanh toán không dùng tiền mặt cho người hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và người cung cấp hàng hoá, dịch vụ.

- Đẩy mạnh thanh toán bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp đối với thu, nộp thuế, phí, lệ phí và khoản thu khác vào ngân sách nhà nước.

2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Tháp

- Chủ trì, tổ chức triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện đảm bảo đúng tiến độ và hiệu quả.

- Khuyến khích các Chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn mở rộng mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch và sắp xếp, phát triển hợp lý mạng lưới ATM, POS ở vùng nông thôn.

- Khuyến khích phát triển hệ thống các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô hoạt động an toàn, hiệu quả, mở rộng sự tiếp cận dịch vụ tài chính cho người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ, các doanh nghiệp siêu nhỏ.

- Tiếp tục chấn chỉnh, củng cố toàn diện về tài chính, quản trị và hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân hiện có trên địa bàn và mở rộng vững chắc các quỹ tín dụng nhân dân mới ở khu vực nông thôn, đảm bảo an toàn, hiệu quả.

- Chỉ đạo các Chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện:

+ Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, tạo điều kiện cho những đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

+ Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh, sản xuất nông nghiệp, nông thôn.

+ Tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động ngân hàng điện tử.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò và ý nghĩa của tài chính toàn diện, các chương trình truyền thông giáo dục, phổ biến kiến thức tài chính đến các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính, người dân và doanh nghiệp.

- Triển khai các chương trình nhằm cung cấp thông tin cho người dân hiểu rõ về lợi ích, chi phí, rủi ra cùng phương thức quản lý và sử dụng hiệu quả các sản phẩm, dịch vụ tài chính theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo

Triển khai lồng ghép nội dung giáo dục tài chính vào chương trình giáo dục phổ thông quốc gia.

5. Bảo hiểm xã hội Tỉnh

Đẩy mạnh thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Triển khai lồng ghép các mục tiêu tài chính toàn diện vào các chương trình xây dựng nông thôn mới.

7. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Hỗ trợ các tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.

IV. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

Các sở, ngành, đơn vị định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch, gửi về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Tháp để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Tháp là cơ quan Thường trực, đôn đốc, theo dõi, tổng hợp tình hình, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh để chỉ đạo, thực hiện Kế hoạch./.

 

 

Nơi nhận:
- Ngân hàng Nhà nước VN;
- Đơn vị được phân công;
- Chủ tịch và các PCT/UBND Tỉnh;
- Lãnh đạo VP/UBND Tỉnh;
- Lưu: VT, KT-HSĩ (32 bản).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Thiện Nghĩa