Kế hoạch 126/KH-UBND năm 2017 thực hiện Đề án xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm
Số hiệu: | 126/KH-UBND | Loại văn bản: | Văn bản khác |
Nơi ban hành: | Tỉnh Phú Yên | Người ký: | Hoàng Văn Trà |
Ngày ban hành: | 27/07/2017 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Trật tự an toàn xã hội, Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 126/KH-UBND |
Phú Yên, ngày 27 tháng 7 năm 2017 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM
Thực hiện Quyết định số 1240/QĐ-BCA-V19 ngày 21/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Công an về phê duyệt Đề án xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm (gọi tắt là Đề án); UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích: Quán triệt, phổ biến kịp thời, đầy đủ các nội dung của Đề án xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm để các sở, ngành, đoàn thể và địa phương nghiên cứu nắm vững và xác định được tầm quan trọng của việc triển khai thực hiện. Đồng thời xác định rõ nhiệm vụ và phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, đoàn thể và địa phương trong thực hiện Đề án.
2. Yêu cầu: Đảm bảo hoàn thành các nội dung công việc được phân công đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng và đạt được mục tiêu đề ra của Đề án. Triển khai thực hiện Đề án phải đảm bảo thiết thực, chất lượng, thống nhất, khả thi và mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, đoàn thể và địa phương trong quá trình xây dựng, thực hiện và hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tội phạm
a) Nội dung:
- Tổ chức rà soát, tập hợp, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tội từ trước đến nay; thống kê những văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ để phù hợp với Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và các luật khác có liên quan để kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành đảm bảo toàn diện, đồng bộ, khả thi.
- Khảo sát, tổng kết, đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức các hội nghị tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác tham gia xây dựng, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tội phạm.
b) Cơ quan thực hiện:
- Công an tỉnh chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức các nội dung nêu trên liên quan đến phòng, chống tội phạm thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành Công an.
- Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chủ trì hoặc phối hợp thực hiện các nội dung nêu trên.
2. Triển khai thi hành pháp luật về phòng, chống tội phạm
a) Nội dung:
- Tổ chức tập huấn chuyên sâu về Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tội phạm khác có liên quan.
- Đối tượng tham gia: Cán bộ chủ chốt của Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Trại Tạm giam, Viện Kiểm sát, Tòa án; Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán ở các đơn vị chuyên trách phòng, chống tội phạm; các báo cáo viên pháp luật của Công an tỉnh; đại diện các đơn vị chuyên trách của các lực lượng: Quân sự, Biên phòng, Thanh tra, Kiểm lâm, Hải quan, Quản lý thị trường, Cảnh sát giao thông…
b) Cơ quan thực hiện:
- Công an tỉnh chủ trì tổ chức thực hiện các nội dung nêu trên liên quan đến phòng, chống tội phạm thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành Công an.
- Sở Tư pháp chủ trì thực hiện các nội dung theo chức năng phần có liên quan đến Bộ luật Hình sự năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
- Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh chủ trì thực hiện các nội dung theo chức năng phần có liên quan đến Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và các văn bản liên quan.
- Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh; các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ trì hoặc phối hợp thực hiện các nội dung nêu trên.
3. Theo dõi tình hình thi hành pháp luật về phòng, chống tội phạm
a) Nội dung:
- Tổ chức các hội nghị cán bộ chủ chốt của các cơ quan có liên quan về nâng cao chất lượng công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật về phòng, chống tội phạm.
- Khảo sát tình hình thi hành, tổ chức và theo dõi thi hành pháp luật về phòng, chống tội phạm theo các nội dung: Tình hình ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, văn bản chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; hiệu quả công tác phổ biến pháp luật; tính hợp lý của các văn bản quy phạm pháp luật; mức độ tuân thủ văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan, tổ chức và cá nhân; tác động của văn bản quy phạm pháp luật đối với đời sống xã hội; kiểm tra, xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật. Phạm vi khảo sát, kiểm tra ở một số địa phương, đơn vị trọng điểm sẽ xác định theo từng năm; trong đó tập trung thực hiện nhiệm vụ theo dõi, đánh giá hiệu quả tình hình thi hành pháp luật về phòng, chống tội phạm ở cơ quan, đơn vị như: Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
- Tổ chức các hội nghị tập huấn về nghiệp vụ theo dõi, đánh giá hiệu quả tình hình thi hành pháp luật về phòng, chống tội phạm, với đối tượng tham gia tập huấn là: cán bộ chủ chốt của Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án; cán bộ chuyên trách theo dõi thi hành pháp luật về phòng, chống tội phạm của các ngành: Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Kiểm sát, Tòa án, Hải quan, Kiểm lâm…
b) Cơ quan thực hiện:
- Công an tỉnh chủ trì tổ chức thực hiện các nội dung nêu trên liên quan đến phòng, chống tội phạm thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành Công an.
- Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ trì hoặc phối hợp thực hiện các nội dung nêu trên.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thời gian thực hiện Đề án: Từ năm 2017 đến năm 2020.
2. Cơ quan chủ trì thực hiện các hoạt động của Đề án: Công an tỉnh.
3. Cơ quan phối hợp thực hiện Đề án: Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh; các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố.
4. Phân công thực hiện
- Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố có liên quan thực hiện Đề án; chủ trì, phối hợp tham gia xây dựng hoặc tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh.
- Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện hoặc phối hợp thực hiện các hoạt động của Đề án; chủ trì hoặc tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thi hành các luật có liên quan đến phòng, chống tội phạm; theo dõi việc thi hành pháp luật phòng, chống tội phạm trong phạm vi, lĩnh vực quản lý được giao.
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện hoặc phối hợp thực hiện các hoạt động của Đề án; chủ trì tham mưu hoặc tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa các quy định của pháp luật có liên quan đến phòng, chống tội phạm ở địa phương; theo dõi việc thi hành pháp luật phòng, chống tội phạm trong phạm vi, lĩnh vực quản lý được giao.
5. Kinh phí bảo đảm thực hiện Đề án
- Kinh phí triển khai thực hiện Đề án xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm do ngân sách nhà nước bảo đảm trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác; chú trọng kết hợp hiệu quả giữa kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu của từng sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương.
- Khi triển khai thực hiện Đề án, các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương sẽ dự toán chi tiết kinh phí cho từng năm trên cơ sở các hoạt động cụ thể nêu trong Đề án được phê duyệt.
Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch này; định kỳ tổng hợp tình hình và kết quả báo cáo Bộ Công an, UBND tỉnh theo quy định./.
Nơi nhận: |
CHỦ TỊCH |